NGA GỞI CÔ ĐBVA Cô thương! Nhìn những hình ảnh trên, tự nhiên em nhớ đến một bài viết cô gởi cho em đọc lúc trước (vì em nói với cô là em chưa đọc bao giờ). Giờ em lục ra và xin mạn phép Cô cho em gởi lên đây cho mọi người cùng đọc. Em xin lỗi vì không đưa bài này vào một chủ đề mới mà chỉ đưa lên ở đây (đơn giản là vì những hình ảnh trên một phần có liên quan đến bài viết của Cô). Cô ơi! Hổm rày em rất bận nhưng tâm trí cũng chưa thoát khỏi những cảm xúc của chuyến đi vừa rồi. Những giây phút bên Cô làm em càng thấm thía Cô là một cô giáo rất yêu nghề, yêu học trò và được nghề yêu, học trò yêu.
…VÀ CHUYỆN HỌC TRÒ (Cho tất cả những cô cậu nhỏ ngày xưa, và để trả lời cho một câu hỏi: “Khối lớp nào cô thương nhất? Lớp nào nhất trong khối đó? Và bao nhiêu đệ tử ruột cô thương?”)
Tôi nhớ lại lời một Thầy của ĐH Văn Khoa SG ngày xưa: “Mỗi khi vào giảng đường, gặp những khuôn mặt sáng sủa, xinh tươi của các anh, các chị, tôi thấy việc giảng dạy cũng hay thêm lên”. Một người bạn đồng nghiệp ngày cũ cũng bảo: “Mặt mày học trò trong lớp cũng ảnh hưởng nhiều tới việc giảng bài của mình”…
Nhưng với tôi… Tiếng chuông reo, mọi người lần lượt thu xếp để đến lớp dạy, tôi nghe tiếng anh Thiện: “Cô có cần tôi đưa xuống lớp không?” Tôi trả lời không, bởi tôi đang run vì sợ (tôi không muốn anh ấy biết) tôi muốn mọi việc bình thường để hoàn thành buổi dạy đầu tiên (Vậy mà anh Thiện cũng lén đi xem, Phụ tá GH có khác). Một tiếng hô “Nghiêm” làm tôi bối rối, tôi đi thẳng vào bàn không dám ngoái đầu lại. Một chút thôi, trên bàn giáo sư tôi đã vào vai, lướt mắt nhìn xuống, sao toàn áo trắng quần xanh, lớp nam sinh? 11B hay 10B tôi không nhớ rõ (lúc đó chưa có lớp 12). Rồi một bàn tay giơ lên: “Thưa cô, xin cô giới thiệu một chút về mình”. Và hàng loạt câu hỏi tung ra nối tiếp nhau để “hù dọa” cô giáo mới… nhưng rồi cũng qua, cô trò chúng tôi đã cảm thông nhau sau hồi chuông hết giờ dạy. Các em đã để lại trong tôi một cảm giác dễ chịu cho đến bây giờ. Tôi còn nhớ Khưu Phón, Nga, Lệ,… của 11A, Hoàng Minh (em cô Mến), Tiếu, Đại (em anh Thiện)… lớp 11B. Tôi có một kỷ niệm với các em lớp 10 lúc đó là trong khi sinh hoạt vui chơi, Huệ Hoàng bị té, chảy cả máu ở miệng, tôi lo sợ dẩn em về nhà, may gặp Huệ San thông cảm nên OK. Chúng tôi cùng lớp Dung, Hòa, Thắng, L.Thủy, P.Nga,… đi tắm cồn Long Khánh, qua Long Thuận, về Long Sơn. Sau đó, được phân công hướng dẫn lớp Thúy Nga, Khanh, Hoàng Phong (một Bùi Giáng của TC?). Sau ba niên học lần lượt qua đi, tôi thấy mình thật hạnh phúc bên tình yêu thương chân thành của các em và gia đình học sinh (điều mà tôi tin là không bao giờ có ở một nơi đô thị lớn). Và nếu tôi quên nói tới lớp 10B với một Tạ Chía Mến, thông minh, học giỏi và tánh tốt làm lớp trưởng thì là điều thiếu sót. Còn có Tạ văn Mến, Chinh, Thanh (em vừa mới mất, cô vẫn nhớ dáng vóc và điệu bộ em khi nói chuyện. Hãy yên nghỉ cho tốt nha Thanh), Diếp, Minh, Quang,… Ở lớp nầy đã cho tôi cái nhìn mới hơn về PGHH và tôi đinh dùng đề tài này cho luận án cao học.(?)
Sau đó, do tinh hình mới, một số học sinh từ nơi khác tới, hay từ bán công ra và với phong cách mới, trường đi vào hoạt động học và hành. Thầy cô và học sinh càng gắn bó hơn trong sinh hoạt. Chủ nhiệm một lớp là gắn liền với lớp về mọi phương diện. Và tuy không chủ nhiệm lớp 12A2, nhưng các cô cậu nhỏ nầy vẫn “bám” lấy, nào là Mỹ Lang, Niên, Dúng, H Mai, K Sơn, Đức, Lấm, Bé Bảy, Nhất, Y, Ón, Bá, Hổ,… cũng như ở 12B1 có Vân, Liên, Chi, Thao, Nhàn, Sang, Kha, Huỳnh, Minh, Phong, Thu, Thơm, Thón, Tùng, Trung cũng cho tôi nhiều kỷ niệm. Năm học mới với S Hùng, B Tư, B Sáu, Loan, Trong, Thủy, Dũng, Hạnh, B Vân, Tuấn, Chương,… Và năm cuối ở trường, tôi được rất nhiều tình thương của các em, từ lớp chủ nhiệm đến lớp không chủ nhiệm, phải chăng đây là điểm cực đại của một đời dạy học ở tôi. Cám ơn, cám ơn những đứa học trò của tôi: Huy, Phước, Nhàn, Dũng, Xuân, Mai, Hồng, Lan, Điệp, Bích, Xuân,…
Năm 1978, tôi về quê nhà, những tưởng thế thôi, nào ngờ giờ đây còn gặp lại nhau, còn tâm sự với nhau. Và tôi đã nói lên những gì mình muốn nói. Tôi thật sự rất vui khi chọn nghề dạy học, vì qua đó tôi đã có được sự yêu thương của mọi người, từ cácThầy cô, các bạn đồng nghiệp, đến các em học sinh…
Vậy thì các em nói đi, với những tâm tình tôi nhận được ở sáu năm của sáu khối lớp kia, với những kỷ niệm mà tôi đã có, tại sao tôi phải sàng lọc, phải chọn lựa cho một kết quả không cần thiết. Chưa kể đến cái cảm giác khác nhau. Năm đầu tiên cho tôi vui vì mình được tiếp nhận; năm thứ hai ấm áp thân tình, năm thứ ba chưa kịp ngất ngây với thành quả thì trạng thái suy sụp; năm kế đó nuôi dưỡng tinh thần tôi và tôi nhờ thân tình đó mà vươn cao. Cuối cùng là những cảm tình cho người đi xa, tạm biệt một nơi dung thân thật tốt. Hỏi tức là đã trả lời. ĐBVA
|