Thương tặng các “chiến hữu” Thái Lý
Ông bà ta hồi xưa cho rằng có 4 món ăn chơi tao nhã là: cầm, kỳ, thi, tửu. Bởi vậy trong bài hát nói “Cầm, kỳ, thi, tửu”, cụ Ngộ Trai Nguyễn Công Trứ (cụ rất mê món Hát ả đào) có mấy câu:
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây, Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó. Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
Rồi trong bài “Kẻ sĩ”, cụ lại “đổi ý” đưa thơ và rượu lên hàng thứ nhứt: “Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn”….
Trà tam rượu tứ, uống rượu ít người mau say sỉn, uống đông người mạnh ai nói nấy nghe, chán chết. Uống ghiền có độc ẩm, đối ẩm, dân gian gọi vui là “đánh cờ nhào”. Sướng nhất là được uống với những người tri âm, tri kỷ, uống có “cung phi mỹ nữ” kề vai. Và sau cùng, uống rượu - làm thơ luôn là cái thú của các danh sĩ từ cổ chí kim.
Có 1001 lý do để say sỉn, vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống, cũng say tới bến, uống rượu mà không say thì còn gì là thú. Cuộc đời thì có lắm nỗi buồn, buồn gia đình, vợ con, buồn người yêu đi lấy chồng, buồn cho sự nghiệp công danh, buồn cho nhân tình thế thái, dâu bể cuộc đời và có cả những nỗi buồn man mác, không tên.
Chuyện say sỉn cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ, tửu nhập thi hứng, chén rượu tiêu sầu, chén rượu chia ly, chén rượu nhớ mong, chén rượu với mỹ nhân, thậm chí với cô hàng rượu...Trong vô vàn lý do biện minh cho chuyện nhậu, uống rượu tiêu sầu, là lý do được các nhà thơ ưu tiên nhất. Trong thơ của mấy vị tiền bối, lúc nào cũng có bóng dáng của bầu rượu, nhờ rượu mà các cụ cảm khái nên trang thơ bất hủ, còn lưu truyền đến tận đời sau.
Nhưng nói uống rượu tiêu sầu chỉ là cái cớ chứ nỗi sầu, hàng vạn nỗi sầu đâu dễ nguôi ngoai. Đúng như cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã phán:
"Sầu đong càng lắc càng đầy"
Nếu chỉ một trận càn khôn lúy túy mà dẹp được nỗi sầu thì “Tiên Thi” Lý Bạch đã không than vãn:
Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu. (Rút gươm chém nước, nước vẫn trôi Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu)
Nỗi sầu của Lý Bạch quả là sầu quá mạng, như dòng nước sông trôi mãi, không bờ bến, sầu đến tận cùng, không có thứ rượu nào có thể hóa giải được. “Ngỡ dìm nỗi sầu vào rượu, không hay càng uống lại càng sầu”. Biết là vậy như ông vẫn chén tì tì:
Rượu chỉ ba trăm chén, Mà ngàn vạn cái buồn. Để cái buồn không đến, Ta phải uống rượu luôn. (Một mình uống rượu dưới trăng)
Rõ ràng, mượn rượu tiêu sầu nhưng thành sầu không dễ gì phá đổ, may ra ta chỉ tạm quên trong phút chốc nhờ men rượu. Thơ, rượu và một thành sầu bất tận, thiên thu, vạn cổ mà đa số văn nhân, thi sĩ muốn đánh đổ mãi bằng men rượu nhưng không được thường là nỗi sầu thiếu giai nhân.
Không phải tự nhiên mà “Chiêu Lì” Phạm Thái trong “Tiêu Sơn tráng sĩ” (tiểu thuyết dã sử của cố nhà văn Khái Hưng) đã bật lên câu cảm thán: “Ô hô, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy một hồ rượu, chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt mỹ nhân”. Ôm mộng phù Lê diệt Tây Sơn không thành, cộng với mối tình bi thảm với nàng Trương Quỳnh Như tài sắc (em gái Trương Đăng Thụ, bạn cùng chí hướng) đã biến ông thành một “Lỗ Trí Thâm” bợm nhậu, luôn cặp kè be rượu bên mình:
Sống ở dương gian đánh chén nhè, Thác về âm phủ cắp lè kè. Diêm vương phán hỏi rằng chi đó? Be!
“Chiêu Lì” Phạm Thái tài hoa, tác giả "Chiến tụng Tây Hồ phú” (để đối lại bài phú "Tụng Tây Hồ" của Nguyễn Hữu Lượng) đã mất khi tuổi chỉ mới 36. Nếu nhờ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khám nghiệm (bác này từng chẩn đoán bệnh của Thuý Kiều), chắc ăn ông mất sớm là do chứng bệnh “xơ gan cổ trướng”, vì lúc cuối đời ông uống rượu như nước lã (uống khan không có kèm mồi), ông uống cho quên nỗi sầu vô vọng.
Ai cũng biết cụ Nguyễn Tuân, nhà văn nổi tiếng với tùy bút “Vang bóng một thời”, cụ rất ít khi làm thơ nhưng lại cho ra đời một bài thơ “Say” tuyệt cú (thuộc thể loại hát nói mà cụ Nguyễn Công Trứ ưa dùng), ông đã khuyên muốn giải sầu chỉ có cách làm... bợm nhậu:
Ai muốn lấp sầu thiên vạn cổ, Cùng ta hãy cạn một hồ đầy.
Trong bài thơ này ông còn tâm đắc trích đoạn 2 câu thơ đặc sắc trong “Tương tiếu tửu” của Lý Bạch tiên sinh:
Đảo phá sầu thành thi thị tướng Trường truy cùng tặc tửu vi binh
Ý nói “muốn phá thành sầu phải mượn thơ làm vị tướng, muốn đuổi giặc cùng phải mượn rượu làm quân lính”. Thế mới biết, phá thành sầu quả là chuyện cực khó, phải kết hợp giữa thơ và rượu, như tướng chỉ huy quân lính đánh giặc vậy (nhưng chưa chắn đã thắng).
Nói tới thơ say mà không nhắc tới sư phụ Tản Đà Nguyễn Khắc Khiếu thì quả là một thiếu sót. Tản Đà là người mãi mê “thơ -rượu” nhất, là một đệ tử lưu linh chính hiệu, như ông đã từng tâm sự:
Rượu thơ mình lại với mình, Khi say quên cả tấm hình phù du. (Ngày Xuân thơ rượu)
Nỗi sầu thiếu giai nhân luôn là nguồn cảm hứng vô tận của những tao nhân mặc khách từ cổ chí kim. Bởi vậy trong hàng vạn bài thơ về uống rượu tiêu sầu, đâu đó luôn thấp thoáng hình bóng phái đẹp.
Đại gia thơ say Vũ Hoàng Chương trong bài thơ Đời vắng em rồi say với ai đã thở than trong tuyệt vọng vì cái cảnh nhậu mà không có “em” chuốc rượu:
Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu, Đời vắng em rồi, say với ai?
Hình như đại gia Vũ Hoàng Chương chỉ thích say với người đẹp, bài thơ “Say đi em” thuộc hàng đẳng cấp của ông có đoạn:
Say đi em, say đi em Say cho lơi lả ánh đèn Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết...
Ta quá say rồi Sắc ngã màu trôi...
Nhưng em ơi Ðất trời nghiêng ngửa Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ Ðất trời nghiêng ngửa Thành sầu không sụp đổ, em ơi!
Ông muốn nhậu cho đã đời, tê tái để “quên, quên hết”, sỉn đến nổi “Sắc ngã màu trôi”, “đất trời nghiên ngửa” rồi mà ông vẫn cứ uống thêm vì “thành sầu chưa sụp đổ”. Cái say của Vũ Hòang chương quả là ác liệt.
Trong thơ tình của Nguyễn Bính, ông cũng nhắc tới rượu, tuy là rượu mừng nhưng vẫn thấp thoáng nỗi buồn, nỗi luyến tiếc vì nàng sắp lên xe hoa về nhà chồng:
Cao tay nâng chén rượu hồng, Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay, Uống đi! Em uống cho say! Để trong mơ thấy những ngày xuân qua. (Rượu xuân)
Để rồi ông tiếp tục uống ly này qua ly khác để cố tìm lại những hình bóng cũ: Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa Uống thực say rồi nhớ cố nhân. (Nhớ)
Thi sĩ Trần Huyền Trân (1913 -1989) trong dòng thơ mới của ông thời tiền chiến cũng miên man nỗi sầu tình duyên trắc trở trong men rượu:
Tình tôi- em hỏi làm chi? Tình muôn ngàn lối tôi đi một mình Một mình dốc chén ly sinh Men day dứt mãi lòng mênh mông buồn (Những cánh thơ vàng)
Cái sầu của Trần Huyền Trân quả là mênh mông và dữ dội không kém, có lúc ông còn muốn nhậu với đàn anh Tản Đà để sẻ chia nỗi sầu nhân thế:
Rồi lên ta uống với nhau Rót đau lòng ấy vào đau lòng này Tôi say? -Thưa trẻ chưa đầy Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?.... (Uống rượu với Tản Đà)
Nỗi buồn thất tình thường là nỗi đau đậm đặc nhất trong những bài thơ say nổi tiếng. Mối tình đơn phương, cũng là mối tình sâu đậm nhất của “Đại lão cái bang”, “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng với nghệ sĩ Kim Cương đã khiến ông phải vương mang mối sầu thiên thu, vạn cổ và làm nên một “sêri” thơ “không đụng hàng” về bà trong những cơn say, nửa tỉnh nửa mê. Trước khi chết (năm 1998) ông khai rõ một trong những lý do say sỉn của mình:
Em đi thanh thản ngọc tuyền Anh ngồi nốc rượu nốc phiền thiên thu Kim Cương Nương Tử tuyệt trù Thơ thần chất vấn dặm cù tình điên (Kim Cương nương tử)
Cảm khái hai câu thơ "Còn trời còn nước còn non/Còn cô bán rượu, anh còn say sưa" của đàn anh Tản Đà, nhà thơ Bùi Giáng đã sáng tác bài thơ đậm chất “Bùi thi sĩ”, ngôn từ không lẫn với ai được: “Tản Đà bị tẩu hỏa nhập ma”, bài thơ đã “cảnh báo” hậu quả của việc si mê cô hàng rượu:
Say rượu nhiều, say cô nhiều nữa Vì say cô, lần lữa tới lui ... Say be bét khóc sụt sùi Say sưa nhị bội, say sưa song trùng...
Say cô hàng rượu, ngày nào cũng ngồi uống rượu chỉ để ngắm nàng, nhưng hậu quả thật là ghê gớm, chàng đã bị... tẩu hỏa nhập ma (chắc chắn không xơ gan thì cũng loét bao tử, ung thư đường ruột):
Tình yêu có tạc có thù Có duyên cá nước đắp bù rượu men Rồi từ đó thường hằng qua lại Tiếp tục đi gặt hái say sưa Thần công du hí thượng thừa Nhập ma tẩu hoả xin chừa chịu chơi!
Hiền hòa như nhà thơ thiền sư Phạm Thiên Thư cũng không thoát khỏi chuyện lai rai ba sợi cho đỡ buồn, đỡ nhớ:
Giờ ai thèm nhớ Họa chăng cỏ cây Bên suối uống rượu Buồn hoài quên say (Uống rượu)
Ông còn “Đưa em tìm động hoa vàng” bằng chén rượu hồng dù đoán trước nàng sẽ lấy chồng nơi xa:
Đưa nhau đổ chén rượu hồng Mai sau em có theo chồng đất xa Qua đò gõ nhịp chèo ca Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say
Đại diện cho thế hệ thi sĩ sau 1975, theo trường phái cách tân, Bùi Chí Vinh, một nhà thơ “giang hồ” nổi tiếng, rất thích chè chén, lai rai cùng bạn bè, chiến hữu cũng xác nhận như đinh đóng cột rằng không thể thiếu món rượu trong thơ, để cùng sẻ chia nỗi sầu đau trong “bức tranh vân cẩu” của cuộc đời:
Cầm bằng trong cuộc bể dâu Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai (Đụng độ Nguyễn Đức Sơn)
Cuối cùng, hãy bỏ qua chuyện thơ... thẩn để trở về với thực tại, có 2 cái chán nhất của chuyện uống rượu chính là nhậu thiếu tay (có khi vì một số chiến hữu đang uống thuốc, nằm bệnh viện...) và thứ hai là hết rượu mà không có tiền mua hoặc không có ai rủ nhậu. Đúng như trong nhạc phẩm “Buồn” của cố nhạc sĩ Y Vân đã có câu tổng kết:
Buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn; Buồn như ly rượu cạn không còn rượu để say…
Nỗi sầu đau của con người lúc nào cũng đa dạng, phong phú, còn rượu thì lúc nào cũng có sẵn và đầy đủ các chủng loại từ rượu đế bình dân đến rượu thuốc, chuối hột, đủng đỉnh, đinh lăng... cho đến rượu quý tộc ngâm sâm nhung, tay gấu, ngọc dương, tắc kè, bìm bịp, rắn hổ, bao tử nhím, hải mã, kỳ nhông, rượu Tây, rượu Tàu… tha hồ cùng nhau nâng chén “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, để rồi thành sầu vẫn sừng sững, vẫn vương mang có khi cả một cuộc đời./.
|