Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 20:42
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13
Người gửi Nội dung (Xem: 39781 | Trả lời: 125)
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 6 2014, 00:17
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nhà anh Ba Đực cũng ở cái cù lao nhỏ bên kia sông. Ngày rước dâu đàng trai mướn hai chiếc tàu, trang hoàng rực rỡ bằng những dây kim tuyến cùng rất nhiều lá cờ tam giác đủ màu, treo dài theo những sợi dây giăng ngang, giăng dọc.
Hôm ấy chị Hai Bé hết sức duyên dáng với chiếc áo dài xoa màu hồng, trên ngực có thêu hai con chim se sẻ đậu trên cành mai vàng. Quê của Mít Ướt trong đám cưới rất kỵ màu trắng, vì màu nầy được xem là màu tang. Chẳng những trong lễ cưới mà cả ngày tết. Nên từ cô dâu cho đến họ hàng khách khứa, không ai dám mặc áo trắng. Anh Ba Đực mặc áo thụng bằng the màu xanh dương, đội khứa cá kho[ khăn đống], chân mang giày tây bóng lưỡng. Mấy người bạn của ảnh thì mặc đồ tây, chỉ có rễ phụ là mặc giống y như ảnh mà thôi.
Các ông, bà lớn tuổi đều mặc y phục truyền thống. Mấy ông trang sức thêm bằng những chiếc gậy có cái cán bịt bạc, bịt đồng được đánh bóng sáng chói. Những cái ống vố bằng ngà voi ngày thường ám khói hôm nay cũng được lau sạch bóng.
Mấy bà ngoại, bà má bới đầu theo đủ kiểu. Cái đầu tóc mượn được thắt bính hay cuốn trôn ốc, đính chặt vào búi tóc thật bằng cả chục cây kim ghim có hai chân. Nó được trùm lại bằng cái bao lưới móc bằng chỉ đen, xức dầu dừa láng coóng.
Bên trong những cái áo dài bằng gấm hoặc the in bông, chiếc áo cánh may bằng vải Ba tích phin đủ màu có hai cái túi to hết cỡ. Hai cái túi ấy chứa cả một kho tàng nho nhỏ, từ chiếc khăn mù xoa, hộp dầu cù là, tiền giấy, tiền xu... cho đến những thứ kém thông dụng khác. Bọn chúng được chặn lại bằng một hoặc hai cây kim tây rất to ghim ngang miệng túi.
Mấy cái quần lãnh Mỹ A dịp nầy cũng được đem ra trình làng. Mỗi bà, mỗi cô mặc một hoa văn khác nhau : nhỏ nhứt là hột mè, bông dâu rồi to hơn như bông cúc, bông hồng, bông sen... Ai không thích bông thì xài mặt đệm, sọc dài hoặc một dài một ngắn gọi là mẹ bồng con, ai thích giản dị thì mặc trơn ...
Họ trùm trên đầu những chiếc khăn voan mỏng, hoặc khăn lụa in bông. Người lớn tuổi quàng khăn quanh cổ hoặc đội lên đầu, cột thắt núc dưới càm, thả hai múi khăn lòng thòng trước ngực. Người trẻ hơn cũng trùm đầu nhưng quấn vòng qua cổ, cột rồi giấu mối rất kỹ [kiểu nầy được gọi là "choàng hầu"] .
Mấy cô gái được mời bưng quả, đưa dâu ai cũng mặc áo dài màu. Họ đẹp như thoát xác dù chỉ với một chút xíu phấn hồng và son môi trên má. Trong số ấy nổi bật nhất là chị Thêu- chị em bạn dì với cô dâu ở Sài gòn- bởi mái tóc quắn với từng lọn bằng chang ngón tay cái của người lớn, ôm sát đầu y như một dĩa chả giò cuốn rất đều tay. Chỉ đi đôi hài cườm cao gót, mặc nguyên một bộ áo dài bằng tơ màu mỡ gà trông hết sức là sang trọng. Ông thầy giáo trẻ quê ở Cần Thơ, bà con với anh Ba Đực, đi trong đám rước dâu cứ nhìn đắm đuối thiếu điều muốn rước chỉ đi luôn.
Có lẽ vì mấy cô gái bên đàng trai qua rước dâu quá xinh và các cô thôn nữ trong xóm hàng ngày rất đơn sơ, hôm nay bỗng trở nên lộng lẫy, nên mấy anh con trai lúc đầu sợ bắt quân dịch không dám đưa dâu, nay ráp nhau đi ráo.
Số bà con ở xa về dự cũng nhiều hơn dự tính. Ai cũng đòi đi đưa dâu. Hai chiếc tàu nhỏ không chở đủ, nhóm thanh niên tháo mấy chiếc xuồng cột sẵn dưới bến, rồi cứ một anh chở một chị, nhường chỗ trên tàu cho mấy cô bác lớn tuổi. Cái đám cưới ấy trở nên hết sức đặc biệt với hai chiếc tàu chầm chậm đi đầu, dắt theo hơn một chục chiếc xuồng. Trên ấy có các chàng trai còn ngượng ngập trong những cái áo sơ mi mới tinh còn cứng nếp hồ, những cái quần tây ủi li bén ngót, vung đều tay đưa chiếc xuồng lao vùn vụt. Các cô gái hai tay vừa ôm quả vừa kềm chặt hai vạt áo dài. Chúng như hai đôi cánh cứ đập loạn xị như muốn thoát ra mà chạy theo làn gió vậy! Mấy tà áo dài ấy lao xao như những cánh bướm đủ màu, đủ sắc bay rập rờn. Những cặp có chút tình ý với nhau, đây chính là buổi đại yến cho đôi mắt của họ. Nó hùng biện quá làm lòng chàng chao đảo như chiếc xuồng đang nhồi sóng và đôi má nàng rực rỡ như ánh nắng trên sông.
Tối hôm trước, khi lạy xuất giá chị Hai Bé khóc thôi là khóc, đau lòng vì bỏ ba má chỉ ở lại một mình. Mít Ướt đứng xem mà hết sức lo lắng, sợ chỉ buồn quá rồi không chịu lấy chồng nữa thì uổng cái đầu tóc quăn và bộ đồ mới của nó biết mấy. Sáng sớm vừa ngủ dậy là nó chạy liền đến nhà chỉ để thăm dò coi tình hình như thế nào, thấy chỉ cười tươi rói nó mới yên lòng thở khì nhẹ nhỏm ! Mít Ướt phát hiện nó và Sáu Ngón không hẹn mà cùng mặc hai bộ đồ giống hệt nhau, màu vàng cam có in hình mấy chiếc bánh Tây đủ loại. Hóa ra hai bà má của tụi nó đều mua vải của chú Dìm. Chú nầy là người Hoa, hàng ngày đẩy chiếc xe bán vải, kim, chỉ, núc... đi giáp vòng trong xóm. Áo tụi nó cũng may cùng một kiểu, cổ lá sen, tay phùn, túi dún, hiện là cái mốt thịnh hành của mấy bé gái. Mít Ướt móc túi lấy ra hai cây kẹp con bướm, nó cho Sáu Ngón cây màu đỏ giữ lại màu vàng. Hai đứa kẹp lên tóc cho nhau, rồi cùng tấm tắc khen lẫn nhau rằng: "Mầy kẹp con bướm nầy lên coi lịch sự quá!".
Trước đám cưới mấy hôm ba Hai Ốm có về, khỏi phải nói là bà con trong xóm mừng như thế nào. Nhờ có ổng mà đám cưới của chị Hai Bé trở nên rình rang hết sức ! Cái nhóm đờn ca được qui tụ lại đầy đủ. Chẳng những hầu hết bà con trong xóm đều đến nghe ba nó hát mà cả xóm trên và xóm dưới, những người hâm mộ ổng, cũng đến ngồi chật hết mấy cái bàn tròn kê sẵn để nhóm họ. Xúc động trước lòng ưu ái của mọi người ba nó hát liên tục bốn bản. Ngoài bản ruột là "Dây Khổ Qua", ổng còn ca thêm ba bản nữa là "Ngưu lang chức nữ", "Cây Trứng Cá", "Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà". Bà con vỗ tay rần rần làm ổng hăng máu nên càng hát càng hay. Mít Ướt ngồi nghe say sưa rồi ngủ gục hồi nào hổng biết.
Hôm mới về ổng ốm nhom đen thui, ăn mặc tươm tất mà gương mặt buồn hiu, mãi tới hôm sau mới thấy cười. Có lẽ ổng giấu nụ cười trong ngôi nhà cũ trước khi đi, bây giờ về mới moi ra xài lại. Mít Ướt và con Thẹn cứ lẽo đẽo đi theo hỏi về Hai Ốm, bà con trong xóm cũng bu lại hỏi thăm má và mấy đứa em của nó. Ba Hai Ốm tánh lạc lòng lắm ! thấy mọi người vồn vả, ổng xúc động quá vừa nói chuyện vừa lén chùi nước mắt.
Qua đám cưới cả tuần cũng không thấy ba Hai Ốm đi về Cà Mau mà còn rục rịt làm đồng trở lại. Nghe đâu ổng tính ở lại luôn. Một hôm bà Bảy Đởm, chỗ thân tình với ba Hai Ốm không thua nhà Mít Ướt, kể cho má Mít Ướt nghe là từ hôm về Cà Mau ba Hai Ốm chỉ ở nhà vợ được chừng mười bữa. Bị họ bạc đãi và xem thường quá mạng ổng chịu hổng thấu nên ở nhờ nhà bà chị luôn tới giờ. Mấy cậu và dì của Hai Ốm không có ưa ba nó, bởi vậy kỳ nầy sẵn về dự đám cưới, ba Hai Ốm quyết định ở lại luôn. Má Hai Ốm có hứa khi nào bà ngoại Hai Ốm hết bịnh hoặc mãn phần thì sẽ về theo ba nó. Mít Ướt nghe xong lật đật nói cho con Thẹn biết. Hai đứa nó mừng khấp khởi rồi lại lo lo, không biết Hai Ốm bây giờ giàu rồi có thèm chơi với tụi nó nữa hông.
Khoảng mấy tháng sau khi hai đứa nó đang đi đồng mót mía. Mấy cây mía nầy bị sâu, bù lạch ăn hoặc bị bỏ sót. Hai đứa mót được một bó to gần chục cây. Chúng lấy lá mía bó lại rồi khệ nệ khiêng về. Đang đi bỗng tụi nó nghe một giọng hết sức thân quen, hét lồng lộng vang dội khắp cánh đồng:
- Mũi ơi! Ướt ơi ! tao về rồi nè !
Hai đứa nó cũng kêu to hết cỡ :
-Hai Ốm !
Rồi cả hai cùng liệng bó Mía xuống đất, phóng phăng phăng trên những cục đất cày lởm chởm, tay dang rộng. Chúng ôm nhau nhảy cà tưng, buông tay ra, nhìn tận mặt nhau rồi cùng hỏi:
-Ủa! mầy cũng uốn tóc rồi hả ?

Khoảng năm mươi năm sau, có một buổi chiều, nó đang đứng ngoài ban công, chợt bắt gặp trong gió một mùi thơm rất quen, rất nhẹ...Cái mùi hương bềnh bồng ấy, chở theo cả một miền đất nhớ...
Những lần gội đầu cho má ngày xưa chợt hiện về một cách vô cùng sống động. Những bữa cơm dọn trên chiếc chỏng kê sát bờ sông, bàn tay má cầm trái ớt đỏ giầm trong chén nước mắm và lời dặn dò coi chừng mắc xương vào đầu bữa ăn.
Từng hình bóng thân thương khác, như một đoàn diễu hành, lần lượt đi qua và cùng đưa tay vẫy gọi:
Kìa là Ông ngoại, với chiếc xe đòn giông, buổi chiều, con đường cộ và những chùm bông Trang, bông Điệp.
Bà ngoại, với hai hàm răng cắn chặt một đầu của sợi dây chuối, đầu dây bên kia được quấn vào ngón tay trỏ, cố nức đòn bánh tét thật chặt tay.
Dì Bảy Xuyến trong gian bếp ngào ngạt mùi thơm của bánh mứt. Nét mặt hết sức trang trọng, cầm cây dao với ngón tay út cong lên, dùng mũi dao để cạy bánh ra khỏi khuôn một cách nhẹ nhàng, khéo léo.
Cậu Út Thảo cùng những đêm học bài dưới ngọn đèn dầu. Cây thước gỗ dày cộm bề ngang cỡ ngón chân cái và những cái khẻ tay rất đau khi nó viết chữ xấu hay làm toán trật.
Chị Hai trên chồng gối chất cao xem nó biểu diễn các điệu múa Ấn Độ, trao những phần thưởng nhỏ xíu nhưng luôn mang lại cho nó một niềm vui to lớn.
Chị Ba với cái nắm tay trong những buổi chiều cùng lang thang ngoài đồng. Và hơi ấm từ bàn tay nhỏ bé, mềm mại ấy như đã ngấm sâu, ở lại mãi trong lòng bàn tay của nó. Và niềm tin yêu được nhận và trao đi, tạo nên một cảm xúc quá đẹp, quá sâu lắng, đến mức khơi dậy một nỗi buồn. Và những lời tâm sự quá thầm kín nên phải kề sát tai, phải thì thầm thật nhỏ, vẫn còn để lại trên đôi má nó, dấu vết của từng hơi thở đi qua ...
Rồi, những hình ảnh xưa cũng trở mình thôi thúc. Miền quê trãi rộng với nhiều sắc độ của màu xanh. Ánh trăng chơ vơ độc thoại trong mùa nước lũ. Con đường đất lấm tấm bóng nắng từ những vòm cây luôn xao động, với ba đứa con gái nhỏ vừa đi vừa choàng vai nhau, vừa cùng ngồi xuống đứng lên liên tục, vừa cùng hát: " Cặp kè ăn muối mè ngồi xuống, ăn rau muống đứng lên"...
Mắt nó mờ đi vì đẫm nước, rồi, nó nghe vang vang bên tai, cái tiếng gọi mà một thời xiết bao thân thuộc, "Mít Ướt ơi! Mít Ướt à!..."

Hết
DUYÊN MUỘN

Tiếng chuông điện thoại vang lên khiến Thơ đang lim dim bỗng mở choàng mắt dậy, vừa đưa tay quơ tìm chiếc phone, Thơ vừa nghĩ thầm:
-Chắc là người nào gọi chớ hổng phải anh Long đâu.Tại hôm qua ảnh nói là bữa nay mắc đi ăn sinh nhựt của đứa cháu nên hai đứa tạm ngưng, còn dặn mình nhớ nấu cơm ăn rồi đi ngủ sớm .
Đang phân vân thì trên màn hình đã hiện ra tên người gọi. Thơ lập tức hỏi:
-Sao anh nói hôm nay bận, bộ không đi dự sinh nhựt của con chị Ba hả?
Long đáp:
-Có, nhưng anh lén về sớm.
Thơ ngạc nhiên:
-Tại sao vậy? Có phải do trong người không khỏe ?
Long đáp, giọng trầm và đục hơn bình thường:
-Đang nhậu cái nhớ vợ quá chừng, tưởng tượng vợ đang nằm chèo que một mình trong nhà trọ, thế là...
Thơ nghe lòng dạt dào cảm động, không muốn Long nhận ra nên hỏi bằng giọng cà rỡn:
-Chắc mắc cái tật là mỗi lần nhậu đều nhớ vợ nên từ trước tới giờ toàn bỏ về nửa chừng không hả?
Long đáp bằng giọng nghiêm trang:
-Mới có từ hồi quen vợ thôi! Hồi trước hể vô bàn nhậu là ai tới đâu anh tới đó, bây giờ có vợ rồi nên không hiểu sao hể bưng ly rượu lên là nhớ lời vợ dặn à nên uống ít ít thôi, phải giữ gìn sức khỏe, rượu hại gan lắm!Thế là ly rượu không còn hấp dẫn nữa. Mà ngộ ghê, hể vừa bắt đầu nhậu là lại nhớ vợ, cảm thấy như đang làm cho vợ buồn nên không còn hứng thú.
Câu nói chí tình ấy khiến cãm xúc trong lòng Thơ dâng cao, cuồn cuộn như nước vỡ bờ, Thơ bất giác thốt thầm trong lòng:
-Đây mới chính là người thương yêu mình thật sự!
Long bỗng hỏi:
-Vợ ơi! Cho anh hỏi câu nầy nhé!
Giọng nói của Long chợt trở nên quá tha thiết khiến lòng Thơ cũng nao nao, cô đáp:
-Hỏi chuyện gì? Có quan trọng lắm không?
-Đối với anh bây giờ nó quan trọng nhứt trên đời đó!
-Vậy thì hỏi đi!
-Nếu sau nầy tụi mình rơi vào hoàn cảnh không may, vợ có bỏ anh không?
Câu hỏi ấy giúp Thơ đo lường được mức độ tình cảm mà Long giành cho mình. Xúc động tận đáy lòng, Thơ đáp:
-Ngay khi gặp anh em đã khẳng định một điều: Anh chính là người mà em muốn kề vai, sát cánh để đi suốt quảng đời còn lại. Con đưởng phía trước cho dù có chông gai, hiểm trở nhưng chỉ cần đi cùng nhau thì em tin rằng bất cứ trở ngại nào mình cũng sẽ vượt qua, chỉ cần sống cùng nhau thì ở đâu mình cũng cảm thấy hạnh phúc, chỉ cần làm lụng cùng nhau thì công việc gì đối với em cũng đều vô cùng thú vị.
Trả lời cho Long mà lòng Thơ rưng rưng, cả một chặng đường bỏ lại sau lưng, đang cố quên bỗng hiện lên ràng ràng trước mắt.
Thơ lấy chồng thi chưa tròn hai muơi đó là độ tuổi đẹp nhứt của người con gái. Cũng như bao thiếu nữ khác thơ ôm ấp trong lòng thật nhiều mơ mộng, hoài bảo. Còn chưa thực hiện một điều nào, cũng chưa đáp kịp lại những tia mắt trao tình của các chàng trai vây quanh, chưa kịp nghe lòng rung động thì đùng một cái phải vâng lịnh ba má xuất giá theo chồng.
Cuộc sống hôn nhân không như lòng Thơ mong đợi. Người mẹ chồng quá sắc sảo, quá độc đoán và thiếu lòng khoan dung ấy luôn đòi hỏi nàng phải hoàn hảo về mọi mặt. Bà vạch ra từng kế hoạch cho đôi vợ chồng trẻ và buộc họ răm rắp tuân theo. Thơ phải cố gắng đáp ứng, chẳng những phải chu toàn, khéo léo trong việc bếp núc mà còn phải giỏi giang, phải bương chải ráo riết để kiếm thật nhiều tiền.
Cuộc sống quá nhiều áp lực ấy đã giết lần những giấc mơ trong lòng cô gái trẻ. Đã vậy Thơ còn không may, gặp phải một người chồng hết sức tự cao và vô cùng ích kỷ, y ta chẳng những không tôn trọng Thơ mà còn tỏ ra rẻ rúng khinh khi cả gia đình bên vợ.
Hôn nhân đã biến thành gông cùm quá sớm, thế rồi Thơ có con, gái đầu, trai út...Thơ lăn lộn kiếm tiến từ lãnh vực nầy qua lãnh vực khác từ ươm trồng cho đến chăn nuôi, nổ lực gấp đôi người khác thế nhưng kết quả lại trái ngược với lòng mong đợi. Và cho dù có thu nhập đến mức nào đi nữa thì trong tay cô vẫn chẳng có đồng nào.
Rồi công việc đòi hỏi khiến Thơ phải xa con, theo chồng đến Sài gòn gia nhập vào làn sóng nhập cư đang ào ạt.
Khi cả hai đã tìm được việc làm, họ cùng thỏa thuận với nhau, số lương ít ỏi của Thơ được dùng để đóng tiền nhà và tiêu dùng cho mọi sinh hoạt, bao gồm thức ăn, điện nước và các chi phí phát sinh. Tiền người chồng làm ra được gởi về cho mẹ chồng để nuôi hai đứa con.
Đùng một cái, người chồng thay lòng, y ngoại tình một cách trắng trợn, chẳng những không hề nghĩ đến cảm xúc của Thơ một chút xíu nào mà còn cư xử một cách vô cùng cạn tào ráo máng, ngay cả chiếc điên thoại mua tặng cho Thơ mà y cũng lấy lại cho bằng được. Thế nhưng điều làm Thơ đau lòng nhất là việc hai núm ruột được cô rứt ra từ trong bụng mình, hai đứa con của cô đã bị bà mẹ chồng tẩy não từ lâu, nên chẳng những không đau lòng trước việc cô bị bạc đãi mà còn về hùa với họ, bắt đầu đối xử với cô như người xa lạ. Vậy là khối tài sản thiêng liêng nhất của Thơ cũng bị mất trắng.
Thơ như người bị xô ra khỏi con thuyền, chơi vơi giữa biển, đang đuối sức dần thì được một bàn tay nắm lấy. Bàn tay ấy là của Long!
Cho nên đối với Thơ lúc nầy Long là người mà ơn trên đã phái đến để bù đắp lại những nỗi mất mát, thiệt thòi mà cô phải gánh chịu suốt mười mấy năm qua. Chưa kịp thốt lời cám ơn thì trên màn hình lại hiện ra gương mặt của Long đầm đìa nước mắt.Thơ hỏi bằng giọng thảng thốt:
-Tại sao anh khóc?
Long đáp, giọng tràn ngập tin yêu:
-Câu nói của em làm anh xúc động quá, ráng kềm mà nước mắt cứ chảy ra hoài!
Những giọt nước mắt ấy như những giọt cam lồ giúp lòng Thơ mát dịu, những giấc mơ đã khô cằn trong nàng bỗng hồi sinh một cách mãnh liệt Thơ nhắm mắt, cháptay ngng ngực, nói thầm:
-Cám ơn trời phật đã nhỏ phước, ban cho con một người bạn đời , đúng như lòng con hằng mong mỏi, mối luơng duyên muộn màng nầy, con quyết sẽ gìn giữ và đem hết tâm huyết ra để xây dưng một tổ ấm ngập tràn hạnh phúc , để cuộc hôn nhân nầy ngày càng tốt đẹp.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 6 2014, 19:30
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Tỷ thương, sáng nay DL đi bộ tập thể dục mang theo máy chụp hình cho Tỷ như lời cám ơn kết thúc Một Lần Chuyền Lại, dù DL tiếc hùi hụi vì hết.
DL sẽ trở lại viết tiếp nhưng bây giờ phải tạm dừng để ủng hộ đội banh nhà World Cup (xem TV)


Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 6 2014, 20:33
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Đọc bài của Tỷ nhớ lại vùng Long Khánh, hồi khoảng lớp 10 DL có cô bạn nhà ở Long Khánh, nên buổi trưa cuối tuần DL thường một mình lái xe đạp đến nhà cô chơi. Không nhớ là đò ở cây số mấy? nhưng đến bến bờ phía cồn Long Khánh thì bên tay phải là cái cồn cát thật lớn, đi lên con dốc phía bên tay phải có vài cửa hàng tạp hóa, quán nước, hình như đi hết dãy quán này thì DL phải quẹo phải, dẫn đến con đường khá lớn. Đây là con đường dài, lúc đầu có vài căn nhà, đi sâu vô thì không có nhà, hai bên cây to bóng mát, gió mát rượi, tiếng chim hót vang trời, có những khúc quanh cây lớn che khuất cả ánh mặt trời, đến khoảng này DL thường gồng mình đạp xe nhanh lên. Vùng quê yên tịnh, nhà thường nằm sâu vô phía trong, phía trước trồng nhiều cây ăn trái, nên nhà nào cũng giống giống nhau. DL phải cố gắng để ý đặc điểm ngôi nhà của bạn mình để dừng xe. Đến nhà bạn có vài cây có trái to khoảng ngón tay cái, rất chua, trái bám vô thân cây từng chùm, người ta có thể dùng để nấu canh chua (nhưng DL không nhớ tên gọi trái đó, không biết có phải gọi là trái bứa gì đó không?)

Vì có hẹn, nên cô bạn đón chờ DL đến, nhà bạn là ngôi nhà có chiều ngang khá dài, phía bên trái là cháy nhà bếp, mà hễ đến nhà là cô dẫn DL vô bếp để rửa mặt rồi lấy cơm nguội ra ăn, cô múc tô canh đu đủ ra làm DL rất ngạc nhiên vì đó là lần đầu DL biết người ta dùng đu đủ để nấu canh, lúc đó ăn cái gì cũng thấy ngon. Sau đó hai đứa đi ra sau vườn, đi vòng vòng khắp vườn chơi, nhà không có trồng cây ăn trái, có lần thấy dưới sàn nhà chất đầy bí rợ, gừng,..

Thời đó ít được đi chơi, xin phép đi xuống Long Khánh là một điều lớn rồi. Ăn cơm trưa xong là đạp xe xuống nhà bạn, chơi khoảng đến 3 giờ chiều là đi về. Miền Long Khánh thuở xưa rất đẹp, thanh bình. DL nhớ những khoảnh đất người ta trồng lá thuốc hút, đậu xanh, bắp, ... xa xa thoai thoải những bãi cát vàng mịn màng, nơi có những con ốc gạo mập ú, trên con đường làng vọng đâu đó lời ca vọng cổ từ cái radio.

Nhớ lại thời áo trắng, thời không có se sua, không có phân biệt áo quần thời trang, son phấn, xe hiệu gì? bạn bè gặp nhau là hét toang lên mừng rỡ. Thời của cái quần đen và chiếc áo trắng bị lấm lem vì bụi của đường làng quê mà khi về nhà là phải ngâm trong xà bông rồi vò cho thật kỹ đem phơi cùng kỷ niệm. Viết đến đây tôi chợt nhớ cô bạn vô cùng. Dòng đời có lúc ngập nghềnh, nhưng đến một lúc nào đó nhìn lại thì những ngập nghềnh đó không là gì cả. Ai cũng có câu chuyện cổ tích của mình, hôm nay DL muốn giống như nhân vật Ba của Hai Ốm - trở về với ngôi nhà cổ tích để tìm lại tình thân xưa, nụ cười thời áo trắng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 6 2014, 21:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cái cây mà muội kể tên là Khế "tây", đúng là ăn chua dễ sợ. Hồi tỷ học lớp nhì có chơi với ba chị em chú bác ruột tên Thu Hà,Thu Tâm, Thu Dung. Nhà Thu Dung có trồng cây nầy, tỷ thấy ham quá hái đầy hai túi áo rốt cục ăn được chỉ một trái duy nhất.
Muội ăn đu đủ nấu canh mà thấy lạ hả ? Năm tỷ học lớp đệ nhị, lại nhà một cô bạn tên Thí ở Châu Giang, nhà cổ trồng hành củ, cổ đải tụi tỷ ăn cơm với củ hành tím kho, trời đất ơi, cổ hiếu khách quá, bới cho tỷ một chén cơm đầy có ngọn [còn ém chặt nữa chớ!], ăn duy nhất một món một là củ hành kho đó mà thôi, tỷ ăn xong chén cơm mà có cảm giác như mình vừa đánh thắng quân địch một cách...hết sức là chật vật!
Tỷ cũng chôn nụ cười của mình ở một chỗ, có điều đầu óc nhớ nhớ quên quên, nên mấy lần về tìm không gặp, lạ một điều là chôn trong vườn nhà ngoại mà lại tìm thấy trong khu vườn nầy mới ngộ chớ!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Nó đây nè mấy cô...
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 6 2014, 00:25
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
{L_ATTACHMENT}:
KHE TAY.jpg
KHE TAY.jpg [ 142.83 KB | Đã xem 2480 lần ]


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 6 2014, 11:16
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Đúng là chị Bông Diêu nhanh tay lẹ chân thiệt, bộ sưu tập hình ảnh, tài liệu đời thường của chị thật dồi dào, cám ơn chị gởi hình cho em coi. Mới đầu nhắc về trái này, em nhớ gọi tên nó là Khế Tây, nhưng không chắc nên nói là trái bứa. Trái này thường để làm gì vậy? hồi đó thấy cả chùm, ham quá bẻ ăn thử thì chua như là trái chanh, em nghĩ lá của nó chắc cũng chua luôn, chắc khế tây có nhiều công dụng lắm phải không? Em cũng viết nhầm là khi lên đò phía bên LK thì em nhớ là quẹo trái chứ không quẹo phải.

Hồi đó em rất thích đi về quê chơi hay vô những nhà có vườn, cho nên khi được đi đến nơi đó là em nhớ rất rõ, nhớ đi qua những ruộng bắp, ruộng mía, ruộng dưa hấu, ... qua những nhà mà trên vách tường của họ dán hình 9 tầng địa ngục, hoặc Mục Liên Thanh Đề, để răn dạy con người sống lành. Hồi còn nhỏ hình mấy hình này sợ gần chết, chẳng dám làm điều gì có tội, nhớ có hình người ta bị nấu trong vạc dầu, em ám ảnh luôn. Hồi đó người ta thường nghĩ đến hai chữ " có tội " hai chữ rất đơn giản nhưng vô cùng được tôn trọng trong cuộc sống.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13

» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu