NGV tôi xin tiếp tục công trình của Ngọc La, di chuyển những bài viết cũ từ trang web cũ qua Diễn Đàn:
LỆNH HỒ ÐẠI CA Ông Dung Thông
Lời phi lộ : Tôi có ý định viết đoạn hồi ký này lúc đang tham gia Hội Ðồng Hương Tân Châu bên trang Web tuoitreangiang.com, mục đích vẫn là để thử “câu” bạn bè cũ, biết đâu đang ẩn mặt ở trang Web ấy. Chưa kịp viết thì phải cuốn nóp chạy dài. Rồi mất hứng, chưa biết chừng nào mới có thể bắt đầu lại. Ðêm hôm qua, nhân xem bức ảnh của thầy cô tại trang Hình ảnh của Web chúng ta, thấy thầy không khác ngày xưa lắm, chỉ có cô là tóc bạc trắng. Ôi, Nhậm tiểu thơ của thời đẹp còn hơn một bông hoa nữa, bây giờ còn đâu? Lòng cảm hoài khôn xiết, bèn đặt bút mà viết ra những dòng này.Chỉ nhớ sao thì viết vậy, không khỏi có vài đoạn lan man, đôi câu chưa sáng nghĩa. Mong các bạn niệm tình lượng thứ.
Hồi ấy, năm 1966 hay 1967 gì đó, vài tờ nhật báo đang tranh nhau câu đọc giả bằng cách cho đăng tải bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp trứ danh Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Nhà trường lúc bấy giờ có một số thầy cô bảo thủ xem tiểu thuyết kiếm hiệp là thứ văn chương nhảm nhí, ba xu, không cấm đoán nhưng rõ ràng không thích chúng tôi tiếp cận. Ngược lại, cũng có không ít quí thầy cô (?), cấp tiến, tán thưởng nhiệt liệt và rất say sưa “nghiên cứu” loại trường thiên tiểu thuyết này.
(Cũng cần nói cho rõ: tôi dùng các từ bảo thủ và cấp tiến, chỉ cốt để gượng ép “phân nhóm”, tuyệt không dám mạo phạm đánh giá, khen chê quý thầy cô).
Thầy là một điển hình của nhóm cấp tiến. Cứ mỗi lần tới giờ ra chơi, trống đánh “thùng” một tiếng là thầy vội vôi vàng vàng bước như chạy ra khỏ lớp, tiến thẳng về phía văn phòng Hiệu Trưởng, cũng là nơi nghỉ giải lao của qúy thầy cô, ở đó tờ nhật báo mới trong ngày đã được đặt sẵn trên bàn. Anh chàng Lệnh Hồ Xung, nhân vật “đinh” của pho tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ đang nằm đợi thầy ở đó. Vào thời điểm ấy, Tiếu Ngạo Giang Hồ đang hồi cụp lạc. Lệnh Hồ Xung đã chính thức nhậm chức chưởng môn phái Hằng Sơn, thống lĩnh toàn bộ số nữ đệ tử đầu trọc. Anh chàng tân chưởng môn chịu chơi này nhất định không cho phép nữ đệ tử gọi mình là Lênh Hồ chưởng môn, mà khăng khăng bắt họ xưng hô với mình bằng cái tên thân mật là Lệnh Hồ Ðại Ca. Ngoài ra, mối tình của Lênh Hồ Ðại Ca, đại đệ tử của một danh môn chính phái, với cô tiểu thư ma giáo Nhậm Doanh Doanh, một nữ ma đầu vừa giết người không gớm tay lại vừa hết sức bẽn lẽn, thẹn thùng, khả ái còn hơn một vị tiểu thư khuê các đối với chuyện yêu đương, cũng đang trong giai đoạn tình tứ nhất trần đời.
Một chút tóm lược cốt truyện như vậy để các bạn dễ dàng hình dung ra sự kiện được kể sau đây:
Một ngày nọ, giờ ra chơi đã hết, tiếng trống gọi vào lớp đã “thùng”, học trò an vị hết rồi mà thầy chưa vào. Vài phút sau mới thấy thầy, hai tay cầm tờ báo mở, mắt dán chặt vào đấy, chầm chậm vừa đọc vừa bước dọc hành lang trở về lớp cho tiết dạy kế tiếp. Không biết hôm ấy Tiếu Ngạo Giang Hồ đang đến tình tiết hấp dẫn gì mà thầy lại bị cuốn hút hoàn toàn vào câu chuyện đến độ thầy để cho Lệnh Hồ Xung… dắt thầy đi tuốt luôn qua khỏi cửa lớp.
Thầy đi qua khỏi lớp mà tuyệt không hay biết tí gì. Chúng tôi từ bên trong lớp học nhìn ra, chứng kiến sự kiện lịch sử đó, hưng phấn như lên tận mây xanh, đập bàn đập ghế rầm rầm, gọi toáng lên : “
- Thầy ơi, lớp mình đây nè!
Thầy giật thót mình, tỉnh hồn, trở lui lại lớp, sượng sùng đỏ cả mặt (bao giờ mặt thầy cũng đỏ rần khi thẹn, mà thầy lại dễ…bị thẹn). Chúng tôi được một phen cười nghiêng đất nghiêng trời.
Sau đó ,thầy khoát khoát tay mấy cái, ra lệnh chúng tôi không được ồn nữa, rồi khỏa lấp sự kiện đó bằng câu:
-Cái tụi…ma đầu này ! Cười cái gì ?
Thầy “nạt” chúng tôi “cười cái gì” mà rồi thầy lại không nín được cười. Mặt thầy đỏ như gấc chín.
Sau sự kiện có một không hai ấy, biệt danh Cậu Tư Kiên phải đội nón ra đi. Chúng tôi gán cho thầy mỹ danh mới, nghe êm tai và lãng mạn hơn nhiều so với cái hỗn danh cậu Cậu Tư Kiên trước kia. Chúng tôi bắt đầu gọi thầy là Lệnh Hồ Ðại Ca, một cách gọi thân thương, hoàn toàn không có ý châm chọc gì .
Kể từ sau hôm đó, mối hão lương duyên, trang tình sử diễm lệ giữa thầy và cô cũng bắt đầu. Trai tài gái sắc, anh hùng ngộ thuyền quyên là chuyện tư nhiên tự nghìn xưa đến nghìn sau. Nhưng hình như chính chúng tôi, những đứa học trò ngỗ ngáo của thầy đã phần nào làm thay cái chức năng của ông Nguyệt lão: se những sợi chỉ hồng đầu tiên, nhen nhúm ngọn lửa tình trong trái tim Lệnh Hồ ÐạI Ca và Nhậm tiểu thơ.
Chuyện ấy ra sao, mời các bạn theo dõi trong hồi ký kế tiếp.
|