Từ khi tham gia vào diễn đàn Tân Châu, tôi đã được kết bạn với nhiều người trong diễn đàn. Đó là những người bạn rất tốt và tôi đã học được nhiều điều ở họ như lòng nhân ái, tình bạn, tình nghĩa thầy trò,.... bền vững theo thời gian. Tôi đã mong rằng được một lần về thăm vùng đất đã sinh ra họ, để cảm nhận được mùi đất, mùi nắng gió,... nơi các bạn tôi từng sinh sống. Và rồi người bạn phương xa trở về thăm quê, tôi tháp tùng theo anh chị 88, cô Đỗ Binh về cho biết đất Tân Châu. Sau khi xin phép và được bà xã OK cấp phép, tôi khăn gói quả mướp lên đường.
Trên đường đi theo chương trình là ghé qua Cần Thơ để gặp một người bạn rất ư là quan trọng, kỳ cựu của diễn đàn là cô giáo BongDieu. Nhà của cô ở trong một khu yên tĩnh rợp bóng mát của những vườn cây ăn trái ở quận Bình Thủy. Cuộc hội ngộ tuy đã được hẹn trước nhưng với tôi thì hơi hồi hộp. Từ ngày vào diễn đàn tôi đã làm quen và gặp mặt vài chị vịt, tới nay gặp anh chị 88, cô Đỗ Binh và giờ sắp được diện kiến cô giáo BongDieu, chà chà! toàn là nhân vật quan trọng. Tháng trước thì hụt gặp chủ xị TCB, lần nầy thì không để vuột Mod BongDieu. Cô giáo xứ Cần Thơ "gạo trắng nước trong" tỏ vẻ xúc động khi gặp cô ĐoBinh và anh chị 88, xúc động và nụ cười dịu dàng luôn nở trên môi cô BongDieu. Cô đã khoản đãi "sơ bộ" chúng tôi món ốc bưu đồng hấp xã chấm nước mắm gừng ngon tuyệt. Sau một hồi trò chuyện cô mời chúng tôi đi tiếp tập hai là món bánh xèo ở một quán sát bờ sông gần bến Ninh Kiều. Không gian quán rất thoáng mát, rộng rãi và từ đây nhìn xuống dòng sông rộng mênh mông, nhìn thấy cây cầu Cần Thơ sừng sững xa xa. Cuộc gặp gỡ thật là vui và chúng tôi có cả cô BongDieu tiếp tục cuộc hành trình.
Trên đường đi có ghé qua Châu Đốc và gặp gỡ thêm vài người bạn. Trong đó có anh bạn Thailv người mà gần đây có bài viết trong đó có câu "nhất vợ, nhì trời" và trong bàn có vợ Thailv. Tôi quan sát và kết luận Thailv là người thức thời không sai chút nào khi thuộc nằm lòng câu ngạn ngữ trên. Nhóm bạn Thailv đã đãi chúng tôi ở nhà hàng nổi ngã ba sông, cuộc tiệc thật vui, chân tình. Ở đây tôi được các bạn kể nghe một câu chuyện lạ lùng. Vốn là khi ngồi nhìn xa xa hướng dọc bờ sông, tôi nhìn thấy một tượng đài khá lớn màu trắng bạc mờ ảo trong màn sương. Tôi hỏi là tượng gì thì được biết là tượng đài cá Basa và tôi nghĩ cũng là chuyện đúng, khi mà con cá đem lại sự no ấm cho con người thì nó cũng đáng được tôn vinh tạc tượng như con người. Nhưng sự việc lại khác, các bạn cho tôi biết rẳng: "Con cá ở dưới sông nay lại đem lên bờ làm con cá chết ngắt" (?) và cho biết rằng từ ngày dựng tượng nghề nuôi cá bè dẹp tiệm vì cá chết hàng loạt, tỷ phú nuôi cá cũng phải tự tử vì phá sản. Tôi thật bất ngờ vì thông tin trên và không biết kết nối sự việc sao cho đúng, âu cũng là chuyện lạ trong việc "đi một ngày đàng,...."
Qua hôm sau chúng tôi vào Tân Châu, bắt đầu là qua bến phà có tên thật đẹp: phà "Châu Giang". Con phà nhỏ đưa chúng tôi qua con sông lớn đục ngầu phù sa, gió từ sông lồng lộng thổi lên mát rượi cả một góc trời. Vào đất Tân Châu rồi, cũng giống như những nơi tôi đến ở Miền Tây, đường vào Tân Châu nhỏ với những dãi nhà xây san sát hai bên đường, phía sau nhà phố là những vườn cây ăn trái xanh um, những cánh đồng lúa trơ gốc rạ,... Một con kênh sâu chạy dọc theo con đường với những cây cầu sắt nhỏ nằm vắt ngang từng đoạn, từng đoạn. Trên đường nầy xe chúng tôi ngừng lại vì có một số học sinh cũ của cô Đỗ Binh ra đón và chúng tôi vào thăm một người bị bệnh ở địa phương nầy mà tôi không rõ là ai. Các học sinh cũ của cô ĐoBinh rất vui khi gặp lại cô của mình, hỏi han mọi chuyện. Tôi gặp một anh và được anh 88 giới thiệu là anh ruột của Bangchu ThanhThao và một anh là thầy thuốc nam, nhiều người nữa nhưng tôi không biết là ai hết. Khi vào nhà thăm người bệnh, khuôn mặt cô ĐoBinh, anh 88, cô BongDieu lộ vẻ xúc động hỏi han thăm bệnh. Anh 88 và cô Đỗ Binh đã gởi ít tiền phụ thang thuốc cho người bệnh. Sau đó chúng tôi tiếp tục lên đường và tách ra làm hai: cô Đỗ Binh và cô BongDieu ở lại nơi nầy, còn tôi, anh 88 tiếp tục về thị xã Tân Châu.
Vào thị Xã, xe chạy lòng vòng khắp nơi, anh 88 chỉ cho tôi nơi cây cầu sắt cũ đã tọa lạc nay dấu vết chỉ còn là đoạn đường trải đá dăm, một con kênh đã bị san lấp. Xa xa kia là nhà của anh TCB, của Quế Thanh và nhà của KN. Thị xã Tân Châu hiền hòa, yên bình nằm giữa hai con sông lớn. Con đường nằm mé bên nhánh sông Tiền thật đẹp, với những khách sạn thanh lịch, quán cafe nhìn ra sông. Một công viên nhỏ nằm dọc theo đường nhìn ra sông có những ghế đá dựa sát lan can nhìn xuống mặt sông. Trên sông những con tàu nhỏ thong thả xuôi theo dòng, lâu lâu tôi nghe tiếng còi tòi rúc lên vang vọng trong không gian rộng lớn của vùng sông nước. Quang cảnh thật êm đềm so với đất Sài gòn ồn ào, nhộn nhịp. Tôi thò đầu ra cửa xe tranh thủ hít thở chút không khí trong lành từ sông thổi lên. Sông ở đây mênh mông trắng bạc dưới ánh nắng mặt trời, không như những con sông nhỏ đen kịt mà tôi đã thấy. Thị Xã Tân Châu với những con đường nhỏ chạy ngang, dọc như vuông cờ. Thị xã nhỏ nhưng có cái chợ thật là lớn với khuôn viên rộng rãi, gặp như ở Sài gòn là thành sân đá banh rồi (Hôm sau tôi cùng hai chị vịt trong đó có vịt đồng Ngọc Thành, một phụ nữ hiền lành chơn chất dẫn tôi vào chợ mua ít khô, mắm về làm quà cho người thân)
Trong lúc anh 88 thăm người thân, tôi tranh thủ thả bộ lòng vòng thăm thú cho cho biết. Dân Tân Châu rất ư là hiền và niềm nở khi tôi hỏi han về giá cả một số mặt hàng, về đường đi, quán xá. Giá cả nơi đây khá mềm so với Saigon, tôi và anh lái xe ăn người một tô mỳ xương chỉ trả 12.000 một tô mỳ bự xự. Ặc ặc! nhưng đi ăn với anh 88 thì lại khác, cũng là mỳ nhưng dân địa phương thì chỉ trả 18.000 một tô còn đại gia 88 thì bị tính 25.000 vì chủ quán vốn là người quen của anh 88 và biết anh từ Tây mới về nên tính theo giá bên... Tây. Ba cái chuyện ăn uống nầy có nhiều điều thú vị, chẳng hạn như lúc bọn tôi được anh 88 dắt tới 1 quán cafe cóc nhỏ xíu nằm gần bờ sông. Thật tình hơi ngạc nhiên vì từ lúc gặp đại gia tui được mời uống cafe ở mấy quán sang trọng không à, như Cafe capuchino sơ sơ 70.000/ly, mà không hiểu sao nay anh dắt vào cái quán ọp ẹp, cafe đá chỉ có 4.000/ly, chỉ bằng 1/3 giá ly cafe tôi uống hằng ngày trên Saigon. Nhưng lúc trả tiền thì anh có nhiêu tiền trong túi móc ra hết trả cho ba ly cafe, chà chà! lạ thiệt nhưng là chuyện của anh thắc mắc làm gì thêm rối há! Đêm sau tôi còn được đãi món bò "đụn" thật ngon, không hiểu sao gọi là "đụn"???
Chiều cùng ngày tôi theo anh 88 về Tri Tôn và ở lại đây một đêm. Ngày sau lại quay về Tân Châu lần nữa để anh 88 lo việc nhà. Lần quay về nầy có một điểm sáng nhưng tiếc là tôi không theo được đến cùng vì tôi phải lên xe đò quay về trong đêm theo chuyến 12 giờ khuya để kịp đi làm, thật tiếc! Vốn là anh 88 có nhờ 2 chị vịt, trong đó có vịt đồng Ngọc Thành giúp đỡ một số người nghèo bị bệnh đang điều trị trong bệnh viện Tân Châu. Mỗi người một phần quà gồm 100.000đ, hai hộp sữa và 1 kg đường. Về tới Saigon, tôi có điện hỏi thăm thì được biết là có tất cả 25 người nhận quà theo danh sách người nghèo do người có trách nhiệm trong bệnh viện cung cấp. Hy vọng chút quà nhỏ có thể sưởi ấm chút tâm hồn của những con người bất hạnh và điểm sáng nầy ngày càng được nhân rộng. Rất tiếc là tôi không được cùng đi với hai chị vịt vào trao quà cho họ.
Đêm về Saigon, chuyến xe lao đi trong bóng tối bao quanh, lòng thầm nghĩ nếu có dịp tôi sẽ trở về Tân Châu thăm lần nữa và sẽ đi tìm hiểu nhiều hơn lần này. Tạm biệt Tân Châu và hẹn ngày tái ngộ! BQ
|