Bến quê
Đời người ai cũng có một bến đợi, bến chờ, để thương, để nhớ. Cũng như mọi con sông khác, mạch suối đầu nguồn đều dồn đến nơi biển cả. Ở quê, nhất là vùng đồng bằng Nam Bộ không hiếm mỗi làng đều có một bến sông quê.
Con sông Tiền quê tôi quanh năm hai mùa trong đục. Hai bên sông, từng bụi sậy, đế um tùm chen lấn mọc lên. Trẻ con chúng tôi thì tha hồ mà nghịch, bẻ cây sậy làm cờ lau tập trận. Đi học về chúng tôi chạy ngay ra bến sông mà hò hét gọi nhau í ới chơi trò cút bắt luồn quanh bãi làm xôn xao cả bến nước, làm những chú chim sẻ giựt mình lít rít bay lên.
Bến sông quê như là lưu cất những dấu vết của mọi người trong làng. Nhiều lúc tôi nhìn thấy trên mặt cây cầu dừa, trên bãi sông dười bến là những dấu bàn chân nhỏ, to, mỏng, dày lớp lớp xếp lên nhau. Dấu chân của ông tôi, cùa bà tôi, của bố mẹ anh chị em tôi và cả mọi người trong cái làng bé nhỏ thân thương này.
Chẳng hiều sao, mồi lần từ bến sông nhìn ra thấy một con thuyền câu xuôi dòng là lòng tôi lại cồn lên một nỗi vẫn vơ, mông lung mà thấm đẫm nỗi xao xuyến nhớ nhung. Nỗi xao xuyến nhớ nhung tựa như ngọn gió lam chiều mơ màng quyện vào mái rạ
Nằm dọc theo bến chợ Tân châu dòng sông Tiền hiền hòa mang đầy phù sa chảy xuôi theo đôi bờ mướt màu xanh mượt mà theo hai màu mưa nắng. Vào khoảng tháng chạp dòng nước xanh mát hiền hòa, trên những chiếc cầu tre, cầu dừa xuống bến, vào những buổi trưa hè sẽ là nơi tắm giặt tuyệt vời của các bà mẹ, còn bọn trẻ chúng tôi thì chơi trò cút bắt thi nhau lội ra sông xem ai lội xa hơn, nhanh hơn chỉ với một cây chuối ngã chặt sau vườn cho đến khi trễ buổi học chiều.
Dọc bến sông gần cầu Đúc, là những chiếc ghe thương hồ neo đậu, mỗi chiếc ở đây là một ngôi nhà, ngang hai đến ba mét, dày năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp như vậy nhưng khách thương hồ lại có tấm lòng hiếu khách. Khi bọn trẻ chúng tôi đến, họ sẽ chẳng hẹp lòng gì mà không cho chúng tôi nếm cái vị thanh của miếng dưa hấu, vị chua chua của quả bưởi, quả dứa hoặc thưởng thức cái vị ngọt béo thơm mát của quả dừa, dẻo thơm của quả chuối. Nhựng thứ đó được họ chở từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Mỹ Tho, Vĩnh Long lên bỏ mối cho các sạp chợ Tân Châu.
Chợ tấp nập rộn ràng người mua kẻ bán vào buổi sáng, đến chiều tà những chiếc ghe nổi đìu hiu bập bênh đậu hết một khúc sông. Cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi năm bảy đứa nhảy xuống sông lội bì bõm, trèo lên mui ghe nghe các chủ ghe kể chuyện thương hồ mà quên cả buổi cơm chiều. Bình dị như vậy mà dòng sông quê tôi đã đi vào nhạc, vào thơ.
Và những bức tranh, bức ảnh vào tâm hồn của những đứa con xa xứ và đã theo tôi trong suốt quãng đời phiêu bạt..
Bến sông quê là nơi chứa đựng nỗi nhớ nhung, là nơi chứa đựng những nỗi niềm buồn vui của mọi đời, mọi người, mọi thế hệ sống trong làng. Bất cứ ai, trẻ già, trai, gái đều tìm thấy cho mình một khuôn dáng thuộc quen, thân thiết của bến sống quê. Khi xa, tự nhiên lòng thương nhớ lại dồn đổ về bến sông quê. Bến sông quê trở thành mạch sống của người, là nét đẹp riêng không thể pha trộn lẫn vào đâu được của miền quê thôn dã bình dị.
NTT
|