Thầy LÝ MƯỚC, tôi vẫn gọi là Bác Tư vì Thầy lớn hơn Ba tôi một tuổi và rất thân với Ba tôi, đồng chí, đồng môn rất lâu, gắn bó với Trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tân Châu. Tôi thích gọi Thầy như vậy, mà tôi cũng gọi Thầy như vậy quá lâu nên khó mà thay đổi, từ trước khi Thầy dạy tôi môn Thể Dục, mỗi thứ Hai sáng tinh sương.
Trong những năm tiểu học tôi thường quanh quẩn với Ba những buổi chiều khi ông chơi tơ-nít. Lúc đó tôi mới tập đánh bing-bong, những buổi trưa ngứa tay lắm, nhưng lại sợ Thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út nên chỉ len lén chờ khi có Bác Tư ngồi đánh máy lộc cộc bên cửa sổ nhìn ra tôi mới dám kéo mấy đứa bạn vào chơi vì biết Bác sẽ không la. Thỉnh thoảng Bác Tư, Chú Hai Nhiệm (Thầy Nhiệm), rồi Ba tôi cùng mấy Chú ngoài sân tơ-nít cũng nhảy vào tham gia, cổ động làm những trận thư hùng vui nhộn hẳn lên. Tôi rất thích xem, mà đôi khi Bác còn cho tôi nhảy vào làm giúp để quay rô-nê-ô các thông báo, văn bản của trường. Trong mắt tôi và với sự hiểu biết của một cậu bé Tiểu Học ngày ấy, Bác như một nhà khoa học đại tài, thoáng một cái, mấy chữ Bác vừa đánh máy đã được in ra hàng loạt, bao nhiêu bản cũng có.
Vào Trung Học, tôi thích chơi tơ-nít hơn và bắt đầu tập đánh bên sân cỏ Trường Nam. Bác Tư cũng khuyến khích anh em Lý Việt Dũng tập đánh, thế là mỗi chiều tôi và Lý Việt Dũng cứ đánh qua, đánh lại cũng hứng thú tính điểm như đang chơi thật trên sân xi-măng. Một lần hợp các hội viên tơ-nít, Bác đề nghị với mọi người cho tôi được vào hội (hội viên nhỏ tuổi nhất!) để được vào sân đánh với mọi người bình thường, không còn lúp ló ở ngoài nữa! Sướng nhất là khi hội đi đánh giao hữu ở các tỉnh khác là tôi được hiên ngang đi theo, còn cái vụ ăn nhậu thỉnh thoảng buổi tối tôi cũng được tham gia, đã ghê! Nhưng bù lại, tôi phải phụ trách việc quản sân, cái chức nghe oai làm sao! Đối với tôi, đó là cả một vinh dự! Mỗi chiều tôi tới sớm, đôn đốc các em lượm banh quét sân, giăng lưới… chiều về tôi ở lại chờ các em dọn dẹp lưới vào lớp của Ba tôi cạnh văn phòng Trường, rồi trả tiền cho các em.
Một kỷ niệm hú hồn mà tôi không bao giờ quên, vì là quản sân nên tôi có chìa khoá mở cổng Trường. Sáng thứ Hai hôm đó, chúng tôi, gồm Nguyễn Thành Quang, Trần Long Phụng, Phan Văn Tạo, Thái Văn Út… những bạn khá thân từ Tiểu Học bàn nhau tới sớm, vào Trường khoá cổng lại rồi nhát ma mấy thằng tới sau còn ở ngoài. Y như kế hoạch, chúng tôi từ bên trong cứ quăng mấy hòn đá nhỏ ra ngoài một cách đều đặn, các bạn tới sau ở ngoài gồm Nhan Khai Thăng, Nguyễn Văn Vui, Nhan Minh Trí, Nguyễn Thành Nhỏ… đông lắm không nhớ hết, sợ một phen mất vía. Thay vì ra mặt trước khi Bác Tư tới, chúng tôi được thế cứ say mê mà nhát, đến khi Bác Tư tới cả bọn bên ngoài nhốn nháo la có ma trong Trường, Bác Tư mở cổng, cả bọn ùa vào bắt ma, chúng tôi sợ quá! (chỉ sợ Bác Tư thôi!) núp vào mấy cây cột to dãy hành lang im thin thít, không đứa nào dám lên tiếng, đến lúc Bác Tư lên tiếng kêu từng thằng ra mới dám mò ra. Tôi biết Bác Tư giận lắm, phen này cầm chắc mấy con zê-rô, nhưng khi nhìn thấy tôi, Bác Tư lại làm thinh, cho bắt đầu buổi tập thể dục, cả bọn chúng tôi một phen hú vía. Thật mới biết cái đám thứ ba nầy cũng chẳng thua gì nhất quỉ, nhì ma.
Thời gian vẫn âm thầm trôi, tôi đã không gặp lại Bác Tư bao năm nay, vẫn nhớ rõ Bác cao lớn, tính cương trực, hay nói thẳng, và nói rất to. Thấy như có lỗi thật nhiều mấy hôm nay từ khi biết mình sẽ không còn gặp được Bác Tư lần nữa. Với những dòng chân thành này, tôi thành thật chia buồn cùng gia đình Bác Tư và cầu mong Bác Tư sớm siêu thoát về miền cực lạc, xin thắp lên nén hương tiễn đưa người Thầy cũ, người Thầy môn thể dục trường Trung Học Công Lập Tân Châu.
Trần Công Minh
|