Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 12:24
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5 ... 13  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 35871 | Trả lời: 121)
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 9 2013, 08:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nhà Quê ơi! Hổm rày nhớ mấy muội quá trời, vậy mà vừa gặp là chào tạm biệt liền, tỷ bắt chước Dạ Lý mà bảo muội rằng :"ai cho mà dám tạm biệt đây?".
Không biết mấy muội thấy sao chớ đối với tỷ từ ngày mở quán đến giờ tỷ như sống lại cái không khí của thời đi học vậy đó, và cái quán chỉ là cái cớ để hàng ngày mình chui vào đó gặp gở , chọc ghẹo nhau ,được hưởng thêm một lần nữa những niềm vui do bạn bè mang đến, và chắc chắn còn có những việc xãy ra ngoài ý muốn nữa, đây cũng là cơ hội để mình trui rèn thêm tính cách, hãy bỏ qua, xem nhẹ những điều bất đắc ý đó, tin tỷ đi khi vượt qua mình sẽ thấy mình lớn hơn, bao dung hơn, hài lòng với bản thân hơn, con đường của chúng ta đang đi là con đường đầy hoa thơm trái ngọt, đừng vì sợ vấp phải đá mà ngồi mãi bên lề, nào! muội hãy đưa tay cho tỷ nắm kéo dậy để chúng mình cùng nhau bước tiếp nhé!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 9 2013, 00:30
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Buổi trưa...Trời rất là nóng, những tia nắng chiếu thẳng đứng, y như mấy cọc sắt khổng lồ ghim xuyên qua trái đất, bắt nó chết dí một chỗ.
Trời không có gió, cái võng mà Di đang nằm đứng im phăng phắt. Mái tóc dài của Di được kéo qua một phía, chảy dài chấm đất. Từng sợi, từng sợi nằm im ru. An vói qua song cửa nhẹ tay đẩy võng cho đong đưa, mái tóc của Di cũng bay phơ phất. Ngọn tóc quét nhẹ trên mặt sàn gỗ để lại một vệt ẩm mờ. Di mới gội đầu nên An nghe mùi chanh và bồ kết thoang thoảng. Nét mặt Di hơi cau lại, chắc Di đã thức và phát hiện sự có mặt của An nên có vẽ không thoải mái. An đưa tay đẩy võng thêm một lần nữa rồi bước trở vô nhà. Đi ngang qua cửa sổ phòng Di. An móc từ lưng quần ra cuốn tập nháp của Di nhét vào cái khe nhỏ giữa bàn và bức vách, để Di không nghi ngờ là có người đã lấy và xem trộm.
Rồi khi không một nỗi buồn đổ bộ lên An. An nhớ lại bức tranh vẽ phác của Di. Di chỉ vẽ một đôi mắt mở rất hẹp, phía dưới Di ghi mấy câu thơ:
Tên ai, viết một chữ thôi!
Gọi ai, chỉ dám máy môi thì thầm
Niềm riêng, ghì chặt đáy lòng
Nghe như lệ nóng ngược dòng vào tim...
Di đã vẽ và viết về ai? An cứ hoang mang tự hỏi, có lẽ nào đó lại chính là An. Nếu thực sự là An thì An phải làm sao để Di chấp nhận tình cảm An một cách đường đường chính chính. Tại sao Di quá chú trọng về tuổi tác và những thứ râu ria khác mà bỏ qua tấm lòng chân thật của An ? Có lần Di hỏi An một cách trống lổng:
-Hồi nào vậy ?
-Lâu lắm rồi !
Di cười thoáng một chút chế nhạo. Chắc Di cho rằng một gả con trai non choẹt như An mà cũng bày đặt nhón chân, vói tay khều trái cấm.
Cũng có lần An tự hỏi : Tại sao? Lúc nào? Nhưng không thể trả lời chính xác được. Chỉ nhớ là có một lần Di ngồi giặt đồ, cây kẹp ba lá bị tuột làm tóc Di xổ ra tung tóe. An đi ngang bị Di kêu giật ngược:
-An, An kẹp tóc lại giùm Di đi !
An nghe trống ngực đập đùng đùng. Cái tay cầm cây kẹp run như thằn lằn đứt đuôi nên nó cứ rớt hoài không thể làm được. Di nổi nóng giựt cây kẹp lại, rũ cho bọt xà bông trên tay rớt bớt rồi vừa kẹp tóc lại vừa nhiếc An:
-Nhờ có một chút mà cũng không xong !
Từ đó mỗi đêm An thức thật khuya, rình chờ mọi người ngủ hết rồi ra chỗ Di phơi áo dài mà hôn trộm tay áo, tà áo của Di. Mấy lần An định bỏ nhà đi lính, nhưng An chưa thi, chưa có bằng cấp, làm lính trơn thì dễ gì má Di chịu gả. An thầm trách má của mình, phải má sanh mình ra đầu tiên thì hay biết mấy .
Bên nhà Di có tiếng lao xao, hình như mấy người bạn của Di lại đến. Bạn Di đông lắm cứ đến kiếm Di liên tục nên Di chẳng có thì giờ rảnh dành cho An. An ao ước mình thỉnh thoảng biến thành con gái, tha hồ ôm Di, nắm tay Di mà không sợ Di phản đối. Còn hai tháng nữa là Di thi. An có linh cảm Di sẽ thi đậu và rời xa An mãi mãi. Mỗi lần nghĩ đến điều nầy là An nghe lòng mình đau nhói. Một cái đau rất cụ thể, như có ai đó đang cầm hai tay kéo sấp An trên con đường gắn đầy những mảnh chai nhọn hoắt.


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 30 Tháng 1 2014, 12:21 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 9 2013, 08:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG HAI

Bức ảnh chụp hai chị em nắm tay đi trên cây cầu khỉ gợi cho Di một cảm xúc êm đềm.
Di nhắm mắt và gương mặt của người chị thân yêu hiện ra rất rõ: Cái miệng hô duyên, đôi mắt với tia nhìn rất dịu, sống mũi thẳng và một nốt ruồi nằm trên má trái.
Rồi Di lần ghép lại những mảng ký ức đầu tiên của mình. Di nhớ căn nhà sàn ở CHÂU ĐỐC, căn nhà nằm ngay ngã ba của con đường đi ngang qua trường THỦ KHOA NGHĨA. Phiá trước nhà sát lề đường là một phông tên nước công cộng. Ở đó cả ngày đều có người chờ gánh nước. Ở đó mấy cái thùng thiếc cứ kiên nhẫn sắp hàng có khi đến cả nửa đêm.
Cạnh nhà Di là sạp báo của bà Bảy. Di lân la ở đó suốt ngày phụ bà mấy việc lặt vặt nhưng chủ yếu là coi báo "cọp". Nhờ vậy mà chưa đi học Di đã đọc và viết được. Những câu chuyện thiếu nhi ngày ấy với các nhân vật trẻ em có tên Bườm, Bê, Bốp, cu trắng, cu Đen v...v... Một thời làm Di mê say và bị đòn vì nó không ít.
Má Di thuê lại căn nhà nầy của người dì chị em chú bác với má. (Dì phải đi theo chồng, chồng dì làm trưởng ty bưu điện được đổi về Long Xuyên). Di bắt đầu ở đây từ lúc hai tuổi. Má nuôi ba chị em Di bằng nghề nấu cơm tháng và cho học trò ở trọ.
Căn nhà đầu tiên trong ký ức lại là căn nhà Di nhớ rõ nhất. Di nhớ như in màu lá lợp nhà đã ngã sắc đen, mục vì quá cũ nên nước mưa thấm qua, chảy xuống, có màu vàng đậm như nước trà đặc. Nhớ cái đường mương nhỏ, cong cong chạy qua từng nhà mà vào ngày mưa, trong trí tưởng tượng của Di nó biến thành một dòng suối nhỏ. Di và hai chị hay xếp những chiếc thuyền bằng giấy tập học cũ, thả xuống rồi hồi hộp chờ xem thuyền của đứa nào chạy nhanh hơn. Có lần trên đường đi học Di nhặt được một chiếc thuyền bị ướt nằm ở mép mương. Nhận ra nét chữ và biết là thuyền của mình Di mừng húm vì không ngờ nó đi xa đến vậy.
Nhà của Di có dãy hàng rào ọp ẹp nhất vùng, được làm bằng những cọc tre chằng dây kẽm gai. Mấy bụi riềng trồng men theo giúp nó giảm bớt vẻ khô khan, gai góc. Sát cổng là cây ngũ trảo lá như bàn tay xòe mà người trong vùng hay xin để nấu nồi xông trị cảm. Một cây ổi ốm nhom, cao nhồng, trái to mấy cũng bằng cỡ quả trứng gà là hết mức. Cây ổi nầy ruột đỏ, rất thơm, rù quến cả một bầy chim suốt ngày nhảy nhót lung tung, ríu rít inh ỏi trên cành. Cạnh cây ổi là cây mận da người rất ngọt, hoa trắng xóa như vầng hào quang thu nhỏ. Trong cùng là cây nhản, dù được cưng nhất vẫn không thèm ra trái!
Ba chị em Di cùng học ở trường "Nữ tiểu học Châu Đốc", mỗi người cách nhau hai lớp. Chị Hai và chị Ba hể gây lộn với nhau là đem mấy cô giáo ra bêu. Cây kèo nhà của Di không biết bây giờ có còn hàng chữ "Năm Hiển Ác "[ Năm Hiển là tên cô giáo của chị Hai] mà chị Ba bắt thang lên viết để ghẹo chị Hai. Trước chữ "ác" là chữ "l" viết lầm bị bôi không sạch nên đọc thành "Năm Hiển lác".
Năm Di học lớp tư cả nhà phải chuyển về quê, ở chung với ngoại để trả nhà lại cho dì.
Nhà ngoại rộng nhất, mát nhất, đẹp nhất đối với Di, gồm ba căn liên tiếp: Căn nhà lớn gồm phòng khách, phòng thờ, phòng ngủ, rồi đến nhà cầu và nhà bếp.
Nhà cầu không có vách, chỗ nầy mát nhất có treo một cái võng do chính tay ngoại làm bằng vải vụn. Một bộ ngựa gõ rất nặng và bóng. Một cái bàn có đặt một bộ trà với cái bình tích được ủ trong vỏ trái dừa khô để giữ nóng. Đây là chỗ để cả nhà ngồi ăn cơm và ngoại uống trà vào mỗi sáng. Căn nhà nầy nối nhà lớn và nhà bếp nên được gọi là nhà cầu. Cạnh nhà cầu là giàn rau của ngoại. Ở quê Di mỗi năm nước thường dâng ngập không thấy đất. Ngoại phải kê giàn trồng rau vừa tránh gà bươi, vừa có rau ăn quanh năm. Nhiệm vụ chính của Di thời đó là đuổi gà cho ngoại. Di hay nằm võng vừa đọc sách vừa móc chân vào sợi dây ngoại giăng từ võng ra giàn rau. Sợi dây nầy có cột mấy lon chao mỗi lần kéo mạnh va vào nhau tạo thành tiếng lẻng xẻng làm mấy con gà, con chim đang đậu hết hồn vọt mất.
Căn nhà bếp lớn gấp đôi nhà cầu, chia làm hai khu riêng biệt. Một bên là cái bồ lúa to đùng còn một bên là lò trấu đúc bằng xi măng. Một lò nấu củi nối vuông góc với nó thành hình chữ L. Một cái ống khói bằng gạch thẻ hình vuông chui ra khỏi mái nhà, vượt lên cao hơn cả ngọn dừa, để hút khói cho cả hai cái lò. Cái ống khói nầy hầu như lúc nào cũng nhả khói vì ngoại cứ lui cui trong bếp suốt, hết nấu cơm rồi lại nấu cháo heo ăn. Chiều chiều đi học về Di hay đưa mắt nhìn lên mái nhà để kiếm vệt khói bay lên từ nhà ngoại. Cái vệt khói nhẹ nhàng, lượn lờ theo gió ấy thường gieo vào lòng Di một cảm xúc hết sức ngọt ngào, ấm áp, êm đềm...


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 30 Tháng 1 2014, 12:26 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 9 2013, 22:49
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nhà ngoại nằm giữa khoảng vườn rộng mênh mông trồng gần đủ các loại cây ăn trái. Nhiều nhất là dừa và chuối rồi đến xoài, ổi, mãng cầu, vú sữa, lồng mức, mít, bưởi...v...v...Di nhớ nhất là hai cây ổi sát sau nhà. Ở đó ngoại có giăng một cái võng mà Di là người nằm nhiều nhất. Hai cây ổi nầy trái sai lắm kéo oằn cả nhánh, nên ngồi trên võng Di vẫn có thể vói tay hái được.
Mùa gió bấc thổi cũng là mùa xoài có trái. Mỗi lần trời nổi gió đám con nít có cả Di bu quanh gốc xoài để tranh nhau lượm trái rụng. Mấy trái xoài còn non ăn chua lè, chát ngầm. Vậy mà cả đám giành giựt, gây gổ rồi giận hờn ...
Quê Di vườn nhà nào cũng trồng một, hai cây me vì món canh chua mà ai cũng thích. Nhà ngoại, ngoài cây me cổ thụ giữa vườn, ngoại còn trồng một hàng me sát lộ. Từ trái và lá me non ngoại chế ra nhiều món canh: canh chua lá me non nấu thịt gà, canh chua me non nấu tép ...v...v...Ngày tết dì Bảy Xuyến của Di lựa mấy trái me thật đẹp đem ngâm muối rồi lột tách vỏ bỏ hột để làm mứt. Đây là món mứt mà Di thích nhất nên hay vái thầm cho nó bị gãy hay khét khi sên để bị dì loại bỏ. Dì rất khéo nên chưa bao giờ Di được ăn cho đã miệng. Rồi me chín, khô và rụng xuống ngoại kêu anh Lơ đến hái. Cả nhà ngồi xúm xít lột me. Ngoại cho me vào cái khạp da bò rắc muối vào để dành dùng suốt năm.Tụi nít nhỏ ngày xưa khi mưa xong hay leo lên cây me núp. Chờ có ai đi phía dưới là rung cây cho nước rơi ào ào ướt áo. Trò chơi nầy hay bị mắng vốn có khi bị bắt cúi đánh đòn, vậy mà không đứa nào bỏ được.
Ngày ấy đối với Di khu vườn của ngoại là một nơi thâm u đầy bí hiểm. Di hay tưởng tượng có những con ma núp trong bụi chuối. Khi trời nổi gió tiếng những thanh tre cọ xát vào nhau chính là tiếng nó nghiến răng giận dữ. Mỗi khi nghe là Di nổi da gà, chân quíu lại đi không muốn nổi. Mấy con chó còn tha mấy ống xương heo, xương bò bỏ rải rác làm cho Di xém ngất xỉu mỗi khi vấp phải.
Thuở ấy Di ghét nhất là quét vườn, cứ đẩy một nhát chổi là bụi bay mù mịt. Lắm khi vừa gom lá lại chưa kịp hốt là gió thổi bay tứ tán lại phải lui cui quét lại. Có phải bởi công việc nầy mà các cụ bà ở quê Di đa số đều bị còng lưng ?
Tháng năm, tháng sáu âm lịch mùa bãi trường cũng là mùa nước lũ. Dòng nước xanh trong đã đổi thành ngầu đục. Nó không còn rì rào khi ròng, khi lớn nữa mà ào ào từ phia tây tràn xuống. Có những năm nước lớn quá nhận chìm cả cù lao trong biển nước, chợ, trường, nhà và đồng lúa lênh đênh, lênh đênh... Người lớn lo âu còn tụi Di mừng thôi là mừng, tha hồ mà đi cầu khỉ, lội nước, tắm sông, câu cá... Và nhất là bơi xuồng hái bông điên điển !
Mùa nước cũng là mùa mà Di bị đòn nhiều nhất, vì suốt ngày xăn quần lội bì bỏm trong nước, tay cầm vợt canh xúc mấy con cá Mang rổ. Loại cá nầy rất đẹp, mình dẹp màu trắng có những sọc màu đen, màu vàng nằm xen kẻ. Có con lại không có sọc mà chỉ có những đém tròn màu đen nằm rải rác. Nó cực kỳ tinh mắt cho nên đến bây giờ Di vẫn chưa bắt được một con. Cũng chưa câu dính một con cá nào khác, dù cố thực hành các bí quyết nghe lóm được của người lớn như là: phải tóm lưỡi câu trong lúc bụng đói, không được bước ngang qua cần câu...v...v...Nói về cách tóm câu thì Di cũng dở tệ, cái lưỡi câu lúc nào cũng nằm thẳng góc với sợi dây cho nên cá chê cũng phải. Mấy đứa bạn trông thấy là chộ miết. Chỉ có một lần Di đem cá về nhà, không phải do chính tay Di câu mà của con Thẹn. Nó thấy Di câu suốt ngày không được con cá nào nên tội nghiệp xớt cho phân nửa số cá của nó. Vậy mà lần đó Di lại bị đòn nhiều nhất, làm mấy chị cứ ghẹo là Di câu được cá "đít đỏ".


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 9 2013, 23:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Mùa nước lũ chưa hoàn toàn chia tay là đã đến ngày tựu trường. Ngôi trường đầu tiên Di học ở quê không biết tên chính thức là gì. Nó không có hàng rào bao quanh, không có cổng và không có cả tấm bảng đề tên trường.
Đứng trên miếng đất sát bờ sông là một gian nhà lá gồm hai phòng học với nền đất, cột tre, mái và vách lợp bằng lá dừa nước chầm lại. Những lỗ trống nhỏ chi chít trên mái và những cái to đùng nằm sát chân vách được gọi là "lỗ chó". Học trò đi trễ thường vào lớp bằng cách chui qua đó nên áo quần thường lấm lem bụi đất.
Giữa sân trường là một cây me gốc to phải hai, ba đứa giăng tay mới giáp. Nó là biểu tượng chính của trường cho nên tụi Di được gọi là " học trò trường cây me". Vào thời đó trường chưa có đồng phục, ai có gì mặc nấy, mỗi đứa nhiều lắm là được ba bộ đồ. Những cái áo mặc hoài quen mắt được dán nhản vào người luôn. Chẳng hạn Di được gọi là "lá bồ đề". Chị Đằng mặc cái áo có những ngôi sao nhỏ xíu màu xanh, đỏ nên được gọi là" cắc kè bông ". Nhỏ Xôi mặc cái áo quằn quịt những vệt xanh, đỏ, trắng, vàng trộn lẫn nên được gọi là "tranh sơn thủy ". Đồng phục duy nhất của học trò ở quê là cái túi nhỏ đeo tòn ten trước ngực để đựng bắp rang và viết, thước...Tập vở được bọc trong bẹ cau cho khỏi ướt, khi có mưa thì lấy che đầu vì lớp học bị dột tùm lum.
Trường nằm sát bờ sông nên ra chơi là nhảy đùng xuống tắm. Mấy đứa chưa biết lội thì ôm cây chuối tập vũng sát bờ. Mấy đứa lội giỏi thì thách nhau bơi ra xa đến giữa dòng. Tụi con gái hay gom nhau lại chơi "chị em gần xa". Trò chơi nầy là dùng trái gòn khô hoặc các vật nhẹ nổi trên nước để ném gần hoặc xa rồi bơi ra chụp. Chơi "ma da kéo giò", thi lặn coi đứa nào nín thở lâu hơn hoặc búng tay dưới nước gọi là "tôm, tép ", hể búng nghe to thì gọi là" tôm", còn nhỏ thì gọi là" tép". Ngày đầu niên học nước còn đục lắm nên khi tắm xong những cọng lông tơ trên mép bám bùn trông như có ria. Tụi Di cứ nhìn nhau là cười ngặt nghẹo. Trước khi lên bờ đứa nào cũng ráng hụp xuống thật sâu, ngữa đầu ra sau để xước cái đuôi gà cho thật đẹp. Có khi mê tắm đến nỗi thầy phải xách roi xuống lùa mới chịu đi lên.
Quê Di thuần nông nên những món ăn vặt mang theo vào lớp thường là khoai, bắp, đậu...Đến mùa bắp cái túi trước ngực tỏa mùi bắp rang thơm phức. Tụi Di không bỏ vào miệng ăn một cách bình thường mà phải thảy từng hạt lên cao rồi hả miệng thật to hứng mới sành điệu. Mùa khoai, những củ khoai vùi tro nóng được ăn luôn cả vỏ ngọt làm sao! Rồi đậu rang, hột bí rang, cả lớp vừa viết bài vừa nhai chóp chép. Ôi! cái túi với mùi vị từng mùa ấy, bây giờ tất cả đã về đâu?
Quê Di chỉ có con đường đất trải đá duy nhất chạy dọc bờ sông nối liền các thôn làng tới thị trấn. Nhà cửa cất dọc theo hai bên lề đường. Nhà nào cũng đặt một lu nước trước hàng ba với cái gáo dừa cán dài gát ngang trên miệng. Người đi đường mà đa số là mấy nhóc học trò thường ghé uống. Mặt đường đầy những ổ gà, ổ trâu, đến mùa mưa quần áo đứa nào cũng bị dính bùn vì trợt té hay bị xe hơi chạy ngang qua mặt bắn bùn tung tóe. Tan học ra về tụi Di ít đi theo đường chính mà chui qua mấy miếng vườn để lượm trái cây. Không biết bao nhiêu lần bị chó rượt, không biết bao nhiêu cái thẹo trên lưng vì chui hàng rào bị gai quào chảy máu !
Môn học thủ công ngày đó không dùng giấy màu mà chỉ xài đất sét và tre. Thầy dạy nặn trái bí rợ, trái ổi, con trâu...Dạy đan mấy vỉ tre theo kiểu long mốt, long hai...Con trai lấy đất sét vo tròn phơi khô để chơi bắn đạn, con gái vót tre làm đũa, dùng mấy trái cau, ổi để chơi chuyền chuyền. Những cây súng làm bằng cọng chuối tươi rọc bỏ lá. Bẹ chuối kết làm xuồng.
Món đồ chơi cao cấp thuở đó là chiếc tàu làm bằng cây điên điển khoét bỏ ruột, có gắn mấy con Cam, con Quít phía sau. Cây điên điển nhẹ hỏm, mấy con Cam, Quít cứ vẫy cánh liên tục, đẩy chiếc tàu chạy băng băng như có gắn động cơ. Con nít ở quê Di tự làm lấy đồ chơi cho mình. Di thường bâng khuâng không biết con búp bê bằng rơm mà Di làm ngày xưa, đã ra sao dưới mấy tầng lá mục!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 9 2013, 22:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái tết năm Di lên chín có lẽ là cái tết buồn nhất trong suốt cả cuộc đời Di. Trước đó nửa năm ông ngoại phát bịnh, sau nầy mới biết là ung thư bao tử. Ông không ăn được rồi dần dần nằm luôn một chỗ. Năm ấy bà và dì Bảy không làm bánh mức. Cái lò tráng bánh to đùng hàng năm đến mùa nầy là lối xóm đến xài ké, ngày nào cũng ì xèo tấp nập, năm nay im ắng làm sao! Cả cây mai cổ thụ trước bàn thông thiên mỗi năm đều trổ hoa kín nhánh, năm nay cũng le hoe, xơ xác.
Gần tết, bà ngoại dắt Di ra vườn, mang theo cái dao phay chặt lá chuối đem về gói bánh tét để cúng. Nhiệm vụ của Di là gom lá lại đem phơi. Lá hơi héo Di gom lại cho ngoại lấy cây dao chẻ cau rọc, cắt thành từng miếng lớn. Di được phân công lau hai bên mặt lá cho sạch, tước cọng chuối thành những sợi nhỏ để làm dây nức bánh. Ông ngoại Di là con út nên nhà ngoại được dùng làm phủ thờ. Ngày tết con cháu cả họ mang hoa quả, bánh mức đến viếng bàn thờ cửu huyền. Ngoại phải gói bánh thật nhiều để "lại quả" cho họ.
Năm đó, dì Bảy cũng ráng may cho Di một bộ đồ mới. Di mặc ra nhà nội có một lần rồi xếp lại. Không còn ham đi lượm pháo và khoe tiền lì xì với bạn. Di ngồi bên giường cạnh ông rồi suốt ngày cầm cây quạt lông gà quạt mãi cho ông. Cái chết quá xa lạ nên Di chưa bao giờ nghĩ đến, vậy mà không hiểu sao những ngày ấy Di cứ quanh quẩn bên ông miết. Ông không nói được chỉ nhìn Di bằng ánh mắt mờ mờ hơi nước. Mấy ông bạn già và bà con lối xóm đến thăm, lúc đầu còn cười nói để khích lệ ông. Tiếng cười cứ thưa dần và vào những ngày cuối thì ai cũng khóc
Buổi tối rầm tháng giêng ấy mới hơn sáu giờ chiều mà không hiểu sao Di ngủ say như chết. Mọi lần giờ đó Di vẫn còn ngồi cạnh để quạt cho ông. Con Ghết con cậu Sáu vừa khóc vừa kêu Di vậy. Mở mắt ra nghe tiếng khóc là Di biết ngay. Tim Di đau nhói và có lẽ bị tổn thương luôn từ đó. Cả gia đình của Di đều không có mặt trong giờ phút lâm chung của ngoại. Má đi buôn bán xa, hai chị đi học ở tỉnh chỉ có Di ở gần sát bên ông mà lại ngủ quên. Nhiều khi Di tự hỏi có phải đây là ý của ông trời, muốn ông ra đi nhẹ nhàng thanh thản, nên không cho ông gặp những người ông thương nhất, và thương ông nhất trong giờ phút sau cùng. Ngay tối hôm đó Di nằm mơ. Di thấy ông nằm trong hòm nhưng rồi có một người nào đó đến quì lạy thế là ông sống lại liền. Di mừng đến nổi giật mình tỉnh giấc, nghe tim đập rầm rầm...
Ngày đám ma của ông một nỗi buồn bao trùm cả xóm. Ông của Di được mọi người yêu quí, nể trọng. Ông hay đứng ra dàn xếp những cuộc tranh chấp của bà con. Các gia đình bất hòa hoặc có con ngổ nghịch thường đến nhờ ông khuyên bảo. Ngày đưa đám của ông, thầy của Di , cũng là hiệu trưởng trường, cho học trò các lớp nghỉ học để đi đưa. Dì Bảy sai Di đem bánh ra chia cho các bạn, mấy đứa bạn nhìn Di bằng ánh mắt thèm thuồng có đứa còn nói "mầy sướng quá!".
Kể từ ấy, niềm vui trong Di đã vơi hơn một nửa. Không còn ông để chiều chiều chở Di đi hái bông Trang, bông Điệp về cúng phật. Không còn ông, người đi mượn sách về để Di say mê đọc ké. Không còn ông, người cứ đúng ngày rầm mỗi tháng lại bắt cái ghế đẩu ra sân đặt dưới bóng cây vú sữa cho Di ngồi, để cắt cho Di một kiểu tóc" bom bê" duy nhất, để làm cho cái mặt của Di đã tròn lại thêm tròn. Cũng từ hôm ấy trong lòng Di hình thành một khoảng trống. Di hay gọi ông lúc ăn cơm, lúc bị ăn hiếp và cả lúc được nhận bảng danh dự...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 10 2013, 03:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ngoại mất rồi cậu mợ Sáu về ở chung để phụng dưỡng bà ngoại. Má Di mua lại căn nhà kiêm luôn tiệm tạp hóa của cậu mợ. Di phải giã từ nhà ngoại. Giã từ cái võng ngoài hiên với những buổi trưa dổ giấc, nằm đưa kẽo kẹt. Giã từ cái phòng ngủ tối om làm Di sợ ma, tối ngủ cứ kéo mền trùm kín cả đầu. Giã từ mấy kẻ ván sàn hay nằm rình chờ xem heo đẻ. Giã từ cái nhà cầu với những bữa cơm gió thổi vào mát rượi, với giàn rau sát bên để khi đang ăn ngoại hay nghiêng mình vói tay ra hái ớt.
Căn nhà của má Di nằm kề sông, cạnh lộ và kế bến đò. Má đặt một chỏng tre bên lề đường cho những người ngồi chờ đò nghỉ chân cùng bày bán mấy thứ rau quả cây nhà lá vườn. Sát bên nó là cái khạp da bò chứa được gần hai đôi nước có cái nắp bằng ván. Một cây cọc tre ốm nhom, có cái gáo dừa cặp kè một bên như hình với bóng. Cái chỏng nầy giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của Di. Ngày nào cũng có người ngồi ở đó chờ đò. Biết bao câu chuyện Di đã được nghe. Biết bao giấc mơ Di đã dệt về một miền xa xôi, do những người đi xa ghé qua kể lại.
Di còn nhớ về một bà cụ đã già lắm, không biết bà đã bao nhiêu tuổi. Bà có hai hàm răng trống lổng, mái tóc bạc phơ và cái lưng còng gập, làm cho Di vô cùng thương cảm. Cách vài tháng bà lại đến ngồi ké trên chỏng để chờ đò. Di hay giành giả trầu trong cái ống ngoáy, đổi mớ tiền xu đựng trong cái túi vải ra tiền giấy giùm bà. Bà có cô con gái lấy chồng làng khác. Mỗi lần đến thăm cổ lại chẻ ống tre tặng bà số tiền xu bỏ ống để dành. Vừa kể Di nghe bà vừa cầm chéo khăn chậm hoài đôi mắt.
Lên lớp nhì Di học ở ngôi trường cách nhà hơn ba cây số. Học cả hai buổi nên ngoài cặp sách còn kèm thêm cái gà mên đựng cơm trưa, không chỉ mình Di mà có hơn nửa lớp ở lại. Thỉnh thoảng đang giờ học, bỗng nghe mùi cá kho khô thơm phức là biết ngay có bạn đang ăn vụng. Thế là cả lớp lao xao. Nhiều lần thầy phải ra tay, bắt thủ phạm quì gối khoanh tay mồm ngậm viết.
Ôi ! những buổi cơm trưa tại lớp sao mà ngon lạ ngon lùng! Thường chỉ là cơm với cá kho quẹt, khô nướng hay trứng vịt chiên, kho hoặc luộc giầm nước mắm thôi ! Trống vừa điểm, thầy còn chưa ra khỏi lớp là cả bọn lật đật mở nắp gà mên liền. Di có một cô bạn tên Thu Lan, học không giỏi nhưng có uy nhất lớp vì nhà bạn ấy bán thịt heo. Cái gà mên của bạn ấy là mục tiêu số một của tụi Di, đứa nào cũng tranh nhau đổi thức ăn cho bạn ấy. Cái gà mên của Di là mục tiêu số hai vì má Di kho cá rất ngon, tụi Di hay đổi thức ăn với nhau. Hôm nào có bạn nghĩ học vì nhà có đám là bọn Di mừng lắm ! Biết chắc hôm sau sẽ được ăn ké món ngon, có khi còn được chia thêm bánh, trái nữa.
Và Di cũng nhớ về một bạn trai ngồi bàn chót dãy bìa mà tụi Di đặt tên là "bàn cờ". Bạn ấy thường mặc cái áo có miếng vá rất to kẻ sọc như bàn cờ tướng chiếm gần hết lưng. Bạn nầy tuyệt đối không cho ai đụng hay nhìn vào gà mên cơm và luôn luôn ngồi ăn thui thủi một mình
Đậu đệ thất vào trường công lập, cái cảm giác lần đầu mặc áo dài thật ngọt ngào làm sao ! Di cứ nôn nao như mình sắp đến cái xứ sở diệu kỳ đầy hoa thơm trái ngọt. Má thưởng cho Di đôi giày xăng đan trắng, dặn dò phải giữ gìn cẩn thận. Lúc đầu mới mang đi ngang mấy vũng sình, Di lột giày cầm tay rồi kiếm vũng nước trong rửa chân mang lại. Sau bị chọc quê quá đành mang luôn, thế là bị má rầy là không biết giữ của. Những ngày đầu Di đi học bằng xe đò đến trường nhưng rồi cực quá phải ở nhà trọ. Lần đầu tiên Di thấm thía ý nghĩa của hai từ " nhớ nhà". Có những buổi chiều nhìn đám lục bình xuôi theo con nước về hướng nhà mình, Di chỉ muốn nằm lên trên đó cho nó đưa về. Mỗi chủ nhật về thăm nhà một lần, khi đi là khóc nên nhiều khi phải bị đòn .


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 29 Tháng 10 2013, 21:56 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 10 2013, 09:35
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Chuyện nầy càng đọc càng hấp dẩn và lôi cuốn. NGV cứ nôn nóng chờ xem phần kế tiếp. Nhưng mà sao buồn quá Lâm quán chủ ơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 10 2013, 10:29
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Nhân vật Di này chắc là nhõng nhẽo với má lắm ta ơi! :roll:
Tác giả có nhõng nhẽo như vậy hông? :mozilla_sealed: :mozilla_tongueout: :roll:

{L_QUOTE}:
má đặt một chõng tre sát lề đường cho những người ngồi chờ đò nghỉ chân, cùng bày bán mấy thứ rau quả cây nhà lá vườn, cạnh cái chõng là cái khạp da bò chứa được gần hai đôi nước có cái nắp bằng ván, một cọc tre có máng cái gáo dừa,

Chà chà... hình ảnh này quá đỗi thân thương! Ở quê ngày nay dường như không còn nữa?

Thật ngưỡng mộ trí nhớ và tài năng của tác giả! Hihi... không phải "khen cho nó chết" đâu nha tác giả. :mozilla_sealed: :mozilla_tongueout:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 10 2013, 14:36
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Trần huynh ơi! sao mấy cái chuyện buồn là nó cứ rớt xuống tận đáy lòng rồi nằm ở đó luôn ,đuổi cũng hổng chịu đi.
ỐM ơi ! có người gần sáu chục tuổi rồi còn nằm mơ thấy măn vú má, mổi lần hết hồn ,đứt tay là hét "má ơi!".
kệ ỐM cứ ráng khen đi, nó khoái lắm, chết cũng chịu .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5 ... 13  Trang kế tiếp

» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu