NHỮNG CUỘC CHIẾN TUỔI THƠ
Xóm Ban Tống là xóm nhà tôi, ngang nhà là anh Nguyên ở trên lầu, những buổi tối hay theo anh tôi sang con hẻm sau nhà anh Nguyên chơi. Có lần anh Nguyên kéo ngược chân tôi lên trời sao đó mà xãy tay, tôi rớt xuống đầu u một cục xanh lè, đã vậy về nhà còn bị một trận đòn nên thân. Nhà anh Phú ở xóm Châu Vi, sau lưng trường Nam, anh Phú có chiếc Honda dame thời ấy nên tôi vẫn thích theo anh Phú để được chở đi chơi, tôi còn nhớ cả tiếng xe của anh Phú mỗi lần đến tìm anh tôi. Nhà anh Đạt thì cách nhà tôi mấy căn, những buổi chiếu phim của Thông Tin chúng tôi hay đến nhà anh Đạt, qua cửa sổ lầu một, chúng tôi được xem phim thoả thích mà không cần phải chen lấn.
Chúng tôi phân chia ranh giới rõ rệt từng con phố, từng khu vực trong cái quận lỵ nhỏ bé đó, những cái tên không thể nào quên, xóm Ban Tống, xóm chợ, Châu Vi, Dinh Quận, Vịnh đồn, xóm sân banh… Nhớ mãi cái cảm giác vừa sợ sệt hồi hộp, vừa hăng chí tò mò theo chân các anh trong những trận đánh với các xóm khác. Thường tôi chỉ ở phía sau, cuốn chặt giấy rồi vò thành que nhỏ để các anh bắn quân địch bằng dây thun, cái cảm giác rượt đuổi nhau, núp rình qua từng khu phố không thể nào quên. Tân Châu, những ngày tuổi thơ chúng tôi là thế, những trận đánh kiên cường, từng cái tên oai hùng qua mỗi trận đánh để thấy mình thật vĩ đại như những nhân vật cờ lau lịch sử.
Đời người như vó câu, như tiếng ngựa chợt lướt qua nhanh rồi chìm vào quên lãng. Những đồng đội, những quân địch của chúng tôi ngày ấy bây giờ mỗi người mỗi ngã, có người chắc vẫn còn ở lại cái thị trấn bé nhỏ đó, có người ra đi lập nghiệp nơi nào, có người bỏ ra nước ngoài, cũng có người tham gia trò chơi chiến tranh của người lớn để mãi mãi không về. Trò chơi chiến tranh của chúng tôi mà kẻ thua người thắng chỉ tính bằng những vết tím ngoài da, không hề có sự mất mát nào ngay cả tình cảm, khi đi xa, dù chúng tôi có ở xóm nào, vẫn gọi nhau là dân Tân Châu. Chỉ hai tiếng Tân Châu, một lực hút vô hình đủ sức gắn bó chúng tôi là một.
Chúng tôi bây giờ không gọi tên nhau qua từng xóm hay khu phố, tôi thật cảm động với những lời nhắn, những nhắc nhớ nhau trên trang web theo từng cột móc thời gian, thời gian của nhưng niên khoá mà trong chúng ta có ai quên được, nhưng niên khoá gắn bó với trường lớp, với bạn bè thân yêu. Chúng tôi đã quên hết tất cả hận thù trong cái chiến tranh tuổi thơ, để thấy thật sự cần nhau và nhắc nhớ nhau từng kỷ niệm vui buồn trong thời thơ ấu. Tôi cố đào bới từng vùng kỷ niệm mà chắc chiu từng cái tên, hình dung từng khuôn mặt, những cái tên, những khuôn mặt dù không cùng hàng ngũ trong trò chơi chiến tranh ngày ấy, nhưng vẫn thấy còn quá ít những hiện diện chung quanh tôi, trên trang web này. Tôi thà nhớ về những trận đánh ngày ấy, để sau mỗi trận đánh, những cái lưng trần chân đất đó vạch cho nhau xem chỉ những vết bầm, để những buổi sáng hôm sau, chúng tôi, địch và bạn vẫn ngồi bên nhau, cùng lớp, cùng trường, cùng nghe những bài giảng lịch sử.
Các anh, các chị, các em, bạn bè của tôi ơi! Hãy nhắc nhớ cho tôi một kỷ niệm dù các anh chị em, bạn có ở xóm nào trong dĩ vãng. Tôi thèm khát được nghe lại từng kỷ niệm vui buồn, tôi mong muốn tìm lại mọi người như nhắc nhở chính mình một cội nguồn, một quê hương mà nơi đó, trong cái sâu thẳm tiềm thức vẫn nhớ hoài một vùng đất phì nhiêu, con sông hiền hoà chảy qua với bao là cây xanh trái ngọt, với bao là con người mộc mạc, bình dị, với bao là yêu thương, kỷ niệm thời thơ ấu. Nhớ quá những đồng đội, những kẻ địch ngày ấy, nhớ quá Tân Châu.
“tanchau”
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
Sửa lần cuối bởi Ngoc La vào ngày 18 Tháng 3 2008, 03:13 với 1 lần sửa trong tổng số.
|