Kính chúc các bác, các cô, và các chú ngày Father’s Day tràn đầy ấm cúng (nhưng cũng không hot lắm ) và vui vẻ. Con xin gởi một câu truyện nhỏ về người cha thân yêu của con. Chữ Việt con không rành nên có gì sai xin bề trên bỏ qua cho.
Ba! Cảm ơn Ba rất nhiều……..
Con muốn dành một sự ngạc nhiên cho Ba, nên mong rằng khi Ba đọc xong câu chuyện này sẽ biết là ai viết.
Con Vẫn Còn Rất Nhỏ Nhoi
Mỗi một người đều có những ước mơ riêng của họ. Trong những ước mơ của con là lượn rong chơi trên toàn thế giới để có thể cảm nhận được trái đất này rộng lớn như thế nào. Tuy con vẫn chưa thể đi qua hết năm Châu bốn Biển, nhưng cũng có thể cảm nhận ra rằng không nơi nào đẹp, bình an, và ấm cúng hơn nơi mà con gọi là “nhà”. Ở nơi đó có mái ấm gia đình, có Ba, có Mẹ, có anh chị em. Người Tây Phương cũng thường nói, “There is no place like home.” Bởi vì cho dù năm Châu bốn Biển có rộng lớn và sâu đến đâu cũng không hơn được lòng thương của Ba Mẹ đối với con cái của họ.
Con được sinh ra trong thời nghèo khó. Ba đã dẹp bỏ súng gươm trên tay mà cầm lên cái lưỡi bào để tìm cách mưu sinh cho con khôn lớn dưới quyền lực của một chế độ mới. Quê hương của Ba đã không còn như trước nữa. Thời áo trắng bút nghiên của Ba cũng đã qua. Ba cũng không còn phấn viết trên tay để dạy ở trường mỗi ngày nữa. Cho dù có nghèo khó đến đâu thì Ba cũng lo được chu toàn cho con cái. Ba không để con động một ngón tay nào. Khi con đói, Ba dành món ngon cho con ăn. Khi con lạnh, Ba giữa đêm thức giấc để đắp mền cho con. Lúc dó một cái giường mà ngủ đến bốn người. Khi con lên ba tuổi mà đã một mực cứ đòi đi học. Cứ đòi mãi, nên Ba đành phải chịu chở con đến lớp học để gặp cô giáo nhờ cô giáo khuyên con đi về vì con vẫn rất còn nhỏ.
Cũng vì tương lai của con mà Ba bỏ cả quê hương, rời xa cha mẹ, bạn bè, anh em thương mến của mình để đi đến một nơi chúng ta chưa từng đến bao giờ với niềm hy vọng là con có một cuộc sống ấm no hơn. Ở nơi xứ lạ quê người để đến khi bà Nội qua đời Ba cũng không thể nhìn mặt lần cuối. Khi con đến trường học, Ba sợ con bị ăn hiếp trên xe school bus, nên Ba đã cố ý tìm nhà gần trường để con đi học. Một năm qua rồi lại nhiều năm nữa, cuộc sống ở nơi xứ lạ cũng được ổn định. Dần dần thì ở đây cũng đã trở thành quê hương thứ hai của chúng ta. Ba thì vẫn tích cực dành dụm để kiên trì cuộc sống của gia đình. Ba tiết kiệm từng đồng chỉ mua đồ cũ để xài và chừa đồ mới lại cho con. Mỗi năm con muốn đồ mới và Ba đã mua cho con. Ăn đồ ăn bỏ lỡ, Ba lại không cho bỏ, Ba nói “Để đó Ba ăn, có người còn không có mà ăn.” Con còn nhỏ dại nên không hiểu sao đồ ăn ở nhà còn nhiều mà Ba lại ăn đồ thừa của con?
Có một ngày trên đường Ba rước con ở trường về. Ba thấy trước cửa căn nhà nọ có một cái bàn bên cạnh sọt rác. Ba nói, “Oh, cái bàn này còn tốt quá mà ai bỏ uổng vậy.” Ba liền quay đầu xe lại để lấy đem về. Trong lúc Ba lui cui xem xét cái món đồ thừa mà người ta đã vứt bỏ thì con vẫn còn ngồi trong xe. Thứ nhất, con nghĩ nhà mình không thiếu món nào và không phải không có tiền, sao Ba lại muốn nhặt cái bàn này đem về? Thứ hai, con lại sợ bạn bè nhìn thấy. Vì con sợ nên đã không bước xuống xe để phụ Ba một tay. Ngồi trong xe nhìn kiếng chiếu hậu bên tay cửa, trước mắt con là người Ba già ốm yếu dưới ánh nắng sáng chói của một mùa hè. Ba đang kiểm tra món đồ mà người ta cho là thừa, nhưng Ba lại xem là quý. Bỗng dưng con thấy thương Ba vô cùng. Ba của con chắc đã trải qua nhiều ngày tháng khó khăn khổ cực mặc dù Ba không hề nói với con điều ấy. Sau đó con đã bước xuống để giúp Ba. Nhưng Ba nói “Nặng lắm, để Ba làm.” Thưa Ba, lúc đó con được 14 tuổi.
Thời gian sau, có lúc con tình cờ nhìn thấy trên bàn viết của Ba có vẽ một sơ đồ. Khi con hỏi, Ba bảo rằng rảnh rỗi nên vẽ sơ đồ nhà chơi thôi. Từ lúc đó con có một ý nguyện là sẽ ráng chăm học sau này để dành tiền mua cho Ba mảnh đất để Ba cất nhà theo ý của mình để cả nhà cùng ở chung. Ý định này đến nay vẫn không thay đổi. Mong rằng Ba có thể chờ đến khi con có khả năng để làm việc này.
Khi con tốt nghiệp Trung Học, Ba không có mặt. Ba không thể đến dự ngày vui này vì Ba phải làm tròn bổn phận của người Ba đi lo hạnh phúc cho anh con. Ngày đó trời đã vào tháng năm, nắng cũng vẫn gắt như hôm nào năm xưa. Con đứng trước tất cả mọi ngươi trên diễn đản để nói lời tạm biệt cùng thầy cô và bạn bè. Thật buồn khi Ba Mẹ không thể có mặt, nhưng lời khuyên của Ba vẫn còn ở bên tai con: “Con à, đại học là ngưỡng cửa của thiên đàng. Ba vẫn hoài mơ ước được đi học lại nhưng không được. Giờ con học được thì phải ráng học.”
Hai năm sau, học nhiều quá và lo trước lo sau sợ không đủ khả năng theo đuổi ngành học mình yêu thích. Ba lại bảo “Quá trình con học không quan trọng, quan trọng là cuối cùng con có đạt được kết quả mà con mong muốn hay không. Con đừng tạo áp lực cho mình.” Nhiều năm như vậy trôi qua. Có lúc con suy nghĩ mình đã lớn rồi và cũng có lúc không nghe lời Ba dạy đã làm buồn lòng Ba Mẹ. Nhưng rồi lúc nào Ba Mẹ cũng mở rộng bàn tay để tha thứ cho con.
Đến nay con đã trưởng thành và đã đến lúc con phải đi xa vì công việc riêng của mình. Cho dù không nỡ, nhưng Ba cũng chấp nhận buông tay để con có không gian của mình. Ba không ngại đường xa sức yếu mà vẫn cùng con đi tìm nơi ở tốt cho con. Ba ơi! Có giây phút nào mà Ba nghĩ cho riêng mình không?
Khi con sinh ra là một cái trứng bé bỏng dễ bể nên Ba phải nâng niu. Khi còn nhỏ thì Ba lo cho con cái ăn cái mặc. Khi con bắt đầu biết đi thì Ba lại sơ con lạc lối. Chờ đến khi con vững cánh để bay thì Ba mới yên lòng để con đi một mình. Phải! Trái đất này rất rộng lớn, nhưng không nơi nào ấm cúng hơn nhà của Ba Mẹ. Không nơi nào đẹp và sáng ngời hơn lòng bao dung của Ba Mẹ. Con vẫn còn có ước nguyện muốn đi khắp nơi để nhìn thấy sự khác biệt của các nước trên toàn cầu, nhưng con muốn cùng đi với Ba Mẹ.
Có người nói rằng “Con hơn Cha là nhà có phước.” Nhưng theo con thì không phải như vậy. Không có Ba làm sao có được con? Không có Ba dạy dỗ thì làm sao con có hành tựu như ngày hôm nay? Thưa Ba, con không có hơn Ba đâu! So với lòng khoan dung rộng lượng yêu thương của Ba thì con vẫn còn rât nhỏ nhoi. ~~~Thịnh Vượng