Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 26 Tháng 11 2024, 08:40
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» "MẸ" trong ca dao Việt Nam «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2373 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: "MẸ" trong ca dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 8 2007, 12:33
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
Nhân mùa Vu Lan, Người Giữ Vườn sưu tầm bài nầy kính tặng những người Mẹ Việt Nam đã hi sinh cho chồng, cho con, được kềt nối từ nhiều thể loại ca dao, tục ngữ, thơ văn Việt Nam

Trong các hình ảnh về gia đình mà mỗi người chúng ta còn giữ lại, hình ảnh về người mẹ là sâu dậm và rõ rệt hơn cả. Nó rõ rệt đến nỗi không chỉ được gợi lại qua các kỷ niệm của cuộc sống thường ngày, mà còn được viết ra cả trong thơ văn, tục ngữ, ca dao. Sau đây là một vài thí dụ Người Giữ Vườn sưu tầm được qua sách vỡ, qua những trang web nói về Mẹ:

1. Bức tranh thứ nhất mà ca dao Việt Nam vẽ về người mẹ là bức tranh bà mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái. Công lao này có thể được tóm gồm qua chữ "nghĩa" :

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Có khi công lao ấy lại được tổng hợp trong chữ "đức" :

Công cha đức mẹ cao dầy,
Cưu mang trứng nước những ngày thơ ngây.

Có một điều đặc biệt là hình ảnh về người mẹ thường gắn liền với hình ảnh người cha. Hầu như không bao giờ ca dao nói về mẹ mà không nói về cha. Ngay cả khi dùng những hình ảnh đối chọi nhau, như núi với nước, ca dao luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ là hai người, dẫu khác nhau, nhưng luôn bổ túc cho nhau và không thể chia lià nhau được. Gia đình ấm cúng yên vui, bởi vậy, luôn luôn là cái viễn ảnh, là cái khung trời trong đó người mẹ được vẽ.

Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà trường yên vui
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Là vợ hiền, là mẹ tốt, tất nhiên bà là yếu tố căn bản gây nên cái đức của gia đình, làm cho cuộc sống được vuông tròn, trong đó, chồng vinh hiển, con sang giầu. Và hình ảnh ấy không người chồng nào, không người con nào quên được.

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giầu.

Đó là lý do khiến bất cứ một ai thành thân thành người, cũng đều nghĩ rằng công ơn đầu tiên là của cha mẹ. Nết vẽ thứ ba trong bức tranh về bà mẹ nghĩa đức dầy công lao nuôi nấng và gầy dựng cho con cái là công ơn chăm sóc vun trồng của bà.

Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha sinh mới ra ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.

Nét vẽ vun trồng khó nhọc cho con cái thường được vẽ đậm và biểu tượng bằng hình ảnh sương tuyết.

Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bởi mẹ chưa dễ ở đời với ta,
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đàu.

2. Bức tranh bà mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái là bức tranh tổng quát thường được xếp hàng đầu và thường dễ thấy nhất trong ca dao. Nhưng không chỉ có bức tranh ấy. Bên cạnh bức tranh nghĩa và đức của mẹ, người ta còn thấy bức tranh thứ hai, có lẽ chi tiết hơn, nhưng không kém vẻ kiều diễm. Đó là bức tranh về người mẹ giáo hiền dậy con. Trong cái khung cảnh thái bình và hạnh phúc của nền kinh tế và văn hoá nông nghiệp, lý tưởng giáo dục của các bà mẹ không vượt ngoài khuôn khổ lý tưởng giáo dục chung của xã hội, trong đó, trai thì phải xuất xử, gái thì phải cửi canh :

Trên trời có cái cầu vồng,
Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rền
Vua trên đền, cầu vàng cầu bạc,
Các lái buôn cầu nước cầu non
Đôi ta cầu của cầu con,
Con đẹp giống mẹ, con dòn giống cha.
Con gái dệt cửi trong nhà,
Con trai đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thì đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.

Có một ước vọng rõ rệt như vậy về cuộc đời cho con cái, bà không ngần ngại đem ra áp dụng bằng cách khuyên dậy, răn bảo con cái :

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Trong việc dậy bảo, giáo dục ấy, dường như việc khoa bảng và nho học là quan trọng hơn cả.

Mừng nay nho sĩ có tài,
Bút nghiên dóng dả giùi mài nghiệp Nho.
Rõ ràng nên đấng học trò,
Công danh hai chữ trời cho dần dần.
Tình cờ chiếm được bảng xuân,
Ấy là phú quí đầy xuân quế hoè.
Một mai chân bước Cống, Nghè,
Vinh qui bái tổ, ngựa xe đưa mình.
Bốn phương nức tiếng vang lừng,
Ngao du Bể Thánh, vẫy vùng Rừng Nho.
Quyền cao chức trọng Trời cho,
Bõ công học tập, bốn mùa chúc minh.
Vui đâu bằng Hội đề danh,
Nghề đâu bằng nghiệp học hành là hơn.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy xuôi.
Phu nhân thời có công nuôi,
Toàn gia hưởng phúc lộc trời ban cho.

Vì vậy, bà cố sức :

Dậy con từ thủa tiểu sinh,
Gần thầy, gần bạn tập tành lễ nghi.
Học cho cách vật trí tri,
Văn chương chữ nghĩa, nghề gì cũng thông.

Và không quên nhắc nhở con cái về cái gia nghiệp, về đức cần kiệm, về cách làm ăn :

Trăm năm như cõi trời chung,
Trăm nghề cũng phải có công mới thành.
Cứ trong gia nghiệp nhà mình,
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.
Chữ rằng ‘Tiểu phú do cấn’,
Cònh như ‘Đại phú‘ là phần ‘do thiên’.
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen,
Còn như lộc nước, có phen dồi dào.

Bà cũng không quên rắng xã hội không chỉ có ‘sĩ‘, mà còn có ‘nông, công và thương’. Và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng nho, bà vẫn tâm niệm rằng :

Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khỏe thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.

3. Cạnh kề hai bức tranh trên, còn một bức tranh thứ ba rất linh hoạt về người mẹ. Đó là bức tranh người mẹ đảm đang. Dĩ nhiên cũng như hai bức tranh trước, trong bức tranh này, người mẹ tốt và người vợ hiền như chồng lên nhau thành một. Sự đảm đang của bà trước nhất là ở việc quán xuyến công việc cửa nhà.

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng choi chói kìa đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.

Lo lắng săn sóc nuôi nấng con cái...

Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng
Thương con càng lớn mẹ càng thêm lo

Nết đảm đang thứ hai của bà là ở sụ thông thạo công việc đồng áng.

Khó thay công việc nhà quê,
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai.
Tháng chạp thời mắc trồng khoai,
Tháng giêng trồng đău, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cầy vỡ ruộng ra,
Tháng tư bắt mạ thuận hòa mọi nơi.
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Bước sanh tháng sáu nước trôi đầy đồng.
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng,
Đi làm ngoài đồng, sá kể sớm trưa.
Tháng sáu, tháng bảy khi vừa,
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh.
Tháng tám lúa rỗ đã đành,
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người.
Khó khăn làm mấy tháng trời,
Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông.
Cắt rồi nộp thuế nhà công,
Từ rầy mới được yên lòng ấm no.

Và nét đảm đang thứ ba của bà được thấy rõ ở việc thành thạo công thương.

Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra.
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về,
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô...

4. Trong ba bức tranh trên, hình ảnh đảm đang của bà mẹ đã được họa trong khung cảnh của một gia đình đày đủ. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo như thế. Có những lúc người cha đi vắng. Sự can đảm của người mẹ thực là cao cả. Bức tranh thành ra chứa chát những nét đớn đau, vừa hào hùng, vừa bi thảm. Bức tranh thứ tư về bà mẹ phải là bức tranh 'Mẹ can đảm sầu bi'

Anh đi, em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi, anh liệu chen đua với đới.

Hoặc thì nét nhớ nhung, nét cô đơn phảng phất khắp bức tranh.

Bác mẹ già lơ phơ đàu bạc,
Con chàng còn trứng nước thơ ngây.
Có hay chàng ở đâu đây,
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

Bức tranh này thành ra thống thiết, nếu sự vắng bóng của người cha là vĩnh viễn. Hình ảnh mẹ góa nuôi con côi thực là chơi vơi.

Thiệt hại thay cho thằng bé nên ba,
Nó lăn, nó khóc giữa nhà năm gian,
Khóc than giữa chốn linh sàng,
Ba vuông nhiễu tím đôi hàng chữ vôi.
Chớ thiệt hại thay, người khác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời trơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ,
Đầu đội chữ hiếu, tay xe chữ tình.
Chữ Hiếu Trung, tôi gánh vác một mình,
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp hăng ?
Đường đi Khuất nẻo khói chùng.

Dĩ nhiên về người mẹ, ca dao Việt Nam không chỉ họa có bốn bức tranh trên, mà còn họa biết bao bức tranh khác nữa, trong đó nhiều hình ảnh khác được ghi nhận, nhiều nét vẽ khác được được phác họa, nhiều sắc mầu khác được tô điểm. Nhưng đó là bốn bức độc đáo hơn cả. Trong những bức khác, nét vẽ có vẻ tượng trưng, trừu tượng hơn, thoạt nhìn chẳng thấy nét nào về người mẹ, như những bức tranh sơn thủy, tứ thời, đồng áng. Nhưng nếu biết ngưới mẹ là biểu tượng của sự khôn ngoan, được diễn tả bằng hình ảnh nước, mẹ là nguồn gốc và là kết quả của việc đồng áng,...thì những bức tranh về người mẹ đếm sao cho hết. Có những bức khác, hình ảnh mẹ lại ẩn hiện trong những cảnh khác của cuộc sống : cảnh cưới hỏi, cảnh đình đám, cảnh chợ búa,... Đâu đâu, nếu biết nhìn, và muốn nhìn, thì người ta cũng thấy những hình ảnh người mẹ. Vì hình ảnh mẹ được vẽ nhiều và khắp nơi như vậy, thành ra nhiều lúc và nhiều người không thấy mẹ, nhất là những lúc còn mẹ, có mẹ. Nhưng khi nào mẹ mất, lúc đó người ta mới thấy mẹ; đúng hơn là thấy thiếu mẹ.

Người Giữ Vườn sưu tầm


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: "MẸ" trong ca dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 8 2007, 19:53
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Xin được chia sẻ hạnh phúc với Tranbc và tất cả những ai ĐANG CÒN MẸ.
Sắp đến rằm tháng bảy - Ngày Vu Lan Báo Hiếu, trong lòng Bong Dieu cứ mãi vang lên những câu hát trong bài BÔNG HỒNG CÀI ÁO của NS. Phạm Thế Mỹ: "Một bông hồng cho Anh. Một bông hồng cho Em. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai ĐANG CÒN MẸ, ĐANG CÒN MẸ để đời vui sướng hơn...". Bài này Bong Dieu biết từ lâu, nhưng gần đây BD mới biết nó được sáng tác từ ý của một bài viết trứ danh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Năm vừa rồi báo Tuổi Trẻ có trích đăng một đoạn). Xin gởi đến để các bạn cùng đọc VÀ XIN ĐƯỢC CÀI LÊN NGỰC ÁO của những bạn CÒN CÓ MẸ một BÔNG HOA MÀU HỒNG :rose: Còn tôi, tôi tự cài lên ngực áo mình một BÔNG HOA MÀU TRẰNG :( :( :(
(Những chỗ in nghiêng, in đậm, tô màu trong bài do Bong Dieu nhấn mạnh)


BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, 1962

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mất mẹ thì cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ cội.

Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ hay, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có.

Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

"Năm xưa tôi còn nhỏ, Mẹ tôi đã qua đời! Lần đầu tiên tôi hiểu. Thân phận kẻ mồ côi. Quanh tôi ai cũng khóc. Im lặng tôi sầu thôi. Để dòng nước mắt chảy. Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ. Chuông chùa nhẹ rơi rơi. Tôi thấy tôi mất mẹ. Mất cả một bầu trời".

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa cách nói cầu kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cầu kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị, vừa đúng mức:

"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau"


Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (bàn tay hay là tơ trời đâu la miên?) trên trán nóng ta và than thở "Khổ chưa, con tôi", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như "chuối ba hương", dịu như "xôi nếp một" và đậm đà lịm cả cổ họng như "đường mía lau". Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những "chuối ba hương", "đường mía lau", "xôi nếp một" ấy không bao giờ cùng tận.

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".


Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi biết được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ.

Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's day), mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tcụ ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một lục lệ chi đó.

Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới nói cho tôi biết đó là "Ngày Mẹ", theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng.

Người được tặng hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên Mẹ, dù người đã khuất. Người được bông hoa màu hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn Mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng Mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày Báo hiếu Vu lan.


Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào NHÌN KỸ được mặt mẹ. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc vá maỵ giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thời giờ nhìn kỹ con. Và con không có thời giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng Mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên Mẹ, sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ và đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn Mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy Mẹ và để biết Mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay Mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm Mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, Mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi lại em: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt Mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương Mẹ không?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi như thế, bởi vì ngươi là con của Mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đâu lòng.

Ngày Vu-lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Muc-liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương Mẹ không phải là một bốn phận. Thương Mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có Mẹ, phải thương Mẹ. Chữ PHẢI không phải là luân lý, là bổn phận. PHẢI ĐÂY LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN. Con thì đương nhiên phải thương Mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương Mẹ. Con cần Mẹ, Mẹ cần con. Nếu Mẹ không cần con, con không cần Mẹ, thì đó không phải là Mẹ và con. Đó là lạm dụng danh từ Mẹ con.

Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng con mà thương mẹ thì phải làm thế nào? Tôi trả lời : vâng lời, cố gắng giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi. Bây giờ thì tôi biết rằng: con thươg mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, cần chi phải hỏi "làm thế nào" nữa! Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức.

Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài nầy để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương Mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh báo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: đời ta không còn gì cả. Một món quà như Mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bời Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà Mẹ.

Tôi kể chuyện nầy, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu "Các ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi.

Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn "chuối ba hương", "xôi nếp một" và "đường mía lau".

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết – tôi không giảng luân lý đạo đức – rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh: mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Quên là một lỗi lớn. Cũng không phải lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế nầy: Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng Mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên Mẹ, sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ và đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn Mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy Mẹ và để biết Mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay Mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm Mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, Mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi lại em: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt Mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương Mẹ không?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi như thế, bởi vì ngươi là con của Mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đâu lòng, tiếc rằng anh không có Mẹ.

Đó là điệp khúc cuối cùng tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài lên trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.:rse:
==========================================
BONG DIEU:
Ngày 4/7 âl tức ngày 16/8/07 vừa qua là ngày giỗ của Má tôi, mà ngày này tôi phải lên đường đi công tác ở tỉnh khác! Người ta chiêu đãi đoàn một bữa ăn thịnh soạn và mọi người thật vui vẻ. Nhưng ai có biết đâu, có một người tách mình ra khỏi thực tại để thầm tưởng nhớ về Mẹ của mình mà trong lòng thổn thức, nước mắt cứ chực ứa ra (nhưng phải kịp nuốt vào để không ảnh hưởng đến bầu không khí chung). Tôi thèm được như một người nào đó: ĐANG CÒN MẸ và có lần nằm khóc suốt từ 5g chiều đến 9g tối vì tủi thân và nhớ thương Mẹ già ở quê nhà. Có bao giờ tôi được tự do mà khóc cho mình như vậy đâu!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: "MẸ" trong ca dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 8 2007, 20:31
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
Bong Dieu {L_WROTE}:
Còn tôi, tôi tự cài lên ngực áo mình một BÔNG HOA MÀU TRẰNG


Xin tặng Bong Dieu và những ai KHÔNG CÒN MẸ một đóa hồng trắng :wtrose:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Lại... Re: "MẸ" trong ca dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 9 2009, 19:10
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Và một lần nữa đọc lại bài viết BÔNG HỒNG CÀI ÁO!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» "MẸ" trong ca dao Việt Nam «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu