Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 20:35
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271264 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 28
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 10 2017, 20:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Bà má của Thư bỗng hỏi ông Hai:
-Nhà cháu ở đâu ?
Câu hỏi quá đơn giản nhưng lại làm cho cả ông Hai lẫn ông Tiến rụng rời.
Ông Tiến không hổ danh "phù thủy" mà bạn bè trong giới doanh nhân đặt cho. Trong lúc ông Hai còn đang lúng túng, ổng trả lời thay cho bạn:
-Công việc của tụi con phải đi đây, đi đó nhiều lắm ! Tụi con có một chi nhánh ở Hà Nội cho nên ảnh phải túc trực ngoài đó, khi nào về Sài gòn thì...
Nói tới đó ổng ngưng lại liền, bỏ câu nói treo lửng lơ. Đây là một tình huống bất ngờ phát sinh, không có trong kịch bản. Ổng phải cương đại để đối phó, nên cần dè dặt, tiết kiệm lời nói một cách tối đa. Bởi đâu biết Thư diễn tả về ông bồ của mình như thế nào với ba, má cổ.
Thư nhanh trí nên nói một lèo:
-Khi nào về Sài gòn thì ảnh mướn một phòng trong khách sạn để ở. Mà cũng ít khi về lắm, năm ba tháng mới về một lần. Tụi con hiếm khi gặp nhau lắm !
Bà "má vợ" chắc lưỡi:
-Sao không về đây ở mà mướn khách sạn làm chi cho tốn tiền ?
Lúc nầy ông Hai mới chịu nhập vai.
Ổng đáp:
-Tụi con chưa cưới nên phải giữ thể diện cho cổ.
Bà "má vợ" hỏi tiếp:
-Vậy rồi cưới xong phải tính làm sao ? Hổng lẽ cứ vợ trong Nam, chồng ngoài Bắc ? Con Thư đang mang bầu mà ở một mình đâu có được.
Bả vừa nói vừa nhìn đăm đăm vào mặt ông Hai.
Ông Hai chới với, chưa biết trả lời sao thì bả bồi thêm một câu:
-Rủi nó chuyển bụng bất tử thì ai đưa đi đẻ ?
Ông Tiến lật đật cứu nguy:
-Tới đó chắc tụi con phải thu xếp lại. Con sẽ ra ngoài ấy còn ảnh ở trong nầy.
Bả bỗng quay qua hỏi thăm ông Tiến:
-Chắc cậu đã có gia đình rồi phải hông ? Vợ có đi làm hông ? Được mấy cháu rồi? Nhà ở đâu ?
Bả hỏi dồn dập khiến ông Tiến tối tăm mặt mũi. Ổng chưa kịp đáp thì may thay, cái điện thoại trong túi reo lên. Ổng lật đật móc ra rồi nói như xin lỗi:
-Con xin phép ra ngoài sân để nghe điện thoại.
Lát sau ổng đi vào rồi nói với ông Hai:
-Chắc tao phải chở mầy về ngay lập tức vì ở trung tâm đang có việc cần.
Ông "cha vợ" nhắc:
-Bộ tụi bây không nghĩ được một vài ngày để lo vụ đám cưới hay sao ?
Ông Tiến lắc đầu, đáp:
-Tụi con xin lỗi bác, việc nầy gấp rút lắm, không có mặt để giải quyết là không xong. Nhờ bác và bác gái dắt Thư đi sắm sửa giùm tụi con.
Ổng nói vừa dứt là móc cái bóp trong túi quần ra, rút không cần đếm mấy tờ giấy màu xanh có in hình một ông tây có cái lỗ mũi cao nhồng.
Ổng đưa cho bà má vợ rồi nói:
-Đáng lẽ cái chuyện sắm trang sức cho cô dâu là của đàng trai, nhưng tụi con không có thời gian. Bác làm ơn cầm số tiền nầy để mua nữ trang và lễ vật các thứ. Nếu có thiếu thì nói, con sẽ đưa thêm. Xin bác đừng có ngại, cứ chuẩn bị chu đáo giùm.
Bà má vợ cầm trên tay mấy tờ tiền ông Tiến vừa đưa, nhìn chăm chú rồi hỏi:
-Tiền gì mà kỳ cục quá ! Có xài được hông vậy ?
Thư vội cắt nghĩa:
-Cái nầy là đô la, là tiền của Mỹ đó má !
Bả lập lại câu hỏi :
-Vậy rồi xài ở đây có được hông ?
Thư cười:
-Được chớ má ! Một tờ như vầy là mua được hơn hai chỉ vàng lận đó !
Bà má giựt mình, nhìn xấp tiền trong tay rồi hỏi:
-Bây nhiêu đây chắc mua được năm bảy cây vàng chớ đâu có ít ?
Thư gật đầu, xác nhận:
-Đúng vậy đó má !
Chẳng những bà má mà hình như cả ông ba vợ cũng ngạc nhiên. Cả hai cùng nhìn chăm chú vào mấy tờ giấy hình chữ nhựt, nho nhỏ, xanh xanh ấy, một cách e dè.
Nhân lúc họ còn choáng, ông Tiến nháy mắt ra hiệu cho ông Hai, rồi nói:
-Tụi con xin phép hai bác.
Ông "cha vợ" gật đầu:
-Có công chuyện cần giải quyết thì đi đi, nhưng chiều nay phải ghé ăn cơm đó nghe !
Thấy cả hai còn trù trừ chưa chịu đồng ý. Ổng lấy làm mích lòng, bèn cung cấp thêm một thông tin vô cùng "hấp dẫn" để tăng thêm sức thuyết phục:
-Má con Thư có đem lên một con vịt xiêm ú nù, một hủ chao chùa với bó rau muống non xèo. Bả nấu cái món vịt nấu chao mát tay lắm, tính làm cho con Thư nó ăn.
Rồi nói thêm bằng giọng tiếc rẻ:
-Bác cũng có xách theo một chai rượu gạo. Phải chi biết trước lên đây gặp tụi cháu là bác bưng luôn cái hủ rượu ngâm bìm bịp của bác lên.
Thấy không thể từ chối, ông Tiến bèn đáp:
-Con sẽ ráng làm lẹ cho xong rồi tới hầu rượu bác. Chắc tụi con đến hơi trễ, xin hai bác đừng đợi cơm mà cứ dùng trước, đừng để đói quá rồi ăn mất ngon!
Không chờ để thấy cái gật đầu của hai ông bà. Họ vọt liền.
Ra tới ngoài đường ông Tiến thở một hơi dài:
-Hú hồn! May mà vợ tao gọi chớ không thôi bị bả hỏi hết chuyện nầy tới chuyện khác, vặn vẹo đầu nầy đầu kia, chắc tao chịu không nổi, nói tùm lum không khéo bị lòi chành té bứa hết trơn, hết trọi !
Ông Hai làm thinh không đáp.
Ông Tiến nói tiếp:
-Ổng coi vậy mà dễ đối phó. Bả mới là người tỉ mỉ nghe mậy ! Tao để ý thấy bả quan sát mầy kỹ dữ lắm đó ! Mà sao mầy không chịu nhìn Thư. Không nói với nó một câu nào hết vậy ?
Ông Hai vẫn làm thinh. Ông Tiến đâu biết là mình đã vô tình xát muối vào vết thương mới tinh, còn đang chảy máu ròng ròng của bạn.
Việc gặp lại Thư, người con gái mà ông vớt được trên sông ngày xưa, giờ là gái bao của ông Tiến khiến ông Hai chới với. Ổng như người đang vừa đi vừa ngước mặt ngắm trăng, bỗng bất ngờ đặt chân lên miệng lỗ, rớt cái đùng vào một hố sâu cả trăm thước rồi không thể trèo ra nổi.
Bấy lâu nay ổng xem việc cứu Thư là niềm an ủi, là chai thuốc bổ kiêm chức năng giải độc thần kỳ. Nó giúp ổng lấy lại năng lượng và trong lành hóa cái bộ óc đang có nguy cơ nhiễm độc của mình.
Có những buổi sáng, nhìn con kênh đầy rác, ông Hai nghe buồn vô hạn vì nhận ra mình tốn công vô ích. Công việc nầy cũng giống như đem từng nắm muối bỏ xuống biển. Điều mong mỏi của ổng thật là vô vọng. Chẳng ai thèm để ý, chẳng thể khiến mọi người xúc động rồi thay đổi lối cư xử của họ đối với con kinh. Họ vẫn thoải mái vứt vào đó bất cứ thứ gì không dùng được nữa.
Những lúc đó ổng xót xa nhận ra mình thật là vô dụng, thật là bất lực rồi nản lòng chỉ muốn buông xuống cái cây dầm đang cầm trong tay.
Đã vậy có nhiều người còn nhìn ông một cách dè bĩu. Đa số họ đều nghĩ sai về mục đích của ổng. Có người lại liệt ông vô cái dạng khật khùng.
Rồi ông bỗng nhớ lại cô gái mà mình cứu, thế là vơi bớt niềm thống khổ đang trĩu nặng, từ từ ngoi lên để tiếp tục theo đuổi công việc của mình.
Vì rất ít tiếp xúc với mọi người nên mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại trong ông Hai một dấu ấn khó phai. Ổng thường xuyên nhớ đến cái cô gái có nốt ruồi trên chót mũi đó. Một phần do cảm động trước hoàn cảnh của cô. Một phần, như một vị bếp trưởng yêu nghề, cố nhớ lại cái món ngon nhứt mà mình nấu, để thưởng thức thêm một lần nữa cái cảm giác sung sướng, khoái khẩu tột cùng ấy. Huống chi đấy lại là một món quý hiếm, một kỹ niệm ly kỳ, ít ai có được !
Vốn là người mơ mộng nên ổng đã dệt quanh cô ta biết bao huyền thoại.
Khi thì ổng tưởng tượng mình bị chết đuối rồi được đưa đến bệnh viện cứu cấp. May mắn thay, được một vị bác sĩ rất giỏi, rất có lương tâm tận tình cứu chữa. Vị bác sĩ ấy đã phục hồi toàn bộ cái mạng sống đang như chỉ mành treo chuông của ổng. Khi tỉnh dậy từ một cơn hôn mê sâu, ổng nhận ra vị nữ bác sĩ vừa cứu mình có cái nốt ruồi trên chót mũi.
Khi thì ổng tưởng tượng cô gái trở thành một nhà văn, đem cuộc đời bi thương của mình viết nên một tuyệt phẩm khiến cả thế giới đều xúc động.
Trí tưởng tượng của ổng cứ bay cao thêm, xa thêm cho đến nổi, chở tuốt cô ta qua Thụy Điển, nhận cái giải Nô ben rồi mới chịu dừng lại.
Nếu nhà nước ban hành một loại thuế đánh vào các ước mơ, và nếu họ phát minh ra một cái máy đo lường hoàn toàn chính xác cái giá trị và trị giá của nó, chắc ông Hai bán luôn cái mạng cũng không đóng nổi !
Ông Tiến thấy bạn trầm ngâm không trả lời thì hiểu lầm nên nói :
-Để tao đưa cho mầy chiếc xe Vespa cũ của tao cho mầy xài, nó còn tốt lắm ! Với mua cho mầy cái điện thoại cầm tay để tụi mình tiện liên lạc.
Ông Hai từ chối ngay tức thì:
-Hổng lẽ tao chạy xe trên sông? Còn điều nầy nữa, cái nhà của tao chỉ đủ cho tao nằm mà thôi. Lấy đâu ra chỗ để chứa thêm nó nữa ?
Ông Tiến nói:
-Vậy thì tao mua biếu mầy cái điện thoại di động có được hông?
Ông Hai nói đùa:
-Tao ngu gì mà chịu.
Ông Tiến hỏi:
-Sao vậy ?
Ông Hai đáp:
-Lấy để làm mọi cho mầy dài dài hả ?
Ông Tiến hỏi lại:
-Hổng lẽ mỗi lần muốn nhắn cái gì tao phải đi cả chục cây số tới gặp mầy? Hỗng lẽ mỗi lần ba má Thư lên thăm con gái với cháu, tao lại phải làm tài xế hay sao? Không phải tao sợ mắc công, chuyện của tao mà. Chỉ ngại ổng bả nghi ngờ là mắc cái giống gì mà hai thằng mình cứ đeo xà nẹo...
Ông Hai cắt ngang, nói từng câu, bằng cách nhấn mạnh từng chữ:
-Sẵn mầy hỏi, tao nói luôn ! Tao chỉ xuất hiện một lần nữa trong lễ cưới mà thôi ! Từ đó về sau mầy đừng... Tao rút lui luôn không tham gia vào nữa.
Ông Tiến hoảng hồn:
-Vậy tao phải nói làm sao với Thư đây khi cổ đòi ông chồng phải có mặt, tháp tùng về quê ăn giỗ, ăn tết.
Ông Hai đáp:
-Mầy không nói được thì nhờ ông tổng thống Mỹ nói giùm. Không làm được thì sai tiền làm. Mấy tờ đô la đó không phải là đa năng, đa dụng hay sao ?
Ông Tiến làm thinh không trả lời.
Lát sau ông lại hỏi:
-Hình như mầy có cái gì uất ức trong lòng phải không ?
Ông Hai hỏi lại:
-Sao mầy nói vậy ?
Ổng đáp:
-Cái giọng chua chát đó, đâu có giống cái cách nói của mầy từ trước tới giờ.
Ông Hai thở dài:
-Có lẽ từ giây phút nầy trở đi, tao sẽ thay đổi nhân sinh quan, thay đổi công việc và thay đổi luôn tính cách. Tao sẽ đối lập với con người trước đây của mình.
Ông Tiến áy náy:
-Tao ủng hộ việc mầy thay đổi công việc, nhưng phản đối mầy thay đổi tính cách.
Ông Hai hỏi:
-Tại sao vậy ?
Ông Tiến nói:
-Tao cần những người như mầy để giữ vững tâm thế của mình. Giúp tao đi chậm lại, nhìn xuống chưn để khỏi phải vấp đá rồi té sặc máu !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 29
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 10 2017, 19:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai nghe bạn nói có vẻ trịnh trọng quá bèn pha trò:
-Vậy ra mầy thuê tao châm dầu cho cái ngọn đèn lương tâm của mình luôn nữa hả ? Nhiệm vụ đó lớn lao quá, cực khổ nhứt à nghen ! Tao đòi tiền công cao lắm ! Mầy trả có nổi không đó ?
Ông Tiến chụp lấy câu nói ấy liền, đáp:
-Bao nhiêu tao cũng chịu, miễn mầy đồng ý nhận.
Rồi hỏi tiếp:
-Mầy muốn bao nhiêu ?
Ông Hai cười :
-Tao không lấy đồng nào hết, để cho mầy bức rức chơi !
Ông Tiến năn nỉ:
-Mầy để cho tao mua tặng vài món nghe ? Chắc chắn phải có thứ mầy đang cần, đang thiếu chớ ?
Ông Hai làm thinh.
Ông Tiến đã để ý ngay từ lúc họ gặp nhau lần đầu. Ấy là trong một rừng ăng ten chi chít, chỉa thẳng từ mái nhà lên trời như đám cỏ mần chầu đó. Chỉ mỗi cái mái nhà của ông Hai là trống trơn, không có cây ăng ten mọc trên đó. Ổng nghĩ có lẽ ông bạn của mình không mua nổi cái ti vi.
Ổng hỏi, hơi e dè :
-Hay là tao tặng mầy một cái ti vi ?
Ông Hai đáp :
-Tao không cần.
Ông Tiến chợt nhớ lại sở thích số một của hầu hết sinh viên thời trước.
Đó là vào những ngày mà trong túi của một người trong số họ có mấy tấm giấy in hình đức Trần Hưng Đạo, khi được trả lương cho công việc dạy kèm, làm thêm. Vào những dịp đó, họ thường bị bắt buộc hoăc tự nguyện- điều nầy hơi hiếm- đãi nhau một chầu phim.
Ông Tiến vẫn còn nhớ như in các cuộc tranh luận nãy lửa giữa họ khi xem xong phim. Họ cãi nhau ngay khi ra khỏi rạp cho tới khi về đến nhà. Có lúc kéo dài gần như bất tận. Chẳng ai nhịn ai, chỉ để bảo vệ quan điểm của mình, hoặc đôi khi bênh vực cho nữ tài tử mà mình yêu thích. Có lần ông chủ nhà bên cạnh phải quát lên "im đi cho người ta ngủ " họ mới chịu ngưng.
Ổng bèn hỏi tiếp:
-Chắc mầy thích có thêm cái "đầu máy" nữa hả ? Bây giờ mấy chỗ cho mướn phim mọc lềnh khênh, tao tặng cho mầy một bộ để nằm nhà mà coi cho đã.
Ông Hai đáp:
-Tao xài hết cái nhu cầu đó rồi !
Ông Tiến suy nghĩ tiếp, bỗng buông bớt một bàn tay ra khỏi ghi đông, vỗ lên đùi mình một cái bộp rồi nói bằng cái giọng hào hứng :
-Sao tao quên mất cái chuyện mầy là tay đàn guitar số một của lớp mình vậy ta ?
Ổng quay mặt về phía sau, hét to:
-Tao sẽ tặng cho mầy một dàn máy nghe nhạc âm thanh nổi.
Lần nầy thì ông Hai đáp một cách dứt khoát:
-Nhà tao không có điện.
Ông Tiến ngạc nhiên:
-Không có điện là sao ?
Ông Hai giải thích:
-Chỗ tao ở sắp giải tỏa rồi, cho nên tao không mắc điện.
Ông Tiến hỏi tiếp:
-Nguyên cái xóm đó đều không xài điện hay chỉ có mỗi mình mầy ?
Ông Hai đáp:
-Chỉ một mình tao thôi .
Ông Tiến kêu lên:
-Trời đất ơi !
Rồi hỏi bằng một giọng vô cùng ai oán:
-Mầy sống cái kiểu gì mà không cần tới điện ?
Nghe cái giọng bi thiết của ổng, ông Hai liền bật cười.
Nghe ổng cười, ông Tiến bỗng nổi xung, bèn hỏi:
-Có phải mầy muốn chống lại nền văn minh của con người hay không ?
Ông Hai lại cười tiếp.
Ông Tiến lại hỏi bằng giọng châm chọc:
-Mầy muốn trở lại thời kỳ mông muội hay sao mà không xài tới điện ?
Ông Hai thở dài, trả lời:
-Mầy suy diễn làm chi cho sâu xa quá vậy ? Đơn giản lắm ! Tao không muốn lệ thuộc vào đồ đạc, hàng hóa, các loại tiện nghi. Chỉ có vậy thôi hà !
Ông Tiến nói:
-Sống là phải lệ thuộc. Sống đơn độc là nguy hiểm lắm !
Ông Hai đáp:
-Mầy phải phân biệt hai dạng người nầy : Bảo tồn và đả phá.
Ổng liền trình bày quan điểm của mình:
-Có một số người thích sống đơn độc để bảo tồn những giá trị tinh thần mà họ trân trọng nhứt. Họ không nguy hiểm như mầy nói đâu. Đó chính là những người cực đoan trong tình cảm. Họ không muốn sự cọ xát làm trầy xước những thứ tốt đẹp mà họ ấp ủ, muốn giữ nguyên trạng thái của nó. Họ không phải là những kẻ mang tư tưởng phá hoại bởi căm ghét loài người, rồi xa lánh đồng loại như mầy nghĩ.
Ông Tiến lắc đầu:
-Nếu yêu thương thì sao không hòa nhập với nhau ? Bây giờ ngành truyền thông đang phát triển nhanh nhứt đó mầy có biết không ? Con người được kết nối rộng rải và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Người ta không còn sống lẽ loi nữa. Họ lên mạng chia sẻ cảm xúc của mình với khắp mọi người trên trái đất.
Ông Hai hỏi:
-Để chi vậy ?
Ông Tiến đáp:
-Bộ mầy không thích tìm hiểu xem thế giới đang xảy ra chuyện gì hay sao ? Bộ mầy không thích tâm sự với một người hoàn toàn xa lạ, để kể với họ về những điều thầm kín nhứt hay sao ? Bộ mầy không thích trò chuyện với cô bạn mà ngày xưa mầy thầm yêu trộm nhớ, để hỏi coi hồi đó cổ nghĩ về mầy như thế nào hay sao ?
Ông Hai hỏi:
-Mấy cái đó bộ báo chí, thơ từ không phải đã và đang làm đó à ?
Ông Tiến đáp:
-Đúng, nhưng mà chậm và ít ỏi lắm !
Ông Hai hỏi:
-Tại sao cần phải nhanh và nhiều ?
Ông Tiến đáp:
-Bởi vì tất cả mọi người đều muốn hưởng thụ tối đa. Cuộc sống như bữa tiệc búp phê mà món nào cũng ngon. Chẳng ai muốn bỏ sót thứ gì, họ muốn nếm cho hết để khi rời khỏi bàn tiệc không phải hối tiếc, cho nên phải nhanh, phải vội để có càng nhiều càng tốt.
Ông Hai pha trò:
-Để rời bàn tiệc với cái bụng lặc lè...
Ông Tiến đáp:
-Còn hơn với cái bụng trống không !
Dừng lại một chút ông Tiến tiếp:
-Chính điều đó thúc đẩy sự tiến bộ, giúp nền văn minh phát triển tột độ, giúp cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Giúp con người ngày một thông tuệ hơn !
Ông Hai nói:
-Mầy nói rất đúng, nhưng cái câu "giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn" thì nên xét lại.
Ông Tiến hỏi:
-Tại sao ?
Ông Hai đáp:
-Bởi vì thiên nhiên phải chi trả cho tất cả các hóa đơn đó. Bởi vì mọi người đều đổ dồn về một phía nên họ không thể tránh việc giẫm đạp lên nhau.
Ông Tiến thở dài thượt:
-Bây giờ tao hiểu tại sao mầy sống cái kiểu nầy rồi.
Ông Hai làm thinh. Ông Tiến chờ hoài không nghe bạn hỏi bèn tự trả lời:
-Mầy sợ bị mắc nợ thiên nhiên, phải không ?
Ông Hai vẫn làm thinh.
Ông Tiến gặng:
-Có đúng không ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 30
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 10 2017, 23:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Hai đáp:
-Đã làm người thì ai mà không mắc nợ thiên nhiên ?
Ông Tiến cãi lại:
-Tao thì cho rằng thiên nhiên mang ơn con người .
Không đợi ông Hai hỏi, ổng giải thích:
-Con người đã và đang tôn tạo thiên nhiên. Nhờ có con người mà thiên nhiên ngày càng lộng lẫy hơn. Những công trình kiến trúc đồ sộ. Những lâu đài, dinh thự nguy nga, những kỳ quan nhân tạo chính là những món trang sức quý giá nhất mà con người đã dâng cho thiên nhiên đó !
Ông Hai hỏi:
-Như cái gì, đâu mầy kể coi?
Ông Tiến đáp:
-Vạn lý trường thành nè ! Đền Ăng Co nè ! Kim tự tháp nè...
Ông Hai hỏi:
-Mấy cái đó để làm gì ?
Ông Tiến cự nự:
-Thì để tôn vinh sức mạnh và ý chí của con người chớ còn làm gì nữa ?
Ông Hai nói:
-Vậy thì ăn nhậu gì tới thiên nhiên ? Nó bị người ta xà xẽo, bứng, cắt từ chỗ nầy rồi đem lại chỗ khác ráp, hư hao, đau đớn thấy mồ chớ có sướng chút nào đâu ?
Ông Tiến cự:
-Nhờ có mấy thứ đó mà ta mới biết được con người thời đó họ tài như thế nào...
Ông Hai bác ngang:
-Mầy coi đó là tài năng, tao coi đó là chứng tích về lòng tham và tội lỗi của cái giới cầm quyền, vua chúa ngày xưa. Họ bắt dân chúng làm tới hộc máu để củng cố cho vương triều của họ mà thôi ! Mầy có biết bao nhiêu người bỏ mạng, bao nhiêu gia đình tan nát vì họ không ?
Ông Tiến nói:
-Nhưng nhờ vậy mà ngày nay mới có những tuyệt tác đó. Mầy không biết chớ, khi tận mắt chứng kiến mấy cái công trình ấy, mình cảm thấy hãnh diện ghê lắm !
Ông Hai hỏi:
-Mầy có xem chưa mà nói ?
Ông Tiến gật đầu:
-Tao chưa thấy Kim tự tháp, còn hai cái kia thì có tới coi rồi. Tao hết sức mang ơn những người đã để lại các di sản lớn lao đó cho nhân loại. Tao thấy rất đáng hy sinh tính mạng để tạo ra các kỳ quan ấy. Chúng là một bằng chứng cho ta thấy, nếu hợp sức lại thì chẳng có thứ gì mà con người không làm được.
Ông Hai cãi:
-Theo tao thì nếu vì mấy cái công trình đó mà đánh đổi, cho dù một mạng người tao cũng không làm, đừng nói chi cả đống người chết vì chúng.
Ông Tiến chưa kịp phản đối, thì bỗng dưng chiếc xe lảo đảo, cái bánh xe phía sau chao qua, chao lại, khiến ổng mất thăng bằng, tay lái loạng choạng.
Ông Hai đang ngồi thong dong, hai cánh tay ôm cái eo trước mặt một cách hời hợt, thấy vậy cũng hết hồn, mấy ngón tay cũng tự động bấm sâu vào hai bên hông của bạn.
Ông Tiến thắng xe lại, không thèm nhìn xuống đất mà ngước mặt lên trời rủa:
-Đồ bất nhơn !
Ông Hai giựt mình, cự:
-Ổng có làm gì đâu ? Sao khi không mầy chửi ổng lãng xẹt vậy ?
Ông Tiến thở dài, đáp:
-Tao đâu có chửi ổng, tao chửi mấy cái thằng rải đinh trên đường chớ bộ !
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy biết có người rải đinh ?
Ông Tiến đáp:
-Mầy chịu khó nhìn đi, nó nằm dài dài xung quanh đây, thiếu gì !
Thấy ông Hai còn ngồi yên trên xe, ổng hối:
-Xuống đi mầy, đẩy phụ tao đi kiếm chỗ vá .
Ông Hai lật đật leo xuống rồi tới ông Tiến.
Ông Hai thở dài, vừa đẩy vừa than:
-Biết ở đâu mà kiếm đây trời ?
Ông Tiến an ủi:
-Đừng lo, chỗ nào có đinh rải là chỗ đó có vá xe. Nó ở gần đây thôi !
Quả thật, họ đi một đổi chừng hai trăm mét thì thấy ngay một cái ống bơm đang dựng bên đường. Nó được mấy cục gạch thẻ chêm xung quanh để đứng cho vững. Chủ của nó là một người đàn ông đang ngồi dưới gốc cây phượng vĩ trên lề. Ông ta đang thay ruột cho một chiếc xe đạp còn mới. Chiếc xe ấy có lẽ là của một cậu bé mặc áo sơ mi tay ngắn màu trắng, quần tây xanh, đang ngồi chồm hổm bên cạnh, nét mặt thấp thỏm vì sợ trễ giờ học.
Một nạn nhân khác, trông già cả hom hem hơn tất cả bọn họ. Ông ta là chủ của chiếc cúp cánh én màu rêu đã cũ. Ổng đang ngồi lên hai chiếc dép của mình, chiếc nón bảo hiểm được tháo ra, cầm trên tay để lộ một cái đầu nhỏ xíu với mái tóc bạc thếch, bù xù.
Ổng ngước nhìn họ bằng đôi mắt chán nản, hỏi bằng giọng cảm thông:
-Bị dính rồi hả ?
Ông Tiến gật đầu.
Ông Hai hỏi ổng:
-Bác chờ lâu chưa ?
Ổng gật đầu, nói:
-Cái vỏ của tui mòn quá ! Mới vá ở đằng kia xong là chạy tới đây bị nữa .
Nói xong ổng liền liếc nhìn người thợ vá xe bằng tia mắt đầy ác cảm.
Tuy không ngước nhìn lên, ông thợ vẫn cảm nhận được cái nhìn ấy.
Ổng liền đính chánh:
-Không phải tui làm đâu nghe !
Ông già liền nói:
-Tui đâu có nói chú. Vợ con tui làm chớ ai !
Ông Tiến và ông Hai bật cười trước câu nói "xóc óc" một cách hóm hỉnh của ông già ấy.
Nhìn thân hình còm cỏi được bao trùm bởi bộ đồ cũ mèm với cái quần ka ki màu nâu đã sờn lai, và cái áo thun màu đen bạc thếch của ông ta, ông Hai bỗng đâm ra có cảm tình.
Ổng hỏi:
-Nhà bác ở gần đây hông?
Ông ta lắc đầu, đáp:
-Còn xa lắm, ở Bến Lức lận.
Rồi thở dài:
-Phải gần là tui dắt bộ về nhà, tự mình vá cho đỡ tốn tiền.
Cái xe của thằng bé học trò đã xong. Nó vừa thót lên yên là đạp bán sống, bán chết. Ông Hai vái thầm trong bụng cho nó tới trường an toàn, không cán thêm cây đinh nào nữa.
Ông thợ vá moi trên cái vỏ của chiếc xe cánh én, lấy ra một miếng thiếc màu vàng hình thoi. Nó óng ánh như cái mặt dây chuyền, hoặc bông tai của phụ nữ.
Ông Hai thúc cùi chỏ vô hông ông Tiến, ghẹo:
-Đây là trang sức của con người tặng cho con người.
Ông Tiến ghẹo lại:
-Nó không phải làm để vinh danh vua chúa. Nó là sản phẩm của cái giới mà mầy cho là bị bóc lột, là những người đang dọn dẹp mà mầy ca tụng !
Ông Hai đáp trả:
-Nó là của những người đang ở lưng chừng, cái khoảng từ tao tới mầy. Họ đang nuôi tham vọng ăn tất cả các món trong cái bữa tiệc búp phê mà mầy nói đó !
Ông Tiến thở dài nói:
-Ông nội tao với ông ngoại mầy mà còn sống, chứng kiến ba cái vụ nầy chắc mấy ổng đau lòng lắm há ! Tao tự hỏi, tại sao thế hệ mình được nuôi, dạy như vậy mà cho ra cái kết quả như vầy?
Ông Hai cười:
-Thì cũng do cái bàn tiệc búp phê đó ngày càng thêm phong phú. Nó khiến cái bao tử của họ cứ tiết dịch vị liên tục, tiêu hóa thức ăn cấp kỳ nên ăn hoài mà chẳng thấy no. Cho nên họ phải làm đủ mọi cách, bất chấp đạo lý, áp dụng mọi thủ đoạn với mục đích thỏa mãn nó.
Ông thợ vá chen ngang bằng cách thông báo với người chủ của chiếc xe cánh én:
-Hai lỗ, sáu ngàn.
Ông già ấy liền giãy nãy:
-Mắc dữ vậy ? Tui mới vá đằng kia, có hai ngàn một lỗ.
Ông thợ vá xe, có lẽ còn căm vì câu nói "móc họng " của ông ta khi nãy, nên không thèm trả lời, gắn cái vỏ vào lại như cũ rồi nói:
-Ông đem lại đó vá đi, tui không làm đâu !
Ông già trợn mắt nhìn y. Hai mạch máu trên thái dương ổng gồ lên, phập phồng.
Ông Tiến vội vã can thiệp:
-Thôi chú vá cho bác đây đi. "Kính lão đắc thọ mà " ! Cứ tính tiền cho tôi.
Ông già nói một cách bực tức:
-Đâu phải tui không có tiền trả, có điều phải lấy đúng giá đàng hoàng.
Thấy ông ta phản đối gay gắt, ông Tiến giựt mình. Ổng biết mình đã lỡ lời làm người lớn tuổi ấy mích lòng nên cảm thấy có lỗi, bèn tìm cách vuốt giận .
Ổng nói ngọt lịm:
-Con xin lỗi bác. Tại con đang có công việc cần kíp, gấp đi quá, muốn làm phức cho rồi nên mới nói vậy, chớ không phải cố ý bỉ mặt bác đâu.
Ổng nháy mắt với ông thợ sửa xe một cái rồi tiếp:
-Con biết cái câu hồi nãy là bác nói cho vui thôi, nhưng anh thợ đây bị chạm tự ái. Xe con bể bánh hoài nên biết, có hai ngàn một lỗ chớ mấy. Ở trung tâm còn tính giá đó, nói chi ngoại thành. Cái khu vực nầy, anh bạn công an của con ảnh nói, cái tỉ lệ xe bị bể bánh là nhiều nhứt Sài gòn đó bác. Họ đang cố tìm ra thủ phạm để giúp đỡ bà con.
Ông già phân bua:
-Hai chú coi. Từ sáng tớ giờ tui chưa chạy cuốc nào, chưa gì hết mà mất nửa ngày trời với mười ngàn tiền vá xe, hỏi làm sao mà sống cho nổi !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 31
Gửi bàiĐã gửi: 31 Tháng 10 2017, 23:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái tiếng "công an " mà ông Tiến nhắc đến một cách có chủ đích, tác dụng ngay lập tức .
Người thợ vá xe lại chịu khó moi cái ruột xe đã cũ, vá đến đôi ba chỗ ấy ra để bơm phồng rồi nhúng vô thau nước. Y ta rút một cộng chưn nhang, đang cắm trước bàn thờ ông địa đặt gần đó, bẻ làm đôi rồi nhét mỗi cọng vào một cái lỗ thủng để làm dấu.
Ông Hai khều vai ông Tiến, chỉ vào ông địa đang ngồi trên cái bệ bằng cục gạch, đặt trên tấm lá sen rồi cười. Ông Tiến cũng cười theo, chia sẻ cái ý mỉa mai trong nụ cười ấy.
Ông Tiến nói nhỏ xíu:
-Ở đây mà nhầm nhò gì ! Mầy tới phòng mạch tư mà coi. Mấy cái bàn thờ ông Địa ở đó hoành tráng hết biết. Đèn sáng chưng, hoa rực rở.
Ổng tự nhiên cười ra tiếng. Ông Hai ngạc nhiên hỏi:
-Mầy cười cái gì ?
Ổng ngưng cười, trả lời:
-Tao cười vì nhớ lại cái lần đi khám bệnh. Lúc ngồi đợi bác sĩ tới, tao thấy một cô y tá từ trong phòng đi ra, đốt cây nhang vái rì rầm một cách thành kính rồi cắm vào lư hương. Trong phòng chờ có gắn chình ình cái tấm bảng "XIN ĐỪNG HÚT THUỐC". Vậy mà cổ vẫn đốt một điếu ba số năm, nhét vào một bên tay không cầm quạt của ông địa. Chưa hết ! Lát sau cổ còn bưng ra cho ổng một ly cà phê đen thơm phức nữa.
Bây giờ lại tới phiên ông Hai cười sằng sặc. Ông Tiến tưởng đâu ông bạn khoái trá với câu chuyện mà mình vừa kể, nên khoái chí cười theo. Nào ngờ ông Hai cứ cười như lộn ruột.
Ông Tiến ngạc nhiên hỏi:
-Chuyện có vậy thôi, làm cái gì mà mầy cười dữ vậy ?
Ông Hai ráng ngưng cười rồi nói:
-Tao cười chuyện khác .
Ông Tiến hỏi:
-Chuyện gì ? Nói cho tao nghe với !
Ông Hai kể:
-Có lần tao bị bà hàng xóm sát bên vách, chửi te tua vì cái vụ ông địa.
Ông Tiến ngạc nhiên:
-Sao vậy ?
Ông Hai giải thích:
-Cô Tám nầy bán xôi, bán bắp, bán khoai nấu...Tóm lại là mấy món ăn nhỏ thôi ! Vậy mà cổ cũng lập bàn thờ ông địa, đặt ngay giữa nhà, thờ phụng hết sức chu đáo.
Nói tới đó ổng bỗng dừng ngang để cười thêm một chập.
Ông Tiến lắc đầu :
-Chuyện mấy người bình dân mê ông địa thì có gì lạ đâu ? Thiếu gì người không làm ăn, buôn bán gì hết cũng thỉnh ông địa về nhà thờ...
Ông Hai giải thích:
-Tao không có cười cái chuyện cổ thờ ông địa mà tao cười vì thấy cổ cúng cho ông địa một dĩa đầy nhóc tỏi, loại tỏi của Trung Quốc to đùng.
Ông Tiến không cười, chỉ nói :
-Vợ tao cũng vậy !
Ông Hai không cười nữa mà nói đàng hoàng:
-Cái cô nầy chồng chết, có hai cô con gái lớn lớn cũng chưa có chồng. Tao thấy vậy bèn nói với cổ :
-"Cô Tám đừng có cúng tỏi cho ông Địa, nguy hiểm lắm ".
Cổ hỏi :
- "Nguy hiểm chỗ nào ?".
Tao đáp :
-"Cô đi chùa mà không biết hay sao ? Mấy món hành, hẹ, tỏi, nén nầy, bị nhà chùa cấm ngặt đó !"
Cổ hỏi :
-"Tại sao mà cấm ?"
Tao đáp:
-"Tại vì ăn nó vô là mấy thầy bỏ tu, đi lấy vợ hết ráo ! Ba mẹ con cô, ai coi cũng ngon lành. Ông địa nhà cô ăn hết cái dĩa tỏi nầy thì khó mà ngồi yên một chỗ "
Ông Tiến nghe chưa dứt là cười hô hố. Người vá xe và ông già cũng cười ké theo, nét cau có trên gương mặt của họ biến mất. Không khí chợt nhẹ nhàng, vui tươi, dễ thở trở lại.
Ông Hai tiếp:
-Bây giờ nhớ lại thì cười, chớ lúc đó tao ăn năn lắm ! Mấy người phụ nữ bình dân, coi vậy mà họ trọng chữ "tiết" lắm nghe mậy . Cổ chửi tao ba làng nghe hổng hết. Cắt luôn cái việc viện trợ xôi cháy. Tao hối hận quá trời. Ngày nào cũng vớt củi đem về chẻ nhỏ, phơi khô rồi đem chất vô mái hiên cho cổ, làm răm rắp để chuộc lỗi vậy mà cổ cũng chưa chịu tha. Nhờ cái lần tao bịnh tưởng chết, cổ mới chịu bỏ qua mà nấu cháo giùm mỗi bữa.
Ông Tiến nghe bạn kể, chợt tưởng tượng cái lúc ông Hai bịnh nằm chèo queo một mình trong cái chòi chật hẹp, thiếu tiện nghi mà ngậm ngùi.
Ổng nói:
-Hay là mầy về ở với tao đi. Trên sân thượng nhà tao còn một phòng trống. Mầy về ở rồi coi sóc mấy cái chậu kiểng trên đó giùm tao.
Ông Hai vờ như không nghe.
Ông Tiến lập lại:
-Tao mời thật lòng đó. Tụi tao đang cần một người thân tín sống chung. Cái nhà rộng mênh mông, ba bốn từng lầu mà chỉ có hai vợ chồng nên ...
Ông Hai hỏi:
-Sao mầy không thuê người giúp việc ở lại luôn trong nhà.
Ông Tiến thở dài:
-Vợ tao là độc giả trung thành của hai tờ báo "Công An", "Pháp luật". Bả coi báo đó riết rồi nhìn đâu cũng thấy tội phạm rình rập hết trơn. Nhà tao suốt ngày rần rần đến mười giờ tối, học trò về hết mới vắng. Bả với tao mệt gần chết mà đâu có được ngủ liền. Phải đi khắp nhà, rọi đèn pin vô mấy cái hốc, kẹt coi có ai núp không, vừa làm mà vừa run, khổ lắm !
Ông Hai cười:
-Nghe mầy nói tao thấy mình sướng như tiên. Nhờ cái mạng giá bèo nên không ai chờ chực để cướp. Có khi cho họ cũng không thèm lấy, khỏi phải giữ bo bo.
Ông Tiếng nhắc:
-Bây giờ mất xuồng rồi, mầy ở không làm chi ? Bỏ quách chỗ đó, về ở với tao cho ấm áp.
Ông Hai cự lại:
-Ai nói với mầy là tao không ấm áp. Cái lần tao bịnh đó, cả xóm tới thăm nghe mậy !
Ông Tiến nói:
-Người ta thăm rồi về chớ đâu có ai ở lại mà chăm sóc. Nửa đêm có mắc dịch, mắc gió cũng đâu ai biết mà tới, chờ tới sáng là mầy chết cứng ngắc rồi .
Ông Hai cười:
-Tao lại khoái chết cái kiểu đó mới ngộ !
Ổng nói thiệt mà ông Tiến tưởng trêu nên bực, nói với giọng mặn chát:
-Nói cho dứt khoát coi ! Mầy có chịu tới ở với tao hay không ?
Ông Hai lắc đầu, nói nửa thật, nửa chơi :
-Tao ghiền món xôi cháy chan nước mắm mỡ hành của cô Tám rồi, đi không nổi đâu mầy ơi !
Ông Tiến nhìn bạn đăm đăm:
-Bộ mầy thương cái cô Tám gì đó rồi hả ?
Ông Hai lắc đầu:
-Bây giờ thì chưa, nhưng mai mốt biết đâu ...
Ông Tiến can ngăn kịch liệt:
-Chưa thì thôi, đừng có thương nghe mậy. Con Thủy nó còn nặng tình với mầy lắm đó ! Bây giờ mà nó nghe tao báo cáo là mầy đổi nghề, về làm với tao rồi là nó hết giận, dám lập tức quay về, rước mầy qua bển với nó liền. Nghe lời tao đi ! Tao nói không sai đâu.
Ông Hai lại lắc đầu:
-Cái "cây" đó nặng nề lắm, tao "vác" không nổi nên đâu dám "đốn". Sống mà phải nhón chưn, vói tay hoài mệt mỏi lắm mầy ơi ! Tao đoán là mầy...
Ông Tiến gật đầu nhưng lại phản đối:
-Tao đã trải qua rồi nên biết. Tùy theo mầy quan niệm, định nghĩa thế nào là danh dự. Có lúc tao bị bà xã làm mất mặt, cũng giận ghê lắm ! Nhưng so lại bả vì tao mà hy sinh nhiều thứ nên xí xóa hết. Khi mình thương ai rồi, có khi cái mạng còn bỏ chớ đừng nói gì tới tự ái.
Ông Hai làm thinh như để cân nhắc, lát sau mới đáp:
-Bây giờ tao thương một thứ hơn Thủy rồi:
Ông Tiến hỏi, giọng hồi họp :
-Thứ gì ?
Ông Hai làm thinh.
Ông Tiến hỏi tiếp:
-Ai vậy ?
Ông Hai đáp:
-Tự do !
Ông Tiến thở phào:
-Ai bảo mầy có vợ là mất tự do. Mầy hãy cho họ bớt một chút tự do ở giai đoạn đầu đi. Khi họ đã toàn tâm, toàn ý với mầy rồi. Mầy không thèm đòi họ cũng sẽ trả hết cái vốn tự do ấy cho mầy, có khi còn cộng thêm vô một khoản lời hết sức hậu hỉnh nữa đó .
Ông Hai hỏi:
-Lời kiểu gì ? Mầy nói tao nghe thử coi ?
Ông Tiến nói:
-Tao không biết ai làm sao chớ như tao bây giờ á hả ?
Ổng ngừng lại, nhìn ông Hai ra chiều đắc ý, gục gật cái đầu rồi tiếp:
-Để tao nói cho mầy biết mà thèm nè !
Ổng tằng hắng, xòe tay ra đếm :
-Một !Sáng sớm có người gọi dậy nè ! Hai ! Nhắc tập thể dục để giữ gìn sức khỏe nè! Ba ! Có người mua thuốc bổ để sẵn rồi mỗi ngày lấy ra đưa tận tay bắt uống nè ! Bốn ! Ngủ quên có người tắt ti vi cho nè ! Năm ! Có người đem bỏ đồ giặt ủi giùm nè ! Sáu ! Bịnh nằm nhà thương, có người đi thăm, đi nuôi nè ! Thấy chưa ? Mầy cho có một mà nhận lại gấp mấy lần.
Ông Hai hỏi:
-Mầy cũng phải đền đáp chớ xài "chùa " hoài sao ? "Bánh sáp đi, bánh qui lại " chớ bộ !
Ông Tiến cười, nói một cách tự đắc:
-Tao đâu có làm gì nhiều ? Chỉ chịu khó nói mấy câu mà bả thích như "em đúng lắm! "; "em đẹp hơn con mẹ đó nhiều "; " anh thương em hôm nay nhiều hơn hôm qua và ít hơn ngày mai"...là xong !
Ông Hai cười:
-Mấu chốt ở đây là tao sợ nhận còn hơn sợ cho. Cũng không có dẻo miệng như mầy, cho nên...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 32
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 11 2017, 20:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chiếc xe của ông già đã vá xong. Ổng đứng lên, phủi quần thật sạch, mang lại đôi dép vào chưn, rồi chuẩn bị lên đường một cách gấp rút.
Ông thợ vá xe không chờ hỏi giá, nói luôn:
-Bốn ngàn .
Ông Già mở núc của cái túi quần phía sau lấy ra cái bóp da cá sấu màu nâu, mở một cách từ từ, cẩn thận móc bốn tờ giấy một ngàn xếp thẳng băng trong đó ra trả.
Ông Tiến nhìn đăm đăm cái bóp rồi hỏi:
-Cái bóp nầy làm bằng da cá sấu thiệt hay si mi li giả da vậy bác ?
Ông già không thèm trả lời, đưa cho ổng rồi nói:
-Chú sờ thì biết !
Ông Tiến sờ vào, bề mặt của nó hơi nhám và ấm chớ không láng bóng và lạnh nên hỏi:
-Bác hồi xưa chắc cũng đại gia hả bác ?
Ông già cười buồn hiu:
-Nói chú không tin chớ tui học trường tây, có bằng tú tài đàng hoàng.
Ông Tiến chụp lấy cái thông tin đó bằng cả hai tay :
-Bác nói tiếng Anh có giỏi không ?
Ông già nói:
-Nói chắc không lưu loát, nhưng nghe thì được.
Rồi ổng nhỏ giọng chỉ đủ cho ông Tiến nghe:
-Đêm nào tui cũng mở đài BBC cho nên nghe còn tốt.
Ông Tiến mừng rơn, móc trong túi ra cái cạc vi zit đưa cho ổng rồi nói:
-Cháu có mở một trung tâm dạy ngoại ngữ. Hôm nào mời bác tới chơi, tuy không dạy tiếng Pháp nhưng biết đâu có việc cần bác giúp đỡ !
Ngược với sự mong đợi của ông Tiến. Ông già nhìn vào tấm cạc một cách chiếu lệ , rồi nhét vào túi áo chớ không thèm cất vô bóp cẩn thận.
Ổng nói một cách lịch sự:
-Cám ơn chú.
Ông Tiến thấy ổng không mặn mòi bèn nhấn mạnh:
-Cháu nói thật, không có gạt bác đâu. Cháu đang cần thầy dạy tiếng Anh lắm !
Ông già đáp:
-Tui chỉ giỏi tiếng Pháp thôi, mà tiếng Pháp bây giờ ít ai chịu học. Cả thế giới xúm nhau xài tiếng Anh, tiếng Mỹ, tiếng Pháp đã lỗi thời rồi!
Rồi ổng thở dài:
-Hể nước nào mà mạnh là cái tiếng của họ cũng mạnh. Nói thiệt với chú ban đầu tôi cũng kèm được vài đứa, riết rồi tụi nó nghĩ hết trơn.
Ông Tiến hỏi:
-Sao bác không xin làm thông dịch viên. Bác nghe giỏi như vậy...
Ông già cười giống như mếu, hay mếu giống như cười đáp:
-Chú không đọc mấy điều lệ tuyển dụng phổ biến hiện nay hay sao? Người ta cần toàn là những cô cậu thanh niên trẻ trung, cao ráo, xinh đẹp không hà.
Ổng ngước cái càm lên cao, làm như cố nuốt cái khối vô hình chặn ngang cổ, rồi mới nói tiếp:
-Họ cần người thân thể cao hơn kiến thức cao, mặt mày đẹp hơn là... Tui như vầy thì làm sao mà cạnh tranh nổi, đi làm chi cho tốn xăng.
Rồi ngậm ngùi:
-Thế hệ của tụi tôi là một thế hệ thiệt thòi, đang đi bên lề phải cái bị đẩy bạt qua phía trái. Thế là đâm ra hỏng chưn hỏng cẳng, chới với...
Ông Hai cầm tay ông ta rồi nói:
-Cháu hỏi không phải xin bác bỏ qua nghe. Bác sanh năm mấy vậy ?
Ông già đáp:
-Tui sanh năm 1944.
Ông Hai nói:
-Bác hơn cháu đúng mười tuổi, vậy mà...
Ông già cười tiếp lời:
-Vậy mà trông như "cổ lai hy' rồi phải không ?
Rồi ổng chép miệng đọc:
-"Cỏ mọc đất cằn xanh sao nổi ?
Người không no bụng lấy gì tươi ?
Biết vậy ngày xưa không học chữ
Tay cày tay cuốc khỏi hao đời ! "
Ông Tiến hỏi:
-Bộ bác không có vợ con gì sao ?
Ổng đáp:
-Lúc tui đi cải tạo, bốn mẹ con nó ở nhà, vượt biên theo bên ngoại rồi mất tích tới bây giờ.
Ông Tiến lại hỏi:
-Sao bác không đi theo diện H O.
Ông già cười khổ:
-Tui được về hơi sớm nên không đủ tiêu chuẩn.
Ông Hai nói như năn nỉ:
-Bác cho cháu xin cái địa chỉ được không vậy bác .
Thấy ông già còn ngần ngừ, ổng giải thích:
-Để khi nào về quê, tiện đường cháu ghé thăm bác.
Rồi nói thêm:
-Khi nào bác đi Sài Gòn ghé cháu chơi, nhà cháu ở xóm Đình, sát kinh Đôi. Cháu làm nghề vớt rác trên sông, cũng không vợ, không con, sống một thân, một mình như bác vậy.
Ông già nghe vậy thì bảo:
-Chú đưa giấy viết ra đây, tui viết cho mấy chữ.
Ông Hai bảo ông Tiến:
-Cho tao xin một tấm cạc với cho mượn luôn cây viết.
Ông Tiến lật đật móc túi ra đưa.
Ông già lật úp tấm cạc xuống, viết vào phía sau mấy chữ, rồi đưa cho ông Hai. Ông Hai đưa cả hai tay ra đón lấy một cách hết sức kính cẩn, ổng không cất liền mà lấy cặp mắt kiếng trong túi áo ra đeo vô mắt để đọc. Ông Hai làm việc đó bằng cả tấm lòng của mình, tuyệt đối chẳng phải vì phép lịch sự. Ổng quan tâm, tôn trọng ông già thật sự chớ không phải giả bộ để ông ta khỏi tủi.
Ông Hai nhìn một cách thán phục cái nét chữ ốm, cao, rất đẹp, rất bay bướm ấy. Nó nhẹ nhàng, lả lướt như thể dấu môi của cây bút bi chỉ chạm trên má giấy. Nó đẹp như một nụ hôn, biểu trưng cho một tâm hồn phóng khoáng . Ổng bỗng nghe bùi ngùi quá đổi !
Kiểu chữ nầy bây giờ đã mai một, cái đẹp ngày xưa còn mấy ai thưởng thức ! Ông Hai nghe mắt mình nằng nặng, ráng gồng mình kềm lại.
Ổng lấy cái bóp của mình ra, cất tấm cạc vào chính giữa. Cái động tác chậm rải ấy, đủ thời gian cho ông Tiến nhìn và nhận ra tấm hình trong bóp của bạn.
Ổng hỏi:
-Bộ mầy còn giữ hình của con Thủy trong bóp hả ?
Ông Hai đáp:
-Nó dính khắng rồi, gỡ ra không được.
Ông Tiến ghẹo:
-Mầy còn thương, còn nhớ thì nói đại cho rồi.
Ông Hai không có thì giờ để đính chánh, ổng bảo ông Tiến:
-Cho tao một cái cạc nữa.
Ông Tiến lại móc túi ra đưa. Ông Hai cũng viết địa chỉ của mình, cố gò cho thật đẹp vào rồi hai tay đưa cho ông bác già hom hem ấy.
Ổng nói:
-Cháu gửi bác cái địa chỉ của cháu. Nếu có dịp mời bác ghé chơi.
Ông già cầm, môi mấp máy đọc rồi nói:
-Tui không dám hứa trước, tùy duyên thôi !
Rồi chào từ giã:
-Hai chú đi sau nghe !
Cả hai cùng đáp một câu, giống nhau từng chữ:
-Dạ, bác đi mạnh giỏi !
Thấy ông Hai còn nhìn theo mãi, ông Tiến đập lên vai bạn rồi nói:
-Mầy với ông già đó coi bộ hợp gu à nghen ! Tao đoán không sớm thì muộn, mầy với ổng cũng gặp lại nhau, mầy không kiếm ổng thì ổng cũng kiếm mầy.
Rồi nói thêm:
-Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà !
Ông Hai làm thinh không trả lời. Coi như việc gặp gỡ ông bác già hom hem ấy, là một món quà mà ông trời gởi cho mình để bù lại những bất công vừa qua của ổng.
Người thợ vá xe thông báo :
-Xe vá rồi đó hai ông !
Ông Tiến hỏi:
-Bao nhiêu ?
Y ta đáp:
-Ông cho bao nhiêu cũng được .
Ông Tiến đưa cho anh ta tờ giấy hai chục ngàn rồi nói:
-Anh giữ luôn đi, khỏi thối.
Y ta bỗng gãi tai, ấp úng:
-Ông cho tui xin cái cạc có được không ?
Ông Tiến hơi ngạc nhiên, nhìn y một cái rồi hỏi:
-Anh xin chi vậy ?
Ông Hai thấy y lúng túng nên nói:
-Thì đưa đi, tứ hải giai huynh đệ mà.
Ông Tiến đành một lần nữa móc túi lấy tấm cạc ra đưa, một cách rất, rất, rất bất đắc dĩ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 33
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 11 2017, 22:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chạy đến ngã tư , ông Tiến bỗng cho xe quay lại.
Ông Hai ngạc nhiên hỏi:
-Tại sao quay lại ?
Ông Tiến làm thinh.
Ông Hai hỏi tiếp:
-Mầy bỏ quên cái gì vậy ?
Ông Tiến đáp:
-Tao phải lấy cái cạc lại.
Ông Hai chưng hửng:
-Tại sao phải lấy lại ?
Ông Tiến giải thích:
-Cái thằng đó mặt mày coi gian manh lắm ! Nó dám rải đinh trên đường thì cũng dám tìm tới nhà tao đánh cướp chớ chẳng chơi.
Rồi nói thêm bằng giọng trách cứ:
-Hồi nãy mầy mà không xúi là tao đâu có đưa. Tại tao nể mặt mầy chớ ...
Ông Hai năn nỉ:
-Mầy nể mặt tao thêm một lần nầy nữa đi. Thà không cho, chớ cho rồi lấy lại làm tổn thương lòng tự trọng của người ta lắm ! Thêm một người bạn cũng tốt mà .
Ông Tiến đáp một cách dứt khoát:
-Tao đâu thèm làm bạn với cái hạng người đó ! Mầy giận thì tao chịu, không lấy lại được tấm cạc là tao ăn không ngon, ngủ không yên đâu !
Ông Hai tức đến nổi không nói được tới một tiếng. Ổng không ngờ người bạn bình dị, gần như ngờ nghệch ngày xưa nầy, bây giờ thay đổi đúng bon một trăm tám mươi độ như vậy.
Ông rủa thầm một dây trong bụng:
-Đồ phách lối, đồ ích kỷ, đồ khi người, đồ tàn nhẫn...
Ông Hai sợ thứ nhứt là làm cho người ta quê. Sợ thứ nhì là phải chứng kiến cái cảnh người ta bị quê trước mặt mình nên bắt đầu nghe bức rức.
Ổng muốn kêu ông Tiến dừng xe lại để tự mình đi về nhà. Nhìn hai bên đường, chẳng có cái trạm xe buýt nào, đi xe ôm thì xa quá, trong túi còn chưa tới một trăm, trả hết tiền xe rồi lấy gì sống? Ổng cảm thấy bất lực, cơn giận đang cố nén cứ dâng lên từ từ trong lòng như thủy triều.
Ông Tiến thấy bạn đột ngột buông thỏng cả hai bàn tay đang ôm cái eo của mình ra. Ổng biết ngay chóc tâm trạng của ông Hai nên chống chế :
-Tại mầy không đọc báo nhiều nên không biết. Bây giờ mấy cái chuyện cướp bóc xảy ra như cơm bữa. Con người ta độc ác lắm, không hiền lành như ngày xưa đâu.
Ông Hai làm thinh, không thèm trả lời, trả vốn gì hết.
Ông Tiến nói tiếp:
-Thà giết lầm còn hơn tha lầm. Thà làm mất mặt họ còn hơn tạo điều kiện cho họ gây tội ác, mình mất mạng còn họ thì bị tử hình hoặc ngồi tù đến mọt gông.
Ông Hai gằn giọng hỏi:
-Mầy căn cứ vào đâu mà cho rằng người thợ sửa xe đó xin tấm cạc của mầy với ý đồ không tốt ?
Ông Tiến nhăn cả trán lại mà suy nghĩ, chẳng tìm ra một lý do cụ thể nào, ngoài những điều chỉ dựa vào dự cảm của mình nên đâu dám nói
Ông Hai hỏi bằng giọng mai mỉa:
-Có phải tại y ta nghèo hay không ?
Ông Tiến cự:
-Ông già có giàu đâu? Cũng không xin, tại sao tao lại cho ?
Ông Hai đáp:
-Tại gì ổng xuất thân từ tầng lớp trên, lại là người có học. Ổng đang có cái thứ mầy cần.
Ông Tiến hỏi lại:
-Theo mầy thì y ta xin để làm chi.
Ông Hai nói:
-Mầy không thấy là thiên hạ bây giờ đang bị cái tánh a dua xúi dục hay sao. Mấy người phụ nữ thì ráp nhau đi xăm môi, xăm chưn mày, xăm đủ thứ. Mấy thằng con trai hết để tóc dài rồi thi nhau hớt kiểu đầu đinh, còn xỏ lỗ tai, đeo bông như con gái nữa.
Ông Tiến hỏi:
-Chuyện đó thì ăn nhầm gì tới...
Ông Hai không để cho ổng nói hết câu liền ngắt ngang để giải thích:
-Người thợ vá xe đó ! Y ta cũng muốn giống như mọi người mà thôi. Thấy ông già có nên cũng muốn có một tấm. Thấy tao xin rồi mầy cho một cách quá dễ dàng nên cũng hùa theo, chớ cũng không nghĩ sẽ dùng vào việc gì. Bất quá khi nhậu ba sồn ba sực, lấy ra lòe mấy thằng bạn cho vui là cùng.
Ông Tiến làm thinh, ra vẻ nghĩ ngợi, nhưng vẫn không quay đầu xe hay giảm tốc độ
Ông Hai bồi thêm:
-Bộ mầy không nhớ ở quê mình hồi xưa hay sao ?
Ông Tiến hỏi:
-Nhớ chuyện gì ?
Ông Hai nhắc:
-Hồi đó mỗi lần gánh hát về làng là người ta chạy xe phát mấy cái tờ chương trình để quảng cáo. Hết thảy con nít trong xóm mình đều chạy theo xin. Mấy đứa không biết chữ cũng bám riết, cũng ráng đuổi theo cả cây số, xin cho được một tấm mới chịu dừng lại.
Ông Tiến nói:
-Thôi đi mầy ơi ! Thời buổi nầy đâu có ai rảnh mà đi làm mấy cái chuyện vô ích, không đem lại lợi lộc cho mình như mầy nghĩ đâu.
Rồi nói mỉa:
-Đâu có ai anh hùng như mầy, làm việc tốt nên thấy ai cũng tốt.
Ông Hai nghe nóng mặt nên hỏi:
-Vậy mầy bỏ công việc, đi kiếm tao cho bằng được để làm gì ? Bộ không phải để giúp tao có công ăn, việc làm, có điều kiện để tái hợp với Thủy hay sao ?
Không chờ ông Tiến đáp, ổng hỏi tiếp:
-Có phải mầy tìm tao là vì con bồ của mầy đòi phá thai. Mầy cần gấp một người chịu đứng ra làm bình phong để giữ đứa con nầy lại có đúng không ?
Ông Tiến phản đối:
-Tao muốn đi tìm mầy lâu lắm rồi, nhưng mà chưa có dịp. Thời may...
Ông Hai hỏi:
-Mầy nhận cái thơ của Thủy hồi nào ?
Ông Tiến đáp:
-Tao mới nhận đây thôi !
Ông Hai cười lạt:
-Tao đọc thấy Thủy viết đúng bốn tháng trước lận.
Ông Tiến tức tối:
-Bộ mầy không biết người ta gọi bưu điện nước mình là cụ "rùa" hay sao ?
Họ lo cãi nhau nên không để ý là đã đi huốt chỗ vá xe một đổi. Khi nhận ra ông Tiến hết sức bực bội vì phải đánh một vòng lớn mới trở lại được.
Vừa quạu, vừa gấp nên ổng chạy khá nhanh. Tới nơi, ổng liền thắng lại một cái rụp khiến ông Hai đang ngồi chênh vênh phía sau, chới với rồi té nhào xuống đất.
Lúc ấy đã khá trưa, khách bộ hành vắng tanh, chỉ lác đác vài chiếc xe gắn máy chạy trên đường. Người thợ vá xe đang tranh thủ lúc rảnh để ăn cơm.
Y lấy cái gà mên nằm trong cái giỏ treo trên cái nhánh thấp nhứt của cây phượng xuống. Cái gà mên nầy chỉ có một ngăn, cơm và thức ăn để chung.
Y ta chùi tay vào miếng giẻ lau cho thật sạch rồi mở nấp gò mên. Mùi mắm chưng thịt bầm với trứng vịt tỏa ra thơm phức. Đây là món mà y ưa nhứt, nhưng vì bị bịnh đường ruột nên thỉnh thoảng vợ y mới làm. Y ta phồng mũi hít một hơi dài rồi rút cái muỗng ghim ngập phân nửa trong cơm lên, bưng cái gà mên lên tay, xúc liền một muỗng thật to rồi vừa nhai vừa nuốt..
Muỗng cơm đầu tiên trôi hết sức suông sẻ xuống tới tận bao tử. Muỗng cơm thứ nhì ít hơn, cơm nằm bên dưới kèm chút xíu mắm phía trên. Y ngắm muỗng cơm, ăn bằng mắt cho đã rồi mới dùng tới cái miệng, vừa cho vào mồm thì nghe tiếng xe thắng gấp, liền ngước mặt nhìn lên.
Hai ống kính của y "chộp" đúng bon cái lúc ông Hai té bật gọng, đưa bốn cẳng lên trời. Hoàn cảnh của ông Hai lúc ấy tuy nguy hiểm nhưng khá trào lộng, khiến y ta tuy xót thương nhưng vẫn không nén được tiếng cười rổn rảng. Báo hại miếng cơm trong miệng chưa kịp nhai, liền bị phun hết ra ngoài, bắn tung tóe như rải thóc cho gà ăn.
Tiếng cười của người thợ vá xe làm ông Tiến bỗng dưng nghe quê một cục. Ổng đâm ra giận ông Hai ngang xương nên giả vờ không biết ông bạn của mình đang nằm đo ván. Ổng không thèm ngoái nhìn mà làm mặt lạnh, nói với người thợ vá xe bằng cái giọng sẵn lè:
-Đưa tui mượn lại cái cạc coi !
Điều nầy quá bất ngờ khiến y ta ngưng cười, lật đật để cái gà mên xuống đất, riu ríu móc cái cạc trong túi áo ra đưa ngay. Gương mặt ngớ ra vì ngạc nhiên chồng chất.
Ông Tiến cắt nghĩa:
-Tui hết cạc rồi, lấy lại đặng in theo cái mẫu nầy. Chừng nào có dịp đi ngang qua tui đưa lại cho.
Ông Hai lồm cồm bò dậy phủi quần, phủi áo. Cú ngã khá đau, ông nghe cả người mình ê ẩm. Cũng may có đội nón bảo hiểm nên cái đầu tuy chạm mạnh xuống đường nhưng không bị móp.
Người thợ vá xe hỏi thăm:
-Có sao không chú ?
Ông Hai lắc đầu nói:
-Té nhẹ thôi ! Không có sao.
Đến lúc nầy ông Tiến mới nói:
-Ai biểu khi không buông tay ra, đã vậy còn không chịu để ý, thấy tới chỗ còn không chịu...
Ông Hai tức tràn hông, nói lẫy:
-Dân nghèo, đi bộ với xe đạp không hà ! Lần đầu được chở bằng xe "rim" nên chưa có kinh nghiệm.
Ông Tiến dịu giọng cầu hòa:
-Cũng tại tao gấp quá nên chạy nhanh, đã vậy còn thắng gắt nữa. Mà cái tánh của mầy cũng trẻ con quá. Đầu hai thứ tóc rồi mà còn hở hở là giận. Ngồi mà không chịu ôm eo cho chắc, bởi vậy té là phải. Thôi lên xe tao chở về, lần nầy nhớ ôm chặc cứng đó !
Ông Hai chẳng nói chẳng rằng. Lót tót leo lên ngồi sau lưng ông Tiến, gật đầu chào người thợ vá xe. Y ta cũng lật đật chào lại.
Ông Hai giận cành hông vì nghĩ ông Tiến cố ý chơi mình. Ổng thò hai bàn tay ra nắm chặt cứng cái yên xe, chớ không thèm đụng tới cái eo bỏ không của ông Tiến. Bụng thì lầm bầm trách cứ ông trời, nói ổng thiên vị, không trừng phạt cái người đáng phạt, nịnh nhà giàu mà ăn hiếp nhà nghèo.
Ông Tiến cũng không thèm xuống nước. Từ đó đến lúc về tới nhà họ không thèm nói với nhau một câu. Cả hai đều trông cho mau tới lúc chia tay.
Con đường càng ngắn lại, trong khi khoảng cách giữa họ thì càng lúc càng dài ra.
Ông Hai đã nhận ra tính cách của mình và ông Tiến quá ư tương phản. Ngay lúc đó ổng liền quyết định, chẳng thà đi ăn xin chớ nhất định không làm việc cho ông ta.
Chợt nghĩ đến cái buổi tiệc chiều nay, phải ngồi chịu trận vâng vâng, dạ dạ tới mấy tiếng đồng hồ. Phải ráng đóng kịch để giúp cho một người mà ổng không còn thương, còn quý nữa. Phải lấy lòng và chịu đựng tia mắt dò xét của ông, bà già vợ giả... Ông Hai nghe sao quá đổi nặng nề !
Rồi còn phải đóng vai chánh trong một cái đám cưới . Phải trải qua một đêm động phòng với mền mùng chiếu gối mới tinh, tươm tất mời gọi... Nhưng cái khả năng phải chùi xuống đất, nằm im ru không nhúc nhích, cho dù bị muỗi đói phân thây, lên đến chín chục phần trăm!
Ổng cũng quyết định sẽ không nhận chút xíu thù lao nào khi xong chuyện, cho dù ông Tiến có năn nỉ đến gảy lưỡi. Để chứng minh cho cái tên mới giàu mà bày đặt làm phách, khi người ấy thấy rằng, không phải ai nghèo cũng bị đồng tiền ám ảnh. Cũng bán rẻ lòng tự trọng của mình.
Ông Hai bỗng nhận ra tương lai của mình mờ mịt quá. Đóa hoa tình bạn vừa nở đã tàn. Niềm hy vọng đang le lói bỗng tối thui như đêm ba mươi.
Lần đầu tiên ông Hai cảm thấy mình sợ sống quá chừng !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 34
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 11 2017, 20:08
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
PHẦN HAI

-Có chuyện gì mà coi bộ anh không vui vậy ?
Thư vừa lấy ngón tay trỏ chọc vô lỗ rún sâu hoắm của người đàn ông đang nằm bên cạnh vừa hỏi.
Ông Tiến thở dài:
-Thằng Hùng đi đâu mất biệt, anh tới nhà tìm hoài không thấy. Hỏi thăm mấy người hàng xóm với hai nhà sát vách, cũng không ai biết nó đi đâu.
Thư an ủi:
-Đám cưới xong rồi, chắc ảnh thấy mình không còn cần thiết nữa nên...
Ông Tiến thở dài thêm lần nữa:
-Nó giúp mình chuyện lớn như vậy rồi bỏ đi không nói một tiếng. Anh chưa kịp đền đáp gì hết, trong lòng bức rức quá, càng nghĩ càng hối hận.
Thư hỏi:
-Hối hận chuyện gì ?
Ổng kể cho Thư nghe chuyện tấm cạc, rồi chắc lưỡi:
-Có vậy thôi mà nó giận tới từ mặt anh luôn. Cái thằng đa cảm thấy mà sợ.
Thư nói:
-Chắc không phải ảnh giận anh đâu. Có lẽ ảnh chỉ giúp mà không cần mình phải trả ơn bằng thứ gì hết. Coi bộ ảnh cũng giàu hả anh ?
Tiến lắc mạnh đầu, bắp thịt trên vai rung theo. Thư không nhìn nên nghĩ ổng mỏi, bèn nhấc cánh tay đang lót dưới ót của mình lên rồi kéo cái gối lại kê đầu.
Ông Tiến nghiêng người ôm Thư, hất cái gối qua một bên, lót cánh tay xuống ót cô như cũ. Thư cố nhoài người ra, nhưng bị hai cánh tay to, mập ấy khóa chặt.
Ổng nói :
-Để cho anh ôm, anh đang buồn lắm !
Rồi đáp:
-Nó mà giàu cái gì, nghèo rớt mồng tơi thì có !
Thư cự lại:
-Nghèo sao ăn mặc xịn dữ vậy ? Quần áo toàn là hàng hiệu không hà !
Ông Tiến cười :
-Anh sắm cho chớ nó đâu mua nổi.
Thư ngạc nhiên:
-Bộ anh trả lương cho ảnh thấp lắm hay sao mà...
Ông Tiến lại trút từ trong ngực ra một hơi dài thòng:
-Nó có làm cho anh đâu mà trả lương.
Thư hỏi tới:
-Vậy ảnh làm nghề gì vậy anh ?
Ổng đố:
-Đâu em đoán thử coi !
Thư đáp mà không suy nghĩ:
-Dạy học.
Ông Tiến lắc đầu:
-Trật lấc !
Thư thận trọng hơn:
-Chạy mánh !
Ổng phì cười :
-Trật xa mút tí tè. Cái nghề nầy đặc biệt lắm. Em không thể ngờ đâu .
Thư nói một lèo:
-Đạp xích lô, bán kẹo kéo, thiến heo, nhổ răng dạo...
Ông Tiến cười sằng sặc, nói một cách thích thú:
-Em đoán tới tết Công Gô cũng chưa ra nữa. Cái nghề nầy khắp Sài gòn chỉ có mỗi mình nó làm thôi. Độc nhứt vô nhị; Vô tiền khoáng hậu...
Thư phụng phịu:
-Thôi em không đoán nữa đâu. Anh nói liền đi.
Ông Tiến hơi chần chờ, ngại nói ra Thư sẽ giận, sẽ trách bộ hết người rồi sao mà đi nhờ cái dân mạt hạng như vậy làm chú rể giả.
Thư thấy ổng làm thinh thì càng tò mò hơn, lại lấy ngón tay trỏ chọc vô cái rún sâu như giếng ấy rồi hăm:
-Nói lẹ lên, không thôi là em chọt cho lủng bụng đó !
Ổng nói, giọng nhẹ hều:
-Nó làm nghề vớt rác trên sông.
Thư nghe như có ai dí điện vào sống lưng.
Cô hỏi, giọng như đang bị ngộp:
-Nhà ảnh ở đâu ?
Ông Tiến đáp:
-Ở quận tám !
Rồi tả oán thêm:
-Em không tưởng tượng ra đâu. Nhà nó nhỏ như cái toa lét của mình vậy đó. Cặp sát kinh nên mùi sình hôi rình. Đã vậy còn không có điện.
Ông Tiến cảm nhận thân hình của Thư đang cứng lại trong tay mình.
Ổng hỏi:
-Em sao vậy ?
Thư đáp:
-Khi không mà em ớn lạnh.
Ông Tiến nói mơn:
-Để anh làm cho em nóng lên nghe.
Thư lắc đầu:
-Em mệt rồi.
Ông Tiến năn nỉ:
-Mệt cái gì mà mệt, mới có...
Thư chận ngang câu nói và cả bàn tay đang di động trên ngực mình:
-Con cũng mệt rồi, để cho nó nghỉ.
Đây là chiêu thượng sách nhứt của Thư. Lúc nầy hể muốn vòi vĩnh điều gì, cô đều nhân danh đứa con đang nằm trong bụng của mình.
Câu chuyện vừa nghe khiến Thư choáng váng. Cô nhủ thầm "lẽ nào...".
Thư nghe tứ chi rụng rời, còn không nhấc nổi đến một ngón tay, nói chi tới cái chuyện ... Cảnh lâm nạn ngày xưa đang hiện rõ mồn một trong đầu cô như khúc phim quay chậm.
Ông Tiến đang hăng tiết vịt nên chưa chịu đầu hàng, rà môi lên xuống trên má Thư.
Thư chẳng còn lòng dạ nào mà đáp ứng.
Cô nhắc để đuổi khéo:
-Anh không về đi ăn với vợ sao ?
Ông Tiến đáp:
-Còn sớm mà, ở thêm chút nữa...
Thư nói:
-Anh về trễ coi chừng bị kẹt xe đó. Bốn giờ trở lên là công nhân ở mấy cái khu chế xuất gần đây họ tan ca, đổ ra ào ạt chật cứng đường.
Ông Tiến liếc nhìn cái đồng hồ treo trên vách rồi van nài:
-Mới hơn ba giờ. Còn kịp ...
Thư nghĩ ra một chiêu mới, áp dụng liền:
-Em hết tiền xài rồi !
Ông Tiến cụt hứng ngay lập tức.
Ổng hỏi giọng quạu đeo:
-Em xài tiền gì mà như ăn gỏi vậy ? Mới đưa hôm thứ hai, chưa hết tuần mà xài đứt hai triệu là sao? Anh có là tỷ phú đô la cũng không nuôi nổi !
Thư thút thít:
-Em bị móc túi.
Ông Tiến không tin, gặng:
-Sao bây giờ mới nói ?
Thư ráng ép cho hai giọt nước mắt chảy ra:
-Em sợ anh rầy.
Ông Tiến rút cánh tay ra, ngồi dậy một cái rột rồi đi thẳng vô nhà tắm.
Thư không đi theo mà nằm im trên giường, làm bộ giận dỗi để không phải chịu đựng thêm bất cứ một điều gì. Đột nhiên lẩm bẩm:
-Trái đất sao mà nhỏ như cái nồi cám heo.
Ông Tiến hỏi:
-Em nói cái gì đó?
Thư làm thinh, kéo mền trùm kín đầu.
Ông Tiến bỗng nghe hối hận. Đây là lần đầu tiên ông nặng lời với cô về chuyện tiền bạc. Ổng tắm thật nhanh, mặc đồ xong liền ngồi xuống bên cạnh cô, kéo tấm mền ra rồi hỏi:
-Em giận anh rồi hả ?
Thư đáp, giọng nghẹn ngào:
-Anh đối xử với em y như mấy con điếm hạ cấp vậy đó !
Ông Tiến xuống nước:
-Anh xin lỗi, anh đâu dám có ý đó. Anh biết em là con nhà đàng hoàng, có học thức...
Thư khóc to:
-Tại thương anh nên em mới lâm vào cái cảnh như thế nầy. Mấy đứa bạn của em, tụi nó đứa nào cũng chồng con đàng hoàng, đâu có sống cái cảnh lén lút, hồi họp như em.
Ông Tiến càng ăn năn thêm, van nài:
-Thôi cho anh xin, đừng khóc nữa. Anh biết lỗi rồi, từ nay không tái phạm nữa đâu.
Để thể hiện thiện chí của mình, ổng móc cái bóp rút ra mấy tờ giấy xanh đặt lên bàn ngủ.
Ổng cúi xuống hôn lên má Thư rồi nói:
-Anh về nghe ! Chiều nay em đừng nấu cơm, đi ăn ngoài cho khỏe .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 35
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 11 2017, 20:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông Tiến đi khá lâu rồi mà Thư vẫn còn nằm miết trên giường.
Từ lúc biết người vừa đóng vai chú rể để cứu cô ra khỏi cái cảnh bị gia đình, xã hội khinh khi, ruồng bỏ, cũng chính là người đã cứu mình thoát khỏi cảnh tù tội của mấy năm trước, Thư lo bấn lên liền. Cô chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến bất cứ chuyện chi, bất cứ người nào, cho dù hệ trọng đến tính mạng, nói gì tới mấy cái chuyện ăn với uống.
Bây giờ cô đã hiểu ra cái nhìn trân trối của ông Hùng khi gặp mình hôm trước. Đó là cái nhìn sửng sốt vì bất ngờ chớ nào phải bị tiếng sét ái tình như cô đã nghĩ.
Nỗi xấu hổ bỗng dâng trào rồi nhận Thư chìm lĩm. Thư kéo mền trùm kín đầu, cảm giác như có ai đang đứng trước mặt và nhìn mình một cách hết sức nghiêm khắc.
Cái kỹ niệm mà cô giấu tận đáy lòng, chẳng bao giờ chủ động lấy ra xem ấy, như khúc phim đang chiếu thật chậm. Từng chi tiết bỗng hiện ra mồn một :
Cô nhớ đến đôi mắt thật hiền nhìn cô đầy thương cảm trên gương mặt thanh thoát như tiên của người đàn ông ấy. Nhớ cảm giác sượng sùng của mình khi xỏ tay vào chiếc áo đi mưa cũ mèm. Nhớ hai bắp cơ to như hai con chuột trên cánh tay khi ông ta gồng mình dốc hết khả năng mà bơi. Nhớ cái động tác cúi rạp người và vung cây dầm lia lịa. Nhớ tiếng đạn xé gió cùng tiếng cây dầm xé nước rào rào. Nhớ cả những giọt nước bị bắn tung lên trời, lóng lánh như kim cương dưới ánh trăng...
Thư nghĩ thầm:
-"Chắc ông ta thất vọng về mình lắm !"
Bỗng dưng cô buộc miệng phân bua:
-Thông cảm giùm tôi đi. Tôi yếu đuối và bất hạnh lắm !
Thốt ra câu đó xong, Thư nghe tủi thân quá, nước mắt liền lăn dài trên đôi má.
Thư bỗng căm giận xã hội sao hết sức bất công, liệt cái mặt hàng duy nhất mà cô có vào loại hạng bét. Nếu đó không là một nhu cầu bức thiết đối với nam giới và được họ săn lùng ráo riết thì làm sao xuất hiện những nhà cung cấp như cô. Nó còn quan trọng, cần kíp gấp mấy lần chuyện cơm, áo nữa là đằng khác, bởi không ít người đàn ông phải bỏ danh dự, tài sản, sinh mạng của họ vì nó.
Thử hỏi nếu không có mấy người phụ nữ như cô, xã hội sẽ giải quyết vấn đề ấy bằng cách nào ?
Đâu phải ai ai cũng may mắn tìm được nửa kia của mình. Cho dù tìm được rồi thì cũng "hãy đợi đấy !" chớ đâu có "muốn là được" ngay đâu. Những lúc ấy, nếu không có những cô gái tội nghiệp đó, thì ai có thể giúp họ giải quyết cái nhu cầu mà "trời cho không nhận không xong" ấy ?
Xét cho cùng, những bức xúc của Thư đâu phải là không chính đáng. Những người phụ nữ trót mang cái nghiệp : "Sống làm vợ khắp người ta " ấy, đáng lẽ được xem như ân nhân của nhân loại nói chung và nam giới nói riêng. Đáng lẽ họ phải được đền đáp một cách thỏa đáng. Đáng lẽ mỗi năm nên có một ngày vinh danh, để ghi nhận công lao to tát ấy. Thế nhưng ngược lại ! Họ bị khinh khi, rẻ rúng đến tận cùng !
Điều nầy khiến những "công nhân" của cái nền công nghiệp rất sạch vì không xả khói và rác, cũng không tiêu tốn nhiên liệu nhiều như mấy ngành khác vì chỉ diễn ra trong bóng tối, hoặc dưới mấy ngọn đèn mù mờ ấy, mang mặc cảm mình là đồ bỏ đi rồi nãy sinh những tư tưởng tiêu cực, không còn quý trọng bản thân nữa.
Với những người mà ngay cả bản thân còn không yêu quý thì đừng đòi hỏi họ quý trọng điều chi. Họ sẽ trở nên nông nổi, sẽ bị lợi dụng, biến thành nạn nhân và công cụ của những kẻ giàu thủ đoạn. Bị ngược đãi nên đôi khi họ cư xử hết sức tàn nhẫn với những người khác, kể cả với bản thân.
Chính giống đực là nguyên nhân trực hoặc gián tiếp đưa đẩy các cô gái đến cái khổ nghiệp ấy. Họ thực hiện hành vi bóc lột của mình một cách vô cùng tinh vi rồi sau đó lại trục lợi. Họ cố tình gieo rắc trong tâm thức của giống cái rằng đó là điều đồi bại nhất của đàn bà, một cái tội tày trời không thể thứ tha. Họ khiến cho những cô gái sa chân vào cái nghề ấy bị dày vò cả tinh thần lẫn thể xác. Những người phụ nữ nào đã thực hiện việc giao phối không phải với chồng của mình, cho dù là chủ động hay thụ động, đều mang mặc cảm có tội, phải giấu kín bưng và sống với cái tâm trạng nơm nớp lo âu suốt đời.
Nếu công việc của họ được đánh giá một cách thật công bằng, sáng suốt. Nếu xã hội không do đa số đàn ông điều hành. Nếu nam quyền không đặt lên hàng đầu. Nếu cái đẹp về hình thể không được suy tôn quá đáng... thì cái mà người ta đang gọi là "tệ nạn" ấy, đâu trở nên vượt quá tầm kiểm soát.
Từ ngày căn bịnh Aids hoành hành, những con bướm đêm ấy lại càng bị truy lùng dữ dội. Họ lại bị gán cho cái tội gieo rắc dịch bệnh, tai ương.
Lại một lần nữa, họ, những nạn nhân lại bị đối xử y như thủ phạm. Mà theo Thư và một số người khác, thì nguyên nhân tạo nên đại dịch ấy, bắt nguồn từ những đôi "pê đê" mà thôi.
Cái thân phận bị mua và bị ngược đãi ấy được áp đặt cho tất cả phụ nữ, không loại trừ một ai, kể cả những người xuất thân từ giới quý tộc, như công chúa Huyền Trân chẳng hạn.
Bà công chúa ấy đã có công với đất nước biết bao ! Nhờ bà nên nước ta mở mang thêm bờ cõi mà không tốn đến một giọt máu.
Thế nhưng để đền đáp lại bà đã phải chịu biết bao nhiêu lời đàm tiếu.
Và như còn chưa đã nư giận, ông trời bắt bà phải gánh thêm sự dè bĩu của hậu thế cho đến tận ngày nay. Biến con đường mang tên bà thành cái chợ tình tai tiếng nhứt Sài Gòn.
Một nữ sĩ khác còn có số phận bi đát hơn Công Chúa Huyền Trân, đó chính là bà Thị Lộ, vợ của vị đại thần Nguyễn Trãi. Bà bị chồng dâng cho vua, khi vua chết và cho dù nguyên nhân không phải do bà. Bà vẫn bị xử tử hình với bản án dìm cho chết ngộp.
Cái mạng của một vị vua, cho dù là loại sâu dân mọt nước, cũng được xem là một tổn thất nặng nề của đất nước. Để bù đắp lại người ta bèn giết thêm những vị công thần, những trang liệt nữ khác.
Người ta ca tụng bà Trưng, bà Triệu, bà Bùi thị Xuân bởi công trạng của họ mang hơi hướm của đàn ông. Họ cởi voi, cầm giáo, giết quân thù chẳng gớm tay. Những người phụ nữ giữ đúng bản sắc, dùng khí giới của chính mình, cho dù có xã thân vì nước cũng chẳng ai được vinh danh như vậy.
Sinh ra làm đàn bà là phải chịu đựng biết bao nhiêu thiệt thòi. Ngay từ lúc lọt lòng đã không được hân hoan chào đón. Ở một số quốc gia, đẻ con gái là một thảm họa, đứa bé đó có khi còn bị giết chết. Cho dù ai cũng biết rằng không có họ thì nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong, thế nhưng cái hành động giúp lưu truyền nòi giống đó lại bị cho là tội lỗi, nhứt là đối với những người phụ nữ không có được cái chức danh "vợ".
Ngày nay ai cũng thơn thớt cái miệng là mình chủ trương nam, nữ bình quyền, thế nhưng thử đến mấy cái nhà bảo sanh mà coi. Những ca sanh con so là trai, chẳng những ông bà nội ngoại, cha mẹ đứa trẻ sơ sinh đó mừng rở tột cùng. Các bác sĩ, y tá mặt mày cũng tươi rói.
Họ nói như reo với sản phụ:
-Xin chúc mừng, bà đã có một cậu quý tử rồi !
Ở những ca sanh con gái họ cũng thông báo như trên, có điều bỏ bớt ba chữ "xin chúc mừng", bởi đâu biết người mẹ ấy có mừng không mà chúc .
Cái nghiệp "làm vợ khắp người ta " ấy là một loại mực mà những người phụ nữ không may mắn như Thư, nếu đã lỡ dính vào thì chẳng bao giờ gột rửa cho sạch bong. Chúng suốt đời như một vết thương chẳng bao giờ lành. Họ sẽ mãi mãi băng bó và luôn luôn đau xót.
Càng nghĩ Thư càng uất ức, nước mắt cứ tuôn ra không kềm lại được. Đó là những giọt nước mắt hết sức lẽ loi vì đâu ai chia sẻ! Và đó mới chính là những giọt nước mắt thật nhất, mặn nhất, xót xa nhất...Nó có vị cay đắng của nỗi tủi buồn, mùi mục rửa của một loại hoa không kết trái.
Thật ra với công việc và đồng lương hiện tại Thư có thể duy trì cuộc sống mà không cần phải lệ thuộc vào ông Tiến. Thế nhưng cô đã quá gắn bó với những tiện nghi vật chất. Với căn nhà khang trang. Với cái phòng ngủ có gắn máy điều hòa. Với cái giường đắt tiền, tấm nệm Kim Đan, bộ drap gối mền cao cấp. Với cái tủ lạnh đầy nhóc trái cây cùng những thức ăn xa xỉ mà ngày xưa Thư không nuốt nổi như phô mai, bơ, ma don ne...Tất cả những thứ ấy giờ đã quen thuộc đến độ trở nên cần thiết như không khí và nước đối với cô vậy. Cần thiết cho đến nổi cô phải có chúng bằng mọi giá, kể cả phải đánh đổi lòng tự trọng của mình.
Chiếc xe Dream, điện thoại di động, kể cả chiếc nhẫn nhỏ xíu Thư đeo trên ngón tay...Tất cả đều cho Thư một niềm khoái cảm sâu xa, êm ái khi nhìn ngắm. Chúng đều do ông Tiến mua tặng, Thư yêu chúng nên yêu luôn ông ta từ hồi nào chẳng biết.
Sự xuất hiện của ông Hùng khiến Thư lo sợ rằng một ngày nào đó, ông Tiến sẽ biết được quá khứ của cô và không nhìn nhận đứa bé trong bụng cô là con của ổng.
Người ân nhân mà đã bao lần Thư nhớ đến với lòng biết ơn sâu sắc, bây giờ bỗng trở thành một mối hiểm nguy bậc nhất. Đe dọa sẽ phá hủy toàn bộ cuộc sống của cô. Cho nên thay vì đền ơn, cô chỉ muốn tống ông ta bay ra khỏi trái đất càng xa, càng tốt.
Khóc đã thèm rồi, nước mắt cạn hết rồi...Thư dần dần lấy lại sự bình tâm. Tuy nỗi buồn phiền, sự lo sợ vẫn còn tràn tới miệng, nhưng đầu óc đã nhẹ đi nhiều và tỉnh táo hơn một chút. Thư cũng đã nghĩ ra được giải pháp: Cô sẽ đi tìm ông Hùng, năn nỉ để ổng không kể với ông Tiến việc cứu cô. Trong trường hợp ổng không đồng ý, cô sẽ làm mất uy tín của ổng, bằng cách nói với ông Tiến là ông Hùng đã tỏ tình với cô và bị cô cự tuyệt, để rủi mà ông ta có kể thì ông Tiến cũng không tin.
Nghĩ thông rồi là Thư thực hành liền. Cô tốc mền ngồi dậy, đi rửa mặt, thay đồ để đến nhà ông Hùng không chậm trễ một giây nào.
Thư chọn bộ đồ giản dị nhất. Cô không trang điểm, chỉ chải tóc cho thật thẳng, rồi cột lại bằng sợi dây thun màu đen. Cô biết mình phải trông thật đơn sơ, hiền lành, mộc mạc trước mặt ông Hùng thì ông ta mới có thiện cảm với mình. Những típ người như ông ấy, phương pháp hữu hiệu nhứt để sai khiến chính là khơi gợi cái lòng trắc ẩn, vốn hết sức dồi dào trong họ.

Thư cứ tưởng là mình chẳng thể nào quên cái xóm nhỏ ấy, nào ngờ đi tìm loay hoay, đảo tới, đảo lui cả tiếng đồng hồ cũng chưa gặp.
Hôm ấy cô đi khỏi chỗ đó lúc tờ mờ sáng, lại quá hổ thẹn nên cứ cắm đầu mà bước. Lúc đó cô đâu có nghĩ sẽ quay trở lại để mà ráng nhớ. Hơn nữa mấy năm gần đây, Sài gòn thay đổi nhanh đến chóng mặt, cho nên Thư cứ đi lòng vòng mãi mà không tìm ra được.
Chán nản quá Thư bèn dừng xe lại, ngó quanh...
Một giọng phụ nữ đon đả:
-Mua đậu phộng nấu đi cô. Bữa nay có đậu mới, ngọt và chắc lắm !
Thư nhìn người phụ nữ trung niên có gương mặt khá dễ coi ấy. Cười thật tươi để lấy cảm tình rồi hỏi:
-Chị làm ơn cho em hỏi thăm. Chị có biết nhà của cái ông bơi xuồng đi vớt rác trên sông không vậy ?
Người phụ nữ ấy lớn tuổi hơn Thư nhiều nên nghe Thư gọi mình bằng chị thì khoái ra mặt.
Cô ta đáp một cách sốt sắng:
-Biết chớ sao không? Ổng ở sát vách với tui mà .
Thư mừng rơn vội nói:
-Chị cho em mua hết cái chỗ đậu phọng nầy nghe ! Em xin phép chở chị về và nhờ chị chỉ cho em nhà của ổng có được không chị ?
Cô Tám, người phụ nữ ấy, mừng rơn nhưng còn làm bộ mại hơi:
-Cô mua nhiều quá ăn đâu hết. Thôi chờ đó đi, một lát bán xong rồi, tui dắt cô lại nhà ổng giùm cho.
Thư năn nỉ:
-Em thích đậu phọng nấu lắm. Bây nhiêu đây em ăn cái một. Chị cứ gói hết cho em.
Cô Tám bèn trút hết đậu phọng vào cái túi ni lông rồi đưa cho Thư.
Thư hỏi:
-Bao nhiêu vậy chị ?
Cô Tám, cũng như tất cả người bán hàng chuyên nghiệp khác, hể gặp khách mua có vẻ sang sang, thì đều nói:
-Cô trả bao nhiêu cũng được.
Thư móc tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhứt ra đưa. Cô Tám ngần ngại:
-Đưa làm chi tiền lớn quá, tui đâu đủ thối ?
Thư cười, nói cho cổ yên tâm:
-Chị cứ cầm đi, khỏi thối, đừng có ngại gì hết. May mà em gặp chị chớ không thôi cứ chạy vòng vòng hoài. Bây nhiêu tiền đó cũng không đủ đổ xăng.
Cô Tám nghe vậy thì mừng rơn, lật đật nhét tờ tiền vô túi.
Thư đập nhẹ lên yên, chỗ ngay sau lưng, mời:
-Chị lên ngồi đi, em chở về cho.
Cô Tám bưng cái rỗ không, thót lên ngồi một bên.
Thấy cổ không dám ôm mình, Thư nói:
-Chị cứ ôm chặt em đi, không có sao đâu.
Cô Tám đáp:
-Tui nắm cái yên được rồi, không té nổi đâu.
Thư hỏi :
-Chạy hướng nào hả chị ?
Cô Tám đáp:
-Cô chạy hết con đường nầy là tới một cái hẻm nhỏ. Chạy thẳng vô luôn, mút con hẻm là tới nhà ổng.
Thư vừa đi vào con đường trải đá nhỏ xíu là nghe mùi sình xông lên nồng nặc. Cô bất giác nín hơi rồi chịu hết xiết nên thở ra một cái khì thật mạnh.
Cô Tám giải thích:
-Bữa nay nước ròng nên mới hôi nhiều như vậy đó ! Cô mới tới nên chịu không nổi. Tụi tui ở riết rồi cũng quen.
Chiếc xe dừng lại trước căn nhà nhỏ còn hơn Thư tưởng tượng.
Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Thư, cô Tám giải thích:
-Miếng đất nầy ngay ngã ba, xấu thế lắm, không ai dám cất nhà nên mới còn mà tới tay ổng.
Thư hỏi:
-Tại sao ngay ngã ba là xấu vậy chị ?
Cô Tám giải thích:
-Đất ngay ngã ba là bị người ta dòm chòng chọc, cái nầy kỵ lắm ! Hơn nữa ngay chóc mũi xe, rủi nó mà đứt thắng là mình lãnh đủ cho nên ai cũng né.
Thư hỏi như nói một mình:
-Cái nhà hẹp té như vầy làm sao mà ở ?
Cô Tám giải thích:
-Hồi đó ổng ở phía trước, chỗ căn nhà nầy. Bây nhờ nhường lại cho ông Chín nên lui về phía sau. Đi hết cây cầu là tới nhà của ổng liền
Rồi chỉ tay vào cây cầu cặp bên hông căn nhà hẹp té đó.
Cô Tám nói thêm:
-Nhà ổng không chừa đường đi vô nên rộng hơn một chút.
Cây cầu dựng quá xơ xài, bề ngang chừng năm, sáu tấc vừa đủ cho một người đi. Không đủ chỗ để dắt xe, nên muốn vào nhà Thư phải để xe bên ngoài, mà như thế thì mạo hiểm quá !
Thấy nét mặt Thư lộ vẻ phân vân, cô Tám đã đoán ra.
Cổ nói:
-Cô cứ đứng đó đi, để tui kêu ổng ra giùm cho.
Rồi cổ kêu to:
-Anh Hai ơi ! Anh Hai !
Thấy Thư nhìn mình, cổ giải thích:
-Hổm rày có một ông ăn mặc rất lịch sự , cũng đi xe "rim" như cô, tới kêu cửa hoài mà ổng không chịu lên tiếng. Chắc thiếu nợ người ta nên lánh mặt. Cô có kêu tới khan tiếng, ổng nghe cái giọng lạ hoắc cũng không chịu ra đâu.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI VỚT RÁC TRÊN SÔNG 36
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 11 2017, 22:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chờ hồi lâu không thấy ông Hai lên tiếng. Cô Tám liền nói:
-Để tui vô coi ổng có ở nhà không ?
Nói xong cổ cắp cái rỗ bên nách rồi đi te te.
Chưa đầy mười phút cổ quay ra liền và nói với Thư:
-Ổng không có ở nhà. Tui nhìn qua kẹt cửa thấy cái nhà trống trơn hà !
-Không biết ổng đi đâu ?
Thư thở dài, nói lẩm bẩm một mình.
Cô Tám cho là Thư hỏi mình, nên trả lời:
-Chắc ra đình quá !
Thư hỏi:
-Đình ở đâu vậy chị ?
Cô Tám đáp:
-Gần đây thôi ! Cô cứ đứng đây chờ để tui chạy đi kêu ổng vô giùm cho.
Cô Tám vừa đi được nửa đường thì đã thấy ông Hai đi lon ton tới.
Cổ mừng quá, nói rối rít:
-Có cái cô đẹp lắm đi chiếc xe "rim" mới cáu cạnh tới kiếm anh đó.
Rồi chỉ tay về phía Thư, nói:
-Cổ đang chờ kia kìa.
Ông Hai nhìn theo ngón tay trỏ của cô Tám và nhận ngay ra Thư. Thư đang ngó về hướng ổng nên "chộp" liền tia nhìn đó và gật đầu chào lập tức.
Ông Hai muốn tránh mặt cũng không kịp, đành đi thẳng tới.
Ông hỏi:
-Thư kiếm tôi có chuyện gì không ?
Thư đáp:
-Em có chút chuyện định nhờ anh giúp.
Cô Tám nghe Thư gọi ông Hai bằng anh thì nghĩ thầm:
-"Con nhỏ nầy thiệt là...Ông Hai ít gì cũng gấp đôi tuổi nó, đáng lẽ phải xưng con gọi chú mới đúng. Dòm cái tướng lịch sự quá mà ăn nói coi bộ không giống người đàng hoàng".
Cái cảm tình chan chứa cổ đang dành cho Thư bỗng giảm đi năm chục phần trăm.
Đã vậy Thư còn đuổi khéo:
-Cám ơn chị nhiều lắm ! Em không dám làm mất thì giờ của chị thêm...
Vậy là năm mươi phần trăm còn lại cũng đi đời nhà ma. Cổ không chờ Thư nói hết, ngoe nguẩy bỏ vô nhà liền không thèm chào đến một tiếng.
Đợi cô Tám đi hẳn rồi ông Hai mới nói:
-Tôi có nói trước với thằng Tiến rồi. Tôi chỉ tham dự đến đó thôi...
Thư lật đật ngắt lời:
-Chuyện nầy không liên quan tới anh Tiến. Ảnh không biết em đi kiếm anh đâu. Em không muốn ảnh biết em và anh đã quen nhau từ mấy năm trước nên...
Ông Hai làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi:
-Thư nói gì lạ vậy ? Tôi với Thư trước đây có gặp nhau đâu mà quen !
Thư nhìn ổng một cách ngỡ ngàng rồi hỏi:
-Không phải bốn năm trước, chính anh là người đã vớt em trên cái kinh nầy sao ?
Ông Hai lắc đầu:
-Chắc Thư nhận lầm người rồi. Tôi mới về đây ở hơn một năm thôi !
Thư khăng khăng:
-Người đó giống hệt anh, cũng ở cái hẻm nầy, không lẽ...
Ông Hai làm như đã hiểu ra, liền giải thích:
-Vậy chắc là người ở đây trước tôi rồi. Anh ta bán căn nhà, cái xuồng lại cho tôi. Anh ta trạc tuổi tôi, mặt mày cũng hao hao nên Thư lầm là phải.
Để thuyết phục hơn, ổng đánh liều:
-Y ta cũng ở gần đây thôi, hay là tôi dắt Thư tới...
Thư lật đật lắc đầu:
-Dạ khỏi ! Dạ khỏi !
Ông Hai làm bộ tò mò, hỏi :
-Nếu tôi là y thì Thư định nhờ chuyện gì ?
Thư đáp lấp lửng:
-Chỉ là...Chỉ là...mà cũng không còn quan trọng nữa.
Cô lại bán tín, bán nghi, hỏi tiếp:
-Sao lúc gặp em anh nhìn sửng sốt như thể nhận ra người quen, làm em còn tưởng...
Ông Hai cười :
-Tại lâu quá không thấy người đẹp như Thư nên tôi chới với.
Thư cười giòn rụm. Sung sướng vì được khen và rũ bỏ mối lo nên bỗng nghe yêu đời phơi phới.
Cô cao hứng nói:
-Anh đi dùng cơm với em nghe. Em chưa ăn nên nghe đói ngấu .
Ông Hai từ chối:
-Tiếc quá, tôi mới đi ăn chực chỗ thằng em về.
Thư năn nỉ:
-Thì ăn thêm nữa, có sao đâu .
Ông Hai lắc đầu:
-Bữa nay nó làm mắm ruốc xào xả ớt, ngon quá nên tôi ăn tới hết chỗ chứa. Đành hẹn Thư khi khác thôi !
Thư thở dài:
-Biết có còn gặp nữa không mà mời.
Ông Hai làm thinh.
Thư bỗng hỏi:
-Sao anh lánh mặt anh Tiến vậy ?
Ông Hai giả bộ ngạc nhiên, hỏi lại:
-Tôi lánh mặt nó hồi nào?
Thư đáp:
-Ảnh nói ghé đây kiếm anh hoài mà không gặp.
Ông Hai cười:
-Hổm rày tôi đi thăm người bạn ở xa, mới về nhà hôm nay.
Rồi nói đùa:
-Thư hên lắm đó, tới ngay chóc. Chắc trước khi đi có vái ông địa phải không ? Bởi nếu sớm hoặc trễ hơn một ngày là không gặp tôi đâu.
Thư cười:
-Em có thờ ông địa đâu mà vái.
Rồi tò mò:
-Anh định đi xa hả ? Ở đâu vậy anh ?
Ông Hai gật đầu:
-Cũng không xa lắm, Bến Lức thôi hà !
Thư hỏi tiếp:
-Anh đi chơi bao lâu ?
Ông Hai lắc đầu, nói đùa:
-Đi thiệt chớ đi chơi gì. Người bạn đó xúi tôi bỏ nghề vớt rác về đó ở với ảnh.
Thư hỏi ngay:
-Bỏ nghề rồi anh làm việc gì ?
Ông Hai đáp:
-Ảnh có một mảnh đất, rủ tôi hùn vốn, góp công với ảnh trồng rau sạch.
Thư mừng quá ! vậy là cô đã có cơ hội đền ơn cho ân nhân.
Cô nói với giọng đầy ấp nhiệt tình:
-Làm đi anh, bỏ quách cái nghề cực khổ nầy cho rồi .
Rồi ngập ngừng đề nghị :
-Cần thứ gì anh cứ nói với em một tiếng, em sẽ ...
Ông Hai cười:
-Chắc không đến nổi làm phiền Thư đâu ! Miếng đất nhỏ xíu hà...
Thư hấp tấp ngắt lời:
-Em mang ơn anh nhiều lắm ! Ước mơ lớn nhứt của em là được giúp đỡ anh. Anh hãy hứa là khi nào cần bất cứ điều gì, người đầu tiên anh nghĩ đến phải là em.
Giọng nói rất thành thật xuất phát từ tấm chân tình ấy khiến ông Hai nghe lòng ngập tràn một niềm cảm động. Ông im lặng hồi lâu để nén cơn sóng cảm xúc đang dâng lên ào ạt, thiếu điều làm nghẹt cái cổ họng. Chờ nó lắng xuống tận đáy lòng, ông mới nói:
-Tôi không có nhiều nhu cầu nên sự giúp đỡ về vật chất gần như không cần thiết. Chỉ cần Thư sống thật tốt, nuôi dạy đứa bé trong bụng nên người thì tôi vui rồi.
Lời khuyên chí tình ấy khiến Thư rưng rưng.
Cô ráng nuốt nước mắt rồi nói:
-Em xin hứa với anh điều đó !
Họ vẫn đứng ngoài đường nói chuyện với nhau. Ông Hai không muốn cuộc trò chuyện kéo dài quá lâu nên không mời Thư vào nhà.
Ở những xóm bình dân, những người lạ đi xe đắc tiền, có vẻ sang trọng xuất hiện đều bị dòm ngó ghê lắm, huống chi đây lại là một cô gái trẻ đẹp.
Mấy người phụ nữ trong xóm liền đem ghế ra trước nhà ngồi. Họ trò chuyện với nhau một cách rôm rả, nhưng hai con mắt vẫn nhìn về phía ông Hai.
Ba đứa con trai choai choai kéo nhau đi ngang qua họ, chúng nhìn Thư đăm đăm rồi huýt sáo. Một tên nhỏ nhứt quay lại nhìn Thư thêm lần nữa rồi khen:
-Đẹp ác !
Ông Hai bèn giục:
-Tối rồi, thôi Thư về đi, ở đây lâu bất tiện lắm !
Thư chỉ chờ có vậy là chào liền:
-Cám ơn anh đã tiếp chuyện. Em xin phép đi về.
Rồi rồ máy chạy ào.
Ông Hai nghĩ thầm:
-" Cô gái nầy kể ra cũng còn tốt! Cô ta dám đến đây tìm mình để nói tiếng cám ơn mà không ngại thằng Tiến biết được cái quá khứ của cổ. Chắc cổ không hoàn toàn tin lời mình nói đâu. Coi bộ cổ xúc động quá ! Chân thành quá! Chắc sẽ giữ đúng lời hứa với mình".
Ông Hai nghe lòng lâng lâng, bèn vừa đi vừa chúm môi huýt sáo bản nhạc " Vết thù trên lưng ngựa hoang" mà ngày xưa mình hằng ưa thích. Đã lâu rồi ông không sử dụng cái tài lẻ nầy, nên làn điệu không còn mượt mà như trước, khiến ông hơi hụt hẩng.
Cô Tám nãy giờ vẫn lắng tai thu âm từng lời chuyện trò của họ, không bỏ sót một tiếng nào.
Nghe ông Hai nói sắp bỏ nghề và đi xa, cô bỗng nghe lòng buồn vô hạn rồi đâm ra giận ổng ngang xương. Tiếng huýt sáo rộn rả ấy càng làm cô nỗi cơn tam bành.
Cổ chửi thầm trong bụng:
-"Cái đồ già dịch ! Mới được con gái tới kiếm, xưng hô anh anh, em em rồi là hồi xuân liền. Làm như thanh niên mới lớn, huýt sáo om sòm nghe mà điếc con ráy !"
Rồi cổ thở dài, chưa chi mà đã nghe lo: Lo từ nay sẽ phải bỏ tiền ra mua củi, lo xôi cháy không biết bán cho ai, lo trời mưa bán ế chẳng có ai mua mão giùm...

Căn nhà thằng Út cách nhà ông Hai khoảng nửa thước tây. Đang tuần trăng mật nên đêm nào những tiếng động bên đó cũng xăm lăng qua nơi ông ngủ.
Những tiếng rên nho nhỏ, những lời trêu chọc, âu yếm của đôi uyên ương đó lắm khi nghe rõ mồn một, chúng gợi cảm quá khiến ông nổi gai ốc đầy mình. Ông thở dài tự nhủ:
-Tụi nầy nó hiếu chiến quá! Hèn gì ông già Chín phải tống chúng ra khỏi nhà cho lẹ để khỏi ảnh hưởng tới hòa bình thế giới.
Ông bỗng đâm ra hối hận vì đã chia sẻ lảnh thổ của mình.
Chẳng riêng gì ông, cô Tám cũng là một nạn nhân trong cuộc chiến đó.
Một hôm cổ gặp ông Hai trong đình, liền nói:
-Hổm rày tui tính nhờ anh giúp giùm một chuyện mà kiếm hoài hổng gặp. Vậy chớ anh đi đâu mà cả tuần nay mất tăm, mất dạng vậy?
Ông Hai đáp:
-Tui đi Bến Lức! Cô tính nhờ tui chuyện gì?
Cô Tám chắt lưỡi:
-Cái chuyện nầy nó ngặt lắm! Nói ra thì kỳ mà không nói cũng không xong.
Ông Hai đăm đăm nhìn cổ như thúc giục.
Cô Tám ho khan một tiếng rồi nói:
-Hổng biết anh có để ý hông chớ từ hôm thằng Út cưới vợ tới giờ tui thấy chỗ ở của mình bất tiện lắm!
Ông Hai hỏi:
-Bất tiện cái chỗ nào?
Cô Tám gắt:
-Thì còn cái chỗ nào nữa. Cái chuyện vợ chồng phải tối lửa tắt đèn, im ru mà làm, vậy mà tối nào tụi nó cũng rên hừ hừ, có khi ban ngày cũng nghe. Anh thì hổng nói gì, chớ tui có hai đứa con gái, nên ngặt mình dữ lắm! Nhứt là cái con Gọn nó tò mò hơn ai hết. Hôm bữa kia nó hỏi tui vợ chồng thằng Út làm cái gì mà rên dữ vậy, tui không biết trả lời ra làm sao nữa.
Cổ dừng lại để lấy hơi rồi nói tiếp:
-Tui tính nhờ anh nói với ông bà Chín khuyên giùm vợ chồng tụi nó giùm, chớ để như vậy tui sợ hai đứa con gái của tui bị ảnh hưởng, đây rồi tụi nó ...
Nói tới đó cổ ngưng ngang, nhìn ông Hai bằng cặp mắt vô cùng thống thiết.
Ông Hai cụp mắt xuống để tránh, tuy làm thinh nhưng đưa tay vò đầu liên tục. Điều nầy chứng tỏ ổng đang bức rức, suy nghĩ dữ dội, cô Tám thấy thể thì tràn trề hy vọng.
Cổ nói tiếp:
-Anh là người ơn của họ, anh nói họ mới chịu nghe, chớ tui mà mở miệng chắc bị chửi te tua. Thôi anh ráng giúp giùm tui nghe. Cái ơn nầy tui không bao giờ quên đâu!
Nói xong cổ đưa tay chùi mắt. Ông Hai thấy tội cho cổ quá không nén nổi cái gật đầu, chừng ý thức lại ông hoảng hốt chỉnh liền:
-Chuyện nầy tế nhị lắm cô Tám ơi! Tui mà nói dám thằng Út nó chửi là tui để ý rình rập vợ chồng nó! Bà con láng giềng hiểu lầm thì khó mà sống lắm!
Cô Tám lắc đầu:
-Ở xóm nầy ai cũng biết anh là người đàng hoàng nhứt mà, anh đừng có ngại.
Ông Hai thở dài, linh cảm mình sắp gặp rắc rối. Ông đâu có ngờ rằng mình đang đứng trước một tai họa, xém mất mạng chớ chẳng vừa.
Số là cách một hôm sau khi ông thuật lại cho ông Chín nghe những lời than phiền của cô Tám, thì ngay chiều hôm đó, lúc đang ngồi coi ti vi trong đình, con Gọn bỗng chạy a vào vừa lôi tay ông đứng lên, vừa nói:
-Bác Hai ơi ! Bác chạy lẹ đi, anh Út đang xách dao đi kiếm bác đó!
Ông hết hồn hỏi:
-Sao nó lại xách dao đi kiếm. Có chuyện gì vậy?
Con Gọn vừa rung vừa nói:
-Hồi trưa nầy ảnh uống rượu với ông Tư nhậu, không biết nghe xúi quẩy cái thứ gì mà ảnh cứ chửi om sòm rồi đòi kiếm bác để xin tí huyết đó!
Ông Hai hết hồn, chưa kịp phản ứng là nghe tiếng thằng Út rống to ngay trước cửa:
-Hai rác đâu! Ra đây trình diện coi! Mầy hổng biết thân, biết phận mà đòi dê vợ tao hả? Tao đâm cho mầy lòi ruột để chừa cái tánh ba mươi lăm nầy mới được.
Ông Hai tức đến không còn biết sợ, ông xô con Gọn qua một bên rồi xông ra cửa. Thằng Út vừa thấy ông Hai là chẳng nói chẳng rằng, đưa thẳng cái tay cầm dao lên cao rồi chém mạnh xuống.
Ông Hai lạng người qua một bên rồi đá thật mạnh vào cánh tay của nó. Con dao văng thẳng lên trời khoảng ba thước thì quay trở lai. Nó cắm cái mũi xuống đất, canh đúng ngay cái đầu thằng Út mà lao xuống. Thằng Út sợ đến nổi cứ đứng chết trân. Khi con dao cách cái đầu thằng Út chừng năm tấc, ông Hai liền nhảy vọt lên rồi chụp lấy cái cán một cách gọn hơ.
Có tiếng nhiều người la hét và tiếng ngã đánh huỵt của một người nào đó ngay sau lưng ông. Ông Hai quay mặt lại nhìn. Mai, cô vợ mới tinh của thằng út đang nằm sóng xoài trên mặt đất.
Thằng Út ngó ông hai một cách sửng sốt, miệng há hốc. Nó không ngờ người đàn ông ốm nhom, coi bộ nhu nhược nầy có võ nghệ cao cường đến vậy.
Ông Hai nhìn nó trừng trừng, đặt cây dao vô tay nó rồi gằn từng tiếng:
-Tao, không, có, tình, ý, gì, với, con, vợ, của, mầy, hết!
Thằng Út mặt mày xanh lè, môi tái nhách, cầm lấy cây dao bằng bàn tay rung bần bật
Sau chuyện đó tiếng tăm của ông Hai bỗng nổi như cồn.
Tư lùn vâng lịnh sư phụ đến tìm ổng mỗi ngày để kêu gọi sự hợp tác nhưng ông Hai vẫn bặt vô âm tính! Cả xóm Đình xôn xao, huyền thoại bắt đầu dệt quanh ông Hai, sự vắng mặt của ông ngay sau đó, càng khiến nó trở nên hấp dẫn và vô cùng bí hiểm.
Từ hôm ấy trở đi, bà con xóm Đình không còn gặp lại ông Hai thêm một lần nào nữa. Căn nhà ông bỏ trống một thời gian rồi sau đó sáp nhập vô nhà cô Tám. Cổ giải thích với mọi người là ông Hai đã bán cái phần sau đó cho cỗ với giá một chỉ vàng.
Kể từ khi xảy ra cái chuyện bị tước dao, thằng Út không còn cặp kè với Tư Nhậu nữa. Nó chiếm luôn con đường để căn nhà rộng ra thêm một chút. Hai vợ chồng nó cũng bớt hùng hục, chiến tranh coi mòi lắng dịu.
Thỉnh thoảng có một người đàn ông sang trọng, chở một cô gái khá đẹp đến kiếm ông Năm để hỏi thăm về ổng. Lần nào ông Năm cũng lắc đầu bảo với họ rằng mình không biết.
Con Lẹ thi đậu vô cái trường đại học gì đó, thế là giá trị của cô Tám được tăng lên mấy bậc. Bây giờ trong lời nhiếc móc chồng của vợ Tư Nhậu, có thêm tên của cổ.
Cô Tám bắt đầu làm thêm cái nghề buôn gạo, cô hay đi về miệt Long An, chợ Đệm để mua rồi bán lại cho bà con trong xóm. Một hôm cổ rỉ tai với con Gọn rằng lúc đi ngang cây cầu bến Lức, cổ có trông thấy một người bơi xuồng vớt rác trên sông. Vì xa quá lại ngồi trên chiếc xe chạy rất nhanh, nên cổ không biết đó có phải là ông Hai hay không.
Con Gọn cằn nhằn:
-Sao má hổng xuống xe mà con có phải là ổng hông ?
Rồi rủ:
-Hôm nào con với má tới đó kiếm bác hai nghen?
Cô Tám gật đầu, đôi mắt bỗng trở nên mơ màng...




HẾT


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 11 2017, 01:11
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ủa, hết rồi hả tỷ?
Rồi ông hai... Rồi cô tám... Rồi cái cô Việt kiều... Rồi RÁC...???
Cảm ơn tỷ đã chia sẻ những kinh nghiệm, những nghĩ suy và cảm xúc của mình qua tác phẩm, qua NGÒI BÚT 8ngày càng LÊN! Sao mà nó tâm đắc và đồng cảm gì đâu á tỷ!
Tặng tỷ đám bông này X 1000 lần nha!
:rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse: :rse:

Chờ đọc tác phẩm mới của tỷ!
(Ốm có phần mặc cảm vì chỉ biết hưởng thụ, nhưng "lực bất tòng tâm" nên đành chịu vậy chứ biết sao bi giờ!)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu