Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 10:37
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 39879 | Trả lời: 121)
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 2 2014, 05:36
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Hè năm ấy, chị Ba đã hy sinh chuyến tham quan ĐÀ LẠT, do nhà trường thưởng để lên thăm Di.
Chị khuân mấy cái giỏ to đùng chứa nào là bánh tét, bánh ú, xôi vị của má làm gửi lên cho. Vì gạo, nếp bị cấm chuyên chở nên má làm đủ thứ bánh. Má cho thêm một túi bột gạo để Di làm bánh khọt, bánh xèo... Rồi nào là khô, mắm, đậu xanh, đậu nành...Tóm lại nhà có cái gì là má cho cái nấy. Má còn kho thịt kho tàu chứa trong mấy cái lon guizgo, luộc sẵn một chục hột vịt đem theo cho khỏi bể. Chị Ba thì may cho Di một cái áo Mút sơ lin màu tím, bé Duyên và cu Tèo mỗi bé được ba bộ đồ mới. Nhìn chị tay xách, nách mang nào bao, nào túi lủ khủ mà Di thương làm sao! Chị nói :"Mình chỉ mang theo đồ để dùng thôi mà mỗi lần tới mấy cái trạm là bụng đánh lô tô, run như thằn lằn đứt đuôi. Nghĩ mà thương cho những người đi buôn, chắc ai cũng đau tim hết trọi. Mà nhà nước cấm mấy thứ nầy chi vậy ta? Đã gọi là nhu yếu phẩm thì ai cũng cần mà cấm làm chi".
Mẹ con Di chiêu đải lại chị bằng cách mời chị đi coi xi nê. Trời đất ơi ! xuất chiếu sáu giờ mà ba giờ chiều mẹ, con, dì, cháu đã kéo nhau đứng xếp hàng trước cửa rạp. Vậy mà nào có được yên. Phòng vé vừa mở cửa bán là từ đâu không biết, cả đám đông ùa đến chen ngang vào. Hai đứa con của Di bị ép sợ quá khóc ré lên, chị Ba lật đật kêu to :"Đi ra thôi Di ơi! coi chừng hai đứa nhỏ bị ép lòi bong bóng đó!". Thế là không xem phim được, bèn kéo nhau đi ăn chè Huế cho đỡ buồn.
Tối hôm ấy Di vừa khóc vừa kể cho chị Ba nghe về Xuân An. Chị Ba rút cái gối dưới đầu của Di ra rồi luồn tay vào và ôm Di thật chật, chị nói:
-Có thể Xuân An đã lạc mất địa chỉ của em nên không gửi thư được. Giấc mơ là do em bị ám ảnh mà sinh ra đó thôi! Đừng có suy diễn theo lối bi quan mà khổ, sống là phải ăn mót niềm vui, em cứ nghĩ ngợi lung tung, bởi vậy kỳ nầy lên chị thấy em bơ phờ quá !
Di đem sách của Xuân An ra cho chị xem. Chị rất thích bộ "Chiến tranh và hòa bình". Chị bỏ ra cả một tuần để xem liền một mạch. Có chị Ba Di nghĩ bán mấy ngày để ở nhà chơi với chị. Hai chị em sống lại không khí ngày xưa, cứ ăn xong là đọc sách.
Di ao ước phải chi có Xuân An, chắc cổ sẽ khoái mấy món bánh má làm và thích chị Ba lắm! Khi Di mở những quyễn sách của Xuân An để đọc, mỗi lần lật sang trang, ngón tay trỏ của Di đặt vào mép giấy. Di lại tưởng tượng là mình đặt tay lên đúng ngay chỗ ngón trỏ của Xuân An từng đặt vào để lật sách. Cảm giác như đã được chạm vào Xuân An một cách gián tiếp làm Di thấy ấm lòng.
Chị Ba ở chơi được nửa tháng thì về vì còn phải học bồi dưỡng chánh trị. Chỉ than đi dạy cả năm không ngán, mà nói tới học chính trị thì ai cũng rầu thúi ruột. Vậy mà chẳng có ai dám phản đối, thật là vừa tốn công vừa tốn của, cái bệnh hình thức ngày càng phổ biến. Di ghẹo:
-Chị được đi dạy sướng thấy mồ, còn được học trò thương nữa. Nghe má nói chị được phụ huynh mời ăn đám giỗ liền xì, em nghe mà bắt ham. Hay là chị đổi cho em đi!
-Đừng có tưởng bở! Bộ đi đám giỗ xách hai bàn tay không hả? Cũng phải mua bánh, mua trái cây tới chớ. Đã vậy có lần chị nghe con nhỏ học trò nó khoe với đứa bạn:"Hôm qua cô Ba Lệ tới nhà tao ăn đám giỗ". Từ đó chị cương quyết từ chối không đi cái đám nào nữa hết, nhờ vậy mới dư chút đỉnh tiền.
Hôm chị soạn đồ về Di buồn hết sức, có cảm giác như chị đi xa lắm! Lâu lắm mới được gặp lại, thấy mắt Di cứ rưng rưng chị nói nửa đùa, nửa thật:
-Hay là em với hai đứa nhỏ về quê ở luôn đi! Rồi xin đi dạy cho biết mùi với người ta!
-Em muốn lắm mà tiếc cái hộ khẩu. Bao nhiêu người họ chạy chọt để ở Sài Gòn mà không được, còn mình thì bỏ về quê thấy cũng uổng.
-Đó gọi là tính a dua, tính bầy đàn đó em. Nói vậy chớ ráng ở đây cho hai đứa nhỏ có điều kiện học tốt. Sau nầy tụi nó thành tài rồi thì về quê ở với chị, tới chừng đó chị cất cái nhà nhỏ ở sau hè...
Di ngắt lời chị:
-Bộ chị hổng tính có chồng sao?
-Chị thấy lấy chồng sao giống mua vé số quá. Chị lại tham lam chỉ muốn trúng độc đắt thôi nên chắc khó lắm!
-Em xúi chị vậy chớ giá cho em trở lại làm con gái rồi giảm nửa số tuổi của mình em cũng chiụ, với điều kiện là còn hai đứa nhỏ.
-Em có nghĩ đến chuyện li dị hông?
-Thời buổi nầy li dị cũng khó lắm chị ơi! Ở xóm nầy có một cô bị chồng đánh hoài, cổ chịu hổng thấu bèn làm đơn xin ly dị. Thế là họp tổ dân phố được đem ra thảo luận, rồi hội phụ nữ, ban hòa giải...Cứ mời họp miết, cuối cùng cổ chán quá rút đơn lại luôn.
-Ngẫm lại trong hôn nhân phụ nữ thua thiệt nhất!
-Vậy mà ai cũng khoái đâm đầu vào chỗ chết! Ba mươi tuổi mà chưa lấy được chồng là lo sốt vó!
Chị Ba vừa cười vừa rũ cái túi xách. Một cái thư rơi ra chị cầm lên rồi kêu:
-Thôi chết rồi hổm rày chị quên mất, may mà soạn cái túi không thôi là mang tiếng làm hiểm rồi!
-Cái gì vậy chị!
-Thơ của chị Đơn dạy chung trường với chị, chỉ nhờ đưa cho đứa em đang đi học trên nầy.
-Em chỉ ở đâu? Để em đưa cho.
-Có ghi địa chỉ đây nè, em xem có tiện thì đưa giùm, còn không thì mua tem dán vô rồi gửi giùm chị.
Di cầm lấy thư lẩm nhẩm đọc rồi nói:
-Cái chỗ nầy gần nhà má chồng em lắm, để mai em đưa tận tay cho, chị đừng lo.
Khuya hôm ấy hai chị em nằm nói chuyện với nhau cả đêm, đến lúc sắp đi chị hỏi:
-Em định sống như thế nầy hoài sao? Phải cố tìm một việc làm cho ổn định để uổng công học hành biết bao năm. Mỗi lần bà con hỏi em đang làm gì chị thấy má buồn lắm, má cứ nói:
-Chồng nó không cho đi làm, ở nhà giữ con thôi.
-Em cũng đi xin đủ chỗ rồi mà không được, đành phải chịu!
-Chồng em cũng còn đi chơi, ăn nhậu thâu đêm vậy sao?
-Công chuyện của ảnh phải giao tiếp nhiều, bắt buộc như vậy mà chị.
-Chị nói hổng phải trách, chớ chị thấy nó thay đổi nhiều lắm. Hồi chưa cưới em cứ xun xoe lấy lòng chị miết. Còn bây giờ...Chị ở chơi nửa tháng mà chưa có nói được với nó hai câu.
-Thì em giành hết rồi còn chỗ đâu mà ảnh nói nữa.
-Em ráng giữ mình. Nó quen biết tùm lum coi chừng đổ bệnh cho em là khổ lắm đó!
Rồi chị ôm lấy Di thật chặt, nhắc thêm lần nữa:
-Em còn có chị, biết hông?
Di gật đầu, mím môi rồi cố dồn hết sức mạnh vào đôi tay mà ôm lại chị.


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 23 Tháng 3 2014, 22:10 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 2 2014, 01:22
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Hôm sau, đưa hai con đi học xong Di đi giao thư liền.
Đó là một toà nhà cao mười hai tầng nằm trên đường Trần Hưng Đạo, ngày trước có tên là hotel President nay đổi thành nhà hát Trần Hữu trang. Đây là chung cư dành cho giới nghệ sĩ, nó còn có cả các trường đào tạo những lãnh vực về nghệ thuật, chắc cô em của chị Đơn học về nghành sân khấu hoặc điện ảnh.
Di nhìn tên ghi trên bao thư rồi phì cười. Em của chị Đơn tên Trần thị Chiếc làm Di nhớ đến cái kiểu đặt tên con rất đặc biệt của quê mình.
Ở quê Di bà con suy nghĩ rất đơn giản và có óc hài hước, cho nên có những cái tên thoạt nghe người ta không hiểu cha, mẹ đương sự mong mỏi điều gì cho con mình. Phải kết hợp với tên anh, chị, em hoặc tên cha, mẹ mới hiểu nổi. Có những cái tên thật dị hợm vì cha mẹ không dám đặt tên đẹp cho con sợ bị quở, khó nuôi, nhất là khi đã để xẩy một hoặc hai đứa đầu.
Xóm Di có anh năm Thít có hai đứa con trai sanh đôi. Ảnh cho một đứa tên Đúi còn đứa kia tên Đụi. Tội nghiệp hai đứa nhỏ đi học bị bạn bè trêu chọc dữ quá, cứ bị ghép chung với tên cha rồi láy lại mà kêu. Tụi nó đi học về là mình mẩy xây xát vì mỗi ngày đều đánh lộn, cho nên chữ chưa đầy lá Mít là nhất định nghỉ luôn không thèm đi học nữa!
Di gửi xe rồi leo lên cái cầu thang bộ tối hù. Phía trước có hai cô gái khiêng cái thùng đầy nước, nước rớt theo mỗi bước đi nên cầu thang rất trơn. Cái địa chỉ ghi ở lầu chín. Di vừa leo vừa thở dốc tự hỏi sao họ không cho xài thang máy, đúng là phung phí sức người quá đỗi!
Đến nơi Di gõ cửa, trong phòng đang có tiếng ồn ào chợt ngưng bặt, hai cô gái xuất hiện một lượt. Di vừa thở vừa hỏi:
-Ở đây có ai tên Trần thị Chiếc hông? Có thư của chị cổ gửi nè !
Một cô gái ốm nhom như chiếc đũa chạy đến chìa tay:
-Em nè, bộ chị dạy chung với chị Đơn của em hả?
-Chị là em cô giáo Lệ, bạn của chị em. Xin lỗi nghe, chị của chị quên nên đưa hơi trễ.
-Em cám ơn chị hổng hết chớ ở đó mà lỗi, phải gì. Chị vô ngồi nghỉ uống miếng nước cho khoẻ nghen. Em thấy chị thở coi bộ mệt dữ.
Di định từ chối, nhưng một phần đuối sức, lại muốn nhân cơ hội tìm hiểu xem nơi ăn chốn ở của mấy cô nàng nầy như thế nào, bèn bỏ dép bước vào. Căn phòng chừng ba chục mét vuông bao gồm cả nhà vệ sinh. Nó trống trơn không kê bàn, ghế, giường, tủ gì hết. Cả chục cái thùng cạc tông xếp chồng lên nhau. Gối mền mùng xếp vào một góc, chiếm một phần diện tích không nhỏ, Di hỏi:
-Tụi em có mấy người mà mùng mền nhiều quá vậy?
-Đâu chị đoán thử coi. Chiếc vừa cười vừa nói.
Di đếm mấy cái gối rồi nói:
-Sáu người hả?
-Trật rồi, tám người lận!
-Trời đất! Hèn gì em bị ép gầy nhom!
Mấy cô gái cười ồ.
Di ngồi nghỉ chừng mười phút, rồi từ giã ra về để đi chợ mua đồ chuẩn bị cho ngày mai bán lại. Chiếc có vẻ áy náy :
-Làm phiền chị quá! Mai mốt chị bỏ vào thùng thơ phía dưới được rồi, có người phát cho tụi em, đừng có leo lên đây mệt lắm. Chị đi xuống nhớ cẩn thận nghe, cầu thang trơn lắm đó!
-Chị biết rồi em đừng lo, mà ở đây bộ không có thang máy sao em?
-Có chớ nhưng nghe nói hư rồi nên đã khoá không dùng được nữa.
-Uổng ghê phải còn cho tụi em đỡ cực, mà tụi em có phải xách nước lên xài hông vậy?
-Có chớ sao không!
Di bước xuống thang một cách thật cẩn thận, lại đi sau một người con trai hai tay cầm hai cái xô nhựa lớn. Xuống tới chỗ để xe Di mò trong túi kiếm cái giấy gửi xe, cái túi trống trơn. Di nhìn vô giỏ đệm cũng không thấy. Trời đất ơi! Không lẻ rớt ở chỗ ngồi hồi nãy. Nghĩ tới việc phải leo lên chín tầng lầu là Di nghe hai ống chân mõi rệu. Di nghĩ thầm thôi cứ lại năn nỉ người giữ xe trước coi có được không, anh ta trông có vẻ hiền lành chắc không làm khó đâu. Di vừa đi vừa lâm râm cầu khấn. Người giữ xe ban nảy không còn ở đó, thay vào đấy là một người mà thoạt trông Di đã lấy làm ngờ ngợ. Anh ta đang đọc báo, gương mặt cúi nghiêng để lộ một bên tai với cái cục thịt dư sát mép trông quen lắm! Di tiến tới gần hơn rồi đứng chết trân. Người con trai linh cảm có người nhìn nên quay mặt lại. Y vừa ngước lên, vừa gọi một cách thảng thốt:
-Di !
-An!


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 12 Tháng 3 2014, 19:50 với 2 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 2 2014, 02:53
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Tới hồi ly kỳ rùi nè... :mozilla_tongueout:

Con người ta gặp nhau là do cái duyên. Tái ngộ nhau cũng là có cái duyên, đúng ko chị và bà con???


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 2 2014, 00:01
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG MƯỜI

Ngồi sau lưng An trên chiếc xe đạp mini lùn tịt, chiếc xe từ thời còn đi học được Di giữ lại, sơn đã tróc nhiều trơ khung sắt. Di chỉ thay cái sàn nước phía sau, bằng cái yên bọc nệm rất dài để chở hai đứa con. Cái yên thụp xuống rất thấp nên lưng An như bức tường che kín phía trước. Di ngồi một bên vặn ngang cái eo để quay mặt nhìn vào đó. Kéo cái nón lá che kín gương mặt vậy mà cứ run. Phải nhắm mắt lại tự đánh lừa rằng, nếu mình không trông thấy ai, thì cũng chẳng ai trông thấy mình. Một lát sau nghe tiếng An hỏi:
-Di thấy con đường nầy có giống đường Lê lợi của tụi mình không?
Mở mắt ra. Di thấy mình đang đi trên con đường mát rượi giữa hai hàng me:
-Cũng giống nhưng không đẹp bằng vì thiếu một dòng sông bên cạnh.
-Di ơi! Di có nhớ Châu Đốc nhiều không?
Di nói một cách ví von để giảm bớt tầm quan trọng của nó:
-Di chỉ nhớ Châu Đốc mỗi năm có hai lần thôi và mỗi lần kéo dài sáu tháng.
Di không kể cho An mỗi lần trời mưa, Di như thấy lại con đường nhựa trong đêm vắng tanh và loang loáng nước, như nghe lại tiếng rao thôi thúc cuả đứa bé bán bánh mì. Cũng không kể cho An nghe cái lần Di khóc dù đang đi ngoài đường khi nghe lại bài "Đố Ai". Cũng không nói về nỗi buồn đến nhói tim, khi đi qua ngôi trường có cây phượng to vào mùa hoa nở.
An nói bằng một giọng trầm trầm:
-Còn An thì nhớ Phú Lâm gần như là mỗi ngày.
-An có giận, có trách Phú Lâm nhiều lắm không?
-Đau và hụt hẩng nhiều hơn. Thỉnh thoảng An lại mơ thấy mình đạp xe trong đêm mưa, tối thui như lần đầu qua nhà Di vậy.
Rồi An hỏi thêm sau mấy phút ngập ngừng:
-Di có vui khi ở Sài Gòn không?
Di suy nghĩ hồi lâu, cố tìm những từ thích hợp để diễn tả tâm trạng của mình :
-Di cảm thấy lạc lỏng, lo lắng nhiều hơn. Như thể một người đi xe không có vé, cứ sợ bị trục xuất. Hay như một vật lạ thâm nhập vào một bộ phận nào đấy, liên tục bị đào thải, không muốn ở lại mà cũng không thể bỏ đi.
-Cái gì làm Di vui nhất.
-Con.
-Bây giờ Di mong mỏi điều gì nhất?
Phải mất năm phút sau Di mới trả lời:
-Di mong một lần ngồi sau lưng An, mà không phải lo và hồi họp như thế nầy!
Di nghe tiếng An thở nhẹ và dài. Rồi An hỏi:
-Di còn sợ ngồi quán như ngày xưa không?
-Cũng giảm nhiều, không gắt gao như trước nữa.
-Vậy mình ghé vô đây nghe?
Di lại mở mắt ra. Một cái quán cà phê khuất sau giàn bông giấy, chỉ có hai người khách mà thôi.
-An mỏi chân rồi phải không? Di cũng mỏi lưng rồi đó!
An dựng xe trước quán rồi bảo Di đưa chìa khoá để khoá xe lại. Di cười:
-Cái ổ khoá đó mất chìa từ lâu rồi. An cứ bỏ đại đi, xe cũ xì chẳng ai thèm lấy đâu!
An kéo ghế cho Di ngồi, cử chỉ ấy làm Di cảm động, gọi cho mình một ly cà phê đen rồi không hỏi mà gọi cho Di một ly đá chanh. Vừa cầm muỗng khuấy ly cà phê An vừa nói:
-Mấy lần An định ghé quán Di, uống thử cà phê của Di pha mà không dám.
Di ngớ ra, hỏi dồn:
-Bộ An biết chỗ Di bán sao?
-Biết chớ! An còn biết Di dọn hàng rất trễ, biết Di có cái áo mưa Ba đờ suy màu vàng, biết có lần Di té xe phải đi cà nhắc mấy ngày.
Di nghe hai dòng nước mắt dâng lên, cố hết sức kềm chúng lại, rồi hỏi An bằng giọng nghẹn ngào:
-Lâu chưa, ai cho An địa chỉ vậy?
-Cũng lâu rồi, nhờ đưa thơ giùm chị Ba nên biết.
-Sao lúc đó An không vào thăm Di?
-An cũng rất muốn mà không kềm được cơn run. Chỉ đưa cái thơ thôi mà bàn tay cứ run lẩy bẩy, cô em chồng của Di cứ nhìn chầm chập.
-Làm Di cứ thắc mắc từ đó đến nay.
-An có thấy Di chạy ra nhìn dáo dác.
-Lúc đó An ở đâu mà Di không thấy?
-An núp sau chiếc xe mì. Di vô nhà rồi An vẫn còn đứng mãi, đến chừng ông bán mì với bà vợ nghi ngờ. Họ nhìn An rồi nói tiếng Hoa với nhau, thế là An ngại quá, bỏ đi luôn.
-An có nhận ra Di liền hông?
-Có, dù Di ốm hơn lúc trước nhưng gương mặt vẫn không thay đổi. Di có bệnh gì không mà ốm quá vậy?
-Bây giờ là đỡ lắm đó, chớ có lúc Di còn chưa tới bốn chục ký!
Rồi Di kể cho An nghe cái lần Di sinh con gái đầu vừa được bốn tháng, cứ đến mười hai giờ trưa là Di sốt mê man. Ai cũng cho là Di bị bệnh Lao, đi chụp hình phổi, thử đàm, thử máu đều không phải. Di sụt gần cả chục ký lô, đến chừng đi y tế phường mới phát hiện viêm Amidal phải mổ.
Di lại kể cho An nghe cái điều mà bấy lâu nay Di giấu kín, không nói cho ai biết cho dù với chị Ba hay má:
-Di còn nhớ cái lần Di một mình đi mổ. Cái hạch sưng to quá nên phải chụp thuốc mê. Người ta kê cái lon inox cho máu chảy vào. Những người có thân nhân theo nuôi, người nhà phải cầm cái lon sát miệng bệnh nhân để máu trào ra đầy thì đem đổ liền. Di nằm mê man máu chảy ướt cả áo. Hôm ấy Di mặc cái áo bà ba màu trắng, khi xuất viện Di đón xích lô về không ai chịu chở vì tưởng Di điên. Bởi cái bệnh viện Di nằm sát bên nhà thương điên chợ Quán. Di phải đi bộ về, cũng may là nhà ở gần.
An nhíu mày nên Di phát hiện có mấy nếp nhăn giữa hai chân mày:
-Mấy người trong nhà không ai theo nuôi Di sao?
Di lắc đầu, An hỏi tiếp:
-Di có thân, có nói chuyện với ai không?
-Có cậu em trai út là có thiện cảm với Di thôi ! Cẩu còn nhỏ xíu hà, tánh hay mắc cỡ chỉ quanh quẩn bên Di chớ không có nói gì nhiều.
-Còn người kia, có quan tâm đến Di không?
-Cũng có, nhưng mê bạn nhiều hơn.
-Vậy Di còn sinh con nữa làm chi?
Di không trả lời cái câu hỏi gần như là trách móc đó.
Hai người khách ngồi trước đã ra về. An đứng lên đến gần người chủ quán nỏi nho nhỏ. Di thấy ông ta gật đầu rồi thay cái băng nhạc hòa tấu vào, không gian ngày xưa cũng theo tiếng nhạc ùa về. Di như đang ngồi trong lớp học vào những buổi chiều của năm lớp mười một. Thuở ấy, cứ vào khoảng ba, bốn giờ là quán cà phê đối diện trường lại cho nghe mấy bản nhạc Pháp thịnh hành. Di như thấy lại ánh nắng chiếu hắt lên hàng cây ven đường làm mấy đọt cây như được thấp sáng. Con đường vắng ngắt với một vài chiếc xe lôi không có khách uể oải lướt qua rất chậm, tiếng thước gõ lên bảng và tiếng đọc Anh văn rời rạc của cái lớp bên cạnh. Sân trường rộng vắng tanh trong giờ học, gió liên tục xô những chiếc lá chòng chành làm những đốm nắng trên lưng chúng rơi xuống, nằm run run trên mặt đất.
-Nhớ trường quá An ơi!
An không trả lời, móc túi lấy thuốc ra hút. Di hỏi:
-An cũng còn hút thuốc hả?
An nói như xin lỗi:
-Ráng nhịn sợ Di buồn mà chịu hết nổi.
-An cứ hút đi, Di bây giờ không còn cầu toàn như trước nữa. Có phải khi mình buồn hút thuốc thấy ngon lắm hả?
-Nó cũng cho mình sự phấn chấn và tự tin nữa. Nhờ nó mà An sắp nói với Di một điều mà An ấp ủ từ lâu lắm.
-Điều gì ?
-An thèm một lần được nắm tay Di, một lần được hôn Di, được ôm Di...
Giọng nói của An như kéo Di trở lại con đường đất gập ghềnh giữa hai rẫy Bắp trong cái buổi chiều của bảy năm về trước, lòng Di lại rưng rưng. An cắn môi, rồi đưa điếu thuốc lên rít một hơi dài. Di chià bàn tay trái của mình ra phía trước, nhìn sâu vào mắt An mà không nói một lời nào cả. An chụm ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa lại, chỉ cầm một ngón giữa trên bàn tay của Di mà mơn man rất nhẹ.


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 13 Tháng 3 2014, 07:16 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 2 2014, 23:56
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ngày xưa Di hay suy nghĩ những điều vô cùng vớ vẩn. Di tự hỏi ông thần tình yêu ăn cái thứ gì để có sức vác cái cung to đùng đi khắp thế giới và bắn lung tung. Bây giờ Di đã có câu trả lời cho riêng mình rồi: đó chính là thời gian. Trước sự hiện diện cuả ổng thời gian như bị nuốt chửng, khi Di nhìn lên cái đồng hồ treo sau lưng mình thì đã bốn giờ kém năm phút rồi. Di kêu bằng giọng hốt hoảng :
-Chết rồi An ơi, Di trễ giờ đón con rồi!
-Di phải đón lúc mấy giờ vậy?
-Bốn giờ.
-Con Di học ở trường nào?
Di nói tên trường và cả tên đường nơi nó toạ lạc. An trấn an Di.
-Từ đây đến đó chừng mười phút thôi, Di đừng có lo!
Rồi An nói tiếp:
-Để mai An mang theo đồng hồ.
-Không phải ngày mai An về An Giang nhận nhiệm sở sao?
-Trễ một ngày chắc cũng không sao? Chắc không ai nỡ trả lại trường. An còn nhiều điều chưa nói hết, còn chưa đưa cái lá thư mà An viết sẵn cho Di.
-Thư nào? An viết lâu chưa?
-Lâu rồi! Từ hơn ba năm trước, đáng lẽ An đưa chung với cái thư của chị Ba nhưng không dám. An vẫn còn cất chung với mấy lá thư Di gửi cho An hồi đó, Di có muốn xem lại không?
-Có! Di cũng muốn cho An xem bài thơ Di làm có An ở trỏng. Đây là bài thơ đầu tiên của Di sau bảy năm không dụng tới sách vở, thơ văn...
-Di có đọc thơ của Du tử Lê chưa, hay lắm! An có một tập thơ chép tay, để An tặng cho Di.
-Từ ngày lên Sài gòn đến giờ Di không có đọc bài thơ nào cả, nên những nhà thơ mới hầu hết Di đều không biết.
-Vậy thú vui của Di bây giờ là gì?
Di không trả lời An, Di không muốn cho An thấy sự cùn mòn trong cuộc sống của mình. Ngoài những nụ cười mang cho con và do con mang lại, Di hầu như chỉ có mấy lá thư của chị Ba để làm niềm an ủi. Lúc sau nầy chị Ba cũng thưa viết cho Di, có khi cả tháng trời Di mới nhận được một lá. Mấy lá thư ấy được Di cho chung vào cái túi tiền, mỗi ngày đi bán đều mang theo, đọc đến nỗi thuộc lòng từng lá một.
Đôi khi Di có cảm giác như mình đang sống trong một ngôi nhà không có cái cửa sổ nào hết. Không phải Di không có thời gian, Di chỉ không dám đối mặt với những điều gợi Di nhớ về những ngày tháng cũ. Di như đứa bé cuả ngày xưa vì vụng về đã làm vỡ một món đồ rất quí, phải chịu trừng phạt bằng cách ngồi trong góc tối và nhịn ăn cho tới chết.
Nắng chiều chiếu từ phía sau xô cái bóng của Di che hết lưng An. Di có cảm giác như An đang cõng Di trên lưng và bước rất nặng nhọc:
-An có mệt hông, sao đạp chậm quá vậy?
-Chắc tại đói bụng. Di có đói không?
Di lại kêu lên thảng thốt:
-Thôi chết rồi Di chưa đi chợ, không biết cho hai đứa nhỏ ăn gì đây?
An không trả lời và có vẻ hơi buồn. Gần đến trường Di kêu An dừng xe lại. An xuống xe rồi đột ngột cầm tay Di rất chặt và nói:
-Sáng mai An đợi Di ở đây, Di nhất định phải đến đó!
Rồi không đợi Di trả lời An quày quả bỏ đi liền.
Di đón con mà lòng đầy ray rức, hai đứa bé chắc sốt ruột lắm nên vừa thấy mẹ là chạy ùa lại liền, Di ôm cả hai đứa cùng một lúc, nói thầm trong lòng lời xin lỗi, rồi hỏi hai con:
-Tuị con muốn ăn bánh bao hay bánh mì thịt?
Bé Duyên đòi ăn bánh mì thịt còn cu Tèo thì đòi bánh bao. Di mua cho chúng cả hai thứ, vẫn còn thấy quá nặng lòng. Di mua thêm cho mỗi đứa môt bịt nước Mía nữa!


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 13 Tháng 3 2014, 06:56 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 2 2014, 00:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tối hôm đó ba mẹ con Di chơi với nhau rất vui. Di nằm co chân xích đu lơ cho từng đứa một, cu Tèo thích cảm giác mạnh nên cứ luôn miệng đòi:
-Cao nữa đi mẹ, mẹ hất con bay thật cao đi mẹ!
Bé Duyên thì ngoan lắm ít đòi hỏi, vừa ngồi lên chân mẹ mà thấy em đòi là nhường liền, tính giống hệt như chị Ba. Tèo thì giống Di hơn, hay tưởng tượng đủ thứ, còn nhỏ mà cái máu hài đã bộc lộ rồi.
Di ráng chìu con như để chuộc lỗi, đến chừng mệt quá mới bảo chúng:
-Ngủ thôi tụi con, mẹ đuối lắm rồi.
Cu Tèo phụng phịu rồi nói:
-Ngày mai mình chơi nữa nghe mẹ.
Di phải hứa và nghoéo tay cam kết cu cậu mới chịu nằm im.
Di nằm giữa hai con cứ luôn tay vỗ mông đứa nầy mấy cái rồi quay sang đứa kia. Hôm nay Di không nghĩ ra được câu chuyện mới nên kể lại một câu chuyện cũ, vậy mà cũng không tập trung nên chúng nó cứ ngắt lời:
-Không phải như vậy, hôm trước mẹ kể như thế nầy nè...
Dỗ con ngủ xong Di cứ nằm trằn trọc, những điều đè nén từ nãy, giờ mới bùng lên: Gương mặt An với tia nhìn thu hẹp như tia lửa từ cái mỏ hàn. cố tập trung tất cả sức nóng vào một điểm. Lòng Di như nồi súp đang sôi sùng sục trên bếp lửa, mọi cái bên trong đều đảo lộn. Có những thứ bị vuì sâu dưới đáy bây giờ mới vùng lên một cách mạnh mẽ đòi lại quyền sống cho mình. Trái tim lại lên tiếng nhắc cho Di nhớ đến sự hiện diện của nó, Di đặt tay lên ngực, nói thầm :
-Xin lỗi nghe, đúng là sống với tôi không dễ dàng gì. Hãy thông cảm bởi trong lúc nầy tôi không khống chế nổi những cảm xúc của mình. Rồi nó cũng sẽ qua nhanh thôi, cố mà chịu đựng giùm tôi nghe bạn!
Sáng hôm sau Di đưa con đến trường, còn đang phân vân đã thấy An đạp xe trờ tới. An mượn từ người bạn một chiếc xe đòn giông rồi biểu Di tìm chỗ gửi xe. Hôm nay An ăn mặc rất chỉnh tề, cái quần tây đen được ủi thật thẳng li cùng cái áo sơ mi tay dài màu xanh đậm, trông An khá lịch lãm làm Di đâm ra tự ti. Chợt tiếc sao mình không mặc cái áo Mút sơ lin màu tím mà chị Ba mới cho, mà mặc một bộ đồ đen thui trông buồn thảm quá!
An giục:
-Di nghĩ gì vậy? lên xe đi!
-An bây giờ trông lạ quá An ơi!
-Là tốt hay là xấu?
-Tốt.
An khoe:
-Có thấy An cao hơn Di gần một cái đầu hông!
-Đâu có nhiều dữ vậy, hơn nửa cái chút xíu hà.
-Bữa nay Di muốn đi những đâu?
-Tùy An đó, nhưng phải về sớm hơn hôm qua.
-Đừng lo hôm nay An có đeo đồng hồ nè!
An vừa nói vừa chìa cái đồng hồ màu đen đeo ở cổ tay trái ra cho Di xem, rồi hỏi:
-Hồi tối Di có ngủ được không ?
-Cũng tàm tạm, còn An?
-An cũng vậy, chỗ Di đêm rồi có mưa không?
-Có, khoảng hai giờ có mưa lâm râm, đâu chừng nửa giờ là tạnh hà!
-Lúc đó Di làm cái gì ?
-Không có làm gì hết, chỉ cố mà ngủ thôi, còn An?
-An lấy cây đàn ra, đàn lại mấy bản ngày xưa mà Di hay ca đó! Rồi An ước chi mướn được cái nhà sát bên nhà Di...
Di vội ngắt lời:
-An tính chở Di đi đâu vậy?
-Di muốn đi đâu?
-Đâu cũng được càng ít gặp người ta càng tốt.
Rồi Di nói tiếp:
-Lúc Di còn nhỏ, ông ngoại cũng hay chở Di trên cái xe giống vầy, chạy trên mấy con đường cộ nhỏ vào những buổi chiều.
-Chi vậy?
-Con đường ấy có mấy cây bông Trang, bông Điệp mọc hai bên lề, ông hái bông để cúng.
An không nói gì, đạp xe nhanh hơn. Di lại nhắm mắt và bỗng nhận ra một mùi thơm nhè nhẹ từ lưng áo cùa An. Một niềm xúc động lại xâm chiếm lòng Di, ước chi An yêu cầu Di tựa đầu vào lưng An, quàng tay quanh eo An như ngày xưa ấy!
-Di đang nghĩ gì vậy? An hỏi
-Di đang nhớ con đường đất đỏ mà mình đi hồi đó!
-An đang chở Di đến đó nè, bộ Di hổng thấy sao?
Di mở choàng mắt, nhận ra một khung cảnh quen thuộc, hay xuất hiện trong trí của mình. Di kêu một cách vui sướng:
-Trời ơi! Ở Sài Gòn cũng có những con đường như thế nầy sao An?
-Có chứ, bộ Di chưa từng đi tới đây hả?
-Chưa! Nếu biết có chỗ này...Nếu biết có chỗ nầy...
Di nghẹn ngào không nói trọn câu, lẳng lặng ngắm căn nhà lá nằm giữa vườn cây ăn trái giống hệt như ở quê nhà. Một bầy gà con chừng mười ngày tuổi đang đi sau lưng mẹ, thỉnh thoảng chúng dừng lại mổ xuống đất rồi nghe tiếng mẹ gọi lại nháo nhào chạy tới cất tiếng chíp chíp như xin lỗi. Một cái võng treo giữa cây mận và cây sung, đang bỏ trống hơi đong đưa trong gió làm Di chợt thèm nằm lên hết sức. Mấy dây bầu, mướp leo chung trên một cái giàn rất thấp thả những cái trái dài thòn, lòng thòng gần sát đất.
-Sao ở đây người ta làm giàn thấp quá vậy An ?
-Chắc họ sợ bị hái trộm, làm thấp như vậy chui vào khó hơn.
-Hổng phải đâu, chắc họ không có cây cao, to đó thôi!
Hai bên đường cũng có những cái thúng đặt trên ghế đẩu bày bán mấy bó rau muống, rau lang, cà tím...An dừng xe lại bên một thúng bắp còn toả khói mua bốn trái, lột vỏ một trái đưa Di, một trái cho mình rồi chạy xe một tay còn tay kia đưa bắp lên miệng cạp, được phân nửa An quay lại đưa cho Di nói:
-Đổi!
Di phì cười, đưa trái bắp của mình mới cạp được giáp một vòng cho An rồi nói:
-Vậy là Di chịu lỗ đó nghen!
Rồi hai đứa cùng nói một câu giống hệt:
-Nhớ mấy trái bắp ăn chung ngày xưa quá!


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 13 Tháng 3 2014, 07:02 với 3 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 2 2014, 02:34
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Hai người này mà ko phải là yêu nhau thì Ốm này cùi sứt móng! :mozilla_sealed: :mozilla_tongueout:

Nói hổng phải nói chứ Ốm chưa bao giờ có những cảm giác tương tự như zị đó chị lamduyen ơi! :mozilla_tongueout: :mozilla_tongueout:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2014, 00:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Một nỗi buồn từ thinh không rơi xuống đậu trên vai Di, những vòng quay của bánh xe cũng dần chậm lại. Ăn hết mấy trái bắp Di lấy khăn tay ra lau rồi chuyền cho An, lau xong An không trả cho Di mà cho vào túi áo luôn, Di ghẹo:
-Cái tật cũ không bỏ sao ta? Trả khăn lại cho tui đi " Công tử Đạo chích"!
-Còn lâu! Hởi "Liêm xẹt cô nương".Ta sẽ giữ chiếc khăn nầy để làm tín vật!
-Trả cho Di đi, chiếc khăn đó cũ rồi. Để Di thêu cho An cái khăn mới.
-Chừng nào có cái mới, An sẽ trả cái khăn nầy lại cho Di.
Xem ra bây giờ An "chì" hơn ngày xưa nhiều quá, Di nhìn An, lắc đầu rồi hỏi:
-An có đem mấy bức thơ theo hông?
-Có.
-Để đâu, sao Di hổng thấy?
An đưa tay vỗ vào bụng:
-Trong nầy nè! Có tập thơ nữa.
-Sao không cầm ra ngoài mà nhét ở trỏng?
-Để tránh mấy thằng bạn, tụi nó đang nghi ngờ, bắt gặp cái nầy tụi nó chắc không để An yên đâu!
Dừng lại một chút An hỏi:
-Người đó có hỏi gì Di không?
-Hổm rày y đi vắng?
-Đi đâu vậy?
-Di không biết, Di không có hỏi.
-Chừng nào về?
-Di không biết?
-Di có hạnh phúc hông?
-Di không biết?
-Sao cái gì Di cũng không biết hết vậy?
-Di cũng không biết nữa ... Mà Di cũng có đem cho An bài thơ của Di nè!
-Đâu đưa An xem.
-Đang chạy xe mà coi cái gì, té sặc máu bây giờ, để kiếm chỗ dừng lại rồi hãy xem.
-Vậy mình ghé vô chỗ nầy được không?
Một cái quán sát lề đường bán tạp hoá, có kê mấy cái bàn thấp, có mấy đứa con nít bưng mấy cái tô nhựa nho nhỏ ngồi ăn. Di lắc đầu:
-Kiếm cái quán nào thật là ế đi, như cái hôm qua vậy đó!
-Vậy mình trở lại đó nghe?
-Có xa lắm hông?
-Cũng hơi xa, nhưng mà đâu có sao!
Rồi An vòng xe quay trở lại, bánh xe cán lên một hòn đá to, nẩy bật lên. Di vội chụp cứng cái eo của An rồi rút tay lại liền. An vói tay ra phía sau cầm tay Di đặt lại vào chỗ cũ, rồi cứ giữ yên như vậy mãi cho đến khi ra đường lộ lớn mới chịu buông ra.
Cái quán hôm qua đang đông khách, xem chừng hôm nay Di không may mắn lắm. An hỏi:
-Quán đông quá, hay mình đi tiếp nhe!
-Tuỳ An đó!
An chạy luôn gần tới cuối đường, một quán cà phê hơi vắng nhưng lại gần ngã tư nên xe hay dừng khi đèn đỏ. An rẽ tay phải rồi tiếp tục chạy nữa, bỗng đột ngột thắng xe lại rồi vừa cười vừa nói:
-Đúng là ý trời rồi!
Di nhìn thấy một ngôi nhà ngói cũ, phía trước có cái sân rất rộng, bảng tên bằng gỗ rất đẹp gắn trên thân cây Sao trước nhà trùng với tên mình. Dưới những tàng cây có mấy cái bàn trải khăn trắng và những bình hoa trang trí trên đó, nó đang không có khách. Di hơi ngại:
-Chỗ nầy có mắc hông An?
An vỗ tay vào túi nói:
-Đừng lo An mới lãnh lương.
-Đi học mà cũng có lương sao ?
-Có chớ!
An khóa xe rồi xâm xâm đi vào. Di ngại hết sức nhưng cũng lủi thủi đi theo, giá cả chỉ là cái cớ, điều Di sợ là ở những chỗ như vầy ngày xưa chồng của Di hay đưa Di đến. Di không dám nói vì sợ An tủi thân.
An đi đến cái bàn cuối cùng, sát hàng rào dưới gốc một cây cao cao có những chùm hoa cánh dài màu xanh nhạt toả hương thoang thoảng, Di kêu lên thích thú:
-A! Bông Công chúa!
-Di biết cái bông nầy hả?
-Biết chớ! Vườn ngoại Di hồi đó có trồng mà.
Một người con trai ăn mặc rất lịch sự mang cái menu đến. An vẫn gọi cà phê đen rồi chuyền cái thực đơn qua cho Di. Di không nhìn vào mà gọi cho mình một ly trà đá.
-Cái vườn nầy làm Di nhớ ngôi vườn nhà ngoại quá!
-Di có về thăm quê thường không ?
-Sáu năm, ba lần.
-Có đi ngang qua Châu Đốc không?
-Một lần, chưa tới nhà mợ là tim Di đã đập túi bụi rồi. Di có nhìn vào con hẻm nhỏ, nó vẫn vắng teo như hồi trước.
-Sao không vô thăm An?
Di chỉ lắc đầu mà không trả lời. Rồi Di lấy trong túi xách ra một cuốn tập đưa cho An. An cũng rút từ thắt lưng một cái bì thư lớn đưa cho Di, cái bì thư nóng và ẩm. Di kẹp nó giữa hai bàn tay một lúc rồi mới mở ra, bên trong là một quyễn tập và mấy lá thư được cột dính lại bằng một sợi dây thun. Di đọc cái thư của An trước. Cái thư nầy An viết sau khi lên Sài gòn tìm Di không gặp, nước mắt cứ rơi lộp độp lên trang giấy. An móc cái khăn đưa lại cho Di. Di cầm lấy rồi vừa lau nước mắt vừa nói, cái câu xin lỗi muộn màng ấy, bị những tiếng nấc của Di ngắt thành từng từ một:
-Di...xin...lỗi...An!


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 01 Tháng 3 2014, 10:49 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2014, 23:54
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
An bắt đầu kể cho Di nghe về cuộc sống của An từ ngày không có Di. An kể cho Di nghe về chùm ổi An hái từ nhà ngoại để dành cho Di mà không kịp đưa, rồi trùm mền lại mà cất trên giường ngủ. Mang qua Phú Lâm cũng không gặp mặt, không dám gửi cho má Di nên lại phải mang về.
An giải thích cho Di biết tại sao mình chụp hụt trái vú sữa, để rồi đêm đó mơ thấy nằm chung với Di trên võng.
An lật tập thơ có dấu vân tay màu tím ở trang cuối, nói cho Di biết đó là vết mực dính trên bàn học của Di. An thấm vào tay rồi in vô để làm kỷ niệm.
An cũng cho Di biết cái tên" Đường tình hoa đỏ" mà An đặt cho con đường đất ngày xưa và từ ngày Di đi, mỗi chiều An đều đạp xe qua đó. Và về một lần An nhói tim khi đang ngồi trong cái quán cà phê bên kia đường, thấy Di nhìn đăm đăm như thể đã nhận ra An...
Di cũng nói với An về cái tai nạn mà Di gặp phải khi đi dạy kèm, đó cũng là lần đầu tiên Di đã gọi tên An trong vô thức. Về cảm giác của Di khi nằm trong phòng nghe An nói chuyện với má. Về những giấc mơ thấy mình còn đang đi học cứ đánh thức Di vào lúc nửa đêm. Về cơn khóc vào buổi chiều trong bệnh viện khi nhìn những đứa bé chơi đùa, màu áo trắng và những bông hoa phượng đỏ. Về cái thói quen mới có sau nầy là hay đột ngột gọi tên An...
Di trao cái khăn tay lại cho An rồi nói:
-An còn chưa hôn Di phải không ? An có muốn...
Đôi môi An đáp lên môi Di. Nó êm và rung nhẹ như đôi cánh bướm. Một cái hôn trong trẻo không dục tính, sao làm Di nghe nhoi nhói ở một nơi rất sâu trong cơ thể. Di hỏi khi vẻ mặt An cho thấy An còn đang váng vất:
-An có biết đàn bà chưa vậy?
An lắc đầu:
-Nghe mấy người bạn kể về chuyện ấy An thấy ghê ghê làm sao!
-Nhưng chắc An có đọc sách hoặc xem qua phim rồi phải hông?
-Không nhiều như Di nghĩ đâu!
An định nói tiếp một điều gì đó, Di lật đật đổi đề tài:
-Ngày mai giờ nầy chắc An đã ở Long Xuyên rồi há?
An không trả lời, cả hai nhìn nhau một lát rồi lại cúi đầu đọc thơ. An ngẩng đầu lên trước và nói:
-Sao Di viết ngắn quá vậy, sao không viết cho kín cuốn tập luôn, bỏ giấy trống uổng quá!
-An thích câu nào nhất? Di hỏi
-Câu nào An cũng thích hết, còn Di?
-An hỏi về cái gì? về bức thư của An hay về tập thơ?
-Tập thơ.
-Chắc An thích Du Tử Lê lắm hả ? Di thích Phạm Thiên Thư hơn, nhất là bài nầy, rồi Di đọc:

Đêm nghe mưa đổ
Động mái liều thơ
Dưng nhớ người xưa
Áo vàng thuở nọ

Người tình nho nhỏ
Nhỏ mãi trong ta
Như chùm hạ hoa
Buồn ơi đốt thuốc...

Lần trang sách nhòa
Nầy những đóa hoa!
Ép từ hạ cũ
Tưỡng em tóc rũ
Trong dòng mưa sa.

Rồi hai đứa lại cãi nhau để bảo vệ lập trường của mình, cho đến khi nghe tiếng chuông đồng hồ từ trong nhà vang ra gõ mười lăm tiếng. Di đứng lên:
-Mình về thôi An
-Ngồi thêm chút xíu nữa đi Di!
An nói bằng cái giọng của ngày xưa, ở những giây cuối cùng trong những lần hẹn hò ngày ấy.
-Hôm nay Di phải về sớm!
An hỏi như một lời van lơn:
-Mình còn gặp nữa không Di?
-Di không biết, Di sợ lắm!
Rồi Di đứng bật lên. An cũng đứng lên theo, vói hai tay nắm chặt hai bàn tay của Di, mắt An buồn còn hơn lời từ giã. An nói:
-Cười đi Di. Cười bằng cả đôi mắt, bằng cả khuôn mặt đi. Cười giống như ngày xưa ấy!
Di cố cười thật tươi, hai giọt nước lăn qua môi, vị mằn mặn trôi từ từ vào cổ họng.


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 12 Tháng 3 2014, 19:34 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 3 2014, 19:02
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Thời kỳ nầy Di trở nên vô cùng đa cảm. Những sự việc ngày trước trôi tuột qua mắt, bây giờ bỗng gieo vào lòng Di biết bao cảm xúc. Một chiếc lá rơi trên vạt áo cũng làm Di lâng lâng, như thể đây là món quà mà cây cố tình gửi tặng. Một làn gió vờn trên má cũng làm Di rung động khi tưởng tượng cái làn gió kia từ nơi ấy đến, mang theo hơi thở và mùi hương của ai đó. Chỉ cần thấy một đôi chở nhau là Di lại nghĩ đến An, hình ảnh An cứ bàng bạc khắp nơi. Hơn một lần Di đạp xe muốn hụt hơi chạy theo một người phía trước vì họ có một mái tóc, một bờ vai, một màu áo nhớ.
Hình như năm nay mưa nhiều hơn và kéo dài hơn các năm trước. Di đã mua được một cái máy caset cũ và một số băng nhạc mà mình yêu thích. Mỗi khi giật mình tỉnh giấc trong đêm là Di lại mở nhạc lên nghe. Những bài hát như một lời an ủi, như từ nơi xa xôi ấy An đang bật tay lên phím đàn để gửi đến Di những giai điệu mượt mà. Sau những phút giây đắm mình trong nỗi nhớ ấy lòng Di lại ăn năn ray rức. Di lại cố đền bù cho con. Như thể tình thương của Di là chiếc bánh, hể lỡ chia cho An phần lớn rồi, thì phải cắt cho con một phần còn lớn hơn nữa.
Thỉnh thoảng Di cho con đi sở thú hoặc làm những món mà con ưa thích, hình như con nít đứa nào cũng khoái ăn sườn nướng. Di hay làm món cơm tấm cho con ăn và lần nào cũng trộn thêm một tô dưa mắm ăn theo kiểu quê nhà, chồng của Di cứ cằn nhằn:
-Ăn cái kiểu gì lạ vậy?
Nhất là khi thấy Di ăn bắp với mắm sống là y cứ rùng mình như thể Di là người man rợ vậy.
Di vẫn chưa dám kể cho chị Ba nghe về việc Di gặp lại An, Di sợ chị lo và buồn cho Di. Di sợ sẽ nghe cái câu mà nhất định chỉ sẽ hỏi là Di tính làm sao? Nó sẽ nhắc cho Di nhớ hoàn cảnh hiện tại của mình và tước mất niềm vui mà Di đang vay mượn.
Di mua vải may áo cho con, mua dư ra để làm cho An một chiếc khăn tay như đã hứa. Cái khăn màu xanh da trời rất nhạt. Di thêu lên ấy một hàng chữ "CTĐC-LXCN", khăn làm xong đã lâu mà không có dịp đưa cho An.
Rồi một ngày trên đường đi bán về Di nghe một tiếng gọi vô cùng thân thuộc "Di". Di quay ngang khi xe còn đang chạy. Chiếc xe An trờ tới vậy là Di té, đâu có phải tại té đau mà Di chảy nước mắt ào ào...An vội nhảy xuống xe đỡ Di đứng dậy, cái bánh xe trước cong vòng phải đem chỉnh. Lại có cơ hội cho An chở Di vào một cái quán ở gần đó. Vui và sợ làm người Di cứ "đánh bò cạp", hai hàm răng cứ chạm vào nhau. An nhìn Di rồi nói:
-Di đừng sợ nữa, thấy Di như thế nầy An đau lòng lắm!
Di lắc đầu cố nói:
-Không...phải...sợ...đâu...Di...vui...mà.
An đưa tay ra muốn cầm tay Di để trấn an rồi không dám. Di cố hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ, làm được vài lần thì Di tim đã đập bình thường trở lại, An hỏi:
-Đỡ chưa Di?
Di gật đầu, An khuấy ly nước chanh cho tan đường rồi đưa cho Di và nói:
-Uống từ từ thôi.
Chờ Di uống xong ly nước An nói:
-Hồi nãy cái mặt của Di xanh lè hà, An cứ sợ Di xỉu.
Di cười cho An yên tâm rồi lấy trong túi xách cái khăn đưa cho An. Giọng An đầy ngạc nhiên và vui thích:
-Sao biết gặp An mà đem theo vậy?
-Di để sẵn trong túi.
An áp cái khăn lên mũi hít một hơi dài rồi nói:
-Thơm quá!
-Xạo! có xức cái gì đâu mà thơm.
-Có mùi hai bàn tay của Di.
An mở khăn ra xem, đưa tay sờ lên hàng chữ rồi nhìn Di, cái nhìn làm Di quá xốn xang nên vội cụp mắt xuống. Di tằng hắng một cái rồi hỏi:
-An về được mấy ngày?
-Một ngày thôi, chút nữa là An phải đi liền, tưởng không kịp gặp rồi, mà Di té có đau không?
-Cái xe của Di thấp chũm hà! Nhờ vậy nên té hổng có đau.
-Di có nhớ An không?
Di gật đầu để thay lời đáp.
-Di có thường ăn bắp không?
Di lại gật đầu.
-Ngày nào An cũng ăn một trái
-Bắp ở quê mình ngon lắm mà rẻ nữa.
-Di có biết mấy câu thơ nầy không :"Hạt ngô thơm mùi sữa, nở đều như răng em, anh ghé môi cắn vỡ, ăn mãi chưa đã thèm..."
Di lại gật đầu thêm lần nữa. An nói:
-Thôi đừng gật đầu nữa Di ơi! Nói đi, nói nhiều nhiều để khi về An ôn lại.
Di suy nghĩ một chút rồi hỏi:
-Ai nấu cơm cho An ăn vậy?
-An ở nhà tập thể, bốn năm thằng chung một phòng thay nhau nấu ăn.
-Có ngon không?
-Cũng tạm được, không có ngon bằng cơm của Di đâu!
-Lại xạo nữa, An có ăn đâu mà biết!
-An biết chắc như đinh đóng cột. Ước gì hôm nào Di ghé thăm rồi nấu cho An một bữa.
Di ngắt lời:
-An thích món gì?
-Canh khoai ngọt ăn với dưa mắm và cá muối chiên.
-Di cũng khoái mấy cái món đó nữa.
An nói bằng một giọng ưởm ờ:
-Mai mốt Di cho An ăn cái món đó hoài cũng được.
Câu nói đùa của An, như một làn gió làm làn da của Di se lại. An móc trong túi ra một lá thư để trần trao cho Di rồi nói:
-Di cất đi để về nhà hãy đọc.
Rồi An móc từ túi áo bên kia một cây son đưa Di. An cười và nói hơi ngường ngượng:
-Tặng cho Di nè! Tháng lương đầu của An đó!
Di mở cây son ra xem, nó có màu cam đỏ. An giục:
-Di thoa đi, cho An xem có hợp với Di không.
-Không có cái mặt kiếng làm sao thấy đường mà thoa?
-Kệ nó, lem một chút cũng đâu có sao, chìu An một chút đi mà !
Di tô một lượt thật nhẹ rồi hỏi:
-Được chưa, vừa lòng An chưa?
An nhìn Di hồi lâu, đưa lại cái khăn tay rồi nói:
-Di chậm môi vào đây cho An đi.
Di áp môi lên phía trên hàng chữ rồi trao nó lại, An cầm lấy rồi áp môi mình lên cái dấu son mờ mờ trên đó !
Về đến nhà Di không thay đồ mà lấy cái thư ra đọc liền, nó là một bài thơ của An làm và không có tựa:

Chia tay nhau, ba giờ, buồn tái tê
Đêm, một mình với ly cà phê
Sáng, đi lang thang...
Rồi lén đến rình em dọn bán
Nhìn em nhấc cái bàn
Anh nước mắt hai hàng
Ước gì... Em nhỉ
Em dẹp quán...anh đi...

Trong đầu mãi nghĩ
Giật mình nhìn kỹ
Lại thấy cầu chữ Y

Chân bước phân vân, lòng hỏi lòng
Qua mấy dãy phố đông
Anh ghé vào quán nhỏ
Gọi ly rượu
Màu rượu đỏ...sóng sánh... lung linh
Ngồi một mình, kỳ cục
Đốt điếu thuốc, khói thuốc đục ánh đèn
Nhớ em quay quắt

Di !
Sáu năm rồi không gặp
Hai đứa cùng xanh xao
Hai đứa cùng hư hao
Cùng thở dài như nhau

Sáu năm, mình gặp lại
Hai đứa vẫn hư thân
Đứa dối chồng, con
Đứa cãi cha, cãi mẹ
Tội lỗi ngập đầu

Thôi thì nguyện cầu
Mai mốt chết
Thà xuống địa ngục, để được ở chung hang
Còn hơn lên thiên đàng, mà không cùng một chỗ
Bớ nầy ông Phật tổ, Thích Ca Như Lai!
Nghe đồn ngài
Phép thần thông nhét đầy một túi
Mà sao
Có mắt cũng như đui
Tụi tôi, thương nhau vậy đó!
Sao chẳng thấy chẳng hay
Chẳng chịu xòe bàn tay, hóa thành năm trái núi
Nhốt hai đứa tôi vào hang tối muôn đời
Để sáu năm rồi, mỗi đứa vẫn một nơi
Giờ gặp lại mà cũng như chưa gặp
Dẩu nói muôn nghìn lời, cũng vẫn nhà ai nấy ở
Cho nên...
Buồn ! Trăm ngàn phút kéo dài
Chẳng biết mai nầy, phải làm sao?
Đau, cùng khắp
Thấy trái bắp, nhớ mùa ngô
Đọc bài thơ, buồn da diết
Nuối tiếc, biết làm sao!?


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 12 Tháng 3 2014, 19:24 với 2 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp

» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 9 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 9 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 9 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 9 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu