Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 19:40
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271249 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 10
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 10 2017, 20:08
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Chín cười:
-Chừng nào vô tù hả hay, bây giờ cứ kiếm tiền xài trước cho sướng cái đã ! Cho dù có ở tù cũng được nằm với ngồi chớ đâu có khổ như mấy ông cán bộ.
Ông Hai hỏi lại:
-Bác nói cái gì mà ngộ vậy ? Cán bộ thì khổ cái chỗ nào ?
Ông Hai chắt lưỡi:
-Không khổ sao được ? Họ mắc tội lớn tội nhỏ gì cũng bị treo không hà !
Ông Chín ngồi phía mũi quay lưng lại, ông Hai không thể nhìn tận mặt nên trong bụng cứ phân vân, cứ bán tín, bán nghi hổng biết ổng nói chơi hay thiệt.
Chiếc ghe đã bỏ xa lắc, con sông cũng hết động lòng, cái xuồng cũng bình tâm trở lại. Hai bác cháu họ cùng thở ra một cái khì, lơi hai bàn tay cầm cây dầm ra một chút.
Ông Chín hỏi:
-Cái nghề trên sông nầy coi vậy mà nguy hiểm dữ ! Rác thì quá hôi ! Hổng biết bây thích cái giống gì mà đeo đuổi tới bây giờ vậy Hai ?
Ông Hai chưa kịp đáp thì đã bị ông Chín chặn họng:
-Đừng có nói và bây muốn làm sạch cái con sông nầy nghen ! Rác lềnh khênh, hôm sau còn nhiều hơn hôm trước, cho dù bây có chết đi sống lại mấy kiếp cũng vớt hoài không hết !
Ông Hai hỏi lại:
-Bác có đi viếng bà chúa Sứ ở Châu đốc chưa ?
Ông Chín gật đầu:
-Cái lần bả đau nặng tưởng chết. Tao hết cách nên cầu xin bà chúa Sứ. Vái cầu may nào ngờ linh hết sức ! Bà độ nên hết bịnh cấp kỳ. Tới chừng bả khỏe mạnh lại như bình thường, hai vợ chồng tao bưng mâm trái cây, đi xe đò từ đây tới đó để tạ lễ. Cái miễu lớn quá mạng ! Còn lớn hơn mấy cái chùa. Người ta tới cúng đông hết biết ! Tao với bả đi trúng ngày vía...
Ông Hai ngắt lời:
-Bác có thấy cái núi ngay trước mặt cái miễu hông ?
Ông Chín gật đầu:
-Thấy chớ !
Ông Hai hỏi:
-Bác nhớ cái núi đó cao cỡ nào, tên gì hông ?
Ông Chín nói:
-Nó không cao lắm, cái đầu tà bằng bằng chớ không có nhọn như mấy cái núi khác. Còn cái tên thì...
Ông nhăn mặt cố nhớ tên cái núi, chỉ nhớ mài mại nên trả lời mà như hỏi :
-Phải núi "Sam" hông bây ?
Ông Hai đáp:
-Đúng rồi đó bác .
Rồi ổng hỏi tiếp:
-Hai bác có leo lên thử chưa ?
Ông Chín đáp:
-Thấy người ta đi lố nhố ở trển, tao muốn biết trên đó có cái gì nên rủ bả leo lên coi thử. Mới đi tới đâu lưng chừng núi là bả than mỏi chưn quá nên quay trở lại .
Ổng dừng ngang rồi hỏi:
-Mà bây hỏi chi vậy ?
Tới lúc nầy ông Hai mới chịu giải thích :
-Có một cái núi ở xứ Tây tạng, cao gấp bốn chục lần cái núi Sam đó. Đường đi lên đỉnh núi hết sức là hiểm trở, trơn trợt vì lúc nào cũng đóng đầy tuyết. Lại không đủ ốc xy để thở, vậy mà có người liều chết leo lên cho bằng được đó bác. Có người chết dọc đường, có người lên tới đó rồi về cụt hết mấy ngón tay, cưa luôn hai ống cẳng.
Ông Chín ngạc nhiên:
-Tại sao phải rụng mấy cái lóng tay, phải cưa hai cái cẳng ?
Ông Hai cắt nghĩa:
-Tại trên đó lạnh dữ lắm !
Ông Chín không tin:
-Lạnh thì lạnh chớ làm gì đến nổi phải rụng tay, rụng cẳng ?
Ông Hai khổ sở vì ông Chín không chịu tin, gãi đầu rồi đưa ra thí dụ.
Ổng hỏi:
-Bác có lần nào đi mua nước đá mà quên đem đồ đựng hông?
Ông Chín gật đầu:
-Hà rằm !
Ông Hai hỏi tiếp:
-Vậy rồi bác làm sao ?
Ông Chín quay đầu lại nhìn ông Hai một cái rồi đáp:
-Cái thằng nầy! Sao bữa nay bây nói chuyện như giả ngộ vây? Thì cầm chạy về chớ sao ?
Ông Hai hỏi nữa:
-Bác có thấy lạnh hông? Có tím hết mấy cái ngón tay hông?
Ông Chín đáp:
-Có chớ sao không?
Ông Hai cười:
-Bây giờ nếu ai bỏ bác vô cái thùng có lót nước đá xung quanh, rồi phủ nước đá lên khắp đầu cổ, mình mẩy của bác, thì bác nhắm coi mình chịu được bao lâu ?
Ông Chín nói:
-Chừng năm, mười phút thôi chớ hổng thể hơn !
Ông Hai thở ra một hơi:
-Vậy mà mấy nhà leo núi đó họ phải chịu đựng cả tháng trời đó bác !
Ông Chín hỏi:
-Họ leo lên đó chi vậy ?
Ông Hai đáp:
-Họ chỉ muốn làm một việc khó khăn nhứt đời, chứng tỏ nghị lực của mình.
Ông Chín hỏi tiếp:
-Chi vậy ? Có ích lợi gì không? Có ai cho tiền, cho bạc gì không?
Ông Hai lắc đầu:
-Họ làm không phải vì lợi ích cụ thể như tiền bạc hoặc các phần thưởng về vật chất đâu bác ơi !
Ông Chín gặng:
-Vậy thì họ bán mạng để được cái thứ gì !
Ông Hai thở dài, chán nản, biết trước rằng cho dù mình có nói ráo nước miếng cũng chưa chắc được ông Chín tin, hiểu và cảm thông:
-Họ chỉ muốn có được một cảm giác hết sức sung sướng, hết sức phi thường mà ít ai đạt được.
Ông Chín cũng lắc đầu:
-Tao không tin nổi có người bỏ vợ con, cha mẹ, bỏ luôn cái mạng mình để làm cái chuyện không có ích cho ai. Tao nghĩ họ không điên thì cũng ba lơn, ba trợn.
Ông Hai bộc lộ cái ý hướng của mình:
-So với họ thì cái chuyện con làm có đáng gì đâu !
Ông Chín lắc đầu:
-Người ta leo lên rồi leo xuống, về tới nhà là khỏe re ! Còn bây ngày nào cũng đi vớt rác, vớt hoài còn hoài, bộ không thấy nản sao? Đừng có nói với tao là bây làm nghề nầy để kiếm cơm nghe, tao không có tin đâu ! Thiếu gì nghề sạch sẽ, nhẹ nhàng hơn, kiếm tiền nhiều hơn.
Rồi ổng nhỏ giọng :
-Tao nói cái nầy bây nghe rồi đừng có buồn nghen ! Tại bây không biết thôi ! Chớ bà con trong xóm mình, nhiều người họ nói là bây tưng tửng đó !
Ông Hai cười khà khà. Hình như ổng không buồn, không tự ái chút xíu nào mà còn khoái mới lạ !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 11
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 10 2017, 22:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chiều hôm đó, ông Chín nhứt định buộc ông Hai phải nhậu với mình một bữa.
Bà Chín tuy hết sức chống đối chuyện ông uống rượu, nhưng vì biết chồng muốn trả công cho ông Hai nên đành bấm bụng chìu theo.
Bà lật đật sai thằng Út xách xe đạp chở mình ra chợ Hòa Bình, lựa mua một con gà mái tơ, thiệt mập, thiệt ngon để nấu cháo và làm món gà xé phai đãi khách.
Biết ông Hai không thích uống rượu lại sợ chỗ đông người...Để câu chuyện của họ thêm đậm đà, thân mật, hơn nữa bị vợ cấm nên ông Chín không dám rủ Tư Nhậu. Thế nhưng ổng quên nhốt mấy con ruồi lại. Cái bọn phản chủ đó liền bay vèo đến nhà Tư Nhậu đưa tin.
Ông Hai tắm xong vừa leo lên nhà là nghe tiếng ông Chín gọi hối hả:
-Hai ơi ! Qua húp với bác chén cháo.
Biết không thể từ chối ổng bèn "dạ" một tiếng thiệt to rồi nói :
-Con mặc đồ xong là qua liền !
Ông Hai lấy cái quần dài với cái áo tay dài dưới đáy rương ra mặc vì sợ ngồi lâu quá bị muỗi thui.
Vừa thấy ông Hai qua là ông Chín múc cháo trong tô ra hai cái chén không trong mâm liền. Ổng cố ý lựa miếng huyết gà thiệt ngon để múc vô chén cho ông Hai.
Cầm chai rượu lên, ông Chín rót đầy cái ly của ông Hai trước rồi mới rót cho mình. Rót xong, ông dùng hai ngón tay, cầm cái ly ba xi đế trước mặt mình lên một cách hết sức điệu nghệ, hết sức khéo léo. Lớp nước đầy vun trên mặt đứng im ru, không đổ ra ngoài đến một giọt.
Ông Hai cũng bắt chước, cong ngón tay út lên, cầm cái ly đã được rót đầy rượu của mình chỉ bằng hai ngón cái và giữa. Chẳng thể nào "đẹp"bằng ông Chín, ly rượu của ổng rung rung như đứa bé vừa mới biết đứng chựng lại hấp tấp tập đi, té nghiêng, té ngả, ướt mấy ngón tay.
Ông Chín chạm mạnh miệng ly rượu của mình vào ly của ông Hai khiến rượu trong hai ly cùng nhảy tưng lên. Có mấy giọt từ ly nầy phóng qua ly kia khiến ông Chín thích thú. Ổng nhướng mắt (cái tật của ổng là mỗi khi muốn phát biểu trịnh trọng, bắt buộc phải làm cái động tác, chống hai cặp chưn mày lên cao hết cỡ rồi nhìn chầm chầm vào gương mặt của đối phương).
Ổng nói:
-Hai mầy ! Hôm nay bây giúp bác hết lòng, bác cảm động lắm, mang ơn lắm ! Ly rượu nầy ...
Ổng vừa nói tới đó thì Tư Nhậu bỗng lù lù xuất hiện.
Y hỏi giọng hờn mát:
-Chà bữa nay anh Chín có chuyện gì vui mà bày tiệc ăn mừng vậy ta ?
Gương mặt ông Chín đang bừng bừng hào khí, bỗng sượng trân. Ổng nhìn Tư Nhậu rồi ngay lập tức đổi sang giọng hết sức ngạc nhiên:
-Ủa ! Chú Tư, chú đi dâu mà hồi nảy tui sai thằng cháu đi mời, nó nói là chú không có ở nhà ?
Nét cau có trên gương mặt Tư Nhậu giãn ra liền.
Y nói:
-Tui ở nhà chớ đâu có đi đâu ! Chắc ra nhà sau nên nó không thấy .
Tư nhậu chắt lưỡi, không biết y nói thiệt hay muốn gỡ quê cho ông Chín:
-Cái đám con với mụ vợ của tui, hể thấy ai tới kiếm, cho dù tui có ở nhà họ cũng nói dóc là không. Tui chửi hoài mà cái tật đó cũng không chịu bỏ. Cũng may mà tự dưng tui nổi hứng, thấy chiều nay mát trời quá mới đi kiếm anh, tính rủ ra quán Cây Xoài ngồi uống ít ly.
Tư nhậu mới năm mươi bốn tuổi thôi, nhưng vì có thâm niên trong nghề nhậu nên trông y chẳng trẻ hơn ông Chín mài dao, người hơn ổng mười sáu, mười bảy tuổi, là mấy. Y mạnh dạn gọi ông Chín bằng anh và đối xử với ông Hai như một tên tép riu đến xin tập sự.
Ông Chín lật đật mời:
-Vô đây ! Ngồi đây ! Sẵn mồi, sẵn rượu, đi đâu xa cho mắc công ?
Ổng đặt ly rượu xuống rồi gọi toáng:
-Bà ơi ! Đem thêm cái ly, cái chén ra cho tui.
Bà Chín đem ly, chén, đũa, cả cái muỗng nhôm ra, thấy tư Nhậu thì hơi khựng lại, cái mặt chù ụ xuống liền. Khi ký phép cho chồng uống rượu, bà có ra điều kiện là không được rủ Tư Nhậu, bởi theo nhận xét của bà, lần nào mà ông Chín nhậu với ông Tư thì "hổng chết cũng bị thương".
Tư Nhậu vừa nghe ông Chín gọi vợ thì bỗng nhiên co ro, cúm rúm, mất tự nhiên. Mới hôm kỉa, hôm kia, bà Chín đã đến tận nhà của y, vừa rưng rưng nước mắt vừa nói:
-Chú Tư thương tui, đừng lôi kéo ổng đi nhậu nữa. Ổng có rủ chú cũng từ chối giùm ! Chẳng phải tui không muốn ổng uống rượu với chú đâu! Tại ổng có cái chứng đau bao tử, uống nữa là chết...
Y đã hứa với bà một cách trịnh trọng rằng, chẳng những mình không rủ mà cho dù ông Chín có tới nhà rủ rê, có mời mọc hết lời cũng dứt khoát không đi.
Hai tia mắt của bà Chín như hai mũi tên cắm vào tư Nhậu. Y vội cúi mặt tránh tia nhìn của bà.
May sao ông Chín kịp thời phân bua với vợ:
-Chú Tư đây là khách của thằng Hai...
Nét mặt của bà Chín từ từ giãn ra còn ông Hai thì ngạc nhiên tột độ. Lúc nầy bà Chín mới chịu nhếch môi cười, chào một câu gọn lỏn:
-Chú Tư !
Rồi quày quả trở vô, ông Chín và Tư Nhậu cùng thở phào nhẹ nhỏm.
Ông Chín mài dao nổi tiếng sợ vợ nhứt xóm. Nhìn ổng người ta không tin rằng cái người đàn ông to lớn như cây cột đình ấy, đã nhiều lần bị người phụ nữ nhỏ xíu, gầy teo, ốm nhách như con thằn lằn, đứng chưa tới cái càm của mình nầy, xách lỗ tai lôi đi ngờ ngờ ngoài đường.
Ông Chín thương vợ nhiều hơn sợ. Biết bà ốm yếu, hơn nữa vì lo cho sức khỏe của ông mới làm vậy nên không bao giờ động thủ, chỉ riu ríu đi theo.
Hể ông đi nhậu ở đâu bà cũng đi tìm cho bằng được để lôi về. Mấy người đàn ông trong xóm thấy vậy cũng ít dám mời, chỉ có một mình tư Nhậu là bám dai như đĩa.
Lần nầy vì nể mặt ông Hai, người mà bà cho rằng có tư cách nhứt xóm, lại vừa bỏ công ăn việc làm giúp ông Chín nên bà mới chịu để yên cho tư Nhậu.
Tư Nhậu nghe ông Chín nói vậy thì bỗng đùng đùng nổi cơn tự ái. Nghĩ bụng: "Mình như vầy mà phải ăn theo cái thằng cha Hai Rác sao?". Y muốn đứng lên đi về quá mạng mà ngặt một nổi, con ma rượu cứ leo lên đè đầu, cởi cổ bắt phải nằm mẹp sát ván.
Ông Chín đoán biết cái tâm trạng đó ! Để an ủi người bạn cố tri, ông bèn gắp cái phao câu ú nu trong dĩa gỏi gà, bỏ vô chén Tư Nhậu rồi nói:
-Tui biết chú ưa nhứt là cái món nầy, nên biểu bả lựa con gà mái dầu thiệt ngon để nấu cháo, trộn gỏi. Ăn đi chú ! Làm một miếng dằn bụng trước rồi hãy uống để ba cái rượu nó khỏi phá bao tử.
Ông Hai nghe vậy thì không đợi ông Chín mời tới mình, bưng chén cháo có miếng huyết gà lên húp, rồi cầm đũa vớt miếng huyết lên, chấm vô chén nước mắm tỏi ớt ăn một cách ngon lành.
Ông Tư bỗng hỏi ông Hai bằng cái giọng xách mé:
-Nghe nói hôm trước mầy vô mánh hả Hai ?
Ông Hai ngạc nhiên, hỏi lại:
-Mánh gì mà vô ?
Ông Tư khăng khăng:
-Đừng có chối ! Ai cũng biết mầy vớt được cái bọc có mấy cái răng vàng, đem bán được tiền khẵm lắm mà. Rồi đi sắm đồ, bao gái đủ thứ hết !
Ông Hai cười :
-Trời đất ơi ! Ai đồn ác vậy ? Cái hàm răng giả bằng nhựa làm tui hết hồn, đem liệng còn không kịp.
Ông Tư hỏi tới:
-Hổng phải vậy thì mầy lấy tiền đâu mà bao gái cả đêm...
Ông Hai đổ quạu, ngắt ngang:
-Cái cô gái mà anh nói đó là người đàng hoàng chớ không phải "gái" đâu nghen. Cái bữa cổ tới ở nhờ, tui nhường nhà rồi ra đình mà ngủ, có bác Chín đây làm chứng !
Ông Chín gật đầu rụp rụp rồi nói:
-Đúng vậy đó chú Tư !
Biết cái gút mắc nằm ở đâu, ổng nói tiếp:
-Mâm nhậu nầy nhờ thằng Hai mà có. Từ sáng tới giờ nó chở tao đi chặt lá dừa, chở về rồi phụ róc ra còn đem phơi giùm nữa. Bởi vậy bả mới ...
Tư Nhậu tiếp lời:
-Vậy tui phải cám ơn Hai Rác mới phải.
Ông Chín lật đật rót đầy cái ly vợ mới đem ra, đưa cho Tư Nhậu rồi nói:
-Vô đi chú Tư, vô đi Hai, bữa nay uống rượu có "ba tăng" (môn bài, giấy phép) hẳn hoi ! Hai thằng bây cứ bình tĩnh mà uống, say chết bỏ, say quên thôi, say...
Ông đang nói ngon trớn, y như thả xe ào ào xuống dốc. Bỗng nghe một tiếng tằng hắng vọng ra từ phía sau tấm vách, bèn thắng lại một cái rụp, ngã lộn đầu, mặt tái nhách !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 12
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 10 2017, 18:33
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Chín gỡ quê bằng cách gắp nguyên cái đùi gà bỏ vô chén ông Hai rồi hối:
-Bây không uống được nhiều rượu thì phải ủng hộ cái dĩa gỏi giùm bả. Nãy giờ không ai đụng tới nó nên bả mới tằng hắng để nhắc đó !
Ông Hai đang đói meo nên không từ chối, xơi một cách ngon lành. Ổng vừa ăn hết cái đùi gà, ông Chín liền đưa thêm nguyên cái cánh, còn múc đầy chén cháo cho ổng nữa.
Sự săn đón của ông Chín đối với Hai Rác khiến Tư Nhậu thấy chướng con mắt. Y cho rằng mình chịu ngồi chung với ông Hai Rác đã là một sự hạ mình rồi, đáng lẽ ông Chín phải ưu ái y hơn mới đúng. Huống hồ chi họ còn lạ bạn nhậu lâu đời với nhau, đằng nầy...
Không chờ ông Chín giục, Tư Nhậu bưng ly rượu đầy nhóc lên uống một cái ót. Y nhìn đăm đăm xuống đáy ly, ho lên một tiếng rồi hỏi:
-Anh Chín đong rượu của ai vậy ?
Ông Chín đáp:
-Của thằng Sáu mặt mụn chớ còn ai vô đây nữa .
Nhìn gương mặt nhăn nhó của Tư Nhậu, ổng gặng:
-Sao vậy ? Có chuyện gì hông ?
Tư Nhậu trề môi:
-Cay quá !
Ông Chín phật ý:
-Tao đâu thấy cay co gì ! Chú có bị tưa lưỡi hông ?
Rồi quay sang ông Hai ổng hỏi :
-Bây uống có nghe cay hông Hai ?
Hai Rác chưa kịp trả lời đã bị Tư Nhậu chặn họng:
-Cái thằng nầy có biết uống rượu đâu mà anh hỏi .
Ông Chín nghe Tư Nhậu nói vậy thì sợ ông Hai giận, ổng nói:
-Chưa chắc ! Người ta ít uống đâu phải không biết uống, tại hổng thích mà thôi !
Tư Nhậu bắt bẻ:
-Người ta không thích thì tại sao mình phải ép. Bộ anh không biết cái câu "rượu bất khả ép" hay sao?
Ông Chín thấy không khí hơi găng, muốn xoa dịu nên cầm cái chai lên rót đầy ly cho Tư Nhậu, chêm thêm cho đầy cái ly còn phân nửa của Hai Rác rồi nói:
- "Rượu bất khả ép mà ép bất khả từ ". Cụng ly một cái coi nào ! Vô trăm phần trăm nghe !
Tư Nhậu dốc hết ly rượu vô miệng rồi nhìn Hai Rác một cách thách thức. Ông Hai không biết vì nể mặt ông Chín hay chấp nhận sự thách thức đó, mà cũng làm một cái ót hết ráo ly rượu.
Ông Chín vỗ bàn tay lên lưng ông Hai rồi khen:
-Giỏi! Bây lính mới mà uống như vậy là "trình độ" lắm !
Tư Nhậu nghe ông Chín tâng bốc Hai Rác thì càng thêm ghét. Thấy ông Hai múc cháo cho vô miệng cặm cụi nhai liên tục thì nói kháy:
-Thằng nầy văn võ song toàn à nghen ! Uống dữ mà ăn còn tợn gấp đôi !
Ông Hai thấy Tư Nhậu cứ đeo theo công kích mình hoài nên vừa buồn, vừa bực. Ông không thèm trả lời, cứ tà tà múc cháo đưa lên miệng rồi tà tà nhai, tà tà nuốt.
Sự im lặng của Hai Rác làm Tư Nhậu cảm thấy mất mặt với ông Chín, y nói :
-Cháo ngon lắm hả mậy ? Sao cứ cắm đầu ăn mà không khen tiếng nào hết vậy ?
Hai Rác nhìn thẳng vào mắt Tư Nhậu rồi hỏi:
-Anh muốn cái gì ?
Tư Nhậu đáp, không cười
-Muốn uống thi với mầy đó ! Dám hông?
Hai Rác gật đầu rồi nói:
-Với một điều kiện.
Tư Nhậu hỏi:
-Điều kiện gì ?
Hai Rác gằn từng tiếng:
-Làm thinh mà uống !
Tư Nhậu vỗ tay lên đùi một cái chách rồi nói:
-Ô kê con gà đen.
Ông Chín lật đật can:
-Thôi, thôi ! Uống sương sương đặng về ngủ cho ngon, đừng có...
Tư Nhậu gạt phắt một cách hằn học :
-Anh mà cản là tui nói là anh sợ hao rượu, tốn mồi đó nghe !
Rồi Tư Nhậu nhìn chai rượu. Ông Chín biết ý nên gọi to:
-Út ơi ! Út.
Thằng Út từ nhà sau chạy ra hỏi:
-Ba kêu con hả ?
Ông Chín đáp :
-Ừ !
Ổng vói tay kéo cái đầu của thằng Út xuống, sao cho cái lỗ tai của nó kề sát miệng mình rồi nói nhỏ xíu:
-Con ra quán thằng Sáu mặt mụn, biểu nó cho mượn cái chai, đong cho ba nửa lít rượu. Nói với nó là chịu khó ghi sổ giùm ba, ngày mai nhứt định ba ghé trả.
Út vỗ tay lên cái túi áo trước ngực, nói:
-Khỏi đi ba, con có tiền nè !
Ông Chín gật đầu:
-Tốt, đi liền đi !
Ông Hai nghe vậy thì cản:
-Bác Chín đừng mua, con uống chừng nầy là đủ rồi !
Tư Nhậu nói:
-Mầy đủ chớ với tao là chưa thấm tháp gì hết !
Hai Rác nhìn Tư Nhậu rồi hỏi:
-Tại sao anh muốn nhậu thi với một người không biết uống rượu như tui ? Chưa biết ra sao nhưng cho dù có thắng cũng đâu có vẻ vang gì.
Tư Nhậu đáp:
-Tại tao không ưa mầy !
Hai rác gằn mạnh từng tiếng :
-Tui làm cái gì mà anh ghét ?
Tư Nhậu làm thinh. Thật ra trước đây y đâu thèm để ý đến Hai Rác. Họ như hai hành tinh không cùng quỹ đạo, chưa hề đụng chạm đến nhau.
Đối với Tư Nhậu cái hạng người mà y ghét nhứt là những người không biết uống rượu nhưng hết sức thành đạt. Tại sao ? Ấy bởi vì mỗi lần gây lộn với vợ y đều bị bả nêu tên mấy người đó ra để so sánh, để dè bỉu y:
- "Thấy nhà ông Tư thợ may hông ? Nhờ không uống rượu, nói đâu ra đó nên con cái nó phục. Con người ta học hành đàng hoàng, cầm viết ký tên rồi lãnh tiền cả xấp, đâu có như mấy thằng con cà nhỏng của ông ".
Rồi thì liệt kê thêm hàng loạt nào là Năm thợ điện, Út cạo heo...Ngay cả thằng cha Mười thọt bán vé số, người ngợm thấy mà gớm vậy mà nhờ có thằng con vừa đậu vô cái trường gì đó, cũng được bả cho leo lên vai ông mà ngồi.
Hai rác không nằm trong số đó. Bởi y tuy không uống rượu nhưng cũng chẳng thành đạt tí ti nào.
Tư Nhậu đáp:
-Ghét là ghét không có lý do gì hết !
Rồi lầm bầm như nói một mình :
-Cái thứ vớt rác mà bày đặt...
Hai Rác cười gằn:
-Anh có tư cách gì mà xem thường cái nghề của tui ? Nó có ích hơn cái thứ nghề tối ngày rình mò... Coi ai có động ly, động chén là nhào tới kiếm ăn.
Tư Nhậu sấn sổ:
-Mầy nói ai nhào tới kiếm ăn ?
Ông Chín lật đật can:
-Thôi, hai thằng bây vô duyên hết sức ! Nhậu cho vui mà khi không ...
Tư Nhậu nói:
-Anh thấy đó ! Nó kiếm chuyện với tui...
Ông Chín nạt ngang:
-Có mầy kiếm chuyện với nó thì có ! Mầy giận cá chém thớt ! Nhậu ở nhà tao mà mầy làm như vầy là không coi tao ra gì, muốn dằn mặt tao phải hông ?
Tư Nhậu thấy ông Chín giận thì lật đật xuống nước:
-Em xin lỗi anh Chín, em nào có dám dằn mặt anh. Chỉ tại...
Nói tới đó y ta bí, chẳng biết làm gì bèn cầm chai rượu lên rót đầy hai cái ly của y và của Hai Rác rồi nói:
-Vô đi mầy !
Ông Hai không đợi giục thêm, bưng ly rượu lên uống cạn.
Từng ngụm rượu trôi xuống đẩy nỗi buồn từ đáy lòng ông trào ngược. Ông bỗng nghe vô cùng ân hận, nghe có lỗi với ba, má, mấy đứa em và nhứt là đối với Thủy, cô bạn gái của mình.

Tối đó, cô Tám đang ngủ bỗng nghe một giọng nói như rên rỉ, hết sức thống khổ của ông Hai bên kia vách :
-Thủy ơi ! Anh xin lỗi em ! Anh đã giết chết giấc mơ của em, giết chết tương lai và quá khứ của hai đứa mình. Anh làm cho em phải xấu hổ khi nghe ai nhắc đến tên anh. Chắc em lợm giọng khi nhớ đến những cái hôn của anh. Chắc em cho rằng anh cố chọn cái nghề nầy để trả thù em. Không phải vậy đâu ! Không phải vậy đâu ! Lúc nào anh cũng thương và nhớ em cho dù em đã hơn một lần dứt áo ra đi. Nhưng cái tình anh dành cho em không lớn bằng cái tình anh dành cho sông. Anh đau lòng biết bao khi thấy những con sông bị rác xâm chiếm càng ngày càng nhiều. Anh muốn ngăn chặn cho dù biết rằng sẽ bị nó cuốn đi và nhận chìm trong nay mai. Đến bây giờ anh mới nhận ra rằng, điều ác cho dù lớn cách mấy cũng rất dễ làm còn điều thiện thì ngược lại...
Một tiếng nôn khan khiến câu nói ngắt quảng, tiếng rên rỉ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Câu tâm sự dành cho một người phụ nữ khác lại khiến cho cô Tám ràn rụa nước mắt. Tiếng muỗi vo ve khiến cổ đâm lo. Cô Tám nhìn qua kẻ vách, nhà ông Hai không thắp đèn, tối hù nên không biết ổng có giăng mùng hay chưa. Cổ đẩy tấm ván lên rồi thò tay qua quơ, bàn tay cổ chỉ chạm vào không khí.
Cô Tám gọi nhỏ :
-Dậy giăng mùng đi anh Hai, muỗi hút hết máu bây giờ.
Chẳng nghe ừ hử gì hết ! Cô Tám lập lại hai, rồi ba lần, rồi bốn lần...Tiếng vo ve ngày càng nhiều. Cô Tám không chịu nổi nữa, tháo sợi dây chì ràng rịt cái chốt của cánh cửa sổ có từ trước, mà khi ông Hai cất nhà và xin xài ké vách cô đã bế lại, cột chắc cứng để đề phòng.
Không cần thu người cô Tám cũng chui lọt tót qua cái cửa khá rộng. Cô mò mẫm trong bóng tối, thả cái mùng được vắt gọn trên đầu xuống. Tấn cho mí mùng nằm dưới mép chiếu xong, cô Tám cong người định kéo ông Hai vào giữa chiếc chiếu. Ổng coi ốm vậy mà nặng ì ! Cô Tám cúi sát người, ráng gồng mình nâng hai cái vai vạm vỡ. Hai trái ngực của cô trĩu xuống, quẹt vào cả mắt lẫn mũi lẫn miệng của ông Hai. Cổ vừa kéo vừa lôi, hì hục mãi mới xong. Chưa kịp bỏ tay ra thì một vòng ôm đã giữ chặt cô Tám lại, giọng nói như mớ ngủ của ông Hai vang lên, nhẹ như hơi thở:
-Đừng bỏ anh ! Đừng về bên đó nữa !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 13
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 10 2017, 22:50
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cô Tám rúng động toàn thân, vậy là ông Hai vẫn tỉnh và đã nhận ra sự hiện diện của cô. Nhớ đến sự đụng chạm giữa hai người, cô Tám mắc cỡ cứng mình.
Phản ứng đầu tiên của cô Tám là chỉ muốn bỏ chạy. May mà bóng tối giúp cổ trấn tỉnh lại. Cổ nghe giận mình nên quyết định trừng phạt ông Hai. Cô Tám bèn xòe năm ngón tay, dùng hết sức bình sinh, đập đại vô mình ổng một cái thiệt mạnh. May mắn làm sao nó chỉ trúng lên bụng.
Cổ trách:
-Đồ quỷ, vậy mà nãy giờ nằm im ru làm người ta lôi gần chết.
Vòng ôm chợt lỏng ra, hai cánh tay đang vòng ngang lưng cô Tám bỗng rơi xuống chiếu.
Cô Tám tưởng ông Hai quá đau nên giận, cổ hối hận tràn trề rồi không leo về nhà mà nằm xuống bên cạnh ổng. Cái mùng hơi hẹp nên cổ phải ép sát vô để không bị muỗi chích. Hai cánh tay, hai cái chân của họ dính vào nhau. Ông Hai chắc còn giận nên vẫn nằm im ru không nhúc nhích.
Cô Tám nhớ ra ông Hai là người kín đáo. Từ trước tới nay chưa từng có lời lẽ hay cử chỉ cợt nhã. Cho dù lớn tuổi hơn nhưng chẳng bao giờ xưng anh và gọi cổ bằng em, chỉ "cô cô", "tui tui" khi nói chuyện (điều nầy cũng rất hiếm hoi) và chẳng bao giờ nhìn lén qua kẽ vách .
Vậy mà bây giờ xưng anh còn năn nỉ cổ ở lại, thật là không thể tin nổi !
Cô Tám suy diễn xa hơn, cho rằng ông Hai muốn mượn rượu để tỏ tình đặng rủi có bị cổ từ chối thì đổ thừa là tại rượu xúi, cho đỡ mất mặt.
Cổ chép miệng nghĩ thầm :
-"Ổng sợ cũng đúng thôi vì bấy lâu nay, mình toàn là bật đèn đỏ, nói chuyện với ổng bằng cái giọng "dùi đục chấm nước mắm " không hà ! Cái đánh vừa rồi của mình chắc khiến ổng cho rằng mình từ chối nên đập thẳng tay, chắc hết hồn nên chẳng dám cục cựa".
Vì nghĩ vậy nên cổ càng hối hận tràn trề, bèn bậm gan dấn thêm một bước là nghiêng người, lòn một cánh tay xuống sát chiếu mà ôm lấy ông Hai.
Kề miệng vào sát lỗ tai ổng, cô Tám nói:
-Xin lỗi nghe, tui đánh giỡn nào dè quá mạnh tay nên anh hiểu lầm. Tay chưn tui cứng đơ hà, quen làm việc nặng nhọc, cầm dao chẻ củi mỗi ngày nên nó đâu có dịu nhĩu như người ta ! Chắc là anh đau lắm phải hông ? Thôi đừng có giận nữa nghen !
Ông Hai không đáp.
Cô Tám nói thêm:
-Sẵn đây tui mới nói, tui để ý tới anh lâu lắm rồi ! Tui sợ anh hổng ưa nên đâu dám nói ra. Tại tánh tui không có nói ngọt được, cái giọng xắm xỏn quen rồi ! Cũng bởi vậy mà hồi trước cứ bị ba con Gọn đánh hoài hà ! Anh có thương tui thì thông cảm, đừng để bụng...
Nói tới đó cổ ngưng ngang vì nghe tiếng "kho...kho...kho...ò...ò...ò..." đáp lại.
Cô Tám quá hụt hẩng bèn ngồi phắt dậy, chui qua cửa về nhà rồi gài chặt lại y như cũ.
Thế rồi không hiểu vì sao, độ một giờ sau cổ bỗng quay trở lại...
Đến trưa ông Hai mới tỉnh giấc. Đây là lần đầu tiên uống rượu nhiều như vậy nên ổng say bí tỉ, cơ thể chưa kịp thích nghi nên phản ứng rất ư dữ dội ! Ổng nghe bụng cồn cào, miệng khô khốc, đắng nghét, đầu lừng khừng như có một đám ong đang cự lộn ở trỏng. Kế đó là cái cảm giác chơi vơi bởi chưa xác định được thời gian, nơi chốn.
Ông Hai mở banh hai mắt ra rồi cố nhớ lại từng chi tiết theo thứ tự. Ổng nhớ mình đã được thằng Út cặp nách đưa về, nhớ mình đã đóng cửa, gài lại hẳn hoi. Riêng cái chuyện bỏ mùng và tấn lại đàng hoàng thì hoàn toàn không nhớ. Ổng lấy làm ngạc nhiên một cách thích thú. Tự khen rằng cái nếp sống ngăn nắp đã ăn sâu vào xương máu, nên cho dù say đến mất ý thức, tiềm thức vẫn thay mặt điều hành. Chính nó đã đưa ra mệnh lệnh cho cái đầu điều khiển tay chân, thực hiện những công việc thường ngày một cách điều độ, chính xác.
Giấc mơ trong cơn say còn để lại trong đầu ông Hai một mớ hình ảnh lộn xộn. Ổng nhớ dường như mình đã đi đến một nơi nào xa lắm ( cũng không hẳn đi, phải gọi là thăng mới đúng). Ông đã gặp Thủy, đã bộc bạch rất nhiều, đã được nàng tha thứ và hình như họ đã yêu nhau....
Ông Hai nhắm mắt lại, cố sắp xếp những hình ảnh đó theo thứ tự, muốn tận hưởng thêm một lần nữa cái cảm giác thăng hoa, muốn cảm nhận một lần nữa sự tiếp xúc của hai cơ thể... Thế nhưng ông càng cố gắng thì chúng càng lộn xộn và mờ nhạt hơn, cuối cùng thì mất hẳn. Ổng chợt nghe buồn đến quặn ruột.
Bên vách kia ông Chín hãy còn nằm nướng.
Ổng nghe tiếng ông Hai trở mình nên hỏi vọng qua:
-Bây dậy chưa Hai ?
Ông Hai đáp:
-Con dậy rồi bác !
Ông Chín hỏi tiếp:
-Hồi tối có biết nhớ mà bỏ cái mùng xuống hông hay là bị muỗi thui đỏ lòm cái mình rồi !
Ông Hai cười, đáp:
-Con say nhưng chưa đến đổi, còn nhớ buông mùng nên không bị muỗi chích một nốt nào .
Ông Chín thở dài:
-Bây không vợ vậy mà sướng ! Tao bị bả lôi ra khỏi mùng, mấy con mũi nó cắn nát bấy cái mặt...
Bà Chín cự lại:
-Ông nói như vậy mà nghe được hả ?
Ông Chín đáp:
-Được chớ sao không, đâu bà dòm cái mặt tui coi !
Bà Chín nạt :
-Ai biểu chui đầu ra ngoài làm chi ? Tui thức canh suốt đêm, hổng biết mang ơn mà còn cằn nhằn.
Bả ngừng lại, phun nước miếng một cái phẹt rồi chì chiết tiếp :
-Người gì đâu mà cái nết ngủ xấu hoắc ! Cứ hở hở là tốc mền, tốc mùng. Tui mới ngủ quên có một lát là ông tốc mùng đưa cái mặt ra. Cũng may tui kéo vô liền mới còn coi được như vậy đó ! Không thôi bây giờ chắc ba phần giống người, mười phần giống quỷ rồi !
Chưa hả dạ, bà nói tiếp:
-Mai mốt có say tui bỏ cho chết luôn !
Ông Chín cười hề hề, vói tay vỗ lên mông vợ một cái.
Giọng bà Chín dịu lại :
-Thôi ! Ngồi dậy rửa mặt rồi húp chén cháo...
Ông Chín rên:
-Ăn cháo nữa sao trời !
Bà Chín nạt ngang:
-Ăn cháo đậu xanh với đường cho nó giả rượu với mát bao tử.
Rồi bà quay mặt vô vách để tiếng nói vọng sang nhà ông Hai:
-Bác nấu nhiều lắm ! Qua ăn với ổng cho vui đi Hai !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 14
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 10 2017, 19:28
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai liếc nhìn chỗ tấm ván, cái nơi mà thỉnh thoảng cô Tám đặt gói xôi vào, thấy trống lổng, ông hơi ngần ngừ nhưng vẫn đáp:
-Cám ơn bác, con có đồ ăn rồi !
Ông Chín ghẹo:
-Ăn xôi phải hông ?
Ông Hai biết cho dù mình có nói thiệt, ông Chín cũng đâu có tin nên đáp thí mạng cùi:
-Dạ.
Bà Chín nói:
-Đừng lo, xôi có chỗ của xôi, cháo có chỗ của cháo.
Một lát sau đã nghe tiếng bà ở ngay trước cửa:
-Hai ơi ! Ra mở cửa bưng tô cháo đem vô.
Ông Hai còn chưa muốn ngồi dậy, nhưng đành phải nghe theo.
Cái tô nhựa to đựng đầy nhóc cháo. Bà Chín đưa cho ông rồi hỏi:
-Bên nầy có đường cát hông ?
Ông Hai nói:
-Dạ có !
Bà Chín đã treo sẵn cái gói đường cát trắng, đựng trong cái túi ni lông nhỏ xíu có cột sợi dây thun màu đỏ tòn teng trên ngón tay cái .
Bà đưa nó luôn cho ông Hai rồi nói:
-Bỏ thêm vô cho ngọt !
Mùi cháo đậu xanh thơm ngát khiến ông Hai nghe bụng cồn cào. Ông đỡ tô cháo bằng cả hai tay. Sự ân cần, chu đáo của bà Chín khiến ông xúc động tận đáy lòng.
Giọng ông như người bị nghẹt mũi:
-Con cám ơn bác !
Bà Chín nhìn ông rồi hỏi:
-Cái giọng nói của bây sao nghe giống bị cảm quá vậy ! Có sao hông ?
Ông Hai lắc đầu:
-Dạ con không có sao ! Bác Chín đừng lo !
Bà Chín nói:
-Ở có một mình, có bị cái gì thì la lên đặng tao biết mà qua cạo gió cho bây ! Không có cái gì tốt cho bằng cạo gió. Bây có thấy ông Ba Mập hông ? Bị trúng gió méo xẹo cái miệng, vợ con ổng làm biếng không chịu cạo, chở vô nhà thương, để lâu quá gió lậm, bởi vậy bây giờ ổng bị liệt một tay, một chưn.
Ông Hai rất muốn "dạ" rồi bưng tô cháo vô, nhưng lương tâm không cho phép. Ông biết trường hợp của ông Ba Mập là "lên tăng xông", nếu đè cạo gió chắc còn tệ hơn nữa. Ông sợ mình không giải thích, mai mốt rủi ông Chín rơi vào trường hợp đó, bị bà đè cạo gió hoài chắc chết.
Ông tằng hắng lấy giọng rồi nói:
-Hổng phải đâu bác Chín ơi ! Ông Ba Mập bị cao huyết áp. Cái bịnh đó phải cấp tốc chở tới bệnh viện liền, càng cạo gió càng nặng, càng dễ chết đó bác !
Bà Chín bán tín bán nghi:
-Sao kỳ vậy ?
Ông Hai giải thích:
-Nó không phải tại gió, mà tại áp suất trong mạch máu căng quá nên cái gân bị đứt luôn!
Bà Chín hỏi lại:
-Mấy lúc sau nầy nghe thiên hạ nói tới cái bịnh "đứt gân máu"hoài, phải nó đó hông ? Cái gân máu nằm trong thịt của mình, đâu ai đụng tới được, tại làm sao mà đứt ?
Ông Hai cố moi óc ra để tìm cách giải thích hết sức cụ thể cho bà Chín hiểu.
Ông hỏi:
-Bác xài ké nước nhà ông Ba Đực phải hông?
Bà Chín gật đầu:
-Ừ ! Nhà ổng có gắn đồng hồ nước. Ổng làm cái nghề cho người ta chuyền nước về xài. Khắp xóm nầy trừ nhà bây, nhà Tám Gói ra ai cũng xài nước của ổng. À, với nhà bà Ba Tứ Sắc nữa, tại hôm trước bả đóng tiền trễ, họ gây lộn dữ dội rồi ổng cắt cái ống...
Ông Hai chụp lấy ba chữ "cắt cái ống" liền:
-Bác cũng có sắm cái ống ni lông nhỏ xíu mà bác hay bắc từ nhà ông Ba Đực qua nhà bác để chuyền nước có đúng không ?
Bà Chín lắc đầu:
-Cái ống đó không phải của bác đâu ! Của ổng đó, hể bác kêu nước thì ổng..
Ông Hai gật đầu lẹ lẹ, rồi hỏi:
-Bác có thấy khúc cái ống chạy ngang qua đường, ổng có kèm hai cây tầm vông hai bên nó hông ?
Bà Chín gật đầu, nói:
-Không kèm là mấy chiếc xe chạy cấn là nó bung liền.
Ông Hai nói:
-Đó, đó ! Cái bịnh "dứt gân máu" cũng y chang. Cái mạch máu lúc căng cũng giống như cái ống đầy nước, đồng xu cũng như bánh xe vậy đó ! Bác đè mạnh là nó bễ liền.
Bà Chín hỏi thêm:
-Sao bác lại thăm nghe bà vợ kể tay chưn ổng lạnh ngắt, cái miệng méo xẹo giống y...
Lần nầy thì ông Hai lắc đầu lẹ lẹ, ngăn bà lại để giải thích :
-Coi giống nhưng không phải. Cái bịnh nầy bây giờ thiên hạ mắc nhiều lắm ! Nhứt là từ bốn chục tuổi trở lên. Mấy người hay uống rượu, hay hút thuốc còn dễ bị hơn nữa.
Bà Chín hết hồn:
-Vậy sao ? Ông Chín bên nhà bác, cái món nào ổng cũng dính hết, ba thứ bây kể : Tuổi cao, hút thuốc, uống rượu...Ổng gom đủ bộ.
Bà Chín bỗng lo ngang xương, bà nói:
-May mà bây cắt nghĩa cho bác, hông thôi...
Rồi bà quày quả quay lưng. Ông Hai nghĩ thầm:
-Vậy là bà Chín có thêm một lý do để cấm ông chồng của mình uống rượu nữa rồi.
Ổng đoán không sai, bà Chín vừa về tới nhà là "quạt" chồng liền:
-Ông uống rượu, hút thuốc cho dữ đi nghen ! Không bỏ là mai mốt đứt gân máu rồi nằm một chỗ như thằng cha ba Mập đó, biết hông? May mà thằng Hai nó cắt nghĩa, hông thôi tui không biết đè cạo gió là chết oan mạng. Bắt đầu từ hôm nay, tui cấm tiệt cái vụ uống rượu, hút thuốc, không nghe lời là tui bỏ cho chết luôn. Ông mà có chết tui cũng không thèm dòm mặt đâu !
Khi không mà bị vợ rầy như xối nước làm ông Chín nổi giận.
Ông chỏ miệng qua vách quát to, giọng quạu đeo:
-Bây nói cái gì mà bả cự tao quá xá vậy Hai ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 15
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 10 2017, 20:19
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nghe cái giọng sặc mùi "sân si" của ông Chín, ông Hai đâm lo nên im ru không dám đáp.
Ông Hai để tô cháo xuống ván rồi bước lại định đóng cửa. Không phải vì sợ ông Chín xông qua kiếm chuyện, tại ổng đang đói định nên xơi nó liền.
Ông Hai có cái tánh là không thích bị nhìn khi ăn, khi ngủ, khi làm lụng... Cho nên dù có ở nhà cũng bế cửa trước, chỉ mở cái cửa sau mà thôi ! Ổng vừa đặt tay lên cánh cửa thì một chiếc xe Hon đa trờ tới, thắng lại... Vì nhà ông Hai cặp sát mí đường nên chiếc xe đứng sửng ngay trước mặt.
Một tiếng gọi sửng sốt:
-Hùng !
Ông Hai nghe gọi đúng tên, bèn ngước mắt lên nhìn.
Người đàn ông mặc áo sơ mi tay dài màu xám nhạt, vạt áo nhét cẩn thận vào bên trong cái lưng quần tây đen nên trông rất ư tươm tất.
Ông ta khá diện ! Đeo một sợi dây nịch có cái khóa xi vàng bóng ngời, nó hình như đồng bộ với hai cái núc măng sét ở tay áo, đầu đội cái mũ bảo hiểm trông khá nặng.
Ổng lột nón ra, nhìn ông Hai, cười toe rồi hỏi :
-Phải anh là Trần văn Hùng, cựu học sinh trường luật niên khóa 71 không ?
Nụ cười thân thiện ấy trông rất quen, nhưng nhất thời ông Hai không thể nhớ tên. Ổng gật đầu xác nhận, nhìn ông khách như xin lỗi rồi ấp úng:
-Phải, còn anh là...
Ông khách lột cặp kiến đen đang đeo trên mắt ra, hỏi tiếp:
-Bộ mầy không nhận ra tao hay sao ?
Ông Hai bật ra một tiếng kêu mừng rỡ:
-Tiến ! Tiến "túng tiền".
Ông Tiến lật đật bước xuống xe. Ổng đẩy cái chống xuống, dựng chiếc Dream Thái mới cáu sát cửa, bước tới ôm vai ông Hai rồi đấm vào lưng bồm bộp.
Ông Hai muốn mời ông Tiến vô nhà ngồi, nhưng e ngại nên cứ đứng im ru. Xem ra có mời cũng không biết đặt khách vào đâu ? Chiếc chiếu trải giữa nhà đã bị cái mùng còn buông chiếm hết chỗ. Mấy tấm ván sàn tuy sạch nhưng quá sần sùi, sợ làm hư cái quần tây rất đắc tiền của bạn.
Ổng lúng túng hỏi:
-Mầy có việc gì mà đi vô xóm nầy ?
Ông Tiến thở hắt ra:
-Đi kiếm mầy chớ còn việc gì nữa !
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy biết tao ở đây ?
Ông Tiến ngập ngừng:
-Con Thủy nó chỉ ?
Ông Hai bỗng nghe mấy cái máy bơm trong ngực đều chết đứng cùng một lúc. Chẳng những tim ngừng bóp mà hai lá phổi hình như cũng hết phập phồng.
Chờ chúng hoạt động bình thường trở lại, ông mới hỏi:
-Thủy về rồi sao ?
Ông Tiến lắc đầu, móc túi đưa cho ông Hai một cái thơ đã khui, bì thơ còn mang mấy con tem, có hình tượng nữ thần tự do, tay cầm cây đuốc !
Ông Hai hấp tấp cầm, thấy tên người nhận là "Nguyễn văn Tiến" bèn trả lại, nói:
-Thơ của mầy, đưa tao coi làm chi ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Mầy coi đi, đặng biết mầy có tội với "người ta" tới cỡ nào !
Ông Hai mở bao thơ, lấy ra tờ giấy trắng to dày, có những đường kẽ song song nằm ngang màu xanh, chi chít chữ là chữ ra đọc.
Ổng nhận ra cái nét chữ hơi nghiêng quen thuộc, với những chữ "h" lêu nghêu, chữ "g" cẳng dài thòn...Dấu ấn của những người mơ mộng !
Cái thơ rất dài bởi Thủy trút ra đó tất cả nỗi lòng của mình. Nó rất buồn nên cô xài quá nhiều dấu chấm than, khiến giống một tờ điếu văn hơn!
Đọc xong, ông Hai lại đọc thêm một lần nữa. Ổng cẩn thận xếp lại cho đúng thứ tự từng đường gấp, bỏ vào bao trở lại rồi đưa trả cho ông Tiến.
Ông Tiến nhìn đăm đăm vào gương mặt của ông Hai. Nhận ra nó trơ trụi, giống y như tấm bảng được chùi sạch bách thì không giấu được sự thất vọng.
Ổng hỏi:
-Mầy nghĩ sao ?
Ông Hai cười buồn:
-Mầy nhắn với Thủy là tao không hề oán giận gì hết. Tao cũng không nghĩ là mình đang tự đày đọa bản thân. Thủy đừng nghĩ vậy rồi phiền lòng, ray rức .
Ông Tiến năn nỉ:
-Mầy cho tao vô nhà ngồi nói chuyện một chút có được không ?
Con kinh đang ròng sát đáy, mùi bùn sực nức, ông Hai nghe quen rồi mà còn nhận ra. Sợ bạn mình lần đầu tiếp xúc chắc không thể chịu nổi.
Ổng bèn rủ:
-Mình ra ngoài, kiếm chỗ ngồi uống cà phê đi !
Ông Tiến mừng húm:
-Ừ! Mầy có cần thay đồ hông?
Ông Hai gật đầu:
-Thay chớ ! Mầy đừng buồn nếu tao đóng cửa nghe !
Thấy ông Tiến ngơ ngác, ổng giải thích
-Hồi tối tao nhậu, sáng nay dậy trễ chưa kịp làm gì là mầy tới. Nhà tao trống lổng bởi vậy mỗi lần thay đồ, tắm hay làm thứ gì đặc biệt tao cũng đều đóng cửa.
Ông Tiến gật đầu, nói :
-Mầy cứ tự nhiên, tao chạy ra ngoài nầy một chút rồi quay về liền.
Nói rồi ông thót lên xe, gạt chống, đề máy, rồ ga... Chạy một cái vèo xa lắc !
Ông Chín hỏi vọng qua:
-Ai vậy Hai ?
Ông Hai đáp :
-Bạn của con đó bác !
Ông Chín gặng :
-Bạn gì ?
Ông Hai đáp :
-Dạ bạn đồng hương, cũng là đồng môn.
Ông Chín hỏi tiếp:
-Đồng hương thì tao biết, còn đồng môn là đồng cái giống gì ?
Ông Hai cắt nghĩa:
-Là học chung trường.
Ông Chín chưa chịu buông:
-Học chung lâu không ?
Ông Hai đáp:
-Lâu lắm bác ơi ! Mười mấy năm, từ trường làng cho tới xuống Sài gòn học đại học .
Ông Chín ngạc nhiên:
-Bây học tới đại học lận sao ?
Ông Hai nghe ông Chín nói cái từ "đại học" bằng cái giọng rất ư kính cẩn thì lật đật bổ sung:
-Con học có một, hai năm thôi, rồi trường bị dẹp nên nghĩ luôn tới giờ.
Ông Chín ngạc nhiên:
-Tại sao trường phải dẹp vậy bây?
Câu hỏi hơi khó, hơi rắc rối. Muốn giải thích cho ông Chín hiểu một cách thấu đáo, chắc phải mất cả tiếng, mà cũng chưa chắc ông Chín tường tận.
Ông Hai không có thời giờ, nên trả lời ngắn gọn:
-Con cũng không biết nữa.
Ông Chín vẫn còn thắc mắc nhưng nghe tiếng ông Hai xối nước ào ào, biết ổng đang tắm, có hỏi cũng không nghe nên làm thinh luôn.
Vừa nghe tiếng xe thắng trước cửa là ông Hai bước ra liền. Bộ đồ sắm hôm đi đòi công lý cho Thương vẫn còn mới vì chỉ được mặc mỗi một lần. Hôm nay nó mới có cơ hội trình làng thêm lần nữa, chắc mang ơn ông Tiến hổng biết để đâu cho hết. Đôi giày tây được phủi đi lớp bụi mỏng, vẫn còn đen, còn bóng. Mái tóc được vuốt nước cẩn thận nằm rất ngoan, giúp ông Hai mang vẻ chỉnh chu, sang trọng. Khác hẳn ngày thường.
Ông Tiến nhìn ông Hai, tấm tắc:
-Mầy vẫn còn phong độ như ngày nào. Giống con dao còn mới lại bị vùi xuống đất, bây giờ mới moi lên. Nó tuy bị sét nhưng được mài lại vẫn còn sáng trưng, bén ngót.
Ông Chín đang lóng tai nghe lén. Ổng khoái chí hết sức vì câu phê bình có hàm chứa tính hữu ích của cái nghề mài dao mà mình đeo đuổi đến mấy mươi năm. Ông Chín bỗng đâm ra có cảm tình với người khách còn lạ hoắc, bèn chồm người ra ngoài để coi mặt mũi y ra làm sao.
Vừa thấy ông Tiến là ổng trầm trồ thầm:
-Thằng cha nầy đúng là dân trí thức. Coi bộ giàu có à nghen ! Hai rác ngày trước chắc cũng "tầm cỡ" lắm ? Chắc lỡ vận, thất tình mới ra nông nổi nầy!
Ông Tiến nhường cho ông Hai cái nón bảo hiểm mà mình đội ban nãy.
Ông Hai từ chối:
-Để đầu trần cho mát ! Mầy cầm lái đội đúng hơn !
Ông Tiến đưa ra một cái nón mới. Nó treo phía bên kia nên ông Hai không thấy.
Ông Tiến vừa đội lên, vừa nói:
-Tao mới chạy đi mua thêm một cái, thứ nầy rẻ tiền hơn nên...
Ông Hai vẫn chưa chịu cầm. Tánh ổng hồi nào tới giờ không ưa đội nón. Mấy lúc về thăm quê vẫn để đầu trần mà lang thang khắp đồng, khắp xóm.
Ông Tiến năn nỉ:
-Đội vô đi ! Tụi công an nó đang săn bắt mấy người không đội mũ bảo hiểm ráo riết lắm đó ! Ai mà không trùm cái nồi cơm điện nầy lên đầu là bị phạt thẳng tay.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 16
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 10 2017, 22:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai đành đội cái nón lên đầu, nhận ra nó quá chật. Cái đầu ông vốn to, lại thêm mớ tóc dày cui nên nong vô hơi vất vả, cảm giác bị "đè đầu cưỡi cổ" càng tăng.
Ông thở dài, thốt:
-Cái giá của sự phồn vinh !
Ông Tiến hỏi:
-Mầy nói cái gì ?
Ông Hai giải thích:
-Phải đi bộ thì đâu cần đội nón.
Ông Tiến cười:
-Giờ nầy mà tao với mầy đi bộ lang thang, thiên hạ dám cho là hai thằng mình khùng lắm ! Nhìn hai bên lề coi ! Sài Gòn đâu còn cái cảnh người người đi bộ dập dìu như hồi mình mới tới đây đi học.
Ông Hai nhận ra mùa đi bộ đã chấm dứt từ lâu. Trên lề không còn những cô, cậu học trò ôm tập đi sát mái hiên, hoặc lủi vô bóng cây để tránh nắng. May mà thuở đó Sài Gòn còn rất nhiều cây ở hai bên đường. Ông bỗng bùi ngùi, nhớ lại thời thư sinh gian nan, vất vả của mình.
Thuở ấy ông ở trọ nhà người bà con tận Chợ Quán. Những ngày hết tiền, túi chẳng còn xu nào để mua xôi ăn sáng thì nói làm gì tới cái chuyện mua vé ngồi xe buýt.
Sáng sáng ông cuốc bộ đến trường, trưa vô thư viện ngồi học. Đang đói mà nghe, thấy cô gái ngồi đối diện, moi túi xách lấy gói bánh tây ra rồi xé cái bao giấy một cách rón rén. Cho dù cô ta thực hiện các động tác ấy rất nhẹ nhàng và nhai rất khẻ khàng, thế mà cả triệu tế bào hết sức thính tai nằm trong bao tử của ông đều nghe được rồi kêu gào thảm thiết ! Ông phải chui vô toa lét, kề miệng vào vòi nước uống ừng ực để trấn an tụi nó .
Buổi chiều lết bộ về nhà, đi ngang mấy xe mì, ngửi mùi nước lèo thơm ngào ngạt bay ra từ cái thùng bự bành ky mà...Chỉ muốn nhảy vô đó tự tử cho rồi!
Mấy cái quán cơm còn ác hơn. Để dụ khách, họ đặt một cái vỉ than đỏ rực sát đường. Mấy miếng sườn cốt lếch, mấy que sườn non được ướp đủ thứ : Nước mắm, xì dầu, đường, tiêu, hành, tỏi, ớt...Chúng được sắp xếp một cách rất thứ tự lên đó, phơi bày toàn bộ vẻ gợi cảm của mình không chút ngượng ngùng. Cái màu vàng nâu ánh mỡ, cái mùi thơm của miếng thịt hơi quá lửa, cái tiếng "xì xì, xèo xèo " của những giọt mỡ rơi xuống cục than hồng... đã làm ông tan nát cõi lòng. Chúng khiến chân ông "nặng nề", lòng ông "nức nở"... Ông chỉ muốn ngồi thí mạng cùi lên một chiếc ghế, gọi một dĩa cơm với miếng sườn ngon nhất, lớn nhất, ăn cho "bể mỏ" rồi tới đâu thì tới !
Lúc chưa rơi vào lưới tình của Thủy, ông đã ao ước giá mình lọt vào mắt xanh một cô con gái của một bà chủ quán cơm nào đó, rồi được cổ cho ăn chịu thoải mái, đã đời !
Đường phố Sài gòn đã chà xát bao nhiêu cái dạ dày mỏng tanh vì tự tiêu hóa lấy mình ? Đã làm mòn gót, há mỏm mấy đôi giày ba ta ? Rách lai bao nhiêu cái quần ka ki ? Đã làm kiên cường hơn hay bóp nát vụn nghị lực của bao nhiêu tên học trò tỉnh lẻ nhà nghèo như ông rồi ?
Ông thở dài:
-Sài gòn bây giờ xe gắn máy nhiều quá !
Ông Tiến bắt lỗi:
-Mầy ở Sài gòn bấy lâu nay, có đi đâu mà làm như Từ Thức không bằng.
Ông Hai cắt nghĩa:
-Tao suốt ngày ngồi trong xuồng, đi đường thủy không hà. Ít khi ra đường nên...
Ông Tiến cắt ngang bằng một giọng e dè:
-Tao hỏi câu nầy mầy đừng buồn, đừng giận nghe !
Thế rồi ổng bỗng im ru, chắc ngại.
Ông Hai chờ hoài không nghe nên hỏi lại :
-Mầy hỏi cái gì sao không nói ?
Thấy ông Tiến vẫn làm thinh, ông bèn nói:
-Chắc mầy muốn hỏi tại sao tao ở chỗ đó, làm cái nghề đó phải hông ?
Ông Tiến gật đầu:
-Tao biết tánh mầy thích làm việc tốt, thích cho hơn nhận, sống theo lý tưởng...Nhưng thiếu gì cách có ích hơn, thoải mái hơn ! Mắc gì phải...
Ông Hai hỏi:
-Tao đố mầy ba cái món đồ, bất cứ thứ gì: Thân thể, quần áo, chén bát, nhà cửa, kể cả đất đai... bị bẩn. Muốn cho chúng sạch trở lại, mình phải làm sao?
Ông Tiến đáp:
-Phải rửa !
Ông Hai hỏi thêm:
-Rửa bằng gì ?
Ông Tiến đáp:
-Bằng nước !
Ông Hai hỏi tiếp:
-Nếu nước dơ thì lấy cái gì để rửa.
Ông Tiến làm thinh, suy nghĩ rất lâu rồi hỏi lại:
-Theo mầy thì lấy cái gì để rửa ?
Ông Hai đáp:
-Mồ hôi !
Ông Tiến cười:
-Mồ hôi làm sao đủ...
Ông Hai đáp:
-Một người chắc chắn không đủ, nhưng nếu ai cũng đổ mồ hôi thì tao cho là đủ.
Ông Tiến cười phá lên:
-Đâu phải ai cũng nghĩ như mầy, đâu phải ai cũng thích...
Ông Hai đáp bằng giọng hết sức nghiêm trang:
-Mấu chốt là ở chỗ đó ! Người ta không muốn, hoặc có muốn cũng không dám làm.
Ông Tiến hỏi:
-Tại sao không dám !
Ông Hai vừa hỏi, vừa đáp:
-Bộ mầy không hiểu sao ? Họ bị lệ thuộc vào cái thang giá trị của xã hội. Xã hội thúc đẩy, khuyến khích họ càng leo lên thật cao càng tốt. Thế nhưng mỗi một thời kỳ, thứ tự trên đó lại xáo trộn, bị lộn tùng phèo một cái ào hoặc đổi chỗ cho nhau một cách từ từ. Theo mầy bây giờ cái nấc thang thấp nhứt là những người nào ?
Ông Tiến đáp cái rụp:
-Mấy người ăn xin, mấy tên lang thang ăn bám xã hội chớ ai !
Ông Hai hỏi tiếp:
-Thế mầy có biết ai là người hành khất vĩ đại nhứt không ?
Ông Tiến không thèm suy nghĩ, hỏi :
-Ai ?
Ông Hai đáp:
-ĐỨC PHẬT THÍCH CA !
Không chờ ông Tiến bác lại, ổng giải thích :
-Vào thời đó ! Nghề hành khất được mọi người trong xã hội của ngài tôn trọng. Lúc ấy người ta chú trọng hết sức đến sự tự do. Tự do của tâm trí cũng như thân xác. Họ nhận ra rằng con người, chừng nào còn làm nô lệ cho của cải, còn mang tính sở hữu là còn trầm luân, khổ não. Bởi vậy họ vứt bỏ hết, không bám vào bất cứ thứ gì kể cả tình cảm. Đức Phật Thích Ca còn rốt ráo hơn ! Ngài còn không bám vào thân, không chấp nhận sự điều khiển của nó. Ngài đề xướng thuyết "vô ngã" . Ngài đã thành công, buông bỏ tuyệt đối, đạt được sự tự do tuyệt đối, đi đến trạng thái mà ngài gọi là nhập niết bàn !
Ông Tiến phản đối:
-Đem những người hành khất ngày nay ra so sánh với đức Phật là mang tội lớn lắm đó ! Ngài là đấng minh triết, xã thân cho muôn loài. Còn họ thì cho, chỉ tao với mầy thôi, được cái gì ?
Ông Hai nói:
-Họ cho mầy sự mãn nguyện, sự sung sướng vì thấy mình đẹp hơn, cao quý hơn, hạnh phúc hơn người khác. Cái đó không phải là thứ quý báu nhất, hơn tất cả của cải hay sao ?
Ông Tiến làm thinh, ông là người đang thành đạt, ông biết bạn mình nói đúng. Đừng nói gì so sánh mình với những người hành khất, ngay cả với cái người ngồi sau lưng mình thôi ông cũng nhận ra cái cảm giác đó rồi. Tuy thương và thật lòng ái ngại cho bạn nhưng ông vẫn không khỏi hãnh diện ngấm ngầm.
Không muốn dấn sâu vào cái đề tài hóc búa ấy, ông Tiến moi óc tìm một điều gì hay ho để nói.
Chợt thấy một người đàn ông đầu trần, tóc hoe, vác ba lô sau lưng đi trên lề đường phía bên kia. Ông chưa kịp lợi dụng y ta để thay đổi chủ đề, thì ông Hai đã mừng húm, đập tay lên vai ông rồi vừa cười, vừa chỉ ngón tay trỏ về phía người du khách đó, vừa nói:
-Có một người đi bộ kìa !
Ông Tiến giải thích:
-Đó là mấy thằng "tây ba lô" đi du lịch. Từ ngày nhà nước áp dụng chính sách kinh tế thị trường, mở bớt vài cánh cửa, mời nước ngoài đến đầu tư và quảng bá du lịch, du khách tây phương đến nước mình khá đông. Mầy còn nhớ con đường Phạm Ngũ Lão không?
Ông Hai theo thói quen, đáp bằng cách gật đầu. Ổng chợt nhớ mình ngồi sau lưng ông Tiến, gật đầu làm sao bạn thấy nên đáp bổ sung :
-Nhớ, rồi sao ?
Ông Tiến nói :
-Bây giờ nó được gọi là "phố Tây ba lô". Mấy căn nhà ở đó họ biến thành khách sạn mi ni hết ráo ! Đặc biệt, chỉ có dân du lịch tới ở thôi hà !
Ông Tiến nói thêm:
-Tao đoán là trong tương lai, nước mình sẽ "phất" lên nhờ du lịch như Thái Lan vậy đó !
Ông Hai lại gật đầu:
-Ừ ! Nước mình có nhiều cảnh đẹp lắm ! Ba miền có ba sắc thái khác nhau. Sông, núi, biển hồ, đồng bằng... Cảnh gì cũng có. Ẩm thực thì phong phú, người mình lại khoái khách, nhứt là khách tây. Con nít người lớn gì cũng vậy, hể gặp họ là cười hết miệng liền.
Ông Tiến thở dài:
-Có điều đường phố mình còn nhếch nhác quá ! Bởi vậy nhà nước đang cố quét sạch mấy người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường!
Ông Hai bỗng nhớ đến gương mặt nhăn nhó của Tư Nên ngày nào. Nhớ đến cô Tám và hai đứa con đã nhiều lần phải ăn xôi trừ bữa. Cho dù trong những ngày bị đuổi ráo riết, cổ bưng thau xôi đi bán dạo, rồi đem về để trước cửa, năn nỉ mấy đứa con nít trong xóm ăn giùm, bán rẻ rề mà đâu có hết ! Những ngày đó ông thường mua mão rồi đem ra đình bắt ông Năm, em mình, ăn phụ.
Ông thở dài, nói :
-Tội nghiệp bà con xóm tao ! Bấy lâu nay họ ôm con đường mà sống, bây giờ bị đuổi thẳng tay, ai cũng rầu thúi ruột. Tao thấy hể cải cách là dân nghèo chịu thiệt .
Ông Tiến cũng thở dài:
-Cuộc cải cách nào cũng đòi hỏi sự hy sinh. Nhưng hình như cái khoản hy sinh đó thường dân hay lãnh đủ còn...
Ông Hai thêm:
-Đó là cái giới chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhứt : Nghĩa vụ thực hiện đầu tiên, quyền lợi hưởng sau cùng.
Xe dừng lại trước một cái quán không có bảng tên. Những dòng chữ màu xanh, được vẽ bằng cọ trên tường cho biết họ bán cà phê, điểm tâm, cơm bình dân.
Ông Tiến dựng xe ngay trước cửa, ngồi quay mặt ra đường để ngó chừng chiếc xe. Ông Hai ngồi đối diện. Ông Tiến kéo một cái ghế trống lại kế bên mình rồi bảo:
-Mầy qua đây ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại với tao cho vui !
Bên kia đường một căn nhà lầu ba tầng, trang bị cửa kính rất sang trọng. Một tấm bảng rất to choán hết mấy cánh cửa cái, cửa sổ của tầng trên, ghi : "Trung tâm tin học, ngoại ngữ DŨNG TIẾN ".
Ông Hai quay sang nhìn bạn. Ông Tiến gật đầu:
-Nhà của tao đó !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 17
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 10 2017, 20:25
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai buộc miệng:
-Mầy giỏi quá ! Tạo được cơ ngơi như vầy đâu phải là dễ.
Ông Tiến khiêm tốn:
-Tao hên nhiều hơn hay. Căn nhà nầy là của ba má vợ đi Mỹ để lại cho vợ tao. Nhờ anh chị em vợ gửi tiền về cho mượn nên tụi tao mới mở nổi cái trung tâm nầy.
Ông Hai hỏi:
-Được bao nhiêu lớp vậy mậy ?
Ông Tiến đáp:
-Ngoại ngữ ba, tin học một .
Ông Hai vừa định hỏi tiếp, thì ông Tiến đã nhanh miệng hơn:
-Mầy uống cà phê, ăn điểm tâm hay mình ăn cơm trưa luôn ?
Ông Hai còn ngần ngừ chưa kịp đáp thì ông Tiến đã quyết định :
-Thôi ăn trưa luôn đi, giờ nầy mấy món điểm tâm chắc nguội ngắc hết rồi.
Ông Hai hỏi:
-Mầy về tới trước cửa nhà rồi mà không vô ăn cơm với vợ, với con sao ?
Ông Tiến thở dài:
-Tụi tao không có con, vợ tao bận, không nấu cơm trưa được. Hơn nữa, bả ghét chui vô bếp lắm ! Tụi tao ngày ba bữa ăn cơm tiệm không hà !
Sợ ông Hai khoét sâu vào đề tài con cái, ông Tiến nhắc:
-Hồi nãy mầy tính hỏi tao cái gì đó ?
Ông Hai cau mặt ráng nhớ, lát sau vỗ tay lên đùi, cho hai chưn mày trở về vị trí cũ, rồi hỏi:
-Cái trung tâm của mầy dạy mấy thứ tiếng ?
Ông Tiến đáp:
-Tiếng Anh là chủ yếu . Còn tiếng Nhật với tiếng Hoa thì ít người học quá nên tao dẹp rồi.
Ông Hai thắc mắc:
-Như vậy thì gọi trung tâm có đúng hông? Có phóng đại hông?
Ông Tiến cười :
-Mầy có nghe chữ "nổ" chưa ? Bây giờ là thời buổi mà ngành quảng cáo bùng nổ, cho nên ai cũng làm nghề thổi bong bóng hết. Mình làm ăn, không "nổ", không quảng cáo rầm rộ là lỗ, là bị thiên hạ qua mặt vù vù. Tao còn đỡ, chớ nhiều thằng còn nổ "dã man" hơn nhiều.
Ông Hai lại hỏi:
-Như vậy có bị xem là lường gạt thiên hạ hông mậy ?
Ông Tiến cười buồn:
-Ban đầu tao cũng đắn đo, ray rức. Bị qua mặt mấy cú nên phải cắm đầu bơi theo họ thôi. Thời buổi nầy cạnh tranh ráo riết lắm ! Mầy nghe cái câu "thương trường là chiến trường chưa" ? Để thành công người ta bất chấp thủ đoạn, vũ khí càng tối tân, càng có độ hủy diệt cao càng tốt.
Ông Hai thở dài:
-Hình như bây giờ có hai dạng giàu. Một là nhờ tài, hai là nhờ tội.
Ông Tiến bổ xung:
-Còn một dạng thứ ba nữa là vừa tài, vừa tội.
Người phụ nữ trung niên bước tới hỏi ông Tiến:
-Thầy Ba ăn gì ? Cơm dĩa hay cơm phần ?
Ông Tiến quay sang ông Hai :
-Cơm phần cho ngon hén ! Mầy muốn ăn thứ gì thì cứ gọi.
Ông Hai lắc đầu:
-Tao lạc hậu với cái việc ngồi quán, gọi món ăn lắm, tùy mầy thôi !
Ông Tiến quay mặt về phía người phụ nữ, hỏi:
-Bữa nay có canh gì bà chủ ?
Bả đáp một lèo:
-Canh chua cá ngác, canh rau mồng tơi, canh khoai mỡ.
Ông Tiến hỏi tiếp :
-Món mặn, món xào ?
Bả vừa kể vừa bật mấy ngón tay:
-Cá rô kho tộ, tôm đất rim với thịt ba rọi, cá kèo kho tiêu, cá cơm kho giòn. Thịt bò xào, mực xào ...
Ông Tiến ngắt ngang:
-Canh chua, tôm rim, cá kèo kho, cải rỗ xào thịt bò. Bốn món được rồi.
Bà ta lắc đầu:
-Bữa nay không mua được cải rỗ, chỉ có thịt bò xào bó xôi, xào lê nghim, xào khổ qua, xào...
Ông Tiến quyết định một cái rụp:
-Xào bó xôi !
Bả hỏi thêm:
-Thầy uống bia hay...
Ông Tiến không thèm hỏi ý ông Hai, đáp luôn:
-Hai lon Ken.
Bà chủ vừa bỏ đi vừa lập lại thật to những món ông Tiến đã gọi. Cô gái đang xới cơm trong cái nồi cơm điện loại to nhứt, đứng sau quầy thức ăn cứ gật đầu từng chập.
Ông Hai vội vàng phản đối:
-Tao uống trà đá thôi ! Uống bia vô nữa là cái bao tử...
Ông Tiến liền gọi vói theo:
-Không uống bia, cho hai ly trà đá !
Rồi quay lại hỏi:
-Bộ mầy đau bao tử kinh niên hả ?
Ông Hai lắc đầu:
-Lâu lâu uống rượu mới bị.
Ông Tiến rầy:
-Vậy thì uống làm chi !
Ông Hai cười:
-Tại từ chối không được.
Ông Tiến thở dài:
-Phải tập lắc đầu đi, nhứt là những thứ liên quan tới sức khỏe. Tao rút kinh nghiệm từ bản thân mà khuyên. Mầy phải bỏ cái tánh xìu xìu, ểnh ểnh thì mới khá nổi.
Ông Hai nghe rồi bật cười. Ông Tiến hỏi, giọng không vui:
-Bộ tao nói sai hay sao mà mầy cười ?
Ông Hai đáp:
-Mầy nói đúng. Tại tao nhớ mấy câu nầy hình như hồi xưa tao hay nói với mầy thì phải ?
Ông Tiến cười:
-Thì lời vàng, ý ngọc, nên tao mới cất để dành, bây giờ trả lại cho mầy đó !
Bà chủ bưng cái mâm to đựng đầy đủ các món với cả một thau cơm lớn.
Ông Hai quở:
-Mầy kêu làm chi mà nhiều dữ vậy ?
Ông Tiến cười:
-Bây nhiêu mà nhiều sao ? Tao nhớ ngày xưa, bị tụi tao thách, mầy ăn hết vèo cái nồi cơm số ba. Báo hại bữa đó tao với thằng Lương nhịn đói .
Ông Hai cảm động:
-Mầy còn nhớ mấy chuyện đó sao ?
Ông Tiến gật đầu:
-Đó là quảng đời tuy chật vật, thiếu thốn mà vui nhứt của tao đó mầy !
Ông Hai triết lý:
-Hình như nghèo dễ vui hơn giàu hả mậy ?
Ông Tiến ngậm ngùi:
-Chớ còn gì nữa ! Tao nhớ có lần túng tiền, lượm được năm đồng tao mừng quá mạng. Bây giờ mà có kiếm được bạc tỷ chắc tao cũng không mừng bằng.
Ông Hai nhắc:
-Hồi đó mầy lúc nào cũng than túng tiền, than cho tới nổi bị đem hai chữ "Túng tiền" gắn vô tên luôn ! Mà ai đặt cái biệt danh đó cho mầy. Mầy có nhớ không ?
Ông Tiến cười :
-Thì cái thằng Lương "Bất lương" đó chớ ai ! Nói thiệt hồi đó tao giận nó hết biết. Sợ đeo luôn suốt đời, gỡ không ra. Mầy biết không tao ghét cái thằng "nghèo" hơn bất cứ thằng nào. Bởi vậy mà...
Ông Tiến dừng ngang, ông Hai lại chờ, lại hỏi :
-Bởi vậy mà sao ?
Ông Tiến thở dài :
-Tao không dám cưới con Bé Hai .
Ông Hai ngạc nhiên:
-Con Bé Hai nào ?
Ông Tiến hơi ngượng:
-Con nhỏ giúp việc cho bà Mười bán cơm đó !
Ông Hai nhớ ra rồi hỏi liền:
-Phải cô gái ốm nhom, mặt buồn hiu, mắt ngó xuống đó hông?
Ông Tiến gật đầu:
-Nó tốt lắm ! Biết tao nghèo nhứt bọn nên thương. Có lần tao ghé ăn một mình, kêu dĩa cơm với dưa mắm, mỡ hành. Nó đem ra một dĩa cơm bự bành ky đầy nhóc. Tao trộn lên thấy có nguyên một miếng sườn vùi chính giữa. Nó còn làm bộ thối tiền lộn cho tao. Tới bây giờ tao cũng còn thắc mắc, không biết tiền đó là của bà Mười hay nó bỏ tiền túi của mình vô ! Hồi đó tao thương nó thiệt tình, quyết định ra trường có việc làm là cưới...
-Vậy sao mầy...
Hỏi tới đó là ông Hai hối hận nên ngưng liền.
Ông Tiến thở dài:
-Thì cũng tại cái thằng "Nghèo" làm kỳ đà cản mũi.
Kỹ niệm không vui ấy làm cả hai ăn không thấy ngon.
Uống hết ly trà đá ông Tiến rủ:
-Vô nhà tao nghỉ đi, một chút bớt nắng tao chở mầy về.
Ông Hai đáp:
-Ừ !
Ông Tiến ngồi tại chỗ gọi:
-Tính tiền !
Bà chủ chạy đến, nhìn thức ăn còn ê hề bà xịu mặt hỏi:
-Sao bữa nay ăn ít quá vậy thầy Ba ?
Ông Tiến đáp:
-Xin lỗi chị ! Thức ăn ngon lắm, tại gặp lại bạn thân nên mừng quá ăn không nổi.
Bà chủ chắc lưỡi:
-Bỏ uổng quá !
Ông Hai e dè hỏi:
-Bộ ba cái nầy đem đổ bỏ thiệt sao chị ?
Bà chủ hỏi lại một cách phật ý :
-Hổng lẽ tui trút vô nồi, bán lại cho khách ?
Ông Hai lật đật bào chữa :
-Không phải, không phải ! Ý tui là ngon thế nầy ai nỡ đem bỏ. Vây nhờ chị đựng vô bịt để tui đem về nhà ăn, chiều nay khỏi nấu, có được không ?
Rồi ông nói thêm:
-Món nào cũng đặc sắc, bỏ tiếc lắm !
Nét mặt bà chủ tươi rói trở lại.
Bả nhìn ông, tia mắt chứa đầy thiện cảm, cười và đáp:
-Để tui vô hộp cho anh đàng hoàng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 18
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 10 2017, 20:02
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Vừa vô tới nhà, ông Tiến đã giục:
-Mầy đi xối nước, lột bộ đồ ra, mặc xà lỏn thôi cho mát.
Ổng chỉ cho ông Hai cái nhà tắm rồi đỡ liền cái bọc chứa mấy hộp thức ăn trên tay bạn đem vô bếp. Ông Hai không trả lời cứ lót tót đi theo.
Ông Tiến quay lại hỏi:
-Sao hổng tắm liền cho trôi cái nắng, cái bụi...đi theo tao làm chi.
Ông Hai gãi đầu:
-Không tắm có được hông mậy ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Vợ tao không có nhà, bả đi chơi với bạn rồi, mai mới về. Mầy đừng có lo !
Gương mặt ông Hai nhẹ nhỏm liền. Một nỗi bùi ngùi bất chợt dâng lên ngay sau lời giải thích của ông bạn cố tri. Câu nói ấy gợi lại trong ông cả một thời xa lắc.
Ấy bởi vì nghe nó quen thuộc và thân thương quá đỗi ! Bộ không phải ngày xưa họ hay rủ nhau : "Mầy qua nhà tao chơi đi ! Ba má tao đi đồng hết rồi, chiều tối mới về, mầy đừng có lo".
Thuở đó, cái đám con trai loi choi hay bị bạc đãi dữ lắm ! Tụi con gái thì ngược lại. Chúng được gia đình mấy con nhỏ bạn chào đón hết mình, vì có thể quét sân, giặt đồ, rửa chén, tắm heo... phụ bạn. Con trai thì khỏi nói, đi tới đâu là bày binh bố trận tới đó, cho nên ...
Thấy ông Hai đứng im, ông Tiến hiểu lầm nên nói :
-Trong đó có khăn, xà bông tắm, xà bông gội ...không có thiếu thứ gì.
Ông Hai định kể cho ông Tiến nghe về cái cảm xúc chợt đến với mình, nhưng lại làm thinh vì ngại. Ông sợ sự đáp ứng hờ hững của bạn, sẽ làm cho cái điều mà ông trân trọng nhất, trở thành vô duyên. Ông sợ bị ông Tiến chê là mình đa cảm, ẻo lã như đàn bà con gái.
Ông Hai bước vào phòng tắm nhà ông Tiến, bàng hoàng nhận ra đã có một sự thay đổi lớn lao trong nếp sống hiện giờ của bạn.
Phòng tắm lót gạch men trắng tinh. Mấy cái vòi nước bằng inox sáng bóng đến chói mắt. Bồn cầu, la va bô với tấm gương hình chữ nhựt. Hai cái khăn lông, một nhỏ, một lớn đều trắng muốt. Mấy chai dầu chưa mở ra đã nghe thơm, hùa nhau minh họa thêm cho sự thành đạt của chủ nhân.
Ông Hai từ từ treo cái quần, cái áo lên móc. Nhìn chiếc xà lỏn trên người mình, ổng bỗng ngại. Nó sạch, sạch lắm ! Và cho dù ổng đã lựa cái đẹp nhất, mới nhất để mặc vào dịp nầy nhưng trông nó vẫn kém tự tin, vẫn ủ rủ trước vẻ hớn hở, tươi tắn, bóng bẩy của mấy tên kia.
Ổng định chỉ tắm qua quít thôi, nào ngờ mở lầm vòi nước. Vô số tia nước nhỏ từ cái gương sen trên cao phun xuống như mưa, tưới khắp người ông.
Ổng thở dài tự nhủ:
-Thôi kệ, thứ nào cũng xài qua cho biết với người ta.
Khi ông Hai bước ra với nguyên bộ đồ tây trên người ông Tiến cự nhoi:
-Sao không lột hết ra. Nhà chỉ có tao với mầy mà ngại cái gì, ở truồng còn được.
Ổng vừa nói vừa đứng phắt lên cái ghế sô pha, dang hết hai cánh tay ra mà nói:
-Mầy thấy không ? Tao sét xy tới chín chục phần trăm rồi nè !
Rồi hối:
-Cởi ra, cởi ra cho công bằng...
Miệng nói, tay đẩy ông Hai trở vô nhà tắm !
Khi ông Hai bước ra với nét mặt ngại ngùng, ông Tiến mới biết mình đã hết sức vô tâm, hết sức sai lầm...Ổng nghe thương bạn đến nhói lòng.
Mang đến cho ông Hai lon cô ca vừa lấy từ tủ lạnh ra, ông Tiến hỏi:
-Hồi xưa mầy học anh văn tới cái bằng gì rồi ?
Ông Hai đáp:
-Tao chưa kịp thi lấy cái bằng nào hết trọi .
Ông Tiến nói:
-Mầy đọc, nói, nghe, viết...còn thành thạo hông ?
Ông Hai lắc đầu:
-Tao chỉ còn đọc được thôi, còn mấy món kia bỏ lâu quá nên chắc "teo" hết rồi.
Ông Tiến nói:
-"Teo" thì ngâm nước lại cho nó nở ra mấy hồi.
Ông Hai hỏi lại:
-Để làm chi ?
Ông Tiến đáp:
-Để giúp tao chớ chi ?
Rồi ổng tâm sự :
-Tao định chuyển qua ngành địa ốc phụ bà xã. Một mình bả làm không xuễ. Đang định tìm người thế thân, trông nom cái chỗ nầy giùm.
Ông Hai nói:
-Trông nom thì cần gì giỏi nghiệp vụ.
Ông Tiến nói:
-Giáo viên tiếng Anh bây giờ hiếm lắm ! Họ chạy "sô" túi bụi, lâu lâu mệt hết hơi đành phải bỏ lớp nghỉ dưỡng sức. Mấy lúc đó mình phải "điền vào chỗ trống", chớ cho học trò nghỉ ngang là mất uy tín, ảnh hưởng khủng khiếp. Cho nên phải biết chút đỉnh để ra tay cứu nguy kịp lúc chớ !
Ông Hai hỏi:
-Sao tao thấy trên bảng viết là đội ngũ giáo viên tinh nhuệ phong phú ?
Ông Tiến cười:
-Hổng lẽ tao ghi ngược lại ?
Ông Hai hỏi tiếp:
-Tao còn thấy đề có giáo viên bản ngữ ? Bộ mầy dám thuê mấy ông thầy giáo người ngoại quốc hay sao? Họ lãnh lương bằng người mình hay mắc hơn?
Ông Tiến lắc đầu:
-Tiền đâu mà thuê dân chuyên? Đó là mấy thằng tây ba lô, tụi nó kẹt tiền nên phụ giảng một thời gian ngắn rồi đi, chỉ cốt tạo cái mác thôi hà !
Ông Hai lại hỏi:
-Hồi nãy đi ngang mấy cái lớp tao thấy vắng tanh, vắng ngắt, không có tới một người . Tại sao vắng quá vậy ? Học trò đâu? Thầy, cô giáo đâu ?
Ông Tiến giải thích:
-Hôm nay là ngày gì ? Mầy không nhớ hay sao mà biểu tao...
Ông Hai bỗng nghe buồn ngang xương.
Ổng trầm ngâm một chút rồi hỏi :
-Hai mươi mấy năm trước, đúng cái ngày nầy, mầy đang làm gì ?
Ông Tiến cười xua tay:
-Thôi đừng nhắc chuyện cũ nữa mầy. Trả lời giùm tao một câu thôi!
Ông Hai hỏi:
-Câu gì ?
Ông Tiến nhìn bạn, hỏi một cách nghiêm nghị:
-Mầy có chịu tới đây giúp tao hông?
Ông Hai hỏi lại:
-Mầy biết tao làm tốt nhứt cái việc gì hông ?
Rồi trả lời giùm luôn:
-Tao chỉ giỏi vớt rác thôi !
Ông Tiến năn nỉ:
-Mầy vớt hoài mà mấy con kinh có sạch được chút nào đâu? Thay vì vớt rác, mầy vớt giùm mấy thằng học trò của tao còn có ích hơn.
Rồi lắc đầu nói tiếp:
-Tao không hiểu tại làm sao mà cái người văn võ song toàn như mầy lại đi làm cái nghề đó.
Ông hai cười buồn:
-Tao mà văn võ song tón cái giống gì...
Ông Tiến cãi:
-Chớ còn gì nữa! Nếu thời cuộc không thay đổi thì mầy đã làm luật sư, tay ôm cặp táp, ngồi xe hơi láng cón, hoặc cũng làm võ sư rồi! Tụi tao mỗi lần gặp nhau vẫn nhắc tới mầy, tới cái cuộc thi mà mầy biểu diễn cái chiêu tay không đoạt giao đạt giải nhứt năm đó. Đứa nào cũng tưởng với tài sức như vậy chắc mầy đã vượt vũ môn mà bay vèo qua bên tây rồi, nào ngờ...Nếu không nhận được lá thơ của Thủy tao đâu có biết mầy còn mắc kẹt trong cái ao cạn xợt nầy. Mầy đóng vai ngọa long tiên sinh bây nhiêu đó cũng đủ rồi, hôm nay tao xin thỉnh mầy xuất thế để giúp đời, khai sáng cho tụi hậu bối
Ông Hai nhăn mặt:
-Đừng xúi tao làm cái chuyện mà tao không biết. Thà không dạy chớ dạy trật lấc còn báo hại tụi nó. Bộ mầy không biết nhiệt tình cộng dốt bằng phá hoại hay sao ?
Ông Tiến thở dài:
-Nói thiệt với mầy, mấy thằng tao thuê, thiệt giả lẫn lộn. Có đứa có căn bản thiệt, có đứa học tới đâu, dạy tới đó, nghe băng thuộc lòng rồi vô phát.
Ông Hai ngạc nhiên:
-Có chuyện đó nữa hả mậy ? Rủi học trò hỏi mấy câu không biết thì làm sao ?
Ông Tiến thấy ông Hai hỏi một cách ngây thơ thì phá ra cười:
-Thì đánh trống lảng, làm bộ nói "chờ thầy giảng cái đoạn nầy xong sẽ giải thích " rồi kéo dài cho tới hết giờ chớ sao. Rồi về nhà tra sách lia lịa, ngày mai vô giải thích ro ro.
Ông Hai bất mãn:
-Làm nghề nầy phải có lương tâm chớ !
Ông Tiến cười:
-Mầy chưa có nghe cái câu "lương tâm không bằng lương bổng" hả?
Ông Hai hỏi tiếp:
-Sao khi thuê mầy không đòi họ trưng ra bằng cấp ?
Ông Tiến than:
-Coi bộ mầy lạc hậu với thời cuộc quá rồi ! Bộ không biết bây giờ cái mặt hàng bằng giả đang bán chạy như tôm tươi hay sao mà còn hỏi ?
Ông Hai cười như mếu:
-Ai dám bảo là nền thương mại của nước mình không phát triển ? Hỏi thử coi quốc gia nào có các mặt hàng phong phú, đa dạng như nước mình không ?
Rồi ông hỏi tiếp:
-Có tên nào bị lột mặt nạ chưa ?
Ông Tiến gật đầu:
-Đi đêm có lần gặp ma. Cái câu nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò thời nào cũng đúng. Có lần tao thuê lầm một tên thầy dởm. Nó mới dạy chưa tới nửa tháng là bị một thằng học trò chơi xỏ. Nó quê đến độ bỏ của chạy lấy người, nghỉ dạy liền không kịp tính tiền lương.
Ông Hai hỏi:
-Mấy tên Tây có đứa nào giỏi thiệt rồi ở lại đây dạy luôn hông mậy ?
Ông Tiến đáp:
-Chỗ tao thì chưa, nhưng nghe nói bên tụi "Khai sáng" có câu được một tên ngon lắm. Hắn ta có nghiệp vụ đàng hoàng, đi du lịch rồi bị tiếng sét ái tình, thế là ở lại cho tới bây giờ luôn"
Ông Hai hỏi:
-Mấy thằng tây có bị tụi học trò trác hông mậy ?
Ông Tiến cười sằng sặc :
-Tao chắc chắn là có đứa bị, có điều không nhứt thiết phải chính học trò. Có lần tao thuê một thằng người Anh, thần dân của nữ hoàng chánh gốc. Không biết nó học tiếng Việt với cái tên ba trợn nào, mà cái câu chào đầu tiên nó nói trước một đám học trò là "Đ M các bạn !"
Hai ông bạn bá vai nhau cười lăn lộn. Họ không nghe tiếng cửa mở, không nhận thấy một người phụ nữ ăn mặc rất sang trọng đang bước vào.
Cô ta đứng ngây người trước cái cảnh tượng ấy. Trố mắt ngạc nhiên, cái túi sách du lịch trên tay rơi đánh huỵch trên nền gạch.
Cổ đảo tia mắt từ ông Hai qua ông Tiến rồi hỏi:
-Ai vậy anh ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 19
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 10 2017, 20:34
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Câu hỏi của người phụ nữ ấy tuy hết sức nhẹ nhàng nhưng lại khiến cả hai bàng hoàng rúng động.
Ông Tiến như bị điện giựt, lật đật rút cái bàn tay đang choàng qua vai ông Hai về một cái rụp. Ổng nhìn chầm chập vào cô ta rồi hỏi:
-Sao em về sớm vậy ?
Người phụ nữ đó chính là Loan, vợ của ông Tiến. Bà ta đã kịp thời nhận ra, chồng mình và người đàn ông kia, chỉ giàu hơn Adam có mấy tấc vải.
Bà Loan không trả lời mà cúi gập cái cổ, đâm đâm nhìn mấy tấm gạch dưới chưn như sợ vấp té, rồi riu ríu đi ngay vô phòng ngủ.
Ông Hai ngượng đến cứng cả người, có cảm giác như cơ thể mất nhiệt một cách đột ngột, toàn thân mình đang biến thành một cây nước đá.
Ổng tức tốc chạy vô phòng tắm còn ông Tiến thì co giò đuổi theo vợ. Vừa mặc áo, ông Hai vừa nghe tiếng cười lồng lộng của hai vợ chồng họ vang dội khắp nhà.
Ông Hai bỗng dưng nghe khâm phục mấy cô thi hoa hậu quá trời, quá đất ! Họ còn "nghèo" hơn ông, vậy mà hết sức tự tin, đi qua đi lại trước cả trăm cặp mắt trên hai chiếc giày cao ngất ngư mà miệng cười tươi rói, tay phe phẩy nhịp nhàng một cách vô cùng duyên dáng. Đã vậy họ còn đứng chống nạnh, hất càm lên như muốn hỏi:
-Coi tui đẹp chưa nè !
Ổng bỗng nhận ra, đàn ông và đàn bà khác nhau một trời một vực. Những người phụ nữ hôm nay, sở dĩ họ giàu có, nổi danh, thành đạt cũng bởi họ có bản lãnh thực sự. Họ không cần nhờ tới cái vỏ bọc bên ngoài, không cần lớp lớp áo quần, còn nam giới thì ngược lại.
Ông Hai chần chừ đứng ngắm mình trong tấm kiếng một hồi lâu.
Ông lẩm bẩm than:
-Cái gương mặt nầy, ngày xưa vốn nổi tiếng là "bô" trai nhất trường. Bây giờ vẫn còn y nguyên mắt, mũi, miệng đó. Nhưng tại sao lại ảm đạm, xuống cấp quá chừng vậy trời ?
Khi ông bước ra phòng khách, vợ chồng ông Tiến đang ngồi đợi sẵn trên chiếc sô pha. Ông Tiến đã kịp tròng thêm cái quần sọt và cái áo thun thể thao lên người, còn bà vợ vẫn ăn vận như cũ.
Ông Tiến nhìn bạn bằng tia mắt vui, buồn lẫn lộn. Nhìn dáng điệu lúng túng của bạn, ổng bỗng nghe buồn, nghe ăn năn như vừa phạm tội.
Chờ ông Hai dừng bước, lấy lại phong độ ổng mới kéo tay vợ đứng lên, dắt lại trước mặt ông Hai, rồi nói, bằng một giọng rất ư trịnh trọng:
-Cho phép tui giới thiệu hai người với nhau. Đây là anh Hùng, bạn thân nhất của anh. Còn đây là Loan, người vợ thương nhất của tao.
Ông Hai bỗng nỗi máu trào lộng, hỏi:
-Vậy ra ông còn tới mấy cô vợ thương nhì, thương ba...nữa hả ?
Bà Loan cười ra tiếng trước câu nói đùa đó. Tiếng cười chẳng những đánh tan sự ngượng ngập còn sót lại, mà còn kết nối họ một cách nhanh chóng, tự nhiên.
Ông Tiến nhăn mặt đáp:
-Đừng nói chơi kiểu đó nữa, nguy hiểm lắm ông ơi ! Vợ tui mà tưởng thiệt là mình mẫy tui chắc bị đóng mộc không còn sót một chỗ nào !
Bà Loan rầy chồng:
-Anh nói vậy ảnh tưởng thiệt rồi trốn luôn, không dám tới nhà mình nữa đó.
Rồi bà vừa cười vừa nói:
-Rất mừng được gặp anh.
Hai người chìa tay ra bắt cùng lúc. Nhịp cầu giao hữu đã được khánh thành.
Bà Loan nói:
-Anh Tiến nhắc anh hoài mà tới bây giờ em mới được gặp.
Giọng bà trầm và bàn tay vô cùng mềm mại.
Ông Hai nghĩ thầm: " Bà nầy giọng thổ. Người phụ nữ giọng thổ rất bản lĩnh, can trường, quyết đoán ! Chết cha mầy rồi, Tiến ơi ! "
Ổng cười đáp lại :
-Tui cứ ngỡ ảnh xuất ngoại, cho nên không cố ý tìm, bởi vậy...
Ông Tiến phụ họa, chủ động trở lại cách xưng hô thân mật:
-Tao cũng tưởng mầy y như vậy ? Tới chừng nhận được thơ của Thủy mới biết .
Bà Loan liền hỏi chồng :
-Thủy nào vậy anh?
Ông Tiến bảo vợ:
-Anh nói chưa chắc em tin, thôi hỏi nó đi !
Ông Hai nghe sơ sơ là đoán, biết ngay chóc là vợ ông Tiến thuộc loại ớt hiểm, cay xé họng. Chắc chắn thuộc dòng dõi, danh gia họ Hoạn.
Ổng bèn giải thích:
-Thủy là người yêu cũ của tui. Cổ đang sống ở Mỹ, hôm trước về quê hương có ghé thăm !
Bà Loan quay lại hỏi chồng:
-Làm sao mà cổ tìm được anh vậy ?
Ông Tiến đáp:
-Cổ hỏi thăm cái máy tính.
Bà Loan chắt lưỡi :
-Người ở xa ngàn dặm mà biết trước người ở ...
Nói đến đây bả quay sang hỏi ông Hai :
-Xin lỗi, anh ngụ tại đâu ?
Ông Tiến giành trả lời:
-Nó ở quận năm.
Dân Sài Gòn khẳng định : "Sang nhứt quận một, giàu tột quận năm".
Quận một là chỗ ở của hầu hết các quan chức cao cấp ngày trước. Quận năm là "nhà" của đa số hoa kiều. Họ chiếm hơn phân nửa, hổng chừng lên tới bảy, tám, chín chục phần trăm thương trường của Sài Gòn cũng như khắp nước. Có một thời họ tích trữ, đầu cơ, thao túng... làm chao đảo cán cân thương mại, giá cả tăng vù vù, kinh tế bị lũng đoạn đến nổi bà con ráp nhau kêu trời như bộng. Lúc ấy nhà nước mới chịu ra tay đối phó.
Cho nên bà Loan liền hỏi:
-Chắc anh làm ngành thương mại ?
Ông Hai lắc đầu, chưa kịp đáp thì lại bị ông Tiến hớt ngang:
-Nó chuyên nghiên cứu về môi trường.
Bà Loan trố mắt ngạc nhiên, hỏi dồn:
-Ồ, vậy sao ! Chắc anh biết chị Nguyệt làm bên sở Tài Nguyên ?
Ông Tiến lại đáp thay bạn:
-Nó điều hành một tổ chức phi chánh phủ, phi lợi nhuận, nên đâu có cần qua lại với họ.
Bà Loan khen nức nở :
-Tốt quá, tốt quá ! Chắc mình gây quỹ từ các nhà...
Ông Tiến lại "ăn cơm hớt":
-Nó hoạt động riêng lẻ, không có kêu gọi ai đóng góp hết !
Bà Mai không kìm được giọng thán phục:
-Không ngờ anh giàu và có ...
Ông Tiến ngắt ngang:
-Nó là người có tài, có tâm nhứt ở nước mình đó em !
Chưa lúc nào ông Hai cảm thấy khổ sở bằng lúc nầy. Ông Tiến càng thêu phụng, vẽ rồng, ổng càng bức rức, càng hối hận vì lỡ ghé thăm nhà y.
Ông Hai moi óc, cố tìm cớ để kiếu từ. Thói quen xưa bỗng quay về đột ngột : Ổng co cánh tay trái lên để xem giờ, rồi ngay lập tức nhớ ra rằng, mình đã không đeo đồng hồ từ lâu lắm !
Ông Tiến nhanh trí gỡ "quê" cho bạn:
-Hình như mầy bỏ quên cái đồng hồ ở cái quán cơm rồi. Hồi nãy tao thấy mầy ở chỗ rửa tay đi ra, cườm tay trống không, muốn nhắc mà quên phức !
Bà Loan hỏi liền:
-Quán nào vậy anh ?
Ổng đáp:
-Cái quán ngang nhà mình chớ còn cái nào nữa !
Rồi nói như xin phép với vợ:
-Để anh qua đó tìm liền để không thôi bị người khác lượm mất, rồi đưa ảnh về luôn!
Bà Loan tỏ vẻ lịch sự:
-Hai anh lâu lắm mới gặp lại, phải để cho em có cái vinh dự đứng ra tổ chức một bữa tiệc tao ngộ đã chớ. Đâu có được để ảnh về gấp như vậy ?
Ông Hai hết hồn, nghĩ thầm :
-"Ở lâu chắc chết, bả hỏi túi bụi, không khéo bị lộ tanh bành, té bẹ".
Ổng lật đật từ chối liền:
-Dạ chị để cho khi khác. Mình còn gặp nhau nữa mà !
Bà Loan vội vuốt đuôi :
-Dạ, mai mốt anh rảnh mời ghé nhà thăm tụi tôi.
Ông Hai đáp lại một cách lịch sự:
-Nhất định sẽ có dịp làm phiền anh chị.
Rồi ông cúi đầu:
-Xin phép ...
Ông Tiến không chờ bạn nói hết câu đã vọt ra cửa trước. Bà Loan gọi vói theo chồng:
-Anh không thay đồ sao ? Ăn mặc như vậy coi sao được ?
Ông Tiến khoát tay để trả lời vợ, hấp tấp dắt xe ra khỏi nhà. Ông Hai cũng lật đật nhảy lên ôm eo bạn chặt cứng.
Vừa chạy được một đỗi, ông Tiến bỗng thắng xe lại một cái rụp, chửi thề:
-Chết mẹ !
Ông Hai hỏi :
-Cái gì nữa ?
Ổng thở ra một cách thảm thiết :
-Tao quên hai cái nón bảo hiểm.
Ông Tiến liền cho xe quay trở lại. Ông Hai cũng nhớ ra mấy cái hộp thức ăn nhưng không dám nhắc, hy vọng ông Tiến cũng nhớ ra giùm mình.
Ông Tiến không gọi vợ mở cửa mà tự mình mở khóa vào nhà. Lát sau ổng trở ra, mỗi tay chỉ xách một cái nón, đưa cho ông Hai một chiếc rồi giục:
-Đội nhanh lên mầy ?
Ông Hai vừa đội vừa buông tiếng thở dài đầy nuối tiếc, than thầm:
-Đúng là cái số con rệp !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu