Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 20:51
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» GÁNH HÁT BẦU TÈO* VỀ XÓM NHỎ - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1453 | Trả lời: 1)
Tiêu đề bài viết: GÁNH HÁT BẦU TÈO* VỀ XÓM NHỎ - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 3 2013, 08:41
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
GÁNH HÁT BẦU TÈO*VỀ XÓM NHỎ
Lâm Du Yên


Cái tin ghe hát đã đến và tối nay sẽ diễn ở sân ông BA ĐỜI nhanh chóng lan ra khắp xóm. Như có một luồng sinh khí thổi vào, ai cũng xôn xao, nôn nả bởi mọi người đã chờ đợi cả mấy tháng nay.
Tôi ngoan hơn ngày thường, giúp má quét nhà, rửa chén...Tắm heo thật sạch và tắm cho mình cũng thật sạch, rồi xin má:
- Má cho con đi coi hát tối nay nghen!
Má lắc đầu:
- Không có coi gì hết, ở nhà học bài!
Tôi phụng phịu:
- Con học thuộc hết rồi.
Vừa nói tôi vừa đọc luôn mấy bài học thuộc lòng dài thòn cho má nghe. Vậy là má bằng lòng. Tôi chạy u lên nhà con Tíu, nó đang ngồi lảy bắp, má nó hầm bắp mỗi ngày để bán. Tôi sà vô phụ nó lảy bắp để lấy lòng má nó rồi xin cho nó đi với tôi. Má nó bằng lòng với điều kiện là nó phải dắt theo hai đứa em.
Xong phần con Tíu tôi chạy liền tới nhà con Thẹn. Nó đang ngồi trên ngạch cửa khóc hu hu, tôi rón rén hỏi nhỏ:
- Bộ mầy bị đòn hả?
Nó mếu cái miệng méo xẹo:
- Má tao hổng cho tao đi coi hát.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Tao làm bễ cái tô.
Vừa nói dứt nó lại khóc rống lên.
Tiếng chị Hai Sàn má nó quát to:
- Bộ ức hiếp cho mầy lắm hả? Đồ con gái tâm hơ tâm hất!
Nó vừa khóc vừa nói với tôi:
- Mầy... vô xin... má tao giùm... tao đi.
Tôi bước rón rén vào bếp, liếc thấy má nó mặt hầm hầm nên cầm thua là cái chắc. Chị Hai ngó tôi một cái rồi gương mặt hơi dịu lại.
Tôi kéo tay áo chỉ năn nỉ:
- Chị Hai cho con Thẹn nó đi coi hát với em nghen.
Chị Hai nạt:
- Không có coi hát coi hiết gì hết, đồ con gái hư!
- Tội nghiệp nó mà chị Hai, lâu lâu mới có một lần, nghe nói kỳ này diễn có một đêm hà! Tôi bịa.
- Nói dóc, họ cơm ghe bè bạn tới đây mà diễn một đêm sao được!
- Thiệt mà...
Tôi lắp bắp, ba xạo thêm đủ thứ, vừa nói vừa kéo tay áo mạnh hơn.
Chắc nghe mệt lỗ tai và sợ rách áo, chỉ nói phắt:
- Thôi đi đâu thì đi, coi xong thì về liền à nghen, la cà là tao đánh cho tét đít đó!
Tiếng khóc con Thẹn nín bặt như cây đàn đứt dây.
Ba đứa tôi mặc mấy bộ đồ đẹp nhứt của mình. Lệ của xóm tôi là vậy đó, đi coi hát, dù hát ngoài trời ngồi xổm xuống đất để xem vẫn phải mặc đồ tốt hơn ngày thường.
Con Thẹn có đem theo một cây mía, nó kê gối bẻ một cái rắc rồi đưa cho tôi và con Tíu mỗi đứa một khúc. Báo hại con Tíu phải xước lia lịa cho hai đứa em luôn miệng đòi chèo chẹo của nó.
Cái sân rộng trước hiên nhà ông Ba đám con nít đã đông nghịt. Một cái bàn dài kê ở giữa sân trên đó chất đầy đủ các loại cao đơn hoàn tán. Hai cái đèn măng sông được treo trên hai cây nhản ở hai bên sân khấu.
Người lớn dần kéo đến đông hơn. Thấy đã đủ người cho một buổi diễn, ông bầu bèn bước ra giữa sân đến đứng cạnh chiếc bàn cầm từng thứ thuốc lên quảng cáo. Miệng ông trơn tru như thoa mỡ, nêu những cái tên bệnh và tên thuốc đã quá quen thuộc với mọi người như: "Trật đả hườn", "xuân nữ cao", "bạch đái hạ"...
Các diễn viên mặt mày đã hóa trang cũng ra sân cầm thuốc đi vòng vòng mời mua. Mấy chai thuốc trên bàn vơi đi nhanh chóng, mọi người nóng lòng xem hát và cũng bị cái miệng dẻo ngoẹo của ông bầu thuyết phục nên mua ào ào.
Chỉ còn vỏn vẹn hai chai thuốc trên bàn thôi vậy mà ông bầu vẫn không ngớt giục:
- Dạ thưa bà con cô bác chỉ còn có hai chai thuốc nữa thôi, xin bà con nhanh tay vàng mua nhanh để chúng tôi hát liền cho cô bác về ngủ sớm để mai còn ra đồng...
Một ông bác chừng như không còn kiên nhẫn nữa kêu to:
- Thôi đưa đây tui mua hết cho, mà phải hát liền à nghen!
Hôm nay diễn vở "THOẠI KHANH, CHÂU TUẤN". Cô đào đóng vai Thoại Khanh trông đẹp, hiền mà xuống vọng cổ còn mùi quá mạng nên các bà các chị khóc dữ quá!
Đến cái lớp Thoại Khanh cầm nón lá đi xin tiền để nuôi mẹ chồng, thì vô số tiền cắc và tiền giấy vò cục thảy vô nón ào ào. Có mấy đồng rớt ra ngoài, tụi con nít giành nhau lượm rồi bỏ vào nón cho cô đào chánh. Được nửa vở thì tạm ngưng để đào kép nghĩ xả hơi còn ông bầu thì tiếp tục quảng cáo thuốc xổ lải và kẹo cho con nít. Họ đã tính toán hết rồi, quyết vét sạch túi mọi người mới chịu.
Rồi vở hát lại tiếp tục, đang nghe chăm chú, bỗng một giọt nước rơi trên tay tôi cùng với những tiếng lao xao chung quanh: "Mưa rồi...mưa rồi!". Một giọng đàn ông kêu lên: "Ông trời ơi đừng có mưa nghe ông!". Rồi một giọng phụ nữ cằn nhằn: "Thiệt là bất nhơn, nhè lúc nầy mà mưa!". Đào kép vừa hát vừa lui vô hàng ba để khỏi ướt.
Con Tíu dắt hai đứa em nó chạy thục mạng. Tôi với con Thẹn cùng một số khán giả trung thành khác núp vào mấy tán cây ráng xem cho hết.
Khi vở diễn chấm dứt, tụi tôi ướt như chuột lột, hai đứa nắm tay nhau lủi thủi đi về.
Con Thẹn than:
- Kiểu nầy chắc ngày mơi má tao khỏi có cho đi coi nữa!
Tôi không trả lời bởi cũng đang lo y chang như vậy.
Chợt lòng tôi hình thành một mơ ước vô cùng mãnh liệt: Khi có tiền, tôi sẽ làm cho xóm tôi một cái sân lót gạch, lợp mái để mọi người coi hát không bị ướt và không bị kiến cắn.


LDY
-----------------------------------------------
*Ở quê tôi nhóm từ nầy để chỉ những gánh hát nhỏ và nghèo.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: GÁNH HÁT BẦU TÈO* VỀ XÓM NHỎ - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 3 2013, 09:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328
Chị Lâm Du-Yên ơi!
Truyện của chị đọc thiệt là phê! :clap: :rse:
Có lẽ trong mỗi người miền Tây mình, nhứt là dân ở quê đều có ký ức về gánh hát bầu tèo, về những buổi coi hát đình, hát miễu.
Em cũng có những ký ức đó, tuy thể hiện thành bài viết văn chương thì không hay, nhưng cũng đã đưa lên DĐ này. Nãy giờ em ráng lục tìm để đem ra đây "hùn" với chị. :mozilla_sealed: :mozilla_tongueout:
Nó đây nè chị...

Ngoc La {L_WROTE}:
GÁNH HÁT SƠN ĐÔNG
Ngọc La

Hồi nhỏ ở quê mình, chắc ai cũng ít nhứt một lần đi xem gánh hát sơn đông.
Tôi nhớ hình như vào thời còn học tiểu học, có một gánh hát sơn đông đến hát hằng đêm ở sân trường tiểu học đầu tiên trong xã tôi. Bọn tôi (gồm mấy chị em nhà tôi và mấy đứa bạn trong xóm) rất mê nên không tối nào là không đi coi. Hồi đó nghe người lớn gọi là "gánh hát sơn đông" thì cứ gọi theo như vậy chứ không biết vì sao. Sau này mới nghe thêm cụm từ "sơn đông mãi võ". Tôi hiểu nghĩa của "mãi võ", còn "sơn đông" là gì đến giờ tôi vẫn mù tịt.

Gánh hát này họ không "mãi võ", không diễn những trò ảo thuật như những gánh khác mà tôi biết sau này, mà chỉ diễn những tuồng cải lương nổi tiếng thời đó, như tuồng "Đêm mộng Hồ Tây" chẳng hạn.
Trước khi diễn tuồng cải lương thì họ quảng cáo và bán thuốc trị bịnh. Xen kẽ với quảng cáo sản phẩm là những tiết mục pha trò rất có duyên của anh hề Hoàng Hiệp và những tiết mục ca cổ. Bọn tôi thích cảnh anh hề pha trò xong, bà con cười ngả cười nghiêng, ông bầu gánh chắc cũng mắc cười (?) nên cầm "cây roi" bằng cái khăn (hay cái quạt mo hay… cái gì đó tôi không nhớ rõ) rượt đuổi anh hề và đánh yêu tới tấp.

Vào thời đó, khoảng năm sáu mươi mấy, chỉ có một số nhà là có radio, chưa có nhà nào có TV. Phần nhiều người ta biết đến các bài vọng cổ, các tuồng cải lương là từ những chiếc "máy cúp" của các đám cưới, đám hỏi. Vì vậy, khi có gánh hát sơn đông, bà con già trẻ gái trai nhất là con nít cỡ bọn tôi đi xem rất đông.
Người xem đứng, ngồi nhiều lớp thành một vòng tròn. Người quảng cáo, bán thuốc thì hoạt động trong vòng tròn đó. Phía trong cùng sát mái hiên trường là sân khấu dược dựng lên một cách sơ sài, tạm bợ dành cho các tiết mục ca cổ và diễn tuồng cải lương.

Từ chuyện bán thuốc, quảng cáo đến chuyện văn nghệ văn gừng, tất cả đều hấp dẫn nên lần lần người ở sau lấn chồm ra trước, người ở trước nhích tới… làm diện tích cái sân từ từ bị thu hẹp lại. Thế là người ta phải đi dẹp: bắt mọi người phải lui ra, bắt mấy dứa ở hàng 1, hàng 2 phải ngồi xuống. Có khi bọn con nít chen lấn nhau rồi chửi lộn ỏm tỏi. Tôi nhớ mắc cười một chuyện: có đứa con gái nào đó xí xọn (tôi cũng thuộc loại biết xí xọn rồi) cài cây kẹp xước trên đầu, rồi lúc chen lấn chật chội, không may cây kẹp đâm vô mặt đứa con trai nào đó bị nó chửi: "Bà nội! Cây kẹp đâm vô mặt tui rồi nè! Đồ con gái xí xọn!". Đứa con gái đó biết lỗi nên im thin thít…

(Còn tiếp)

Ngoc La {L_WROTE}:
binhquan {L_WROTE}:
Hồi nhỏ BQ cũng khoái mấy gánh hát nầy, đi học về nghe tiếng thanh la, phèn la ỏm tỏi trước sân chợ là nhào vô coi liền. Thật hâm mộ mấy ông tì mũi giáo vô yết hầu hay quấn dây kẽm gai quanh mình rồi họ gồng lên làm cong cây giáo và đứt dây kẽm gai. Có khi mê coi mà quên giờ giấc, về nhà trễ bị bà bô la quá trời. Giờ mà mấy gánh nầy còn là bị công an vịn liền. :)

To Ngocla: Sao không viết cho hết vậy? :)

Binhquan ơi!
NL không viết hết vì viết tới đó tự dưng thấy làm biếng và mệt, chừng nào khỏe và rảnh thì viết tiếp.

Viết tiếp nè:

Mấy gánh bạn coi đó là vào ban ngày, còn gánh hát chỗ NL hồi xưa là vào ban đêm, mà thật sự là "gánh hát" đó nhe vì sau "màn" quảng cáo và bán thuốc là các đào kép diễn 1 tuồng cải lương dài sọc.
Hồi đó, theo nhận xét của những cái đầu non nớt của bọn NL thì các đào kép đó hát và diễn thật hay, hay không thua gì các nghệ sĩ danh tiếng thời đó. Không biết có giống thật hông, không biết họ có cố ý bắt chước hay chịu ảnh hưởng gì hông mà bọn NL cứ thấy mỗi đào/kép đều giống một nghệ sĩ mà mình ái mộ:
- Anh hề Hoàng Hiệp giống Văn Hường
- Cô đào Xuân Liễu giống Lệ Thủy
- Cô đào gì đó quên rồi giống Ngọc Hương
- Ông bầu gánh giống Thành Được
- Kép Thanh Bạch giống Út Hiền
....
Dàn nhạc công đờn hay cũng hết sẩy luôn!

Bọn con nít NL cứ xuýt xoa với nhau:
- Hay quá! Ông bầu này mà đứng ra lập gánh hát lớn là nổi tiếng như chơi!

Có khi bọn NL không xem quảng cáo thuốc mà lẻn ra sau hậu trường xem mấy đào kép hóa trang (và sau đó về nhà bắt chước!). Cũng thật thú vị đó.
Còn ban ngày thì sau giờ học hoặc trong giờ ra chơi, bọn học trò như NL tò mò đến chỗ ở của đào kép xem những sinh hoạt của họ như nấu cơm, ăn uống, chăm sóc con cái và thấy thật ngạc nhiên vì họ cũng bình thường như những người khác (!)

Khi gánh hát này đi rồi, bọn NL tiếc hùi hụi. Một thời gian sau, có một gánh khác đến, cũng quảng cáo và bán thuốc, cũng ca cổ, cũng diễn cải lương nhưng chất lượng nghệ thuật thì thua xa. Các cô đào già hơn, xấu hơn, hát dở hơn, bê bối hơn. Có cô vừa ra hát bài vọng cổ vừa đưa tay gài lại nút áo vì mới vừa cho con bú xong! Bọn NL chê quá trời luôn và càng tiếc gánh dầu tiên! Con nít mà cũng nhiều chuyện ghê vậy đó! :rollin:

Một chút về chuyện con trai-con gái:
Ngoài chuyện chửi rủa do bị kẹp đâm vào mặt ở trên, phần nhiều bọn con trai lúc đó, dù là còn con nít, cũng thừa cơ hội chen lấn để đụng chạm, kéo tóc, kéo áo, quèo móc,...chọc ghẹo mấy đứa con gái. Mấy đứa con gái thì chửi ỏm tỏi lên...Nhớ lại thấy mắc cười ghê nơi!

Chuyện coi "gánh hát sơn đông" đến đây là kết thúc.
==============================================================
Sẵn đây NL cũng kể luôn chuyện đi coi hát hồi nẳm:

Ở nhà quê thì chỉ có đi coi hát sơn đông như trên hoặc coi hát bội ở Miễu, hoặc coi mấy "gánh hát bồ tèo" lâu lâu về hát trong nhà lồng chợ Tân An. Bọn con nít xóm tôi phải đi 1 cây số và qua cái đò mới tới nơi.

Coi hát sơn đông và coi hát ở miễu thì không tốn tiền, còn coi cải lương bồ tèo thì phải tốn tiền vô cửa.
Là con nít, không có tiền nên đâu có mua vé mà chỉ đi vô cửa theo kiểu "mảo" (?): ba chị em hoặc 4, 5 đứa gộp lại, đứa đứng giữa giang hai tay "ôm" cả đám và hỏi người gác cửa:
- Mấy đứa tui như vầy bao nhiêu vậy chú?
Chú gác cửa nói giá rồi bọn tôi còn trả giá nữa. Thỏa thuận xong là đưa tiền và vù vô liền. Có khi vô tới nơi người ta đã hát được 1/3 tuồng rồi.

Lý thú là có những đứa con trai còn chun lỗ chó nữa! Bọn con gái thì không có vụ này.
Nói là chun lỗ chó chứ thật ra là vén cái màn vải người ta vừng xung quanh để chui vào. Có khi vừa ló được cái đầu, xui rủi gặp người giữ trật tự thấy là bị họ đẩy ra liền. :rollin:

Có đêm bọn tôi không có tiền nhưng ghiền quá, phải đợi đến khi người ta "thả giàn" mới vô coi. (Thả giàn hay xả giàn hay "thả vàng: gì đó: người ta không canh cửa nữa nên ai muốn vô cũng được). Lúc đó thì thường đã quá nửa tuồng rồi... hic hic hic...

Vậy đó bà con ơi! Thời xưa con nít ở nhà quê bọn tôi mê cải lương vậy đó. Còn thời nay, ngồi tại nhà coi truyền hình, nhưng bọn con nít thấy ca cổ, cải lương là sợ thấy ông bà ông vãi!
:( :mozilla_tongueout:

(Hết)

binhquan {L_WROTE}:
Bây giờ mà còn mấy gánh hát nầy thì chắc cũng không có lỗ chó để mà chun. Còn coi hát lúc thả dàn cho đỡ ghiền thôi vì tới cuối rồi hay ho gì nữa!
Cám ơn ngoc La vì đã viết cho đọc tiếp!


Link bài GÁNH HÁT SƠN ĐÔNG: viewtopic.php?f=34&t=984&p=3714#p3714


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» GÁNH HÁT BẦU TÈO* VỀ XÓM NHỎ - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu