TÌNH QUÊ Tư Nhà quê
Thằng Tồn đi vô đi ra hoài mà không tính được sẽ mang tặng con Hên món gì. Hai đứa phải lòng nhau từ khi nó và con Hên cắt lúa mướn ở Đồng Tháp Mười. Hổng biết có phải duyên nợ hông, bữa đó trời mưa, tình cờ tụi nó núp chung căn chòi bỏ hoang. Rồi thằng Tồn cứ nhớ hoài cái răng khểnh cô nàng.
Con Hên chẳng để ý gì, hằng ngày lãnh phần rồi cắm đầu cắt miết cho xong một công lúa thì cũng đã xế. Thằng Tồn cắt giỏi, thường rồi sớm, dìa trại nấu cơm ăn. Sau cái ngày đụt mưa chung"định mệnh" đó, nó không dìa sớm nữa, ở lại cắt tiếp con Hên. Nhưng cũng giữ ý, bắt từ đầu kia cắt lại chớ không cặp kè. Lâu ngày con Hên cũng sinh cảm tình. Đồng lúa mênh mông,trai thanh nữ tú hằng ngày gần gũi tránh sao cái chuyện lửa lòng? Thế là tụi nó thề non hẹn biển. Nhà thằng Tồn cách nhà con Hên nữa ngày bơi xuồng. Mùa gặt vừa xong thì cũng sắp tết, hai đứa cuốn nóp dìa nhà. Con Hên mời thằng Tồn có rảnh tới nhà cho biết. Nó lượm cục sỏi vẽ cái “họa đồ” cho thằng Tồn dễ tìm. Còn dặn dò kỹ lưỡng: gần cây cầu tre có cái gò cao, đi rấn thêm chừng hơn trăm thước là gặp nhà nó dưới gốc me chua.
Sau khi xong vụ mùa thằng Tồn nôn nao muốn qua nhà con Hên, trước để biết, sau là dò xét thái độ bên ấy. Nhưng nó rụt rè lắm. Hồi nào tới giờ quê mùa, lời ăn tiếng nói vụng về sợ rồi người ta chê. Nó nghe bạn bè nói buổi đầu tới nhà người yêu, đàn gái để ý lắm, nên hay hư cũng ở lúc này, ráng mà lo. Nội cái chuyện quà mọn ra mắt mà mấy ngày rồi nó vẫn còn bí, phải làm gan vấn kế thằng bạn xóm trên. Thằng này biểu mua đường cát trắng với trà sen được rồi. Đường cát ý nói ngọt ngào, ai cũng thích, còn gói trà để cho ba má cô ta thưởng thức, thế nào cũng khen chàng rể tương lai có nghĩa. Nếu thơm thảo tặng thêm vài kí khô sặc, chắc mẹ cô ta chịu lắm. Nghệ thuật xã giao thì phải biết “bôi trơn” nghen! Nó nghe chí lí, lật đật làm theo. Má nó thấy thằng con mình mấy ngày rày lén lén lút lút thì hồ nghi lắm. Hỏi không nói, lúng ta lúng túng như ăn vụng bị bắt. Mà nói sao được cái chuyện lòng? Còn hễ giấu thì con gà gáy trưa cũng làm giựt mình. Nó mua mấy món thằng bạn biểu, đem cất kín trong bồ lúa. Sợ bị phát hiện cứ dòm chừng hoài. Nhà hết đường, kêu nó đi mua thì đánh thót trong bụng, tình cờ nghe nhắc món khô sặc trộn lá sầu đâu, mồ hôi trán rịn liền. Hổng chừng má biết mấy món mình giấu sao cà? Trai mười tám đi coi hát ngang nghĩa địa nỗi tiếng có ma còn không sợ, bây giờ lại nhát như con thỏ đế vậy?
Bữa đó chờ lúc nhà vắng, thằng Tồn lấy cái giỏ đệm để quà vô rồi vọt lẹ tới nhà con Hên bằng xuồng ba lá. Nhớ cái "họa đồ" nên tìm không khó khăn gì. Nhưng cập bến thì trái tim nó bắt đầu đập liên tù tì, bước khỏi xuồng muốn té! Tới nơi nhầm khi ba má Hên đi vắng, thằng Tồn nửa mừng nửa tiếc. Mừng là được nói chuyện với Hên thoải mái. Tiếc là không thể thăm dò tình ý người lớn ưng chê thế nào mà liệu. Nó đưa cái giỏ đệm đựng quà cho Hên, vụng về không biết mở đầu ra sao.
Ấp úng không tròn câu:
- Tui…A... Anh qua chơi. Không có món gì quí…mấy thứ nầy gởi tặng Hên dùng đỡ…
Hên mĩm cười, đôi má đỏ hây hây. Lần đầu tiên nhận quà của con trai, nó mắc cở lắm, mặc dù đã từng thề non hẹn biển.
Thằng Tồn đưa quà xong thì đứng tần ngần, không biết bắt chuyện. Con Hên thấy thế hỏi:
- Hổng mấy khi anh qua. Ăn với em một bữa cơm hen? Sẵn đợi ba má em dìa cho biết luôn.
Tồn bối rối:
- Hay…để khi khác?
- Đừng ngại…Ba má em hiền lắm. Trước lạ sao quen. Mà…sớm muộn gì anh cũng phải gặp chớ?
Nói xong Hên lui cui vo gạo, để tránh cho thằng Tồn phải đứng lóng ngóng, nó mượn nhúm giùm bếp lửa. Hai đứa vừa lo nấu cơm, vừa trò truyện thấy đỡ nhạt nhẽo hơn. Mà cũng lạ, cái thằng ma không sợ, quỉ không ngán, ngồi gần con gái như bị hớp hồn, ăn nói lộn xộn, khiến con Hên cười thầm. Rồi nó lo cho thằng Tồn khi gặp ba má mình mà vụng về quá không tốt. Liền nhắc khéo:
- Ba em cởi mở, tuy vui tính mà thích chữ nghĩa nghen! Ai ăn nói trơn tru ổng chịu lắm.
Thằng Tồn giựt mình. Cái gì chớ biểu nó khéo ăn khéo nói thì khó quá.
Nó gãi đầu, ấp úng:
- Nhưng…Anh học ít. Làm sao…
Hên trấn an:
- Chưa chi mà quýnh lên rồi. Ai biểu anh văn vẻ hồi nào? Chỉ cần đừng cà mà cập mập là được.
Tuy vậy thằng Tồn cũng không hết lo.
Một lát ba má Hên dìa. Vừa thấy từ xa, Hên bước nhanh ra sân đón, ý tránh cho thằng Tồn khỏi bở ngỡ:
- Ba má mới dìa?...Dì hai đỡ không má?
Má Hên sửa lại cái khăn đội đầu, nói:
- Khá nhiều rồi, trúng nước thôi mà, nghe sắp nhỏ cho hay tao hết hồn, tưởng nặng lắm…
Chợt thấy Tồn, bà hỏi:
- Ủa? Ai đây?
Hên hơi lúng túng, nói:
- À…Quên cho ba má hay. Đây là anh Tồn, nhà ở mương Trâu tới chơi đó ba má.
Tồn cúi đầu chào lí nhí:
- Thưa hai bác…
Ba Hên khẻ gật đầu nói:
- À…ngồi chơi đi cháu. Đừng ngại.
Rồi xổ liền một câu Nho:
- “Bần cư náo thị vô nhân vấn”. Được cháu tới chú mừng mới phải.
Dứt câu cười khanh khách hỏi:
- Phải không nào?
Thằng Tồn có biết ất giáp gì câu Nho ấy đâu. Hổng chừng ổng thử, trả lời bậy bạ thì tiêu. Chi bằng nói kiểu phân hai cho chắc:
- Thưa bác…khen quá làm con “bối rối”…
Ai dè ổng gật đầu, có ý hài lòng:
- Cháu thật thà quá!
Thằng Tồn hú vía. Con Hên thấy nhẹ trong bụng!
Bữa cơm đầu tiên ở nhà Hên,Tồn trông cho qua mau. Chữ nghĩa nó chưa đầy lá mít mà hở cái ổng xổ Nho. Làm thằng Tồn thấp thỏm trong bụng. Đưa hơi theo thì sợ trật, còn làm thinh thì lòi dốt, chỉ còn cách xong bữa dìa phứt cho rồi! Con Hên liếc thấy, thương thằng Tồn mang ách giữa đường. Nhưng không cách gì giúp nó. Cho nên khi người yêu cáo lui, lòng có bịn rịn cũng không cầm ở lại làm chi. Nó đưa thằng Tồn tới xuồng, dặn nhỏ:
- Khi rảnh sang chơi. Anh nên kiếm ông thầy nho nào ở gần học chừng năm ba câu thủ thân. Tánh ba em thì vậy, nhưng ổng hiền lắm. Chỉ cần đối đáp chút đỉnh thì ổng khoái liền!
Thế là sẵn tết gần kề. Nhà nhà đôi liễn đỏ. Thằng Tồn bỏ công tìm hiều từng câu đối. Tuy dốt đặt chữ Nho, nhưng hễ có dịp là nhờ phiên âm ra chữ quốc ngữ và giải nghĩa giùm. Song trời sanh ra không mấy sáng dạ, nên học đầu quên đuôi. Nó nghĩ ra cách nói trại cho dễ nhớ. Tỉ như câu: “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc”, nó ghi: “đâm lút, chém lút, chọt lút, gì cũng lút”. Câu: “ phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, nó ghi: “phóng uế nhà ai, trốn đâu mau chỉ”. Câu: “bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách lai”, ghi thành: “bần cưa ván ngựa đôi ba tấm, cú tại màng tang đứng chết trân”. Câu: “ nhứt nhẩm nhứt trác giai do tiền định”, ghi: “bứt đầu bứt tóc gãi liên tù tì”, v.v… Học bằng cách vòng vo như vậy mà dễ nhớ.
Bữa đó thằng Tồn sang chơi nhà Hên. Đem theo một kí thèo lèo làm quà. Ba Hên thấy thế hài lòng lắm, cho rằng thằng rể tương lai biết điều. Nói để nó vui:
- Quí là cái nghĩa cái nhân. Quà cáp không nên miễn cưỡng lắm nghe cháu!
Để tỏ ra mình bặt thiệp, nó xổ liền:
- Dạ, nên có câu: “tri túc… “chém lút”, “chọt lút”, hà thời túc”!
Nói xong nó lo canh cánh. Hồi mở miệng thì còn nhớ câu Nho, chừng nói “tri túc” phát thinh quên phứt “tiện túc”, “đãi túc”. Đang ngon trớn hỏng lẽ dừng, đành chêm đại “chém lút”, “chọt lút” cho rồi, nói nhỏ, ổng lãng tai chắc không nghe rõ. Mà thiệt vậy, ông già cười ha hả vổ vai nó:
- Đúng thế, đúng thế, cháu còn nhỏ mà hiểu sự đời.
Còn con Hên mặt mày xanh lè. Nghe ông già nói xong mới mừng!
Kể từ đó ba con Hên rất tự hào về chữ nghĩa của thằng Tồn. Đi tới đâu cũng khoe sắp có rể thông Nho đạt lý. Chẳng những thằng Tồn đăm lo, mà con Hên đứng ngồi không yên. Cái kểu nói Nho ba rọi của nó sớm muộn gì cũng bể! Bây giờ phóng lao thì phải theo lao, chỉ còn nước học lại cho rành. Câu nào nhớ chắc hả nói, câu nào mờ ơ thì thôi. Bỏ đứt cái vụ nửa nạc nửa mỡ đa. Không đợi con Hên nói nhiều, thằng Tồn cũng biết phải như vậy thôi. Dìa nhà học trối chết, bất luận ngày đêm, hễ rảnh là học, làm má nó ngạc nhiên hết sức. Hồi nhỏ cho đi học, trốn lên trốn xuống, sao hôm nay phát thinh siêng dữ?
Không lâu sau tụi nó nên duyên chồng vợ. Ba má Hên lần lượt quy tiên, phần Nho học thằng Tồn khỏi lo nữa. Tuy nhiên trong bụng cũng có kha khá rồi, đi đám giỗ thấy tự tin lắm.
Những lúc trời thanh gió mát, hai vợ chồng ngồi ngắm trăng trên bộ vạc ngoài hiên, con Hên nhắc lại chuyện xưa mà cười ngất. Thằng Tồn hơi quê, nhưng ngẫm nghĩ thương cho vợ mình hết lòng khuyên nhủ và khích lệ mỗi khi nó đối diện với ông nhạc tương lai. Tự dưng Tồn thấy mắc cười…
TNQ
Tập tin đính kèm: |
IMG_0523.jpg [ 139.77 KB | Đã xem 2112 lần ]
|
|