Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 12:02
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271151 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: CƠM NGUỘI NỬA ĐÊM
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 9 2014, 16:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Hồi chiều làm biếng nấu cơm, chỉ làm một tô mì gói bỏ bụng mà thôi nên bây giờ nghe đói ngấu .
Mở tủ lạnh nhìn vô. Tủ lạnh cuối tuần chẳng có gì ấm áp : Hai trái cam, một trái táo, hai trái chuối lá xiêm, một hộp sữa, một chai nước. Hết! Đóng tủ lại, bỗng nhớ nồi cơm nguội và trách cá kho quẹt của má, quá trời quá đất !
Má tôi có tính lo xa, sợ con bị đói, sợ không có cơm ăn trước khi chạy giặc nên ngày nào cũng nấu dư để qua đêm. Trên cái gióng treo tòn ten cạnh giàn bếp, sát bên hông cái nồi gang đựng cơm lúc nào cũng có cái ơ cá kho, với vài ba khứa cá lóc kho tiêu, cá trê kho gừng hoặc mấy con cá sặt kho xả. Phải treo cao như vậy để tránh mấy con chó theo đúng tinh thần của câu châm ngôn "chó treo, mèo đậy". Kinh nghiệm của ông bà từ xưa để lại.
Thuở ấy tôi hay thức khuya lén đọc tiểu thuyết, hoặc học bài trong những ngày thi, đêm nào cũng đều lục cơm nguội ăn trước khi xếp tập đi ngủ. Cho nên dám vỗ ngực tự hào rằng, cái thú ăn cơm nguội lúc nửa đêm, tôi là người được hưởng nhiều nhất !
Nếu thức đêm đọc truyện thì bị coi như ăn vụng. Phải đi rón rén vô bếp. Nhón chân bưng cái nồi cơm xuống. Nín thở bưng cái trách cá một cách rất thận trọng vì nó làm bằng đất, rủi sút tay làm rớt bể nồi coi như tiêu tùng. Bới cơm nhè nhẹ không dám chạm đáy nồi sợ phát ra tiếng động. Nhai nhỏ nhẻ đúng kiểu con gái nhà nề nếp, ăn xong rồi cẩn thận treo nồi lên.
Hồi đó thức ăn hay được đặt trong gióng máng trên cây tre. Gắn ngay trên đầu mấy ông táo chạy dọc theo chiều ngang, hoặc dài của gian bếp. Vì đa số nhà bếp lúc đó đều chưa có tủ gạt măng giê. Thực phẩm dự trữ, tất tần tật đều đựng trong cái rỗ, đặt vô gióng mà treo lên hết. Nhà nông ăn uống đạm bạc lắm, cũng không hay mua gia vị để dự trử như bây giờ. Ăn tới đâu mua tới đó, nên mấy bà má mỗi lần nấu ăn hay réo giựt ngược mấy đứa con :
-[Bé hai ] ơi ! về mua cho má năm cắc đường.
Có khi con bé đó vừa cầm hai thẻ đường về tới nhà, lại bị dúi một cái chén vô tay, đi mua tiếp năm cắc tương hột hoặc mỡ nước, bột ngọt...
Nếu vào mùa thi thượng bán nguyệt hay hạ bán nguyệt thì không cần lén lút. Đôi khi còn cố ý làm mạnh tay, nhai mạnh miệng để má nghe được. Má sẽ ra vuốt đầu tôi một cái rồi nói:
-Ráng học nghe con.
Má tôi rất trọng việc học của con, vào những ngày ôn thi má hay làm thức ăn nhiều một chút để tẩm bổ cho tôi. Hồi đó tôi trốn việc bằng cách suốt ngày cầm tập, hoặc lấy cái bìa tập cũ tròng vô cuốn tiểu thuyết rồi yên tâm ngồi đọc. Má cứ tưởng tôi đang chí thú học hành nên không hề sai làm bất cứ điều gì .
Cơm nguội nửa đêm ngày xưa sao mà ngon quá, dù đôi khi chỉ ăn kèm với một tán đường hoặc dưa mắm mà thôi ! Gặp những tối trời mưa mà có cá kho khô hoặc nước mắm kho quẹt thì thật là hết ý, cho nên khi nghe câu ca dao : "Chàng ơi phụ thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng " tôi không hề có cảm xúc bởi đối với tôi không có gì ngon bằng cơm nguội lúc nửa đêm.
Bây giờ cũng có những đêm thức khuya đói bụng, mở nồi cơm điện ra bới một chén. Nhấn bếp hâm cá kho, hoặc đập một cái hột vịt ra khuấy nước mắm, ăn một cách đường đường chính chính mà chẳng thể nào tìm lại cái cảm giác ngon miệng như ngày xưa. Hương vị ngọt ngào của miếng cơm cháy đáy nồi cứng ngắt, cùng mùi thơm đậm đà của trách cá kho thuở ấy, hình như cũng đã đi theo cùng với má luôn rồi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐẠO
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 9 2014, 17:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông bà nội, ngoại của tôi đều tin vào Trời, Phật nên niềm tin vào tôn giáo có trong tôi rất sớm.
Hồi ở cái tuổi học tiểu học, tôi sợ tội, đúng hơn là sợ sự trừng phạt do tội lỗi mang lại. Mỗi cái tội đều có hình phạt cho riêng nó như: Ăn cơm đổ khi chết phải ăn giòi, một hột là một con; Nói dóc sẽ bị diêm vương cắt lưỡi; Ăn cơm bỏ mứa hoặc phung phí thức ăn sẽ làm ma đói; Đi vệ sinh chùi bằng giấy có chữ thì suốt đời học dốt; Chui ngang sào phơi đồ sẽ bị ngu si, có tội với tổ tiên vì cái đầu là nơi ông bà khuất mặt ngồi lên; Không được kêu trời, kêu phật ...v...v...
Người lớn hồi đó chắc sợ tụi tôi lỡ vướng tội nhiều quá rồi bị áp lực không tốt cho sự phát triển tâm lý, nên khéo mở ra cho chúng tôi một lối thoát. Đó là vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Ngay giữa trưa đứng bóng. Lúc ông trời chiếu thẳng từ trên đầu xuyên khắp người, xuống sông lội thì coi như được sạch tội. Cho nên ngày mùng năm tháng năm mấy cái bến nước vui đáo để. Cái đám loi choi tụi tôi làm một công hai việc, vừa xả tội vừa nô đùa. Con nít cả xóm đồng loạt rủ nhau nhảy xuống sông hết ráo bởi đứa nào mà không có tội.
Có một cách hữu hiệu hơn nữa là đi chùa lạy phật xin ban ơn và xin xá tội. Đi chùa thì bất cứ ngày nào cũng được, nhưng chúng tôi hay tập trung vào ngày rằm, vì những ngày đó chùa có nhiều người và có nhiều thức ăn.
Hồi đó chúng tôi được dạy rằng trên trời là chỗ của ông trời ngự, còn ở sâu trong lòng đất là âm phủ, nơi ở của diêm vương. Thế cho nên khi học lên mấy lớp trên, biết rằng trên cao là khí quyển và trung tâm trái đất là dung nham nóng bỏng, thì niềm tin bắt đầu lung lay. Ánh sáng khoa học rọi tới đâu thì niềm tin về tôn giáo phai mờ đến đấy. Tôi đã không còn lo lắng nhiều về những cái tội dễ thương ấy nữa.
Khi cuộc đời đã ở đỉnh điểm, thì niềm tin vào tôn giáo trong tôi, cũng gom gọn như cái bóng dưới chân lúc mặt trời lên cao nhất. Tôn giáo trở thành phương tiện, giúp tôi bám víu vào khi không có khả năng vươn tới những lãnh vực ngoài tầm tay của mình mà thôi.
Khi tuổi đã về chiều, cái bóng ngày càng dài ra tôi lại tìm về tôn giáo. Không phải để bòn rút như trước, mà chỉ để nương tựa vào giống như chiếc gậy trong tay khi mắt mờ chân yếu.
Thời gian ấy tôi siêng đi chùa lắm! Mục đích là để tìm cho mình một chân sư, và nói thật càng đi chùa tôi lại càng thấy mình xa đạo. Tôi củng cố lại niềm tin bằng cách ở nhà học qua kinh sách, nghe những bài giảng và tập ngồi thiền. Khi tâm hồn đã có chút nhẹ nhàng tôi nâng lên một bước. Muốn tiến tu nên tôi tìm học ở những người đi trước và được một chị nhiệt tình giúp đỡ. Mọi chuyện tưởng chừng như rất thuận lợi thì lòng tôi bỗng nãy sinh nhiều nghi vấn: Tôi nghi ngờ không biết tôn giáo có phải là con đường duy nhất đưa tôi đến chân lý; Mục tiêu của tôi có thực sự là giải thoát sinh tử; Tại sao có những người càng tu lâu thì tính tình lại càng khó chịu; Tại sao có quá nhiều tôn giáo và đôi khi các giáo điều của họ lại mâu thuẩn nhau; Nếu gia đình tôi không theo tôn giáo nầy thì liệu tôi có chọn nó không; Liệu khi giả từ cuộc sống nầy tôi có phải hối tiếc vì không sống khác hơn không; Tôn giáo có phải cái trạm thích hợp mà tôi cần dừng lại hay cái trạm dành cho tôi nằm ở một cái ngã tư khác ?
Cho tới bây giờ những thắc mắc ấy đã thôi ám ảnh tôi. Tôi đã chọn cho mình một kiểu sống, không biết có phải là tốt, nhưng chắc chắn là thích hợp với tôi .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: ĐẠO
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 9 2014, 22:19
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cảm ơn lamduyen tỷ tỷ đã chia sẻ những nghĩ suy, trăn trở về vấn đề niềm tin.

Đối với Ốm, tôn giáo là một học thuyết triết học, và những luận điểm của nó một phần xuất phát từ khoa học. Tôn giáo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ. Khi lương tâm (đạo đức tự giác) của con người vô thần chưa đủ "chín", khi luật pháp chưa đủ nghiêm minh để khuyến khích, điều chỉnh hành vi của con người thì tôn giáo vẫn còn cần thiết cho cuộc sống.

An vui tỷ nha! Từ ngày nay Ốm rất bận.


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÓNG MỜ
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 9 2014, 15:33
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Càng nghe lại bản nhạc yêu thích tôi càng thấy bùi ngùi, thương cho người ca sĩ tài hoa đã sớm lìa đời vì một căn bệnh quái ác. Rồi tôi bỗng tức, tưởng tượng như đang đứng bên giường bệnh, kê cái muỗng cháo vô sát vô miệng cổ mà nói :
-Ăn có gì mà khó đâu, chỉ cần há miệng ra nhai rồi ráng nuốt là được mà ! Nếu thấy ngon là ăn cho mình, bằng không là ăn cho người, cho người thân, cho bạn bè và cho những người hâm mộ. Cuộc đời của cô rất đẹp, rất hữu ích, vì vậy xin hãy trân trọng nó mà làm ơn ăn giùm đi !
Rồi tôi so sánh nỗi bất hạnh của cổ với một người mà, ngày xưa, tuy ở sát bên vách suốt bao nhiêu năm trời vẫn chưa hề thấy mặt, chưa hề nghe giọng nói nhưng đã dành sẵn một mối cảm thương. Những nỗi ray rức về người ấy vẫn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.
Lúc đó nhà tôi còn ở Châu Đốc, cạnh nhà một bà góa có ba người con mà tôi hay gọi là bà Bảy.
Bà bảy có cái tên mà bây giờ khi hiểu nghĩa của nó tôi thấy rất đẹp, còn khi xưa tôi cho rằng đó là một cái tên kỳ cục nhất :"Thục Đoan". Cái tên ấy đã xác định gia thế của bà. Bà có người em trai dạy Pháp văn [sau nầy tôi là học trò của thầy ấy], sống trong một ngôi nhà ngói xưa rất rộng của ba má bà để lại.
Trong trí nhớ của tôi bà Bảy chưa bao giờ cười, cũng chưa hề nói một câu ngọt ngào. Mấy người mua sách, báo lật coi mà để xuống không mua là bị bà chửi liền. Tội nghiệp chị Tố Anh, cô con gái út, chỉ bị đòn như cơm bữa. Mỗi lần bị bà đánh, chỉ vừa khóc vừa gọi má tôi qua xin giùm. Tóc chỉ dài lắm! Bà thường một tay ngoái chặt cho chỉ không chạy được, còn tay kia thì cầm cây chổi lông gà mà quất lia, quất lịa. Tính bà rất khó, gần như là cay nghiệt. Giữa ranh đất nhà tôi và bà có một cây ổi. Cây ổi đó bà nói là do bà trồng nên khi trái chín rụng xuống, dù nằm trên phần đất của nhà tôi, tôi cũng phải lượm mang đưa bà. Bà cho thì mới được ăn, nếu không bà mà biết được là bị chửi tắt bếp luôn.
Nhà bà có một sạp báo và mỗi ngày tôi đều ở miết ngoài đó để xem báo "cọp". Bà hay sai tôi làm những công việc vừa sức như xếp báo, bày báo lên sạp...Tôi làm răm rắp, chỉ sợ bà sai tôi vào nhà trong lấy sách mang ra sạp thôi vì nhà bà rộng, dài mà tối hù. Tôi sợ phải đi ngang qua căn phòng lúc nào cửa cũng đóng kín, im ru, họa hoằn lắm mới để lọt những tiếng động hết sức khẻ khàng. Căn phòng ấy của anh Ba, người con trai duy nhất của bà làm họa sỹ và đang mang bịnh cùi.
Thời đó bịnh cùi là một chứng nan y. Nó không lây như bệnh lao nhưng mọi người đâu có biết nên ai cũng tránh xa. Bởi thế mới có câu "tránh như tránh hủi". Ngay từ thời ấy tôi đã thấy lòng rất xốn xang khi biết điều đó. Sau nầy nghe má tôi kể thêm. Ảnh là một họa sỹ rất có tài. Đang nổi tiếng thì bị bệnh nên phải từ giả Sài gòn, về giam mình trong căn phòng đó.
Thuở ấy thỉnh thoảng tôi thấy có chiếc xe hơi màu đen dừng lại trước nhà. Một người phụ nữ rất đẹp mặc áo dài đi vào nhà bà Bảy, đó chính là vợ của anh Ba họa sỹ.
Nhà bà Bảy tranh nhiều lắm, đa số là vẽ thiếu nữ và hoa sen. Thiếu nữ thì ai tóc cũng rất dài còn hoa sen thì toàn là hoa sen trắng. Khoảng cách từ nhà bà ra sạp báo dài chừng hai thước, để trống chỉ đặt một cái lu to trồng sen trước bàn thông thiên mà thôi ! Bà Bảy cưng cái chậu sen đó lắm! Bà thường mướn ông Năm "lục lộ" vét bùn non đem về bón cho sen tốt lá và ra bông nhiều. Khi những cái nụ sen mang màu trắng xanh thanh thoát sắp nở. Chị Tư lấy cây dao nhỏ bén ngót mà bà Bảy dùng chẻ cau, để cắt mấy cái nụ tinh khôi ấy. Có lần tôi theo xin hoài một bông mà chỉ nhất định không cho, chỉ nói:
-Bông nầy để anh Ba của chị ngắm cho đỡ buồn !
Cho đến khi có con, tôi mới hiểu tại làm sao mà tính cách của bà Bảy gai góc đến vậy. Chính cái nỗi bất hạnh quá lớn của người con, đã bôi đen những màu sắc tươi thắm của cuộc đời bà. Nỗi căm hận âm thầm đã làm tâm hồn bà dần trở nên xơ cứng. Tôi cũng không còn giận bà về những cái cú đầu mà ngày xưa bà dành cho khi tôi không làm theo đúng ý. Nhưng những câu hỏi về thân phận con người cứ luôn dằn dặt tôi. Tôi đâm ra cám ơn ông trời vì nhờ có ổng đứng ra chịu trách nhiệm, mà tôi mới có chỗ trút bớt cái nỗi ấm ức của mình, và được nhẹ lòng một chút .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: KHAY TRẦU, ỐNG NHỔ
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 9 2014, 19:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ngoại tôi có một cái khay trầu rất đẹp! Nó vừa có công dụng đựng trầu vừa mang tính cách trang trí bởi được nằm ở trên cái bàn, của bộ sa long đặt ngay chính giữa phòng khách.
Cái khay trầu ấy giống một cái hộp hình vuông. Có điều thiếu cái nắp đậy và có thêm bốn cái chân phía dưới. Cũng giống như cái tủ thờ nó màu đen và được cẩn xa cừ bốn mặt, bên trong những lá trầu được xếp gọn gàng đặt cạnh cái hủ vôi bằng sứ trắng, với cái chìa bằng bạc có cái cán rất đẹp. Cái ống ngoái được mạ vàng bóng lộn. Hồi đó mấy đứa cháu nhỏ tụi tôi cứ tưởng nó làm bằng vàng thật. Một cái chén bằng sứ màu trắng được ngoại dùng ngâm cau khô, dùng lâu ngày nên bên trong đã ngả màu nâu. Thuốc xỉa được đặt trong cái túi bằng vải bông do dì Bảy may cho ngoại, trên miệng có sợi dây rút lại.
Những người bạn của ngoại ai cũng ăn trầu. Tôi còn nhớ bà Năm, còn gọi là bà "Năm trầu", hay đến chơi với ngoại. Bên miệng bà lúc nào cũng độn một cục thuốc xĩa rất to làm một bên má phồng lên. Không riêng gì hai hàm răng mà cả hai ngón tay, ngón cái và ngón trỏ của bà đều bị nước cổ trầu đóng dính khắn. Bởi bà cứ liên tục cầm cục thuốc xỉa mà lau qua, lau lại bộ răng còn gần đủ. Mỗi lần bà đến là ngoại sai tôi bưng cái khay trầu ra mời bà, rồi bưng tiếp cái ống nhổ để bà nhả cái miếng trầu đang nhai trong miệng ra, mà têm miếng khác. Tôi thường nán lại đứng nhìn bà Năm têm trầu. Động tác của bà rất nhanh và gọn. Bà lựa hai lá trầu, một lớn, một nhỏ, lá lớn bên ngoài, nhỏ bên trong. Bà ngắt đuôi cả hai lá trầu, quét vôi lên lá nhỏ rồi đặt miếng cau vào trong và cuốn lại. Tôi còn nhớ bà hay nói với ngoại :
-Tui ưa vôi màu đỏ hơn, ăn nó đậm vị lắm !
Và ngoại tôi đều trả lời :
-Ăn vôi trắng cái màu nó đẹp hơn.
Tôi thường giữ nhiêm vụ chẻ cau, vì rất thích ăn cái mầm trắng đục giống y như hột gạo trong trái cau, nó có vị ngọt ngọt.
Ăn trầu, gọi là ăn chớ chỉ nhai rồi nhổ nước ra, bỏ xác. Bởi vậy ai ăn trầu cũng phải có cái ống nhổ để sát một bên. Cho nên cái ống nhổ và cái khay trầu, như một đôi uyên ương không thể chia lìa. Cái ống nhổ của ngoại bằng sứ, giống như cái bô nhưng cái miệng gọn hơn. Bên ngoài màu xanh lá cây nhạt có vẽ mấy cành trúc màu đậm hơn, bên trong màu trắng. Hồi đó mỗi ngày dì Bảy đều đem cái ống nhổ đi đổ rồi lấy rơm hay xơ dừa cọ rửa thật sạch bên trong cho ngoại. Khi dì Bảy đi lấy chồng, mấy đứa con ông cậu giữ nhiệm vụ nầy. Tụi nó hơi làm biếng nên mỗi lần về thăm, tôi thường lau cái khay trầu cho bóng và rửa cái ống nhổ của ngoại cho thật sạch để làm ngoại vui.
Ngoại ghiền trầu nhưng lại cấm má tôi và dì Bảy. Ngoại hay vừa têm trầu vừa nói :
- Hay hớm gì cái chuyện ăn trầu mà bắt chước, để tiền ăn bánh còn ngon hơn.
Rồi vừa cho miếng trầu vô miệng ngoại vừa dẫn một câu :
-"Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu sắm ruộng ", ăn cái nầy có bổ khỏe gì đâu ?
Tôi hỏi ngoại :
-Vậy sao ngoại còn ăn tới bây giờ vậy ngoại ?
Ngoại chép miệng :
-Lỡ ghiền rồi, làm sao mà bỏ !
Bởi ghiền nên ngoại trồng sẵn cả chục nọc trầu để ăn, có lần ngoại sai tôi ra hái, ngoại dặn :
-Con nhớ bỏ ba lá non bứt lá già nghe .
Tôi nghe ba chớp ba xáng thành "bỏ ba lá già bứt lá non" làm lần đó bị rầy quá mạng!
Một lần về thăm quê, đi ngang qua chỗ hàng cau ngày xưa bây giờ đã trồng thứ khác. Mấy nọc trầu chắc còn bị thế chỗ trước hơn nữa ! Tôi nghe bùi ngùi hết sức ! Nhớ những lá trầu hình trái tim ửng vàng trong nắng. Nhớ mấy buồng cau trĩu trái trên cành, và cái dáng anh Lơ leo thoăn thoắt...
Trên bàn thờ ngoại, cái khay trầu nằm lạc lỏng bên trong chỉ còn cái ống ngoái, bình vôi và cái chén ngâm cau, tất cả đều bám bụi. Tôi nhớ ngoại đến trào nước mắt, bỗng buột miệng hỏi nhỏ em :
-Cái ống nhổ đâu rồi ?
Nó ngạc nhiên trước cái câu hỏi chắc nghe vô duyên đối với nó nên trả lời cụt ngủn :
-Ai mà biết !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 9 2014, 06:08
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 15-05-1956
Ngày tham gia: 19 Tháng 8 2012, 06:30
Bài viết: 335
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tỷ nhắc tới chuyện sai mua gia vị lúc nấu ăn , em nhớ lại hồi nhỏ.có lần má sai em ra chợ mua hành xin thêm trái ớt , mãi lo chơi không nhớ lời má dặn nên khi ra tới chợ không nhớ má biểu mua gì ? nên nói với bà bán rau " bà chín ơi! bán cho má con năm cắc sả cho xin thêm tép tỏi " bà chín trả lời : con nhỏ nầy mầy nhớ kỷ không đó , bà chín đâu có bán tỏi mà xin .Chạy về nhà nói với má bà chín không có tỏi . Má hỏi : mầy mua gì ? thì mua sả xin thêm tép tỏi. :roll: Má cười quá trời luôn , thiệt là hết ý :P


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 9 2014, 19:48
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ốm nhớ trong khay trầu của mấy cụ xưa có một món có lẽ là độc đáo của xứ Tân Châu mình: đồ chùi ống ngoáy hình tam giác có cái đuôi dài bằng "chất liệu" bả tơ hay gọi là gì đó hổng biết (phụ phẩm từ ươm tơ tằm) :roll: :mozilla_tongueout:
Có ai còn nhớ không? lamduyen tỷ tỷ hay anh Thắng có nhớ ko?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 9 2014, 02:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Huỳnh Mai ơi ! Tỷ với muội có vài kỷ niệm về tuổi thơ hơi giống với nhau, có lẻ do tính cách tụi mình cũng hao hao. Đọc cái "re" của muội tỷ vui quá, chợt nhớ lại những kỷ niệm về cái tiệm tạp hóa của má, tỷ sẽ viết liền , muội nhớ đọc nhé !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 9 2014, 02:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ốm ơi ! Bà ngoại của tỷ dùng vải vụn để chùi ống ngoái vì dì của tỷ làm thợ may, nên tỷ không biết cái bả tơ đó, Ốm ráng tìm hiểu rồi chia sẻ với mọi người nhé !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TẠP HÓA
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 9 2014, 03:43
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Xóm tôi chưa tới một trăm nóc nhà nhưng có đến ba cái tiệm tạp hóa: Một cái ở phía trên, đầu xóm, của cô bảy Sậm; Một cái của bà Dục [người Hoa] ở phía dưới, cuối xóm; Và của má tôi nằm ngay giữa xóm.
Còn nhớ hồi đó má hay than:
-Cái nghề bán tạp hóa nầy khổ như làm làm dâu trăm họ .
Má than như vậy cũng có lý do. Thứ nhất, giờ giấc không ổn định, có khi nửa đêm cả mấy má con tôi đều giật mình hoảng hốt bởi tiếng đập cửa ầm ầm cùng tiếng gọi giựt ngược:
-Cô Năm ơi ! Cô Năm ơi ! Bán thuốc.
Cứu bịnh như chửa lửa. Bởi vậy má tôi không kịp xỏ dép, bới đầu, cứ đi chân đất với cái mái tóc xổ tung dài phết gót mà chạy vội ra mở cửa liền. Vậy mà đôi lần còn bị rầy là để kêu hồ hơ hồ giựt mới chịu ra bán.
Thứ nhì là cái khổ phải đổi cái món hàng vừa bán. Có nhiều cô, bác mua hàng xong, xách về xong rồi mang trả lại lấy thứ khác. Chưa về tới nhà lại quày quả trở lại đổi lấy cái thứ vừa mới trả. Thế là phải cân đong lại ba hồi mười chập mới xong.
Cái thứ ba là bán chịu. Hồi đó, tết gần tới là má sai tôi cầm cuốn sổ đi từng nhà để đòi tiền. Tôi sợ cái công việc nầy hạng nhứt. Bởi mấy cô bác hay quên nên khi nghe số nợ đều cự:
-Tao đâu có mua chịu nhiều dữ vậy, coi lại coi có ghi lộn hông đó ?
Má chỉ khổ có bao nhiêu đó thôi ! Tôi còn khổ hơn má một bậc vì hay bị đòn bởi mê chơi bỏ tiệm.
Hồi đó mấy đứa bạn hay phân bì:
-Mầy sướng thấy bà cố ! Nhà mầy bán bánh mặc sức mà ăn.
Tụi nó nói thế, bởi mê cái kệ chứa đầy nhóc bánh, được má tôi đặt ngay trước mặt tiền để dụ mấy đứa con nít. Trên những cái kệ được nối lại như những bậc thang, là mấy cái thùng thiếc có lấp kiếng một mặt. Bên trong có chứa nào là cốm, kẹo đậu phọng, kẹo bánh tráng, bánh men, bánh gai, bánh bía, bánh quai chèo, bánh tai heo, bánh in nhưn đậu xanh còn gọi là bánh in Cao Lãnh...
Tôi là chúa ăn vụng, ăn nhiều quá rồi đâm ngán hết muốn ăn nữa. Cho nên cái niềm vui đó chỉ nhất thời thôi, còn cái khổ thì kéo dài đăng đẳng. Tôi rất mê đọc sách, hễ cầm cuốn sách lên là ai hỏi mua món gì tôi cũng trả lời "hết rồi", bị mét má hoài nên cứ bị đòn liên tục!
Hồi đó mấy chị tôi khi về thăm nhà, mỗi lần thay tôi bán hàng hay ngớ người với những câu:
-Bán cho tui một viên "ỉa nâu".
Hay:
-Bán hai viên "ho xanh".
Hoặc:
-Bán một chai "ông già chống gậy"
Mấy chỉ chạy kiếm tôi tở mở để lấy đúng thuốc mà bán, bởi tôi đã quá quen với cách gọi tượng hình của những cái tên thuốc. Cô bác quê tôi không hề gọi thuốc bằng cái tên chính thức của nó mà gọi theo hình dáng, màu sắc hoặc nhãn hiệu của nó mà thôi. Thí dụ như cái ống thuốc "Bạc hà thủy" thì gọi là "hai đầu nhọn", "Lục thần thủy" thì gọi là "đầu bằng đít nhọn". Viên thuốc nhức đầu Kalmin thì gọi là "Ổ nhền nhện", thuốc trị đau nhức thì gọi là "hột dưa"...v...v...
Tôi có một con bạn tánh hết sức ma lanh tên " Út một". Một hôm nó lại tiệm tôi mua giấm và kẹo (mấy đứa con gái trong xóm tôi rất mê cái loại kẹo đủ các màu xanh, vàng, đỏ... có gắn chiếc cà rá bằng nhựa cùng màu, một đồng mười cục). Nó lựa năm cục kẹo đủ năm màu, bóc giấy bọc hai cục màu vàng và màu đỏ bỏ vô miệng. Lấy hai chiếc cà rá cùng màu đeo vô hai ngón tay, trong khi chờ tôi đong cho nó nửa lít giấm. Một lát sau dì tư Thợn, má nó, đi như chạy lại nhà mắng vốn má tôi:
-Cô Năm ơi ! Cô bán cái thứ giấm gì mà lạt nhách như nước lạnh vậy!
Má tôi lật đật nếm thử rồi kêu tôi lại hỏi, tôi nói :
-Hồi nãy con đong cho nó có nửa chai mà!
Thế là nó bị phát hiện là ăn bớt tiền và đổ nước lạnh vô giấm. Tang chứng còn rành rành với cái lưỡi đỏ lòm và hai chiếc cà rá trên tay. Má nó lập tức cầm cái quai (lỗ tai) của nó, lôi xềnh xệch về nhà rồi cho nó ăn đòn nhừ tử .
Khi lớn hơn một chút má hay sai tôi đạp xe ra chợ Vàm để "bổ đồ" cho má. Tôi hay nhín tiền mua cho mình một cuốn truyện. Về gần tới nhà tôi dừng xe giắt cuốn truyện vô lưng quần để giấu má. Có mấy lần bị má phát hiện nhưng không đánh, chỉ rầy dằn mặt mà thôi ! Hình như cái gì mà dính với chữ nghĩa thì má tôi nể lắm !
Bây giờ nhớ lại tôi thấy có tội với má nhiều quá ! Chợt thèm được cúi cho má đánh đòn biết bao. Thèm nhìn cái cách má lắc đầu, nhún vai trề môi nhìn tôi mà nói lửng " vô phương...". Má chưa bao giờ nói trọn cái câu với hàm ý là tôi không còn thuốc chữa đó. Ngay từ thuở ấy tôi đã làm cho má thất vọng mất rồi! Ước gì má vẫn còn sống, tôi sẽ...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu