Tình trạng sức khỏe của Ông dung Thông tôi những tháng gần đây phải nói là hết sức tồi tệ, đến mức mà một ông / bà bạn cùng trường tốt bụng nào đó đã có nhã ý cầu mong cho tôi sớm mau mau về cõi vĩnh hằng đi cho rồi. Thiệt biết dùng lời nào để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với lời cầu chúc tuyệt vời như vậy ? Thôi thì, bắt chước cụ Phan Khôi, hễ còn "Nắng được thì cứ nắng", gọi là chút gì đó để tạ ơn người, tạ ơn đời. Vậy, bèn gượng dậy mà viết những dòng sau đây:
Để cải lương được chuyên nghiệp và có chỗ đứng đầy thuyết phục hơn nữa, có khi nào chị nghĩ là phải cùng bạn bè thành lập một trường đại học cải lương nhằm nghiên cứu và đào tạo người tài cho cải lương - một loại hình nghệ thuật đặc trưng không phải dân tộc nào cũng có được và biết đâu đây là cơ hội để cải lương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại? (Đào Quang Trí, 47 tuổi, daominhtuancm@)
Hỏi rằng "để cải lương có chỗ đứng đầy thuyết phục hơn nữa" là ngầm ngụ ý cái chỗ đứng hôm nay đã thuyết phục lắm rồi. Không hiểu anh chàng nêu câu hỏi này có biết rằng toàn thành phố hiện nay chỉ còn mỗi một rạp Hưng Đạo là thỉnh thoảng sáng đèn ? Tất cả rạp còn lại đều đã được chuyển đổi thành vũ trường, câu lạc bộ ăn chơi gì gì đó hết rồi. Sở dĩ như vậy là vì các nhà quản lý nhận ra rằng bộ môn nghệ thuật sân khấu này không còn chỗ đứng trong lòng khán giả mộ điệu nữa. Cải lương hôm nay chỉ còn là cái xác không hồn. Khán giả đã hoàn toàn quay lưng. Cái xác không hồn thì cần quái gì một chỗ đứng ? Mà dù có đem cái thứ cải lương không hồn phách này ra đặt ở chỗ ngã ba đường cái nào đó đi chăng nữa thì liệu còn có mấy ai dừng chân lại để nhìn ? Thực trạng giẫy chết của cải lương đã được báo chí trong nước nhắc đi nhắc lại từ lâu rồi, không phải ODT ác mồm ác miệng trù ẻo đâu. Trong tình trạng hấp hối đó mà lại dám nghĩ tới chuyện "thành lập 1 trường đại học cải lương nhằm nghiên cứu và đào tạo người tài" thì quả thật là mê sảng quá sức tưởng tượng. Không, cải lương ngày nay chưa cần nghiên cứu, đào tạo gì cả. Điều cần kíp trước mắt là học hỏi. Phải khiêm hạ học hỏi cho thấu đáo cái hay của cải lương xưa. Học từ cách sáng tác tuồng tích cho đến cách ca, diễn một cách đúng nghệ thuật là điều cần thiết trước tiên. Nên bắt đầu bằng cách xóa bỏ hoàn toàn các danh hiệu tài năng, ngôi sao...các thứ. Bỏ hết. Quét sạch đám rác rến đó tốt chừng nào, việc khôi phục cái tinh hoa của cải lương càng dễ, càng sớm thành công chừng nấy. Riêng chuyện "được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại"...gì đó thì ODT không dám rờ tới.
- NSƯT Bạch Tuyết: Vấn đề bạn đặt ra là thực tế và cấn thiết nhưng chỉ có tôi với bạn và một vài người nữa thì không được mà nó phải được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những nhà quản lý. Cải lương ra đời từ những nhà trí thức lớn đau đáu vận nước, vận nhà trong cảnh nô lệ. Theo dòng sống, cải lương thăng trầm cùng dân tộc, những vở tuồng, tác phẩm kinh điển đã hiếm có cơ hội xuất hiện nhiều khiến trong một bộ phận công chúng nhìn cải lương như là một sự lạc hậu, thất học...Vậy thì, cần phải có những cái nhìn chân xác hơn đối với một loại hình sân khấu dân tộc hiện đại. Nhưng trước hết, điều đó phải được bắt đầu từ những người làm cải lương. Ở đó, tính chuyên nghiệp tri thức và sự cẩn trọng phải được đặt hàng đầu.
Đoạn trả lời này thật là lếu láo hết chỗ nói.
- "Vấn đề bạn đặt ra là thực tế và cấn thiết nhưng chỉ có tôi với bạn và một vài người nữa thì không được mà nó phải được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những nhà quản lý." Thực tế của cải lương hôm nay chỉ có một yêu cầu cấp bách: làm sao cứu cho nó khỏi tắt thở. Khi các nhà quản lý chỉ chừa duy nhất 1 rạp Hưng Đạo cho cải lương tức là họ đã bó tay rồi, kêu gọi họ làm gì ? - "Vậy thì, cần phải có những cái nhìn chân xác hơn đối với một loại hình sân khấu dân tộc hiện đại." Kế thừa tính truyền thống, học hỏi, chắt lọc cái tinh túy của cải lương chân chính còn chưa đủ sức, làm không nỗi, còn dám to mồm bảo cái gì là "một loại hình sân khấu dân tộc hiện đại" ? Rồi "cần có cái nhìn chân xác" là muốn ám chỉ điều gì ? Sao không mạnh dạn nói thẳng ra là phải có thái độ nghiêm túc hạ mình làm trò, tôn các ngôi sao bắc đẩu của thời hoàng kim của cải lương, dù họ còn sống hay đã chết, làm thầy ?
|