Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 22 Tháng 9 2024, 18:24
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Những bài viết về một Người Thầy (Bổ sung cho một bài Lưu Bút cũ) «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1182 | Trả lời: 1)
Tiêu đề bài viết: Những bài viết về một Người Thầy (Bổ sung cho một bài Lưu Bút cũ)
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 11 2008, 10:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Bong Dieu {L_WROTE}:
Vô chơi trong trang web này, BD mới biết được Ngày Thành Lập Trường là ngày 01/10/1964 và ngày mai là 44 năm kể từ ngày ấy.
Để tưởng nhớ đến Người Hiệu Trưởng Đầu Tiên Của Nhà Trường - Thầy Dương Văn Út, BD xin lục lọi lại mấy bài viết cũ trên D Đ này để gởi lại cho mọi người đọc.
Còn một số bài nữa, nhưng BD chưa tìm ra. Khi rảnh, BD sẽ tiếp tục.
Và nhân đây, BD cũng mời mọi người tiếp tay giùm (cả bài viết và hình ảnh)


tanchau trong "THẦY HIỆU TRƯỞNG DƯƠNG VĂN ÚT" {L_WROTE}:
THẦY HIỆU TRƯỞNG DƯƠNG VĂN ÚT

Nghiêm! Cả lớp đứng dậy theo tiếng hô dõng dạc của anh lớp trưởng, thầy Hiệu Trưởng bước vào, theo sau là một người chống nạng, bị liệt nửa thân người. Trong suốt thời gian dưới mái trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tân Châu, cả đệ thất, đệ lục, hàng năm thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út vẫn làm công việc này. Thầy đưa người bị liệt nửa thân đi từng lớp, hùng hồn, mạnh dạn với thái độ cứng rắn, thầy minh chứng những âm mưu tiêu diệt nhân tài nước Việt của người Pháp.

Dáng gầy, dong dỏng cao, thầy không dạy môn lịch sử, thầy dạy môn Pháp Văn. Nhưng có lẽ thầy là người đầu tiên gieo vào lòng chúng tôi những mầm yêu quê hương, giống nòi và tinh thần dân tộc. Vẫn một bài diễn thuyết, một sự việc mỗi năm một lần, nhưng trong đầu óc trẻ thơ của những cậu học trò tiểu học ngày đó, hình như cảm xúc về quê hương dân tộc cứ lớn dần theo từng năm. Để chúng tôi luôn tự hào, thán phục chiến thắng vẻ vang của quân Tây Sơn mùa xuân Kỷ Dậu, để chúng tôi từng ao ước được ở trong đoàn quân tổ ba người, luân phiên võng nhau thần tốc về Thăng Long tiêu diệt quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị, để nghe được tiếng reo hò của toàn dân hoà lẫn tiếng chân mình hiên ngang tiến vào kinh đô.

Còn những buổi chiều lén mẹ ra bãi cát đầu kinh Vĩnh An tập trận cờ lau, ngày ấy cạnh bãi cát vẫn còn những bụi lau. Thấy lòng nao nức, thấy mình thật sự anh hùng. Sau những buổi tập trận thường là tắm sông thoả thích, nhảy xuống dòng thủy triều dâng dần theo con nước lớn, trong cái trí óc trẻ con, chúng tôi lại nghĩ Ngô Quyền sao mà quá hay, quá mưu lược, chỉ với con nước lớn, nước ròng đã làm nên trận Bạch Đằng lịch sử, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Chúng tôi lại hì hục cấm những ngọn lau lên bãi cát mà tưởng như mình đang ở trên khúc sông lịch sử ngày đó với những cây cọc nhọn giáp sắt.

Thầy còn là bạn của ông nội, ở nhà anh em chúng tôi vẫn gọi thầy bằng ông. Ở trường thầy đạo mạo nghiêm chỉnh bao nhiêu thì gặp thầy ở nhà vui vẻ cởi mở bấy nhiêu. Thầy thường sang nhà chuyện trò với nội tôi, những câu chuyện kéo dài hàng giờ. Tôi thường ngồi quanh quẩn đâu đó, hoặc núp sau tấm màn cửa phòng khách lắng nghe chuyện càn quét của lính Tây ở quê ngoại, nơi mà quê hương mình được người Pháp qui định là vùng bắn phá tự do. Ở cái tuổi trẻ con ngày đó, tôi rất sợ những chuyện thầy kể về những người theo Pháp, trùm bao bố chỉ mặt những người chống chính quyền Pháp trên bến tàu cầu đúc chợ Tân Châu. Tôi đã sợ hãi những người này như những bóng ma, quỉ dữ, và đêm đó, anh em chúng tôi chui cả vào một giường cho đỡ sợ. Càng sợ bao nhiêu thì chúng tôi lại lâng lâng cái cảm giác như được chứng kiến tận mắt ngọn lửa hồng Nhật Tảo khi mà Nguyễn Trung Trực oai hùng đốt tàu giặc, những bài học lịch sử ngày ấy không thể nào quên.

Đó là những hình ảnh vẫn ở mãi trong ký ức mỗi khi tôi nhớ về thầy Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tân Châu đáng kính ngày nào. Chưa bao giờ thầy dạy chúng tôi phải yêu nước như thế nào, chưa bao giờ thầy dạy chúng tôi phải làm gì để chứng tỏ lòng yêu nước. Nhưng chính thầy là người đã nung nấu cái tinh thần yêu nước cho những cậu học trò tiểu học ngày đó. Có lẽ thầy hiểu rằng cái yêu nước được thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau, tùy hoàn cảnh, địa vị của từng cá nhân, từng thời kỳ lịch sử. Trong phạm vi hạn hẹp của trang diễn đàn này, tôi thiết nghĩ lòng yêu nước phải được thể hiện trước tiên ở sự quí trọng và đoàn kết giữa bạn bè, tình yêu quê hương xứ sở. Chung lưng góp sức cùng làm quê mình trở nên giàu mạnh, phồn vinh cũng là một cách. Tôi lại nhớ bài giảng về lòng yêu nước của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quên thù nhà để lo nợ nước, cùng Trần Quang Khải làm nên nghiệp lớn. Ấy thế mới đáng danh là người anh hùng, ấy thế mới là một kẽ sĩ yêu nước chính hiệu con nai vàng.

“Viết với tất cả lòng kính trọng thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út”
“tanchau”


Ngoc La trong "BAY VỘI VỀ ĐÀN" {L_WROTE}:

VỚI THẦY DƯƠNG VĂN ÚT

Năm Đệ lục (lớp 7), bọn tôi học Pháp văn với thầy Út. Bọn tôi truyền tai với nhau rằng thầy rất giỏi Pháp văn vì hồi xưa thầy học trường Pháp. Và đúng như vậy, Thầy đọc và nói rất hay, rất lưu loát. Nhớ nhất là tính thầy rất phóng khoáng, lạc quan, hay kể chuyện vui, qua đó giáo dục nết ăn, nếp ở cho bọn trò nhỏ. Có những chuyện Thầy kể đến giờ tôi còn nhớ như in. Do Thầy bận việc quản lý trường Nam TH nên có những tiết Thầy không lên lớp được mà giao bài cho bọn mình tự chép lên bảng, sau đó (cuối tiết hoặc tiết sau) Thầy mới giảng và cho làm bài tập. Khi thấy đã muộn giờ, thầy, với cặp da vàng kẹp nách, bước vội vào lớp và hỏi «Học tới đâu rồi các con?». Thầy lại hay quên nên có khi bọn tôi, do ham nghe thầy kể chuyện, đã giả bộ nói với thầy rằng bài Grammaire đó thầy giảng rồi. Được thầy kể chuyện nghe là sướng mê tơi rồi (nháy mắt cười hí hí với nhau), còn bài vở có hiểu hay không...cứ để đó! Lí lắc quá phải không các bạn? Ngày đó nếu thầy mà biết được thì chắc thầy cũng cười hì hì và tha thứ? À, bọn mình còn thích thầy kể chuyện còn do ở chỗ sau khi kể cho bọn mình cười, thầy cũng cười thoải mái...nhưng ngộ nghĩnh một điều là thầy cười thì «tiếng trống», mà thầy nói thì «tiếng mái». Nghe thầy cười tiếng trống bọn mình càng cười già. (Xin vong linh thầy tha lỗi, bọn con còn con nít nên vô tư thế chứ không có ác ý gì Thầy ơi! Bọn con nay vẫn biết dạy con cái là không được cười những tật bẩm sinh của người khác mà)

Có lần, vì mê nghe thầy kể chuyện nên bọn mình nhiều đứa há hốc mồm. Thấy vậy, Thầy ngưng lại và nói: «Mấy con há hốc mồm như vậy nguy lắm nhe!» - «Sao vậy, thưa Thầy?» - «Ừ, muốn biết sao thì nghe thầy kể thêm chuyện này nè...
«Ngày xưa, trong một gánh hát bội....(1)...»
Lần khác, thấy bọn mình đọc bài lecture không đều, cứ ê a đứa trước đứa sau,Thầy cười và bảo: «Các con đọc nghe “lỏn tỏn” quá! Biết lỏn tỏn là gì không? Các con nghe thầy kể chuyện này rồi sẽ biết...
Có một cậu bé đi chợ mua dép...(2) ...»

Các bạn hãy giúp mình kể tiếp hai câu chuyện trên nhe các bạn, mình chờ đấy.

Thầy còn có cái độc đáo nữa là dạy bọn mình các bài văn vần bằng tiếng Pháp và cách diễn tả bằng điệu bộ khi đọc. Đứa nào cũng phải thuộc, Thầy chỉ định là phải lên diễn. Thầy dạy 2 bài, trong đó có bài “Le bon écolier”. Hồi đó được thầy dợt bài này quá kỹ nên đến giờ tôi vẫn còn nhớ được nhiều. Để tưởng nhớ Thầy, tôi xin chép lại, nếu có sai và thiếu, các bạn sửa và bổ sung dùm nhe.

Le bon écolier

Maintenant, je vais à école.
J’apprends chaque jour ma leçon.
Le sac qui pend à mon épaule
Dit que je suis un grand garçon

L’an passé cela va sans dire.
J’étais petit, mais à présent
Que je sais compter, lire, écrire.
C’est bien certain que je suis grand

Quand le maître parle
J’écoute, et je retiens ce qu’il me dit.
Il est content de moi sans doute
Car je vois bien qu’il me sourit.

(đến câu cuối này là phải đặt ngón tay trỏ lên mép miệng và … nghiêng đầu cười duyên)


Vô thường Niệm trong “ĐÔI DÒNG GIAO CẢM” {L_WROTE}:


........................................................
Ðầu tiên là ký ức về một ông thầy giáo già thích kể chuyện đời xưa.. Mời các bạn nghe lại :

"tính thầy rất phóng khoáng, lạc quan, hay kể chuyện vui, qua đó giáo dục nết ăn, nếp ở cho bọn trò nhỏ."

Dù có cắt đi cái tít nằm ở đôi hàng trên những dòng này trong bài viết của Ngọc La, bạn nào từng học qua với nhà giáo già đáng kính đó lại không nhận ra ngay thầy Dương Văn Út? Thầy có biệt tài kể chuyện đã đành, mà chuyện nào của thầy cũng mang tính ôn cố tri tân. Bao giờ thầy cũng kết thúc buổi kể chuyện bằng cách chỉ rõ cho bọn học trò nhỏ đang độ tuổi con, tuổi cháu của thầy đâu là bài học luân lý rút ra được từ câu chuyện kể. Ðó là những bài học công dân gíáo dục (bây giờ, đang ở trên đỉnh cao trí tuệ loài người, môn học này có tên là gì hả các bạn?) tuyệt thú. Nhẹ nhàng mà thấm sâu, đọng lại mãi trong tâm hồn chúng ta. Cần quái gì những từ ngữ đao to búa lớn tràng giang đại hải mà khó nuốt còn hơn bả mía khô?

Nhưng thôi, chúng ta hãy xem cái cách Ngọc La miêu tả những đứa học trò đệ thất, đệ lục ngày ấy say sưa tiếp thu các bài học công dân giáo dục đầy tính sáng tạo của thầy Dương Văn Út như thế nào:

"Có lần, vì mê nghe thầy kể chuyện nên bọn mình nhiều đứa há hốc mồm."
......................


Thầy Nguyễn Thành Tài {L_WROTE}:
Nhớ về Thầy Hiệu Trưởng DƯƠNG VĂN ÚT

Nói về Trường Trung Học Công Lập Tân Châu, thiết nghĩ người đầu tiên cần phải nhắc đến là Thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út.
Thầy Hiệu Trưởng, người cha cần mẫn, tận tụy dẫn dắt đàn con, chập chững bước đi những bước đầu tiên. Buổi đầu, tuy ở đậu nhà người, lại hãnh diện với tên gọi Trung Học Công Lập Tân Châu.
Công ơn Thầy thật to lớn và rất nhiều; tùy cảm nhận từng ngưòi mà nói lên ý riêng mình.
Phần Tôi ghi lại đây ký ức, kỷ niệm nhận được ở Thầy.

Thời Tiểu Học

Hôm ấy nhằm ngày thi, đang chờ đến giờ nhận đề để làm bài,T hầy từ ngoài cửa bước vào dặn bảo xem lại giấy viết, mực thước, không được xoay qua, ngó lại dòm bài ngưới khác, nhất là không được lật tập. Phải hứa và thề, nhưng phải bẻ gãy lưỡi để thề Thầy mới tin.
Cả lớp im lặng, thầm nghĩ, cái lưỡi làm sao bẻ gãy cho được?
Thầy nói: Coi nè! Thầy thè cái lưỡi rồi rút vào ngậm lại, rà rà trong miệng, xong Thầy há miệng đưa cái lưỡi gãy xấp ra.
Cả lớp rộ lên cười, Thầy cũng cười...
- Thôi! Vui một chút được rồi, các con chuẩn bị lo làm bài! Nói xong Thầy đi ra...

Lúc Đi dạy

Thời gian về dạy, với những Thầy Cô, đồng nghiệp khác không biết ra sao?
Riêng Tôi, Thầy dành một tình cảm khá đặc biệt:
Đôi khi tôi đến trễ, Thầy kín đáo trông chừng lớp học, biết rằng Tôi từ trong Bán Công đi ra ắt phải trễ vài phút.
Một hôm, từ ngoài cổng đi vào, thấy Thầy đang đứng đợi dưới bóng mát nơi gốc me tây trong sân trường, Thầy kêu Tôi lại. Tôi nghĩ rằng sẽ bị Thầy phiền trách vì hôm ấy rời Bán Công hơi muộn.
Nhưng không, Thầy lấy từ trong túi áo, một bao thuốc lá thơm mới lạ, mở ra đưa cho Tôi một điếu.
Tôi từ chối và nói: Thưa Thầy con không biết hút thuốc!
Thầy bảo hút với Thầy và cho biết vừa rồi Thầy Trí (không nhớ họ), bên Tiểu Học có xin điếu thuốc, Thầy chỉ cho thuốc cuả Thầy; còn bao nầy, giới chức nào đó tặng hôm qua, Thầy dành lại hôm nay cho Tôi hút khai vị.
Từ đấy, mỗi khi Thầy được biếu tặng bao thuốc thơm mới lạ nào, Thầy đều dành cho Tôi hút điếu đầu tiên.
Thế nên, thỉnh thoảng tôi tắt lửa hoặc kẹp điếu thuốc chưa mồi trên tay, bước vào lớp. Đấy là những khi Thầy cho Tôi thuốc. (Thầy Phúc đã có lần vừa cười vừa nói với Tôi:Thầy Hiệu Trưởng cho thuốc người không hút thuốc).

"Đất bằng bỗng rấp chông gai" (Cung oán ngâm khúc-Ôn như Hầu Nguyễn Gia Thiều)
Trước khúc ngoặc, đối diện hố thẳm cuộc đời, có kẻ cho rằng: Tôi là tên ngụy pháo rất ác ôn, họ định xem rõ mặt ác ôn của Tôi. Thầy can đảm nói rằng:
- Có ác ôn gì đâu! Tôi biết chú ấy rất hiền và trước đây là thầy giáo...

Hoài niệm và suy tư

Người kể chuyện trên nhìn Tôi ái ngại, Tôi khẽ gật đầu, im lặng...
Thầy mất lúc nào? Tôi không hay biết và nay cũng không biết năm tháng ngày giờ Thầy quá vãng. Nhưng dáng nhanh nhẹn, bước đi nhẹ nhàng, da trắng, nét mặt vui tươi, hiền hòa, phúc hậu, nhất là tiếng nói giọng cười "trống mái", lòng quảng đại đầy ân tình của Thầy, Tôi không quên...

Ngồi trước bàn phím gõ từng chữ như gà mổ thóc, ghi lại cảm xúc nhớ về Thầy, nghe như Thầy gọi cho thuốc hút...
Nhưng, Thầy ơi! Con không còn là thầy giáo, đã rời mái trường, lìa xa phấn trắng bảng xanh, bỏ đàn em năm xưa lại sau lưng,..đi vào sương gió. Dù trải qua nhiều nỗi thăng trầm, vinh nhục đắng cay cuộc đời...vẫn luôn cố gắng giữ lòng sạch trong.
Thầy đã cho con thêm sức mạnh, lòng can đảm, nghị lực giữ tròn khí tiết, con vẫn mảnh khảnh cao, đang hít thở không khí trong lành tươi mát, bình tâm nhận định, phân biệt đúng sai, phải trái, hư nên,...và vững tin rằng: Cái thực, cái đúng vẫn tồn tại, bất biến. Cái không thực, không đúng, cái giả tạo, dù che giấu dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ lộ chân tưóng, là hư ảo, sẽ tan biến như làn khói thuốc, làm sao che kín được dưới ánh sáng mặt trời chân lý.....

Atlanta, ngày 27-3-2008
NT2





***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Những bài viết về một Người Thầy (Bổ sung cho một bài Lưu Bút cũ)
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 8 2009, 12:01
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 74
Sinh nhật: 00-00-1950
Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07
Bài viết: 287
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ngồi buồn xem lại mấy bài hồi ký, HH gặp chủ đề này. Lại nhớ có ai đó viết về Thầy D.V.Út. Lục lọi 1 hồi, HH tìm ra được bài dưới đây. Xin gởi vào đây để tập trung lại.
YouDidIt trong "Re: ÔNG TRƯƠNG VĂN HOÀNH" {L_WROTE}:
Cám ơn LT,

Trường THCLTC có một quá trình thành lập dù không dài bằng lịch sử, nhưng sự thăng trầm cũng như sự phát triển của trường cũng trải qua một thời gian hào hùng và quyết tâm!

Nếu không có tấm lòng cao cả của Cụ Trương Văn Hoành, thì có lẽ THCLTC sẽ không có những kỷ niệm êm đẹp như ngày hôm nay! Nhất là nếu không có sự sáng suốt và một lòng lo cho hậu vận của Thầy Dương Văn Út.

Chúng tôi xa trường đã lâu! Cũng như xa quê hương mấy ngàn vạn dặm, nhưng cho tới bây giờ cũng còn vẫn hình dung ra được hai vị ân nhân của mình! Cả hai Người đều mang một tấm lòng thật bình dị và thiết tha!

Ông Trương Văn Hoành dù là một địa chủ, nhưng ông sống cuộc đời hiền hòa NHÂN ÁI! Tài sản ông cống hiến và phục vụ cho xã hội có lẽ nhiều hơn tài sản để ông dưỡng già! Còn Thầy Dương Văn Út, người đã đào tạo ra nhiều thế hệ cho tương lai! Học trò của Thầy, đứa thì thành danh, kẻ cũng đã thành nhân, nhưng so với tấm lòng bao dung vị tha của ông.... đám học trò chưa ai có thể so sánh cùng ông! Tôi không làm sao quên được câu ông nói: "Chọn người có lòng, chứ không chọn kẽ bất nhân!"

Hy vọng những người đang hưởng thành quả Cống Hiến và Đào Tạo của hai vị nầy hãy mở rộng tầm nhìn cũng như khai hoang cánh cửa lòng mà chung sức bắt tay đùm bọc thương yêu nhau ... và làm việc chi đó, dù là nhỏ nhoi để câu châm ngôn giăng ở trường "Tiên Học Lễ Hậu Học Văn" mãi là ngọn nến soi đường dấn thân!

Tôi không là học trò của Thầy Dương Văn Út, nhưng tôi hãnh diện khi được gọi Người bằng THẦY!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Những bài viết về một Người Thầy (Bổ sung cho một bài Lưu Bút cũ) «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu