Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 11 2024, 05:33
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Câu chuyện bát mì «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 9 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2621 | Trả lời: 8)
Tiêu đề bài viết: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 3 2008, 22:17
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

o O o

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai
bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?
- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn".
Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ.
Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:
- Các vị... các vị là...
Một trong hai thanh niên tiếp lời:
- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.

o O o

Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.


Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt". Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Khuyết Danh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 3 2008, 11:02
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 69
Sinh nhật: 00-00-1955
Ngày tham gia: 21 Tháng 1 2008, 10:01
Bài viết: 218
Quốc gia: Virgin Islands (British) (vg)
phuchau {L_WROTE}:
Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt". Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Khuyết Danh

Nguyen Tan nghĩ, lời nhận xét trên không hề phóng đại, không chỉ độc giả Nhật Bản, mà bất cứ ai, đọc câu chuyện này mà không rơi nước mắt, không rưng rưng nước mắt thì mới là lạ.
Tan cứ tưởng tượng rằng hai vợ chồng ông chủ tiệm mì không bao giờ thốt ra những lời đao to búa lớn để vỗ ngực xưng ta đây là đạo đức, là thương người, càng không lên mặt dạy đạo đức cho người khác. Tiếc rằng ở đời, có những kẻ ngược lại như vậy.
Tan có biết một câu chuyện có thật thật đau lòng. Muốn kể cho các bạn ở đây nghe mà không biết có nên không!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 3 2008, 21:15
Ông bạn Nguyen Tan mến !
Mình nghĩ, muốn kể thì kể liền, khỏi cần tự hỏi nên cùng không nên !


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 3 2008, 21:43
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 69
Sinh nhật: 00-00-1955
Ngày tham gia: 21 Tháng 1 2008, 10:01
Bài viết: 218
Quốc gia: Virgin Islands (British) (vg)
vô thường Niệm {L_WROTE}:
Ông bạn Nguyen Tan mến !
Mình nghĩ, muốn kể thì kể liền, khỏi cần tự hỏi nên cùng không nên !

Nguyen Tan đang rưng rưng đây...xin đừng nói là Tan là đồ gà mái.Tan nhớ tới chuyện đó...
Thuở ấy nhà Tan nghèo lắm, cơm bữa đói bữa no...ở xóm có ông đó nhà giàu thường bố thí gạo vào những ngày rằm lớn, ai cũng khen là ông nhân đạo, thương ngừoi, hay làm phước. Nhưng dù Tan còn nhỏ Tan vẫn thấy là ông ta khi dể nhà Tan. Ba má Tan chỉ biết đi làm mướn mà. Lần đó, ba má Tan chưa về, Tan đói quá. Ông ghé nhà Tan, hỏi Tan ăn cơm chưa. Tan bảo chưa. Ông bắt đầu hỏi Tan đủ chuyện mà toàn là chuyện ăn uống. Những câu như: mày biết món canh chua cá bông lau hông, mày có ăn thịt sườn nướng lần nào chưa, mày có ăn khô mực nướng chưa...lát nữa nhà tao ăn cơm với gà xào lăn...Ông ta làm Tan càng thêm đói và thèm...rồi một hồi tủi thân...mình là đồ chết thèm chết khát !!
Vậy ông ta có là người nhân đạo không hay là đồ đạo đức giả. Gợi thèm khát cho một người đang đói khát...Bây giờ Tan rất kỵ cái bọn mở miệng ra là xưng ta đây làm phước..bọn chúng chỉ làm phước cho bản thân mình thôi...Tan ngang lắm...
Tan thương chỗ giúp người mà âm thầm của vợ chồng chủ quán trong câu chuỵện trên lắm...dù chỉ là vài vắt mì...mỗi năm chỉ một lần


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 3 2008, 22:36
Nguyen Tan {L_WROTE}:
vô thường Niệm {L_WROTE}:
Ông bạn Nguyen Tan mến !
Mình nghĩ, muốn kể thì kể liền, khỏi cần tự hỏi nên cùng không nên !

Nguyen Tan đang rưng rưng đây...xin đừng nói là Tan là đồ gà mái.Tan nhớ tới chuyện đó...
Thuở ấy nhà Tan nghèo lắm, cơm bữa đói bữa no...Ở xóm có ông đó nhà giàu thường bố thí gạo vào những ngày rằm lớn, ai cũng khen là ông nhân đạo, thương ngừơi, hay làm phước. Nhưng dù Tan còn nhỏ, Tan vẫn thấy là ông ta khi dễ nhà Tan. Ba má Tan chỉ biết đi làm mướn mà. Lần đó, ba má Tan chưa về,Tan đói quá. Ông ghé nhà Tan, hỏi Tan ăn cơm chưa. Tan bảo chưa. Ông bắt đầu hỏi Tan đủ chuyện mà toàn là chuyện ăn uống. Những câu như: mày biết món canh chua cá bông lau hông, mày có ăn thịt sườn nướng lần nào chưa, mày có ăn khô mực nướng chưa...lát nữa nhà tao ăn cơm với gà xào lăn...Ông ta làm Tan càng thêm đói và thèm...rồi một hồi tủi thân...mình là đồ chết thèm chết khát !!
Vậy ông ta có là người nhân đạo không hay là đồ đạo đức giả. Gợi thèm khát cho một người đang đói khát...Bây giờ Tan rất kỵ cái bọn mở miệng ra là xưng ta đây làm phước..bọn chúng chỉ làm phước cho bản thân mình thôi...Tan ngang lắm...
Tan thương chỗ giúp người mà âm thầm của vợ chồng chủ quán trong câu chuỵen trên lắm...dù chỉ là vài vắt mì...mỗi năm chỉ một lần


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 3 2008, 22:56
Câu chuyện của bạn rất tuyệt, bạn Nguyen Tan.
Tuyệt hơn nữa là bạn sớm nhận ra, từ hồi còn bé, bộ mặt thực đàng sau cái mặt nạ của những ông thánh bà thánh ưa làm việc... bố thí ấy.
Càng bố thí, tính cống cao, ngã mạn của họ càng được ve vuốt; họ sướng phát điên vì thấy mình cao quý hơn cái lủ sâu bọ mà họ ban phát ân huệ.
Cái loại ông / bà thánh đó...vào địa ngục nhanh lắm, bạn mình ơi !
Bắt tay ông lần nữa !


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 1 2009, 07:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Câu chuyện hay quá là hay, đơn giản nhưng nói lên được nhiều điều. Có lẽ tôi phải cần xem lại mình vì đã có những lúc cư xử chưa đúng mức.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Bát mì của lòng tự trọng
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 9 2010, 00:53
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Thân tặng quý vị một câu chuyện hay nữa về bát mì... để thưởng thức vào cuối tuần.
Kính chúc tất cả tận hưởng những ngày cuối hè thật vui và chuẩn bị đón một mùa thu dịu dàng lãng mạn đang đến.

Bát mì của lòng tự trọng

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”.
Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại
mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải? chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.

Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.


Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.


Irving Layton


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Câu chuyện bát mì
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 9 2010, 02:26
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 74
Sinh nhật: 00-00-1950
Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07
Bài viết: 287
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nước mắt tôi lại ứa ra khi đọc những truyện trên...
Đáng quí thay lòng nhân hậu và lòng tự trọng của con người! Theo tôi, đó là 2 phẩm chất đạo đức TRUNG TÂM của con người = Có được chúng người ta sẽ có những phẩm chất đạo đức khác! (?).

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó ý như vầy: từ lâu người ta chú ý nhiều đến việc GD lòng trung thành mà ít quan tâm GD lòng tự trọng. Một nhận xét thật đáng suy ngẫm! (?)

Đọc hai câu chuyện về những bát mì của lòng nhân ái, lòng hiếu thảo, lòng tự trọng, tôi nhớ lại một truyện cũng khá cảm động về một cô bán bánh mì mà tôi đã đọc mấy tháng trước. Thế là tôi vô "Gú gồ" gõ mấy chữ: "bán bánh mì chan nước cho sinh viên" và "lôi" ra được bài đó nè.
Tôi gởi lên cho bà con đọc lại nhé!

Bài học từ người bán bánh mì...

TTCT - Vào một bình minh mưa của mùa áp thấp, mình vô tình khám phá câu chuyện về những chiếc bánh mì “độc” mà có lẽ chỉ sinh viên Đà Nẵng mới biết...

{L_ATTACHMENT}:
Co Hong banbanhmi.jpg
Co Hong banbanhmi.jpg [ 23.47 KB | Đã xem 2904 lần ]


Cô Hồng, tác giả của món “bánh mì chan nước” - Ảnh: M.H.


Lần đầu tiên ghé quán bánh mì cô Hồng, mình nghe một bạn sinh viên kêu: “Cô! Cho con nửa ổ bánh mì chả ngàn rưỡi!”. Thầm ái ngại khi nghĩ cô - cũng sẽ như bao người bán bánh mì khác - lắc đầu và phán: “Phải mua ít nhất 3.000-5.000 đồng/ổ”. Nhưng không, cô nháy mắt tươi cười: “Có ngay!” rồi lấy con dao cắt rẹt một cái, ổ bánh mì chả được chia làm đôi, đúng yêu cầu của khách hàng.

Sau đó, bất ngờ hơn khi thấy rất nhiều sinh viên đến hỏi mua mỗi người hai ổ bánh mì... chan nước. Loại bánh do cô tự nghĩ ra để phù hợp hơn với túi tiền sinh viên, vẫn đầy đủ: rau, dưa, nộm, nước chan, patê, chỉ thiếu... chả. Nhưng đây lại là loại bánh được nhiều sinh viên ưa chuộng, như lời cô bạn Bích Ngọc (Trường CĐ Kinh tế kế hoạch) rỉ tai: “Bánh cô làm sạch sẽ. Ăn ngon không kém bánh mì chả mà hai ổ chỉ có hai ngàn rưỡi, quá rẻ!”. Ai cũng biết điều đó, nhưng mấy ai biết được thật sự mỗi ổ bánh mì cô chỉ lãi 250 đồng. Nhìn cô đứng phơi mình giữa cái nắng khắc nghiệt hay những cơn mưa tạt của ngày áp thấp, chạnh lòng tự hỏi 250 đồng ấy có bù lại được nỗi vất vả cô phải chịu?
Sau lần đó, cũng như bao sinh viên khác, mình trở thành một tín đồ trung thành với món bánh mì chan nước. Để rồi được đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhận ra ở mỗi ổ bánh mì chỉ có hai ngàn rưỡi hai ổ ấy, cô Hồng vẫn thường bí mật kẹp thêm ít chả, ít giăm bông cho sinh viên chúng mình, thậm chí cô còn “khuyến mãi thêm cả quả dưa leo bự mà không lấy thêm tiền” - N.Hùng, sinh viên năm 4 ĐH Bách khoa, kể. Cô luôn cố gắng bán cho mọi người những ổ bánh mì nóng giòn, thơm ngon vì với cô: “Bán bánh mì tuy là một nghề bình thường nhưng cũng là một nghề đòi hỏi lương tâm nghề nghiệp, con à!”.

Có lẽ vì vậy mà bảy năm qua, hình ảnh một phụ nữ 46 tuổi nhỏ bé cùng chiếc xe bán bánh mì gần Trường ĐH Sư phạm ấy đã trở nên quá đỗi gần gũi và thân quen với chúng mình. Nhiều người đến vì món bánh vừa lạ vừa rẻ, có người thích trò chuyện với cô và có người đến chỉ để phụ giúp cô bán bánh. Không biết có bao nhiêu sinh viên đã ghiền hàng bánh độc nhất Đà Nẵng này. Nhiều sinh viên đã gắn chặt với bánh mì chan nước. Điển hình như H.T., nữ sinh viên năm 1 của ĐH Sư phạm. Cô bạn ngượng ngùng tâm sự: “Ăn một ổ bánh thì không no. Từ lúc biết đến món bánh này mình mới dám ăn sáng nhiều mà không sợ tốn tiền. Gần 10 tháng nay, kể từ ngày nhập học, sáng nào mình cũng ăn hoài món này không ngán”.

Với nam sinh viên nghèo N.Nghĩa thì cô bán hàng không chỉ nhân hậu mà còn thấu hiểu. N.Nghĩa trầm giọng: “Một lần mình mua hai ổ bánh mì chan nước thì gặp nhỏ bạn cùng lớp đang ở đó giúp cô bán bánh. Có lẽ nhận thấy sự bối rối của mình, cô vội vàng tự gói bánh vô bao đưa mình mà không để bạn nhìn thấy!”.

Chính mình cũng không sao quên được lần xách đồ chuẩn bị ra ga tàu về quê ăn tết, cô đã làm cho mình hai ổ bánh mì miễn phí mà cô nói là chan nước nhưng bên trong đầy đủ chả và giăm bông, rồi cô lại dúi vội vào tay mình một bịch năm ổ bánh mì nói là: “Mang lên tàu ăn cho đỡ đói”. Không chỉ thế, cô còn bảo chồng chở mình ra ga tàu cách đó khá xa cho kịp giờ. Rồi đôi khi đơn giản chỉ là một chùm chôm chôm, vài quả vải hay táo... cứ bất chợt xuất hiện trong cặp xách một cách không bình thường.

Ngày Tết Đoan ngọ vừa rồi, cô kêu nhóm sinh viên chúng mình qua nhà cô chơi. Căn nhà nhỏ, đơn sơ chỉ chừng 15m2 rộn rã tiếng cười, cô ân cần gắp thức ăn cho từng đứa. Với tô mì Quảng đậm đà hương vị quê, mỗi sinh viên xa nhà lòng ngập tràn ấm áp vì cảm giác như đang được ở trong chính ngôi nhà của mình, quây quần bên bữa cơm gia đình. Cô nói: “Sinh viên xa nhà phải sống tiết kiệm, tội lắm các con! Con cô cũng là sinh viên. Cô hiểu chứ”. Dứt lời, cô lại cúi xuống và lui cui dọn dẹp. Ai biết được rằng đằng sau vẻ mặt luôn tươi cười ấy là những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể gọi thành tên.

Chúng mình đã học được nhiều điều và tin tưởng hơn vào cuộc sống chỉ từ một người bán bánh mì...

MAI HƯƠNG


http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/38 ... nh-mi.html


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 9 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]

» Câu chuyện bát mì «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu