ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG
Nhà tôi gần trường, chỉ băng qua dãy phố chợ là có thể thấy được trường Nam, ngày xưa vẫn gọi như thế. Khi vào đệ thất, học tạm ở trường Nam nên con đường đến trường vẫn không thay đổi ngoài cái cảm giác nao nao mình đã là học sinh trung học. Tân Châu chỉ có hai trường trung học, đứa nào thi rớt Công Lập phải vào học Bán Công, cái cảm giác tự hào, nhất là nhìn các em tiểu học chung trường, cứ lâng lâng mấy tháng liền.
Đường đến trường ngày ấy thật êm đềm cho dù con đường có ghồ ghề những hòn đá lởm chởm, vào mùa mưa phải tránh những vũng nước đọng rải rác trên mặt lộ. Còn nhớ mãi lần đầu tiên được mặc chiếc quần tây xanh dài, áo sơmi trắng bỏ trong sướng làm sao! Nó trịnh trọng, chỉnh tề, cái cảm giác như người lớn. Năm đầu trung học đó lớp chúng tôi học buổi chiều, nhớ hoài những buổi trưa oi ả, cứ cố nhướng mắt nhìn lên bảng để chống lại những cơn buồn ngủ lúc nào cũng như rình rập. Cho nên những buổi chiều tan trường, những bước chân len lỏi trong ánh nắng hoàng hôn thấy thật thơ mộng thời học sinh. Đến năm lớp 8, bấy giờ không gọi đệ ngũ nữa, chúng tôi ai cũng náo nức ngôi trường mới, khang trang, rộng rãi, nhất là của riêng mình, Trung Học Công Lập Tân Châu chớ không còn dưới bóng Trường Nam. Những cậu học sinh quần tây xanh áo sơmi trắng tinh “bỏ vô thùng” hớn hở, những tà áo trắng phất phơ nối dài mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều trên con đường đến trường ngày đó. Với chúng tôi, cái thế giới này chỉ có thế, không vướng bận, không lo toan, sao mà nó thật hồn nhiên! Thật vô tư! Những buổi sáng thức dậy chỉ kịp ăn vội một ít cơm chiên mẹ để sẵn, một bụng nước lạnh là mau mau chạy theo dòng đồng phục nối dài đó, những hôm bắt kịp nhóm bạn thân thì đường đến trường hình như quá ngắn, những hôm theo gót tà áo dài thân thương thì cứ muốn cho đường dài thêm. Trường tôi cạnh sân đá banh, chúng tôi phải băng qua hết sân bóng mới tới được trường, những hôm trời mưa thì thật là “thê thảm”, tất cả chúng tôi tay sắn quần, nách cặp sách, tay còn lại vịn vào nhau mà đi cho khỏi ngã. Chỉ thương những gót chân ngọc ngà ai đó sớm vướng bận bùn sình! Vào mùa nước lên thì chỉ có một lối vào duy nhất là phía rạp hát ông Tư Hoành, sau đó có đấp thêm con đê nhỏ dọc theo sân banh, còn giữa dãy văn phòng và các lớp học phải bắt cầu thông nhau. Tôi nhớ hoài một lần tập võ bị gãy ba ngón chân, không đi lại được gần hai tháng, tội thằng em phải cõng anh mình đi học mỗi ngày, trên vai thằng em qua cây cầu váng giữa các dãy lớp mà cứ tự hứa với mình từ đây về sau phải đối xử tốt hơn với nó, phải thương yêu nó nhiều hơn.
Đường đến trường ngày ấy là thế, mang theo quá nhiều mơ mộng, quá nhiều những hồi hộp như hẹn hò ai đó. Tôi hình dung lại những bước chân thật vô tư bay nhảy suốt đoạn đường, những bước chân tự tin chầm chậm qua những dãy phố, trong đó không ít những bước chân thẹn thùng, bẻn lẻn duyên dáng làm sao! Con đường về thường nặng trĩu những điều hay, những con số, những phép tính mới học, những đoạn văn, những bài thơ sao mà quá lãng mạn cái tuổi học trò. Để rồi từ đó, những suy tư, mơ ước và yêu đương lớn dần theo từng năm, để những mùa hoa phượng không chỉ là báo hiệu cho mùa hè, mà một cách vô tình, không biết từ bao giờ trở thành những nỗi buồn ray rứt, để những cánh phượng thẹn thùng rơi, để những nhuỵ phượng không còn là trò chơi đá gà trong trí nhớ chúng tôi. Có chia tay nào không xót xa dù chỉ là ngắn ngủi nhất là ở tuổi chúng tôi ngày ấy, cái tuổi biết buồn. Tôi rời trường THCLTC sau niên học 73-74, bao nhiêu luyến tiếc xa rời thầy cô bạn bè thân quen tưởng chừng không gặp lại. Sau 75 lại có “cơ hội” trở lại trường học lớp 12 vì thi rớt Phổ Thông và mãi mãi không trở lại sau khi vào ĐH. Đường đến trường ngày ấy thật thơ mộng làm sao! Cứ như là bao hoa thơm cỏ lạ trên mỗi bước đi về. Bao nhiêu năm ĐH Sài Gòn, bao nhiêu năm ĐH xứ người và nhiều năm sau nữa, tôi không bao giờ quên con đường đến trường ngày ấy, nó không chỉ đơn giản là một con đường, nó là những khoảng không ghi lại từng dấu chân đi về của bao nhiêu chúng tôi. Con đường tưởng nằm trơ sỏi đá, nhưng thật ra đã vô tình nghe được bao nhiêu là tâm sự, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu cuộc tình chúng tôi, để giờ đây mỗi lần có dịp bước lại con đường ngày ấy, tôi vẫn cố tìm lại dấu chân xưa của chính mình, của ai đó, để mỗi lần về lại tôi vẫn truyện trò, kể lể những khoảng thời gian xa vắng.
***** Tôi ngồi đây trong cái khoảng trống mông lung mà cố mơ hồ những con đường đến trường mình đã đi qua trong cuộc đời. Nếu cho tôi một chọn lựa, chắc chắn tôi sẽ trở về với con đường nắng bụi mưa bùn ngày ấy, trở về cái tuổi tôi được mơ những cái tôi mơ, tôi được yêu những cái tôi yêu một cách không toan tính, không giới hạn. Cuộc sống vẫn là một trường đời mà chúng ta có quá nhiều con đường vượt qua phía trước, nó không chỉ đơn thuần một con đường hoa thơm cỏ lạ thời học sinh. Cũng may là không quá muộn để tôi nhận ra một chân lý, dù có đi qua bao nhiên nẽo đường xa gần, quanh co, nắng mưa, chông gai nhọc nhằn hay hoa thơm cỏ lạ, đích đến vẫn chỉ là quê hương, nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên, nơi mà tôi đã có được những tháng ngày thương yêu, nơi tôi có được tất cả những kỷ niệm đẹp nhất đời mình. Tôi thấy thương quá và cảm phục quá những chú voi già, cả cuộc đời vì cành cây ngọn cỏ phải băng qua bao nhiêu cánh rừng, con suối, thế mà vẫn luôn tìm về nơi chôn nhau cắt rún để gửi lại bộ xương trơ trọi với thời gian như để trả lại bao nhiêu nợ nần với vùng đất đã sản sinh ra mình.
“tanchau”
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
Sửa lần cuối bởi Ngoc La vào ngày 12 Tháng 3 2008, 03:03 với 1 lần sửa trong tổng số.
|