TUỔI THƠ TRONG KÝ ỨC TÔI
Như bao người dân Tây Nam bộ, thời thơ ấu của tôi gắn liền với một dòng sông. Chắc có lẽ vì thế nên tuổi thơ tôi cũng như nườc chảy xuôi dòng lúc êm ả, và lắm lúc cũng không kém phần dữ dội. Cho đến giờ - khi xa quê hương - những giấc chiêm bao của một người con xa xứ đều là hình ảnh của căn nhà ngoại, nơi tôi sống từ bé đến trưởng thành.
Nhà ngoại tôi nằm ngay trung tâm chợ cạnh bờ sông Tiền hung hãn lúc nào cũng muốn nuốt chững khu chợ huyện bé nhỏ. Chợ tuy không lớn nhưng nó là nơi kiếm sống của hàng ngàn người. Vào những năm đầu 80 mẹ tôi rồi đến ba tôi lần lượt từ bỏ nghề giáo lương ba cọc, ba đồng để chuyển sang buôn bán kiếm tiền trang trải cho gia đình. Đất nước vẫn còn khép kín cửa bang giao nên đời sồng cực kì vất vả, lúc tôi 4-5 tuổi đồ chơi của tôi là thùng bù lon, con tán sửa xe gắn máy của cậu tôi, Ngoại để tôi ngồi chơi vớí chúng để chờ ba mẹ đi làm về. Tôi vẫn nhớ như in những lần được ba mẹ dắt qua sông mua hàng, chiếc ghe thật to dùng để chứa đầy những bao phân nông nghiệp, mỗi lần đi như thế trước khi quay về nhà tôi được cho tắm sông bằng cách ngồi trên tấm ván (được chủ ghe mang theo dùng làm cầu nối từ ghe với bờ) và ba tôi lội theo đẩy nó đi trong nước, cảm giác thật thích thú làm sao. Những giấc chiêm bao của tuổi thơ luôn hiển hiện nụ cười vang dòn bên con sông ấy. Mẹ tôi kể rằng tôi thuộc mạng thủy nên từ nhỏ đã thích vọc nước, lúc 2-3 tuổi vừa "ị" trong bô vừa lấy chân vọc nước trong thau cả tiếng đồng hồ làm ngoại tôi phải chờ tôi mòn mỏi. Không tin vào số mạng cũng không được, ngành tôi đã học cũng gắn liền với sông nước.
Những buổi trưa nằm võng nghe ngoại ru ngủ, tôi chỉ vờ khép mắt rồi đợi ngoại đi làm việc khác thì lẻn cửa sau đi chơi. Thằng con nít 6-7 tuổi mãi mê chơi " đẽm lon", năm mười, chơi keng, bắn đạn, chia phe đánh lộn và đập ruồi ??? thường hay trốn ngủ thì làm sao mập nỗi? Tôi đen nhẻm, ốm tong teo, suy dinh dưỡng. Đến lớp 4 tôi vẫn thường đi học với cái bụng đói vì ham chơi mà quên ăn sáng, và đã có lần vào giờ ra chơi, trong lúc chia phe đánh lộn thì tôi bị “kẻ thù” phang nguyên cây "thiết bảng" vào tay, đau quá ( và đói quá) ...ngất xỉu. Cô giáo phải ẳm chạy đến bệnh viện và vô mấy chai nước biển. Sau lần đó, tôi "nổi" tiếng nhất trường vì đã quậy đến xỉu....
Không hiểu từ bao giờ khái niệm " Đất lở" đã in sâu trong tâm trí của người dân quê tôi , nó như một hung thần đeo bám mọi người. Dù ai nấy cũng hy vọng là không có chuyện đất lở xãy ra nữa nhưng điều ấy vẫn tiếp diễn, cứ cách 3-4 năm đất lại lở mang theo tài sản, nhà cửa, sinh mạng của biết bao người. Lũ trẻ con như bọn tôi chẳng biết chuyện gì cứ vô tư nô đùa trên mảnh đất mà không biết là dưới chân mình đất đã bị nước xoáy dần dần trở nên rỗng không. Đất sẽ sụp khi nào không hay! Tôi đã chứng kiến cảnh đất lở với cặp mắt vô hồn trong cảnh hoảng loạn của người ta. Đất nứt ! cả bọn kéo nhau đi coi , từ xa những ngôi nhà kiên cố 2-3 tầng lần lượt đổ ập xuống sông, cát bụi bay mù mịt. Chúng tôi hòa vào đám người đứng nhốn nháo dưới cầu Đúc. Có ngôi nhà vừa mới sụp chỉ còn miếng cửa sổ trôi theo dòng nước, hai ba người liều lĩnh nhày từ cầu xuống bơi ra vớt đem về… Vào những năm 88 -90, nhà nước có chính sách thông thoáng nên chợ trở nên sung túc hơn, ba mẹ tôi mở một tiệm thuốc tây nhỏ ở chợ, nhưng lúc ấy buôn bán vẫn còn khó khăn lắm. Tôi, vẫn vô tư sống trong dòng đời êm ả, vẫn náo nức khi nghe tiếng trống tập múa lân của chùa Ông mỗi khi Tểt sắp đến, vẫn thích ngửi được mùi pháo đêm ba mươi, và vẫn nhớ nhiều lắm chứ....
Khi tôi lên lớp 7, đất quê tôi bắt đầu lở. Chợ bị con sông ngoạm một phần nên phải dời đi , hàng rào dây thép giăng ngang khu tôi ở không cho xe ra vào. Nhà tôi hoàn toàn mất điện vì nằm trong " khu vực nguy hiểm". Lúc ấy tôi mới hiểu được cảm giác của những người khi nhà sắp bị nước cuốn. Chợ mới được dời vào trong đồng ở một khu gọi là "chợ tạm" trong khi chờ Nhà nước quy hoạch tim chỗ cất chợ mới. Kinh tế gia đình tôi vừa mới đi lên lại bắt đầu chững lại vì "chợ tạm" bán quá ế. Cuộc sống gia đình khá vất vả suốt 6-7 năm đến khi tôi tốt nghiệp phổ thông trung học thì dọn nhà lên Sài Gòn. Vào năm nhất đại học, căn nhà ngoại vẫn còn đó, tôi lại có dịp về thăm quê vào hè, giờ đây nó thênh thang đến lạ lùng, chỉ còn mình tôi về sống ôn lại những kỉ niệm trong căn nhà này. Tôi nhớ từng dấu nứt của viên gạch Tàu trong nhà ngoại và ngay cả mùi ẩm mốc cũ kỉ của căn nhà lâu năm. Nhưng có điều tôi không ngờ rằng đó cũng là những ngày cuối cùng tôi được ở đấy. Gần Tết, cậu tôi điện thoại lúc nửa đêm báo là căn nhà đã vĩnh viễn vùi dưới đáy lòng sông. Một cảm giác chua xót, nghèn nghẹn dâng lên, tôi rươm rướm nước mắt, trằn trọc suốt đêm... chỉ muốn mong trở về.
Tết. Tôi về lại quê mình, đạp xe đến khu "đất lở" tôi bàng hoàng xót xa , khung cảnh hoang tàn, những ngôi nhà còn lại bị đập nát, các dãy nhà gần đó cũng im lìm đóng cửa. Còn căn nhà ngoại tôi chỉ còn là quá khứ, nỗi buồn lại xâm chiếm.....Tết ấy, tôi buồn bã rời quê .... Dẫu biết đó là quy luật tự nhiên , là sự chuyển dời của một dòng sông , nhưng khi mình chính là nạn nhân thì càng thắm thía sự vô tình của thiên nhiên.
Hôm nay, đọc tin tức qua mạng thấy quê mình đất lại lở, lại có thêm nhiều người đau khổ vì mất đi ngôi nhà - nơi chôn nhau cắt rốn của mình - Biết chia sẻ nỗi đau bằng cách nào ngoài những dòng tâm sự này.
PL (Dec 21 2005)
|