Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 10 Tháng 11 2024, 18:31
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» CÒN ĐÂU NỮA NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI! - TNP «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 2 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 4180 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: CÒN ĐÂU NỮA NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI! - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 12 2011, 15:14
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2244

Người tạo chủ đề
TNP (=Phan Thị Nga) trong "NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI" {L_WROTE}:

NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI

Tôi không bao giờ quên các Thầy Cô đã từng dạy mình, dù mức độ, sắc thái và chi tiết là không giống nhau đối với mỗi người.
Tôi biết Thầy từ lúc chưa học với Thầy nhờ người chị kế học lớp nhì ở tại ngôi trường do Thầy làm Hiệu trưởng – trường Tiểu học Tân An C. Lúc đó tôi học lớp ba ở ngôi trường công đầu tiên gần nhà chỉ có 3 phòng học, ở gần nhà. Thỉnh thoảng có dịp cùng với mấy đứa bạn thơ thẩn ra bến đò ngoài đầu vàm chơi và đón chị đi học về, tôi hay gặp Thầy từ dưới đò đi lên. Chúng tôi thường lén ngắm nhìn Thầy từ xa với lòng kính trọng, ngưỡng mộ và cứ tấm tắc: “Ông Thầy tốt tướng quá, nghiêm nghị ghê! Đúng là Thầy giáo!”. Lúc đó đầu óc trẻ thơ của tôi đâu có ngờ rằng sau này chính Thầy là nguồn động viên lớn lao giúp tôi có nghị lực vượt qua những gian khổ để học hành đàng hoàng. Người Thầy tôi muốn nói đến ở đây là Thầy Nguyễn Văn Huyện.

Đến lớp Nhì (lớp Bốn ngày nay) tôi chuyển qua học trường Thầy (trường gần nhà chỉ đến lớp Ba) và chính Thầy là người sát hạch để nhận tôi vào. Theo tôi biết, hồi đó, khi nhận HS vào học, người ta không chỉ căn cứ vào các loại hồ sơ giấy tờ mà còn tổ chức sát hạch nữa: cho HS viết, đọc một đoạn văn, làm vài bài toán để thử trình độ. Nếu không đạt thì…a lê hấp…mời ngồi lại lớp cũ cho dù phụ huynh đó là người quen biết. Vì vậy làm sao có chuyện “ngồi nhầm lớp” được. Lúc tôi học lớp Nhì với thầy Dương Đại Be, tôi thường tò mò nhìn mấy bài toán của mấy bà chị trong xóm đang học lớp Nhất với Thầy Huyện. Khi thấy ngoài những điểm mười, nhiều lần các chị còn “ăn” cả hột vịt (điểm không), cây gậy (điểm một), con ngỗng (điểm hai), lúc đầu tôi vô cùng lo sợ, sợ mình lên lớp Nhất học không nỗi vì môn toán có vẻ quá khó, nhưng sau đó tự trấn an: “Chắc không sao, nếu có khó thì cũng khó từ từ, mà đã có người học được thì mình phải học được!” (Sau này tôi vẫn giữ cách nghĩ đó khi có ai “hù” tôi môn nào đó khó lắm, HS rớt như sung).

Lên lớp Nhất, tôi học với Thầy học kỳ I (học kỳ II học với Thầy Châu). Thầy giảng dạy nhiệt tình, phong cách rất nghiêm trang nhưng cũng thường pha trò (Giờ nhớ lại mới thấy được. Có lần trong môn tập vẽ, có bạn vẽ hình cái chai bị quẹo cổ, Thầy đưa cao cho cả lớp xem và đùa: “Cái chai này nhìn giống như ông say rượu”). Thầy (và cả Thầy Châu) cho chúng tôi làm rất nhiều loại đề Tập làm văn, giải nhiều đề toán, đặc biệt là toán về động tử. Cho làm nhiều loại như vậy cốt để HS hiểu mà tự suy luận làm bài nếu gặp loại đề hoàn toàn mới. Điều đó hoàn toàn ngược lại với kiểu toán mẫu, văn mẫu mà dư luận xã hội hiện nay đang lên án.

Cuối năm lớp Nhất, tôi được xếp hạng ba (Sau Phượng, Hoàng và trước Luân). Ba má tôi được giấy mời đi họp với BGH cùng với phụ huynh của ba bạn kia. Sau đó mới biết là họp để bình xét cấp Học Bổng Đặc Biệt cho một HS nghèo nhất trong số các HS đứng đầu lớp. Thầy Huyện đã thuyết phục các phụ huynh khác nhường Học bổng đó cho tôi. Má tôi cứ nhắc chuyện này mãi về sau này với lòng ngưỡng mộ và biết ơn vô cùng. Học bổng này không biết do tổ chức nào tặng nhưng rất lớn và tặng suốt bốn năm học Đệ nhất cấp. Nó đã giúp gia đình tôi giảm bớt những khó khăn, và quan trọng hơn, là động lực thúc đẩy tôi cố gắng học giỏi để không phụ lòng Thầy.

Hồi đó, học xong lớp Nhất được cấp chứng chỉ và dự thi vào Đệ thất trường Công Lập. Ai không đủ sức đậu vào Công Lập thì ghi tên học ở Trường Bán Công (đóng học phí nặng hơn), ai rớt Công Lập mà không có tiền thì học lại lớp Nhất, mà không học Bán Công, không học lại lớp Nhất thì…nghỉ học, nhưng năm sau vẫn có thể dự thi kiểu thí sinh tự do. Tôi không nhớ rõ ngày thi tuyển, chỉ nhớ là nó đến sau ngày nhập học của trường Tiểu học. Tôi nhớ rõ điều này vì lúc tôi xin học lại lớp Nhất (trong khi chờ ngày thi tuyển, chưa thi mà đã sợ rớt!), Thầy Châu không hề gọi tôi trả bài mà (cùng với Thầy Huyện) đưa tôi làm thử hết đề toán này đến đề toán khác, toàn là những đề khó và lạ. Các Thầy đưa vào giờ ra chơi và bắt tôi ngồi làm tại chỗ, các Thầy đứng sau lưng xem, bài nào tôi giải được, các Thầy rất mừng và khen để khích lệ, còn nếu giải không ra thì các Thầy gợi ý (Giờ mới hiểu đó gọi là “bồi dưỡng”). Lúc đó tôi ý thức được rằng các Thầy rất “cưng” tôi và bọn con gái nói chung (Các bạn trai đừng phân bì nhé!).

Cuối cùng tôi thi đậu vào trường Công Lập. Học Trường THCLTC tôi lại gặp Thầy Huyện hàng ngày trong trường và trên đường đi/về. Vào Đệ Thất, sau thời gian đầu vất vả vì suýt không theo kịp các bạn đã học một năm hoặc học trước vài tháng trong Trường Bán Công (mà đuối nhất là môn Pháp văn và môn Toán), tôi từ từ vươn lên để đến cuối năm đứng nhất lớp. Ngày lễ phát thưởng cuối năm, ngồi ở hàng ghế học sinh, nhìn ánh mắt của Thầy, tôi biết Thầy rất hài lòng và hãnh diện về mình. Tuy Thầy không nói lời nào nhưng ánh mắt đó đã nói được tất cả và tôi hiểu hết. Những năm tiếp theo, Thầy dạy ở lớp tôi nhiều lần và tôi đã cố gắng học thật tốt. Nhớ lại, hồi đó, HS giỏi thật sự được tôn vinh: Hàng tháng có “Bảng Danh Dự” dành cho 5 HS đứng đầu lớp, mỗi học kỳ có “Giấy Ban Khen” dành cho HS đứng nhất, nhì từng môn trong kỳ thi Đệ nhất, Đệ nhị lục cá nguyệt (HKI, HKII); Trường tổ chức thật trọng đại Lễ phát thưởng cuối năm: đón tiếp quan khách thật long trọng; có xen kẽ những tiết mục văn nghệ đặc sắc; phần thưởng (rất chất lượng, gồm sách GK, tự điển,…) được gói trang trí bằng giấy kiếng trong màu đỏ (dành cho hạng ưu), màu vàng rất đẹp; mỗi HS được gọi tên đi lên nhận phần thưởng của mình chứ không phải chỉ có “đại diện lớp”,… Ra đời làm nghề dạy học, tôi càng thấm thía rằng một ánh mắt, một lời động viên, một sự quan tâm của Thầy Cô giáo có ý nghĩa rất lớn đối với HS, không chỉ dừng lại ở lợi ích trước mắt về vật chất. Sau này tôi đã noi gương Thầy trong đối xử với HS của mình. Các Thầy Cô của chúng ta có biết đâu, các Thầy Cô chẳng những là “Thầy” mà nay còn là “Sư Tổ” (Thầy của Thầy) của nhiều con người thành đạt (có người hiện là Hiệu trưởng trường cấp III, nhiều người là Tiến sĩ (thật) và đang giữ những chức vụ quan trọng …Bản thân tôi rất tự hào về điều đó vì ”Con hơn cha là nhà có phúc”).
Lên cấp III, tôi nghe tin Thầy bị bệnh đau cột sống nặng và gia đình đã đưa đi điều trị ở nhiều nơi. Năm 1974, khi chị tôi đậu Tú tài IBM và vào trường Sư phạm ở LX, tôi cùng chị đến nhà thăm Thầy, báo công và luôn thể chia tay Thầy. Nhìn Thầy hai chân bị liệt, nằm một chỗ, tôi tủi lòng lắm. Tuy còn nhỏ nhưng lúc đó tôi vẫn biết là trong cuộc sống, có những tình huống ta không nên có biểu hiện thương cảm, không nên có thái độ tội nghiệp lộ liễu trước bất hạnh của người khác. Vì vậy, tôi cố kìm chế xúc động của mình nhưng vẫn không sao ngăn được những giọt nước mắt cứ tuôn trào. Thầy bảo: “Em Đào (chị tôi) thi đậu như vậy là tốt rồi, năm sau đến em Nga. Đừng lo, Thầy không sao đâu, mỗi người có cái số mà!”. Thầy ơi! Học trò của Thầy bây giờ đã năm chục tuổi rồi! Trong năm chục năm sống trên đời này, em cũng nghe nhiều người nói như vậy. “SỐ PHẬN”! Người ta đổ cho SỐ PHẬN khi gặp chuyện không may, không vừa ý để mà tự an ủi mình vậy thôi. Điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng mỗi lần nghe ai đó đem chữ SỐ PHẬN để gán ghép cho người khác, với giọng điệu kiểu như “Tại SỐ mày nó như vậy đó, mày phải ráng mà chịu” thì em ghét cay ghét đắng hai chữ SỐ PHẬN! Đã nhiều lần em nói như anh Ông Dung Thông: “Trời cao không có mắt!”

Sau đó, Cô đã đưa Thầy về sống ở quê cô. Tôi đi học xa rồi cũng bị cuốn vào những cơn lốc của cuộc đời, phương tiện liên lạc, đi lại khó khăn,… nên tôi không có diều kiện thăm Thầy. Mỗi lần về quê, gặp em gái, em trai của Thầy (Chị Nhiên, Khương) dạy chung trường với bà chị, tôi hỏi thăm Thầy, hỏi thăm đường đi đến nhà Thầy, nhưng lần nào Khương cũng nói: “Nhà của Anh Hai khó tìm lắm. Chừng nào có dịp em sẽ chở chị đi, chứ em chỉ chị tìm không ra đâu”. Khi Ba Má tôi lần lượt qua đời, mỗi lần về quê tôi không còn Ba Má để quấn quít nữa, sẵn dịp hỏi thăm được nhà Thầy qua một cô giáo, nhất là khi có được chiếc xe gắn máy có thể chủ động đi đây đó, tôi đã liên hệ và ghé thăm Thầy được vài ba lần (từ năm 2002). Thì ra dù nhà khó tìm cỡ nào nhưng nếu chịu khó hỏi thăm thì cũng tới được (Ông Bà mình đã bảo “nhà ở tại miệng” mà!).

Gần 30 năm mới gặp lại Thầy Cô, tôi thật bồi hồi xúc động. Thầy không già đi mấy, hàng ngày bán thuốc Tây lẻ trị bệnh cho người, gia súc trong xóm, kèm cặp các cháu học, rảnh thì đọc thêm kệ kinh để dưỡng tâm. Nhưng Cô thì quá nhiều thay đổi! Tất nhiên, gần ba chục năm trời thì còn gì, nhất là với gánh nặng gia đình chồng chất như vậy. Nhìn Cô, tôi ngạc nhiên và vô cùng xót xa nhưng phải kềm chế để không thốt lên câu: “Cô ơi! Em nhìn Cô không ra!”. Khi Cô hỏi tôi: “Bây giờ cưng làm gì, ở đâu?”, Thầy đã vội đỡ lời tôi: “Nó cũng tương tự như em vậy đó...”. Khi chỉ có hai cô trò, cô kể cho tôi nghe những nỗi gian truân từ khi Thầy bị bệnh, nhất là khi các em còn nhỏ. Nhưng chùm rể đắng cay đó nay đã cho những hoa quả ngọt lành. Các em đều trưởng thành, có nghề nghiệp (có em là dược sĩ c/t ở SG)”. Hằng ngày cô vẫn đi bán thuốc Tây dạo cho hàng xóm, Thầy thì bán ở nhà cho vui. Đặc biệt, tuy nằm một chỗ nhưng Thầy vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cô: là tư vấn đắc lực cho cô về kiến thức y, dược; là “gia sư” xuất sắc tất cả các môn học cho con cái và sau đó là cho các cháu ngoại, nội (Thầy có điều kiện để đọc và nghiên cứu). Thầy thì nói với tôi: “Thầy chỉ mong sống cho đến khi nào đứa cháu cuối cùng vào được đại học”. Khi tôi ao ước đường xá trong xã thuận lợi để Thầy có thể chạy xe 3 bánh đi đây đi đó cho đỡ bẩn chật, thì Thầy bảo “Hệ tuần hoàn, hệ thần kinh của Thầy đã thích nghi với tư thế nằm rồi. Giờ ngồi dậy là thấy chóng mặt và khó chịu lắm. Thầy chấp nhận như vầy. Cứ nghĩ đây là bất hạnh trời dành cho mình chứ không phải cho ai thì sẽ thấy mọi thứ dễ chịu”. Lại hai chữ SỐ PHẬN!

Một điều đặc biệt cần nói với các bạn là Thầy còn nhớ và hỏi thăm về nhiều học trò cũ, đặc biệt là chị Lâm Thị Nghĩa. Qua mục Giao Lưu, biết các bạn định đi thăm Thầy, tôi cũng mừng lắm và mong ngày đó đến sớm nhất (trong điều kiện có thể) VÌ HOÀNG HÔN ĐANG XUỐNG VỘI rồi! Bản thân tôi cũng tự hứa với lòng là nhân những chuyến về quê, sẽ cố gắng liên lạc để đi thăm các Thầy Cô lâu ngày không gặp. Có lẽ ai cũng hiểu được điều đơn giản này: Dù Thầy Cô không ai đòi hỏi sự đền đáp của HS, nhưng sự thăm viếng, hỏi han của học trò cũ luôn là món quà vô giá.
Tất cả chúng ta, những cựu HS trường THCLTC, đều cầu mong các Thầy Cô của mình được đại thọ để mình còn hạnh phúc được gọi những tiếng THẦY, CÔ....
Phan Thị Nga
(Viết xong lúc 21g16’ ngày 21/8/2007. Đọc lại, tôi thấy rõ ràng mà mình viết gì cũng dài dòng văn tự, chán chết! Viết xong bài này thì cơ bản tôi đã tự trả cho mình món nợ canh cánh bên lòng mấy tháng nay. Tôi viết được bài này nhờ những ngày đi công tác, tạm ngưng làm nhiệm vụ của một “hoa hậu” trong gia đình. Thế là kết thúc những ngày hè...bận rộn. Kế tiếp sẽ là một năm học...đầu tắt mặt tối! PTN)

TNP(=Phan Thị Nga) trong "Re: NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI" {L_WROTE}:
CÁC PHẢN HỒI bài này trên một diễn đàn khác:
1/Những tình cảm thực sự đã được thử lửa qua thời gian và rạng ngời dù bất kỳ ở nơi đâu.
Cảm ơn cô Nga đã chia sẻ với diễn đàn bài viết này, khi đọc em cảm động rất nhiều về tình cảm của cô dành cho thầy một người thầy đã dìu dắt cô hơn ba mươi năm trước.
Cảm phục một người thầy thầm lặng đã đành cho học trò của mình đặc biệt những đứa học trò nghèo tình thương yêu và chăm sóc hơn tất cả.
Những điều em muốn diễn đạt còn nhiều hơn rất nhiều hơn thế này khi đọc bài viết của cô nhưng có lẽ em cũng không cần viết thật nhiều vì mỗi khi đọc bài viết này tất thẩy những bạn trẻ chúng em sẽ cảm nhận được nhiều hơn trong tâm hồn mình dù có thể không và chưa thể biểu lộ thành lời hay câu chữ.
Cảm ơn người thầy "tài đức vẹn toàn" và người học trò khi ăn quả ngọt đã và luôn nhớ đến người đã góp một phần vun xới khi cây con bé bỏng thơ ngây.
Cảm ơn cô đã chia sẻ bài viết này cũng chúng em.
Cẩm Tú Cầu

2/Xin cảm ơn lời phản hồi của Cẩm Tú Cầu.

Các bạn thân mến!
PN viết chủ yếu để trải lòng mình ra, để sẻ chia với mọi người những cảm xúc, những suy nghĩ của mình. Nếu bài viết thực sự ít nhiều có tác động đến người đọc, như gây xúc động chẳng hạn, thì PN vui lắm. Trong lòng PN, chuyện hơn thua chỉ là chuyện phụ thôi. Vậy mà... PN lại đoạt được giải nhất! Ôi, mừng thì có mừng, nhưng cũng thật là ngại. Vì sao? Vì xem kỹ thông tin cá nhân của những tác giả khác, PN thấy chỉ có mình là lớn tuổi. PN lớn mà lại đi tranh tài với các em, các cháu của mình ư?
Nếu PN bảo là mình không xứng đáng thì hóa ra PN phủ nhận công sức khó nhọc và tinh thần vô tư của BGK sao? Thành ra, PN hết sức là khó xử.
PN cám ơn tất cả các bài viết cảm động của các tác giả. Chúc các bạn, các em, các cháu luôn dồi dào sức khỏe để lập thân, lập nghiệp tốt, qua đó đóng góp thật nhiều cho xã hội.
PN

3/Kính gửi cô PNga!
Cô yêu quý, con xin phép được thưa cô như thế. Qua diễn đàn KNS thật may mắn con được tiếp xúc với cô, dù chỉ là qua những bài viết, những phản hồi trên diễn đàn nhưng vốn sống, kinh nghiệm đặc biệt là tấm lòng với lớp trẻ chúng con làm con thực sự kính phục và cảm ơn cô rất nhiều.

Quay trở về với cuộc thi nói chung và bài viết dự thi của cô nói riêng. Nói cho đúng ra thì con là một đối thủ của cô đấy, một đối thủ đáng gớm phải không cô, khi con đoạt giải khuyến khích. Con thực sự không hề thất vọng hay tiếc khi bài viết của mình không đoạt giải cao hơn bởi vì bài viết của cô rất hay. Nó không đơn thuần là một bài dự thi mà nó là tấm lòng của người học trò khi viết về thầy của mình.

Con rất vui khi bài viết của cô đoạt giải vì nó đã đúng như dự đoán của con khi đọc qua tất cả những bài viết. Cô thấy con giỏi không ạ.

Hơn nữa diễn đàn KNS là một diễn đàn mở không phân biệt tuổi tác ai có lòng đều có thể đến với nó, và nội quy của cuộc thi cũng thế không phân biệt tuổi cô ạ.

Lại thêm một điều nữa so với các bạn khác trong cuộc thi thì hình như tuổi con cũng nhiều hơn nữa, trải nghiệm sẽ có lẽ nhiều hơn các bạn chút ít. Như vậy nếu cô thấy ai ngại khi nhận giải thì con cũng ai ngại mất thôi.
Nhưng cô ơi, cô đừng khó xử ạ
Cẩm Tú Cầu

4/Em nghĩ BGK đã rất vui mừng khi được cuộc thi đã được hưởng ứng như vậy cô Nga à! Mỗi người ai cũng có một người thầy cho riêng mình phải không cô? Em nghĩ cuộc thi đã tạo cơ hội cho mọi người được dịp bày tỏ lòng mình đối với những người giáo viên mà mình yêu quý, những điều mà khi gặp họ chưa chắc mình đã nói hết được phải không cô. Bài viết của cô rất xứng đáng mà, em nghĩ cô không phải băn khoăn về điều này đâu ạ vì phần thưởng cũng rất nhỏ mà cô, chủ yếu là tinh thần thôi à.
Em xin thay mặt Ban Điều hành CLB Kỹ Năng Sống, chúc cô hạnh phúc, công tác tốt và có nhiều trò ngoan.
Cánh Buồm Đỏ

5/Lời cảm ơn muộn màng (còn hơn... không?):
Cám ơn Cẩm Tú cầu và Cánh Buồm Đỏ đã trả lời bài với những lời động viên thật cảm động.
PN đã gọi điện báo cho Thầy hay về kết quả cuộc thi và Thầy rất vui (tất nhiên rồi).
PN


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CÒN ĐÂU NỮA NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI! - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 12 2011, 15:22
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
TNP trong "Tin về Thầy Nguyễn Văn Huyện" {L_WROTE}:
TNP trong Re: KÍNH GỞI CÁC THẦY CÔ (chuyên mục Giao Lưu) {L_WROTE}:

MỘT VÀI THÔNG TIN
- ....
- Khoảng tháng trước TNP có gọi điện thăm thầy NV.Huyện, nghe thầy nói thầy không được khỏe lắm (ăn không ngon và khó ngủ). Hồi nãy TNP gọi điện thăm thầy thì được biết thầy đã sang ở nhà đứa con gái lớn (Anh Thư, công tác ở trạm Y tế xã Hòa Lạc, nhà ở chợ xã Hòa Lạc - cách nhà thầy khoảng 3km) để điều trị bệnh. Thầy bị đẹn, lở ở miệng và lưỡi rất nặng==> ăn, nói không được==>suy nhược. Nay đã có thuyên giảm chút ít. TNP đã xin số ĐT bàn nhà Anh Thư và đã liên lạc được với thầy.

Số ĐT bàn
+ ở nhà thầy: 0763.811531
+ ở nhà Anh Thư: 0763.811256

Vậy TNP báo cho mọi người hay để ai có điều kiện thì gọi ĐT hoặc đi thăm thầy.
Chúc mọi người vui khỏe và bình an.
TNP


Hôm nay, TNP được tin (nhờ cô Phạm Ngọc Thiên Hương và anh Đức ở CHâu Đốc) Thầy Nguyễn Văn Huyện bệnh khá nhiều đang nằm ở BV Châu Đốc mấy ngày nay tại phòng cấp cứu số 9.

TNP gọi lại cho Cô Hương để hỏi thêm chi tiết nhưng không được, gọi cho số ĐTDĐ của Anh Thư (con gái lớn của thầy) cũng không được. TNP gọi cho số máy bàn nhà Thầy thì được biết BV Thầy đang nằm cấp cứu tọa lạc ngang với KS Hàng Châu.

Số ĐTDĐ của Anh Thư: 0918.562902
Số máy bàn nhà Anh Thư: 076.3811256
Số máy bàn nhà Thầy: 076.3811531


TNP xin thông báo cho mọi người hay như vậy.

Thầy ơi! Mấy lần về quê trước em không có ghé thăm Thầy vì em không đi theo ngã Châu Đốc mà đi theo ngã Cao Lãnh-HN. Trước 20/11 năm nay em gọi điện thăm Thầy thì được biết Thầy đang bịnh. Thế là sau 20/11 mà chính xác là ngày 22/11 em đã thực hiện chuyến về quê 3 trong 1 (thăm Thầy, dự đám giỗ người dì ruột và gặp Trần Ngọc Bích đang về TC). Gặp chị Đào, em đã kể cho chị nghe về bịnh của Thầy và chị đề nghị em chuyến về ghé Thầy lần nữa để trao toa thuốc và thuốc uống cho Thầy. Vậy là hơn 1 năm em không ghé thăm Thầy để kỳ về quê vừa qua em ghé Thầy 2 lần! Ôi, đó là do linh cảm của tụi em hay là do trời xui đất khiến vậy hở Thầy?
Lần ghé chuyến về, khi Thầy Cô cho em hộp sữa Anlene, em đã vừa áy náy vừa cảm động muốn khóc: "Ôi, em chưa từng mua biếu Thầy 1 hộp sữa, vậy mà Thầy Cô lại cho ngược lại em...". Thầy Cô đã nửa đùa nửa thật (?): "Thầy còn nhiều lắm. Em cứ đem về uống cho khỏe, cho cứng xương để còn đi thăm Thầy...".
Thầy ơi, hộp sữa đó đến giờ em vẫn chưa khui, chưa uống để thêm cứng xương, chưa đi thăm Thầy được một lần nào... thì Thầy đã ra đi rồi... :(

Thầy ơi! Từ ngày Thầy bệnh nặng cấp cứu ở BV CĐ, em không thu xếp đi thăm Thầy được lần nào mà chỉ báo cho chị Đào, các bạn khác hay và hỏi thăm AT qua điện thoại. Hôm chị Đào và chị Nghĩa đến BV thăm Thầy, qua ĐT của chị Đào, em đã nói chuyện với Thầy được vài câu. Nghe giọng nói Thầy mệt nhọc và không bình thường (lơ lớ do lưỡi bị cứng), em đã không dám nói nhiều và đã nghi trong lòng là sức khỏe Thầy lần này không ổn rồi. Vậy mà Thầy còn ráng nói là Thầy đã đỡ, sắp xuất viện về nhà. Anh Thư thì cho em biết là trước đó Thầy bảo Cô và AT là "đừng cho con Nga nó hay, nó hay nó lại lên thăm, đường xá xa xôi đi lại cực khổ, tội nghiệp nó lắm...", em nghe mà rớt nước mắt đó Thầy ơi! Lúc nào Thầy cũng lo cho em hết! :(
Vậy mà em có đi thăm Thầy được đâu! Sáng nay khi hay tin Thầy yếu đi nhiều và gia đình đang trên xe chở Thầy về nhà sau mấy ngày đưa Thầy lên điều trị ở SG, em và chị Đào biết là Thầy đã sắp dứt nợ trần ai rồi...

Và điều đó đã đến! Thầy đã về cõi vĩnh hằng hồi 5 giờ chiều 23/12/2011 (nhằm ngày 29/11 năm Tân Mão)! :( Bây giờ không còn là SỐ PHẬN nữa, mà là SỐ MỆNH rồi Thầy ơi! :(
Khi Thầy còn tại thế, mỗi lần em gọi điện thăm Thầy, Thầy trò mình đã trao đổi nhiều chuyện đời; Thầy đã tư vấn, an ủi, động viên em đủ điều. Từ nay thì... :(

Thầy ơi, giờ này mọi người đã say giấc nồng, còn em ngồi đây với bao nhiêu hình ảnh kỉ niệm về Thầy lần lượt hiện ra. Những cảm xúc như đã chìm sâu vào tâm thức giờ lại có dịp tuôn trào... :(

Những lời dạy của Thầy Cô em sẽ khắc cốt ghi tâm và sẽ cố gắng thực hiện trong cuộc đời mình.

Thầy ơi! Bốn chục năm qua đôi chân bướng bỉnh đó đã giam cầm thân thể Thầy trong chiếc giường nhỏ hẹp. Nay Thầy hãy ung dung bước trên cõi thênh thang Thầy nhé!
Hình chụp ngày 24/11/2011

{L_ATTACHMENT}:
Thay NGUYEN VAN HUYEN.JPG
Thay NGUYEN VAN HUYEN.JPG [ 63.25 KB | Đã xem 4812 lần ]

{L_ATTACHMENT}:
THAY CO NVH.JPG
THAY CO NVH.JPG [ 49.98 KB | Đã xem 4813 lần ]


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CÒN ĐÂU NỮA NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI! - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 12 2011, 23:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Nhỏ Nga ơi, ta thật có lỗi với thầy! Thấy dược số diện thoai, chưa kip diện thăm thì thầy đã ra đi vĩnh viễn. Mặc dù là thầy trò nhưng từ nhỏ tới giớ ta vận quen miệng gọi là anh hai. Vì anh là bạn cùng tuổi và cung xóm với anh hai mình nên từ trước tới nay minh vẫn gọi là anh hai. Mình có gặp thầy chỉ một lần lâu lâu lắm rồi, thôi thì chỉ còn cầu nguyện cho linh hồn thầy được vào cõi niết bàn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Những kỉ niệm
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 12 2011, 11:55
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chị Đào kể, Nga chấp bút:
Em khiếu nại...
Hồi đó Thầy dạy Đào năm lớp Nhứt (lớp năm ngày nay). Năm sau thì Thầy dạy lớp Đào (lớp Đệ Thất C niên khóa 1967-1968) môn Pháp văn. Mỗi lần viết Dictée, thầy cho lớp đổi tập bắt lỗi chéo với nhau. Có lần tên... (nói đại tên K.)... bắt lỗi bài của Đào. Trong bài Dictée Đào đã viết chữ duex (=2) đến 4 lần và tên K. đó đã bắt Đào đến 4 lỗi. Nghĩ là mình viết đúng Đào thấy ấm ức và ghét tên K. đó quá mạng nên lên méc Thầy:
- Dạ thưa Thầy, em viết chữ "đơ" đúng mà thằng K. bắt lỗi em đó Thầy...
Thầy bảo Đào đưa tập cho Thầy xem, xem xong Thầy nói:
- K. bắt lỗi chữ đó là đúng vì em đã viết sai rồi, deux đánh vần d-e-u-x chứ không phải là d-u-e-x em à...
Đào xem lại, thì ra là nó bắt lỗi mình là đúng.
- Dà, vậy hả Thầy? Nhưng... em sai 4 lần cùng một chữ thì bắt 1 lỗi thôi chứ, sao nó bắt em tới 4 lỗi lận nè Thầy...
Thầy xem lại và rầy tên K. đó, Đào mới hết ấm ức trong lòng.
Phan Thị Đào


"Tên K." tên thực là gì, chị Đào có nói mà Nga quên rồi... À quên, Nga phải gọi là "anh K." mới đúng phép chứ.

Ghé thăm Thầy Cô ngày 22/11/2011
Hôm đó Nga lên đến nhà Thầy vào giác chiều, khoảng hơn 5giờ chiều. Thầy Cô rất cảm động vì rất bất ngờ. Hôm đó Thầy bảo đã đỡ nhiều, đã ăn uống được chút chút. Cô bảo mấy hôm hổm tưởng Thầy qua không khỏi rồi. Nga ngồi nói đủ thứ chuyện với Thầy Cô mà quên trời đã tối. Đến chừng Cô giục Nga mau đi về nhà chị Đào vì trời tối đi đường sẽ không hay thì Nga mới lật đật ra về. Thầy căn dặn lần sau có đi thì thu xếp đi cho sớm chứ đừng đi giác chiều như vầy nữa, dặn chạy xe cẩn thận và khi về đến nhà chị Đào phải gọi điện cho Thầy yên tâm.
Vì cứ nghĩ con đường mới phía sau người ta đã làm xong nên Nga đi đường đó. Nhưng càng lúc trời càng tối và đường càng xấu, gọi là đường cộ xe bò cũng không quá: lỗ hang, bùn sình, vắng vẻ, tăm tối,... Dù rất tin trong lòng là đường quê coi vậy mà không có gì nguy hiểm, nhưng Nga vẫn thấy hơi ớn, rủi... xui xẻo gặp dân xì ke ở thành thị về đây thì sao? Cuối cùng Nga đã tìm ra được con đường đi ra đường cũ sát bờ sông, dù hẹp nhưng có nhiều nhà cửa. Đến nhà chị Đào, Nga gọi điện báo tin, Thầy đã thở phào: "Ôi, Thầy mừng quá! Nãy giờ Thầy cứ lo trong lòng. Từ nay em đừng đi quá trễ như vậy nữa nhe!" :(
Từ nay ư? Lần sau ư? Vâng, còn những "từ nay", "lần sau" nữa em đi về quê, nhưng ghé nhà Thầy thì em không còn gặp thầy nữa để nghe Thầy nói này, dặn nọ nữa, Thầy ơi! :(


Hôm 24/11/2011 (chuyến trở xuống CT)
Chuyến về Nga lại ghé Thầy để trao toa thuốc và thuốc uống cho Thầy theo đề nghị của chị Đào (và bản thân Nga cũng muốn vậy). Khỏi phải nói, Thầy rất bất ngờ và cảm động. Dù đã khá trưa, nhưng Nga đã sôi nổi kể cho Thầy Cô nghe tai nạn mà hai chị em Nga đã gặp sáng hôm qua (23/11/2011)


(Sáng qua, hai chị em từ quán cà phê hàng xóm bước ra đường đến gần chiếc xe (đi riêng mỗi đứa một chiếc vì Nga còn đi công việc riêng nữa sau khi đi đám giỗ người dì ruột ở cồn Thầy Cai), đang mang găng tay, đeo khẩu trang,... thì chợt... một chiếc xe "bay" về hướng mình nghe cái "rầm"! Hai đứa chỉ biết há hốc ú ớ mà không kịp phản ứng gì. Chiếc xe của ông đó bay sát chân Nga, bay tới luôn xe chi Đào làm xe chị ngã xuống bể kiếng chiếu hậu cấn vào làm bắp chân của chị bầm tím. Nga thì chỉ hơi đau cái ống quyển nhưng những người ngồi trong quán cứ nghĩ là Nga chắc khỏ mà khỏi gãy chân. Thật là hú hồn! Chiếc xe tay ga của ông đó bể nát "cái mặt tiền", mặt ông ta thì xanh như tàu lá, hai tay run bây bẩy. Thì ra là do ông ta chạy nhanh và thắng gấp để tránh cán con gà!)

Nghe câu chuyện mà Thầy Cô xuýt xoa và lại dặn dò Nga đi đường cẩn thận. Nga kể cho Thầy Cô nghe do "nhiều chuyện" cũng có, mà do tâm lí "nhõng nhẽo" với người lớn cũng có. Có người lớn hơn, có Thầy Cô để nhõng nhẽo cũng là hạnh phúc lắm mà! Nhưng giờ nghĩ lại, Nga hơi ân hận, phải chăng Nga đã gieo nỗi âu lo cho Thầy Cô, bởi vậy khi bịnh nặng vào cấp cứu ở BV CĐ, Thầy còn dặn Cô và AnhThư đừng cho Nga hay vì tội nghiệp Nga đi đường vất vả và nguy hiểm?
Nhưng Thầy ôi, em vất vả quen rồi, "tay lái lụa" này đã "dọc đường gió bụi" biết bao nhiêu lần rồi và lúc nào trong lòng cũng vững tin là mình sẽ đi đường bình an vô sự. Có điều lần này Thầy bịnh nặng và ra đi mãi mãi, em không về thăm được lần nào, do em luôn có công tác lặt vặt phải đi xa nhà hoài... :(

Hôm về viếng tang Thầy em đi về trong ngày, chuyến đi ghé Cô Thiên Hương (cô mệt không đi được, anh Đức đi thay), chuyến về lại còn ghé cà tang cà tịch thăm bà con, bạn bè ở LX nữa, ai nghe cũng le lưỡi lắc đầu hết Thầy ạ. Có người hỏi em đi đường như vậy có mệt hông, em trả lời chạy xe đi đường thì có gì đâu mà mệt, có điều về nhà là đánh 1 giấc như chết tới sáng bét luôn thôi.
Vậy Thầy hãy yên tâm về em Thầy nhé!


Nghĩ đến người khác
Hôm 24/11/2011 ghé Thầy trong chuyến trở xuống, Nga đã gọi điện cho Thầy Phúc để hai thầy nói chuyện với nhau. Có lẽ hai thầy có nói về vụ đất lở chỗ nhà Thầy Phúc gì đó... nên khi Nga ra về Thầy còn căn dặn Nga về Cần Thơ nhớ gọi cho Thầy Phúc và chuyển lời khuyên của Thầy là Thầy Phúc nên nhận nền nhà tái định cư...
Trước đây, Thầy còn dặn dò em về các vấn đề dưỡng tâm, về con cái này nọ nữa...
Ôi, lòng Thầy sao mà bao la quá!


Niềm vui với học trò, đồng nghiệp
Nhớ mấy năm trước đây, có lần ghé thăm Thầy, Nga nghe Thầy nói vừa rồi có Thầy Phúc và một số học trò tìm đến thăm Thầy và Thầy bảo đó là niềm vui lớn nhất của Thầy trong năm.
Giờ Nga mở website TCXL ra tìm thì gặp được bài tùy bút sau. Xin phép tác giả và admin cho copy về đây để làm kỉ niệm. Cảm ơn nhiều.



MỘT CHUYẾN ĐI

Long khánh
Như đã định trước. Sau khi dự đám giỗ nhà chị Dung,chúng tôi thuê xe đi Hoà Lạc thăm thầy Huyện. Nhà thầy ở cạnh bờ sông Hậu. Từ đường cái chúng tôi phải cuốc bộ theo đường mòn khoảng vài trăm mét mới đến nhà thầy. Một căn nhà sàn nhỏ,bày biện đơn sơ nhưng rất sạch sẽ.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên: Sau hơn ba mươi lăm năm nằm liệt giường,thầy vẫn lạc quan,vẫn pha trò và vẫn nhớ tên từng học sinh của mình. Thậm chí,những kỷ niệm nhỏ nhặt thời còn đi dạy thầy đều nhớ hết! Nhìn cặp chân teo đét của thầy khó ai tin nỗi một nghị lực phi thường ấy! Thầy Phúc trao cho thầy tấm ảnh thầy chụp lúc còn đi dạy,tôi thấy một thoáng xúc động sau cặp kính dầy của thầy. Xem lại hình ảnh của mình lúc còn mạnh khỏe,mặc bộ com lê sang trọng đứng trước cổng trường,rất đẹp trai và phong độ. Thầy nhìn rất lâu,sau đó cất vào phong bì đặt dưới gối, đưa mắt nhìn thầy Phúc như thầm cám ơn. Rồi thầy hỏi thăm từng người,giọng vẫn trìu mến như ngày nào. biết chúng tôi đến đông,đường xa,nên thầy dặn người nhà làm sẵn món bún cá,chè đậu và bắp rang mỡ. Chúng tôi ăn một cách ngon lành. Trong thâm tâm mỗi người chúng tôi,những món ăn mà thầy đãi là cả một tấm lòng cao cả của người thầy,tuy nằm đó không gượng dậy nỗi nhưng nghị lực vẫn là tấm gương sáng sừng sửng trước mặt chúng tôi. Ba mươi lăm năm không rời khỏi chiếc giường,nhưng lòng thầy với ngần ấy năm tháng đã đi sâu vào máu vào xương của từng đứa học trò thân thương. Thầy hiên ngang trước căn bệnh quái ác,nhưng thầy dịu hiền với đám học trò.

Cô Đàn vợ thầy,dáng người nhỏ nhắn,giọng nói nhẹ nhàng. Chắc hẵn hồi còn trẻ đẹp lắm nên bây giờ tuy lớn tuổi mà cặp mắt,vành môi vẫn giữ nét tươi tắn. Nhìn cô,tôi không khỏi ái ngại. Lập gia đình không bao lâu thì chồng ngã bệnh,đứa con lớn mới sáu tuổi,còn đứa út thì sáu tháng. Thế mà với đôi tay bé nhỏ,cô thay chồng tảo tần sớm hôm,lo cho cái ăn và các con được nên người trong hồi kinh tế khó khăn. Cô bảo đã có lúc tưởng chừng gục ngã,nhưng nghĩ đến chồng,đến con cô cố gượng đứng lên trước phong ba bảo táp cuộc đời. Và cô đã chiến thắng. Giờ đây con cái đã lớn,học hành đầy đủ,nghề nghiệp ổn định,mỗi đứa có một gia đình riêng,cô kể cho chúng tôi nghe với một ít tự hào. Riêng tôi,đây là một kỳ công,một nghị lực phi thường,và chỉ những người can đảm như cô mới vượt qua.

Đối với thầy Huyện,bệnh tật là một số phận. Nó ập đến với thầy một cách bất ngờ,quật ngã thầy suốt ba mươi lăm năm nay. Nhưng trong ánh mắt,trong tiếng cười,trong lời nói thầy không đầu hàng. Bằng khối óc,bằng ý chí thầy đã chiến thắng,cũng như cô Đàn đã chiến thắng. Vợ chồng thầy ngẩng cao trong cuộc sống đầy nghiệt ngã. Tôi thầm nghĩ,ngay cả những người mạnh khỏe chưa chắc đã làm được như vợ chồng thầy. Sau ba mươi lăm năm tôi lại phải học thầy nữa rồi! Tôi lại nợ thầy thêm một lần nữa,trong khi cái nợ ngày nào được thầy móm từng câu,từng ý trong từng tiết giảng vẫn còn đấy. Đến thăm thầy hóa ra đến học thầy. Cái chất thầy giáo của thầy và cô sau bao nhiêu năm vẫn tồn tại. Chính cuộc sống của vợ chồng thầy là một bài giảng phong phú và sinh động. Một bài giảng tuyệt vời!

Ngoài kia dòng sông Hậu lững lờ trôi,trong vắt,lác đác từng khúm lục bình bềnh bồng nhấp nhô theo dòng nước. Chiếc xuồng câu cắm sào gần đám đậu trắng cô Đàn trồng và dùng nó nấu chè đãi chúng tôi. Nhìn lá đậu xanh rì đong đưa trước gió, từng trái đậu nuột nà treo mình lơ lững. Nhớ đến bát chè khi nãy thấy còn ngon.

Chúng tôi rời nhà thầy Huyện sau khi anh Tiếu chụp vài tấm hình kỷ niệm. Thầy Huyện vói tay vịn vai thầy Phúc để chụp,cử chỉ ân cần,thoáng buồn trong ánh mắt.

Chuyến về chúng tôi đi đường khác,gần hơn nhưng nhiều bụi hơn. Xe qua nhiều cầu ván cũ, phải bò từng tấc, chòng chành. Ai nấy hồi hộp. Dọc đường, dưới làn bụi mờ tôi thấy một cô giáo trẻ gò lưng trên chiếc xe đạp cũ quẹo vào cổng trường. Chiếc nón che nghiêng, tóc dài buông thỏng bờ vai giữa cái nắng chói chang của một miền quê yên ắng. Văng vẳng tiếng đọc bài ê a của vài chú học trò trong ngôi trường nhỏ. Tôi thấy lòng mình chùn lại,nhớ đến cô Đàn còm cõi vừa đi dạy vừa lo cho chồng con. Nhớ thầy Huyện nằm trên giường bệnh không quên tên học trò. Tim tôi thắt lại, bùi ngùi theo nhịp lắc chiếc xe…

Long-Khánh

Nguồn: http://tanchauxulua.com/index.php?showtopic=75


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 2 tập tin đính kèm ]

» CÒN ĐÂU NỮA NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ƠN CỦA TÔI! - TNP «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu