Đi đường

Hữu Tâm

 

Mỗi khi đi đường bên cạnh những cái hay, những người có nghĩa cử đẹp, lịch sự thì cũng gặp không ít những người mà khi thấy, hoặc khi tiếp xúc họ khiến chúng ta có suy nghĩ:

+ Đi xe hai bánh:

Họ thường phun nước bọt, vứt rác, hút thuốc lá bay tàn rất bừa bải, không để ý việc làm của họ sẽ ảnh-hưởng đến những người khác đang đi cùng hay ngược chiều với họ.

Có lúc các em bé ăn xong, đựng rác trong bao ny-lon vứt thí ra lộ, không cần xem ai sẽ đi tới. khi trúng vào ngừoi đi đường, chúng vẫn cảm thấy bình thường như không chuyện gì xảy ra. Có em lấy bùn vò thành viên liệng vào người đi đường, khách dừng xe hỏi tại sao lại có việc làm như thế, thì chúng trả lời không có liệng.

Vào mùa thu hoạch lúa thì nông dân đem lúa ra phơi hai bên lộ, mùa mưa thì xe cải tiến kéo lúa để lại nhiều bùn, lầy trên lộ nhựa; người đi đường không cẩn thận thì dễ bị té.

Nhiều thanh-niên mới lớn chạy xe hai bánh gắn máy, phân khối lớn,   luôn chạy với vận tốc cao, hụ ga lớn, luôn giành đường, chúng muốn quẹo lúc nào là tùy thích mà không cần báo hiệu trước để xin đường. Qua các ngã ba, ngã tư, tuy có đèn tín hiệu dừng, nhưng nếu không có người trực thì chúng sẽ vượt luôn (bất tuân luật lệ).

Xe cải tiến, xe honda kéo thùng không được kiểm định mức độ an-toàn, không phép lưu-hành, nhưng vẫn chạy suốt trên các tuyến đường từ thành-thị đến nông-thôn. Đặc điểm của xe là phải chạy nhanh để nhẹ tay lái, nhưng thắng không ăn, mỗi lần xe đụng vào người thì khoảng 70 % số người bị đụng là bị gãy chân do thùng của xe chặt xuống. Xe giá thành rất rẽ, nếu gây tai-nạn thì người chủ xe sẵn-sàng trốn bỏ của thế là người bị nạn tự lo liệu.    

+ Đi xe khách thì cũng gặp cái khó riêng:

Nhiều xe khách không an toàn, tuy dáng bên ngoài còn tốt, nhưng xe chạy thì hành-khách dễ cảm nhận xe cũ-kỷ, rệu-rãi. Đi xe khách thì liên tục gặp cảnh ngược đãi: muốn khách lên xe thì chủ xe vui vẻ mời, gọi rất lịch sự; khách vừa bước lên thì bị bốc hốt, nhất là khách nữ thường bị lợi dụng. Người đi xe thoải-mái hút thuốc lá, người ngồi trên xe thì ba bên, bốn phía bị khói thuốc lá bao phủ.

Người đi đường và cả tài xế, lơ, mỗi khi nói chuyện thì luôn dùng lời thô tục, trước mỗi câu nói là tiếng chửi thề, giữa câu thì xen vào từ ngữ tục-tỉu kém văn-hóa. Xe chạy luôn trễ giờ vì họ ham lời nhiều nên mỗi khi qua bến đò ngang thì họ dừng mời khách rất lâu. Những khi đông khách thì ra sức nhồi-nhét, chở khách như chở món hàng, họ chỉ biết có nhiều tiền là được.

Đi xe tốc hành tuy giá cao, nhưng về lịch sự và ý thức cũng không khá hơn xe khách là bao, cũng ăn nói thô tục, hút thuốc lá thoải- mái, xe chạy luôn tốc độ cao, độ an-toàn của xe không cao, cộng với hạ tầng yếu kém thì nguy cơ tai nạn luôn rình-rập.

Đi xe buýt giá rẻ, tuy đường dài (60 km), xe có bố trí ghế ngồi và dây đeo cho hành-khách đứng (như xe chạy tuyến đường ngắn) nên rất vất- vả cho hành-khách khi đứng suốt tuyến. Không còn ghế ngồi, người đi đường phải đứng đeo dây, nhiều người đeo và lâu ngày dây cũng không còn, nên người ta phải đeo hai cây inox dùng cột dây đeo giống như người bị căng tay!

Cũng có lệ bất thành văn rất hay, thường thì những thanh-niên, những người còn khoẻ-mạnh họ nhường ghế ngồi cho hành-khách là người lớn tuổi, phụ-nữ có mang, người bệnh, v.v…

Xe thiếu, khách đông nên nạnh ai nấy chen lấn giành ghế ngồi. Xe dừng, khách trên xe chưa xuống thì hành-khách từ dưới đất đã chen lên giành ghế. Những ai biết giữ lịch-sự thì chịu thiệt! (đi xe đứng)

Trong lúc xe chưa chạy thì nào là người bán hàng-rong, bán vé số, người ăn xin, lên xe đi-đi lại-lại ra sức quấy-rầy; cá biệt có người bán thuốc trị bệnh không có nguồn gốc, không giấy phép cũng tuông ào-ào những lời quảng-cáo; có khi có những thanh-niên vừa chọc gái vừa bán vé số với lời lẽ khiếm-nhã!

Có khi xe chạy một đoạn ngắn thì đã chật nít người ngồi và người đứng, có hôm đứng gần những người nghiện thuốc lá, có hôm đứng gần những người bệnh lâu ngày, không tắm, tỏa lên mùi hôi nồng nặc, có hôm đứng gần chị bán thịt heo, trên áo còn dính nhiều máu xông lên mùi hôi tanh của thịt sống và mùi máu!

Ban đầu xe còn mở máy điều hòa nhiệt độ, vài tháng sau thì cửa sổ mở thoải mái để hứng gió, bụi và khói xe thải trên đường.

Người đi đường ngoài việc bịt khẩu trang, bít tai nghe còn phải biết lựa và tránh những giờ để không gặp phải những người mà mình cảm thấy khó chịu:

Hai chuyến đầu trong ngày thường là những người bệnh đi sớm đến bệnh viện để bắt số đầu và những người lao-động chân tay (bốc-vác), mỗi người mang theo một cái đòn để khiên, những anh em nầy hút thuốc lá, nói tục, chửi thề, lên xe là cười-giỡn nói chuyện om-sòm.

Khoảng 9 đến 11 giờ và khoảng từ 13 đến 15 giờ thì số có nhiều nam, nữ thanh-niên choai-choai đi chơi, và cũng thường có số pd (yêu cùng giới), chúng cười nói uyên-náo, ăn nói không lịch-sự cũng chửi thề, nói tục, có khi chúng ôm nhau trên xe, không thích hợp với nét sống văn hóa của người Á-Đông.

Khoảng 17 giờ về sau thì thường là những người say rượu lên xe nói chuyện inh-ỏi, cười giỡn, chửi thề, nói tục, xưng hùng xưng bá.

Có hôm đi chuyến xe cuối, tuy ít khách, nhưng lại gặp nhiều thanh-niên, người lớn tuổi đã nhậu say bước lên xe tiếp viên đề nghị bỏ thuốc lá, họ cũng bỏ, rồi lén lén hút lại, rồi cười đắc chí (họ tự cho rằng việc làm nghịch lại của họ là hay) cũng có khi họ ngang ngược không chịu bỏ thuốc lá.

Đi giờ nào cũng thường thấy các chị đi hàng cấm hay trốn thuế. Miệng luôn tục tĩu, chửi thề, người len lõi, tháo-vát để hàng đi trót lọt.

Những giờ cao điểm, ngồi trên xe buýt nhìn xuống anh, chị em cùng đi đường bằng xe gắn máy hai bánh trông giống như những đàn kiến  ngoằn ngoèo, vì không có lằn ranh giữa xe 4 với 2 bánh và người đi bộ. Một cảnh hổn độn, không có trật tự, trông thấy,... buồn.

Người đi đường đón xe buýt cũng rất tùy tiện (kể cả dốc cầu, nơi đường cong) đáng chú ý trong những khách đón xe là những nam, nữ thanh niên ăn mặc bảnh-bao, nhưng không biết gì về luật đi đường.

Bác tài xe buýt thì cũng không ai giống ai, có người dừng để khách lên xuống đúng trạm, có tài xế thì tùy thích.

Xe chạy qua hai nhà máy chế biến thủy sản, người đi đường phải bịt mũi vì bị ngửi phải mùi bất hão: ở khu vực nhà máy Vĩnh-Hoàn xông lên mùi ốc chết, (sau trên 6 tháng bốc mùi, nay đã dẹp được) rồi tới nhà máy Hải-Chi xông lên mùi thắng mỡ của cá basa người đi đường chỉ bíêt bịt mũi hay nín thở mỗi khi đi ngang khu vực nầy!   

Mong rằng từ những cái hay, nghĩa cử đẹp của người cùng đi đường sẽ ảnh-hưởng, truyền thụ cho những người kém văn-hóa, thiếu lịch-sự để mọi người thấy nhẹ nhàng mỗi khi đi đường dù đi xe hai bánh hay xe khách.

 

 

Trở về Tùy Bút