Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 23 Tháng 9 2024, 12:34
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 1-2-3) «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1477 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 1-2-3)
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 7 2007, 02:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
Các anh chị, các bạn thân thương của tôi ơi!
Bây giờ là 0g05’ ngày 03/4/2007. Bình thường giờ này tôi đã say giấc sau một ngày làm việc cật lực vì đang vụ mùa căng thẳng. Nhưng đêm nay tôi cứ trằn trọc mãi. Một là vì ngoài kia trăng sáng quá (đêm nay là 16/3 âl). Hai là những thước phim của thời quá khứ, một thời vô tư trong sáng của tuổi học trò cứ mãi chiếu hiện trong tôi. Dù biết rằng thức dậy giờ này và ngồi vào máy là tôi sẽ thức đến gần sáng, điều đó hứa hẹn một ngày mai sức kiệt và nhức nhối hai lá phổi, dù sau khi đọc những thông tin trên trang web, tôi tự hứa với lòng là phải kềm chế đến tháng 7 mới về «họp đàn», nhưng tôi vẫn vùng dậy để dang đôi cánh mỏi và đầy thương tích bay về với mọi người đây.

Các anh chị, các bạn có biết không, khi biết có trang web của chúng mình, tôi đã vào đọc ngấu nghiến mọi thông tin rồi mừng đến rơi nước mắt vì có nhiều người cũng có «tâm hồn quá khứ» như mình, hơn nữa vì từ nay mình có phương tiện để cùng nhau «nối vòng tay lớn», dù có thể ở ngoài đời mình không còn dịp để gặp nhau nữa! Sáng nay lên mạng, nghe «Tiếng chim gọi đàn» của anh (hay chị?) Vô Thường Niệm, tôi bị ám ảnh mãi bởi những câu :
« ...xin hãy nhanh chóng về đây, bên nhau những ngày cuối đời. Hoàng hôn bao giờ cũng vội”, “ ...những đôi cánh mỏi, những giọng kêu khàn, những trái tim đầy vết thương sâu".
Hoàng hôn bao giờ cũng vội.
Hoàng hôn đang xuống vội!”.


Ôi sao mà tâm đắc thế! Vì tôi vẫn thường nghĩ mộc mạc [i]«Bây giờ mình còn khỏe, biết tháng tới, năm tới còn rảnh rỗi và còn khỏe, còn sống hay không! Bởi mình đang đứng ở bờ dốc bên kia của đời người, bởi đời ai học được chữ ngờ và bởi đời người ta có quá nhiều tai ương!»[/i]

Cũng như mọi người, những kỉ niệm đẹp của một thời áo trắng không bao giờ phai mờ trong tôi. Rồi những lần về quê, có dịp đi ngang qua trường cũ, tôi thường đi chậm lại, có khi dừng xe hẳn lại để nhìn vào, rồi kể với thằng con: «Ngày xưa, phòng đó là lớp của mẹ,...Ngày xưa, không có cảnh nữ sinh mặc áo dài chạy xe đạp đâu con, mà họ gởi xe ở nhà người quen rồi thay áo dài và đi bộ tới trường...Ngày xưa,... » Có khi tôi muốn bước vào trường nhưng ngại sẽ không còn người quen để gặp, ngại sẽ gặp những ánh mắt lạ lẫm, kinh ngạc của lũ học trò...Khi đi ngang trường Nam tiểu học cũ, tôi cũng bảo «Hồi đó mẹ học lớp 6, lớp 7 ở đây... ». Những câu chuyện vui thời đó mấy đứa con tôi rất thích thú khi nghe mẹ kể...

Chỉ riêng khóa của tôi (1968-1975) là đã hơn 200 học sinh. Bây giờ các bạn đang ở đâu các bạn ơi? Mong rằng như lời của anh V.T. Niệm « ...những thế hệ học trò trường Trung Học Công Lâp Tân Châu năm xưa, nay dù đang phiêu dạt nơi đâu trên hành tinh đã trở nên bé nhỏ nhờ những thành tựu khoa học lớn cho phép con người đến bên nhau chỉ bằng một cái click này, chẳng chóng thì chầy rồi cũng sẽ quay về họp đàn»
Hãy nhanh chóng bay về đàn. Một lời nhắn nhủ, một lời thăm hỏi cũng làm ấm lòng nhau, phải không các bạn ?
---------------------------------------
Xem lại những tấm ảnh thời xưa, tôi thấy nhớ thầy cô quá, thấy hình ảnh bọn học sinh đáng yêu làm sao! Đây là những anh chị khoá đầu, nhỏ bé đáng yêu như vậy mà….bây giờ tuổi đã hàng «năm» rồi! Đây là thầy Tòng, thầy Đoàn, thầy Út, thầy Phúc,…Trong đầu tôi hiện lên rõ mồn một những hình ảnh, những câu chuyện của thời ấy…

Vào đệ thất, lớp tôi toàn là con gái, đến lớp mười thì có thêm «ngũ quỉ» (mà hiền như bụt), đến lớp 12, do chuyển ban nên thêm được một dãy bàn con trai. Dù ở lớp nào, lớp tôi cũng nổi tiếng là nghịch ngợm, chọc ghẹo các bạn trai cùng lớp, khác lớp và…lí lắc cả với các Thầy Cô.
Tôi xin lần lượt kể lại «thành tích» của bọn tôi thời ấy…

VỚI THẦY DƯƠNG VĂN ÚT


Năm Đệ lục (lớp 7), bọn tôi học Pháp văn với thầy Út. Bọn tôi truyền tai với nhau rằng thầy rất giỏi Pháp văn vì hồi xưa thầy học trường Pháp. Và đúng như vậy, Thầy đọc và nói rất hay, rất lưu loát. Nhớ nhất là tính thầy rất phóng khoáng, lạc quan, hay kể chuyện vui, qua đó giáo dục nết ăn, nếp ở cho bọn trò nhỏ. Có những chuyện Thầy kể đến giờ tôi còn nhớ như in. Do Thầy bận việc quản lý trường Nam TH nên có những tiết Thầy không lên lớp được mà giao bài cho bọn mình tự chép lên bảng, sau đó (cuối tiết hoặc tiết sau) Thầy mới giảng và cho làm bài tập. Khi thấy đã muộn giờ, thầy, với cặp da vàng kẹp nách, bước vội vào lớp và hỏi «Học tới đâu rồi các con?». Thầy lại hay quên nên có khi bọn tôi, do ham nghe thầy kể chuyện, đã giả bộ nói với thầy rằng bài Grammaire đó thầy giảng rồi. Được thầy kể chuyện nghe là sướng mê tơi rồi (nháy mắt cười hí hí với nhau), còn bài vở có hiểu hay không...cứ để đó! Lí lắc quá phải không các bạn? Ngày đó nếu thầy mà biết được thì chắc thầy cũng cười hì hì và tha thứ? À, bọn mình còn thích thầy kể chuyện còn do ở chỗ sau khi kể cho bọn mình cười, thầy cũng cười thoải mái...nhưng ngộ nghĩnh một điều là thầy cười thì «tiếng trống», mà thầy nói thì «tiếng mái». Nghe thầy cười tiếng trống bọn mình càng cười già. (Xin vong linh thầy tha lỗi, bọn con còn con nít nên vô tư thế chứ không có ác ý gì Thầy ơi! Bọn con nay vẫn biết dạy con cái là không được cười những tật bẩm sinh của người khác mà)

Có lần, vì mê nghe thầy kể chuyện nên bọn mình nhiều đứa há hốc mồm. Thấy vậy, Thầy ngưng lại và nói: «Mấy con há hốc mồm như vậy nguy lắm nhe!» - «Sao vậy, thưa Thầy?» - «Ừ, muốn biết sao thì nghe thầy kể thêm chuyện này nè...
«Ngày xưa, trong một gánh hát bội....(1)...»
Lần khác, thấy bọn mình đọc bài lecture không đều, cứ ê a đứa trước đứa sau,Thầy cười và bảo: «Các con đọc nghe “lỏn tỏn” quá! Biết lỏn tỏn là gì không? Các con nghe thầy kể chuyện này rồi sẽ biết...
Có một cậu bé đi chợ mua dép...(2) ...»

Các bạn hãy giúp mình kể tiếp hai câu chuyện trên nhe các bạn, mình chờ đấy.

Thầy còn có cái độc đáo nữa là dạy bọn mình các bài văn vần bằng tiếng Pháp và cách diễn tả bằng điệu bộ khi đọc. Đứa nào cũng phải thuộc, Thầy chỉ định là phải lên diễn. Thầy dạy 2 bài, trong đó có bài “Le bon écolier”. Hồi đó được thầy dợt bài này quá kỹ nên đến giờ tôi vẫn còn nhớ được nhiều. Để tưởng nhớ Thầy, tôi xin chép lại, nếu có sai và thiếu, các bạn sửa và bổ sung dùm nhe.

Le bon écolier

Maintenant, je vais à école.
J’apprends chaque jour ma leçon.
Le sac qui pend à mon épaule
Dit que je suis un grand garçon

L’an passé cela va sans dire.
J’étais petit, mais à présent
Que je sais compter, lire, écrire.
C’est bien certain que je suis grand

Quand le maître parle
J’écoute, et je retiens ce qu’il me dit.
Il est content de moi sans doute
Car je vois bien qu’il me sourit. (đến câu cuối này là phải đặt ngón tay trỏ lên mép miệng và … nghiêng đầu cười duyên)


VỚI THẦY NGUYỄN TRỌNG PHÚC


** Trong 7 năm tôi học ở trường thì thầy Phúc là Hiệu trưởng, có năm Thầy dạy bọn tôi môn Công dân. Có lẽ vì là hiệu trưởng nên lúc nào thầy cũng có phong cách đường hoàng, đĩnh đạc, nghiêm trang, cả khi đứng phát biểu trước toàn trường và những lúc có việc đến nói chuyện với từng lớp. Bọn tôi rất “ngán” Thầy và thường bảo với nhau là Thầy “khó” lắm, coi chừng đấy. Biết là vậy, nghĩ là vậy, nhưng tôi vẫn cảm nhận được là Thầy nói chuyện rất văn vẻ, lưu loát (thời đó bọn tôi không biết là thầy học văn) và nội dung có tính giáo dục rất cao. Nghĩ là thầy “khó” nhưng bọn tôi vẫn có trò nghịch ngầm với thầy. Các bạn nhớ không, khi nói chuyện thầy thường dùng từ “nhé” (thay vì “nghe”, “nghen”, “ngheo”, “nhe” như bình thường). TD: Thế này nhé….Các em nhé…..Nhé các em…Thấy ngộ nghĩnh quá nên mỗi lần Thầy vào lớp nói chuyện hoặc dạy, một số đứa trong đó có tôi vừa học vừa để tập nháp trước mặt để ghi (theo kiểu đếm phiếu) xem Thầy nói bao nhiêu lần từ “nhé” rồi sau đó đem đo lại với nhau xem đứa nào ghi dược nhiều hơn! Rõ ràng hết sức là “con nít” phải không các Anh Chị, các Bạn?

Năm đệ lục, lớp tôi có thêm cô bạn dịu dàng, xinh đẹp, tốt bụng, thông minh mới chuyển đến là Phạm Thị Thùy Hương, là em cô cậu của thầy Phúc. Qua bạn Thùy Hương, bọn tôi biết thêm một số chuyện về thầy. Đặc biệt là chuyện tình cảm giữa thầy và cô Vân, chuyện một số cô giáo khác cũng đặc biệt mến thầy. Đầu óc non nớt của bọn tôi lúc đó cũng biết cảm nhận thêm một điều là, tuy có vẻ khó tính, nghiêm nghị với học trò nhưng thầy có sức thu hút đối với người lớn, là thầy rất “hào hoa phong nhã”. Dù không biết gì về tình yêu của người lớn nhưng bọn tôi cũng để ý theo dõi và cũng mong tình cảm của thầy cô được suôn sẻ.

** Đó là những chuyện vui. Còn chuyện buồn thì các anh chị, các bạn đã biết. Tôi cũng là nhà giáo sống chết với nghề, nhưng có giai đoạn hoàn cảnh đưa đẩy tôi cũng không được đi dạy mà phải làm những việc không cần đến mảnh bằng sư phạm, nên tôi rất thấu hiểu sự hụt hẫng của Thầy khi phải về vườn làm nông dân. Thời gian đó, mỗi lần đi qua một trường học là mỗi lần lòng tôi nhói đau vì mình là người ngoại cuộc “Trường đó là trường của người ta ư? Học trò đó là học trò của người ta ư”. Nhưng tôi may mắn hơn Thầy vì năm sau được trở lại nghề (làm lại từ đầu), còn Thầy thì, như anh Trần Công Bá nói “…Chuyện đời của Thầy rất dài, nhưng đường sự nghiệp của Thầy quá ngắn…”.

Từ lúc có điều kiện về họp mặt với Thầy Cô, bạn bè (20/11/2005), rồi được xem quyển lưu bút trong đó Thầy chắt chiu, nâng niu từng tấm ảnh, từng dòng lưu bút hằng năm của học trò cũ; được Thầy tặng tài liệu về lịch sử nhà trường, tôi mới hiểu thế nào là cụm từ “góp nhặt kỉ niệm”, mới hiểu ra một điều là mấy chục năm nay tôi đã quá vô tình. Cuộc sống vất vả với những lo toan triền miên (nghèo khổ, con mọn, cha mẹ đau yếu, chồng bệnh, miếng cơm manh áo,…) đã vắt kiệt sinh lực làm tôi không có điều kiện để thường xuyên thăm viếng các Thầy Cô, dù trong lòng tôi luôn hướng về quá khứ, đặc biệt là từ những năm lên “hàng bốn” – đến tuổi “hồi đó”. Nhưng, như bao người đưa đò thầm lặng khác, với sự thấu hiểu và lòng bao dung, Thầy nào có trách ai, ngược lại Thầy rất mừng mỗi khi có thêm học trò cũ tìm về tổ ấm, mỗi khi nhận được email hay điện thoại thăm hỏi của họ. Và tôi cũng cảm thấy thật tội lỗi khi vài lần để Thầy phải điện cho mình. Tôi biết Thầy buồn và nhớ thương học trò, nhất là những đứa bất hạnh như tôi.

Qua hình ảnh của Thầy, tôi cảm nhận thật đầy đủ thế nào là lòng yêu nghề, yêu người của nhà giáo, hiểu đầy đủ giá trị của những kỉ niệm, kỉ vật mà người ta đã tạo ra, đã trao cho những người thân quen, hiểu thế nào là hạnh phúc của sự sum họp,… lại càng thấm thía thế nào là sự lãng phí nhân tài của xã hội…
Tôi cũng cảm nhận được là chúng mình còn hạnh phúc lắm khi vẫn còn có những người để mình gọi là “Thầy”, “Cô” với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn.
Tôi cũng thật sự cảm kích trước việc một số bạn, từ những năm chín mươi, hằng năm đã tổ chức họp mặt Thầy Cô, bạn bè nhân ngày Nhà Giáo VN. Tôi là một trong những người tìm về tổ ấm muộn hơn, nhưng vẫn còn kịp, phải không các bạn?
Hiện nay Thầy Cô đã an phận với cuộc sống giản dị, thoát vòng danh lợi, vui thú điền viên. Hè năm 2006 đến thăm nhà Thầy Cô, tôi chỉ có một ao ước là chóng đến tuổi nghỉ hưu để được sống như Thầy Cô bây giờ.

(Tối 6/5/2007)


VỚI THẦY VÕ VĂN NHIỀU
("Cậu Tư Kiên bán bánh lọt")


Tôi không nhớ rõ chính xác là năm lớp mấy thì lớp tôi học với Thầy Nhiều, dường như đệ lục, môn hóa thì phải? Vì tôi nhớ có lần sau khi giảng xong một phản ứng hóa học (theo kiểu acid + baz ==> muối + nước) mà kết quả cho ra một thứ muối gì đó, thầy hỏi bọn tôi: “Muối này có ăn với cóc ổi được hông mấy nhỏ? Hổng được nghe hông!”. Đến đệ nhị cấp thì có năm Thầy dạy bọn tôi môn toán. Từ lúc học với Thầy thì bọn tôi đã gọi (lén) Thầy là “Cậu Tư Kiên bán bánh lọt” với lòng kính yêu, ngưỡng mộ và trìu mến đặc biệt. Thời đó tôi cũng biết “Cậu Tư Kiên” là một nhân vật trong tuồng cải lương như anh Ông Dung Thông đã nói, nhưng vì sao có đứa lại thêm cái đuôi “bán bánh lọt” thì đến giờ tôi vẫn mù tịt (Bạn nào biết giải thích dùm nhe). Lên cấp III thầy dạy bọn tôi môn toán.

Trong đầu óc tôi từ xưa cho đến bây giờ, các Thầy Cô mình ai dạy cũng hay, ai cũng được đào tạo chu đáo. Đặc biệt là mỗi khi nghĩ đến cụm từ “năng lực sư phạm” là tôi nhớ ngay một điển hình là Thầy Nhiều; mỗi khi nói đến tính khôi hài (cần thiết) của nhà giáo là tôi cũng nghĩ đến Thầy. Sau 30/4/1975 nghe Thầy lên làm công tác quản lý ở trường rồi phòng giáo dục Tân Châu, lòng tôi cứ thấy tiên tiếc cho các em phổ thông vì chúng không có diễm phúc được học với Thầy.
Thật vậy, với phong thái khoáng đạt, ung dung, độ lượng, với giọng nói ấm áp, chậm rãi, với những câu pha trò đúng mức, đúng chỗ, cách ví von rất hình ảnh và sinh động, Thầy đã tạo được những điểm nhấn rất ấn tượng cho từng bài giảng, làm cho không khí lớp học sinh động, sôi nổi và nhất là ai cũng hiểu bài, ngay cả một số bạn đã phần nào mất căn bản. Lúc học toán với Thầy, tôi mê nhất là cái khoản Thầy chứng minh các hằng đẳng thức quan trọng và thích các bài về tổ hợp, chỉnh hợp. Có lần dùng toán giai thừa Thầy đã chứng minh được (1 = 0), bọn tôi nhìn hoài mà không phát hiện cái lắc léo và sai là ở chỗ nào, chỉ biết mở to mắt kinh ngạc (Rồi Thầy chỉ ra là sai ở chỗ nào, mình quên rồi, các bạn còn nhớ không, chỉ cho mình với!). Học giờ Thầy, bọn tôi mong cho lâu hết giờ nhưng giờ vẫn mau hết.

Đọc các bài viết “Thầy Cô cũ”, phần nói về “Cậu Tư Kiên” và “Lệnh Hồ Đại Ca” của anh Ông Dung Thông, tôi thấy ganh tị vì tác giả có nhiều kỉ niệm thật vui về Thầy. Riêng cái khoản “móc họng” thì đối với lớp tôi có khác, có lẽ do chỉ toàn là con gái nên với bọn tôi, Thầy không tếu kiểu “móc họng” mà là rất nhẹ nhàng. Cũng là phê phán nhưng nghe chỉ mắc cười để tất cả cười xòa chứ không có gì nghiêm trọng. Thấy có đứa cúi xuống ăn vụng, Thầy điểm mặt: “Con nhỏ đó! Cù bơ… cù bất!”; Đi xuống các dãy bàn học trò, thấy đứa nào ghi bài, làm toán sai Thầy giơ cuốn sách lên và “bốp” vô đầu; Đứa nào giỡn quá lố cũng được “bốp” hoặc bị cảnh cáo “Chết mầy bây giờ! Cù bơ…cù bất” (kiểu mắng yêu, đánh yêu ấy mà). Khi dạy đến bài “Nguyên hàm”, bọn mình cứ nói tếu cho Thầy nghe là “nguyên một hàm”, Thầy cười và còn nói thêm: “Ừ, nguyên một họng”(ám chỉ mấy đứa ăn vụng)

Ôi sao các Thầy của bọn mình hồi đó, cũng đánh, cũng nhéo tai, có thầy cũng “mày mày tao tao”, “con nhỏ này, “con nhỏ đó”, nhưng nghe không có chút gì gọi là phản sư phạm, là xúc phạm nhân cách học sinh! Sao lạ thế không biết? Đó là do cái tâm của các Thầy quá trong sáng! Bọn học trò chúng mình tuy nhỏ nhưng cũng rất tinh tế, phải không các bạn? Ngày nay, có khi biết được chuyện một số giáo viên ghi vào sổ đầu bài cả những lỗi lầm không đáng của học sinh để trừ điểm thi đua (như “Nghiệp quay qua phải 3 lần”, “Điền quay qua trái 2 lần”, “Hòa, Kịp ăn vụng”,…), rồi có người chỉ vì một tiếng gọi “bả” sau lưng của học sinh mà bắt làm kiểm điểm, hăm he đủ điều đến nỗi em đó nhảy sông tự tử, mà tôi thấy “hỡi ôi” và lúc đó những trang “cổ tích hồng” lại sống dậy trong tôi đó các bạn. Các bạn có thấy là tôi không hề tô hồng quá khứ, mà đó là sự thật ? Câu nói của anh V.T. Niệm “Nhìn xem, con cháu chúng ta không có cổ tích hồng” làm ta phải lặng người suy tư.

Lớp mình còn có một kỉ niệm vui với Thầy. Đó là chuyến thầy trò đi tắm cồn Long Khánh bị chìm tàu tắc ráng.
Cồn Long Khánh, quê hương của nhiều người đẹp (mà điển hình là Mợ Tư Kiên), có bãi cát thoai thoải chạy dài nhìn ra sông Tiền mênh mông bát ngát, ôi đẹp không thua bất cứ bãi biển nào! Thầy trò trường THCLTC lâu lâu lại rủ nhau đến đó dựng lều, tắm, ăn uống, đùa giỡn cả ngày. Nắng, gió và nước làm cho da dẻ, lúc đi thì trắng trẻo, lúc về thì đỏ như tôm luộc, mấy ngày sau thì như anh Bảy Chà Hynos! Thường là lớp tổ chức và mời các Thầy Cô tham dự. Lần đó lớp mình đã chuần bị một nồi chè thưng hột lựu tổ bố, bánh mì thịt,…rất chu đáo và mời các Thầy Nhiều, Tài, Xuân (?),…Các Cô Điệp, Mỹ Kiên,…cùng đi.
Lúc xuống tàu tắc ráng ở bến đò Long Khánh, do không chú ý nên tất cả đã dồn xuống một chiếc (gấp đôi tải trọng). Đến quá giữa sông thì con tàu từ từ bị vô nước. Thấy không êm, một số đứa biết bơi, trong đó có tôi (anh hùng rơm) nhảy xuống để nâng cho nó đừng chìm, nhưng cuối cùng nó cũng chìm hẳn. Thế là tất cả cứ lóp nga lóp ngóp, hì hục bơi theo bản năng sinh tồn, nhưng biết là còn lâu mới vào tới bờ. Lo sợ quá, tôi không biết cái gì đang diễn ra xung quanh nữa, chỉ nhớ hình ảnh bạn Thắng – một vận động viên điền kinh của lớp vừa bơi vừa bảo vệ - “dìu” nồi chè thưng cho đừng vô nước (Phục sát đất phải không các bạn?). Đến chừng đã thấy quá đuối sức, ai cũng tưởng phen này đi đứt thì may sao, có người tình cờ phát hiện được một cái gò gần đó. Thế là tất cả tập trung về đứng trên gò đó và tận dụng tất cả những gì đang có (quần, áo, khăn,…) để vẫy gọi các đoàn đã đến trước trong bờ ra tiếp cứu (Không biết của trường nào. Sau đó mới biết là họ cứ tưởng bọn này giỡn nên cứ tỉnh bơ). Mình nhớ lúc mọi người đang ra sức vẫy gọi thì chợt thấy "Cậu Tư Kiên" đang bơi ở ngoài xa. Thoạt thấy cứ tưởng là Thầy giỡn, nhưng lập tức nghe Thầy kêu đứt quãng: “Cứu…cứu… Thầy…với”, một bạn đã bơi ra dìu Thầy vào (Bạn nào mình quên rồi?). Một phen hú vía!
Khi tất cả được một chiếc tắc ráng khác đưa vào bờ, cả bọn đang lo kiểm điểm đồ đạc xem còn, mất thế nào thì nghe tiếng Thầy sau lưng: “Sao, bánh mì biến thành cháo hết rồi, phải hông?”. Vâng, bánh mì biến thành cháo, nhưng nồi chè thưng, đồ đạc vẫn còn nguyên….Chỉ có… hai Thầy bị thiệt hại: một Thầy mất cái đồng hồ, một Thầy mất 1 chiếc giày (dường như là Thầy Nhiều và Thầy Tài thì phải?). Còn mình cũng bị mất một thứ mà không dám nói, cũng may mà không bị “mắc từng dưới”(!). Một chuyến đi chơi gặp nạn, nhưng cũng thật vui, phải không các bạn? Giờ nhớ lại, mình thấy thật cảm phục những ai đó đã bơi dìu Thầy vào, dìu vài bạn không biết bơi (Mình nhớ Chị Thuân là một trong vài người không biết bơi), giữ được đồ đạc, chén bát, lều bạt,... Còn mình thì thật đúng là “anh hùng rơm”, từ lúc tàu chìm thì tay chân bủn rủn, lo bơi một mình mà còn muốn hụt hơi!

**************


Đầu năm 2006, nhờ anh Tiếu và anh Diếp, tôi biết được số ĐT của Thầy ở SàiGòn và đã gọi điện thăm hỏi. Dù đã lâu không gặp Thầy nhưng tôi chỉ nhắc vài chi tiết là Thầy nhớ ra ngay (Năm tám mấy, khi Thầy làm trưởng phòng GD, chị tôi là lính của Thầy, có lần về quê tôi có ghé gặp chị và thăm Thầy). Trước khi gác máy, Thầy bảo: “Em có rảnh gọi cho Thầy chứ Thầy không còn thấy đường để gọi cho mấy em”. Thật buồn phải không các bạn? Một vụ TNGT đã làm Thầy mù mắt! Tôi tự hứa khi có dịp đi SG sẽ ghé thăm Thầy Cô.

Rồi cái dịp mong đợi đó cũng đến. Tháng 8/2006 tôi được cử đi dự tập huấn ở SG. Tranh thủ một buổi chiều được nghỉ, từ nơi ở, tôi bắt xe ôm vượt 20km tìm đến Chung Cư Thanh Niên, đường Bàu Cát 2 để thăm Thầy Cô. Vì nằm ở ngoài cùng trên tầng 4 nên căn hộ của Thầy Cô ba bề gió lộng, mát lạnh như ở Đà Lạt. Thầy trò gặp nhau vui mừng khôn xiết, Thầy Cô vẫn không thay đổi mấy, tất nhiên “thời gian không tha thứ một ai”…. Thầy suốt ngày ôm cái radio nghe không sót một chương trình nào. Lúc đầu Cô không nhớ ra nhưng khi tôi nói mình học chung với Bảo Toàn thì cô nhớ ra liền và còn bảo cô nhớ hồi xưa tôi có mái tóc dài, ngồi ở mấy bàn đầu, nhớ tôi ở gần nhà một người bà con của cô. Thật cảm động! Trong câu chuyện quá khứ đan xen hiện tại, nhiều lần cô ngừng lại nhìn tôi mà nhắc lại câu này như thảng thốt: “Con nhỏ này, ngộ thiệt à! Đi thăm Thầy Cô cũ, hiếm thật!...”. Nhưng tôi biết do Cô quá vui và bất ngờ nên nói vậy chứ không hiếm đâu: trước tôi đã một số bạn ghé thăm Thầy Cô, ngay trong giai đoạn cuộc sống Thầy Cô cam go nhất; có vài bạn đang sống, làm việc ở SG cũng ghé thường xuyên (vợ chồng anh Diếp, lớp D khoá 1068-1975). Cô kể rằng khi Thầy mới bị mù, cô rất hụt hẫng vì trước nay mọi việc bên ngoài xã hội đều do Thầy, vốn tính rất ga lăng, lo hết. Giờ cô phải thay Thầy làm tất cả những việc đó. Nhưng rồi dần dần cô đã thích nghi được và nghĩ trường hợp mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Vâng, đó cũng là một triết lý sống phải không các bạn? Triết lý về sự “tương đối”! Nhưng dù gì thì mỗi lần hình dung Thầy mãi mãi sống trong tăm tối, ai mà không phải chạnh lòng, xót xa! Ôi Cậu tư Kiên bán bánh lọt yêu quí của chúng em! Ôi sao mà thấm thía cái câu “Đời ai học được chữ ngờ”!

Quyến luyến biết bao khi Thầy trò chia tay nhau. Cô tiễn tôi xuống đến tầng hai, tôi phải nói mãi Cô mới chịu dừng lại nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng.
(Cũng may lúc đến thăm Thầy Cô, cái máy ảnh điện tử cổ lỗ sĩ của tôi còn được 2 kiểu. Và thế là các bạn được xem hình ảnh của Thầy Cô sau mấy chục năm - ảnh chụp vào tháng 8/2006)

(CÒN TIẾP)


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 1-2-3)
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 6 2010, 20:54
Ngoại tuyến
Member IV
Member IV

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 6 2010, 18:49
Bài viết: 176
Ngọc La thân.
Tối hôm nay Nhà Quê mới đọc bài "bay vội về đàn" của bạn trong phần 3 bạn có nhắc tới việc đi tắm cồn, cuối cùng là mấy anh chàng hải quân vớt tụi mình đó vì lúc đó Nhà Quê cũng có mặt nừa. Sao mà nhớ dai và dài nữa, từng đoạn, từng đoạn tụi mình nhớ lại kỷ niệm xưa.

Còn bài đôi dép mình đã viết 3 lần rồi sao nó chạy đâu mất tiêu rồi buồn ghê. Tại vì khi đọc bài các bạn xong lòng dạt dào cảm xúc thì mới viết tiếp được. Cũng như bạn nào đã đăng cái bồn nước Tân Châu mình còn nhỏ có lần dân Tân Châu uống nước chông chổng trong bồn nước đó vì có người té trong đó nhưng không ai phát giác. Còn trong Ngày xưa thân ái của Dạ Lý mình lại quên nữa rồi, không biết đọc đoạn náo có nhắc việc chông chổng trôi sông. Các bạn có biết không, có lần mình vừa gánh nước đầy các lu nhà mình khoảng nửa tiếng sau thì có anh chông chổng trôi ngang đoạn sông nhà mình thế là phải đổ đi tất cả các lu nước. "Mắc cừ" quá mấy mươi năm nín lặng giờ thì được dịp tuông trào hi hi... để làm hành trang vào viện dưỡng lão hi hi ......tạm ngưng, hôm khác viết tiếp.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 1-2-3)
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 6 2010, 11:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
Nhà Quê {L_WROTE}:
"Mắc cừ" quá mấy mươi năm nín lặng giờ thì được dịp tuông trào hi hi... để làm hành trang vào viện dưỡng lão hi hi ......tạm ngưng, hôm khác viết tiếp.

Đúng vậy đó Nhà Quê ơi! để làm hành trang... làm ông, làm bà đó! Hồi đó ông/bà vầy nè... he he...
À, nhỏ có nhớ những thầy cô nào cùng đi tắm cồn với tụi mình không?
Ta nhớ được thầy Tài, thầy Nhiều, thầy Xuân, cô Khoa, cô Kiên, cô Điệp,... Còn ai nữa nhỏ?
Nhỏ nhớ thêm chi tiết nào nữa, kể nghe chơi nhé!


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 1-2-3) «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 5 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 5 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu