Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 09:10
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271121 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 2
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 9 2017, 23:57
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nửa đêm, tiếng mưa lộp độp trên mái tôn khiến ông Hai giựt mình thức giấc. Lật đật chui ra khỏi mùng, ông lấy cái thau đang treo trên vách, để liền lên nóc mùng, nơi đã có một giọt nước vừa rơi xuống .
Ông Hai nới dây cho cái mùng chùng xuống thật thấp. Ông đem cái thùng đựng nước vô giữa mùng, để cái thau ngồi yên ổn lên nắp rồi ông mới nằm xuống, nhắm khít rịt hai con mắt cố ngủ trở lại.
Tiếng gọi con dồn dập của cô tám Gói nhà sát bên vang lên:
-Gọn, Gọn...chạy ra hốt một ôm củi của ông Hai đem vô nhà cho má, để một chút má nấu xôi.
Con Gọn cằn nhằn:
-Sao má không sai con Lẹ? Hở hở là kêu con.
Tiếng cô Tám nạt rân:
-Bộ mày không biết nó mà ngủ thì cháy nhà cũng không hay sao? Ra cho lẹ hông? Ba cái nếp tao ngâm rồi, không có củi nấu là sình chương chỉ có nước đem đổ.
Có tiếng con Gọn tu lên khóc rồi tiếng mở cửa át hẳn tiếng mưa.
Mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Bên nhà cô Tám chắc cũng dột nên ông nghe cổ nói tiếp:
-Lấy thêm một cái thau đưa đây cho má.
Giọng con Gọn quạu đeo:
-Hết thau rồi!
Cô quát lớn:
-Vậy thì lấy cái nồi.
Con Gọn hỏi to:
-Cái nồi nào?
Cô Tám gắt:
-Cái nào cũng được, nhớ lấy cái rế theo để lót.
Rồi cổ xuống nước, hỏi con Gọn một cách nhỏ nhẹ:
-Củi có ướt nhiều hông con?
Con Gọn đáp
-Sương sương
Chắc hai mẹ họ chui vô mùng ngủ tiếp nên thôi trò chuyện, chỉ còn lại tiếng mưa...
Cái mùng quá thấp khiến ông Hai nghe ngộp thở, khó mà ngủ lại. Ông lại làm cái chuyện thường làm khi mất ngủ, đó là "nhớ".
Đầu tiên ông nhớ mấy mẫu chuyện vui, ba cái thứ nầy hay trồi lên đầu. Ông nhớ Thương, cô gái hôm trước. Nhớ nét mặt mừng rỡ của cô khi lấy lại được túi đồ và cầm ba cây vàng của bà chủ bồi thường trong tay. Nhớ dáng vẻ căng thẳng của cô khi đưa miếng vàng cho người thợ kim hoàn nhờ thử. Đây là số vàng lớn nhất mà cô có nên khó tin là thật. Nhớ cái chuyến đưa cổ về nhà (cổ năn nỉ ông tháp tùng theo, làm ba chồng giả để trấn an má cổ và giúp bà không bị mất mặt với bà con lối xóm). Nhớ cái cú thót tim khi bị bà Năm, má Thương, chị sui ngang hông, hỏi :
-Thằng chồng con Thương nó họ tên gì vậy anh? Mất ngày nào, tháng nào, tuổi con gì để tui biết mà nhờ mấy thầy trong chùa tụng cầu siêu cho nó.
Thương nhanh trí hơn đáp:
-Ảnh tên Lương văn Khởi, tuổi con chó, mất ngày rằm tháng chín.
Ông Hai cười thầm khi nhớ ra đây là tên của cái thằng cha ông viết trong lá đơn đem theo, định đưa ra để dọa hai vợ chồng họ. Chắc y ta cũng tuổi con chó thiệt.
Bà Năm trách:
-Sao nó chết cả tháng trời con mới chịu về nhà cho má hay?
Ông vội đỡ lời:
-Lúc đó mắc thưa kiện lu bu lắm! Chủ của cái chiếc xe hàng cán nó, họ không chịu bồi thường phải nhờ tòa xử mới lấy được đó chị!
Bà cự:
-Xử cái giống gì mà lâu dữ vậy? Ai phải, ai quấy ngó vô một cái là biết liền. Nhà nước nầy làm ăn cái gì cũng cà rề...làm như muốn nhử để moi tiền con người ta vậy!
Ông liền giải thích:
-Tại họ xót tiền nên khiếu nại tới lui hoài.
Bà Năm lại cằn nhằn:
-Cái mạng con người ta đâu có rẻ! Đền bao nhiêu cũng đâu có mua lại nổi mà còn tiếc là sao?
Rồi bà nói:
-Ngày mai con theo má qua chùa, xin sư ông viết cho cái bài vị đem về thờ trước rồi phóng tấm hình để lên sau. Chưa đủ bốn mươi chín ngày thì phải cúng cơm mỗi bữa. Cái bàn thờ phải đốt nhang với chong đèn hoài không được để cho nhang tàn, khói lạnh.
Ông Hai không muốn họ phiền hà nên ngăn lại:
-Tui có một thằng con thôi nên thương lắm! Có lập bàn thờ tại nhà, đốt nhang, cúng cơm mỗi ngày. Nhà gần chùa nên tui hay tới tụng kinh cho nó, chị đừng có lo, ba cái chuyện cúng kiến nầy để tui gánh hết cho!
Bà Năm cự nự:
-Anh nói vậy nghe sao được. Bề gì nó cũng có vợ con, đem bàn thờ về đây mới đúng!
Ông Hai và Thương ngán ngẩm nhìn nhau. Cái giải pháp "chồng chết" mà hai bác cháu cho là thượng sách nầy, ngờ đâu nãy sinh quá nhiều rắc rối.
Cù lao Cổ Cò rất nhỏ, ở đây hầu hết những căn nhà đều làm bằng tre và lá. Nhà của Thương là một trong số đó. Nó nằm cạnh bờ sông, quay mặt ra con lộ nhỏ. Mái lợp lá chầm, nền đất, cột tre. Vách che bằng những tấm liếp đan bằng lá dừa nên hơi thưa, gió chỉ cần thu mình là chui lọt tót nên lúc nào cũng mát.
Ông Hai thích nhất là cái võng dây bố treo ngoài hàng ba. Cái võng nầy đã cũ lắm rồi! Những sợi dây bị đứt được bà Năm nối lại bằng vải vụn, chắc xin của mấy người thợ may trong xóm. Nó được chấp vá đủ chỗ, đỏ đỏ, xanh xanh, đen đen...trông cũng ngộ.
Có một cây mận rất to đứng gần thềm, đang rải bông đều đều làm trắng xóa cả một góc sân. Gió thổi mạnh khiến một chiếc lá đã vàng bay vèo rồi đáp ngay lên võng. Ông Hai bỗng thấy ganh tỵ với chiếc lá may mắn đó quá! Nói ba điều, bốn chuyện xong, ông liền xin phép bà sui rồi thót lên võng, giành nằm với nó.
Bữa cơm chiều hôm đó, vì có khách quý nên bà Năm mua hai hộp cá mòi hiệu "Ba cô gái" của Thái Lan, luộc thêm hai cái hột vịt. Bà ra giàn cắt thêm một trái bầu để nấu canh với tôm khô.
Ông Hai ăn một cách ngon lành. Ông cứ tấm tắc khen nồi canh sao mà quá ngon, quá ngọt! Lời khen chân tình ấy khiến bà Năm và Thương mừng ra mặt.
Tối hôm đó ba mẹ con họ: Thương, thằng Út và bà Năm cùng ngủ chung trên tấm giạt tre trong buồng. Ông Hai phải ra cái võng ngoài hiên nằm ngủ.
Bà Năm tỏ vẻ ngại ngùng vì tiếp ông sui không được chu đáo. Bà nói bằng giọng nghẹn ngào vì tủi:
-Anh sui miễn lỗi giùm tui nghe! Anh coi đó, nhà nghèo tới mức không lo được một chỗ ngủ đàng hoàng cho sui gia. Thiệt là tệ quá!
Ông Hai gạt phắt:
-Tui còn nghèo hơn chị nữa. Chị còn có được một cái võng, coi như sang hơn tui nhiều lắm đó! Tui thèm nằm võng dữ quá mà đâu có chỗ treo.
Bà Năm ngạc nhiên:
-Sao vậy anh?
Ông Hai cười giả lả:
-Nhà sàn, cột tràm ốm nhom, yếu xìu hà! Giăng cái võng, leo lên nằm đưa một cái là sập nhà liền.
Bà hỏi lại:
-Yếu tới cỡ đó lận sao?
Ông Hai gật đầu nói tiếp:
-Đã vậy nó còn nhỏ xíu, bề ngang chừng hơn thước rưởi, bề dài nhỉnh hơn một chút, bằng phân nửa nhà chị. Giăng cái võng là hết đường đi tới, đi lui!
Bà Năm lại hỏi:
-Vậy thì làm sao đủ chỗ cho hai vợ chồng nó với anh ngủ ?
Ông Hai gãi đầu:
-Thì...thì tui ra hàng ba nằm. Ăn nhiều chớ ở có bao nhiêu?
Bà Năm ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi:
-Bộ họ bồi thường tới ba cây vàng lận hả anh?
Ông Hai gật đầu, nói hớ:
-Hăm dọa dữ lắm mới được bây nhiêu đó chị. Ban đầu họ nhứt quyết đền một cây thôi! Nói ráo nước miếng mới được chừng đó! Tui còn bắt con mẻ phải trả đủ tám tháng lương của con nhỏ nữa...
Bà Năm ngạc nhiên:
-Lương gì vậy anh?
Ông Hai hết hồn:
-Trời đất ơi! Tui lú lẩn hết rồi, chuyện nọ xọ chuyện kia...Đó là chuyện khác.
Thương sợ xanh mặt nên lật đật hối má:
-Má hổng đi mời bà con đi! Má đi liền để mình làm xong cho sớm đặng ba con còn về Sài Gòn. Bỏ bàn thờ của ảnh tối thui hổng tốt!
Ông Hai ngạc nhiên hỏi:
-Mời ai? Chuyện gì mà mời vậy Thương?
Bà Năm phân bua:
-Dù bây giờ thằng chồng của nó mất rồi, nhưng phải thông báo cho hai bên nội ngoại biết. Sẵn anh còn ở đây, tui tính nấu một mâm cơm đãi bà con rồi giới thiệu sui gia luôn. Anh ráng ở lại vài bữa giùm tui.
Rồi bà chậm nước mắt:
-Con gái tui hồi đi đẹp như cái bông, bây giờ thì...
Bà dừng lại, lắc đầu rồi nói tiếp:
-Thôi số trời đã định, cho ai thì người nấy hưởng, mình vô phước vô phần. Thiên hạ có cười thì phải ráng mà chịu, chớ biết làm sao bây giờ!
Cái cảnh đóng vai ba chồng nầy làm ông Hai mấy phen chết hụt, cũng may mà bà con ở đây ai cũng hiền lành, dễ tin. Họ là những người chơn chất nhất mà ông biết. Cái nghề vớt rác trên sông của ông chẳng hề làm ai dị ứng, coi thường. Có người còn ao ước nữa, mới ngộ!
Họ còn tò mò hỏi coi có khi nào ông mở bọc rác ra gặp cái gì thiệt khủng khiếp hông? Như ngón tay người ta chẳng hạn. Ông Hai chợt nhớ cái lần mình bắt được một hàm răng giả, sợ đến đớ lưỡi. Ông bèn kể lại rồi giả bộ nói ngọng luôn làm mọi người cười nghiêng ngã.
Ông cậu Ba của Thương hỏi:
-Mỗi ngày anh kiếm được bao nhiêu?
Ông Hai đáp thí đại:
-Tùy theo hên xui. Độ từ mười cho tới hai chục ngàn.
Ông cố ý phóng đại lên tí chút cho Thương đỡ tủi.
Cậu Ba của Thương tấm tắc:
-Gần gấp đôi cái công cuốc của tui! Phải chi con sông nầy rác nhiều như vậy thì tui cũng làm như anh, khỏi cần cuốc đất tới cụp xương sống!
Bà Năm an ủi:
-Anh Ba đừng có lo, cái đà nầy tui thấy mai mốt con sông của quê mình rác cũng hổng thua mấy con sông ở chợ đâu. Hồi tui còn nhỏ đâu có rác nhiều bằng bây giờ.
Ông Hai nghe bà sui nói mà rầu thúi ruột. Cái mơ ước các con sông đều được trong lành của mình mà ông thừa biết là hết sức viễn vông, lại càng xa vời hơn bao giờ hết !


Buổi sáng đầu tiên ở cái cù lao nhỏ ấy, ông Hai được một cặp se sẻ trên cây mận đánh thức. Rõ ràng chúng cố tình gọi ông, bởi ngay từ cái mở mắt đầu tiên, ông đã thấy cả hai vợ chồng tụi nó đang nhìn ông đăm đăm.
Mặt trời không bị các tòa nhà cao lấn áp nên hiển lộ toàn thân. Chắc nhận ra ông là người lạ nên mắc cỡ, mặt mày đỏ ké rồi lũi vô đám mây mà trốn.
Lâu lắm rồi ông Hai mới hưởng được cái không khí trong lành, sở hữu một tâm trạng sảng khoái như thế nầy. Ông còn nhớ mình đã nhìn lên trời, tự hào so sánh với mấy đám mây đang nằm yên sưởi nắng trên kia.
Cái khoảnh khắc quá êm đềm đó, lúc ấy, chợt khơi dậy trong ông cả một dòng hoài niệm. Ông ngồi bật lên, bỏ chưn xuống đất rồi đứng thẳng người, vặn mình mấy cái. Ông bước lại cái khạp da bò chứa nước đứng dựa cây cột treo võng. Lấy cái nón lá rách úp trên đó ra, nhúng cái gáo vô múc, đưa lên miệng tợp một hớp lưng lưng, ngửa cổ ra súc sùng sục như súc chai rồi phun mạnh vào gốc mận. Lập lại cái động tác mà ngày xưa, lúc còn nhỏ ở nhà, ở quê, mỗi sáng ông từng làm.
Thế rồi ông bỗng thấy một người phụ nữ tuổi trạc tứ tuần, bưng cái thúng bên hông, rao :
-Bắp hầm hơ!
Ông đã ngạc nhiên, tự hỏi:
-Sao họ đựng món bắp hầm trong thúng?
Để giải tỏa sự tò mò của mình, ông gọi:
-Bắp!
Người phụ nữ ghé vào, nhìn ông cười tươi rói, hỏi:
-Anh Hai mua bao nhiêu?
Ông ngạc nhiên:
-Sao cô biết tui thứ hai?
Cổ đáp một cách thích thú:
-Ai mà hổng biết anh là ba chồng con Thương, sui của chị Năm Nhớ !
Chao ôi! Vậy là ông nổi tiếng như cồn rồi! Ở cái xóm nhỏ nầy thông tin đi bằng cách gì mà lan truyền nhanh đến vậy? Lúc ấy ông đã vô cùng hãnh diện và tự hỏi một cách khâm phục!
Ông hỏi:
-Sao cô không để bắp trong nồi cho gọn mà xớt ra thúng?
Cổ lắc đầu:
-Bắp phải hầm bằng nồi đất. Bưng tới, bưng lui, để lên để xuống là dễ bể lắm!
Thấy ông Hai cứ nhìn chầm chầm vào thúng bắp mà không thèm trả lời là mua bao nhiêu, người phụ nữ đó bèn lập lại câu hỏi của mình khi nãy.
Ông Hai đáp nhanh:
-Năm ngàn!
Cổ trố mắt nhìn ông rồi nói:
-Chèn đéc ơi! Bộ đãi hết xóm hay sao mà mua tới năm ngàn lận?
Ông lắc đầu:
-Tui ăn một mình.
Cổ vít một vá bắp đầy trét lên tấm lá chuối, vít thêm nửa vá nữa cũng trét lên đều khắp, rồi rắc muối mè và dừa nạo lên thêm một lớp.


Cổ lấy cái que dẹp lép, lớn hơn ngón tay giữa của ông một chút. Nó được róc từ cọng chuối ra, ghim lên mặt gói bắp để làm muỗng múc ăn.
Cổ đưa cho ông rồi nói:
-Ăn mình ên thì bây nhiêu đây là đủ no cành hông rồi!
Ông nhìn gói bắp đầy vun, hỏi:
-Bao nhiêu vậy cô?
Cổ đáp gọn lỏn:
-Một ngàn!
Ông ngạc nhiên, hỏi lại cho chắc ăn:
-Một ngàn thiệt hả? Sao mà rẻ dữ vậy?
Cổ cười thích thú, trả lời:
-Bắp nhà trồng, lấy công làm lời mà!
Ông vừa giải tỏa được nỗi thắc mắc của mình (thì ra cổ lót lá chuối khắp thúng rồi mới đổ bắp vô), vừa thưởng thức món ăn ưa thích thuở nào mà chỉ tốn có một ngàn nên cảm thấy thỏa lòng hết sức!
Một điều khiến ông vui tột độ là cái thứ mà ông ghét nhứt (bọc ni lông), ít xuất hiện ở chốn nầy.
Lúc được thằng Út dắt ra chợ coi cho biết. Ông để ý thấy bà con đều dùng các thứ lá như lá chuối, lá sen, lá bạc hà... để gói hàng hóa của họ.
Không chỉ những dân buôn bán "nghiệp dư", lâu lâu mới mang cây nhà lá vườn ra chợ một lần. Mấy người nầy dễ nhận ra lắm, hàng hóa của họ mỗi món một ít : một hai trái bầu, trái mướp; một quảo nhỏ đựng rau càng cua: một nhúm ớt gói trong lá chuối; một rỗ ổi...Họ bán lặt vặt nên tiền đâu có được bao nhiêu, vì vậy phải cắt lá chuối đem theo để gói.
Cả dân tiểu thương hàng hóa chất đống cũng thế! Từ mấy người bán thức ăn như xôi, bánh bò, chuối chiên, bánh sùng, bánh xếp...Cho tới những người bán tạp nhạp các thứ như rau, trái, khô, mắm, thịt, cá...đa số đều dùng lá, có vài người chơi sang thì dùng giấy báo để gói hàng.
Ông vui vui khi ngắm những bà nội trợ, một tay bưng cái rỗ tre hoặc xách cái giỏ đan bằng mây, bên trong đựng lủ khủ mấy cái gói to to, nhỏ nhỏ bọc bằng một thứ lá gì đó hoặc giấy nhựt trình; Một tay cầm sợi dây xỏ qua mang cá, hay cột ngang hông miếng thịt vừa mua. Ít ai đi một mình, tối thiểu cũng phải hai người, họ vừa đi vừa trò chuyện rôm rả với nhau. Có lẽ trên gương mặt của ông, nụ cười đã hình thành một cách vô thức nên họ đều cười đáp lại. Chỉ có một bà sồn sồn trạc tuổi ông là mắc cỡ cụp nón đi luôn.
Nơi đây không thể là đất dụng võ của ông, bởi trên sông chỉ có những cây chuối, mấy dề lục bình và một số rác dễ mục rả trong nước. Thế nhưng ông cảm thấy hết sức có cảm tình với mảnh đất và những con người hiền lành, không làm tổn thương thiên nhiên nầy quá đổi! Cho dù ông thừa biết là không phải họ ý thức rằng ba cái bịt ni lông, bao nhựa... là thứ thức ăn mà bà mẹ đất kỵ nhứt vì chẳng thể tiêu hóa nổi, nên quyết định bảo vệ sức khỏe của bà, tẩy chay không thèm dùng. Ấy chỉ bởi chúng hãy còn là mặt hàng cao cấp đối với họ đó thôi!
Chỉ cần thấy bà Năm rửa từng cái túi ni lông đựng mấy món quà của Thương đem về, đem phơi trên dây rồi lấy mấy cây kẹp ghim chặt nó lại. Ông cũng biết rằng mấy cái bọc ấy là thứ được bà con ở đây ưa chuộng nhứt. Hổng chừng chúng còn được yêu quý hơn những món chứa bên trong. Hèn gì mà khi mua, Thương cứ nài nỉ người bán bọc riêng mỗi món rồi gói bằng cả hai, ba lớp.
Bây giờ nhớ lại ông cảm thấy bùi ngùi...Sợ rằng đôi ba năm nữa thôi ! Khi ông về thăm như đã hứa với Thương, mọi vật sẽ hoàn toàn thay đổi:
Những cái bọc ni lông sẽ bám đầy cành cây thay cho mấy cái tổ chim.
Phụ nữ khi đi chợ sẽ ra khỏi nhà với hai bàn tay không, chẳng thèm cầm rỗ, xách giỏ chi cho mệt. Họ trở về với mấy cái bịch trong suốt hoặc đen thùi đựng cá, thịt, bánh, trái...
Cậu Ba của Thương sẽ thực hiện cái hoài bảo mà y ấp ủ. Ông ta sẽ sắm một cái xuồng, hoặc kết cái bè rồi suốt ngày đi vớt rác trên sông.
Những cô nàng lục bình sẽ không còn mang thân phận côi cút nữa. Bên cạnh chúng chắc chắn sẽ có vô số gã si tình như mấy miếng mốp trăng trắng (thứ dùng để chêm cho hàng hóa trong thùng không bị va chạm), mấy cái túi nhựa đủ màu xanh xanh, đỏ đỏ... lẽo đẽo bám đuôi. Chúng sẽ trở thành bạn đồng hành, sẽ lang thang trôi giạt bên nhau cả trăm, ngàn năm cho đến cùng trời cuối đất.
Ông Hai chợt nhận ra rằng: Tiêu thụ, sản xuất không còn dựa vào quy luật cung cầu nữa. Sự ham thích tiêu dùng đã trở thành đại dịch. Chúng do một loại vi trùng siêu mạnh, có sức lây lan khủng khiếp. Chúng sẽ chẳng buông tha cho bất cứ một nạn nhân nào của mình!
Có khả năng là ai ai cũng nhiễm bệnh. Có khả năng là không một vị bác sĩ nào thèm nghiên cứu để tìm ra thứ thuốc điều trị hoặc chủng ngừa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 3
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 9 2017, 01:29
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái xóm nhỏ xíu nằm trong hốc bà tó ở cái cù lao heo hút nầy, nhờ gió thổi quanh năm, tạm thời mấy con vi trùng ấy bị quét văng xa lắc.
Bây giờ chưa thấy chúng léo hánh, nhưng biết đâu...
Như quê ông chẳng hạn...
Từ cái bận về thăm quê lần chót cách đây hai năm ông chưa dám về lại. Những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực mỗi ngày một nhiều: Con trai chửi thề, hút thuốc, bộ dạng cũng dữ dằn hơn; con gái đã không còn mặc mỗi một kiểu áo bà ba, đã biết chăm chút nhan sắc và dạn dĩ lên nhiều lắm ! Mỗi lần về thăm, bức tranh kỷ niệm rực rỡ trong ông lại phai mờ đi một chút.
Nhà của Thương ở tận đầu nguồn con sông Cữu Long, quê ông ở cuối. Khoảng cách địa lý tuy không xa lắm, nhưng mức sống, cách sống chênh lệch khá nhiều.
Trong khi ở quê ông hầu hết con gái và một số phụ nữ trung niên đều uốn tóc. Thì ở nơi nầy, tóc ai cũng ngay chò. Thương, cho dù đã ở Sài Gòn gần cả năm, thế nhưng cây kẹp ba lá đã cũ mòn vẫn chưa rời mái tóc của cô, cung cách của một cô thôn nữ vẫn chưa thay đổi.
Ông có cảm giác đây là chốn tận cùng của trái đất. Nơi thời gian nhuốm bệnh lãng trí và không gian thì lơ mơ ngủ gục. Quá yên bình để mà thay đổi!
Con người ở đây cũng thế. Họ bị ngăn cách với nền văn minh vật chất bằng một con sông rất rộng. Niềm vui của họ, rất đơn sơ và nhỏ bé! Chúng được tìm thấy từ những đóa hoa kết trái trên giàn bầu, giàn mướp...Từ những con cá lòng tong, cá chốt ...bắt được trên sông. Từ ngọn gió hiu hiu mang mùi rơm, mùi khói trên cánh đồng mà hầu hết đều trồng lúa.
Họ thân mật với ông một cách hết sức tự nhiên, như cái vòi trên dây mướp, hể chạm vào thứ gì là quấn quít ngay. Điều nầy giải thích tại vì sao mà cái tình cảnh cha chồng, con dâu giữa ông và Thương, tuy giả, lại nhanh chóng trở thành gần như là cha con thật.
Những tiếng xưng hô "Ba", "Con" của họ, ngày đầu còn ấp úng, ngượng ngập, nhưng chỉ hôm sau là trơn tru, hết sức tự nhiên như thể họ đã từng là cha con với nhau từ kiếp trước.
Ông cảm động biết bao trước câu hỏi của Thương (nó làm ông nhớ bà má của mình quá chừng):
- "Ba thèm ăn món gì để con biết mà nói má con nấu đãi ba luôn thể?"
Ông cười đáp:
-Món gì cũng được, ba dễ ăn lắm !
Thương không bằng lòng với câu trả lời đó, cứ đeo theo gạn miết.
Ông đành nói thật lòng mình:
-Ba chỉ thèm cái món mắm kho!
Chiều hôm đó ông được thưởng thức một nồi mắm kho vô tiền khoáng hậu! Nó ngon hơn bất cứ thứ gì ông đã ăn từ trước đến giờ.
Vậy mà bà Năm luôn miệng nói một cách áy náy:
-Tại con Thương nó nói trễ quá! Chợ chiều đâu ai còn bán cái giống gì? Cũng may anh Ba ảnh trút cái ống trúm được một con lươn với cây cà ở nhà kịp ra được mấy trái...
Ông nói thật lòng, không hề có ý an ủi:
-Mắm kho với lươn và cà là ngon nhứt hạng đó chị sui!
Rồi ông nói:
-Cái món ngon như thế nầy, sao chị hổng để dành ngày mai đãi tiệc?
Bà Năm lắc đầu nguầy nguậy:
-Làm như vậy bị bà con quở chết! Mắm là phải ăn ên chớ không dọn chung với mấy món khác được, bất kể là món gì! Mình đãi tiệc ít gì cũng phải ba, bốn món trở lên. Ở đây bà con ăn mắm quanh năm, nên tới đám là ai cũng phải đãi thịt, nhứt là thịt heo thì người nào cũng thích.
Bà liền hỏi ý ông:
-Tui tính làm mấy món như vầy anh nghe coi có được hông?
Rồi bà đưa cái nắm tay ra trước mặt, bật từng ngón lên để liệt kê, đầu tiên là ngón cái :
-Một là giò heo hầm măng; Hai là gà nấu cà ri; Ba là thịt kho tàu; Bốn là gỏi lỗ tai heo; Năm là bún tàu xào lòng gà. Anh thấy có đủ chưa?
Ông Hai tấm tắc:
-Đủ quá rồi! Ngon quá rồi!
Ngẫm nghĩ giây lát rồi ông hỏi:
-Chị mời được bao nhiêu khách vậy?
Bà Năm đáp:
-Ban đầu tui tính mời bà con thôi! Nào dè đi tới đâu cũng bị chặn lại hỏi thăm, không lẽ làm ngơ kỳ quá! Tui mời ráo. Tính ra chắc cũng bốn, năm bàn.
Ông Hai giựt mình:
-Một mình chị với con Thương, làm sao cho xuể?
Bà Năm cười tươi rói :
-Anh khỏi lo! Ở đây hô lên một tiếng là bà con kéo tới ì xèo để phụ hà!
Bữa tiệc rất vui và thân mật. Ông Hai vì quá nể nang nên say lữ cò bợ.
Qua cái đám ra mắt để hợp thức hóa tình trạng của Thương, ngày hôm sau ông về Sài Gòn liền, cho dù ba mẹ con họ hết lòng mời ông ở lại.
Sáng đó bà Năm dậy thật sớm! Bà nấu một nồi xôi đậu xanh cho ông ăn dằn bụng, còn bọc một gói bự tổ chảng để ông đem theo ăn dọc đường.
Khi cùng ngồi chờ đò, Thương đưa cho ông một cái bọc ni lông khá to. Trong đó đựng một lít đậu xanh, hai lít nếp với ba cái gói mà cô nói đó là dưa mắm, mắm cá lóc để chưng, mắm cá linh để kho hoặc ăn sống. Ông nghĩ thầm chắc hôm bữa thấy ông ăn mắm coi bộ trơn miệng quá nên mẹ con họ cho thêm để ông đem về ăn cho đã thèm.
Thương chờ đò cặp bến mới nhét vào túi của cái áo sơ mi ông đang mặc, một cái gói dẹp dẹp
Ông mở ra xem liền thì thấy đó là hai miếng rưởi vàng.
Ông cau mày nhìn Thương:
-Sao con đưa ba cái thứ nầy ?
Thương chặn ngang cái bàn tay ông đang đưa trả mà nói:
-Ba giữ đi ba! Đặng mua cột đóng cho cái nhà chắc chắn. Đặng ba giăng cái võng nằm cho đã cái lưng. Số vàng nầy nhờ ba mà có, con hưởng hết sao đành.
Ông gạt tay Thương ra, bỏ trở lại vào túi áo cô mà nói!
-Nếu ba mà nhận nó thì chắc ba sống hổng còn lâu .
Thương giựt mình:
-Sao vậy ba?
Ông giải thích :
-Hồi nào tới giờ, ba có thể bị thiên hạ xem thường, nhưng chưa bao giờ tự xem thường mình. Nhờ vậy mà lòng phơi phới, ăn cái gì cũng ngon, nằm chỗ nào cũng ngủ thẳng cẳng. Bây giờ mà nhận một cây vàng nầy, chắc trong lòng cứ mắc cỡ hoài, ăn hết biết ngon, ngủ không yên giấc. Hổng chết sớm sao được?
Rồi ông nói tiếp:
-Con đừng có lo cho ba, để dành tiền mà nuôi con. Ba cây vàng thấy nhiều, nhưng nếu không biết gầy thêm, ăn hoài là hết cấp kỳ đó con.
Thấy Thương có vẻ lo buồn, ông nói thêm:
-Cho dù đây là đứa con ngoài ý muốn, con cũng đừng rẽ rúng nó mà tội nghiệp. Con người ta kết hợp với nhau đều do duyên số. Biết đâu kiếp trước con với nó có hẹn hò làm mẹ con với nhau. Con ráng nuôi cho nó lớn lớn, chừng bảy, tám tuổi là đã biết đội cái mâm chuối chiên của bà ngoại đi bán, nhờ lai rai được rồi đó!
Thương kéo vạt áo lên lau nước mắt rồi nói:
-Nói thiệt với ba, hổng nghĩ tới nó là cái hôm ở nhà ba con đã nhảy xuống sông rồi. Ba đừng có lo! Con mà còn sống là còn nuôi con của con đàng hoàng, hổng có cho đi bán chuối chiên đâu. Ráng nuôi cho nó học thiệt là giỏi, để nó thiệt là khôn, mai mốt khỏi bị người ta ăn hiếp như con vậy!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 4
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 9 2017, 23:19
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Những giọt nước mắt của Thương lúc ấy, đến bây giờ nhớ lại vẫn làm lòng ông mát dịu.
Cũng như khi đọc sách, hể đến cái đoạn nào mà mình ưa thích thì phải xem đi, xem lại hoài. Ông cứ ôn trong đầu nét mặt rạng rở của má và thằng em của Thương khi chào đón họ; Nhớ căn nhà lá nhỏ với cái võng và cây mận trên sân; Bữa cơm mắm kho với rỗ rau ghém trắng phếu xắt từ cây chuối hột, trộn với húng cây, ngò gai xanh mướt; Nhớ nhứt là thằng Út, chắc thèm quá hơi cha nên cứ lẽo đẽo theo chân, đòi dắt ông đi hết chỗ nầy tới chỗ khác.
Các hình ảnh đó cũng từ từ phai dần, rồi bắt đầu xuất hiện một cách lộn xộn, xô bồ... Thế là ông để mặc cho tiếng mưa chui vào tai, dẫn mình đi vào giấc ngủ.
Bị một mùi cay sè đánh thức, ông hoảng hồn nhận ra cả căn nhà đã bị khói xâm lăng.
Sau một cơn ho sặc sụa đến trào nước mắt, nước mũi. Ông phát hiện khói tràn vào nhà mình qua khe hở của tấm vách sát nhà cô tám Gói.
Ông vừa gắt, vừa hỏi:
-Bộ hun chuột hay sao mà khói dữ vậy cô Tám ?
Cô ta trả lời như nạt:
-Tại ba cái củi ướt nhẹp của ông mà nãy giờ tui thổi muốn lòi hai con mắt đây nè !
Nghe cổ đổ thừa lãng xẹt mà ông phát tức ! Định ăn miếng, trả miếng, biểu cổ mua than đước mà nấu. Nhưng với cái tánh thích gây lộn của cô Tám, ông e rằng câu nói đùa của mình sẽ đưa đến một trận đấu võ miệng, mà phần thua một trăm phần trăm sẽ thuộc về ông.
Cô Tám Gói nổi tiếng là bậc cao thủ, có một không hai, có thể coi như "độc cô cầu bại" trong môn phái " Võ Mồm" nầy. Tài nghệ của cổ đã đến mức thượng thừa. Chẳng những hầu hết bà con trong xóm Đình thảy thảy đều tâm phục, khẩu phục mà các xóm lân cận cũng ít ai dám đối đầu.
Ông đành thở dài chép miệng, nói một mình :
-Thôi ! Một câu nhịn, chín câu lành.
Trời còn tối hù, chắc chừng ba, bốn giờ sáng. Ở nhà sợ chết ngạt, ông Hai đành chui ra khỏi mùng, xách cái thùng ra phông tên đầu hẽm hứng nước về đổ vô lu.
Ngoài phông tên đã có một dãy thùng xếp dài cả chục thước. Ông tự hỏi hổng lẽ họ thức suốt đêm để gánh nước. Coi bộ chờ hổng nổi, ông định quay vô.
Con Gọn xếp hàng đầu, đang hứng nước thấy ông bèn kêu giựt ngược:
-Ông Hai, lại đây hứng nước nè !
Có tiếng con Ngọc, đứa đang đứng sau lưng nó, phản đối:
-Mầy ngon quá hén ! Bộ cái phông tên nước nầy của mầy hay sao mà muốn cho ai hứng thì cho.
Con Gọn xì một tiếng thiệt dài rồi nói:
-Đồ cái thứ nhỏ mọn, ông Hai chớ ai mà tính. Bộ mầy hổng từng xin củi của ổng hả? Mầy coi cái thùng của ổng bao lớn, chờ có lâu lắc gì mà bày đặt làm khó chi vậy ?
Con Ngọc đuối lý nên làm thinh. Con Gọn thấy ông còn chưa chịu bước lại nên chạy tới giựt cái thùng trên tay rồi hứng cho đầy và mang lại giùm.
Xách thùng nước đầy tới miệng, ông Hai đi một cách cẩn thận. Mấy con đường trong xóm Đình chưa được tráng xi măng, chỉ có đất thịt và mấy cục đá xanh bằng nắm tay nằm lổn nhổn nên rất trơn. Đám mưa hồi đêm đã để lại những cái vũng nho nhỏ rải rác khắp mặt đường.
Bùn bám đầy trên hai bàn chân, ông Hai bước vô cái vũng khá sâu trước nhà để rửa chân. Có tiếng chân sầm sập sau lưng, ông ngoái lại nhìn, con Gọn đang trờ tới.
Ông khen :
-Con gánh đôi thùng đầy nước, nặng chịch mà đi vù vù, khỏe thiệt !
Thấy nó không vô nhà mà đi tuốt, ông hỏi:
-Gánh nước cho ai vậy Gọn ?
Vẫn đi như chạy, nó đáp:
-Cho bà ba Tứ Sắc.
Ở xóm nầy người ta lấy cái nghề kèm với cái thứ mà đặt cho từng người rồi gọi. Cho nên có những cái tên: Chín mài dao, Bảy xích lô, Năm hớt tóc, Tư thợ may...Gọi bà Ba tứ sắc là vì bả mê đánh tứ sắc dữ lắm ! Hầu như ngày nào cũng đi đánh bài hoặc rủ người tới nhà đậu chến. Có lần bị công an xông vô nhà ví bắt, bả sợ quá nhảy xuống sông bơi lại nhà ông Hai leo lên trốn. Cũng may gặp lúc ông Hai đang ở trong nhà nên kéo lên giùm, nếu không chắc dám thành ma da rồi !
Có lần ông Hai đã hỏi cô Tám là có phải tại vì cái nghề của cổ là bán xôi, bán bắp, bán đậu phọng, hột mít luộc...Mấy cái món đó đều phải gói nên được gọi là Tám Gói, hay nó thiệt sự là cái tên của tía má cổ đặt cho. Cổ không thèm đáp mà còn nghinh mặt lên trời rồi hỏi ngược trở lại :
-Hỏi chi vậy ?
Cô Tám tự cho mình là dân buôn bán, đẳng cấp cao hơn ông Hai một bậc nên coi ổng như bèo. Có lần ông Tư Nhậu vui miệng ghép đôi họ lại với nhau, thế là bị cổ chửi cho đến nổi từ đó ông Tư phải chịu khó đánh một con đường vòng dài gấp đôi ra chợ, chớ không dám đi ngang nhà cổ.
Tuy coi khinh ông Hai như vậy nhưng xem ra cô Tám cư xử khá biết điều. Bởi xài củi của ổng nên thỉnh thoảng nấu món gì ngon cổ hay bưng cho. Sợ bà con dị nghị nên cổ khựi tấm vách chung giữa hai nhà mà đưa qua cho ổng chớ không dám đường đường đi cửa trước. Có khi là tô canh chua, có khi là chén ba khía đã trộn sẵn, có khi là dĩa mắm ruốc xào xả ớt...
Hôm đem gói mắm về ông Hai chia tất cả ra làm ba phần bằng nhau. Ông cho ông Năm một phần, gia đình ông Chín mài dao sát vách bên kia một phần, còn một phần ông cho cô Tám Gói.
Thế là cổ kho liền một nồi mắm rồi cho ông một tô. Tuy không ngon bằng bà sui, má của Thương, đã kho đãi ông hôm trước, nhưng hơn nồi mắm của ông Năm kho sau đó gấp mấy lần.
Khi ông trả cái tô, cám ơn rồi khen thì cổ nói:
-Mắm ngon thì ai kho mà hổng ngon !
Rồi hỏi lại:
-Ở đâu mà anh có ?
Ông Hai đáp:
-Chị sui ở dưới quê cho !
Cổ trợn mắt nhìn ông rồi hỏi:
-Ông làm gì có vợ con mà bày đặt làm sui với người ta ?
Ông Hai cười, bắt bẻ lại:
-Sao cô biết tui hổng có ? Cô có thấy đứa con gái hôm trước ghé nhà tui hông? Con dâu tui đó !
Cô Tám lắc đầu:
-Nghe bà con nói lại thôi chớ tui chưa thấy !
Cổ lại hỏi ráo riết:
-Con trai anh đâu ? Vợ anh đâu ? Sao tui hổng thấy ghé thăm anh lần nào hết vậy?
Ông Hai giải thích:
-Ở dưới quê. Lâu lâu tui về thăm chớ ghé đây rồi chỗ đâu mà ngủ.
Cô Tám chưa chịu thôi:
-Quê anh ở đâu ? Nói nghe thử coi có gần quê tui hông ?
Ông Hai đáp một cách bất đắc dĩ:
-Ở Cổ Cò !
Cô Tám bán tín, bán nghi:
-Cái tên gì mà nghe lạ hoắc, có thiệt hông cha nội !
Ông Hai phật ý :
-Không lẽ tui không quê, không quán, không cha, không mẹ, ở trên trời rớt xuống hay sao !
Cô Tám lật đật bào chữa:
-Ý tui hổng phải vậy ?
Cái tính hay gây lại nổi lên, cổ cự:
-Hỏi có vậy mà cũng giận, người gì đâu mà câu mâu dễ sợ !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 5
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 10 2017, 21:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nghe cổ bắt lỗi mình mà ông Hai mắc cười. Cho tới lúc ấy ông mới nhận ra cái nàng ngọc nữ nói ngang, nói ngược nầy có duyên đáo để, mặt mày coi cũng ngộ.
Ngặt nổi cô Tám ốm quá nên trông bớt hấp dẫn. Giá như được sống trong hoàn cảnh thoải mái, bớt làm lụng và ăn uống đầy đủ, đắp lên cái khung xương thêm năm, ba ký thịt nữa, chắc trông cũng ngon lành chẳng kém thua ai. Ông Hai chỉ nghĩ vậy thôi chớ chẳng có tà ý gì hết !
Có lẽ chính cái tánh không háo sắc đó của ông đã làm cô Tám tổn thương sâu sắc. Thoạt đầu cổ cũng để ý đến ông, có lần còn nhờ ông Hai cạo gió (sau nầy cổ có giải thích là ghẹo chơi để thử coi bản lĩnh ổng tới đâu), nào ngờ bị ông từ chối thẳng thừng. Cổ quê nên đâm ra ghét rồi để ý nhiều hơn còn ngoài mặt thì càng tỏ ra rẻ rúng thêm lên.
Ông Hai không phải là không biết điều đó ! Cho nên hể cô Tám càng tỏ vẻ khinh, ghét, thì ông càng thấy nhẹ lòng, càng có cớ để hạn chế trò chuyện với ba mẹ con cổ đến mức tối đa. Vốn đã bị phụ ngay từ mối tình đầu nên đối với ông, phái đẹp vô cùng nguy hiểm, càng tránh xa càng tốt.
Có một lần, lúc ông Hai mới giao cái đình lại cho ông Năm để làm cái nghề bơi xuồng vớt rác. Cả xóm đình nhao nhao khi có một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, da trắng bóc, trông y như Việt kiều đến tìm ông. Ông Năm đích thân dắt cổ đến nhà, gặp ngay lúc ông Hai đang mở từng túi rác ra để phân loại.
Niềm vui sắp gặp lại người cũ đang cháy phừng phừng như bó đuốc của cổ, bỗng rớt xuống sông rồi tắt ngấm. Những mẫu chuyện của họ cứ nhạt dần. Túi quà trên tay, cổ còn không dám đưa tận tay ông, chỉ đặt lên sàn nhà chớ đừng nói chi ôm nhau thắm thiết.
Cổ chỉ ghé một lần rồi thôi ! Mà cũng ở không lâu .
Trước khi từ biệt cổ còn nói một câu, nửa ngậm ngùi, nửa trách móc:
-Sao anh không ráng leo lên tới mút đọt rồi đạp tui thẳng cẳng? Thà như vậy mà tui còn đỡ đau lòng, đỡ oán hờn hơn là thấy cái cảnh anh nằm sát đất mà vẫn ...
Ông Hai bị "giết" hai lần chỉ bởi một người. Vết thương sau còn sâu hơn vết trước, nên từ đó ông tởn đàn bà luôn, hết dám mơ tưởng tới !
Ông Năm biết chuyện nên cứ cằn nhằn ông hoài:
-Phải chi anh vẫn coi đình để tui kiếm chiếc xích lô mà chạy, còn hơn giao cho tui rồi ra thân thời nầy. Thiếu gì việc để làm, mắc mớ gì phải chọn cái nghề vớt rác, thiệt uổng công ba má cho anh ăn học. Đây rồi vong linh ổng bả hổng biết lại trừng phạt, giáng họa cho tui.
Ông Hai không dám giải thích là ông ưa cái thú bềnh bồng trên sông. Nghiện cái cảm giác hay hay, vui vui, mỗi lần vớt lên một túi rác.
Rác càng dơ, càng bẩn thỉu, càng độc hại, ông càng hài lòng vì nghĩ rằng mình đã làm một việc tuy nhỏ nhoi nhưng thật sự hữu ích...
Ông chẳng dám tâm sự với ai về điều đó, kể cả với người em trai mà ông tin yêu nhứt. Ông sợ ông Năm và bà con nghe rồi cho là ông bị loạn thần kinh. Họ sẽ xúm nhau khiêng ông vô nhà thương Chợ Quán, nhốt ông ở trỏng luôn thì khổ không biết bao nhiêu mà nói !
Cái nghề vớt rác cũng chính là lý do lớn nhứt, khiến ông hết dám về quê thăm bà con và gặp gỡ bạn bè. Ông không muốn phải nói dối, cũng không thích đón nhận vẻ mặt thương hại, nghe những câu an ủi dù hết sức chân tình của họ. Ông sợ nó sẽ làm ông nhụt chí, chùn bước trước con đường mà ông đã vạch cho mình.
Mở nắp lu để đổ nước vào, ông nhận ra là cái lu vẫn còn đầy óc ách. Thì ra hổm rày ông ăn ké, uống ké ông em của mình nên lu nước vẫn còn nguyên. Lu nước nhỏ xíu nầy chỉ nấu ăn, nấu uống còn tắm thì ông có cả một con kinh mà khi nước lớn thì phình to như một con sông.
Dù đã sắp ngũ tuần nhưng ông Hai vẫn thích tắm sông như khi còn làm con nít. Ông vốn mạng thủy, lại là "Trường giang thủy" nên hạp với sông dữ lắm !
Những đêm sáng trăng, nước lớn đầy mà, không ngủ được ông lại leo lên xuồng nằm nhìn lên trời. Lắm lúc trong bờ muỗi nhiều, ông bơi ra giữa dòng rồi thả cho nó muốn trôi tới đâu thì trôi.
Cũng vì cái sở thích ấy mà có một lần ông gặp một trường hợp ly kỳ đến nhớ đời :
Đêm ấy trúng phóc ngày rằm tháng bảy, bởi vậy khi thấy một cái bóng trắng trắng phóng xuống sông ngay trước mặt mình, ông cứ tưởng bị cô hồn ghẹo. Chừng nghe tiếng quạt nước và tiếng một người đàn ông kêu to: "Quay vào bờ liền, hông thôi tao bắn đó !", ông mới biết là người thiệt. Một lát sau có một bàn tay từ dưới nước thò lên nắm mép xuồng ông, rồi một cái đầu với mớ tóc đen thùi trùm kín cũng nhô lên từ mặt nước.
Một giọng con gái run run vì lạnh và vì sợ:
-Bác làm ơn kéo cháu lên giùm.
Dù không tin dị đoan, không tin là có thế giới của những người khuất mặt, nhưng thoạt đầu ông nghĩ mình gặp ma da nên mọc óc cùng mình. Tới chừng nghe tiếng nói mới thở phào nhẹ nhỏm. Ông vói tay kéo cô gái lên bờ. Trời đất ơi ! Cô ta trần như nhộng.
Có tiếng súng nổ chỉ thiên và tiếng gọi của người đàn ông khi nãy:
-Cái xuồng đó bơi vô đây !
Cô gái bỗng quỳ sụp xuống mà lạy:
-Con lạy bác, xin đừng bơi vô !
Cô ta vẫn cúi mọp đầu nói tiếp:
-Bác mà bơi vô là họ bắt con đưa đi cải tạo liền. Con sắp thi rồi, bác làm ơn giúp con.
Ông Hai cảm thấy tràn ngập một niềm cảm thương dành cho cô gái, liền thảy cái áo mưa để sẵn trên xuồng cho cổ mặc vô, rồi chĩa mũi xuồng qua bờ bên kia mà bơi thục mạng.
Tới ngã ba ông liền rẽ vào, vẫn bơi không ngơi tay tận cho đến khi chung quanh toàn là lau sậy với dừa nước, ông mới dừng lại mà thở hào hển.
Ông không hỏi câu nào, thế nhưng cô gái vẫn kể ông nghe về lai lịch của mình.
Cổ nói:
-Từ trước tới giờ con ở dưới quê, năm nay vừa thi đậu đại học xong nên lên đây đi học. Nhà con nghèo lắm, ba má làm ruộng nên đâu nuôi nổi. Bất đắc dĩ lắm con phải làm nghề nầy, định kiếm đủ tiền trang trải rồi là nghỉ. Ngờ đâu mới được chưa đầy một tháng thì đã bị chộp.
Ông Hai thở dài:
-Đi đêm có ngày gặp ma. Đâu phải lần nào cũng thoát được. Con mà còn làm nữa thì...
Cô gái lắc đầu lia lịa:
-Một lần là con tởn tới già luôn, con giải nghệ liền lập tức. Chắc chắn không có lần thứ nhì đâu bác !
Hơn nửa đêm ông Hai mới dám bơi xuồng về nhà. Đưa cô gái lên bờ xong, ông chạy u lại đình, kéo cẳng ông em đang ngáy o o mà xin cầu cứu. Ông Năm chạy vù đi, lát sau mang về một bộ đồ còn khá mới.
Ổng đưa ông rồi nói:
-Thiệt là xấu hổ. Bà Ba Tứ Sắc hỏi ráo riết, tui bí quá đành nói thiệt. Cũng may hôm bữa anh cứu bả nên bả mới tin, còn lựa bộ đồ thiệt tốt mà đưa, nói là để trả ơn.
Ông Hai lật đật cặp nách bộ đồ, đem về đưa cho cô gái rồi hối:
-Cháu mặc cái nầy vô đi !
Chờ cô gái thay đồ xong ông mới bật hột quẹt để đốt cây đèn trứng vịt lên. Ánh sáng vàng vọt vẫn giúp ông nhận ra gương mặt trong sáng, tuy không son phấn vẫn rất dễ nhìn của cô gái. Cổ hết sức có duyên nhờ trên chót mũi có cái mục ruồi cỡ hột ổi.
Cô gái hỏi cho có chuyện để nói:
-Bộ nhà mình không mắc điện hả bác ?
Ông cười:
-Bác về nhà là để ngủ thôi nên ít khi xài điện. Hơn nữa mấy căn nhà sát bờ sông cứ bị hăm giải tỏa hoài hà! Nên bác đâu dám bỏ tiền xin gắn đồng hồ điện !
Tiếng lục đục bên nhà ông khiến cô Tám để ý. Cổ thường dậy vào giờ nầy để nấu xôi. Chắc nghe có giọng phụ nữ trong nhà ông nên tò mò.
Cổ tằng hắng mấy cái rồi hỏi:
-Anh Hai ơi ! Bữa nay có xôi đậu phọng nè ! Ăn hông, tui đơm cho một dĩa ?
Ông trả lời:
-Thôi khỏi đi cô Tám. Hồi chiều chị Chín cho một tô canh khoai mỡ bự chà bá, ăn với dưa mắm ngon quá mạng. Tui ráng ăn cho hết tới bây giờ còn no !
Dù ông từ chối nhưng lát sau tấm ván nhỏ giữa hai nhà vẫn bị đẩy bật lên và một dĩa xôi đưa qua. Miếng xôi cháy vàng ươm hết sức hấp dẫn làm ông Hai kềm lòng không đậu.
Đưa dĩa xôi cho cô gái trước, ông nói:
-Ăn đi cháu, xôi nầy ngon lắm đó !
Cô gái hình như cũng đói bụng nên không khách sáo. Cô cầm miếng xôi lên, bẻ ra làm hai rồi đưa cho ông phần lớn hơn bằng cả hai tay và mời lại:
-Bác ăn với cháu cho vui đi bác !
Miếng xôi ngon làm sao ! Mùi nước dừa thơm lừng cộng với mấy hột đậu phọng mềm mụp của nó cũng đã đủ ngon rồi ! Cái không khí thân thiện, niềm cảm thông dành cho cô gái khiến nó càng thêm hấp dẫn. Cho tới nổi bây giờ nhớ lại, ông bỗng nghe nước miếng tươm ra ngập hết mấy cái chưn răng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Ốm Re: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 10 2017, 14:12
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Dân có trình độ, hiểu người, hiểu đời như ông hai mà tình nguyện "nằm sát đất" như vậy, cực nhọc đó, nhưng chắc cũng thú vị lắm!? Ốm đọc mà cứ nhớ tới chuyện những nhà vua vi hành để tìm hiểu dân tình. Tỷ xây dựng nhân vật quá hay luôn đó tỷ ơi! Lần này tỷ cho độc giả đổi món rồi. Ôi, Ốm háo hức chờ đọc phần tiếp theo lắm lắm!
(Tỷ biết hông, có lúc Ốm cũng thích làm những chuyện giống như ông hai đó tỷ!).

Thương mến tặng tỷ nè!
:rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 10 2017, 05:33
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Có một lần đi ngang cây cầu chữ Y, thấy một người đàn ông bơi xuồng vớt rác, tỷ đã cảm động đến trào nước mắt !
Cám ơn Ốm đã đồng cảm !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 6
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 10 2017, 19:40
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tiếng gọi se sẻ của ông Chín mài dao kéo ông Hai ra khỏi dòng sông mùi vị :
-Bữa nay mầy có đi vớt rác hông Hai ?
Ông Hai hỏi lại:
-Chi vậy bác Chín ?
Ông Chín đáp, e dè:
-Tao tính mượn cái xuồng của mầy đặng bơi đi chặt một mớ lá dừa nước.
Ông Hai hỏi tiếp:
-Chi vậy bác Chín ?
Ông Chín đáp:
-Phải cơi thêm một cái buồng nữa.
Ông Hai hỏi lần thứ ba, cũng một câu i sì :
-Chi vậy bác Chín ?
Ông Chín báo tin vui bằng một giọng não nuột:
-Thằng Út có vợ rồi !
Ông Hai đoán chừng ông Chín không hài lòng về cô dâu mới, nên không dám hỏi thêm.
Ông đáp:
-Cái nghề của con muốn nhanh, muốn chậm, muốn làm, muốn nghĩ...lúc nào cũng được. Bác cần gấp thì lấy liền bữa nay cũng hổng sao.
Rồi ông hỏi tiếp:
-Bác tính đi đâu kiếm lá dừa.
Ông Chín đáp:
-Nghe thằng Bảy xích lô nói ở Bình Chánh có nhiều lắm !
Ông Hai phản đối:
-Bác bơi chi cho xa, gần đây cũng có. Để con dắt bác lại đó !
Ông Chín mừng rỡ, rủ:
-Vậy thì bây mặc cái áo, xỏ cái quần dài vô. Hai bác cháu mình ra quán bà Bèo ăn tô cháo lòng, uống ly cà phê cho ấm cái bụng rồi hãy đi.
Ông Hai nói:
-Mình đi sớm cho mát bác Chín ơi ! Ra quán hay gặp bạn bè, ăn uống rồi nói chuyện cà rà mất thì giờ dữ lắm . Tới chỗ còn lo chặt lá dừa nữa. Bây giờ đi liền thì một lát mình về mới kịp con nước, để hông thôi trưa đứng bóng, xuồng nặng mà bơi nước ngược là mệt lắm !
Ông Chín biết ông ngại nên tìm lý do để từ chối.
Ổng nằn nì :
-Ăn cháo chớ thứ gì mà lâu ? Húp một cái rột là xong ! Đi đi Hai, lâu lâu cho tao mời bây một lần. Có mấy ngàn bạc thôi, đâu có nghèo thêm mà sợ !
Ông Hai cương quyết:
-Tại khi không mà nghe thèm xôi quá mạng nên...
Vách phía bên kia, cô Tám, chắc đang vừa làm vừa lắng tai hóng chuyện, nên vừa nghe ông Hai nói tới đó là lật đật hỏi vọng qua liền:
-Anh thèm xôi gì ?
Ông Hai hỏi lại:
-Có xôi đậu phọng hông cô ?
Giọng cô Tám tiếc rẻ:
-Xui cho anh, bữa nay tui làm có hai thứ, đậu xanh với đậu đen thôi hà !
Ông Hai an ủi:
-Cũng được ! Cho tui hai gói đi, một xanh, một đen .
Cô Tám hỏi thêm:
-Xôi nạt hay cháy ?
Ông Hai trả lời một cách dứt khoát mà không thèm hỏi qua ông Chín:
-Một nạt, một cháy ?
Cô Tám hỏi thêm:
-Cái nào nạt, cái nào cháy?
Lần nầy thì ông Hai không dám tự mình quyết định mà hỏi ông Chín trước:
-Bác ăn xôi gì ? Bác Chín !
Ông Chín đáp:
-Tao ghét đậu đen nhứt hạng.
Cô Tám không chờ ông Hai trả lời mà nói luôn:
-Vậy đen cháy, xanh nạt phải hông?
Ông Hai nói giỡn:
-Cô biết rồi mà còn hỏi làm chi cho mắc công vậy ?
Cô Tám ghẹo lại:
-Ông hà tiện nên ăn xôi cháy cho rẻ hay ưa thiệt vậy ?
Ông Hai đáp:
-Hồi nhỏ tui thích ăn cơm cháy, xôi cháy lắm mà má tui nhứt quyết không cho. Bởi vậy...
Cô Tám và ông Chín chặn hỏi một lượt:
-Sao vậy ?
Ông Hai cười :
-Má tui nói ăn cơm cháy là chữ nghĩa nằm trong bụng cháy tiêu hết, học cũng như không.
Cô Tám hỏi tiếp:
-Có đúng hông?
Ông Hai cười to hơn một chút :
-Từ ngày ở cạnh nhà cô, cô cho xôi cháy ăn miết nên bây giờ không còn lại chữ nào hết !
Cô Tám biết ông Hai nói giỡn nên phụ họa:
-Đúng là làm ơn mắc oán, cho ăn còn bị đổ thừa.
Ông Hai lại cười:
-Thì tui họ Đỗ mà !
Cô Tám hỏi lại:
-Thiệt hay xạo vậy cha nội ?
Giọng ông Hai chắc lọi:
-Thiệt mà !
Cô Tám vừa đẩy tấm ván bật lên, vừa đưa hai gói xôi qua vừa hỏi:
-Còn tên ? Đừng có nói là ông tên Rác nghe !
Ông Hai khoái chí:
-Sao cô giỏi vậy ? Nói trúng phóc !
Cô Tám đổ quạu ngang xương:
-Thôi đi cha ! Ai mà hổng biết ông tên Hùng. "Anh Hùng vớt rác" mà !
Ông Hai vừa thò tay cầm vừa hỏi:
-Bao nhiêu ?
Cô Tám nói:
-Mười ngàn.
Ông Hai giựt mình, thường ngày ông mua có hai ngàn thôi là ăn tràn bản họng. Ông nghĩ thầm chắc tại mình làm cổ giận nên tính mắc cho bỏ ghét.
Ông lấy cái bóp da đã sờn, loang lỗ nhiều chỗ trong cái gối ra. Cái bóp phồng to vì chứa đủ thứ giấy tờ trong đó. Ở phía trong cái bìa có đính cái khung có tấm nhựa trắng nhỏ, xưa trong suốt nay đã ố vàng. Một tấm ảnh đen trắng 3x4 của một người con gái tóc ngắn, mặc áo dài trắng (đồng phục của nữ sinh thời trước) có đính phù hiệu trường, nằm trong đó. Tấm ảnh chắc đã có từ lâu lắm nên màu sắc đã nhòa. Ông Hai mở ngăn chứa tiền, rút ra tờ giấy màu đỏ. Ông kéo tấm ván ra, chưa kịp đưa tiền qua vách là bị cô Tám sập tấm ván xuống thiếu điều muốn kẹt tay.
Ổng cự:
-Làm gì sập cửa lẹ vậy ? Tiền nè !
Cô Tám nói:
- Nói chơi với anh cho vui chớ tui hổng có tính tiền đâu ! Hôm trước bác Chín mài mấy cây dao không chịu lấy tiền, bữa nay tui đãi lại bác ?
Ông Hai nói:
-Vậy thì tui trả phần tui .
Cô Tám nói:
-Tui không thèm lấy tiền của anh !
Rồi sợ ông Hai phật ý, cô nói đùa:
-Tui cho anh thiếu chịu đó, mai mốt...
Ông Chín lật đật chêm vào:
-Cô mà cho thiếu chịu ấp lẫm chắc muốn người ta trả hổng nổi rồi bắt xác luôn có đúng hông?
Ông Hai nghe ông Chín nói như vậy thì sợ muốn thót tim. Hôm trước Tư Nhậu nói chơi có một câu thôi mà bị "pháo kích" tới tối tăm mặt mũi.
Ông Hai chuẩn bị sẵn hai cái ngón tay trỏ, hể cô Tám mà "bắn" là đóng nút hai lỗ tai liền.
Ông thở dài tự nhủ:
-" Cái ông già Chín nầy khi khổng, khi không tự chui đầu vô miệng cọp. Mới sáng sớm mà bị cái bà La Sát nầy chửi là xúi quẩy cả ngày" !
Vậy mà hổng hiểu tại sao, cô Tám hôm nay hiền rụi, không thèm cãi lại một tiếng nào.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 7
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 10 2017, 20:52
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai vừa mở cái cửa sau, vừa gọi:
-Bác Chín ơi ! Đi được rồi đó.
Chưa thấy mặt ông Chín đâu nhưng đã nghe tiếng hỏi :
-Bây có mấy cây dầm ?
Ông Hai đáp:
-Một cây !
Ông Chín im ru hồi lâu, vẫn chưa chịu xuất hiện.
Ông Hai sốt ruột mà không dám hối, một tay bưng cái dĩa mẻ đựng hai gói xôi, một tay xách cái ấm đen thui đựng đầy nước, bước lại cây cầu nhỏ nơi cột xuồng rồi ngó qua nhà ông Chín.
Lúc nầy ông Chín mới ló mặt ra, nói bằng giọng tự hào:
-Tao biết lắm mà, bởi vậy thủ sẵn cái nầy !
Ông đưa tấm ván bề ngang bằng bàn tay, bề dài bằng nửa cánh tay, được đóng vào một khúc tầm vông, có dáng vẻ như cây dầm lên khỏi đầu cho ông Hai thấy.
Nét mặt rạng rỡ, ông khoe:
-Coi tao có cái gì nè !
Ông Hai ngạc nhiên:
-Bác làm làm thêm một cây dầm từ hồi nào vậy ?
Ông Chín đáp:
-Đâu có làm ! Hôm trước tao vớt được, tính đưa cho bây mà cứ quên hoài. Bữa nay mới nhớ ra, lật đật đi kiếm rồi đem theo đặng một chút bơi phụ.
Ông Hai cười tươi rói, nói:
-Hên quá ! Con đang lo bận về xuồng đầy, rủi gặp nước ngược chắc bơi lòi bong bóng.
Ông đặt dĩa xôi xuống, tháo sợi dây lòi tói đang cột vào cây cọc để kéo chiếc xuồng cặp sát vô cây cầu. Ông đặt ấm nước vào đúng cái chỗ thường ngày của nó : Tấm lá sen khô đã dính đầy lọ nghẹ, rồi mới từ từ chuyển cái dĩa xôi xuống cho nằm kế một bên.
Bây giờ lại đến phiên ông Chín sốt ruột, hối:
-Lẹ tay lên bây !
Ông Hai bắt chước mấy nhân vật trong phim Hồng Kông, đáp một hơi:
-Tới liền, tới liền, tới liền...
Khi hai bác cháu đã yên vị, ông Hai đưa gói xôi cho ông Chín, nói:
-Bác khoan có bơi, ăn xôi trước cái đã !
Ông Chín để cây dầm xuống, cầm gói xôi trên tay ông Hai, đưa lên mũi hít một hơi rồi vừa thở ra, vừa nói:
-Phải công nhận là con Tám Gói nấu xôi khéo, ngon hổng ai bằng.
Ông Hai gật đầu phụ họa:
-Người ta hay nói "tối ăn sang, sáng ăn xôi", có ý hạ thấp món xôi. Theo con, sáng mà được một gói xôi của cô Tám thì khoái không gì bằng!
Ông Chín định cắn một miếng xôi, nghe ông Hai nói câu đó thì ngưng mà chộp vội liền rồi xúi :
-Vậy thì bây lấy nó đi !
Ông Hai cười khổ:
-Bác hổng nghe cổ chửi ông Tư Nhậu tới tắt bếp cái vụ ổng ghép đôi con với cổ hay sao mà còn xúi dại ? Bộ hổng sợ nổ hai cái lỗ tai sao?
Ông Chín cười :
-Coi bộ cái tay nghề cua gái của thằng Hai mầy còn non nớt quá ! Con Tám nó chịu đèn bây dữ lắm rồi đó ! Đàn bà hay chướng chướng với làm bộ, làm tịch dữ lắm! Nó làm như vậy có khi để dọ ý nào ngờ bây nhát hít. Tao ở gần nên biết, mấy lúc trời chuyển mưa là nó lo lấy đồ bây phơi ngoài sào vô giùm. Cái thứ xôi nầy nấu thành thạo như nó dễ gì bị cháy, tại thấy bây thích nên cố ý để lâu đó mà !
Ông Hai chối đây đẩy:
-Hổng có đâu bác ơi ! Cổ ngó cao dữ lắm ! Bảy "chà răng" nhà cửa hẳn hoi mà cổ còn chê, nói gì cái thứ làm nghề vớt rác, ở nhà đá, nhà đạp như con.
Ông Chín bác liền:
-Cái thằng Bảy "chà răng" đen sì, xấu hoắc...Nói chuyện hổng có duyên dùng gì hết thì làm sao mà sánh với bây. Hôm trước bây "ăn ta ni" lên coi đẹp trai quá mạng, ăn đứt hết mấy tay đàn ông xóm mình. Nghe nói ngày trước bây là dân cầm viết, có bồ là Việt Kiều...
Không muốn ông Chín khoét sâu vào vết thương của mình, ông Hai hối:
-Bác ăn xôi lẹ lẹ rồi bơi giúp con một tay !
Ông Chín cự nự:
-Nước xuôi, không cần bơi cũng tới, mắc gì phải cực ?
Coi mòi ổng còn mặn mà với cái chuyện cô Tám quá ! Bất đắc dĩ ông Hai phải xài hạ sách:
-Bác sắp có thêm con dâu, chắc là vui lắm hả ?
Miếng xôi đang nuốt bỗng nghẹn ngang cần cổ. Ông Chín vói tay lấy cái ấm nước rồi kê miệng vô cái vòi mà tu để đẩy nó trôi xuống bao tử.
Ổng nhìn ông Hai, đắn đo một chút rồi mới nói:
-Chẳng giấu gì bây, con vợ của thằng Út làm cái nghề "sang nhứt xứ" đó.
Dân Sài gòn có câu ví "sang như đĩ", cho nên bà con xóm Đình thường hay gọi cái nghề không được coi trọng đó bằng cái tên là "sang nhứt xứ".
Ông Hai lật đật an ủi:
-Mấy cô gái gặp cảnh không may nên mới sa chưn vô chỗ đó, chớ họ đâu có muốn. Vợ thằng Út được kéo ra khỏi nơi ấy, chắc là mang ơn nó với gia đình bác hổng hết ! Để rồi bác coi, mai mốt dám nó là đứa con dâu có hiếu nhứt ! Biết đâu tuổi già của bác được tụi nó phụng dưỡng đầy đủ.
Ông Chín thở dài:
-Tao già cúp bình thiếc rồi mà có thấy gì đâu ! Tao không dám chê, nhưng nghe đâu mấy cái đứa làm nghề đó hay mắc cái bịnh "si đa". Họ nói cái bịnh nầy vô phương cứu. Lại nghe đồn là lây dữ lắm ! Tao sợ đem nó về ăn uống, chung đụng rồi lây tùm lum hết nhà...
Ông Hai gạt phắt liền:
-Hổng phải đâu bác ơi ! Cái bịnh nầy nó chỉ lây qua đường tình dục thôi hà ! Bác mà sợ thì kêu thằng Út dắt vợ nó đi khám. Nếu cổ có bịnh thì kêu nó xài bao...
Ông Chín thở dài :
-Nếu con nhỏ đó có "dính" thì thằng Út cũng ướt nhẹp hết rồi, trùm áo mưa đâu kịp !
Ông Hai đuối lý, cắm đầu nhai xôi chớ chẳng nói thêm được tiếng nào.
Hồi lâu ông Chín mới nói, giọng ngậm ngùi:
-Tao thì hổng sao, chỉ tội nghiệp cho bả. Bả lo quá, buồn quá nên cứ khóc hoài. Bả nói cái nầy là tại bả. Con trai nhờ đức mẹ, tại hồi đó bả cãi lời tía má, bỏ nhà trốn theo tao nên bây giờ mới bị ông trời quả báo. Đêm nào bả cũng trùm mền khóc, tao dỗ cách mấy cũng không được.
Ông Hai an ủi:
-Chuyện đâu đến nổi nào mà hai bác lo làm chi cho hao tổn sức khỏe. Đâu phải ai làm nghề đó cũng mắc bịnh hết ! Cho dù tệ hệ nhứt thì thằng Út nó cũng được hưởng qua hạnh phúc, cũng gieo được cái phước là cứu được một người. Như vậy coi như cuộc sống của nó cũng có ý nghĩa, đâu có uổng phí chút nào !
Ông Chín thở dài:
-Tại bây không có con nên mới nói như vậy. Đối với cha mẹ, không có cái khổ nào bằng cái khổ tre già khóc măng, mình còn sống sờ sờ mà con...
Nói tới đó ông Chín liền dừng lại, lắc đầu lia lịa như cố xua cái tư tưởng không may đó ra khỏi đầu mình. Hai con mắt ông bỗng đỏ hoe.
Ông Hai cảm thấy mình có lỗi nên tìm cách cho ông Chín khuây khỏa. Vừa cho xuồng quẹo vào cái ngã ba ngày nào ông vừa hỏi:
-Đố bác tại làm sao mà con biết cái chỗ nầy có nhiều bụi dừa nước ?
Ông Chín cự nự:
-Cái vụ nầy thì làm sao tao biết mà đố !
Ông Hai bèn kể cho ông Chín nghe chuyện mình gặp cô gái nhảy xuống sông như thế nào. Cố ý thêm mắm thêm muối cho nó đậm đà, rùng rợn hơn, như đạn bắn chéo chéo ngay trên đầu, để lôi cuốn sự chú ý. Riêng cái chuyện cô gái khỏa thân khi được ông kéo lên xuồng là tuyệt đối không hề đề cập tới, chắc mắc cỡ với sợ ông Chín suy diễn lung tung.
Cho nên ông Chín mới nói :
-Tội nghiệp, cái thời buổi gì đâu mà lộn xộn, khó làm ăn quá mức! Tới nổi con gái cũng phải làm cái nghề đi ăn trộm. May mà được bây vớt lên rồi chạy thoát chớ hông thôi là...Chưa nói tới cái chuyện bị bắt bỏ tù, chỉ một việc bị thiên hạ xúm lại đập nhừ tử là cũng đủ chết.
Ông Hai thở dài:
-Cũng cùng một tội, mấy người ăn cướp coi vậy mà có uy quá. Ăn trộm hiền hơn vậy mà khi bị tóm là bị đánh túi bụi, ăn cướp thì đố ai dám đụng .
Ông Chín hùa theo:
-Bây nhắc tao mới nhớ. Năm ngoái ở xóm lò heo có một thằng nhỏ. Nó ăn trộm có con gà thôi mà bị họ ví bắt rồi đánh tới giập lá lách. Cái chuyện con cứu con nhỏ đó coi vậy mà cũng lớn y như cứu một mạng người đó nghe ! Có phước hổng biết đựng đâu cho hết !
Ông Hai suy nghĩ một lát rồi nói :
-Xét cho kỹ ra thì thằng Út nó cũng làm y như con đó bác.
Câu nói đó chừng như hiệu nghiệm. Gương mặt của ông Chín có tươi lên một chút !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 8
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2017, 19:08
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai cho xuồng cặp vào khoảng trống giữa hai bụi dừa nước đầu tiên. Ông Chín nhảy lên bờ trước, nhìn quanh rồi chắt lưỡi hít hà:
-Chỗ nầy dừa nước mọc đặc gật. Bộ bà con mình hổng ai biết hay sao mà bụi nào cũng còn nguyên chưa bị chặt tới một nhánh, tốt thấy mà mê !
Ông Hai nói:
-Bây giờ đâu ai còn lợp nhà bằng lá dừa nữa. Họ mua mấy tấm tôn, lợp một lần rồi xài đời đời.
Ông Chín chắc lưỡi:
-Bởi vậy mới nói, con người ta mỗi ngày một điên ...
Ông Hai ngạc nhiên hỏi:
-Sao bác nói lạ vậy ?
Ông Chín không đáp mà hỏi ngược lại :
-Bây có vô nhà thằng Tư Nhậu chưa?
Ông Hai lắc đầu:
-Chưa ! Có gì ở trỏng vậy bác ?
Ông Chín không trả lời mà hỏi thêm:
-Bây có biết tại làm sao mà hể nhìn ra đường là thấy cái đám con, đám cháu của nó. Tại làm sao mà tụi nó cứ nhong nhong ngoài hẻm suốt ngày hông?
Ông Hai lắc đầu, nhưng lại đáp:
-Tụi nó còn nhỏ ham chơi nên ra đường kiếm bạn chớ gì !
Ông Chín cũng lắc đầu:
-Bây còn nhớ cái lần cả xóm rùm beng vụ thằng Tư nhậu trúng con số đề "00" hông ? Lần đó nó chơi sang, tháo bỏ hết lá rồi mua tôn về lợp nhà với vừng vách. Từ đó cái nhà của nó y như cái nồi áp suất. Khoảng mười giờ sáng tới năm, sáu giờ chiều là nóng chịu hổng thấu, không thể nào ở trong nhà cho nổi !
Ông Hai cười:
-Hèn gì mà ổng ngồi ngoài quán suốt.
Ông Chín nói:
-Ai chê ngu tao cũng chịu, thà mắc công một chút mà xài lá cho mát. Trời cho giàu lên thì lợp ngói chớ hổng thèm xài tôn. Bây suốt ngày ở trên sông, tối mới về nhà nên hổng biết...
Ông Hai lật đật:
-Biết chớ bác ! Mấy bữa nghỉ xã hơi, buổi trưa con phải chạy vô đình ở ké, nằm nhà nóng quá chịu đâu có thấu ! May mà cái nhà con xài vách ké của bác với của cô Tám. Một bên là lá còn một bên là ván, chỉ có cái mái lợp tôn thôi mà còn nóng muốn điên.
Ông Chín bỗng hỏi cắc cớ:
-Hồi nãy tao nghe bây nói cái gì mà "sập cửa", bộ cái vách của tụi bây có trổ cửa hả ?
Ông Hai giãy nãy:
-Đâu mà có, chỉ có tấm ván bằng bàn tay bị bung nên đưa xôi, đưa tiền qua đó thôi hà !
Ông Chín xòe hết bàn tay, vỗ lên lưng ông Hai một cái chát rồi nói :
-Ba cái ván thùng dở òm à ! Có khi nào bây cạy thêm vài miếng rồi chui qua hông ?
Ông Hai chỉ tay lên trời, nói lia lịa:
-Thề có trời đất! Từ trước tới giờ con không hề nghĩ đến chuyện đó chớ đừng nói tới làm.
Ông Chín cướp lời:
-Bây chưa nghĩ thì tao nghĩ giùm cho rồi đó ! Làm đi !
Ông Hai thở dài:
-Con nuôi thân còn chưa xong, bữa no, bữa đói. Ốc mang mình ốc còn không nổi thì đèo bồng làm chi cho khổ mình, hại người hả bác ?
Ông Chín an ủi:
-Sông có khúc, người có lúc. Biết đâu có vợ, có con rồi bây mới chịu lập chí làm giàu. Bỏ cái nghề vớt rác mà xông xáo kiếm tiền với thiên hạ.
Ổng xuống giọng dỗ ngọt:
-Ở một mình buồn lắm ! Có người bên cạnh hủ hỉ đỡ lắm con. Bây giờ còn mạnh khỏe ít thấy cần, chừng già yếu rồi bưng chén cơm hổng nổi mới thấy tủi thân, hết muốn sống...
Ông Hai lắc đầu:
-Con bây giờ sắp "ngũ thập tri thiên mạng". Đã biết rõ ý mình và ý trời rồi ! Hơn nữa "Lão lai tài tận", sức cùn, lực kiệt, thay đổi hết kịp rồi bác ơi !
Rồi ông nói giỡn:
-Tài sản lớn nhứt của con bây giờ là mấy tấm tôn, vậy mà nghe bác nói chuyện cái nhà của anh Tư, con còn muốn gỡ đem bỏ rồi lợp lá lên cho mát như nhà bác.
Ông Chín đắc ý:
-Hôm bữa thằng Tư Nhậu lại nhà tao, thấy mát quá nên nó đòi đổi. Tao mới hỏi : "Bộ mầy khùng hay sao mà đòi đem nhà tôn đổi nhà lá ?".
Ổng dừng lại nhìn ông Hai rồi hỏi:
-Bây có biết nó trả lời sao hông ?
Ông Hai lắc đầu.
Ông Chín cười hềnh hệch rồi nói:
-Nó nói: "Tưởng đâu trúng số là hên, ai dè xui quá mạng. Mắc gì đem tiền mua hết mấy tấm tôn. Lợp, vừng kín mít cái nhà rồi ra đường ở hết, trông cho trời mưa mới dám chui vô ".
Nói xong ổng lại cười thêm một chập.
Chờ ổng cười dứt, ông Hai mới hỏi:
-Bác đem theo mấy cây dao?
Ông Chín đáp, hỏi một lượt:
-Một, chi vậy ?
Ông Hai thở ra:
-Phải chi mượn thêm một cây, bác cháu mình hai người chặt cho nhanh...
Ông Chín ngắt lời:
-Một mình tao chặt được rồi ! Bây chỉ cần gom lá lại rồi chất lên xuồng thôi.
Ông Hai giục:
-Lát nữa là trở con nước đó bác ! Bác chặt cho lẹ đặng con làm rút rút cho kịp, hai bác cháu mình khỏi bơi nước ngược, khỏi tốn sức.
Liếc cái cánh tay đang cầm dao của ông Chín, ông Hai gợi ý :
-Hay là để con chặt còn bác thì gom ?
Ông Chín coi mòi tự ái, chắc cho là ông Hai chê mình già yếu. Ổng không thèm đáp, quơ dao chém phập một nhát đứt lìa cái nhánh lá dừa ngay tầm tay liền.
Ông Hai khen:
-Bác Chín coi vậy mà khỏe dữ ta !
Ông Chín tự hào đáp:
-Ngày nào tao cũng đẩy chiếc xe ba gác nặng ì lên dốc cầu mà hổng mạnh sao được?
Ông Hai hỏi:
-Sao bác hổng ngồi nhà mài dao mà đổi nghề thu mua phế liệu vậy ?
Ông Chín thở dài:
-Nghề mài dao hết thời rồi bây ơi ! Ở đó mà ngồi nhà. Ngày nào tao cũng vác cái đòn đi khắp Sài gòn mà còn bữa có, bữa không. Nhờ đổi nghề mới sống nổi đó !
Rồi ông nói thêm:
-Cái nghề mua, bán ve chai nầy coi vậy mà có ăn lắm ! Bị người ta xem thường chớ...
Ông Hai gạt ngang:
-Ai dám xem thường cái nghề của bác ? Hổng có mấy người như bác, rác đựng đâu cho hết ! Khắp trời chắc bọc ni lông bay phất phới. Nói không phải nịnh chớ cái nghề của bác giúp ích cho bà con nhiều nhứt đó ! Chẳng những môi trường bớt ô nhiễm, mà nhờ vậy mấy ông, bà già, con nít nhà nghèo đi lượm bọc cũng kiếm được chút tiền.
Ông Chín cười, khoái trá:
-Cái thằng nầy, nói chơi mà nghe có lý quá !
Ông Hai nghiêm nét mặt:
-Con nói thiệt chớ đâu có nói chơi ! Bác đi ra ngoại ô mà coi ! Họ gom rác đem về đó chất cao như núi. Mỗi ngày cả chục chiếc xe tải rác tới. May mà được lọc bớt lại để bán ve chai, hông thôi còn nhiều gấp đôi, gấp rưởi. Đây rồi rác dám lấn chiếm hết đất, mình không còn chỗ ở nữa đó !
Ông Chín lo thật sự, nên hỏi:
-Vậy mình phải làm sao đây bây?
Ông Hai nói:
-Con cũng đâu có biết ! Riêng phần con, ngày nào mà không xả một cọng rác, thì con coi như đó là một ngày thành công nhứt của mình đó bác !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 9
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 10 2017, 23:36
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Chín làm thinh, suy nghĩ giây lâu rồi nói:
-Ngẫm ra nhà nghèo có công với bà con hơn nhà giàu !
Ông Hai hỏi:
-Công gì vậy bác ?
Ông Chín ngậm ngùi:
-Thì tối ngày đi lượm mót của nhà giàu. Dọn dẹp giùm họ. Họ có tiền nên ăn xài phủ phê, càng giàu thì càng phung phí, bỏ rác càng nhiều. Nếu cái xã hội nầy toàn là nhà giàu thì bây tưởng tượng coi, nó dơ tới cỡ nào ? Nó bừa bãi tới cái cỡ nào ?
Cái lý luận của ông Chín làm ông Hai cười ngã nghiêng rồi bỗng chới với. Ông Chín nói cũng không sai lắm! Có điều vấn đề ở đây không phải tại người ta dư tiền mà làm cho xã hội bề bộn. Căn bản là tại họ thiếu cái tâm. Nếu cái tâm của họ tăng bằng hoặc hơn cái của thì, ôi chao!
Vừa nói vừa làm nên công việc chạy ào ào. Thấy chiếc xuồng chất lá đầy vun nên đã khẵm, mực nước lé đé mạn xuồng, ông Hai bèn ngăn ông Chín lại :
-Bác Chín ơi ! Coi bộ chứa thêm hết nổi rồi đó !
Ông Chín ngưng cái tay dang quơ dao lại nửa chừng rồi hỏi:
-Thêm một nhánh nữa có được hông bây ?
Ông Hai lắc đầu, giọng cương quyết:
-Không được đâu bác ! Nước đang lớn, tàu bè bắt đầu đi lại nhiều, có sóng to là nguy hiểm lắm !
Ông Chín nghe nói vậy mới chịu hạ cây dao xuống. Ông lột cái áo đang ướt ra, lau cái mặt cũng ướt nhẹp mồ hôi, rồi không mặc trở lại mà vắt ngang vai cho mát.
Ông Hai nói:
-Bác đứng đó nghỉ mệt đi, để con lên trước đặng kềm cái xuồng cho vững. Chừng nào con nói "rồi" thì bác hãy leo lên đằng cái mũi nghen !
Ông Chín gật đầu, móc trong túi quần ra gói Bastos rút ra một điếu, rồi hỏi:
-Làm một điếu nghe Hai ?
Ông Hai lắc đầu:
-Con không biết hút thuốc.
Ông Chín nhét gói thuốc vào trở lại túi rồi móc cái túi quần bên kia lấy ra cái hộp quẹt. Ổng mồi điếu thuốc, hóp sâu hai má để hít bằng cả mũi lẫn miệng, cho đến khi nó bắt lửa đỏ rực cái đầu mới thôi.
Ông phun cả đống khói trong miệng ra rồi khen ông Hai liền:
-Bây giỏi quá, không uống rượu, không hút thuốc. Giống tốt như vậy mà không chịu gầy thêm bộn bộn cho thiên hạ nhờ. Thiệt là uổng !
Rồi vừa thở khói ra đằng mũi ông vừa nói:
-Ba cái thằng cà chớn thì gieo rắc tràn lan, đẻ một đống rồi không thèm dạy mà còn xúi đi làm bậy ! Phải chi...
Ông Hai vốn ngại nghe khen. Cứ được ai khen là ông lại thấy như mắc thêm nợ, bèn kiếm chuyện nói để đánh bạt mấy câu còn mắc kẹt trong cổ của ông Chín:
-Bác cầm dép lên đi, chịu khó lội sình một chút. Chỗ nầy đất sình không hà nên lún dữ lắm ! Con không dám cặp xuồng sát bờ quá sợ bị mắc lầy.
Ông Chín làm theo, lột dép cầm tay rồi bước rất nhẹ nhàng cẩn thận. Bùn lên đến nửa ống cẳng. Leo lên xuồng xong ông thả hai cái giò lòng thòng hai bên, quẩy đùng đùng, vừa giúp cho cái mũi xuồng nhích ra, vừa khiến cái lớp bùn bám vô mấy kẽ ngón chưn trôi đi hết.
Ông Hai nói:
-Chỗ nầy nước chảy ngược, bác ráng bơi ra ngã ba rồi là mình đổi chiều, đi xuôi theo con nước. Tới đó bác khỏi cần đụng tới cây dầm, cứ thả cho nó trôi. Hai bác cháu mình khỏe re !
Nước đang đổ mạnh nên chỉ bơi một đoạn ngắn thôi mà cả hai đều mệt đến lè lưỡi. Ra đến ngã ba, ông Hai đánh một vòng cung thật lớn, cho xuồng cặp sát bờ bên phải rồi trút ra một hơi nhẹ nhỏm.
Ông Chín khen:
-Nhờ bây canh giỏi, gặp được con nước xuôi, chớ hông thôi bơi từ đây về tới nhà chắc đứt hơi luôn. Thành ra tính già ra non, tiền lá không tốn, mà tốn tiền mua cái hòm cho tao còn nhiều gấp mấy lần.
Một chiếc ghe chài không mui, chở cát đầy nhóc đi ngược chiều. Hai cái máy đuôi tôm cỡ lớn gắn ở đuôi ghe đang chạy hết công suất. Khoảng sông nầy khá rộng ghe tàu đi lại khá dễ nên nhiều. Mấy ngọn sóng hình chữ V lan rộng. Gương mặt ông Hai đang thanh thản bỗng nhuốm vẻ lo lắng.
Ổng vội bảo ông Chín:
-Bác thả cây dầm xuống, kềm cái mũi cho chắc phụ con.
Ông Chín lật đật làm theo. Cái xuồng gặp mấy con sóng thì mừng như gặp bạn, nhảy tưng tưng rồi lắc qua, lắc lại...Báo hại họ phải gồng hai cánh tay mà kềm nó lại.
Thấy ông Chín nhìn đăm đăm chiếc ghe, ông Hai nói:
-Lúc nầy người ta đang đập nhà, xây nhà rần rần. Ngành xây dựng phất lên như diều. Bởi vậy ba cái ghe, xà lan chở cát, chở đá chạy dập dìu trên sông.
Ông Chín nói:
-Cát ở đâu mà nhiều quá! Thấy họ chở nườm nượp suốt ngày.
Ông Hai thở dài:
-Họ lấy cát ở miệt đầu nguồn sông Cửu Long. Tội nghiệp dân ở đó lắm bác ơi!
Ông Chín ngạc nhiên:
-Sao vậy ?
Ông Hai hỏi lại:
-Bộ bác hổng biết cái vụ đất lở ở An giang ? Sập mất tiêu cái chợ Tân Châu sao ?
Ông Chín lắc đầu:
-Tao lo kiếm cơm cũng đủ tối tăm mặt mũi, hơi đâu để ý ba cái chuyện thời sự ! Mà mấy ông nhà nước ở đâu ? Sao hổng chịu ngó chừng, để họ moi tới sập nhà, sập cửa vậy ?
Ông Hai lại thở ra, lần nầy còn dài hơn:
-Như vậy mới có chuyện để nói.
Ông Chín chêm thêm:
-Từ ngày nhà nước mở cửa, mấy ông cán bộ, nhân viên hổng biết làm cái giống gì mà giàu lên dữ quá ! Họ xây nhà, sắm xe thấy mà ham !
Rồi ổng hỏi ông Hai :
-Sao mấy người nước ngoài họ không làm bên xứ họ mà đem qua nước mình vậy Hai?
Ông Hai đáp:
-Nước mình nhân công rẻ, lại được xã rác thoải mái nên họ thích.
Ông Hai hỏi lại:
-Bác có thích họ hông bác ?
Ông Chín nói:
-Ai mà hổng thích ? Nhờ vậy mà mấy thằng con, thằng rể của tao mới có cái nghề thợ hồ.
Rồi ổng lại nói:
-Mai mốt nhà nước giải tỏa cái dãy bờ sông của mình. Nghe nói tụi mình được mua nhà trả góp ở chung cư. Bây có mừng hông Hai ?
Ông Hai không trả lời mà hỏi lại:
-Nhà bác thì sao?
Ông Chín đáp:
-Mấy đứa nhỏ mừng rơn còn tao với bả thì rầu quá cỡ !
Ông Hai hỏi:
-Sao vậy bác ?
Ông Chín lắc đầu:
-Họ hà tiện đất, xây cao lên tới năm, sáu từng. Mấy người già như tao với bả, ba cái dây chằng giãn hết rồi, rủi bắt thăm trúng cái từng cao chót vót thì leo sao nổi ?
Ông Hai xúi:
-Vậy thì bác lấy tiền đền bù rồi đi ra ngoại ô mua miếng đất mà cất nhà.
Ông Chín lắc đầu:
-Tụi nó dễ gì chịu. Chê xa với lại khó làm ăn.
Ông Hai cười nói giỡn :
-Bác thấy chưa? Không vợ, không con như con mà khỏe, thích gì làm nấy khỏi sợ bị kỳ đà cản mũi.
Ông Chín hỏi:
-Bây tính làm sao ? Ở chung cư đâu có chỗ cho bây cột xuồng ?
Ông Hai nói:
-Hổng chừng con cũng bán xuồng, sắm chiếc xe ba bánh rồi đi mua ve chai.
Ông Chín thở dài:
-Tao nghe nói mai mốt cấm xe ba bánh, xích lô...đó bây !
Rồi gợi ý:
-Hay là bây ráng gom tiền mua chiếc Hon Đa rồi đi chạy xe ôm. Cái nghề đó bây giờ có ăn ghê lắm ! Thằng Sáu Thẹo ở xóm mình nó đổi đời một cái vù, thấy hông?
Ông Hai phản đối:
-Sao con nghe anh Tư Ốm than quá trời, nói kiếm không đủ tiền đổ xăng với sửa xe.
Ông Chín giải thích:
-Tại thằng Tư nó dở. Thằng Sáu nó chở "gái" không hà ! Lúc sau nầy nó kèm thêm cái chuyện dắt mối, còn cho mướn chỗ để họ "làm ăn" nữa.
Ông Hai nói:
-Sao nó gan cùng mình vậy ? Ba cái chuyện đó dễ vô nhà đá ở lắm đó bác !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu