Hữu Tâm
Tốt
nghiệp cao đẳng sư phạm, Bình được
phân công về dạy ở xã vùng ven huyện lỵ. Là thanh niên mới ra
trường, Bình không ngại khó nên ngoài dạy môn chính là
toán, tin học, Bình còn dạy phổ cập giáo dục và
bổ túc văn hóa ban đêm, chắc có lẽ do Bình
“hạp” nên được các Chú, các Anh tin tưởng phân
công dạy thêm loại hình nầy! vì
thế mấy năm nay vào dịp hè Bình chỉ về
thăm gia đình khoảng nửa tháng.
Lớp học phổ cập
thường tổ chức tại nhà dân, mỗi lớp
học không quá 10 người, học ban đêm, còn học
sinh thì đủ nghề nghiệp trong xã hội do học
lực kém, nghèo, nên bỏ học sớm ra đời làm
mướn, làm nghề, chạy xe lôi, xe đạp ôm,
bốc vác,… để nâng cao dân trí, người ta vận
động lứa tuổi còn học được đi
học phổ cập. Có hôm có vài anh em sau một ngày lao động nặng nhọc, quá mệt,
đến tối đi học cho có mặt, mới nghe
một lúc, êm tai, học sinh đã ngủ tự bao giờ.
Có hôm học sinh đi học nhưng trong
người nghe mùi rượu nồng nặc vì đi
đám tiệc mới về. Bình ráng cố nén lòng, ai
làm sao cũng được miễn đừng làm ồn,
ảnh hưởng đến sự học của
người khác.
Còn học bổ túc văn hóa
thì đa số là chú, cô (hai, ba); anh, chị (hai, ba) nên
những lúc sau giờ dạy thì Bình thường say mèm
với học sinh lớn tuổi của mình!
Học sinh thi phổ cập
thì mỗi năm thi 3 lần, do vậy nếu học sinh
nào “đi thi” đầy đủ thì mỗi năm sẽ
đậu 3 lớp! Còn thi tốt nghiệp bổ túc
văn hóa bậc trung học (tú tài hai ngày xưa) thì mỗi
năm thi một lần, trùng với ngày thi tốt
nghiệp hệ chính quy nhưng được tổ
chức và có đề thi riêng, nên những học sinh đang
học phổ thông có học lực yếu và những thí
sinh rớt tú tài phổ thông tự thấy nếu thi chính
quy nữa cũng không đậu thì nộp hồ sơ thi
bổ túc là đậu thôi!
Trước mấy hôm thi
tốt nghiệp lớp 7 hệ phổ cập, Bình
phải vất vả ôn thi bằng cách giải các
đề thi cho học sinh, anh Hai phụ trách giáo dục của
xã thường tới lui thăm, động viên anh
chị em cố gắng thu xếp công việc một ngày
mà đi thi cho đầy đủ vì đó là thành tích
của xã nhà!
Đến ngày thi sáng sớm
anh Hai có mặt tại phòng thi coi có ai vắng và tổ
chức thuê xe honda ôm đi đến
từng nhà, rước từng học sinh một:
- Anh Hai ơi, em
đang xây nhà cho chú Bảy thì thằng Lộc đến
chở kêu đi thi, nên không có viết, anh cho tôi mượn
với?
Bình lấy sẵn viết
trong cặp ra đưa cho học sinh mình, vì nhiều
lần, lần nào Bình cũng chuẩn bị chu
đáo!
Thùng, thùng, thùng,…
Tiếng
trống báo hiệu giờ thi bắt đầu, sau
thủ tục kiểm tra niêm phong đề thi, ký biên
bản và phát đề. Học sinh ngồi tỉnh bơ
như chưa có chuyện gì xảy ra, có lẽ họ
đã thi các lớp dưới quen rồi:
- Hân, con
mầy bớt bịnh chưa?
- Chưa, sáng nay vợ tao
chở đi chích thuốc rồi.
- Còn mầy xịt cỏ lúa
chưa?
- Chưa, thằng cha Hón
mướn rẽ quá tao không làm, thà ở nhà nhậu
sướng hơn.
Một anh hỏi vói sang phía
trên đầu bàn:
- Chị Năm
ơi, chị đi làm cỏ vườn nhà ông Sáu rồi
chưa?
- Chưa đâu anh ơi,
cầu hai bữa nữa mới rồi,…
Mọi người tự
nhiên hỏi nhau chuyện ở nhà, chuyện đi làm thuê,
còn Như thường lệ, Bình ở ngoài giải
đề thi, photo, xong suôi Bình hớn hở chạy
về, ra vẻ lén lút phát cho mỗi người một
tờ giấy:
- Chép vô đi anh, chép vô đi
chị,…
Kết quả 100 % học sinh
tốt nghiệp lớp 7!
Xong kỳ thi tốt nghiệp
phổ cập chưa bao lâu, Bình loay quay đến việc
anh Hai nhờ hộ tống (đưa bài giải) cho chú Ba
lên tỉnh lỵ để thi tốt nghiệp Bổ túc
văn hoá bậc trung học vì Chú phải học lên cao
nữa!
Sáng nay thi môn toán,
sau thủ tục thi, chờ đến khi đề thi
được ném ra ngoài, Bình cùng một số giáo viên khác
lo giải đề, đi photo nhiều bản và liệng
vào phòng thi, hoặc nếu thấy ai quen thì gởi vào cho
số ký danh thân thuộc của mình. Ngoài phòng thi thì sôi nổi,
nhộn nhịp, không ai ngại vì thành thói quen rồi!
Thùng, thùng, thùng,…
Tiếng
trống báo hiệu giờ làm bài thi đã hết, lát sau các
thí sinh lần lượt ra khỏi cổng trường. Chú Ba to người, bụng
hơi phệ, mặc áo bỏ trong, đầu đội
nón kết, tay cầm điều thuốc vừa đi
vừa hút, thoáng thấy dáng Chú, Bình chạy ngay tới
mừng, hỏi:
- Sao, chú chép bài của cháu
liệng vô được không?
-
Được, nhưng mà mầy phải viết đàng
hoàng, bộ muốn chơi tao hả?
- Đâu có chú!
- Số tám thì mầy viết
số tám, còn đằng nầy mầy viết nó nằm
ngang, tao dựng nó lên hết.
Nếu có giải thích đó là
dấu vô cực thì Chú cũng không hiểu vì Chú có học
đâu, nên Bình vội đáp:
- À, không chú ơi, đó là ký
hiệu của toán học mà.
- Vậy sao? Sao
mầy không nói trước.
Đã là đề thi thì làm sao
biết trứơc để nói! Bình không dám
nói thêm.
Rồi đến bài làm
vật lý chú sửa dấu Oméga thành chữ “quai chảo” và
bài làm môn hoá học chú cũng sửa HCl thành “huyện Cao
Lãnh” luôn, vì Chú là người mạnh dạn mà!
Kết quả
chú Ba tốt nghiệp Bổ túc văn hóa bậc trung
học. Hôm liên hoan mừng Chú thi đậu, Bình uống
với Chú và anh em vài ly rượu đế rồi cáo
từ ra về vì còn bận việc riêng. Nằm trên võng trước sân nhà, Bình suy nghĩ
“Người thất học sẽ là gánh nặng cho xã
hội đến suốt đời của họ;
học là cần thiết, nhà nước đang kêu gọi
người người học tập, nhà nhà học
tập, xã hội học tập, học đến
suốt đời như người xưa đã dạy
“học, học nữa, học mãi”. Nhưng
sự học mà Bình chứng kiến là thiếu tính tự
nguyện; kiến thức, hiệu quả mang lại
từ học tập không đáng kể. Đi thi
chẳng qua là biết chép bài làm; học chỉ gói gọn
trong phần ôn thi; học rất ngắn, không đủ
các môn; còn thi tốt nghiệp cả 2 hệ chính quy và
bổ túc chỉ có 6 môn và được tổ chức
riêng, đề thi riêng, nhưng giá trị bằng cấp
ngang nhau. Đúng là việc làm không thuyết phục
đối với Bình! Không gì xấu hổ
hơn là tự mình dối mình. Xin
trả nó về đúng giá trị thực”.
Mùa thi 2006