Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 16:09
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271204 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 20
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 10 2017, 20:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đi được gần nửa đường mà họ chưa nói với nhau một tiếng nào. Ông Tiến biết ông Hùng đang giận, đang bị tổn thương ghê gớm, nên cố suy nghĩ cách chuộc lỗi.
Nào phải ông không biết bạn mình vốn ghét nói dối. Cái tật hay xài "pháo cối" của ông, ngày xưa cứ bị ông Hùng chỉnh hoài mà chưa bỏ được.
Lần nầy ông nói dối chỉ do hảo ý. Bởi ông muốn ông Hùng hợp tác với mình, nên phải cố đánh bóng ngời cái tên của ổng cho bà Loan chói mắt. Ông Tiến biết tánh vợ quá mà !
Chiếc xe lao xuống dốc cầu cây cầu chữ Y một cái ào, ông Tiến mãi lo suy nghĩ nên không tránh kịp cục gạch rất to ai vứt giữa đường. Họ bị hất, tưng lên rồi rớt xuống, hai người cùng chới với, hai cái bàn tọa cùng ê, hai cái miệng cùng xuýt xoa một lượt.
Ông Hai bỗng đập vai bạn:
-Mầy dừng lại giùm tao một chút !
Ông Tiến hơi ngạc nhiên nhưng không dám hỏi mà tấp xe vô lề rồi thắng lại liền.
Ông Hai lật đật bước xuống xe, chạy ra giữa đường lượm cục gạch đem vô để sát lề đường.
Ông Tiến bỗng tìm ra đề tài để kết nối lại với bạn.
Ổng nói:
-Mầy làm tao nhớ tới ông nội của tao quá trời ! Mầy giống ổng dữ quá !
Ông Hai phản đối:
-Tao đâu có giống ông Bảy chút xíu nào ?
Ông Tiến giải thích:
-Không phải giống mặt mũi dáng vóc mà giống cái tánh, cái tình.
Ông Hai tò mò:
-Cái tánh gì ? Cái tình gì ? Đâu mầy nói thử tao nghe coi có trúng hông.
Ông Tiến đáp:
-Nội tao xuống sông tắm mà đạp trúng mảnh chai là phải lặn xuống lấy lên cho bằng được. Đi ngoài đường cũng thế. Y hệt như mầy vậy đó !
Ông Hai ngậm ngùi :
-Ông ngoại tao cũng vậy. Hồi đó tao ghét ngồi xe đạp chung với ngoại lắm ! Chạy chừng một lát là ngoại thắng xe lại, bắt tao leo xuống lượm mấy cục đá nằm chình ình giữa đường đem để vô lề !
Ông Tiến hỏi ông Hai cái điều mà ổng thắc mắc từ lâu:
-Đáng lẽ càng văn minh, tiến bộ, con người ta càng tốt hơn mới phải, đằng nầy...
Ông Hai nói:
-Bây giờ ai cũng thích sống sao cho sướng, tận hưởng mọi tiện nghi có được trên cõi đời nầy mới vừa lòng. Điều đó đưa đến cái hậu quả là họ rất ích kỷ, chỉ lo chăm chút cho bản thân hay nhiều lắm là gia đình mình thôi, không chịu khó mó tay làm việc tốt cho người khác.
Ông Tiến đệm thêm:
-Đã vậy mà còn có một số người mang tư tưởng cong quẹo. Họ thấy ai làm những việc thiện nguyện, đã không tiếp tay thì thôi, còn xuyên tạc, chê bai đủ kiểu.
Ông Hai hỏi:
-Tại sao nước mình còn mang danh là xã hội chủ nghĩa, mà mấy cái công việc đơn giản nhứt như làm "sạch" xã hội thôi, lại bị lơ là dữ vậy mậy ?
Ông Tiến sợ bạn làm mình mất tập trung cho xe chạy ra giữa đường, cái chỗ dễ bị khác xe tông và đầy nhóc ổ gà. Ổng bèn lái cặp sát lề, đưa cả hai về khu vực an toàn.
Ổng hỏi :
-Mầy bơi xuồng chắc đâu có bị dằn, bị xốc như thế nầy hén !
Ông Hai phản đối:
-Đừng có ham ! Sóng nhồi thiếu điều lộn ruột chớ ở đó mà...
Ông Tiến ngạc nhiên :
-Con kinh cạn xợt làm gì tàu lớn đi được mà có sóng to ?
Ông Hai đáp :
-Mấy chiếc ghe chở cát gắn máy lớn lắm ! Thêm mấy chiếc o bo phóng hà rầm nữa. Nước lớn là tụi nó chạy dập dìu, có lần tao xém bị lật xuồng đó mầy !
Ông Tiến nhìn xuống kinh. Nước đang ròng nên đen thui như nước màu kho cá.
Ổng rùng mình hỏi:
-Mầy có té xuống sông lần nào chưa ?
Ông Hai cười đáp:
-Ngày nào mà tao không tắm sông !
Ông Tiến chỉ tay xuống nước hỏi:
-Tắm cái thứ nước nầy sao ?
Ông Hai cười:
-Tắm lúc nước lớn, chớ ròng như vầy ai mà dám tắm. Lúc đó nước từ phía biển tràn vô, trong lắm, sạch lắm, tắm đã lắm mầy ơi !
Rồi ổng hỏi lại ông Tiến:
-Mầy có tắm sông lại lần nào chưa ?
Ông Tiến lắc đầu, đáp:
-Cũng hơn hai chục năm, tao chưa có dịp lội sông .
Ông Hai gặng tiếp:
-Kể cả khi về quê mầy cũng không xuống sông tắm nữa sao ?
Ông Tiến gật đầu. Ông Hai nói bằng giọng mơ màng:
-Có khi nào hai thằng mình về thăm quê cùng lúc, rồi lội đua với nhau như hồi xưa...
Ổng hỏi bạn mà nghe như hỏi mình nhiều hơn, cho nên ông Tiến không đáp mà hỏi lại :
-Nước dơ là do từ thượng nguồn đổ xuống hả ?
Ông Hai thở dài:
-Không phải tại nguồn mà tại người. Bà con mình có thói quen đem rác liệng xuống sông cho gọn nên con sông mới càng ngày càng dơ như vậy đó !
Rồi ông nói tiếp:
-Thực ra cái việc vớt rác trên sông đâu thể giải quyết vấn đề. Tao muốn làm vậy để đánh động lương tâm bà con, để họ ngại không dám xả rác nữa.
Ông Tiến hỏi:
-Có đạt được mục tiêu chưa ?
Ông Hai lắc đầu:
-Chỉ có hai nhà bên cạnh, với lác đác vài người trong xóm làm thôi !
Rồi ổng cười buồn:
-Vậy mà mới đây, có một bà làm tao chới với.
Ông Tiến hỏi:
-Bả làm sao mà mầy chới với ?
Ông Hai giải thích:
-Tại bả tưởng tao vớt rác để kiếm sống nên nói: "Tui thương chú lắm ! Bởi vậy không cho tụi nhỏ đem rác đổ vô xe mà thảy xuống sông cho chú vớt mấy cái bọc ni lông, với mấy món đồ nhựa lên bán". Tao nghe vậy thì hết hồn, bèn giải thích cho bả biết mục đích của mình là...
Ổng dừng ngang rồi hỏi ông Tiến:
-Đố mầy bả phản ứng ra sao ?
Ông Tiến đáp:
-Chắc bả hối hận rồi xin lỗi mầy rối rít hả ?
Ông Hai thở dài:
-Phải như vậy thì đâu có gì để nói ! Đằng nầy bả hỏi tao là có khùng không mà bỏ công ra làm mấy cái chuyện ruồi bu, cho chướng con mắt thiên hạ.
Ông Tiến không nén nổi phải phì cười, ông giải thích:
-Nghĩ đến nét mặt chưng hửng của mầy tao buồn cười quá ! Chắc mầy buồn lắm phải không ?
Ông Hai nói:
-Buồn chớ sao không ! Là người trong xóm nên tao biết, bả là người có học vấn tương đối khá. Từ ngày nghe tao nói vậy, bả ghét ra mặt liền.
Ông Tiến thở dài:
-Chắc bả cho là mầy lên mặt dạy đời.
Ông Hai nói:
-Tao sợ mọi người cũng hiểu lầm như bả nên tính làm một tấm bảng ghi mấy chữ thiệt to "xin đừng bỏ rác xuống sông". Mầy thấy có được hông ?
Ông Tiến bác ra:
-Coi chừng họ lại đọc thành "xin bỏ rác xuống sông" là chết mồ !
Rồi ổng nói giỡn:
-Hay là để tao tài trợ cho mầy một cái ô bẹt lưa. Mầy vừa làm vừa kêu gọi bà con đừng xả rác xuống sông. Chịu khó giải thích cho họ hiểu .
Không ngờ ông Hai vỗ đùi đánh đét một cái rồi nói:
-Cách đó coi bộ được đó mầy !
Ông Tiến quay lại nhìn, thấy gương mặt của ông bạn mình rất đổi nghiêm trang, không biết thưởng thức câu đùa của mình, không cười chút nào thì lắc đầu ngán ngẩm.
Ổng nói thầm đủ cho mình nghe:
-Coi bộ thằng nầy nó "cuồng tín" dữ lắm rồi !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 21
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 10 2017, 19:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai lẩm bẩm:
-Sao bấy lâu nay mình không nghĩ ra cách nầy ta?
Ông Tiến hỏi:
-Mầy tính làm thiệt hả ?
Ông Hai đáp:
-Thiệt chớ !
Ông Tiến chắc lưỡi:
-Trời đất ơi ! Tao chỉ nói chơi thôi !
Ông Hai cho là ông Tiến tưởng mình trông đợi sự tài trợ của ổng, nên nói liền:
-Mầy đừng lo. Tao có đủ tiền sắm mấy món đó mà.
Ông Tiến nói:
-Tao không có lo chuyện đó. Cái chuyện mua loa, mua bình điện cho mầy, nhỏ như con kiến. Tao dư sức ! Chỉ bởi làm như vậy coi kỳ lắm !
Ông Hai hỏi :
-Kỳ cái chỗ nào ?
Ông Tiến đáp:
-Kỳ thì kỳ chớ biết chỗ nào mà nói.
Rồi ổng khuyên:
-Bỏ cái việc nầy đi, giúp tao điều hành mấy cái lớp. Tụi mình chia lợi nhuận ra xài, lúc đó mầy muốn làm cái gì mà không được: Cúng chùa, tặng tiền cho mấy tổ chức từ thiện...
Ông Hai lắc đầu:
-Tao không tin mấy chỗ đó họ sử dụng tiền theo đúng mục đích như tao mong đợi...
Ông Tiến hỏi:
-Tại sao mầy nói vậy ?
Ông Hai trả lời:
-Tao nghi ngờ lắm ! Cho dù tao là phật tử, có quy y, có pháp danh hẳn hoi, vậy mà mầy biết không, gần mười năm nay, tao không đặt chưn vô chùa.
Ông Tiến hỏi tiếp :
-Sao vậy ?
Ông Hai đáp:
-Tao thấy càng vô chùa tao càng xa đạo nên thôi.
Ông Tiến lại hỏi tiếp nữa :
-Sao vậy ?
Ông Hai đáp:
-Thì thấy nhiều chuyện chướng mắt, cái tâm sân nó nổi lên. Thà ở nhà đọc sách, đọc kinh mà khỏe, mà vui, mà thấy niềm tin không bị sứt mẻ.
Ông Tiến hỏi tiếp:
-Điều gì làm cho mầy chướng mắt ?
Ông Hai thở dài:
-Nhiều thứ lắm ! Như việc mỗi bàn thờ đều có cái thùng phước điền đặt ngay phía trước. Như việc vừa bước chưn vào chùa là thấy một cái bàn với mấy vị sư ngồi trực, kêu gọi phật tử quyên tiền xây chùa, chẳng hạn. Như việc ngoài cửa chùa, mấy người bán chim để phóng sanh ngồi nhan nhản.
Ông Tiến nói:
-Họ tạo điều kiện cho phật tử làm việc tốt thì có gì mà xấu.
Ông Hai lắc đầu:
-Theo tao, ngày xưa đức Phật Thích Ca đi chưn đất, ngồi dưới gốc cây để giảng đạo. Ngài khuyên chúng ta buông bỏ rốt ráo những cám dỗ như mê đắm về vật chất và tinh thần. Các đệ tử của ngài thuở đó, có ai sở hữu món gì đắt giá đâu. Họ chỉ chăm chú việc tu thân và hành thiện mà thôi. Họ không hề mang ý tưởng tích lũy của cải. Bây giờ hình như hầu hết đều làm ngược lại.
Ông Tiến hỏi:
-Ngược lại cái chỗ nào ?
Ông Hai nói:
-Họ mê danh, mê lợi thấy mà sợ ! Đua nhau chạy theo hình thức tới tối tăm mặt mũi. Chẳng còn thì giờ đâu mà tu sửa bản thân chớ nói gì tới chuyện răn dạy phật tử.
Ông nói tiếp bằng giọng bùi ngùi:
-Mầy có biết không ? Cái chùa mà hồi trước tao rất thích nên tới hoài đó rất là đẹp ! Nó nhỏ thôi, nằm giữa một khu vườn đầy màu xanh. Nó đang chắc, đang tốt... Chưa hư một tấm ngói, chưa bể một viên gạch vậy mà họ hô hào phật tử đóng góp xây cái mới. Họ nói là việc xây chùa là đệ nhứt công đức. Bà con, giàu cúng lớn, nghèo cúng nhỏ, tin tưởng rằng việc quyên tiền cho chùa cũng giống như gieo vài hột lúa trên ruộng, mai mốt thu lại cả thúng nên đóng góp ào ào. Họ nỡ đem đập bỏ rồi xây một lên cái to đùng để lấy le với thiên hạ. Tao nghĩ phải chi họ để số tiền đó mà cất mấy dãy nhà cho những người công nhân nghèo đang không có chỗ ở còn có ích hơn, còn được phước hơn.
Ông Tiến nói:
-Tao coi kinh cũng lấy làm hồ nghi cái chỗ nầy lắm ! Phật vốn không ưa chuộng hư danh, lẽ nào khuyên người ta nên xây chùa cho thiệt to, thiệt đẹp.
Ông Hai nói:
-Tao nghĩ chắc Phật chỉ khuyên nên trùng tu những ngôi chùa đổ nát mà thôi. Thế nhưng mấy vị sau nầy lợi dụng câu đó để lập danh, làm theo thị hiếu của họ, hoặc kiếm chác bỏ túi làm việc riêng. Mầy không biết chớ họ mà càng đập, càng xây càng đẻ ra tiền. Không phải là tiền do họ làm ra, nên đâu thèm tiếc xót.
Dừng lại một lát để lấy hơi, ổng tiếp :
-Ngoài đời cũng vậy ! Mầy có thấy là hể mấy ông dám đốc người ta làm nào mà gần về hưu, cũng cho đập bỏ, xây lại cái cơ sở mà mình sắp bàn giao, lấy lý do là phải trao lại cho người kế nhiệm một di sản đàng hoàng coi mới được. Nghe rất hợp tình, hợp lý, thực ra họ làm thế để chấm mút cho riêng mình đó thôi.
Ông Hai lại dừng lại, thở dài rồi nói thêm:
-Cái ông dám...kế tiếp cũng đâu có vừa. Ổng vừa lên nhậm chức là đập bỏ hết cái cơ ngơi mới toanh đó, cho xây lại theo ý mình, mục đích cũng y chang. Cho nên mấy lúc sau nầy người ta đập và xây tràn lan, đẻ ra một đống rác xà bần, có nhiều thứ không tái chế, không tiêu hủy được còn hoài hoài. Thấy mà bắt rầu.
Ông Tiến phản đối:
-Tao thì mừng vì thấy nước mình giàu lên, bộ mặt xã hội ngày một khang trang. Mầy nhớ không ? Ngày xưa cả làng mình, ai mà mua được chiếc xe Hon Đa, vừa chạy về nhà, dựng trước cửa là bà con kéo tới ngồi xem, coi đó như một sự kiện hi hữu. Còn bây giờ xe gắn máy đầy trời, ai cũng có khả năng sắm nổi.
Ông Hai thở dài:
-Mầy thì mừng còn tao thì lo. Tao nghe nói những nước thực sự giàu người ta đang hô hào đi bộ với đi xe đạp kia kìa. Theo tao, cái giàu không phải ở những tòa nhà cao ngất che mất bầu trời, những chiếc xe chạy vù vù xịt khói...Mà chính là mức trong lành trong không khí. Cái sạch, cái đẹp của môi trường và thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẹn.
Ông Tiến lại hỏi:
-Còn cái chuyện phóng sanh ? Tao thấy tốt quá sao mầy cũng chê, cũng thấy chướng ?
Ông Hai giải thích:
-Tao hỏi mầy nghen. Nếu như mầy đang ở nước mình, đang làm ăn ngon lành rồi bị người ta bắt, nhốt vô trong xe, chở qua Lào đem bỏ mầy có vui không ?
Ông Tiến nói:
-Vui sao nổi. Nhưng còn được sống thì còn có cơ hội làm lại rồi tìm đường quay về nước.
Ông Hai thở dài:
-Tao thấy họ thả ra mấy con chim ra, có con bay hết muốn nổi. Có con chết liền tại chỗ. Có con bay chưa xa là bị bắt trở lại, bị nhốt rồi đem bán tiếp. Vậy thì cái việc phóng sanh đó nhân đạo ở cái chỗ nào ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Thôi, tao không dám bàn về ba cái chuyện cao xa đó. Chỉ khuyên mầy là nếu có tiền thì ráng sắm thêm mấy bộ đồ mặc bên trong, bên ngoài, chớ đừng mua loa, mua liếc gì hết ! Tao như mầy là bỏ quách cái nghề nầy chớ ở đó mà khuếch trương, đầu tư thêm cho mệt.
Ông Hai có vẻ phật ý nên hỏi:
-Mầy thử nêu một lý do đi ! Nếu thấy hợp lý là tao bỏ cái nghề nầy, đi theo mầy một cái rụp liền.
Ông Tiến suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:
-Chuyện đó kỳ cục lắm ! Mầy thấy không ? Ngoài mầy ra đâu có ai thèm làm.
Ông Hai bác lại liền :
-Thiếu gì việc tốt mà đâu ai thèm nhúc nhích một ngón tay. Ngược lại cả đống việc xấu họ hùa nhau làm, ngày càng nhiều hơn mới chết !
Ông Tiến hỏi:
-Việc gì xấu mà hùa nhau làm đâu ? Mầy chỉ cho tao coi !
Ông Hai nói:
-Thì việc bán, hút, chích xì ke ma túy đó ! Việc cướp bóc ngày càng rùng rợn đó ! Việc dụ dỗ mấy đứa con gái khờ dại đem bán vô mấy cái động mãi dâm đó !
Ông Tiến nói:
-Theo tao thì việc đầu tiên là tu thân, tề gia rồi mới tới trị quốc, bình thiên hạ được. Tu ở đây là tu bổ, giúp mình phát triển về mọi mặt kể cả tinh thần lẫn vật chất. Mầy ráng kiếm cho thật nhiều tiền đi để có thể giúp được cho nhiều người hơn. Chớ như bây giờ thì cho dù có muốn cũng đâu thể giúp được ai .
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy dám khẳng định là những người nghèo thì không có khả năng đó !
Ông Tiến nói:
-Họ không giúp cho chính bản thân nổi thì còn giúp cho ai nữa chớ ?
Ông Hai đáp:
-Không phải có tiền mới làm phước, mới giúp được người khác đâu, mầy nghĩ vậy là sai lầm rồi ! Lòng tốt của người ta nằm trong cái tâm chớ đâu có nằm trong cái túi.
Ổng chợt nhớ đến cô gái có nốt ruồi trên chót mũi, muốn kể cho bạn nghe nhưng lại thôi.
Ông Tiến hỏi tiếp:
-Mầy có thấy những nhà hảo tâm nổi tiếng nhứt thế giới, đa số là các doanh nhân thành đạt hay không ? Nước trong ao có dư mới chảy tràn ra ngoài được.
Ông Hai nói:
-Cái quan trọng là người ta có cho nó tràn ra không hay đắp cái bờ kiên cố để ngăn lại. Bởi hầu như ai ai cũng dừng lại ở mức tề gia. Mấy chuyện lợi ích chung họ đâu có rảnh mà nghĩ tới. Nếu có rảnh cũng lờ đi, không muốn bỏ công, bỏ sức vào. Tự nhủ "mình là dân quèn, ba cái thứ đó để cho mấy ông nhà nước lo". Nhà nước thì mắc lo mấy món khác, thế là...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 22
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 10 2017, 22:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Khoảng cách của con đường đến nhà ông Hai càng ngắn, khoảng cách giữa tâm hồn của ông Tiến và người bạn ngày xưa càng thu hẹp lại.
Ông Tiến bắt đầu cảm thông rồi đi đến nể phục bạn.
Ổng bỗng nhận ra rằng, trên đời nầy có một số người khao khát làm việc tốt hơn khao khát kiếm tiền. Họ bị coi là gàn, là lập dị. Họ là những người rất kiên định, rất dũng cảm, dám vạch cho mình một hướng đi cho dù trái chiều với số đông, dám đương đầu với mọi thử thách để bảo vệ lý tưởng của mình.
Ổng hỏi ông Hai:
-Mầy có cảm thấy hạnh phúc không Hùng?
Ông Hai đáp:
-Tao đang theo đuổi mục đích của mình nên thường có cảm giác là hạnh phúc đang ở ngay trước mặt. Đôi khi tưởng tượng cái cảnh một mình mình trong chiếc xuồng trống rổng, nhẹ tênh. Bơi thong dong trên một con sông rất trong, rất sạch! Sạch đến nổi không còn một cọng rác. Hai bên bờ là những cánh đồng cùng vườn cây ăn trái và gió thì rất thơm...Lúc ấy lòng tao lâng lâng lắm ! Chắc đó cũng là một dạng của hạnh phúc. Phải không mậy ?
Ổng hỏi lại bạn:
-Còn mầy, mầy có hạnh phúc không ?
Ông Tiến suy nghĩ rất lâu rồi nói:
-Tao cũng y như mầy. Có điều mục đích của tao hết sức rõ ràng, cụ thể. Nó tuy không mông lung, mờ ảo .. Thế nhưng khi đạt được lại chỉ cho tao cái cảm giác thỏa mãn nhứt thời. Hể càng có nhiều thì càng muốn có thêm. Cái con đường mang tên "Danh" và "Lợi" nầy hình như dài vô hạn, đi hoài không tới đích.
Ông Hai phụ họa:
-Mục tiêu của mầy vẫn vậy thì tốt thôi ! Chỉ sợ khi đạt rồi lại thấy nó không đáng giá với công sức bỏ ra, không xứng với sự hy sinh của mình. Lúc đó lại ...
Dừng lại một lát ổng lại nói tiếp:
-Tao thấy mấy người bình dân, nhứt là giới nông, họ dễ có hạnh phúc hơn dân trung lưu, thượng lưu lắm ! Tâm hồn họ trong sáng, mơ ước hết sức giản đơn. Họ dễ tìm thấy niềm vui ...
Ông Tiến cắt ngang:
-Mầy căn cứ vào đâu mà nói như vậy ?
Ông Hai trả lời:
-Mầy còn nhớ ngày xưa, khi ra đồng hay ở nhà mình đều nghe thấy tiếng cười đùa của con nít và tiếng người lớn chuyện trò không ? Ở Sài gòn nầy, mầy chỉ gặp điều đó trong mấy cái xóm nhỏ mà thôi! Hình như càng giàu người ta càng khó thỏa mãn. Họ luôn đi tìm cái mà họ thấy thiếu.
Ông Tiến gật đầu:
-Mầy nói cũng có lý. Chẳng hạn như hiện giờ, tao lại thấy ấm ức như thể bị ông trời cố tình chơi xỏ, ra sức thử thách tao vậy.
Ông Hai ngạc nhiên:
-Tại sao mầy có cái ý nghĩ đó !
Ông Tiến cười:
-Ai biểu ổng không chịu cho tao cái mà tao cần thiết nhứt.
Ông Hai hỏi:
-Bộ mầy chưa có thứ mình cần rồi đó sao ?
Ông Tiến lắc đầu :
-Ngay lúc nầy, hạnh phúc của tao là có một người đứng trên một cái bục, nhận một giải thưởng nào đó, gọi tao bằng cha. Chàng trai hoặc cô gái ấy là một công dân gương mẫu, sẽ nói những lời tốt đẹp về gia đình mình rồi cám ơn tao một cách hết sức chân thành trước mặt đám đông.
Ông Hai chờ bạn thở dài xong mới hỏi:
-Cái chuyện vô sinh là do mầy hay...
Ông Tiến đáp:
-Do vợ tao .
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy biết ?
Ông Tiến trù trừ một lát rồi tâm sự:
-Tao đang vướng vào một chuyện.
Ông Hai hỏi:
-Chuyện gì ? Có nan giải không ?
Ông Tiến đáp:
-Nan giải nhứt !
Ổng xuống giọng:
-Tao nói cái nầy mầy đừng chê tao là...
Rồi ấp úng và ngưng luôn. Ông Hai đoán là chuyện hệ trọng lắm nên không dám hối.
Một lát sau ông Tiến mới thở dài đánh sượt rồi thổ lộ:
-Con nhỏ mà tao đang bao, nó đã có thai.
Ông Hai giựt mình:
-Trời đất! Sao mầy dám... ?
Rồi hỏi thêm:
-Mầy có chắc đó là con của mầy hông ?
Ông Tiến nói:
-Chắc! Tao ăn ở với nó mấy năm nay rồi. Nó đã phá thai một lần vì tao không chịu bỏ vợ để cưới . Tụi tao chia tay nhưng rồi tái hợp. Lần nầy nó không đòi tao cưới nhưng buộc phải tìm cho ra một giải pháp thật êm đẹp để giúp nó không bị gia đình từ bỏ.
Ông Hai hỏi:
-Cô ta đang ở chung với cha mẹ hả ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Nhà nó ở Vĩnh Long, nó lên đây đi học.
Ông Hai hỏi:
-Mầy quen cổ ở đâu ?
Ông Tiến đáp:
-Ở nhà tao. Vợ tao bả không có thời gian làm việc nhà nên đến trung tâm giới thiệu để thuê người làm. Nó là ô sin, thuộc dạng giúp việc nhà tính theo giờ.
Ông Hai nói:
-Vợ mầy coi sắc sảo vậy mà không lường trước hay sao ? Dám đem mỡ để trước miệng mèo như vậy thì làm sao mầy nhịn cho được ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Tại lúc đó bả kẹt quá, nên thuê đỡ ít ngày ! Nó vừa làm có một tuần là bị bả cho nghỉ liền !
Ông Hai nói một cách thán phục :
-Trời đất ơi ! Không ngờ mầy cũng lanh tay, lẹ chưn quá xá !
Ông Tiến nói:
-Cũng do ý trời thôi mầy ơi ! Bữa đó tao về gần tới nhà, thấy nó ôm cái túi đi bộ tà tà bèn ghé vào hỏi coi đi đâu. Nó nói vừa bị vợ tao cho nghĩ việc, đang đi lại trạm xe buýt để đón xe. Tao biết tại mình nên nó mới bị đuổi nên cảm thấy có lỗi. Bèn kêu nó lên xe đặng chở về giúp. Nó ngại nên ôm eo ếch tao lỏng le, đã vậy còn khoác cái túi lên vai một cách hờ hững. Cái tụi làm nghề giựt đồ thấy ngon ăn quá nên chúng bám theo. Tui nó đi xe phân khối lớn, chạy cái vù qua mặt rồi xớt cái xách liền. Nó té đập đầu xuống đường còn tao thì không sao. Tao bèn chở nó vô bệnh viện 115 cấp cứu. Cái túi mất rồi nên tao không có địa chỉ, không báo tin cho thân nhân của nó được, thế là tao phải lo từ A tới Z. Gần gũi, săn sóc lâu ngày nên nãy sinh tình cảm, chớ mầy biết tính tao đâu có thích bậy bạ.
Ông Hai hỏi:
-Cô ta đang ở với ai ? Có công ăn việc làm gì chưa ?
Ông Tiến đáp:
-Ở một mình. Tao có mua cho nó một căn nhà nhỏ ở Bình Chánh. Nó ra trường rồi, đang làm kế toán cho một công ty xây dựng.
Ổng hỏi ông Hai:
-Bây giờ mầy nói coi tao phải làm sao ?
Ông Hai im thinh thích, không dám đưa ra lời khuyên vội vã. Hình như đây là một câu hỏi tu từ nên ông Tiến không cần ông phải trả lời.
Ổng chỉ biết an ủi:
-Cái rắc rối nào cũng có cách giải quyết. Tao nghĩ hay là mầy đưa cô gái đó về quê của cổ, làm đám cưới lén đừng cho vợ mầy hay.
Ông Tiến lắc đầu nguầy nguậy:
-Nguy hiểm lắm ! Rủi vợ tao mà biết được chắc bả dám giết hết hai đứa tao.
Rồi lật đật bổ sung:
-Ba đứa mới đúng !
Ông Hai trách:
-Thấy mầy nói nói, cười cười vô tư quá tao đâu có ngờ...Mầy ôm một cục đá bự bành ky như vậy mà còn đi tìm tao làm chi cho nặng lòng thêm?
Ông Tiến cười:
-Mầy đừng có ngại. Nhờ có mầy mà tao mới có dịp thư giản, chớ hổm rày đầu óc tao nó rối y như cái nồi canh hẹ vậy ! Đã vậy vợ tao có linh tính hay sao mà cứ đeo theo hỏi nầy hỏi nọ, chặn đầu, chặn đuôi làm tao lo muốn đứt gân máu luôn. Mầy hổng biết chớ, trực giác của bả nhạy bén lắm !
Ổng nói tiếp:
-Chuyến đi biển nầy tao không chịu tháp tùng nên bị nghi ngờ. Cũng may mà bả cố tình về sớm rồi gặp tao với mầy. Chớ nếu không...
Ông Hai nói giỡn:
-Mầy không sợ bả nghi hai thằng mình là "bóng " hả ?
Ông Tiến được dịp liền "thổi":
-Bộ mầy không thấy tao tràn trề nam tính hay sao ? Nói thiệt với mầy, bả mê tao là ở cái khoản đó đó. Chớ nghèo rớt mồng tơi như tao dễ gì ...
Ông Hai đùa:
-Một cây củi gòn như mầy mà đốt tới hai cái lò, coi chừng mau tàn lắm đó !
Ông Tiến cự nhoi:
-Ai nói với mầy là củi gòn. Than đá đàng hoàng nghe mậy, nóng lâu, nóng dữ lắm đó ! Vợ tao tẩm bổ cho tao nào là: Hải sâm, cá ngựa, nhung nai...đủ thứ !
Ông Hai hỏi:
-Ba cái thứ đó có công hiệu không ? Tao nghe họ quảng cáo trên ra dô rần rần. Chưa có thời buổi nào mà mấy cái chuyện đó được mời gọi rùm beng như lúc nầy. Thấy mà lo cho cái bọn hậu sinh của nòi giống Lạc Hồng, bốn ngàn năm văn hiến của bọn mình quá đổi. Tụi con trai, con gái mới lớn, nghe mấy cái câu úp úp, mở mở đó rồi sanh ra tò mò. Tụi nó ráp nhau làm loạn cào cào lên là đại họa chớ chẳng chơi !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 23
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 10 2017, 19:39
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Tiến cười:
-Hơi đâu mà lo, bây giờ nhìn đâu cũng thấy "sex". Tụi nó hổng loạn lên mới là lạ đó !
Rồi bồi thêm:
-Mấy hình ảnh gợi cảm kiểu đó đâu chỉ có trong phim. Nó nhan nhản trên các sản phẩm, từ băng vệ sinh, dầu gội đầu cho tới sữa dành cho con nít.
Ông Hai nói:
-Có lần tao vớt một túi rác, trong đó có cuốn truyện dịch của một nữ văn sĩ Trung Hoa. Tao mở ra coi, đọc tới đâu tối tăm mặt mũi tới đó !
Ông Tiến thở dài:
-Ba cái tiểu thuyết lãng mạn đó thì nói làm gì ?
Ông Hai bác lại:
-Nó đâu có chút xíu lãng mạn nào ở trỏng ! Lãng mạn là đem đến cho ta cái cảm xúc rất nhẹ, rất đẹp, rất nên thơ, nâng ta lên cao, ra xa cái bến bờ hiện thực. Còn cái nầy nó chỉ cho mầy cái cảm giác xấu hổ, sượng sùng, chai sần, nhức nhối... như bị kim châm vào da thịt.
Ông Tiến cười:
-Phải viết như vậy mới bán chạy đó mầy ơi ! Mầy mà viết mấy quyển truyện theo cái kiểu "quốc văn giáo khoa thư" như ngày xưa thì ai mà mua ?
Ông Hai bác lại:
-Làm nghề viết là phải khơi gợi cái phần đẹp, phần tốt trong người. Chớ khiến cho thiên hạ đọc xong rồi hóa thú cả bầy thì phi văn hóa, phi đạo...
Ông Tiến cự liền :
-Vậy theo mầy thì cái chuyện "yêu" đó nó xấu xa, tồi bại lắm hay sao ?
Ông Hai lắc đầu:
-Tao không nói như vậy ! Nhưng "yêu" theo kiểu súc vật là hạ thấp nhân phẩm. Tao thấy cô ta, nữ văn sĩ ấy, mô tả cái chuyện đó sao mà giống như hành động lấy cái chày đâm tiêu, dùng hết sức bình sinh mà nện bình bịch thiếu điều muốn bể cối mới vừa bụng.
Ông Tiến nghe bạn ví von như thế thì không nhịn được. Ổng ngoác to miệng, cười hô hố rồi hỏi:
-Vậy theo mầy "yêu" như thế nào mới đẹp ?
Ông Hai suy nghĩ giây lâu rồi hỏi:
-Hồi nhỏ mầy có bị thím Ba sai lau ống khói đèn hông ?
Ông Tiến nói:
-Sao mà không ? Chiều nào má tao cũng gom hết mấy cái ống khói, bắt tao lau gần chết !
Ông Hai hỏi:
-Mầy làm như thế nào ?
Ông Tiến chăc lưỡi:
-Thì lấy chiếc đũa, quấn miếng giẻ xung quanh rồi lau từng cái, cho nó sạch bong không còn dính chút xíu lọ nghẹ nào, chớ còn làm sao nữa mà hỏi!
Ông Hai hỏi:
-Mầy làm từ từ hay ào ào.
Ông Tiến đáp:
-Nín thở lau nhẹ hều ! Chớ làm mạnh tay, rủi bể ống khói, bị khỏ lũng sọ sao mậy ?
Ông Hai nói:
-Đó! Theo tao ba cái chuyện ấy phải thực hiện một cách trân trọng, từ tốn...Đừng có bắt chước như trong phim, xé áo, xé quần, hun hít túi bụi coi sao mà vất vả, cực khổ quá trời, quá đất!
Ông Tiến cười khà khà:
-Cái kiểu của mầy nó lạc hậu lắm Hùng ơi !
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy biết là lạc hậu ?
Ông Tiến giải thích:
-Bây giờ tụi trẻ nó thích cuồng nhiệt lắm ! Nói làm chi tụi nó, mấy ông già, bà già cũng bắt chước. Nói thiệt với mầy, bà xã tao đó, lắm khi bả đòi tăng "đô", tăng "nhiệt" lên. Tao phải ráng gồng mình, xong rồi là mệt gần chết, là chìm nghĩm chớ có "lên đỉnh, lên điếc" gì đâu !
Ông Hai ngạc nhiên:
-Trời đất, hai bà đều như vậy thì làm sao mầy chịu nổi.
Ông Tiến cười:
-Được cái là con nhỏ bồ tao nó ngoan lắm ! Dọn món nào xơi món nấy, không có đòi hỏi gì hết. Nó lại thích cái kiểu "lau ống khói" như mầy nói đó. Bởi vậy tao mới còn sống tới giờ nầy.
Ông Hai thở dài:
-Trời đất ơi ! Cái thời buổi gì mà con người xúm lại vắt kiệt sinh lực của nhau. Còn vắt kiệt sinh lực của thiên nhiên nữa. Vậy mà gọi là văn minh. Họ hành động như vậy là bôi bác chữ "yêu", khiến tao cũng ngại khi nói ra, có cảm giác như đó là một từ tục tĩu.
Ông Tiến định bác lại nhưng xe đã về đến nhà. Ổng dừng lại ngay trước cửa, tháo cặp kiếng mát ra lau. Ổng nhìn ông Hai một cách quyến luyến, chưa muốn chấm dứt câu chuyện đang ngày càng mặn mòi :
Ổng tiếc rẻ:
-Lượt đi tao thấy con đường dài sọc hà, còn lượt về sao mà ngắn ngủn!
Ông Hai cũng tháo cái nón trên đầu ra, đưa cho bạn rồi mời:
-Mai mốt có rảnh tới chơi !
Ông Tiến hỏi:
-Chủ nhựt mầy có nghĩ không ?
Ông Hai cười:
-Tao có phải là công chức đâu mà ...Mầy muốn chắc ăn thì chờ tối tối hãy ghé. Buổi tối tao nằm nhà chớ không có đi đâu hết. Nếu không gặp thì ghé đình, có khi tao lại đó coi ké ti vi.
Thật ra ổng thường về nhà vào buổi trưa, ăn cơm xong rồi lựa rác. Ông Hai sợ bạn đến lúc mình đang làm công việc đó, nên hẹn trễ một chút cho chắc ăn.
Ông Tiến thở dài:
-Tối tao đâu có rảnh, không đi giao tiếp thì phải ở nhà.
Ông Hai hỏi:
-Ban đêm mà giao tiếp cái giống gì ?
Ông Tiến cười:
-Tại mầy không biết, đó là giờ vàng để chốt mấy cái hợp đồng. Cái giới tụi tao, nhậu để làm ăn. Cái bàn tiệc còn quan trọng, còn đắc dụng hơn cái bàn "buya rô" gấp mấy lần !
Ông Hai trêu:
-Chớ không phải làm ăn để nhậu sao ?
Ông Tiến thở dài:
-Thì cái vòng lẩn quẩn mà ! Nhậu để kiếm tiền, kiếm tiền để nhậu ! Phải đem sức khỏe để đổi lấy sự thành công. Bây giờ ít có ai không đụng tới bia, rượu, thuốc lá ...như mầy.
Ông Hai cười :
-Tao là mẹ thành công mà !
Ông Tiến bắt ngay câu nói đó để khuyên bạn thêm lần nữa:
-Mầy biết vậy thì bỏ cái nghề nầy đi, rồi...
Ông Hai ngắt lời :
-Tao nói giỡn thôi, thật ra tao thích cái nghề của mình lắm ! Làm nghề nầy tao khỏi cần phải bon chen hay đánh đổi bất cứ cái thứ gì.
Ông Tiến sắp cãi lại liền bị ông Hai giục :
-Thôi mầy về sớm đi để bà xã đợi.
Ổng nghe bạn nhắc liền rồ máy rồi nói:
-Bái bai.
Ông Hai vẫy tay:
-Đi cẩn thận, mạnh giỏi nghe mậy !
Rồi mở cái ổ khóa nhỏ xíu. Hai đầu của sợi dây lòi tói bung ra. Liếc thấy con Gọn bên nhà cô Tám và thằng Út con ông Chín đang thập thò. Ổng đoán hai đứa nó nãy giờ chắc rình nghe mình nói chuyện, sợ chúng hỏi lung tung nên lủi vô nhà, đóng cửa lẹ lẹ rồi cởi bộ đồ bên ngoài ra, treo lên cây đinh đóng trên vách liền .
Ổng gieo mình xuống chiếc chiếu rồi nằm theo cái tư thế thoải mái nhứt, dang thẳng băng cả hai cánh tay, mắt nhắm lại, thở ra một hơi thật dài.
Tiếng cào vách phía bên cô Tám làm ông Hai chú ý, nó là dấu hiệu đòi hỏi một sự trao đổi thông tin. Nó tương tự như tiếng gõ hoặc nhấn chuông gọi cửa .
Ông Hai lăn người qua, áp tai sát vách, mắt vẫn nhắm nghiền lại mà hỏi:
-Có chuyện gì vậy cô Tám.
Bên kia vách có tiếng nói nhỏ xíu:
-Không phải má, con là con Gọn nè !
Ông Hai mở mắt, ngó qua khe vách thấy cái tròng mắt đen thui, bèn hỏi:
-Có chuyện gì không con ?
Con Gọn nói nhỏ xíu như muỗi kêu:
-Cái xuồng của ông bị ông Tư nhậu ăn cắp rồi !
Ông Hai ngồi bật dậy, hỏi một cách ngớ ngẩn:
-Thiệt không ?
Con Gọn xuống thêm một tông:
-Thiệt !
Ông Hai nghe không rõ nhưng vẫn biết đó là lời xác nhận. Ông lấy chân đẩy cái chốt, cách mở cửa quen thuộc, rồi đứng lên nhìn.
Cái xuồng đã biến mất. Cây cầu đứng trơ trọi một mình. Cái ổ khóa nhỏ xíu, giống cái ổ khóa của cánh cửa trước, đã bị bể. Cái móc hình chữ U vẫn còn bám vào một đầu của sợi dây lòi tói. Sợi dây xích nằm vắt ngang cầu, hai đầu dây mấp mé mặt sông. Nó trông giống như hai cánh tay của một đứa bé đang nằm ép mình sát ván, cố vói tay xuống vọc nước.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 24
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 10 2017, 23:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Việc ông Hai mất xuồng khiến bà con xóm Đình vô cùng bất mãn.
Dân giang hồ có cái luật bất thành văn, cho dù túng, ngặt cách mấy cũng không lấy cắp của người nghèo, bởi cái điều đó đối với họ là hết sức bất nhân, bất nghĩa.
Năm Thẹo, một đại ca trong giới "Lương Sơn Bạc" tuy không hành nghề "đạo chích", nhưng lại tức tối vô cùng. Y có cảm giác như mình là một vị giáo chủ, bị cái tên đồ đệ phản phúc giấu mặt nào đó, hành sự tồi bại làm mất thanh danh của bổn giáo.
Y nói với Tư Lùn, đệ tử trung thành và duy nhứt của mình:
-Mầy đi điều tra coi cái thằng nào mà tác tệ đến vậy !
Tư Lùn mới theo Năm Thẹo học nghề được mấy tháng, rất muốn lập đầu công để sư phụ truyền hết bí kíp nên "dạ" một cái rụp liền.
Sáng hôm ấy, Tư Lùn đón đường cô Tám khi cổ bưng cái thúng xôi đã bán hết sạch đi về tới đầu xóm. Cô Tám ở sát vách nhà Hai Rác, không hỏi cổ thì hỏi ai ?
Cô Tám tuy bạo mồm, bạo miệng chớ nhát hít hà.
Cổ nghe tiếng kêu giựt ngược:
-Cô Tám !
Liền quay ngoắc lại nhìn. Nhận ra người gọi mình là ai, cổ bèn đổi sắc mặt liền.
Không phải cô Tám sợ Tư Lùn đòi nộp tiền "mãi lộ", chỉ vì hai đứa con gái sanh đôi của cổ, con Lẹ, con Gọn đã tới tuổi cập kê.
Con Lẹ đẹp nhứt xóm, được cô Tám cưng chìu hơn con Gọn. Cổ cho nó ăn học đàng hoàng với hy vọng là đứa con gái nầy sẽ giúp mình nở mày, nở mặt với thiên hạ.
Cổ sợ Tư Lùn xin cho tới nhà làm quen với con Lẹ, nên phát lo vì không biết phải từ chối cách nào để y không mất mặt mà sanh thù, sanh oán.
Cổ nghĩ ngay đến một cách, có gì thì nói là con Lẹ nó sắp lấy chồng, rồi gán con Gọn cho nó. Tư Lùn tuy thiếu thước, thiếu tấc. Y tuy lông bông, cà nhỏng nhưng coi cũng bảnh trai, chắc con Gọn hổng chê.
Đã có chủ ý rồi nên cô Tám không ngại phải đối mặt với Tư Lùn.
Cổ hỏi:
-Gì vậy Tư ?
Tư Lùn không thèm nói quanh co, hỏi thẳng:
-Cô có biết ai lấy cái xuồng của ông Hai không ?
Cô Tám thở phào nhẹ nhỏm.
Hôm đó chính mắt cổ thấy Tư Nhậu bẻ khóa, lấy cắp chiếc xuồng của ông Hai chứ ai ! Cổ là người căm phẩn việc nầy nhứt, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cổ nhiều hơn ai hết.
Ông Hai mà mất xuồng thì đâu còn đi vớt củi. Cổ sẽ không còn được xài củi "chùa" nên số tiền lời kiếm được phải mẻ ra một miếng lớn.
Cổ vốn ghét cay, ghét đắng Tư Nhậu, thế nhưng biết y vốn tiểu nhân, chỉ vì miếng ăn mà tức tối đến nổi lấy cắp xuồng của ông Hai cho bỏ ghét. Cổ khai ra, y ta mà biết được chắc dám đốt nhà cổ luôn chớ chẳng chơi. Bởi vậy cho dù ngứa miệng hết sức, cô Tám cũng cố ghìm cho hai cái môi dính chặt cứng lại. Sợ cái tên "Tư Nhậu " nhảy ra ngoài rồi nổ tung như một quả bom .
Cổ lắc đầu:
-Tao không biết !
Tư Lùn nhìn lom lom vào mặt cô Tám, gằn giọng:
-Cô ở sát một bên, không biết sao được ?
Cô Tám bác lại:
-Ông Hai nằm trên xuồng ngủ để canh giữ, mà ổng còn hổng biết thì nói chi tao ?
Tư Lùn trợn tròn hai con mắt:
-Bộ ổng ngủ trên xuồng thiệt hả ?
Cô Tám sẵn trớn ghẹo luôn:
-Ừ ! Mầy kiếm ổng mà hỏi coi có đúng không ?
Tư Lùn bèn vọt qua mặt cô Tám đi xăm xăm tới nhà ông Hai.
Ông Hai còn chưa chui ra khỏi mùng, đang nằm "sầu đời" thì nghe tiếng gọi cửa:
-Chú Hai ơi ! Chú Hai !
Nghe cái giọng là ổng nhận ra ngay đó chính là Tư Lùn, cũng biết luôn cái mục đích của y, nên nằm im ru không thèm ừ hử gì ráo .
Tư Lùn gọi to hơn:
-Chú Hai ơi ! Có trong nhà không?
Vẫn không nghe tiếng ông Hai trả lời. Tư Lùn liền nhìn qua khe cửa, thấy mùng còn buông và một cái cuộn tròn tròn, dài thòn ở giữa.
Y biết chắc là ổng có ở nhà và đang ngủ nên nói to:
-Dậy đi chú Hai ơi ! Sáng bét rồi.
Ông Hai biết không thể nín hơi được nên hỏi :
-Có chuyện gì vậy Tư?
Tư Lùn giục:
-Chú ngồi dậy mở cửa cho tui vô đi, rồi tui nói cho chú nghe cái chuyện nầy hay lắm !
Ông Hai nói:
-Hay ho gì chú cũng chẳng muốn nghe. Chú mệt lắm ! Hồi tối không ngủ được nên bây giờ trong người oải dữ quá ! Không ngồi dậy nổi đâu !
Tư Lùn nói:
-Chuyện nầy có lợi cho chú lắm ! Ráng một chút thôi, rồi tui giúp chú kiếm lại chiếc xuồng !
Ông Hai bực bội. Chính vì không muốn nghe ai nhắc đến chuyện nầy mà cả ngày nay ông không ló mặt ra đường. Cho dù đói bụng gần chết cũng chẳng thà uống nước cầm hơi chớ chẳng dám ra đình ăn cơm ké. Ổng cố tránh luôn cái việc bị ông em của mình tra tới, gạn lui.
Tư Lùn cam kết:
-Chú đừng có sợ! Tui nghe cô Tám Gói nói, chú đang ngủ trên xuồng thì bị tụi đó ôm liệng xuống sông rồi lấy mất chiếc xuồng của chú. Có đúng như vậy không ?
Ông Hai kêu khổ trong bụng, than thầm:
-Cái cô Tám nầy, bộ không sợ tụi nó trả thù hay sao mà oang oang cái miệng. Cái chuyện nầy không khéo lây lan tùm lum, khiến cả xóm mang họa chớ chẳng chơi !
Nghĩ vậy nên ông nói:
-Cổ hiểu lầm đó ! Chú kẹt tiền nên bán xuồng chớ có bị ai ăn trộm, ăn cướp gì đâu .
Tư Lùn chưng hửng:
-Vậy mà bà con lối xóm đồn rần rần. Họ nói là ...
Ông Hai ngắt lời y một cách không thương tiếc :
-Chú lớn tuổi, lớn xác tới cỡ nầy mà để cho người ta ôm thảy xuống sông, lấy mất cái xuồng rồi nằm im không dám làm gì hay sao ?
Tư Lùn nghe có lý, nhưng hỏi thêm cho chắc ăn :
-Vậy là chú bán chiếc xuồng chớ không có bị ăn cướp hả ?
Ông Hai đáp:
-Ừ ! yên tâm đi, chú không sao hết ! Cám ơn bây hỏi thăm.
Tư Lùn chưa chịu im, hỏi miết:
-Bán xuồng rồi chú làm gì mà sống ?
Ông Hai nói bừa:
-Tao đi dạy ?
Y ngạc nhiên:
-Chú mà đi dạy ? Dạy thứ gì ?
Ông Hai đáp thí mạng cùi:
-Dạy tiếng Anh ?
Tư Lùn đâu chịu tin, gặng tiếp:
-Thiệt hông ? Biết tiếng Anh thì chú đi vớt rác làm gì cho cực ?
Ông Hai đổ quạu:
-Thì tại chú thích.
Tư Lùn chưa chịu bỏ ra về.
Sợ phải nghe hỏi thêm, ông Hai bèn đuổi thẳng tay:
-Thôi về đi để cho chú ngủ .
Tư Lùn đâu đành lòng dừng lại chỗ đó, y còn một nỗi thắc mắc nữa nên hỏi ráng :
-Hèn gì hôm trước thấy chú đi với một ông cán bộ. Ổng là ai vậy chú ?
Ông Hai bật cười trước câu hỏi của Tư Lùn. Bà con xóm Đình ngộ lắm ! Thấy mặt là đặt tên liền. Hể thấy ai ăn mặc sang trọng, bộ dạng giàu có thì gắn mác là cán bộ hoặc Việt kiều. Nếu ai trắng trẻo, đi tắc xi, xe hơi đến thì khẳng định là Việt Kiều. Ông Tiến đen thui, chạy xe Dream nên họ để ổng ở lại trong nước và phong cho làm cán bộ.
Ông Hai đành giải thích:
-Cán cày, cán cuốc chớ cán bộ gì ! Đó là bạn chú, ở chung quê, học chung trường.
Tư Lùn hỏi ngang:
-Chắc ổng rủ chú đi dạy với ổng hả ?
Ông Hai đáp:
-Ừ! Ổng có mở cái trung tâm dạy ngoại ngữ nên rủ chú về làm.
Tư Lùn khi không mà nghe mừng giùm cho ông Hai quá đổi !
Y xúi liền, giọng khắp khởi:
-Nhận lời liền đi chú. Làm cái nghề sang trọng, thơm tho đó đi. Bỏ quách cái nghề nầy, coi lúc đó có ai còn xem thường chú không cho biết !
Ông Hai đáp:
-Ừ !
Rồi nói tiếp:
-Cám ơn nghe, thôi bây đi về đi !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 25
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 10 2017, 22:51
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tư Lùn "dạ", lòng tràn ngập một niềm vui vì đã hoàn thành nghĩa vụ mà không cần phải đổ máu. Y bỗng nhận ra, chút cảm tình rất nhỏ nhoi dành cho ông Hai trước đây, bỗng nở phình trong lòng mình như mấy hạt hột é ngâm trong nước, bèn cư xử một cách rất có văn hóa.
Y chào:
-Cháu về nghe chú. Xin lỗi phá giấc ngủ của chú. Chú ngủ lại cho ngon nghe !
Ông Hai cảm động đáp:
-Cám ơn !
Câu chào của Tư Lùn giống dư vị của miếng gỏi sầu đâu vừa nuốt qua cổ họng. Cái đắng đã trôi qua chỉ còn lại một chút ngọt ngào trên đầu lưỡi.
Những người đa cảm như ông Hai, thì chỉ cần một sự quan tâm nhỏ bé như thế thôi cũng đủ, cũng khiến lòng ông lâng lâng, vui như khi ngắm cầu vồng trên trời.
Nắng đã lên cao và cây cầu vồng tan biến ngay khi từ tấm vách phía bên kia, có một tiếng tằng hắng khá to và giọng nói của ông Chín mài dao vọng sang:
-Hai ơi ! Qua uống với bác ly trà đi cháu.
Ông Chín ít khi gọi ông Hai bằng cháu và xưng bác. Ổng lớn tuổi nhứt xóm nên cứ bây bây, tao tao với tất cả mọi người. Ổng chỉ nói ngọt trong trường hợp yêu cầu đối phương làm những việc quá sức họ mà thôi. Cho nên khi ổng xài những từ ngữ mướt mượt thì phải lo ngừa trước, phải liệu cái hồn.
Ông Hai quá biết điều đó nên từ chối một cách khéo léo:
-Cháu đang bị cái bao tử hành cho nên hồi tối không ngủ được. Bây giờ nó mới chịu êm, cháu tính dỗ giấc một chút. Bác thông cảm giùm cháu.
Ông Chín thở dài rồi nói:
-Đáng lẽ bác để cho cháu ngủ, nhưng mà cái chuyện nầy gấp lắm, không nói liền là không có được. Bởi vậy cực chẳng đã bác mới làm phiền cháu.
Ông Hai đành phải hỏi:
-Chuyện gì vậy bác ?
Ông Chín đáp:
-Cái nhà của bác dài quá rồi, bây giờ nối ra nữa không được. Hôm qua bác lên phường xin. Họ nói bác mà cất thêm là cản trở lưu thông, bị tháo liền tay còn bị phạt tiền nữa.
Ông Hai linh cảm một tai họa còn lớn hơn chuyện mất xuồng đang lơ lửng trên đầu mình.
Ổng hồi họp hỏi:
-Vậy rồi bác tính làm sao ?
Ông Chín lại thở dài thượt :
-Bác định nói với cháu là làm ơn cho bác cặp cái chái sau lưng nhà cháu có được hông ? Chừng hai thước thôi hà, vừa đủ cho hai vợ chồng nó chui ra, chui vào chớ không cần lớn.
Ông Hai nghe như có một tảng đá vô hình, từ trên trời rơi thẳng xuống nằm đè lên ngực mình.
Ổng tha thiết với căn nhà của mình hơn bất cứ thứ gì đang có. Hơn cả mục "Thế giới đó đây" trên ti vi. Hơn cả tấm lòng mà bà con lối xóm dành cho. Hơn miếng xôi cháy của cô Tám. Hơn cả tô canh chua mà bà Chín thỉnh thoảng bưng qua biếu. Hơn cả chiếc xuồng. Hơn tất cả mấy thứ đó cộng chung lại.
Khoảnh khắc mà ông mong đợi nhứt trong ngày là vào những buổi chiều, bưng tô cơm, ngồi trên bậc cửa sau, vừa ăn vừa ngắm trời, ngắm mây, ngắm nước.
Những đêm rằm, trăng tròn và nước lớn, ông châm một bình trà ngon, không ở trong nhà mà mang ra cây cầu ngồi nhâm nhi. Uống một mình nhưng rót đến hai ly, một ly cho ông, một ly cho cái vị khách có cái mặt tròn vo đang lơ lửng trên trời.
Thú vị nhất là khi trăng thò mặt vào ly! Rình tới lúc ấy, ổng trịnh trọng nâng ly trà của mình lên, chạm nhẹ vào cái ly của khách rồi đưa lên môi uống.
Niềm vui nhỏ nhoi đó đối với ông hết sức là quý giá. Ông chịu đựng sự vất vả, chịu đựng sự xem thường của mọi người, chịu đựng sự tấn công dồn dập của muỗi và mùi sình lúc nước ròng để chỉ đổi lấy duy nhứt cái khoảnh khắc ấy, cùng không gian phía sau nhà mình.
Ông Chín thấy ông Hai im ru lâu quá, nên đề nghị :
-Để bác gởi cho cháu một số tiền coi như bác mua cái khúc sau đó, có được hông Hai ?
Ông Hai nghe vậy lại còn buồn thêm gấp bội. Cho dù ông có đang cần tiền gần chết, cũng không bao giờ chịu bán cái khoảng không vô giá của mình, với bất cứ giá nào.
Ông Chín đang tính thầm trong bụng coi phải trả bao nhiêu cho phải mua vừa bán, thì nghe có tiếng thở còn buồn và dài hơn hai tiếng thở dài ban nãy của ông cộng lại.
Lúc nầy ông Hai mới chịu mở miệng:
-Cái nghề của cháu là phải đi đi về về mỗi ngày mấy bận trên sông. Phải có cây cầu sau nhà để cặp cái xuồng vô. Cho nên nếu bác cần thì cháu nhường cho bác phía trước, còn cháu ở phía sau. Có điều bác phải chừa cho cháu vài tấc để làm con đường đi vô nhà.
Ông Chín mừng rơn:
-Bác cám ơn cháu không biết để đâu cho hết !
Tần ngần một chút ổng lại hỏi tiếp:
-Bác phải gởi cho cháu bao ...
Ông Hai ngắt ngang:
-Bác khỏi phải trả cho cháu đồng nào hết. Có điều...
Ông Chín đoán ra ông Hai định nói điều gì, nên nói:
-Cháu đừng có lo! Ép cháu lùi về phía sau là quá bụng lắm rồi ! Bác đâu phải là người không biết điều. Bác chẳng để cho cháu tốn xu nào đâu.
Thực ra ông Hai định yêu cầu ông Chín chừa một khoảng trống giữa hai nhà, để đôi bên đều có chút riêng tư, không cảm thấy bức rức vì mất tự do.
Rồi ông nói thầm:
-Mình cần gì phải đòi hỏi chuyện đó. Vợ chồng thằng Út còn mới tinh mà ! Tụi nó cần điều đó còn hơn mình nữa. Chắc chắn thằng Út nó sẽ chừa tới quá mức cần thiết luôn, để tha hồ mà nựng vợ !
Thế nên ông làm thinh, nhắm mắt lại để mời giấc ngủ.
Giấc ngủ chưa đến mà một người khách khác lại tới.
Lại một tiếng gọi vang dội trước cửa:
-Hùng ơi ! Hùng !
Chỉ có một người gọi ông bằng cái tên trong lớp đó mà thôi .
Ông Hai than thầm trong lòng:
-Mấy lúc trông có người tới nói chuyện cho đỡ buồn thì chẳng ai có mặt. Tới chừng muốn yên lặng, đừng nghe tiếng ai thì hết người nầy tới người kia gọi. Thiệt là khổ!
Ổng chán tới nổi nằm im ru giả chết, ông Tiến phải gọi thêm hai chập nữa mới chịu lên tiếng.
Ông Hai hỏi bằng cái giọng chán mứa :
-Có chuyện gì vậy mậy ?
Ông Tiến mừng húm:
-May quá ! Tao chợt nhớ ra là mầy dặn là tối hãy tới. Tao tính gọi thêm một lần nữa, mầy mà không lên tiếng là bỏ về rồi một lát quay trở lại.
Ông Hai hỏi:
-Bộ không chờ được tới tối hay sao ?
Ông Tiến thở ra:
-Chờ được thì tao đâu có kêu mầy giựt ngược.
Ông Hai gắt:
-Sao hôm kia không chịu nói ?
Ông Tiến đáp:
-Hôm kia còn yên, còn lành...Có cái gì đâu mà nói ? Nó mới xảy ra tức thì !
Ông Hai trù trừ:
-Bộ hết người rồi hay sao mà tìm tới tao ? Tao thì giúp gì được cho mầy đâu mà....
Ông Tiến không để cho ông Hai nói dứt câu, liền hỏi:
-Bộ bữa nay mầy không đi vớt rác hay sao mà nằm nướng tới giờ nầy ?
Ông Hai hỏi lại một câu y chang:
-Bộ bữa nay mầy không đi vớt tiền hay sao mà tới kiếm tao ?
Ông Tiến nói:
-Tao có chuyện nầy cần kíp lắm! Mầy mà không cứu chắc tao chết ngắc quá.
Ông Hai hỏi:
-Chuyện gì ?
Ông Tiến khẩn khoản:
-Mầy chịu khó ngồi dậy, mặc bộ đồ vía vô rồi đi với tao lại đây một lát !
Ông Hai hỏi:
-Đi đâu mà phải mặc đồ vía ?
Ông Tiến năn nỉ:
-Một chút lên xe rồi tao nói .
Để có tác dụng hơn, ổng bổ sung:
-Chuyện quan trọng lắm ! Sống chết chớ chẳng chơi .
Ông Hai ngập ngừng:
-Bộ đồ ăn nói của tao mới giặt chưa khô, làm sao mà mặc ?
Ông Tiến đáp :
-Thì mầy mặc bộ đồ khác !
Ông Hai cằn nhằn :
-Tao chỉ có mỗi bộ đồ đó là coi được thôi !
Ông Tiến nghĩ liền một cách, ổng nói:
-Được rồi ! Mầy khoan thay đồ, chờ tao một chút.
Ổng đề cho chiếc xe nổ máy, trước khi đi còn dặn :
-Mầy đừng có đi đâu nghe ! Tao quay lại liền.
Rồi rồ ga, vọt một cái ào.
Ông Hai hết mong ngủ lại, bèn ngồi dậy vắt mùng lên, đi rửa mặt đánh răng.
Ổng nhớ lại mấy câu đối đáp với Tư Lùn nên nghĩ:
-Chắc thằng Tiến đã nói chuyện với vợ về cái việc kéo mình về làm cho nó. Chắc vợ nó muốn gặp mình một lần nữa để phỏng vấn đây mà.
Nghĩ thế nên ông quyết định tổng vệ sinh thân thể. Tắm gội thật kỹ càng, còn lấy bàn chải chà mấy cái móng tay, móng chưn cho thiệt sạch để không làm bạn mất mặt.
Tóc chưa ráo nước thì đã nghe tiếng ông Tiến kêu om sòm:
-Hùng ơi ! Mở cửa cho tao đưa cái nầy .
Ông Hai một tay cầm khăn, một tay mở cửa. Ông Tiến đưa cho ông cái bọc rất to rồi nhìn cái khăn tắm te tua mà nói bằng cái giọng tiếc xót:
-Chết cha, tao quên mua cho mầy mấy cái khăn.
Rồi nói thêm:
-Mầy lấy một bộ trong nầy mà mặc nè !
Ông Hai mở ra. Trong túi toàn là quần áo mới tinh, chưa bóc "mạc", còn thẳng băng, giữ nguyên nếp gấp trong những cái bao trong suốt : Ba cái quần tây với ba màu nâu, đen, xám; Ba cái áo sơ mi tông xuyệt tông với quần; Mấy cái quần sọt ; Vài cái áo thun ba lỗ trắng tinh.
Ổng quở:
-Mua làm chi mà nhiều dữ thần ôn. Một bộ là đủ rồi .
Ông Tiến nói:
-Sắm một lần cho đỡ mất thì giờ, trước sau gì cũng cần tới chúng.
Thấy bạn sạch bong, ổng tỏ vẻ hài lòng, gật gù cái đầu rồi giục:
-Thay lẹ đi mầy !
Ông Hai khép cửa, dặn bạn:
-Chờ tao một chút, đừng có sốt ruột.
Lát sau, khi ông Hai mở cửa bước ra, ông Tiến kinh ngạc khi thấy bạn mình như thể đã lột xác, đã hoàn toàn khác xa cái con người mà ổng vừa thấy mới mấy giây trước, một trời, một vực.
Ông Tiến nhìn bạn, chép miệng, nói như phân bì với ông trời:
-Sao mầy sống thiếu tiện nghi mà trẻ hơn tao quá vậy ? Tóc chỉ hơi hoa râm nhưng còn rậm rạp, chớ chưa bị hói như tao. Da mặt cũng thẳng bon, không có tới một nếp nhăn. Còn đẹp trai con bà Hai quá cỡ !
Ông Hai đùa:
-Tao thiếu cái tài nên ông trời bù cho phần nhan sắc. Mầy có muốn đổi hông ?
Ông Tiến chặc lưỡi:
-Phải đổi được thì tao cũng đổi !
Ổng chờ ông Hai lấy đôi giày tây ra, lau bụi mang vào, rồi hỏi nhỏ:
-Mấy bộ đồ đó mắc tiền lắm! Nhà mầy cái cửa lỏng le, ổ khóa nhỏ xíu, coi chừng mất đó !
Ông Hai thở dài:
-Không sao đâu ! Tao mới bị mất cái xuồng rồi, chắc nó tạm tha ít hôm chớ không nỡ cạn tàu ráo máng, vét sạch nhà tao nữa đâu.
Ông Tiến hỏi:
-Bộ chiếc xuồng, cái cần câu cơm của mầy bị mất rồi hả ? Hồi nào vậy ?
Ông Hai đáp:
-Thì còn khi nào nữa ? Lúc đi với mầy đó !
Ông Tiến chẳng những không tỏ vẻ ăn năn cho phải đạo, đã vậy còn mừng ra mặt.
Ổng vừa cười, vừa nói:
-May quá ! Hồi nãy tao tính mua cái loa với cái bình ắc quy cho mầy mà gấp quá nên tính để lần khác. Nếu mua rồi thì biết xài vào việc gì ?
Ổng làm như cái xuồng mất là ông Hai phải bỏ luôn cái nghề vớt rác. Đâu có biết rằng ông Hai chỉ muốn dựa vào ổng để qua lúc ngặt nghèo. Chừng sắm nổi chiếc xuồng thì tiếp tục hành nghề trở lại.
Ông Hai hỏi:
-Nãy giờ mầy cứ hối, cứ nói là gấp gáp, là có chuyện rất quan trọng cần tao giúp. Chuyện gì vậy, nói cho tao nghe thử coi có làm được hay không ?
Ông Tiến gật đầu:
-Chắc chắn rồi ! Phải nói cho mầy biết rồi mới nhờ chớ !
Ông Hai nói:
-Hổng chừng là mấy giúp tao nhiều hơn tao giúp mầy nữa đó !
Ông Tiến hỏi :
-Sao mầy lại nói vậy ? Chuyện nầy đâu có đem lại lợi lộc cho mầy chút xíu nào đâu !
Ông Hai nghe vậy thì ngạc nhiên, bèn hỏi lại :
-Vậy ra chẳng phải mầy chở tao tới nhà cho bà xã mầy nắn gân, nắn cốt. Coi tao có đủ sức mà điều hành cái trung tâm ngoại ngữ của tụi bây sao ?
Ông Tiến lắc đầu nguầy nguậy :
-Chuyện đó thì ăn thua gì, tao quyết định một cái rụp đâu cần thông qua bả. Chuyện nầy quan trọng gấp cả trăm lần, không có mầy thì tao chết chắc !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 26
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 10 2017, 22:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai nói với vẻ kém tự tin:
-Ngoài chuyện đó ra tao đâu còn giúp mầy được chuyện gì .
Ông Tiến khẳng định:
-Được, được mà ! Chỉ sợ mầy ngại mắc công...
Ông Hai nói:
-Công thì tao không lo mất. Bây giờ đang rảnh cả ngày, tao cũng muốn kiếm chuyện gì làm. Tay chưn bận bịu thì đầu óc mới thảnh thơi.
Xe chạy ngang qua khu vực bán hàng ăn. Khói từ mấy cái vỉ nướng thịt đặt sát bên lề, trước cửa của mấy cái quán bán cơm tấm, bún thịt nướng bay mù mịt. Chúng vâng lời chủ, chui vào mũi rồi chạy tọt vô bao tử của bất cứ ai đang đi trên đường. Cái dạ dày đang trống rổng của ông Hai, liền phát ra tiếng kêu rồn rột.
Ông Tiến chợt nhớ ra nên hỏi:
-Mầy có đói bụng chưa ?
Ông Hai đáp:
-Đói gần chết ! Hai ngày nay tao chưa có hột cơm nào bỏ bụng.
Ông Tiến ghẹo:
-Hèn gì vừa đi tới đây, khói mới đụng tới lỗ mũi là cái bao tử của mầy nó "queo khom " lia lịa.
Ông Hai cười, nói để gỡ quê:
-Mầy đừng có nhạo tao, thử nhịn đói một lần đi cho biết !
Ông Tiến đáp:
-Mầy làm như tao chưa bị đói lần nào !
Rồi nói như xưng tội:
-Cái số mầy coi bộ gian nan quá Hùng ơi !
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy nói vậy ?
Ông Tiến vừa cho xe ghé vào cái quán cơm tấm khá bề thế, trông rất sang, vừa nói:
-Hôm bữa đưa mầy về xong. Tao quay về nhà, vô bếp thấy ba cái hộp đồ ăn để trên bàn, tao tức muốn bể ruột. Chiều hôm đó đáng lẽ vợ chồng tao đi ăn đồ nướng, tao nhứt định trừng phạt mình với bả bằng cách ở nhà ăn cơm nguội với mấy món đó. Tao cảm thấy đem bỏ là có tội với mầy nhiều lắm !
Ông Hai kéo ghế ngồi xuống rồi hỏi:
-Mầy quên chớ bộ tại bà xã mầy sao mà...
Ông Tiến cãi :
-Tại bả làm tao quýnh lên, cứ đeo hỏi cái "chóp" của mầy hoài.
Ông Hai nghĩ thầm:
-Thằng nầy nó bị "méo mó nghề nghiệp" rồi ! Hở hở là chêm tiếng Anh.
Ông Tiến không ngồi xuống ghế mà bước thẳng lại cái tủ kiếng chứa thức ăn, chỉ tay vào từng món, ra lịnh cho người phụ nữ đang đứng bán:
-Cho hai dĩa, một cơm ít, một cơm nhiều. Dĩa cơm ít thì cho món nầy. Còn dĩa cơm nhiều thì lấy món nầy, món nầy, món nầy, món nầy.
Thấy ông khách coi bộ sộp quá, kêu toàn những món mắc tiền. Người phụ nữ, có lẽ là bà chủ, mặt mày tươi rói, vâng, dạ liền miệng.
Ông Tiến vừa quay lưng bỗng chợt nhớ ra, bảo:
-Làm liền nghe !
Lần nầy không riêng gì bả, cả cô gái đang cầm cái khăn trắng tinh lau cái bàn trống mà khách vừa đứng đậy đi, cũng "dạ" một tiếng thật to.
Ông Hai nhìn bạn, so sánh ông Tiến doanh nhân hôm nay với cậu sinh viên ngày nào. Chợt cảm nhận một cách hết sức sâu sắc sức mạnh của đồng tiền.
Chỉ mấy phút sau, cô gái phục vụ hai tay bưng hai dĩa cơm đến đặt lên bàn của họ liền.
Ông Tiến kéo cái dĩa cơm ít về phía mình, đẩy cái dĩa to, đầy tú hụ với nào là sườn nướng, lạp xưởng chiên, tôm kho tàu, chả cua về phía bạn.
Ông Hai nhìn cái dĩa cơm to đùng của mình, rồi tới cái dĩa ít xịt với chỉ một cái trứng ốp la nằm trên lớp mỡ hành của bạn, hỏi một cách ngạc nhiên:
-Sao bây giờ mầy ăn ít dữ vậy ?
Ông Tiến nói:
-Tao cũng không biết !
Ông Hai vừa múc nước mắm rưới lên cơm vừa nói:
-Tao thấy cái bụng của mầy binh rỉnh, cứ tưởng mầy ăn gấp hai, gấp ba lúc trước.
Ông Tiến thở dài:
-Hồi đó ăn quá trời mà lúc nào cũng đói. Cái bụng lúc nào cũng lép xẹp. Nói thiệt với mầy chớ lúc đó tao nằm chiêm bao thấy đồ ăn nhiều hơn thấy gái. Còn bây giờ thì...
Ông Hai nối theo:
-Thấy gái nhiều hơn thấy đồ ăn.
Câu nói của ông Hai khiến ông Tiến nhớ lại cái tình cảnh rối rắm đang đương đầu nên no ngang. Ổng không đụng tới dĩa cơm, mà gọi:
-Cho một ly cà phê sữa đá !
Rồi hỏi ông Hai:
-Mầy uống gì ?
Ông Hai đáp:
-Trà đá !
Thấy ông Tiến không cầm muỗng lên, ổng hỏi:
-Sao mầy không ăn ?
Ông Tiến đáp xuôi xị:
-Tao đang lo quá nên ăn không vô.
Ông Hai ngưng nhai, hỏi:
-Chuyện gì mà lo ?
Ông Tiến chưa kịp trả lời, điện thoại trong túi đã réo inh ỏi.
Ổng móc cái điện thoại màu đen ra, bấm ngón tay vô một cái núc rồi đặt lên lỗ tai, ghé miệng hỏi:
-Alô?
Có tiếng khe khẻ phát ra từ trong đó. Ông Tiến vừa ừ vừa gật đầu từng chập, gật đúng sáu cái ổng mới bắt đầu nói. Giọng khẻ khàng năn nỉ:
-Anh sắp đến rồi, chừng hai mươi phút nữa thôi. Em ráng chịu đựng, ráng trấn an ổng. Đừng có lo, anh đã có cách giải quyết. Mình đã gặp cứu tinh rồi !
Ông Hai nghe lõm bõm, tiếng con gái từ đầu dây bên kia vọng tới:
-Anh mà không...là em tự tử...chết cùng một lượt.
Ổng không dám hỏi sợ bạn chê mình nghe lén. Giả bộ tập trung vào dĩa cơm, nhưng trong bụng rất nôn nao chờ nghe ông Tiến giải thích.
Ông Tiến đoán ra ngay là bạn mình đang chờ đợi điều gì. Ổng ho khan một tiếng, cố đẩy cái nút vô hình đang trám trong cổ họng vọt ra ngoài.
Ổng hỏi:
-Mầy biết ai vừa gọi cho tao hông ?
Ông Hai làm bộ miễn cưỡng:
-Ai vậy ?
Ông Tiến thở dài:
-Con bồ của tao !
Ông Hai hỏi:
-Cổ nói chuyện gì mà cái mặt mầy bí xị vậy ?
Ông Tiến đưa tay lên cái đỉnh đầu lưa thưa tóc của mình, gãi sồn sột rồi nói:
-Hôm qua ông già, bà già của nó cùng xuống Sài gòn, vừa thăm con gái vừa khám bịnh. Ổng bả rảnh rang quá nên dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, giấy tờ của nó rồi phát hiện cái sổ khám thai. Ổng đang "quậy" tưng bừng, bắt nó phải giao nộp thủ phạm cho ổng.
Ông Hai không ăn cá mà bỗng bị triệu chứng mắc xương. Ổng há hốc rồi nuốt một cách hết sức khó khăn cái miếng cơm đang nằm trong miệng.
Ông Tiến nói tiếp:
-Nó hăm he, tao mà không giải quyết là nó tự vận...
Ông Hai hỏi:
-Mầy không thú thiệt với vợ được sao ?
Ông Tiến lắc đầu:
-Vợ tao ngoài cái bệnh ghen, còn có cái bệnh sĩ diện nữa mầy ơi ! Bả mà biết là tống tao ra khỏi nhà, lột sạch sẽ, chỉ chừa cho tao mỗi một cái quần xà lỏn trên người mà thôi! Con bồ của tao cũng không được yên thân đâu. Mầy không biết đòn ghen là đòn trí mạng hay sao?
Ông Hai hỏi:
-Có phải vì vậy mà mầy định nhờ tao ...
Ông Tiến gật đầu:
-Mầy làm ơn đóng vai tao, tới trình diện rồi ...
Nói tới đó ổng ngắc ngứ.
Ông Hai hỏi:
-Rồi sao nữa ?
Ông Tiến nhìn ông Hai bằng đôi mắt chứa đựng vô số dấu chấm than, khiến ông Hai không chịu nổi phải cúi mặt nhìn xuống cái dĩa thức ăn của mình.
Ổng nói bằng giọng van nài:
-Mầy ráng đáp ứng yêu cầu của ổng. Ráng giúp giữ đứa con của tao lại giùm !
Ông Hai thở dài hỏi:
-Mầy có biết là đang đòi hỏi tao làm một việc quá sức hay không ?
Ông Tiến đáp:
-Tao biết nhưng đâu còn cách nào...
Ông Hai nói:
-Sao mầy không thuê người tổ chức một cái đám cưới giả, mướn một chú rể giả...
Ông Tiến lắc đầu:
-Cái đó nguy hiểm lắm ! Rủi cái tụi đó, chúng nắm được cái bí mật mà tao che giấu, chúng quay sang tống tiền thì còn rắc rối, còn sanh ra không biết bao nhiêu điều tệ hại. Hậu quả khó lường lắm mầy ơi ! Tại tao muốn có con quá, chớ mầy biết tao đâu có thuộc cái típ hảo ngọt.
Ông Hai lắc đầu:
-Nhiều cặp vợ chồng không con họ sống với nhau đầm ấm lắm. Không có con cái, họ còn có nhiều thì giờ dành cho nhau và thương nhau hơn.
Ông Tiến cười buồn:
-Những cặp đó, chín mươi chín phần trăm lỗi thuộc về người chồng, chỉ có phụ nữ mới có lòng bao dung, an phận với hoàn cảnh đó mà thôi !
Ổng nói thêm:
-Tao biết từ lúc đi học, mầy đã ôm mộng trở thành một người có ích. Mầy chọn việc vớt rác đâu phải vì kế sinh nhai, chỉ vì muốn làm chuyện tốt, đúng không ?
Ổng nhìn vào mắt ông Hai để thăm dò phản ứng. Thấy có chút hy vọng bèn bồi thêm:
-Tao hỏi mầy ! Còn có điều gì tốt hơn là cứu mạng người. Đâu phải chỉ tánh mạng của hai mẹ con nó mà kéo theo luôn cả một gia đình. Nào là cha mẹ, anh, chị, em...Có khi còn lây lan qua họ hàng nội, ngoại.
Ông Hai hỏi một cách phẩn nộ:
-Vậy mầy không định chết theo luôn sao ? Mầy gây tội tày trời rồi nhỏ mấy giọt nước mắt, rồi quên, rồi lập lại trên một người phụ nữ khác !
Ông Tiến chấp tay, xá dài rồi nói:
-Một lần nầy tao tởn tới già rồi. Chuyện nầy mà xong xuôi, tao sẽ giúp cho nó một số tiền lớn để nó có đủ điều kiện nuôi con tao. Chừng nào còn sống tao còn chu cấp cho hai mẹ con nó đầy đủ.
Ông Hai hỏi:
-Bộ mầy tính chia tay với cổ hả ? Mầy không sợ ảnh hưởng tới tính cách của con mầy sao ? Mấy đứa trẻ bị mang tiếng con hoang mặc cảm lắm !
Ông Tiến lắc đầu:
-Tao cố gắng làm đầy đủ bổn phận của mình. Thiếu gì trường hợp khi người chồng chết bà vợ mới biết ông ta đã ngoại tình, đã có con riêng.
Ông Hai hỏi tiếp:
-Mầy tính sống cảnh núp lén, với sự lo sợ rình rập bên mình nầy suốt đời hay sao ?
Ông Tiến đáp:
-Tới đâu hay tới đó ! Biết đâu vợ tao đổi tánh, hết ghen và tha thứ cho tao. Biết đâu bả...
Nói tới đó ổng dừng lại.
Ông Hai mai mỉa:
-Chết !
Ông Tiến nhìn ông hai bằng đôi mắt tràn đầy khổ đau và xấu hổ.
Ổng thở dài rồi hỏi :
-Mầy chửi kiểu nầy chắc không chịu giúp tao phải hông?
Ông Hai cũng thở dài:
-Chính vì không nỡ không giúp mầy nên tao mới tức, mới chửi cho đã miệng. Cái bọn nhà giàu tụi bây, làm ăn bầy hầy, xả rác tùm lum rồi bắt tụi tao dọn gần chết !
Ông Tiến thở ra một cái khì. Ổng muốn nói lời cám ơn mà thấy nó quá tầm thường, không thể diễn đạt hết cái tình cảm của mình đối với bạn lúc nầy nên im luôn.
Ông Hai nhắc:
-Mầy ăn cho hết dĩa cơm rồi mình đi.
Ông Tiến tuy mừng đến không thấy đói, nhưng cũng riu ríu nghe theo.
Lúc trả tiền, ổng boa cho người phục vụ tất cả số tiền lẻ khiến cô ta mừng tới nín thở.
Ông Hai nghĩ thầm :
-Cái thằng nầy cũng chưa đến đổi tệ lắm !
Chiếc xe lại chạy bon bon. Cả hai đều lặng thinh. Ông Hai lo nhìn quang cảnh hai bên đường. Bình Chánh là một quận vùng ven, địa thế trũng nên có rất nhiều kinh rạch.
Ông Hai cảm thấy lòng buồn vô hạn khi nhận ra tận nơi nầy, các con kinh cũng bị rác xâm chiếm. Mấy cái bọc ni lông trôi lều bều trên mặt nước, một số mắc kẹt trên những bè rau muống trồng dọc theo bờ. Vỏ dừa, củi mục tấp nập, không thua kém mấy con kinh ở nội đô chút nào.
Ông Tiến bỏ con lộ lớn trải nhựa để rẽ vào một con đường đất nhỏ, rồi thình lình thắng lại trước căn nhà đúc một tầng, có hàng rào xi măng cao nghệu.
Ổng không xuống xe mà vói tay nhấn chuông.
Đáp lại tiếng chuông là tiếng chân chạy vội cùng giọng nói của một người con gái :
-Ảnh tới rồi đó !
Cánh cửa sắt khá kiên cố được kéo qua một bên. Gương mặt của cô gái thò ra. Thấy người lạ cổ bèn cúi đầu thật thấp để chào, không nói một tiếng nào.
Bàn tay ông Hai như bị mắc kẹt vào sợi dây nón. Ổng nhìn trân trối cô gái, đúng hơn là nhìn chăm chăm vào gương mặt khá xinh đang ngước nhìn mình.
Không phải gương mặt hơi tròn với làn da trắng mịn, không phải đôi môi đầy gợi cảm, không phải đôi mắt rất đẹp, rất trong... Không phải sự phối hợp hài hòa của chúng đã tạo thành một nét đẹp rất thuần phác, thu hút mất hồn ông. Chính bởi cái nút ruồi đen, nhỏ bằng hột ổi nằm ngay trên chót mũi xinh xinh của cô ta đã khiến ông kinh ngạc, chết đứng như vừa bị điểm vào tử huyệt !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 10 2017, 02:22
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Quá ly kỳ à nghen tỷ!
. :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 10 2017, 02:55
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Bông hồng đẹp và thơm quá ! Cám ơn Ốm nghen !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 27
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 10 2017, 21:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cũng may mà ông Tiến đang chăm chú quan sát chiến trường. Ổng đang phóng tia mắt về phía trước, nhìn đăm đăm vào nhà, xem đối phương có đang phục kích họ không, chẳng để ý chút nào đến việc ông Hai đang đứng chết sửng sau lưng. Nếu quay lại nhìn biết đâu ổng cho rằng bạn mình...rồi đổ ghè tương lênh láng.
Cô gái thì có ! Cô cảm nhận tia mắt sửng sốt và nét mặt choáng váng của ông Hai. Cổ cười mỉa trong bụng, nhủ thầm một cách tự hào:
-Cha nội nầy coi bộ bị sét đánh trúng rồi.
Qua giây phút bàng hoàng, ông Hai cũng dần trấn tĩnh. Ông liếc nhìn cô gái để thăm dò phản ứng. Thấy cô ta tỉnh rụi, ổng biết cổ không nhận ra mình nên thở phào nhẹ nhỏm.
Ông Tiến vừa thò tay ra sau lưng để kéo tay ông Hai, vừa nói:
-Đi mầy !
Ổng cố tình để ông Hai đi trước mình. Họ vừa đặt chưn tới thềm là được một đôi vợ chồng lớn tuổi, có lẽ đã chực sẵn bước ra nghênh tiếp.
Người phụ nữ nhỏ thó, có dáng điệu rụt rè và cái nhìn hiền khô. Bả ngó ông Hai với cái miệng he hé như phân vân không biết có nên cười một cái hay không ?
Người đàn ông trạc tuổi ông Chín mài dao thì hoàn toàn ngược lại. Đôi mắt ông ta như hai mũi khoan, đang khoét hai cái lỗ tròn vo, sâu hút trên gương mặt ông Hai.
Ông Hai bỗng nghe mình trẻ ra đến ba, bốn chục tuổi. Cái cảm giác của người ăn vụng bị bắt gặp đã chìm sâu trong dạ, tưởng đâu hoàn toàn chết ngộp, nào ngờ lại hồi sinh một cách vô cùng mãnh liệt. Cho dù lần nầy ổng hoàn toàn vô tội, bởi đâu chấm mút chút nào !
Ổng, người tự cho mình là "cây ngay không sợ chết đứng", không ngán bất cứ một ông nhỏ, ông lớn nào, đôi phen còn lên tiếng bắt bẻ ông trời. Bây giờ chợt rung cái cẳng trước cái ông "cha vợ" nầy.
Ông Hai cúi gập cái đầu, chào một cách lễ phép:
-Con kính chào hai bác !
Ông "cha vợ " bèn tằng hắng một tiếng rất to để thị uy rồi hỏi:
-Cậu là thằng Dũng, bồ của con Thư phải không ?
Ông Hai chưa biết trả lời sao thì cô gái đã nói hớt :
-Ba để cho anh Dũng với bạn ảnh ngồi xuống rồi muốn hỏi bao nhiêu thì hỏi .
Nghe con gái nhắc một cách trịnh trọng, liếc thấy cả hai đều "đường đường một đấng...". Ổng bèn chỉ tay vào bộ sa lông rồi mời, xuống giọng đến mấy tông:
-Hai cậu ngồi đi !
Rồi ngồi xuống cái ghế dài nhứt, đặt ngay chính giữa trước.
Ổng ngoắc bà vợ của mình- bả đang quay lưng, dợm cẳng, chắc có ý định rút lui vào hậu trường- vỗ tay lên chỗ trống bên cạnh một cái "bộp" rồi bảo:
-Bà lại đây mà ngồi.
Bà ta riu ríu tuân theo.
Ông Tiến, tên tội đồ đích thực, ung dung ngồi xuống cái ghế phía trái. Ông Hai, vẫn chưa được phục hồi nhân phẩm, ngồi một cách rụt rè lên cái ghế đối diện.
Chờ ông Hai an tọa xong. Ông "cha vợ" bắt đầu sát hạch liền.
Ổng nhập đề theo lối "trực khởi" :
-Bây giờ cậu tính sao ? Cưới hay là không ?
Ông Hai chưa kịp đáp, thì ổng lại hỏi tiếp, giọng có phần nghiêm khắc hơn:
-Cậu có vợ con gì không ?
Ông Hai đáp vội:
-Dạ không !
Ông "cha vợ " hỏi lại :
-Không là không cái gì ? Không có cưới, hay là không có vợ ? Nói cho rõ ràng !
Ông Hai "điền vào chỗ trống " thật chính xác :
-Dạ cưới và con chưa có vợ.
Ông "cha vợ " vẫn chưa yên bụng, điều tra tiếp:
-Làm cái giống gì mà tới cái tuổi nầy còn chưa chịu lấy vợ ?
Ông Hai đáp:
-Tại con lo làm ăn, công việc chiếm hết thời giờ nên chưa rảnh...
Ổng nạt ngang:
-Vậy lấy thời gian ở đâu mà de con Thư rồi làm cho nó mang bầu vậy ?
Ông Hai cứng họng.
Cô gái tên Thư vội đỡ lời:
-Ảnh bị tam tai, xui tới ba năm. Cái năm nay kỵ tuổi của ảnh dữ lắm ! Tụi con định để qua...
Ổng đập tay xuống bàn một cái rầm, hỏi:
-Để tới chừng nào ? Để bôi tro, trét trấu lên mặt tao với má mầy thêm mấy lớp nữa hả ?
Cả nhà ngồi im ru. Cô gái cúi đầu, hai giọt nước mắt rơi lên vạt áo.
Ổng lại đập tay lên bàn, lần nầy còn mạnh hơn, nói như quát:
-Bây giờ phải làm đám cưới liền tay, cho dù kỵ tới toi mạng cũng phải làm. Để cái bụng thè lè ra là mang nhục với bà con, họ hàng đó, biết chưa ?
Bà vợ lấy tay sờ nhẹ lên bàn tay của chồng rồi nói, giọng nhẹ hều:
-Ông nói nhỏ nhỏ một chút, hông thôi lối xóm họ nghe được, họ cười.
Bả quên rằng hể mình mà khuyên là chồng đều làm ngược lại.
Ổng quát to:
-Cái thằng nầy nó đi muốn mòn mấy con đường ở đây rồi. Tụi nó qua lại, tới lui, ăn giầm, nằm dề với nhau hà rầm, còn ai không biết nữa mà bày đặt giấu.
Ông Tiến đến lúc nầy mới lên tiếng:
-Xin bác bình tĩnh, để ...
Ổng mới nói tới đó là bị chặn họng, ông "cha vợ" của ổng hỏi liền:
-Cậu là cái gì của thằng Dũng ?
Ông Tiến đáp:
-Tụi con chỉ là bạn, nhưng thân còn hơn anh em ruột. Hai đứa con làm ăn chung với nhau...Con sẽ đứng ra tổ chức lễ cưới cho ảnh.
Ổng liền hỏi:
-Cha mẹ, anh chị em nó đâu mà không làm việc đó ?
Ông Tiến đáp đại:
-Ảnh chỉ có một mình thôi !
Nghe ông Tiến giải thích, ông "cha vợ " cảm thấy mũi lòng. Ổng liền dịu giọng, quay mặt về phía ông Hai hỏi thêm cho chắc ăn:
-Vậy ra cậu là con mồ côi hả ?
Ông Hai "dạ" một tiếng nhỏ xíu.
Ổng thở ra một hơi rồi nói:
-Như vậy cũng tốt, làm một đám phía nhà gái thôi, mà phải tổ chức cho đàng hoàng. Phải lạy bàn thờ ra mắt cữu huyền, trình diện với bà con bên nội, bên ngoại đều đủ. Phải làm cho thiệt tình chớ không được "hình thức", phải đãi đằng coi sao cho được đó nghe không ?
Rồi ổng nắm chặt cứng bàn tay như kềm con cá không cho nhảy ra, đập lên bàn mà nói:
-Bữa nay hai đứa đi sắm đồ.
Ổng đập tay thêm lần thứ nhì:
-Ngày mai đi về nhà.
Đập tay lần thứ ba:
-Ngày mốt là làm đám...
Bà vợ nhắc nhở:
-Ngày mốt là mùng năm đó ông !
Ổng nạt rân:
-Mùng năm, mùng sáu gì cũng kệ !
Lần nầy bà vợ không chịu nhịn, bả nói:
-Chậm lại một ngày có mất miếng nào đâu ? Tụi nó ăn đời ở kiếp với nhau, phải lựa ngày cho kỹ. Rủi có bề gì thì ở chưa nát chiếc chiếu là...
Ổng ngắt ngang:
-Vậy sao cái lúc "xáp lá cà" tụi nó không coi ngày cho kỹ đi. Đến non nước nầy thì coi ngày sao kịp. Có bỏ mạng hết hai đứa tui cũng không xót ruột chút nào.
Bả vẫn khăng khăng:
-Ông đừng có giận quá rồi mất trí, bộ không nghe ông bà dạy hay sao ?
Rồi bả đọc liền:
-"Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Đủ ba ngày đó chớ ra ngoài đường ". Cho dù mình làm thí mạng đi nữa, bà con, nhứt là mấy người ở xa, chưa chắc họ dám đi.
Lần nầy ổng không cự lại nên bả mạnh dạn nói thêm:
-Đám cưới ít gì cũng phải mời trước một tuần. Dân làm ruộng đâu có tiền nhiều trong túi. Phải để cho người ta có thì giờ kêu bán lúa, mới có mà bỏ vô bao thơ chớ. Đi tay không ai mà dám tới. Mình nấu linh đình rồi chẳng có ai ăn, lúc đó lỡ làng hết trơn ! Mất tiền không nói gì mà còn ê mặt nữa.
Ông "cha vợ" làm thinh. Ổng tức mình vì rốt cuộc lần nào bả cũng thắng. Ổng quay sang đổ cục "tức" của mình lên đầu ông Hai.
Ổng nói một cách hằn học:
-Trăm sự cũng do cậu mà ra. Tại sao không nín nhịn chờ cưới xong rồi hãy...Tai sao đầu hai thứ tóc rồi mà còn bồng bột như con nít vậy hả ?
Ông Hai gãi đầu:
-Xin bác tha lỗi cho con...
Ổng định nói thêm :
-Con hứa sẽ làm một người chồng tốt !
Nhưng rồi kịp nghĩ. Ổng nhận ra điều đó quá sức chịu đựng của mình, bèn thắng lại liền.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu