NỢ ĐỜI. Long-Khánh
Năm Liên mười bảy tuổi, đẹp hẵn ra. Bọn trai làng lờn vờn như ong tìm mật. Trong số đó có Tài, bảnh trai, khỏe khoắn, nên chẳng bao lâu hai đứa cặp bồ. Ông năm (ba Liên) lo lắm. Thằng Tài có bịnh khoái nhậu. Sợ sau này mỗi ngày một lậm, uống như hũ chìm thì con gái mình chắc khổ. Nhiều lần ông biểu vợ khuyên con. Nhưng bà gạt ngang. Con trai nào mà chẳng chút đỉnh rượu chè?
Có mẹ bênh nên cuộc tình tụi nó tiến triển ngày một đậm. Thằng Tài muốn lấy lòng ông bà năm nên ráng bớt nhậu. Ông năm đành ngó lơ, tới đâu thì tới!
Chưa đầy một năm tụi nó cưới nhau. Nhà cửa hai bên đều chật hẹp, ông chia cho vợ chồng Liên một khoảnh đất cặp bờ mương, biểu vô đó cất nhà ở canh tác luôn. Đất tốt, gần nước, nếu siêng năng thì không lo đói, hổng chừng có dư nữa.
Nơi hiu quanh, khoảnh đất chỉ hơn một công vừa sức với hai vợ chồng son, chẳng mấy nhọc nhằn gì. Khổ nỗi hơi buồn. Ban đầu hương tình còn nồng nên chưa thấy, thời gian sau thằng Tài có phần bức rức, mua rượu dìa nhâm nhi giải sầu. Lần hồi bắt trớn, mỗi ngày uống một nhiều thêm. Liên nhắc khéo đôi lần nhưng coi mòi con ma men trong bụng Tài đang hồi sinh. Vợ chồng bắt đầu giận hờn. Thỉnh thoảng cãi vã. Những lần gây nhiều thì thằng Tài bỏ ra xóm ngoài, tìm bạn nhậu một chập nhừ tử cho quên buồn, tối mịt mới mò dìa, té lên té xuống. Phận đờn bà ở nơi thanh vắng sợ lắm cũng phải chịu. Có hôm tới đỏ đèn mà thằng Tài chưa dìa, sau nhà có mấy bóng đen lù lù đi tới. Liên điếng hồn, lấy mền trùm kín đầu, hồi lâu không động tịnh gì, vạch vách dòm mới biết mấy thằng xoi ếch. Lỡ nó vô nhà làm càn, la làng cũng không ai nghe. Chừng chồng dìa, Liên học chuyện, tưởng đâu nó thương vợ mà tìm lời an ủi, nào dè còn cự nự:
- Tưởng gì. Nhát như thỏ đế…
Liên quạu, xực liền:
- Bỏ bê vợ con, lo ăn lo nhậu, không "trách nhiệm" gì hết…
- Ừ, tui ham nhậu đó. Sợ ma thì đừng ở đây.
Giận quá, Liên xách đèn ve bỏ dìa nhà ông bà năm. Thằng Tài không thèm dòm, nằm vùi xuống vạt ngủ liền, có lẽ vì quá say.
Cứ thế hai vợ chồng gây gổ như ăn cơm bữa. Lúc đầu ông bà năm còn can thiệp, khuyên ngăn. Riết rồi cũng hết hơi hết sức. Liên dìa nhà ba má ở thường hơn vì thằng Tài mỗi ngày một tệ. Lúc say quá còn kêu cả tên ông năm ra chữi, rồi kiếm chuyện đánh đập Liên có khi sưng cả mặt mày.
Lần đó chịu hết nỗi, sẵn chai thuốc sâu mới mua hồi sáng Liên khui nắp hớp một ngụm. Vài phút sau ngã ngang, đầu óc quay cuồng, bụng đau dữ dội và nôn thốc nôn tháo rồi lịm đi. Mấy người làm cỏ gần đó ghé xin nước uống, phát hiện Liên nằm sải sòng hơi thở nặng mùi thuốc sâu liền đưa ra trạm y tế. Họ đặt ống đổ nước vô bao tử để súc rồi truyền mấy chai nước biển. hôm sau thì Liên tỉnh dần. Nhờ vậy mà người ta phát hiện cô mang thai. Hèn gì gặp mùi lạ thì ói, trong cái rủi có cái may, lượng thuốc sâu uống vào, ói ra gần hết, đọng ở bao tử không nhiều, lại được cứu chữa kịp thời nên thoát chết!
Sau vụ đó thằng Tài bớt nhậu, có phần ăn năn. Liên mừng thầm. Chỉ sợ sau này sinh con còn đỏ hỏn mà chồng mê rượu, bỏ bê nhà cửa thì biết phải làm sao?
Cái bụng của Liên lớn dần, niềm vui sắp làm mẹ khiến cô nguôi ngoai đôi phần. Thằng Tài cũng thế, thấy vợ bề xề với cái bụng chửa làm nó hồi tâm. Cuộc sống vợ chồng trở lại thời cơm lành canh ngọt. Rồi thằng cu ra đời, bụ bẩm dễ thương. Hai vợ chồng mừng húm, đặt tên Lợi. Cha "Tài" con "Lợi" thì hợp quá rồi!
Tuy nhiên khi bé Lợi biết bò thì bệnh rượu của thằng Tài tái phát. Lần này còn dữ hơn nữa. Thế là lâm nợ, rau đậu thu hoạch không đủ trả tiền quán! Mặt khác, Liên ăn đòn ngày càng nhiều.
Biết không thể kéo dài cảnh này mãi. Lại càng chẳng thể dìa nhà cha mẹ ruột ở, Liên quyết định mang con trốn lên Sài Gòn, có ra sao thì ra!
Từ lúc vợ bỏ đi, không ai kềm chế, thằng Tài nhậu nhẹc lu bù. Nhiều đêm dìa nhà không nỗi, nằm trên bờ mương ngủ. Khi tỉnh mò vô nhà lục cơm nguội, có thì ăn không thì thôi. Hai ba ngày mới nấu được nồi cơm, quơ đại mấy con nhái, lặt ít ngọn rau hoang cũng xong một bữa. Đỡ đói thì đi nhậu tiếp. Khoảnh đất ông năm chia đem cầm cố trả nợ, hên là chưa tách bộ, bán không được! Tình cảnh mỗi ngày một bi đát thêm. Chợt nghĩ nếu còn vợ chắc không đến nỗi. Từ đó để ý dò la tin Liên.
Một hôm nghe phong phanh có người thấy vợ mua bán ve chai gần bến xe miền Đông. Thằng Tài nan nỉ bạn bè cho ít tiền, quyết tìm một phen. Ban ngày nó đi bán vé số kiếm cơm, vừa dò tin vợ, tối ngủ đỡ mấy sạp rau.
Hôm đó trời mưa lớn nó chạy lẹ vào hiên một cửa hàng đụt thì thấy có người đờn bà đội nón lá đứng cạnh chiếc xe đẩy nghèo nàn trú mưa. Trên xe có một đứa trẻ nhỏ, mặt mày lem luốc. Khi bà ấy nhường chỗ, Tài nhận ra vợ mình!
Nó ngạc nhiên, miệng há hốc nói chẳng thành câu:
- Cô…là…là…Liên?
Nhìn kỹ, quả đúng chồng mình, Liên cố giữ vẻ lạnh lùng:
- Tui…phải lo kiếm tiền nuôi con. Anh đừng chàng ràng nữa, mạnh ai nấy sống!
Tài ấp úng:
- Nói vậy…sao được?...Anh lặn lội tìm em mấy tháng nay…
Liên ngắt lời:
- Để làm gì?
- Ơ…Vợ chồng mà…
Mưa tạnh, Tài lẻo đẻo theo Liên mặc dù luôn bị phản đối. Có lẽ nợ đời của nàng chưa dứt nên xui khiến có đám mưa oan nghiệt này. Thôi đành vậy.
Từ đó Tài sống chung với mẹ con Liên trong căn nhà nhỏ mướn tạm, sâu hút trong hẻm. mưa lớn phải xăn quần lội. Thời gian đầu, giống như lần trước, Tài ra vẻ tu tỉnh. Nhưng được vài tháng thì vở cũ diễn lại. Có phần hơn trước, bởi lẽ ngoài chuyện rượu chè be bét nay còn thêm bệnh ghen! Mỗi lần đi sớm dìa tối đều bị chữi mắng:"Hẹn với thằng nào? Ở đâu?...". Liên ráng dằn trước mặt con.
Bé Lợi còn quá nhỏ. Để ở nhà với cha thì không yên tâm. Đem theo bị nắng nôi, bụi bặm cũng phải bấm bụng chớ biết làm sao? Tội nghiệp thằng bé vào đời khi hãy còn chưa biết đi. Người mẹ nào mà không đau lòng? Đã vậy, dìa tới nhà cơ thể mỏi nhừ còn nghe cái giọng đăm hơi của chồng càng thêm ứa gan.
Biết không thể chịu đựng như thế mãi được, Liên quyết định trốn lần thứ hai. Nàng âm thầm hỏi mướn một căn nhà nhỏ trong khu lao động ngoại ô thành phố. Mỗi bữa giấu một ít đồ dùng trong giỏ quần áo của bé Lợi mang đến nhà mới. Bỏ lại nhà cũ những món không quan trọng lắm để Tài khỏi nghi. Khi đã hoàn tất thì đẩy xe đi mua ve chai như mọi ngày rồi không quay lại nữa. Cuộc lẩn trốn chẳng gặp một trở ngại nào.
Để Tài khó tìm, Liên chuyển sang mua bán rau ở chợ nhỏ gần nhà. Sáng sớm hai mẹ con ra sạp, bé Lợi chơi với mấy đứa cùng trang lứa, Liên vừa buôn bán vừa dòm chừng. Hết buổi dìa nhà lo cơm nước, xế chiều đẩy xe tới mấy đám rẩy lựa mua. Xem ra đỡ cực hơn trước.
Ngày tháng thoi đưa. Từ ngày đến nơi ở mới, thắm thoát đã hơn nửa năm. Cuộc sống của hai mẹ con Liên dần dà ổn định. Ngờ đâu bữa đó đi bán dìa, đang lui cui nấu cơm vừa dòm chừng bé Lợi nghịch ngợm, Liên nhác thấy Tài chậm rãi đi ngang nhà. Linh tính báo cho nàng biết hắn đã đánh hơi được chỗ ở của mình rồi. Rất hên, Tài không thấy mẹ con Liên nên đi huốt khá xa. Liên lật đật khép cửa lại nghe ngóng. Hồi lâu không thấy Tài quay lại mới tạm yên tâm, nhanh chóng bới cơm ra ăn cùng con. Sau đó quơ vội đồ đạc, viết ít chữ trả lại nhà cho chủ và dắt con đi ngay.
Hành trang vỏn vẹn vài bộ đồ cũ, mùng mền và hai cái nồi, Liên đặt bé Lợi lên xe đẩy, lấy mấy món đồ tấn xung quanh. Nàng chỉ biết đi khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt chớ chưa tính được sẽ đến đâu.
Cặp chưn Liên rã rời, đẩy xe đi như người mộng du. Bé Lợi mệt mỏi ngủ vùi trên xe. Dòm nét mặt vô tư của con, nàng nghe như xé ruột. Thằng nhỏ mới hai tuổi đầu đã cùng mẹ lặn lội đường đời đầy gió bụi. Chỉ mong sau tìm được một chỗ ở tạm vài ngày rồi sẽ hay. Nhưng biết ở đâu bây giờ? Nơi đây hoàn toàn xa lạ, ai dám chứa chấp hai mẹ con nàng? Và Liên tiếp tục lê từng bước nặng nhọc trên đường ngập nắng. Miệng khát, mắt hoa, dòm chai nước chỉ còn tráng đáy Liên không dám uống, chừa cho con…
Khi tỉnh dậy, Liên thấy cảnh trí quanh mình xa lạ thì ngạc nhiên lắm, lại nghe giọng nói hiền từ :
- Thí chủ tỉnh rồi à?
Liên đưa mắt dìa hướng phát ra tiếng nói. Một ni sư khoảng bảy mươi tuổi, nét mặt phúc hậu, cặp mắt sáng dịu dàng. Nàng khẻ gất đầu, ni sư tiếp:
- Thí chủ ngất xỉu trước cổng chùa. Mấy cô đưa vô hậu liêu. Đừng lo, ráng tịnh dưỡng, chùa này chỉ có ni, không có tăng…
Sực nhớ, Liên hỏi:
- Thưa…còn đứa nhỏ?
- À…Lúc nãy nó hơi sốt. Các ni cô chăm sóc ở phòng bên. Yên tâm đi. Nó chỉ bị say nắng nhẹ, ni cô ở đây có người từng là y tá. Không sao đâu.
Ngừng giây lát, ni sư hỏi:
- Thí chủ định đi đâu mà mang theo cả nồi miêu?
Liên thuật lại chuyện mình bấy lâu. Ni sư nghe xong thở dài:
- Nghiệp chướng của thí chủ còn nhiều nên mới ra nông nỗi. Cũng đừng chán nản quá, rồi có ngày cũng tai qua nạn khỏi…Tạm thời ở đây, từ từ tính. Thôi…sắp tới giờ tụng kinh tôi phải đi, thí chủ nghỉ ngơi cho khỏe.
Nói xong ni sư quày quả đi ra. Lát sau trên chánh điện chuông mõ vang lên, các ni cô bắt đầu tụng kinh. Liên thấy lòng mình ấm lại, đầu óc dần thanh thản. Tiếng chuông mõ ngân nga cũng làm người ta giảm bớt ưu phiền lắm. Liên thường nghe ba má nói vậy, giờ mới có dịp kiểm chứng. Nàng gượng ngồi dậy lần ra chánh điện, nhẹ nhàng quỳ xuống phía sau các ni, chấp tay hướng dìa tượng phật Quan Âm thì thầm niệm theo câu kinh.
Hồi lâu, buổi tụng chiều kết thúc. Vị ni sư già từ từ quay dìa phía Liên, mỉm cười:
- Thí chủ khỏe rồi?
- Thưa khỏe.
- Tôi biết thí chủ tới từ lâu…
- Thưa…Con làm phiền quá!
Ni Sư nở nụ cười nhân hậu, nói:
- Cửa chùa luôn rộng mở, có thêm một người tưởng nhớ Phật sao gọi rằng phiền? Thôi…Ta cùng đi thăm thằng bé nào!
Nói xong đứng lên, các ni cô khác cùng theo ni sư, Liên đi sau cùng. Mọi người tới căn phòng nhỏ thì thấy bé Lợi được một ni cô còn rất trẻ đút cháo. Vừa gặp Liên nó mừng ra mặt chạy xổ lại ôm chầm nàng, miệng líu lo:
- Con đòi đi kiếm mẹ. Ni cô nói mẹ đang lễ Phật…Mà lễ Phật là sao hả mẹ?
Liên phì cười:
- Mai mốt sẽ biết…
Các ni cô cũng cười.
Hằng ngày Liên phụ làm tàu hủ với các ni cô. Phía sau chùa còn một khoảng đất trống trồng nhiều loại rau. Thu nhập từ hai thứ này cũng đáng kể, đủ nuôi số người ở đây. Nhờ vậy Liên đỡ vất vả hơn trước còn được nghe giảng giải nhiều điều hay lẽ phải nơi kinh Phật. Nàng cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng. Nhờ vậy, những ưu phiền trước đây lần hồi lui bớt.
Một hôm Liên nói với ni sư trụ trì:
- Thưa Sư phụ…Con muốn quy y.
Ni Sư trầm ngâm giây lát rồi nói:
- Thân nghiệp của thí chủ còn nhiều, chưa thể dứt bỏ liền được. Trước mắt phải nuôi con, cho nó ăn học đàng hoàng. Nếu có tâm Phật, sẽ gặp duyên lành. Phía sau chùa còn khu đất trống, tôi sẽ cho dựng tạm căn nhà nhỏ để hai mẹ con tá túc. Sinh hoạt bình thường như mấy bữa nay, mỗi ngày dành chút thời gian lên chánh điện cùng mấy ni cô tụng niệm. Khác nào như người xuất gia? Chừng bé Lợi khôn lớn, nếu có cơ duyên thì lo gì đường tu chẳng mở?
Ni sư nói phải. Bé Lợi còn quá nhỏ, không thể xuất gia như các ni cô được. Nghe theo lời ni sư thì cũng như xuất gia rồi, mà trách nhiệm người mẹ mình vẫn vẹn toàn. Nàng sụp quỳ xá ni sư ba xá, hai dòng lệ hạnh phúc từ từ lăn trên má. Ni Sư đỡ Liên dậy, trên môi điểm một nụ cười nhân hậu…
|