NHỚ THẦY

(Kính viếng hương hồn Thầy VƯƠNG HỒNG-SỂN (1902-1996)

THẢO NGUYÊN

                                                               

Vào những năm 1960-1964,chúng tôi may mắn được học với thầy Vương Hồng Sển về môn khảo cổ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

            Thầy Vương Hồng Sển không có học vị cao, nhưng công nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và sự uyên bác của Thầy trong lĩnh vực khảo cổ lúc bấy giờ thì ít có người bì kịp.

            Văn viết hay văn nói của thầy đều có vẻ mộc mạc, bình dân như con người và cuộc sống của Thầy.

           - Thầy rất trực tính: phê phán, nói thẳng không sợ mích lòng ai trước những sai trái của người khác hoặc có kẻ nào đó làm ngược lại ý  Thầy.

            Đối với những sinh viên đang theo học môn nghiên cứu, khảo cổ của Thầy,  Thầy rất trân trọng và tận tâm dìu dắt, chỉ dẫn. Ngoài giờ dạy trên lớp, giờ làm việc trong Viện Bảo Tàng (trong thảo cầm viên Sài Gòn ), thầy bỏ công đi sưu tầm và mua những cổ vật quí giá thuộc các triều đại xưa của Việt Nam, của Trung Quốc nhất lá thời nhà Minh, nhà Thanh cũng như các nước lân cận. Những vui buồn trong công việc nghiên cứu, sưu tầm, Thầy thường vào lớp học kể cho chúng tôi nghe.

            Một lần thầy  vào lớp tỏ ra bực bội, Thầy cho biết: nghe ở Rạch Giá có một cái đĩa cổ thuộc đời Thanh Trung Quốc nên Thầy đã bỏ công, bỏ của: tiền xe, ăn uống dọc đường, Thầy lặn lội xuống tận Rạch Giá dò tìm của quí. Đến nơi Thầy mới thấy được cái đĩa “ đồ dỏm ”, đồ giả mạo, Thầy cho biết trong việc đi nghiên cứu sưu tầm cổ vật của Thầy, Thầy gặp trường hợp này cũng thường và mỗi lần như vậy Thầy cho biết không có gì làm Thầy tức tối cho bằng.

            Những cổ vật sưu tầm được Thầy rất nâng niu quí trọng. Tất cả Thầy tập trung trong phòng riêng.

            - Thầy Vương Hồng Sển có tính khiêm nhường: có lần Thầy vui vẻ tự mỉa mai mình “Tui chẳng có bằng cấp gì mà thiên hạ cho tui là học giả mới thấy kỳ ”

            Ngoài sở thích sưu tầm cổ vật, Thầy Vương Hồng Sển còn có sở thích sưu tầm sách quí, sách tư liệu … mà ít người biết đến. Thầy là tác giả quyển “Thú chơi sách ”. Đối với vấn đề chơi sách Thầy nói với  đám sinh viên chúng tôi là  “Thà mất lòng một người bạn hơn là cho bạn mượn một quyển sách”. Sách ở đây ta phải hiểu là loại sách quí, sách hiếm và nó đã được Thầy đặt đúng vào vị trí trên kệ sách của Thầy rồi .

            - Thầy Vương Hồng Sển còn có tính trung thực của một nhà khoa học:

Buổi chiều hôm ấy Thầy đến lớp nhưng vì Thầy tức bực một sự việc mới xảy ra hồi sáng khiến Thầy không dạy được. Nguyên là, theo Thầy kể, sang hôm ấy,  Thầy cùng một Bộ Trưởng hướng dẫn Tổng Thống chế độ cũ vào thăm Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên (Thầy Sển được cử làm chuyên viên Bảo Tàng này lúc bấy giờ). Thấy mấy cây “dái ngựa ” cao to trước Viện, vị Tổng Thống này không biết là cây gì mới quay qua hỏi Viên Bộ Trưởng đứng cạnh . Vì  sợ nói phải tiếng “dái” không được thanh trước Tổng Thống nên mới nói trại đi là cây “nhạc ngựa”. Sự bực tức đối với Viên Bộ Trưởng này đeo đẳng Thầy đến lớp. Sau khi thuật lại câu chuyện, Thầy nói với chúng tôi: “Sợ gì mà sợ dữ vậy ? Cái trái của cây này nó giống với cái “ấy ” của con ngựa thì cứ nói là cây  “dái ngựa” như mọi người chứ “nhạc ngựa”  cái con khỉ gì!”

            Cả lớp nam và nữ sinh viên chúng tôi cùng cười rộ, Thầy cũng cười, rồi giờ học mới bắt đầu .

            Đọc báo biết được hung tin Thầy mất đi ở tuổi thọ 94, đám học trò cũ của Thầ, trong đó có tôi vô cùng thương tiếc. Chúng tôi càng kính phục Thầy hơn khi được biết trước khi chết Thầy làm di chúc hiến cho UBND Thành Phố Hồ Chí Minh toàn bộ hơn 800 cổ vật vô cùng quí giá mà suốt cuộc đời Thầy đã bỏ ra biết bao công lao tiền bạc mới sưu tập được. Những cổ vật quí giá này đã được trưng bày cho nhân dân xem tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh cũng như tại Hà Nội trong dịp “ Kỷ nịêm 900 năm cố đô Thăng Long – Hà Nội ” và theo tin báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29/10/2003, trong di chúc mình, Thầy còn hiến ngôi nhà ở phường 14, Quận Bình Thạnh, TP.HCM để làm Bảo Tàng mang tên “Bảo Tàng Vương Hồng Sển” sau khi ngôi nhà được trùng tu (theo quyết định số 3874 của UBND TPHCM).

       Thầy Vương Hồng Sển còn viết và để lại nhiều sách quí thuộc loại nghiên cứu về phong tục, tập quán …và đã được tái bản nhiều lần.

 

 

Trở về Tùy Bút