Đúng sai
Ngày còn đi học, thường nghe ba tôi dạy rằng con người là phải biết điều nào đúng điều nào sai để tránh. Rồi ông dạy cho tôi biết tại sao áo người ta có năm cái nút tượng trưng cho năm đức tính tốt nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông càng dạy nhiều tôi càng quên nhiều, tới lúc đủ lông đủ cánh đi làm nuôi thân thì tôi quên ráo trọi điều ba tôi dạy và chỉ nhớ rặt những chuyện tào lao của kẻ phàm phu tục tử. Hành sự việc gì củng nông nổi theo cảm tính, lý trí theo mây theo gió bay mất không xài.
Về chử nhân, con người phải biết sống không chỉ thương đồng loại còn phải thương thú cưng, có hiếu, thuận thảo với anh em bạn bè vân vân và vân vân. Tôi chả hiểu gì ráo, cuối cùng tôi chỉ rút ra một điều là thương người và tôi chọn...thương mấy cô gái, thương nhiều chi mệt. Suốt cả thời gian tuổi thanh niên tôi chuyên chạy theo mấy bóng hồng quên cả ăn uống học hành. Rồi mấy chử còn lại củng vậy tôi không nhớ gì hết, phản xạ không điều kiện với mọi chuyện xảy ra quanh mình. Có lần đọc một cuốn sách, trong đó có nhắc tới một câu: "Học để không phải làm ông nầy bà nọ, mà học để biết phân biệt đúng sai"? Tôi ngồi ngẩm nghỉ riết, ngày nầy qua ngày nọ, tháng nầy qua năm nọ mà củng không hiểu hết ý của câu. Ai học mà không muốn sau nầy thành đạt, thành ông nầy bà nọ? Còn chuyện đúng sai thì coi như những con số toán số học, 1+1 mà bằng 3 là sai, đâu cần phải học chi nhiều? Nhưng coi vậy mà không phải vậy.
Gần đây tôi bị chuyện ách giữa đàng mang vào cổ. Chuyện là tôi có quen với một người ăn học ngon lành. Anh ta là thạc sỹ y Khoa và vợ là dược sỹ. Hai vợ chồng nhà cao cửa rộng có hai đứa con một trai một gái, nói chung rất là tốt đẹp. Đôi khi tôi củng hãnh diện vì có người quen thành đạt như vậy. Một lần anh điện thoại cho tôi và báo rằng giờ đang nuôi ông già vợ và than vãn rằng cuộc sống gia đình anh bị xáo trộn vì chuyện nầy. Tôi củng thông cãm cho anh, dĩ nhiên đang bình lặng một ngày như mọi ngày tự nhiên giờ phải nuôi ông cụ mà người già thì trái tính trái nết khác người trẻ, lại hay ho hen thì phải cực thôi phận làm con mà, tôi an ủi anh như vậy. Tôi không muốn tìm hiểu nhiều vì không phải chuyện của mình, tôi không muốn tọc mạch nhưng chạy trời không khỏi nắng. Mới đây tôi lại nhận được điện thoại từ nhà anh ta mà là cuộc điện của ông cụ ba vợ của anh và ông cụ kêu tôi xuống làm chứng.
Nguyên ngày xưa, cách đây hơn 10 năm, hồi hai vợ chồng mới lấy nhau còn nghèo vì cần vốn làm ăn, hai vợ chồng về òn ỉ ông già mượn tiền làm vốn mở Pharmacy kinh doanh thuốc tây. Thương con gái và con rể, cộng với vợ chồng cô con gái lớn (chị vợ của anh Thạc sỹ) củng cần vốn làm ăn. Ông bán quách cái nhà và miếng đất thổ cư nhỏ của mình mà hồi xưa vợ chồng ông dành dụm mua được, bốn đứa con ông lớn lên ở đây mà đi ra đời. Bán được số tiền ông chia ra làm bốn, một đưa cho vợ chồng cô con gái lớn, một đưa cho vợ chồng anh thạc sỷ (con gái kế) một chia cho hai đứa con nhỏ nhất và một ông cầm thủ thân cho mình. Rồi ông ôm hình thờ của vợ về nhà con gái lớn ở.
Rối cái chổ là từ đó ông như con thoi di chuyển hết chổ nầy qua chổ nọ, nay ở nhà cô con lớn, mai qua nhà cô kế rồi ngày kia lại chạy về hai đứa nhỏ mà hai người con nhỏ của ông bây giờ phải ở nhà mướn. Số tiền ông giử gởi ngân hàng do cô con gái lớn đứng tên quản lý, gọi là lấy lời để làm chi phí nuôi ông hằng tháng. Còn số tiền ông chia cho các con thì vợ chồng hai người con gái con gái lớn không biết có phải không, từ đó họ ăn nên làm ra, giờ thì họ rất giàu. Và ông kêu tôi tới làm chứng là vốn dĩ ngày ông chia tiền cho các con có mặt tôi. Ngày đó tôi chơi thân với anh chồng cô con gái thứ hai, nhà có tiệc tùng gì thì con rể của ông đều gọi tôi tới chơi và cái ngày ông bán nhà xong chuẩn bị dọn đi giao nhà, họ làm buổi tiệc chia tay và tôi là người khách duy nhất được mời. Tôi còn nhớ lúc đó ông giao cho hai cô con gái lớn mỗi người 6 cây vàng, ông củng 6 cây và hai đứa nhỏ một gái một trai mổi đứa ba cây. Sở dĩ ông không cho thằng con út nhiều vì đó là thằng chỉ biết ăn chơi, làm ít ăn nhiều, vã lại ông củng tính số tiền ông giử, sau nầy khi chết đi thì ông cho hai đứa nó củng công bằng.
Để tìm hiểu trước khi làm chứng (?) tôi đã mời ông đi uống cafe và hỏi thăm. sau đó tôi được ông cụ cho biết tình hình. Ông bây giờ không thể nào sống với vợ chồng cô con lớn vì chồng cô ta, con rể ông phang cho ông một câu: "Ba về với thằng út mà ở vì sau nầy ba có chết con củng đưa ba về với nó, chứ con gái đâu có thể ma chay cho ba được?" Ha ha! Mà thằng con út của ông giờ nó ở nhà mướn, tới giờ nó vẩn còn cay cú vì việc ông già chỉ cho nó có ba cây. Bởi vậy ông bảo: "Thà bác đi ở nhà mướn chứ không có ở nhà con Hai nửa, thằng Hai không nhậu thì thôi, nhậu vô về là nó ngồi kể lể công lao nuôi Bác mấy năm trời, chịu không nổi" Mà ông rể thứ hai nầy là chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, vợ là hiệu phó một trường cấp hai.
Còn về với cô thứ ba thì sao? Củng vậy, ông kể hằng tháng chưa tới ngày rút tiền lời (số vàng ông giử, sau nầy ông đổi thành tiền được hơn ba trăm triệu nhờ cô con gái lớn gởi ngân hàng lấy lời hằng tháng để nuôi ông) Là cô ba gọi điện nhắc cô Hai liền. Cô Hai đưa thiếu vài chục ngàn củng không được, hai chị em gây gổ với nhau nhiều lần củng vì chuyện nầy. Hằng tháng tới ngày ông phải đón xe buýt về nhà cô Hai lấy tiền về giao lại cho cô ba. Cô Ba đếm xong chẻ ra triệu hai đưa cho ông để ông ăn sáng tiêu vặt nguyên tháng, còn hơn ba triệu cô cất làm chi phí nuôi ông già. Coi như ông ở trọ nhà con mình. Rồi ông kể tôi nghe nhiều chuyện thế thái nhân tình bạc bẻo ra làm sao của mấy đứa con ông, tôi nghe mà ngán ngược nhất là ông rể thứ ba bạn của tôi.Anh nầy thì phàn nàn: "nuôi thằng con trai còn khỏe còn nhờ hơn nuôi ông già vợ(?) Thằng con lâu lâu còn sai đi mua gói thuốc lá, nó bày đồ ra chơi la còn biết dọn dẹp, còn ông già vợ thì khỏi. Tàn thuốc rơi vải khắp nhà, đi cầu dội củng không sạch...v....v..." Rồi ông kết luận: " bác giờ ở thế kẹt, đành chịu, giờ nhờ cháu về gặp tụi nó để Bác nhắc lại chuyện củ bán nhà đất cho tụi nó làm ăn, giờ khá giã. Bác tính đòi lại một ít cộng với tiền của Bác còn để mua căn nhà nhỏ trong hẻm trong hốc Bác ở, chắc kêu thằng Út về ở chung để yên thân già..Bác có còn sống được bao lâu nửa à" Tôi hỏi dò rằng Bác tính đòi hai người ấy bao nhiêu? Ông bảo mổi đứa hai cây vàng, vị chi là bốn cây cộng với số tiền gần 400 triệu của ông thì mua được căn nhà nhỏ trong hẻm ngoại thành.
Tôi thấy chuyện nầy khó còn hơn chuyện hái sao trên trời, mà quả thiệt vậy. Hôm tôi tới nhà chứng kiến, mấy người con gây với ông già um sùm, Họ bảo ông chứng sao lại bảo là không nuôi ông? vậy cơm ăn hằng ngày ở đâu ra? Ôi với tôi đúng là ách giửa đàng mang vào cổ khi phải chứng kiến việc như vầy. Cái kiểu nầy không khéo không bao lâu nửa chắc họ đưa ông vào viện dưỡng lão rồi quá, vì trong lúc bàn chuyện có người đã đề cập đến chuyện nầy. Ba chê tụi con nuôi ba không đủ ư? Hay là ba vào viện dưỡng lão cho tốt hơn?
Thiệt tình, ngồi nhìn mấy ông bà thạc sỹ, dược sỹ, hiệu phó, chủ cửa hàng mà tôi ngán, "học không phải để làm ông nầy bà nọ mà học để biết phân biệt điều đúng sai" Biết được chuyện đúng sai không phải là dể!
|