“CHUYỆN TÌNH PHÀN HỈ TIẾU” Long- Khánh (Tặng…ai?) Ở thôn Hậu Túc có nàng La Thuyên, tuổi mới đôi tám mà thi phú nỗi tiếng khắp vùng. Một hôm nghe đồn thôn Đoài Thuận có công tử họ Phàn văn tài bậc nhứt nên ngưỡng mộ lắm, muốn tìm diện kiến, cùng nhau hạ bút đề thơ. Ngặt nỗi hai thôn cách xa, khó bề lui tới. Sực nhớ có người bà con, nhà gần Phàn gia, chỉ cách cái vườn trầu thôi, liền thu xếp đến chơi vài bữa. Ngày kia, đang lúc gánh quạt đi bán Phàn công tử vấp nhầm cục đá té nhào, chỗ đầu gối sưng to đau nhức lắm. Nhằm lúc Phàn mẫu thèm ăn canh giò heo hầm măng. Phàn công tử một tay chống gậy, một tay cầm dao ra vườn tre cắt măng. Khi đi ngang vườn trầu thì gặp La tiểu thơ, hai người chưa quen nên chỉ khẻ chào nhau thôi. Lúc trở lại chàng nghe La tiều thơ nói to:
- “Quân tử què chân mài cái đó”.
Ý nói Phàn công tử đang lúc chân đi cà nhót, còn phải mài dao cắt măng vì thương mẹ. Đó là nghĩa thường, nhưng hạng túc nho như chàng há chẳng biết La tiểu thơ dung lối ẩn dụ, một câu hai nghĩa, để ghẹo sao? Song nhứt thời không thể tìm ra được lời đối đáp hoàn chỉnh. Dìa nhà tức tối, nằm gác tay lên trán rầu rầu cả ngày.
Sáng hôm sau Phàn công tử đứng kế hàng rào đọc to hai câu thơ:
-“Trầu xanh thiếu nọc khó bò, Thương em anh phải rình mò cả đêm”.
La Thuyên vừa nghe có ý giận, nhưng kịp nghĩ lại cái chuyện văn chương mà chấp nhứt quá thành khô khan, mất hay. Liền đáp:
-“Thương em sao sánh nọc trầu Vai thêm gánh nặng, công hầu bỏ quên?” Rõ ràng có ý trách khéo chàng chẳng nên vì si tình mà quên đường tiến thân. Phàn công tử hơi sượng vô nhà đóng cửa phòng mà suy gẫm, ngầm cảm phục tiểu thơ tài hoa.
Kể từ đó Phàn công tử dè dặt, phần vì cái chưn đau không gánh quạt đi bán được, nên suốt ngày đọc sách chẳng dám gặp mặt La tiểu thơ. Hình ảnh người con gái tuổi xuân phơi phới, làn da trắng nõn, giọng nói thanh tao…cộng thêm tài văn chương ít ai sánh kịp khiến chàng vương vấn. Đến ngày thứ ba, chịu hết nỗi, nên tảng sáng khi ánh vầng dương còn núp ngoài đồng, Phàn công tử thả bộ quanh vườn trầu, mong sao thấy mặt người đẹp. Thì nghe tiếng ngâm trầm bổng như chim họa mi như vầy:
-“Ạ, ời hai chữ tri âm Dầu cho biển Bắc cố tầm cũng ra”
Vậy là đã rõ mười mươi cái lời ướm thử! Phàn công tử hí hửng, đáp ngay: - “Đây với đó đâu xa mà khó? Thấy nhau rồi lại sợ ngó lơ Mai này chỉ được se tơ Trầu xanh một lá cũng hơ được lòng!”
Ở câu cuối, ý của chàng là lấy được nàng dù một lá trầu cay trong ngày cưới cũng đủ vui chớ không cần một mâm theo thông lệ. Nhưng La Thuyên cho chàng ăn nói tục tĩu, tức mình đóng cửa cái rầm, gieo mình trên võng nằm khóc thút thít. Còn Phàn công tử thấy thái độ của La tiểu thơ như thế thì thất kinh, biết có sự hiểu lầm. Đành vò đầu bứt tai mà giận mình văn chương hời hợt. Cớ sự ràng ràng, bài thơ đã đọc như bát nước đổ rồi, làm sao lấy lại?
Hôm sau La Thuyên thất vọng ra đi. Người trong mộng của mình vậy hả, uổng công đường xa lặn lội tới tìm(?), thề trong bụng suốt đời không cho gặp. Phàn công tử hay tin người ngọc xa lìa thì đau khổ muôn phần, cũng thề trong bụng suốt đời không làm một câu thơ.
Nhưng chuyện đời sớm nắng chiều mưa, ý đã quyết mà lòng không nỡ. La tiểu thơ làm sao quên được anh chàng nho nhã họ Phàn? Sau bảy năm tưởng đâu gió lặng, ai dè lại nhớ. Ngày đầu tiên, nhìn tướng đi khập khểnh vì đau chưn, một tay cầm gậy một tay cầm dao tìm măng ngon cắt dìa cho mẹ, thấy thương trong bụng. Tiếng sét ái tình đánh trúng ngay bon trái tim, nên ra câu đối đặng đây với đó cùng nhau hợp xướng. Trách ai sao quá hồ đồ, mới quen mà lại tỏ lời quanh quẹo? Rồi nàng cũng tự trách mình cố chấp. Câu “Trầu xanh một lá cũng hơ được lòng” có khi chỉ là cái nghĩa bình thường, hổng chừng tại mình tưởng cao mà oan cho chàng! Nay có hối thì đã muộn rồi, nghe đâu người ta đã cùng Tổ Dung Hạ kết làm giai ngẫu. Ôi! Một chút vội vàng nuối tiếc thiên thu.
Phần Phàn Hỉ Tiếu, tánh tình ngay thẳng, chẳng những đối với người luôn giữ chữ tín, mà đối với mình cũng y chang như vậy. Đã thề không làm thơ thì quyết không làm thơ. Bạn bè lắm người ngạc nhiên chớ mấy ai hiểu được cái ẩn tình trong đó! LK
|