TÌNH ANH BÁN CHIẾU – PHÂN TÍCH CÂU 2 & 3 Ông dung Thông
Do mối tương quan chặt chẽ giữa 2 câu này, chúng sẽ được xem xét đồng thời. Giả định rằng đây là lần đầu tiên bạn nghe TABC, và vừa nghe đến hết câu 1 thì…điện cúp. Những thông tin mà bạn có được cho đến hiện giờ là: Anh chàng bán chiếu nào đó từ Cà Mau chèo ghe tới kinh Ngã Bảy, không thấy người đẹp mà anh gọi là “cô gái năm xưa” ra chào (như đã hẹn trước), anh vội vàng vác chiếu đến tận nhà cô trong xóm Rẩy, chỉ để thấy cửa vườn nhà cô gái đã khóa kín tự bao giờ.
Với chiếc áo nhuộm bùn lấm tấm giọt mồ hôi, đứng trước căn nhà vô chủ trước sau vắng ngắt, nghe trong cơn gió lạnh chiều đông văng vẳng âm thanh mấy tiếng nguyệt cầm, chàng trai tội nghiệp nghe chừng như có ai vừa gieo vào lòng mình một nỗi buồn thê thãm.
Tất nhiên trong lúc… chờ có điện trở lại, bạn sẽ tự hỏi: -Vì sao anh chàng bán chiếu trông đợi cô gái nào đó đón anh ở đầu vàm kinh? -Vì sao cảnh vườn không nhà trống của “người ta” lại khiến anh buồn ?
Trong những bài Vọng cổ thời hoàng kim không bao giờ có một tình tiết không rõ ràng. Mọi tình tiết đều rõ đến mức người nghe không còn phải thắc mắc gì cả. Nếu có một tình tiết nào, ở đâu đó chưa rõ; chắc chắn sẽ có giải thích tường tận liền ngay sau đó.
Vâng, bạn sẽ nghe soạn giả Viễn Châu giải đáp mấy thắc mắc của bạn qua nội dung hai câu 2 và 3.
CÂU 2:
Mối thê thãm trong lòng chàng trai hiện giờ có duyên cớ từ cái ngày định mệnh:
Cô đặt đôi chiếu bông bề dài 2 thước có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng.
Nhận một mối hàng, hoàn thành mặt hàng, giao hàng cho khách, thế là xong một cuộc giao dịch, lẽ thường là thế; vậy thì tại sao bạn lại nghe ở đây một tiếng than buồn:
Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng ?.
Bạn hiểu ngay đây không phải là một giao dịch bình thường. Điều không bình thường ấy được soạn giả hé lộ ngay bằng 2 chi tiết sắc nét:
Cô ơi, đôi chiếu bông này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác sợi gai.
Phải là một khách hàng rất đặc biệt thì người làm hàng mới đặt hết tâm tư, tình cảm vào việc hoàn thành món hàng đến thế. Và chính vì đã “đầu tư” ngần ấy sức lực, tâm huyết cho đôi chiếu, mong làm đẹp lòng khách hàng, nên mới có nỗi niềm thật vọng chua cay này:
Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã bõ nhà sang qua xứ khác.
Và mới có nỗi buồn này:
Tôi đứng trước cổng vườn xưa với nỗi buồn man mác
Và mới có câu hỏi đứt ruột, đứt gan này:
Còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai ?
CÂU 3:
Qua câu 2 bài Vọng cổ, bạn đã mang máng đoán ra đằng sau mối giao dịch khá không bình thường giữa anh chàng bán chiếu và cô gái nào đó ắt phải còn nhiều uẩn khúc, ẩn tình gì nữa thì anh ta mới không biết” tặng” cho ai đôi chiếu đang oằn nặng trên vai. Từ tặng soạn giả dùng ở cuối câu 2 cho bạn biết tình cảm sâu nặng, tha thiết của chàng bán chiếu đối với “khách hàng” của mình.
Chuổi hồi tưởng trong lòng anh bán chiếu ở câu 3 giải đáp mọi nghi vấn .
Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô
Nếu như câu 2 chỉ mới là vài ba mảng phác họa thì câu 3 tập trung tô đậm những đường nét chính, những sự kiện có tính quyết định, vẽ nên toàn bộ buổi đầu gặp gỡ giữa đôi nam nữ đang độ xuân thì. Cô gái không chỉ chủ động "tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô", mà hơn thế, và đây mới chính là sự kiện tác động mạnh nhất, khắc một dấu ấn sâu đậm nhất lên tâm hồn anh bán chiếu:
Cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gỏ đỏ và đặt làm đôi chiếu
Với sở trường làm chiếu, bán chiếu, có lẽ không ít lần chàng trai đã có dịp đặt chân vào khuê phòng của các cô gái đang tuổi cặp kê; nhưng lần này là trường hợp đặc biệt, chưa từng có trước đây. Qua nỗi buồn, sự thất vọng, lời than thở của anh trong câu 1 và câu 2, soạn giả dễ dàng khiến bạn hình dung ra ở đây một khung cảnh rất nên thơ, rất lãng mạn, rất trữ tình, hoàn toàn thích hợp cho những xao xuyến, những rung động sâu kín cho dù chỉ mới gặp nhau lần đâu giữa đôi nam nữ bộc phát. Chốn phòng riêng ! Nơi lý tưởng khơi nguồn cho những mẫu chuyện rất riêng tư.
Họ trao đổi với nhau những gì?
Soạn giả chỉ viết chừng này:
Cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen (1)
Mà, mỗi lần nghe thêm câu kế tiếp, là thêm một lần tôi cảm phục người viết câu (1) này sát đất. Câu tiếp theo là:
Năm hôm sau khi tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng (2)
Dặn dò kỹ lưỡng điều gì ? Tất nhiên là nhiều thứ. Nhưng những thứ khác đều chỉ là cái cớ. Điều khiến cô gái xóm Rẩy phải đích thân ra tận đầu vàm kinh Ngã Bảy, nơi anh chàng bán chiếu sắp sửa lui ghe, chính là để nhắc đi nhắc lại lời hứa mà cả hai đã hứa với nhau trong lần gặp trước nơi khung cảnh hữu tình là chốn phòng riêng của cô gái. Đó là lời hứa nhất định sẽ gặp lại nhau vào ngày này, tháng này năm sau. Chính do có lời hứa chắc như đinh đóng cột đó giữa đôi bên mà chàng trai mới dốc hết công sức, dồn hết tâm tình vào việc hoàn thành đôi chiếu; và cũng chính vì lời hứa đó nên khi ghe vừa trở lại vàm kinh cũ, không thấy bóng hình người hẹn ước, chàng trai liền tự hỏi mình “sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào” ở đầu câu 1.
Hiểu như vậy thì sẽ thấy qua buổi gặp đầu tiên họ không chỉ thuần nói chuyện mua bán,chuyện giá cả. Họ nhất định đã đi xa hơn , ra ngoài việc bán mua.
Điều cực kỳ thú vị là sau câu (1),soạn giả không viết thêm một từ nào về cuộc trò chuyện ấy. Giá như ông viết thêm đôi ba chi tiết, đại loại là một ánh mắt đưa tình từ phía cô gái, hay đôi câu thử ướm lòng từ phía chàng trai, thì…sao nhỉ?
Thì đoạn này sẽ mất hết thú vị đi !
Soạn giả viết câu (2) là để tha hồ cho người đọc, người nghe tưởng tượng, sáng tạo ra thêm tình tiết của câu (1) tùy theo đầu óc sáng tạo của từng người.
Không có câu (2), tức là không có tình tiết cô gái “dặn dò kỹ lưỡng” (=nhắc đi nhắc lại lời hẹn) , thì toàn bộ sự kiện từ đó trở về trước đều không đứng vững.
Không hiểu ý (ngầm) của câu (2), đã có bao nhiêu kẻ phê bình anh chàng bán chiếu là “đa tình ngốc nghếch”, chê soạn giả Viễn Châu là vụng về vì hư cấu một nhân vật không thể có thực trong đời thường: vô cớ vừa thoáng gặp đã yêu thiết tha.
Tội cho anh bán chiếu ! Tội cho ông già VC biết bao !
Phần còn lại của câu 3 không còn gì để học hỏi. Chỉ chép ra đây cho trọn câu.
Sau khi cô đà quay gót, chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để dấu đôi hàng nước mắt, vì không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tình.
|