Giọt nước đen tuyền chạm nhẹ bề mặt trắng đục, lập tức hòa theo những vòng tròn lan tỏa thành những gợn sóng li ti trong tách cà phê. Khánh biết mình đã thức. Tách cà phê buổi trưa đã không ngăn được cơn buồn ngủ buổi chiều, nhưng bây giờ hình như có tác dụng. Khánh cảm thấy tỉnh táo tức thì khi thức giấc. Đầu óc cô gái làm việc nhanh như chớp: trời còn tối, mẹ nằm ngủ trên giường bên cạnh, đây là Việt Nam. Khánh xoay mình nằm nghiêng, thấy mẹ cũng nằm nghiêng, mặt hướng vào bức tường. Dáng mẹ nằm co quắp dưới tấm chăn mỏng. Khánh sực nhận ra mình cũng đang co hai chân lên gần sát bụng, lưng cũng cong lại như con tôm. Cô gái bèn duỗi chân, thẳng lưng, nằm ngữa ra, và thấy một cái gì đang dịch chuyển trên trần. Mắt đã quen dần với ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ, Khánh chăm chú nhìn theo vật chuyển động ấy một lúc. Bỗng cô ngồi bật dậy la lên “Gecko! Must be a gecko!” Mẹ cũng bật dậy, hốt hoảng: - Cái gì hả con? - Con nghĩ nó là một gecko. Mẹ coi đúng không? - A, con thằn lằn. - What? Say it again, please. - Con thằn lằn. Ở Việt Nam đâu cũng có con này. Nó không có hại. Con đừng sợ. - Con không sợ. Giọng Khánh hơi khó chịu. Tại sao mẹ cứ cho là cô sợ mọi thứ? Khánh nằm xuống, xoay lưng về phía mẹ. Khánh ngủ một mình từ nhỏ. Thỉnh thoảng hai mẹ con cùng đi đâu xa mới ở chung một phòng trong khách sạn. Mẹ một giường, con gái một giường, mà đôi khi Khánh vẫn cảm thấy không thoải mái. Đôi khi Khánh có cảm giác mẹ nhân cơ hội này dò xét nhứt cử nhứt động của con gái để uốn nắn dạy dỗ theo khuôn mẫu của bà. Điều này khiến cho Khánh muốn nổi khùng. Cô gái kéo chăm trùm kín mít, nhắm mắt lại như ngủ rồi. Khánh nghe tiếng chân mẹ đi vào buồng tắm, rồi tiếng sột soạt chăn nệm khi mẹ trở về giường. Mẹ nói: - Mới hơn 4 giờ sáng. Khánh nằm im. Đó là một thông tin cô gái quả có muốn biết, nhưng người mẹ nói trống không như nói một mình. Bà nói tiếp: - Ở Little Rock là 4 giờ chiều. Cô gái vẫn nằm im. Cô lắng nghe những âm thanh khác đang dâng lên, không phải ở trong phòng, nghe xa xa mà dường như gần gần đâu đó. Tiếng gì nghe lịch kịch, có khi vang lên xành xạch, có lúc kéo dài một chuỗi bình bịch đều đều. Bỗng trỗi lên một dãy âm thanh cao lảnh lót vượt trên cái điệu trầm trầm lúc nhỏ lúc to ấy. Mẹ lại nói: - Gà gáy rồi. Khánh quay đầu lại hỏi: - Tiếng nào là tiếng gà? - Tiếng eo óc xa xa … đó, tiếng gà gáy đó. Con này gáy con kia đáp lại. Lát nữa gà cả xóm thi nhau gáy. Là trời sáng. Lần này mẹ nói đúng. Khánh ra khỏi giường, kéo màn cửa sổ nhìn ra. Chân trời chỉ mới ưng ửng hồng, mặt sông còn la đà sương sớm, nhưng ghe xuồng đang ngược xuôi khá tấp nập. Khánh hiểu ngay âm thanh đã đánh đố cô trong bóng tối phát ra từ động cơ chạy những ghe xuồng này. Khách sạn xây cạnh bờ sông, cô gái mở cửa bước ra ban công nhìn xuống là thấy ngay bến đò đang chộn rộn. Quan sát những người lên xuống đò một lát Khánh nhận ra một cái chợ gần đó, nơi người ta khuân các giỏ trái cây rau củ từ dưới đò lên và bày dọc theo lề đường, từng đống to, đống nhỏ. Một số tiếp tục chuyển đi đâu đó, một số đổ ngỗn ngang trên những tấm bạt trải trên mặt đất. Người ta đi tới đi lui, nói chuyện lao xao, mỗi lúc một đông. Khánh bắt đầu cảm thấy rạo rực, muốn nhập vô đám đông đó, muốn biết họ nói gì, những thứ rau trái đó là gì. Khi cô gái trở vào phòng thì người mẹ đã thay quần áo và đang trang điểm. Khánh kéo xoẹt dây kéo chiếc va li, rút đại một chiếc quần sọt và cái áo thun. Chỉ trong nháy mắt Khánh đã làm xong vệ sinh cá nhân (tiêu, tiểu, tắm, gội). Có cái máy sấy tóc gắn dính vô tường buồng tắm, nhưng Khánh không dùng. Để nguyên mái tóc ướt Khánh lại bước ra ban công trong chiếc quần bằng vải jean chỉ lớn hơn cái xì líp một tí. Chiếc áo thun bùng nhùng ôm eo tới quá rún thì xòe ra vạt ngắn vạt dài. Khánh không thực sự hài lòng với thân hình mảnh mai suôn đuột của mình. Áo quần này cũng không hẳn là thứ cô thích nhứt. Nhưng … cơ bản cô gái không công nhận bất cứ sự hoàn hảo chỉn chu nào. Nắng đã lên, Quãng đường từ bến đò dài lên khu chợ tấp nập người ta. Ai cũng vội vàng bận rộn. Khánh có thể nhận ra một số hoa trái chở đầy ắp các ghe xuồng: Dưa hấu, hoa vạn thọ, chuối (tuy những trái chuối ấy ngắn và mập, khác màu với chuối cô thường ăn ở Mỹ, nhưng vẫn nhận ra được) Những thứ khác, phần bị bao bọc bằng giấy hay thứ lá gì đó trong những giỏ to bằng tre, phần lạ mắt, có thể cô chưa từng thấy bao giờ, nên Khánh không thể gọi tên chúng. Cô háo hức nói với mẹ: - Con đi ra đường xem người ta. - Chờ mẹ đi với, kẻo con đi lạc. - Con không đi lạc! Khánh bực mình, giọng hơi cao, khiến người mẹ cũng bực mình: - Ở Việt Nam con cái không quát hét cha mẹ.
Ở Việt Nam! Ba tiếng đó là một ẩn số ám ảnh Khánh từ nhỏ, nhưng đặc biệt là từ lúc mẹ tuyên bố đem con gái về Việt Nam ăn tết. Hồi nhỏ thỉnh thoảng nhà có khách Khánh bị bắt ra chào hỏi những bà con bạn bè Việt Nam của mẹ. Trong những bữa ăn có khách đó, thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, cực kỳ ồn ào (người ta nói nhiều hơn ăn uống), Khánh thường nghe đi nghe lại mấy tiếng “Ở Việt Nam”. Khánh hiểu phần nào tiếng Việt của mẹ, nhưng khi người lạ tranh nhau nói, nói chen với tiếng cười khanh khách ha hả, Khánh cảm thấy mình lạc trong khu rừng đầy âm thanh, khó nhận ra ý nghĩa, ngoại trừ mấy tiếng thường lập lại “ở Việt Nam”. Ở Việt Nam. Khánh hiểu là ở một đất nước nhiệt đới trong vùng Đông Nam Á , nơi mẹ chào đời và trải qua tuổi trẻ. Việt Nam là quê mẹ. Năm học lớp 4 Khánh đã làm thuyết trình về Việt Nam trước bạn bè cùng lớp. Có đầy đủ bản đồ và hình ảnh do thư viện trường cung cấp. Những hình ảnh ấy, Khánh không biết do đâu thư viện trường có, đã gợi lên trong trí óc trẻ thơ những tưởng tượng đầu tiên để cố gắng giải mã bí ẩn “ở Việt Nam”. Những mảnh ruộng bậc thang, một ngôi chùa một cột, những gương mặt dưới vành nón lá… Thế nhưng khi Khánh đưa mẹ xem, cô bé đã bị tạt một gáo nước lạnh. - Không! Đó là Bắc Việt chứ không phải Việt Nam! Mẹ khăng khăng chối bỏ những hình ảnh đó, nhưng không phủ nhận tấm bản đồ. Thực ra mẹ có vẻ xúc động khi tìm thấy trên bản đồ một cái chấm nhỏ xíu bên cạnh một giòng sông: “Đây, quê mẹ nè.” Khánh đánh dấu cái chấm đó và cất kỹ tấm bản đồ. Khi mẹ nói sẽ đưa con gái về quê, Khánh tìm lại tấm bản đồ cũ, gõ lên google cái tên thành phố bên sông đó. Hàng ngàn bức ảnh, hàng trăm video clips và hàng vạn trang thông tin có cái tên thành phố quê mẹ đã cung cấp cho Khánh những kiến thức cập nhật mà mẹ không hề biết. Nên Khánh không bất ngờ đến sửng sốt như mẹ khi xe đón hai mẹ con từ phi trường chạy qua thành phố, theo đại lộ đông tây ra đường cao tốc về miền tây. Những cao ốc và đường xá lướt qua mắt cô gái một cách bình thường. Cô không thể hiểu nỗi, và đâm ra khó chịu, khi mẹ cứ vuột miệng kêu lên những ô,a, như không tin được chính mắt mình. Đành rằng Little Rock không lớn lắm, và đường xá Mỹ mà mẹ lái xe qua quanh năm chỉ quẩn quanh một tam giác nhà – sở làm – siêu thị. Nhưng mẹ cứ lẩm nhẩm những “ thay đổi”, “khác xưa”, “lạ quá”… Khánh nghe thiệt là điên.
Cái câu mà mẹ hay nói khi muốn chia sẻ kinh nghiệm với con gái “Hồi mẹ bằng tuổi con ở Việt Nam” từng thách thức Khánh. Nghe như thể “ở Việt Nam” các cô gái mười sáu mười bảy tuổi không biết gì hơn mặc bộ áo dài trắng tha thướt đi đến trường rồi về nhà giữ em và phụ mẹ nấu bếp, lúc nào cũng phải dịu dàng, ngoan ngoãn, nhẫn nại, hy sinh. Bây giờ “ở Việt Nam” Khánh thấy những điều rõ ràng không giống như mẹ hằng nói theo ký ức hai ba chục năm trước nữa. Những cô gái trạc tuổi Khánh đang đi lại trên bến dưới thuyền kia chẳng có vẻ điệu đàng khép nép gì cả, mà tự nhiên, mạnh mẽ, lạnh lợi, xốc vác. Trông họ chân thực, sốt sắng làm công việc đang làm. Khánh cảm thấy mình có thể hòa nhập dễ dàng với họ, không cần e dè cảnh giác như mẹ nhắc đi nhắc lại. Để trấn áp kẻ nổi loạn trong mình lên tiếng cãi lại mẹ, Khánh nhún vai đi ra khỏi phòng. Người mẹ đang trang điểm dở dang, vội bước ra ban công để nhìn xuống chợ theo dõi đứa con gái. Bà sợ người ta dụ dỗ, lừa bịp nó. Bà thậm chí sợ nó bị bắt cóc. Giữa cái bến đò hôi hám và cái chợ bầy hầy, những con đường đầy ắp hàng hóa xe cộ, chen chúc người ta đủ loại, bà thấy cô con gái nhỏ của bà như cánh hoa lài trắng muốt thơm tho lẩn trong bãi cứt trâu. Bà chợt hoang mang. Khi đem con gái về quê, bà muốn nó được ông bà dì cậu ở quê dạy dỗ về văn hóa Việt Nam, để nó bớt “Mỹ” đi, biết tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống ở quê hương. Bà có hình dung là quê nhà đã ít nhiều thay đổi, nhưng vẫn tin cội rễ văn hóa vẫn còn. Sự thay đổi bà chứng kiến trong mấy ngày đầu tiên trở về khiến bà hoang mang. Như một phản ứng tự vệ, bà cố giữ chặt cô con gái nhỏ của mình, cố nói cho nó hiểu những gì nó đang thấy đang nghe đang sống ở Việt Nam không phải là Việt Nam mà bà hằng giữ trong lòng và muốn dành cho nó. Nhưng có lẽ cô con gái đang trưởng thành của bà sẽ không chỉ ngơ ngác như thưở bé thơ khi bà phủ nhận những hình ảnh Việt Nam trong bài thuyết trình của nó. Bà lo lắng nhìn theo cô con gái len lỏi giữa chợ, dùng động tác tay để hổ trợ tiếng Việt lủng củng của nó, cố gắng giao tiếp với đồng bào. Nó đang bị vây giữa một nhóm ba bốn thanh niên, người nào cũng phì phèo điếu thuốc. Tim bà mẹ thắt lại. Bà gào hết hơi để gọi con: - Kathryn! Khánh hướng về phía ban công nơi mẹ đứng, giơ tay lên vẩy vẩy, gương mặt hồn nhiên tươi cười. Cô đang trải qua những kinh nghiệm tuyệt vời. Cô đang sẵn sàng trải nghiệm nhiều điều mới lạ nữa. Cô bắt đầu cảm nhận rất thực tế là mình đang ở Việt Nam.
Lý Lan Blog
|