|
Moderator |
|
Sinh nhật: 00-00-0000 Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32 Bài viết: 2245
|
“Hai năm Đà Lạt nghìn khơi mộng Một sáng Hàm Long vạn cổ sầu.”
Đấy là hai câu thơ của Phan Ngọc, đã viết vào một ngày buồn năm l972 dưới tấm di ảnh và mới gần đây - năm 2002 - đã được khắc trên đá hoa cương làm đôi liễng gắn lên mộ Cậu NGUYỄN THIỆN ĐỨC mà ở nhà chúng tôi quen gọi là Cậu HIỆP.
Cậu Hiệp là con thứ tư của ông Năm – em bà Ngoại tôi – tuy là vai Cậu nhưng Cậu chỉ lớn hơn tôi có một tuổi thôi, con Gà là tuổi của Cậu và con chó là tuổi của tôi. Khi vừa học hết lớp ba ở trường làng, ông Năm cho Cậu lên Tân Châu ở nhà Ba Má tôi đi học tiếp. Cậu học lớp nhì - lớp bốn – ở trong đình Long Phú, còn tôi học lớp nhì ở trường Nữ Tân Châu. Đây là dịp tôi và Cậu càng thân thiết và thương yêu nhau hơn. Tôi, đứa em thứ ba và Cậu cùng ăn chung, ngủ chung với nhau suốt mấy năm liền cho đến khi hai cậu cháu cùng thi vào đệ thất -l ớp sáu - trường Thủ Khoa Nghĩa. Tôi thi đậu, có lẽ nhờ giỏi học bài, về câu hỏi thường thức gồm có 4 môn: khoa hoc, sử kí, địa lí, vệ sinh nên tôi làm đúng cả bốn câu, còn môn Toán thì tôi thua xa Cậu nhưng Cậu lại trượt nên phải lên Saigon học trường Phan Sào Nam.
Thế là chúng tôi cách xa nhau từ ấy nhưng hè về lại gặp nhau, vui đùa như những ngày thơ ấu thuở nào. Lúc đó, tôi, một đứa bé ở chợ, được Ngoại dắt về quê để “hủ hỉ” với bà và Cậu là người bày cho tôi những trò chơi ở quê như tắm sông, thả diều, bắt tổ chim,.. Cậu luôn dành cho tôi những con chim nhỏ, những cái trứng be bé, xinh ơi là xinh. Có lần Cậu trèo lên cây vú sữa bẻ trái chín cho tôi nhưng vớ phải cành mục rớt xuống đất, nằm im ru, nhờ tiếng la thất thanh của tôi, Cậu được bế vào nhà và… sống lại. Còn bắt chuồn chuồn nữa chứ, sao thuở ấy chuồn chuồn nhiều thế, con to, con nhỏ, con xanh, con đỏ bay lượn lờ trên các bụi cỏ, đẹp làm sao! Tôi cùng mấy đứa em mải theo đàn chuồn chuồn có khi suốt buổi sáng mà chẳng bắt được con nào. Thấy thế, ra vẻ người lớn Cậu dạy: muốn bắt được phải đi thật nhẹ nhàng và nín thở khi đưa tay chụp vào cánh nó. Rồi còn cho chuồn chuồn cắn rốn để mau biết lội. Bọn tôi đã chịu đau điếng đến mấy lần mà nào có biết lội đâu. Khi hụp xuống thì cứ nổi lên nhưng khi bơi lại chìm nghỉm xuống nước, ho sặc sụa. Mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác rùng rình, lâng lâng khi ngồi bệch trên tàu cau, hai bám chặt vào bẹ lá để các Cậu, Dì kéo khắp khoảng sân rộng của nhà Ngoại. Chỉ chờ khi tôi lỏng tay bám, cắt cớ, Cậu, Dì bẻ cua quẹo gắt làm tôi lật nhào! Tất cả cười vang, đổi phiên kéo!
Thời gian dần trôi, dòng đời đưa đẩy mỗi người mỗi nẻo. Tôi ra trường đi dạy và lập gia đình êm ấm. Chồng tôi cũng rất thân với Cậu. Tuy xa cách nhưng chúng tôi thường xuyên liên lạc thư từ, hình ảnh cho nhau. Còn Cậu, số phận đã cuốn vào con đường binh nghiệp. Hai năm học ở Đà Lạt, ra trường Cậu chuyển đổi nhiều nơi cho đến khi về Kiến Hoà, bây giờ là Bến Tre. Tôi không thể nào quên, ngày 15 – 7 âl năm 1972 khi cúng tròn tháng cho đứa con trai thứ tư của tôi - Phan Vân – vừa xong thì nhận được tin Cậu nằm lại với đất, Cậu không về với chúng tôi mà qua giấy báo, Cậu đã về cùng núi cùng sông. Nói sao cho hết nỗi đau mất mát nầy!!! Càng đau đớn hơn, một tuần lễ sau, chúng tôi tiếp nhận được giấy báo Cậu có lệnh thuyên chuyển về Châu Đốc kí trước ngày Cậu mất mươi hôm. Lại một sự nghiệt ngã của số phận dành cho Cậu tôi khi mới 28 tuổi đời!
Cậu Hiệp ơi! Nếu như có kiếp luân hồi và chết không phải là kết thúc mà là bắt đầu một cuộc sống khác như nhà Phật đã dạy, thì kiếp sau, Cậu hãy chọn nơi nào không có chiến tranh, người người sống chan hoà, yêu thương nhau mà tái sinh để có một gia đình hạnh phúc như mong ước của bao người thân yêu nghe Cậu, Cậu thân yêu của cháu!
Tân Châu 15 -10 -2010
VÂN KHANHBD sưu tầm từ http://duongquochung.wordpress.com/2011 ... %E1%BB%9B/
|
|