NHỚ BA
Đọc những bài viết về ông
đồ, mình thấy nhớ Ba mình quá! Không biết Ba của
mình có phải là ông đồ hay không vì mình hiểu vẫn
còn mơ hồ về khái niệm này (Mình thắc mắc:
khái niệm "Ông đồ" và ông "Thầy đồ"
có đồng nhất với nhau không?). Chỉ biết rằng
Ba là người thâm nho, thích văn chương, thơ phú.
Vào thời mình khoảng 4-6 tuổi, Ba có dạy chữ nho
cho một người học trò-anh Lễ. Anh ăn ở
hẵn trong nhà mình, mình rất thích vì tự nhiên có ông anh
khơi khơi. Những khi anh đi đào dế cơm thì
mình đi theo coi và thường giành xách
cái ấm cũ đựng dế. Mình nhớ, lúc đó, ai
đi học chữ nho là bị những cô gái trẻ chê là
"ông già xưa", anh cũng bị gọi như vậy.
Đúng là thời "nho học suy tàn".
Những ngày cận tết, dù bán buôn bận rộn,
nhưng Ba vẫn vui vẻ viết liễng cho những ai
có nhu cầu. Những câu đối trên liễng là do Ba tự
nghĩ ra, khi được những câu đối hay, Ba
thích chí đọc to lên chia sẻ với con cái. Ba còn vẽ
mấy là bùa dựng nêu trên giấy hồng đơn tặng
cho bà con xóm giềng. Trong xã và cả những xã lân cận,
nhà nào có đám tang cũng đến rước Ba đi
để vẽ mấy miếng vải thờ, xem ngày giờ
nhập quan, động quan,... Ngoài ra, Ba còn giúp người
ta xem mạch và ra toa (bằng chữ nho) để người
ta tự đi hốt thuốc,...Tất
cả những việc đó Ba chỉ làm giùm bà con chứ
không lấy tiền công. Ba thường bảo: "Nghèo chết
bỏ chứ Ba không bán chữ. Đời cha bán chữ thì
đời con cái học dở và nghèo lắm!".
Theo lời Ba kể, hồi nhỏ Ba học chữ nho với
ông nội, sau đó học lóm chữ quốc ngữ chỉ
được đúng một tháng. Vậy mà, Ba viết chữ
rõ ràng, đẹp, rất ít sai chính tả nhờ ba thường
để ý khi đọc sách (cuốn Minh Tâm Bửu Giám và
các cuốn truyện, thơ, văn, sử,...)
và thường hỏi các con khi thắc mắc để
phân biệt; Biết, nhớ và kể rất hấp dẫn
nhiều câu chuyện sử, văn chương đông-tây
kim-cổ. Ta tự hào Ba của ta là người quí chữ
nghĩa và coi trọng sự học của con cái. Dù nghèo
nhưng chưa bao giờ Ba có ý định cho con cái nghỉ
học để đi làm thuê làm mướn kiếm tiền.
Đời Ba đã quá thấm thía cái câu
"Ruộng đất bề bề không bằng một
nghề trong tay". Ông nội có hàng trăm mẫu
đất mà có giữ được đâu!
Như cái lệ, đến giờ giao thừa là cả nhà
thường thức đầy đủ. Sau khi cúng giao thừa,
Ba bắt mỗi đứa phải viết cái gì đó
để khai bút đầu năm. Sáng mùng một, tất
cả phải dậy sớm lạy bàn thờ tổ tiên rồi
mừng tuổi cha mẹ (Ba mặc áo dài khăn đóng ngồi
cùng má để nghe các con đứng xếp hàng khoanh tay mừng tuổi). Dĩ nhiên
là cũng được ba má lì xì. Xong thủ tục
đó thì mới được tự do đi chơi.
Khi cao tuổi, Ba ta trở thành ông già… hơi bị
đặc biệt: lúc nào cũng mặc bộ ba ba trắng,
mang đôi guốc vông quay đen bằng…vỏ xe đạp
do tự tay đẻo, cắt, đóng (con cái mua guốc ở
chợ ông không chịu), tính tình vui vẻ lạc quan, hay tếu,…Thằng
con ta hồi học lớp năm làm tập làm văn kể
thật về ông ngoại đã được điểm
tối đa (vì có lẽ con người của ông ngoại
khá thú vị).
Trong số các con, ba cưng mình nhất dù mình là con gái. Vì nhiều
lẽ: giống Ba nhất, ngoan nhất (hihihi) và cũng...lí
lắc nhất. Khi các con đã trưởng thành thì Ba
thương mình nhất vì mình là đứa con có hoàn cảnh...không
bình thường.
Hàng năm, những ngày cận tết là những ngày tất
bật lo liệu đủ việc và khi sống xa quê,
đó cũng là những ngày nhớ nhà, nhớ Ba Má nhất,
đặc biệt là Ba.
Bây giờ Ba má không còn nữa, cộng với mỗi tết
mình quá mệt mỏi vì công việc nên không còn chút hứng
thú về quê!
MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Con nít hồi xưa, thường chỉ
được may quần áo mới vào dịp tết. Mới chiều 30 là đã đem ra mặc và rủ
nhau đi dài dài ngoài đường để khoe rồi.
Nhà mình buôn bán tạp hóa nên ba má và chị hai rất bận:
vừa buôn bán, vừa dọn dẹp, gói bánh, gánh nước
cho đầy lu hũ và còn tưới đường nữa,…Vậy
mà bọn mình vẫn vô tư: tắm rửa, mặc đồ
mới,…xức dầu dừa lên tóc (!) cho bóng và
thơm (mô-đen hồi đó vậy mà) rồi đi
chơi. Có một năm nọ, chắc hồi khoảng 5-7
tuổi, tối 30, sau khi đi chơi, mình về nằm ngủ
một lát (để lấy sức thức dậy trước
lúc giao thừa) nhưng cảm thấy ngứa ngáy, bứt
rứt và khóc. Chị hai thấy vậy đem đèn lại
soi thì thấy đầu tóc mình bị kiến bu. Thì ra, mình
đã xức lộn dầu ăn thay vì
dầu dừa! Thế là chị lôi đầu
mình dậy để gội. Ở nhà cứ
nhắc và ngạo mình chuyện này mãi (chuyện “xí xọn”
đó mà).
Đọc bài của Dạ Lý và Chinhlongphu phần nói về
chuyện "đi xe lôi vòng lớn vòng nhỏ", lắc
bầu cua cá cọp, mình đã bật cười vì... hồi
đó mình cũng giống như vậy: ham đi xe, đi
đò, đi xuồng,...tết ham đi chơi bài cào, lắc
bầu cua cá cọp. Có năm mùng một thua sạch túi,
mình về nhà chui xuống sàn kiếm lượm bạc cắc
bị chị hai cười quá trời. Đúng là con nít!
Bây giờ là người lớn, mình rất ghét những
trò đỏ den nhưng...vẫn còn ham đi xe đò,
đi ghe-xuồng, nhưng phải đi cùng những
người thân yêu để có dịp tâm sự, đùa giỡn
vui vẻ, tán dóc với nhau....
Thênh Thang
Trở về Trang Xuân Mậu Tý 2008