Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 23 Tháng 9 2024, 00:24
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» THẦY NGUYỄN VĂN HUYỆN - TNP «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1167 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: THẦY NGUYỄN VĂN HUYỆN - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 8 2007, 23:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
(Dịp 20/11/2009 vừa qua, tác giả đã rút bài hồi ký này, chỉnh sửa lại đôi chỗ để tham gia vào một ấn phẩm và một trang diễn đàn khác. Nay tác giả xin gởi trả lại bài gốc)

THẦY NGUYỄN VĂN HUYỆN
Phan Thị Nga

Tôi không bao giờ quên các Thầy Cô đã từng dạy mình, dù mức độ, sắc thái và chi tiết là không giống nhau đối với mỗi người.
Tôi biết Thầy từ lúc chưa học với Thầy nhờ người chị kế học lớp nhì ở tại ngôi trường do Thầy làm Hiệu trưởng – trường Tiểu học Tân An C. Lúc đó tôi học lớp ba ở ngôi trường công đầu tiên gần nhà chỉ có 3 phòng học, ở gần nhà. Thỉnh thoảng có dịp cùng với mấy đứa bạn thơ thẩn ra bến đò ngoài đầu vàm chơi và đón chị đi học về, tôi hay gặp Thầy từ dưới đò đi lên. Chúng tôi thường lén ngắm nhìn Thầy từ xa với lòng kính trọng, ngưỡng mộ và cứ tấm tắc: “Ông Thầy tốt tướng quá, nghiêm nghị ghê! Đúng là Thầy giáo!”. Lúc đó đầu óc trẻ thơ của tôi đâu có ngờ rằng sau này chính Thầy là nguồn động viên lớn lao giúp tôi có nghị lực vượt qua những gian khổ để học hành đàng hoàng. Người Thầy tôi muốn nói đến ở đây là Thầy Nguyễn Văn Huyện.

Đến lớp Nhì (lớp bốn bây giờ) tôi chuyển qua học trường Thầy (trường gần nhà chỉ đến lớp Ba) và chính Thầy là người sát hạch để nhận tôi vào. Theo tôi biết, hồi đó, khi nhận HS vào học, người ta không chỉ căn cứ vào các loại hồ sơ giấy tờ mà còn tổ chức sát hạch nữa: cho HS viết, đọc một đoạn văn, làm vài bài toán để thử trình độ. Nếu không đạt thì…a lê hấp…mời ngồi lại lớp cũ cho dù phụ huynh đó là người quen biết. Vì vậy làm sao có chuyện “ngồi nhầm lớp” được. Lúc tôi học lớp Nhì với thầy Dương Đại Be, tôi thường tò mò nhìn mấy bài toán của mấy bà chị trong xóm đang học lớp Nhất với Thầy Huyện. Khi thấy ngoài những điểm mười, nhiều lần các chị còn “ăn” cả hột vịt (điểm không), cây gậy (điểm một), con ngỗng (điểm hai), lúc đầu tôi vô cùng lo sợ, sợ mình lên lớp Nhất học không nỗi vì môn toán có vẻ quá khó, nhưng sau đó tự trấn an: “Chắc không sao, nếu có khó thì cũng khó từ từ, mà đã có người học được thì mình phải học được!” (Sau này tôi vẫn giữ cách nghĩ đó khi có ai “hù” tôi môn nào đó khó lắm, HS rớt như sung).

Lên lớp Nhất, tôi học với Thầy học kỳ I (học kỳ II học với Thầy Châu). Thầy giảng dạy nhiệt tình, phong cách rất nghiêm trang nhưng cũng thường pha trò (Giờ nhớ lại mới thấy được. Có lần trong môn tập vẽ, có bạn vẽ hình cái chai bị quẹo cổ, Thầy đưa cao cho cả lớp xem và đùa: “Cái chai này nhìn giống như ông say rượu”). Thầy (và cả Thầy Châu) cho chúng tôi làm rất nhiều loại đề Tập làm văn, giải nhiều đề toán, đặc biệt là toán về động tử. Cho làm nhiều loại như vậy cốt để HS hiểu mà tự suy luận làm bài nếu gặp loại đề hoàn toàn mới. Điều đó hoàn toàn ngược lại với kiểu toán mẫu, văn mẫu mà dư luận xã hội hiện nay đang lên án.

Cuối năm lớp Nhất, tôi được xếp hạng ba (Sau Phượng, Hoàng và trước Luân). Ba má tôi được giấy mời đi họp với BGH cùng với phụ huynh của ba bạn kia. Sau đó mới biết là họp để bình xét cấp Học Bổng Đặc Biệt cho một HS nghèo nhất trong số các HS đứng đầu lớp. Thầy Huyện đã thuyết phục các phụ huynh khác nhường Học bổng đó cho tôi. Má tôi cứ nhắc chuyện này mãi về sau này với lòng ngưỡng mộ và biết ơn vô cùng. Học bổng này không biết do tổ chức nào tặng nhưng rất lớn và tặng suốt bốn năm học Đệ nhất cấp. Nó đã giúp gia đình tôi giảm bớt những khó khăn, và quan trọng hơn, là động lực thúc đẩy tôi cố gắng học giỏi để không phụ lòng Thầy.

Hồi đó, học xong lớp Nhất được cấp chứng chỉ và dự thi vào Đệ thất trường Công Lập. Ai không đủ sức đậu vào Công Lập thì ghi tên học ở Trường Bán Công (đóng học phí nặng hơn), ai rớt Công Lập mà không có tiền thì học lại lớp Nhất, mà không học Bán Công, không học lại lớp Nhất thì…nghỉ học, nhưng năm sau vẫn có thể dự thi kiểu thí sinh tự do. Tôi không nhớ rõ ngày thi tuyển, chỉ nhớ là nó đến sau ngày nhập học của trường Tiểu học. Tôi nhớ rõ điều này vì lúc tôi xin học lại lớp Nhất (trong khi chờ ngày thi tuyển, chưa thi mà đã sợ rớt!), Thầy Châu không hề gọi tôi trả bài mà (cùng với Thầy Huyện) đưa tôi làm thử hết đề toán này đến đề toán khác, toàn là những đề khó và lạ. Các Thầy đưa vào giờ ra chơi và bắt tôi ngồi làm tại chỗ, các Thầy đứng sau lưng xem, bài nào tôi giải được, các Thầy rất mừng và khen để khích lệ, còn nếu giải không ra thì các Thầy gợi ý (Giờ mới hiểu đó gọi là “bồi dưỡng”). Lúc đó tôi ý thức được rằng các Thầy rất “cưng” tôi và bọn con gái nói chung (Các bạn trai đừng phân bì nhé!).

Cuối cùng tôi thi đậu vào trường Công Lập. Học Trường THCLTC tôi lại gặp Thầy Huyện hàng ngày trong trường và trên đường đi/về. Vào Đệ Thất, sau thời gian đầu vất vả vì suýt không theo kịp các bạn đã học một năm hoặc học trước vài tháng trong Trường Bán Công (mà đuối nhất là môn Pháp văn và môn Toán), tôi từ từ vươn lên để đến cuối năm đứng nhất lớp. Ngày lễ phát thưởng cuối năm, ngồi ở hàng ghế học sinh, nhìn ánh mắt của Thầy, tôi biết Thầy rất hài lòng và hãnh diện về mình. Tuy Thầy không nói lời nào nhưng ánh mắt đó đã nói được tất cả và tôi hiểu hết. Những năm tiếp theo, Thầy dạy ở lớp tôi nhiều lần và tôi đã cố gắng học thật tốt. Nhớ lại, hồi đó, HS giỏi thật sự được tôn vinh: Hàng tháng có “Bảng Danh Dự” dành cho 5 HS đứng đầu lớp, mỗi học kỳ có “Giấy Ban Khen” dành cho HS đứng nhất, nhì từng môn trong kỳ thi Đệ nhất, Đệ nhị lục cá nguyệt (HKI, HKII); Trường tổ chức thật trọng đại Lễ phát thưởng cuối năm: đón tiếp quan khách thật long trọng; có xen kẽ những tiết mục văn nghệ đặc sắc; phần thưởng (rất chất lượng, gồm sách GK, tự điển,…) được gói trang trí bằng giấy kiếng trong màu đỏ (dành cho hạng ưu), màu vàng rất đẹp; mỗi HS được gọi tên đi lên nhận phần thưởng của mình chứ không phải chỉ có “đại diện lớp”,… Ra đời làm nghề dạy học, tôi càng thấm thía rằng một ánh mắt, một lời động viên, một sự quan tâm của Thầy Cô giáo có ý nghĩa rất lớn đối với HS, không chỉ dừng lại ở lợi ích trước mắt về vật chất. Sau này tôi đã noi gương Thầy trong đối xử với HS của mình. Các Thầy Cô của chúng ta có biết đâu, các Thầy Cô chẳng những là “Thầy” mà nay còn là “Sư Tổ” (Thầy của Thầy) của nhiều con người thành đạt (có người hiện là Hiệu trưởng trường cấp III, nhiều người là Tiến sĩ (thật) và đang giữ những chức vụ quan trọng …Bản thân tôi rất tự hào về điều đó vì ”Con hơn cha là nhà có phúc”).
Lên cấp III, tôi nghe tin Thầy bị bệnh đau cột sống nặng và gia đình đã đưa đi điều trị ở nhiều nơi. Năm 1974, khi chị tôi đậu Tú tài IBM và vào trường Sư phạm ở LX, tôi cùng chị đến nhà thăm Thầy, báo công và luôn thể chia tay Thầy. Nhìn Thầy hai chân bị liệt, nằm một chỗ, tôi tủi lòng lắm. Tuy còn nhỏ nhưng lúc đó tôi vẫn biết là trong cuộc sống, có những tình huống ta không nên có biểu hiện thương cảm, không nên có thái độ tội nghiệp lộ liễu trước bất hạnh của người khác. Vì vậy, tôi cố kìm chế xúc động của mình nhưng vẫn không sao ngăn được những giọt nước mắt cứ tuôn trào. Thầy bảo: “Em Đào (chị tôi) thi đậu như vậy là tốt rồi, năm sau đến em Nga. Đừng lo, Thầy không sao đâu, mỗi người có cái số mà!”. Thầy ơi! Học trò của Thầy bây giờ đã năm chục tuổi rồi! Trong năm chục năm sống trên đời này, em cũng nghe nhiều người nói như vậy. “SỐ PHẬN”! Người ta đổ cho SỐ PHẬN khi gặp chuyện không may, không vừa ý để mà tự an ủi mình vậy thôi. Điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng mỗi lần nghe ai đó đem chữ SỐ PHẬN để gán ghép cho người khác, với giọng điệu kiểu như “Tại SỐ mày nó như vậy đó, mày phải ráng mà chịu” thì em ghét cay ghét đắng hai chữ SỐ PHẬN! Đã nhiều lần em nói như anh Ông Dung Thông: “Trời cao không có mắt!”

Sau đó, Cô đã đưa Thầy về sống ở quê cô. Tôi đi học xa rồi cũng bị cuốn vào những cơn lốc của cuộc đời, phương tiện liên lạc, đi lại khó khăn,… nên tôi không có diều kiện thăm Thầy. Mỗi lần về quê, gặp em gái, em trai của Thầy (Chị Nhiên, Khương) dạy chung trường với bà chị, tôi hỏi thăm Thầy, hỏi thăm đường đi đến nhà Thầy, nhưng lần nào Khương cũng nói: “Nhà của Anh Hai khó tìm lắm. Chừng nào có dịp em sẽ chở chị đi, chứ em chỉ chị tìm không ra đâu”. Khi Ba Má tôi lần lượt qua đời, mỗi lần về quê tôi không còn Ba Má để quấn quít nữa, sẵn dịp hỏi thăm được nhà Thầy qua một cô giáo, nhất là khi có được chiếc xe gắn máy có thể chủ động đi đây đó, tôi đã liên hệ và ghé thăm Thầy được vài ba lần (từ năm 2002). Thì ra dù nhà khó tìm cỡ nào nhưng nếu chịu khó hỏi thăm thì cũng tới được (Ông Bà mình đã bảo “nhà ở tại miệng” mà!).

Gần 30 năm mới gặp lại Thầy Cô, tôi thật bồi hồi xúc động. Thầy không già đi mấy, hàng ngày bán thuốc Tây lẻ trị bệnh cho người, gia súc trong xóm, kèm cặp các cháu học, rảnh thì đọc thêm kệ kinh để dưỡng tâm. Nhưng Cô thì quá nhiều thay đổi! Tất nhiên, gần ba chục năm trời thì còn gì, nhất là với gánh nặng gia đình chồng chất như vậy. Nhìn Cô, tôi ngạc nhiên và vô cùng xót xa nhưng phải kềm chế để không thốt lên câu: “Cô ơi! Em nhìn Cô không ra!”. Khi Cô hỏi tôi: “Bây giờ cưng làm gì, ở đâu?”, Thầy đã vội đỡ lời tôi: “Nó cũng tương tự như em vậy đó...”. Khi chỉ có hai cô trò, cô kể cho tôi nghe những nỗi gian truân từ khi Thầy bị bệnh, nhất là khi các em còn nhỏ. Nhưng chùm rể đắng cay đó nay đã cho những hoa quả ngọt lành. Các em đều trưởng thành, có nghề nghiệp (có em là dược sĩ c/t ở SG)”. Hằng ngày cô vẫn đi bán thuốc Tây dạo cho hàng xóm, Thầy thì bán ở nhà cho vui. Đặc biệt, tuy nằm một chỗ nhưng Thầy vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cô: là tư vấn đắc lực cho cô về kiến thức y, dược; là “gia sư” xuất sắc tất cả các môn học cho con cái và sau đó là cho các cháu ngoại, nội (Thầy có điều kiện để đọc và nghiên cứu). Thầy thì nói với tôi: “Thầy chỉ mong sống cho đến khi nào đứa cháu cuối cùng vào được đại học”. Khi tôi ao ước đường xá trong xã thuận lợi để Thầy có thể chạy xe 3 bánh đi đây đi đó cho đỡ bẩn chật, thì Thầy bảo “Hệ tuần hoàn, hệ thần kinh của Thầy đã thích nghi với tư thế nằm rồi. Giờ ngồi dậy là thấy chóng mặt và khó chịu lắm. Thầy chấp nhận như vầy. Cứ nghĩ đây là bất hạnh trời dành cho mình chứ không phải cho ai thì sẽ thấy mọi thứ dễ chịu”. Lại hai chữ SỐ PHẬN!

Một điều đặc biệt cần nói với các bạn là Thầy còn nhớ và hỏi thăm về nhiều học trò cũ, đặc biệt là chị Lâm Thị Nghĩa. Qua mục Giao Lưu, biết các bạn định đi thăm Thầy, tôi cũng mừng lắm và mong ngày đó đến sớm nhất (trong điều kiện có thể) VÌ HOÀNG HÔN ĐANG XUỐNG VỘI rồi! Bản thân tôi cũng tự hứa với lòng là nhân những chuyến về quê, sẽ cố gắng liên lạc để đi thăm các Thầy Cô lâu ngày không gặp. Có lẽ ai cũng hiểu được điều đơn giản này: Dù Thầy Cô không ai đòi hỏi sự đền đáp của HS, nhưng sự thăm viếng, hỏi han của học trò cũ luôn là món quà vô giá.
Tất cả chúng ta, những cựu HS trường THCLTC, đều cầu mong các Thầy Cô của mình được đại thọ để mình còn hạnh phúc được gọi những tiếng THẦY, CÔ....
Phan Thị Nga
(Viết xong lúc 21g16’ ngày 21/8/2007. Đọc lại, tôi thấy rõ ràng mà mình viết gì cũng dài dòng văn tự, chán chết! Viết xong bài này thì cơ bản tôi đã tự trả cho mình món nợ canh cánh bên lòng mấy tháng nay. Tôi viết được bài này nhờ những ngày đi công tác, tạm ngưng làm nhiệm vụ của một “hoa hậu” trong gia đình. Thế là kết thúc những ngày hè...bận rộn. Kế tiếp sẽ là một năm học...đầu tắt mặt tối! PTN)


Phản hồi của Vô Thường Niệm
{L_QUOTE}:
Trường tổ chức thật trọng đại Lễ phát thưởng cuối năm: đón tiếp quan khách thật long trọng; có xen kẽ những tiết mục văn nghệ đặc sắc; phần thưởng (rất có giá trị, gồm sách giáo khoa, tự điển,…) được gói trang trí bằng giấy kiếng trong màu đỏ (cho hạng ưu), màu vàng (cho những hạng còn lại) rất đẹp; từng HS được gọi tên đi lên nhận phần thưởng của mình chứ không phải chỉ có “đại diện lớp

Chính xác là như vậy: Lễ phát thưởng cuối năm bao giờ cũng long trọng, phần thưởng rất có giá trị, được trang trí đẹp và đặc biệt là rất hữu ích đối với học sinh. Cụ thể là đối với các học sinh nhận phần thưởng hạng ưu, hạng nhất bao giờ cũng có đủ bộ sách giáo khoa cho năm học kế tiếp. Giấy khen kèm theo phần thưởng(thời của tôi) luôn đượcviết nắn nót bằng ngòi viết "rông" do thầy cô có nét chữ đẹp nhất trường viết.
Phần thưởng dành cho học sinh giỏi nhất trường (thời của tôi, cấp tiểu học) có ghi 2 hàng chữ đỏ tươi sau đây:

Phần thưởng Ưu Hạng Toàn Trường
Do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tặng


Tôi nhớ rõ 2 câu này là vì có một năm (năm lớp nhì thì phải) tôi chỉ nhận được giấy khen chớ không có phần thưởng: năm đó lụt rất lớn, nước nghèo, địa phương nghèo, nhà trường không được cấp tiền mua quà phát thưởng cho học sinh. Thấy hiệu trưởng sau khi xướng danh tôi lên nhận "phần thưởng" đã thay mặt nhà trường, Bộ Giáo Dục và Tổng Thống "gởi lời xin lỗi đến phụ huynh và em...".

Lễ phát thưởng hồi xưa nghiêm túc và có ý nghĩa biết chừng nào! VÔ THƯỜNG NIỆM


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» THẦY NGUYỄN VĂN HUYỆN - TNP «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu