Thầy Nguyễn Văn Thân
Một vài năm đầu của trường THCL Tân Châu khi mới thành lập vì thiếu giáo viên nên có rất nhiều Thầy Cô của trường tiểu học dạy các môn phụ như Thầy Nhiệm dạy Âm Nhạc, Cô Thơm dạy Nữ Công Gia Chánh, và Thầy Thân dạy Thể Dục. Vì ba tôi là thầy giáo lâu năm tại Tân Châu nên hầu hết quí Thầy Cô tôi đều gọi bằng Chú, Bác, Cô, Cậu, Dì, ...
Tôi gọi Thầy Nguyễn Văn Thân là Chú Bảy, hầu như mỗi ngày Chú Bảy đều ghé nhà tôi chơi và nói chuyện với ba tôi. Sau này Chú Bảy cưới Cô Sáu Hà và dọn về ở ngang nhà tôi. Chú rất vui tính, hay kể chuyện tiếu lâm cho anh em tôi nghe, giọng cười của Chú sang sảng chứa đầy sinh lực và rất dể lôi cuốn anh em tôi. Ba Mẹ tôi kể lại, những ngày tôi còn kẹt trong trại cải tạo Vườn Đào, Chú Bảy hay đến nhà tôi an ủi, động viên ba má tôi rất nhiều.
Nếu các bạn thuộc khóa 1964, 1965 đều có học môn thể dục với Thầy Thân. Mỗi sáng phải dậy sớm, có mặt tại sân trường khoảng 5 giờ sáng. Ở tuổi của chúng tôi lúc đó đang lớn, cần ngủ nhiều mà phải đậy sớm rất là khó. Nhiều lần chúng tôi đi trể, Thầy phạt hít đất 20 cái như luật nhà binh. Cái thú nhất lúc đó là nhờ dậy sớm, ghé lò bánh mì mua bánh mới ra lò nóng hổi, nhất là mùa giá bất mà ăn bánh mì nóng thì bá cháy.
Khi chúng tôi vào đệ ngủ ( lớp 8 ) khoảng 1966 thì Thầy bị động viên, nhưng khoảng một năm sau thì trở lại Tân Châu coi phòng Quân Tiếp Vụ. Văn phòng QTV của Thầy lại nằm ngay tại sở Tầm Tang, ngang trường Tiểu Học Tân Châu, ngôi nhà tạm của khóa I chúng tôi thời bấy giờ. Tuy bận bịu với công việc, nhưng Thầy lúc nào cũng đến trường mỗi chiều chơi tennis với ba tôi. Cũng vào thời điểm này, tôi cũng chập chững tập chơi tennis vì một hôm đi chơi đá banh bị sượng đầu gối nên ba tôi không cho đá banh, bảo tôi môn tennis không có đụng chạm với đấu thủ bên kia lưới. Những khi sân trống không có người lớn chơi thì tôi với Hồ Công Phú và thằng em chạy ra tập vợt. Có nhiều khi Chú Bảy Thân bên kia đường nhìn thấy mấy đứa tôi chơi thì cầm vợt qua chơi với bọn con nít chúng tôi. Chú Bảy chăm chỉ, chỉ dạy chúng tôi từ cách thức cầm vợt, từng cú đánh tay mặt, tay trái, nhất là cú “rờ ve” (revers). Nhờ vậy mà khi lớn lên, tôi chơi tennis rất khá. Khi Ba tôi sang Mỹ, tôi và Ba đi tranh giải ở Oklahoma City đều vào được chung kết và lấy được vài cái cúp đem về lấy le với bạn bè, hàng xóm.
Vào khoảng năm 1968, khi tôi đang ngồi phía sau căn nhà ngói đỏ, tôi thấy chiếc xe GMC 10 bánh từ từ bò lên cây cầu sắt. Chú Bảy trong bộ đồ lính màu xanh, nhảy xuống xe, dùng tay điều khiển cho người tài xế lái lên cầu. Nhưng khi xe vừa lên đến nhịp một thì cầu bị xập, chiếc xe chở đầy ắp hàng quân tiếp vụ từ từ chìm vào con nước đục rồi biến mất theo sức nước chảy xiết của mùa nước nỗi. Chú Bảy chỉ biết nhìn những món hàng của mình trôi theo dòng nước mà không làm gì được. Khoảng cả năm sau công việc sửa chửa cầu sắt mới hoàn thành làm cho tất cả giao thông qua lại Kinh Vĩnh An đều phải đi qua cầu Lê Tân, gần nhà của Lê Phụng Khiêm.
Lần đầu tiên tôi về thăm nhà sau 20 năm xa cách mới biết Chú Bảy đã từ giã những đứa học trò xưa ra đi về cõi vĩnh hằng. Tôi đến thăm Cô Sáu, nhìn cô mà lòng cay như xé, cơn đau cay xé cứ từ từ dâng trào lên khóe mắt tôi. Cô Sáu kể ngày Chú Bảy mất, Chú rất ốm, còn như da bọc xương vì không ăn uống được. Tôi nhớ Chú Bảy ngày xưa tướng tá rất phương phi, rất khỏe mạnh, vậy mà những ngày cuối đời lại bi đát như thế. Con kính xin Chú nhận bài viết nầy là lời từ giã ngày xưa con không có cơ hội để nói trong những ngày cuối đời của Chú. Con kính mong hương hồn Chú sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Trần Công Bá.
|