Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 16:55
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ. T.C.T. «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1951 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 12 2007, 12:24
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ
T.C.T

Dưới chợ Tân Châu, nơi có hai nhánh sông Tiền ôm lấy cù lao Long Thuận xuôi dòng về phía hạ lưu 2km lại thêm một nhánh nửa chia làng Long Khánh thành hai, một lớn, một nhỏ gọi là Cù lao Lớn và Cù lao Nhỏ.
Nhánh sông này hẹp và ngắn có tên là Xép Chà Và, dài khoảng 3km, quanh co uốn lượn như chú lươn con xuyên ngang một vùng cù lao xanh mát, mang phù sa và nước tưới cho miền đất tương đối trẻ.
Thời cựu trào, cù lao Long Khánh chỉ là một thôn của làng Châu Đốc. Dân cư còn ít, giao thông đường thủy là chính. Người dân hiền hòa mộc mạc. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông, lúc rảnh rỗi cũng giăng câu bủa lưới kiếm thêm thu nhập.

Đất lành chim đậu, dân số nơi đây phát triển nhanh. Theo đó nghề dệt lụa nổi lên,g óp sức cùng Vịnh Đồn-Tân Châu đưa mặt hàng Lụa Mỹ A nổi tiếng khắp nơi. Tuy không thành một làng nghề, nhưng rải rác văng vẳng tiếng thoi đưa giữa khoảng không gian tĩnh lặng của miền quê yên lành, làm gợi cảm lòng người.
Vì là cù lao, nên đất đai rất màu mỡ phù hợp cho bắp, đậu xanh, thuốc lá, dưa hấu…Riêng lúa Thần Nông thì không được chuộng lắm vì đất xốp, không giữ nước. Màu xanh bạt ngàn của nương rẫy hai bên bờ Xép Chà Và xen lẫn mặt sông lấp lánh khi ẩn khi hiện vào những ngày nắng đẹp, tạo nên một bức tranh đặc trưng của vùng quê sông nước.

Bên phía Cù lao Nhỏ, dân cư cũng đông đúc như Cù lao Lớn, có một nghĩa trang thí lâu đời lắm. Hai xóm nhà cách nhau cái nghĩa trang. Năm đó có nhà xóm trên mua được chiếc máy hát, chạy bằng dây thiều, dùng đĩa sành, hát xong mỗi đĩa phải thay kim, nếu tiếc có thể mài lại xài thêm một đĩa nữa. Thằng Dớn nhà xóm dưới mê lắm, đêm đêm cùng một số người đến nghe. Chủ nhà tốt bụng, trải chiếu cho ngồi, đêm nào cũng chừng hai chục người. Thời ấy nổi danh có côTư Sạn trong tuồng “Trảm Trịnh Ân”, Út Trà Ôn với bài “Tình anh bán chiếu”, nghe mùi rụng rún…Hát xong mỗi đĩa, thằng Dớn xung phong mài kim, chủ nhà lên dây thiều và hát đĩa khác. Ban ngày vất vả ngoài đồng, tay lấm chân bùn, mồ hôi nhễ nhại, tối đến được nghe hát đĩa, mọi người rất hả hê. Gặp lúc hề giễu có duyên cùng nhau cười vang, đến chừng màn lớp éo le ai cũng bùi ngùi thương xót. Cứ thế hằng đêm nơi đây thành một tụ điểm giải trí không mất tiền. Vào những đêm trăng sáng,trai gái xóm trên lẫn xóm dưới mượn nơi đây để “tìm hiểu”. Bọn trai làng có dịp buông lời giao duyên, đáp lại là những tiếng cười khúc khích hay đôi khi chỉ một tiếng “xì”!
Mãi rồi người đến cũng thưa dần vì chủ nhà không thể mua hoài đĩa mới, thằng Dớn thì vẫn còn mê. Có lúc trời khuya tối đen như mực, khi về đi ngang nghĩa trang thấy cái bóng đen lù lù, chạy vắt giò lên cổ. Sáng ra mới biết đó là gốc cây ai bỏ bên đường! Có đêm sợ quá, bắt chước Út Trà Ôn ca bài “Tình anh bán chiếu”. Nhận ra mình cũng có “chất giọng” bèn tập lại ở chỗ vắng người. Lần hồi bạo dạn hát thử cho con Lài cùng xóm nghe. Nó khen hay. Thằng Dớn mừng rơn, cố công luyện tập.
Coi bộ nó có “chất giọng” thật. Chẳng bao lâu nhiều người trong xóm bắt đầu để ý đến giọng ca của nó. Sáng sáng, ngoài nương rẫy tiếng ca của thằng Dớn cất lên thì có người phải ngưng tay lắng nghe, đám bạn khen cái thằng đen đen mà giọng ca nghe mùi! Không hiểu sao, mỗi lần thằng Dớn được khen thì má con Lài ửng đỏ, bẻn lẻn nhìn đi chỗ khác. Còn thằng Dớn thì bắt đầu chú ý đến ăn mặc, nó tìm mọi cớ để được mặc đồ sạch sẽ, được mang đôi dép Nhật Bổn, cái đầu xưa nay hớt “cua” chuyển thành hớt “chải”.

&&&

Bây giờ thì không ai đến nhà xóm trên khi xưa nghe hát máy vì radio Nhật Bổn đã về đến thôn xóm. Ở Cù lao Nhỏ cứ vài ba nhà là có một nhà mua radio. Khỏi phải lên dây thiều, khỏi phải mài kim như hát máy. Chương trình cũng phong phú, có thể nghe cải lương, ca vọng cổ và cả tân nhạc nữa. Lâu lâu được nghe tuồng mới, bài vọng cổ mới. Còn máy hát xóm trên một tuồng hát hoài cả tháng cũng nhàm. Bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”nghe riết rồi thuộc, chờ mòn con mắt chủ nhà chưa mua đĩa mới. Thế rồi đêm đêm bên ánh đèn dầu cả nhà kẻ nằm người ngồi nghe cải lương, nghe vọng cổ…Nhà kế bên chưa sắm được radio thì nghe ké nhà hàng xóm. Đêm quê yên tịnh, mở radio hai ba nhà hàng xóm đều nghe. Thằng Dớn được dịp học thêm bài vọng cổ mới. Trước đây nó bắt chước giọng ca Út Trà Ôn, bây giờ nó bắt chước giọng ca Minh Cảnh bởi vì nó khoái bài “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà” với giọng cao của Minh Cảnh. Thằng Dớn kể cũng có tài, bắt chước giọng Út Trà Ôn giống Út Trà Ôn, bắt chước giọng Minh Cảnh giống Minh Cảnh. Bà con trong xóm rất có cảm tình.
Nhờ có radio nghe tuồng nghe hát, lần hồi mọi người “nhiễm”văn chương tuồng hát. Có lần người giới thiệu chương trình bảo “Tuồng này được xem như món ăn tinh thần…”. Ai nấy nghe tiếng “Tinh thần”ngồ ngộ, cùng nhau bắt chước. Thấy thằng Dớn mặc áo mới thì nói nó ăn bận “tinh thần”quá (!) Nghe đào kép diễn tuồng có tiếng “Tương lai”, đắt ý, gặp đám rẫy nhà ai xanh tốt liền khen nó thật “tương lai”, thậm chí “tương lai quá khứ”!

Sau mùa nước nổi năm ấy, nhân ngày cúng miễu, ban hội tề có mướn đoàn cải lương về hát. Mặt trời vừa mấp mé đọt gáo bờ sông, bọn trai gái liền ngưng tay cuốc, về nhà chuẩn bị cơm nước để tối còn đi xem hát. Con Lài chọn cho mình chiếc áo đẹp, đôi dép cao su Nhật Bổn thì được cọ rửa kỹ lưỡng từ trưa. Khi tiếng trống cơm xa xa theo gió vừa vào xóm là lúc mọi người kéo nhau về miễu.
Lài có ý tìm xem trong đám đông ấy có Dớn không. Bỗng dưng nghe tim mình đập mạnh. Một cảm giác êm đềm và xấu hổ len nhẹ vào lòng. Thằng Dớn đứng dựa gốc me mà ngẫu nhiên bốn mắt gặp nhau, chắc nó cũng bối rối vì Lài chợt nhận ra vài cử chỉ vụng về của Dớn khi đưa tay vuốt tóc.
Tiếng trống cơm mỗi lúc một rộn rã. Người đến mỗi lúc một đông. Ánh trăng mười sáu tỏa sáng khắp nơi cũng là lúc gánh hát kéo màn. Hôm nay họ diễn tuồng “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”. Vai diễn Tiết Đinh San thật tội nghiệp. Chân bước nhứt bộ nhứt bái, miệng không ngớt lời van xin. Anh kép này có gọng ca buồn buồn thật hợp với vai diễn. Đào đóng vai Phàn Lê Huê cũng không kém, vẻ mặt giận hờn, cặp mắt liếc xiên. Mọi người tắm tắc khen cho vai diễn tài hoa.
Bất chợt Lài đưa mắt nhìn về phía Dớn. Nó mải mê xem tuồng coi mòi thích thú. Rồi như một linh cảm, nó nhìn về phía Lài. Cả hai bối rối. Hôm nay Dớn dọn thật “kẻng”. Áo sơ mi tay cụt sọc ca rô. Đầu xức dầu pi-giăng-tin thơm phức. Thật “tinh thần”!
Sang màn hai nó nhích lần đến Lài, tìm cách bắt chuyện. Nhưng gần nửa màn Lài không nghe nó nói gì, hơi thất vọng. Rồi màn hai buông xuống, vẫn không tìm được lời để nói. Con Lài mắng thầm “đồ ngốc”. Tuy nhiên thằng Dớn Đứng gần làm nó e thẹn và hồi hộp.
Những ngày sau đó, ra xép Chà Và tắm thỉnh thoảng thằng Dớn gặp Lài ra giặt áo. Trao đổi vài câu bâng quơ. Thế là thằng Dớn ra tắm thường hơn và cũng gặp Lài thường hơn, ngày nào không gặp hai đứa cảm thấy buồn buồn, nhơ nhớ. Tuổi mười bảy mười tám còn mắc cỡ,có dịp gặp nhau không dám nói nhiều, vắng nhau một ngày lòng thấy vấn vương. Cái tình cảm mộc mạc, chân tình ấy nó tự nhiên đến với hai đứa. Đến một cách nhẹ nhàng, âm thầm như dòng xép Chà Và lặng lẽ trôi.
Bận nọ vào dịp cúng đình, có gánh hát bội về diễn, các cụ vui thú lắm nhưng lớp trẻ thì không thích mấy. Một vài cặp trai gái rủ nhau tản đến các gốc cây dầu tâm sự. Thằng Dớn thuyết phục mãi con Lài mới chịu trò chuyện cùng nó, nhưng phải ngồi…xa xa. Bao nhiêu đó cũng “tương lai” rồi, cần gì nữa mà phải đèo bồng. Tiếng là trò chuyện nhưng hai đứa làm thinh thì nhiều bởi chẳng biết nói chi. Tuy thế trong lòng mỗi đứa đượm lên một niềm vui nhẹ nhàng, một cảm giác vừa e sợ vừa nồng ấm.

&&&

Lần đầu tiên thằng Dớn mạnh dạn nói với Lài ý định lên Sài Gòn lập nghiệp. Nó cho rằng cuộc sống hiện thời ở quê không “tương lai”, phải mạo hiểm mới có cơ may khá giả. Dĩ nhiên con Lài không tán thành vì bản chất thật thà của thằng Dớn thì thất bại là cái chắc. Tuy nhiên không thể cản được ý chí vươn lên của Dớn. Đành chịu. Lòng hoang mang lắm. Thằng Dớn nói cũng có lí, rồi đây nơi phồn hoa đô hội nó thích nghi được không? Vả lại, Dớn đi rồi chắc Lài sẽ nhớ, sẽ buồn, không còn tiếng ca giọng cổ mùi mẫn của Dớn nữa. Bất chợt Lài nhìn vào mắt Dớn, dưới ánh trăng mờ nó vẫn thấy đôi mắt Dớn sáng, pha lẫn một nét buồn ẩn chứa. Lài quay mặt, hướng tầm nhìn về phía xa xa, nơi dòng xép Chà Và phơi mình dưới trăng. Dòng xép hiền hòa mang trong lòng nó những nỗi buồn vui tự bao đời của người dân Long Khánh! Nơi đây sinh ra những con người một nắng hai sương, cuộc sống lam lũ, mộc mạc mà ngay thẳng. Thằng Dớn là một tiêu biểu, Lài cảm thấy thương Dớn quá!
Trước ngày Dớn đi,con Lài nhét vội vào tay nó năm ngàn đồng,chắc mót mấy tháng nay. Dớn không muốn nhận,Lài tỏ vẻ giận,Dớn đành nhận cho có “tinh thần”.
Những ngày sau đó Lài buồn lắm. Xép Chà Và với dòng nước xanh biếc. Ngọn tre già đầu xóm đong đưa trước gió. Tiếng gà gáy trưa …Cái gì cũng làm Lài nhớ đến Dớn. Nhớ nhứt là giọng ca ngọt lịm bài “Tình anh bán chiếu”, “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà”. Nhớ tánh thật thà, chơn chất…

&&&

Nhưng con xép Chà Và nuớc ròng nước lớn. Lòng người ít khi kiên định.
Cuối Thu năm ấy, tiết trời se se lạnh, một người khách đến làng, hàng ngày thơ thẩn ngoài rẫy. Hết ngắm nghía cây bắp lại chăm chú nhìn cây cà. Có khi lượm vài cục đất bỏ vào chiếc túi mang trên vai. Vắng vài hôm, lại xuất hiện. Dân trong xóm tò mò hỏi thăm mới biết ông ta là kỹ sư canh nông đến nghiên cứu thổ nhưỡng vùng này.
Ông khách lạ nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người vì ăn nói khéo léo, mềm mỏng, lại rất đẹp trai.
Thời gian thắm thoát thoi đưa, không hiểu bắt đầu từ đâu mà Lài và ông khách ấy quen nhau. Tình cảm dần dần tiến xa.. Hình bóng thằng Dớn nhòa phai lúc nào Lài không rõ. Thay vào đó là chàng kỹ sư tài hoa, mỗi ngày một đậm dần.
Chuyện đời éo le, cũng không nên trách Lài. Mỗi người con gái là mỗi ước mơ, tuổi xuân không đến hai lần. Vả lại, mối tình giữa Dớn và Lài chỉ mới bắt đầu, chưa sâu đậm.Duyên đưa đẩy chẳng qua những bài vọng cổ, kỷ niệm trao nhau là những lời bâng quơ, không đủ giữ chân Lài. Có trách là trách ông trời trớ trêu, đã có Dớn còn mang ông khách lạ về làng! Tội nghiệp cho thằng Dớn, những tưởng ra đi để có tương lai nào ngờ phải ôm mối hận lòng (!).
Rồi họ cưới nhau, chàng kỹ sư về quê dắt theo người vợ trẻ. Con Lài ra đi mà chưa một lần gặp lại Dớn. Thật ra nó cũng còn nhớ Dớn, nhưng cái nhớ mang một ý nghĩa khác, giống con xép Chà Và nhớ bóng tre làng in hình trong nước, không bồi hồi, không rung cảm.

&&&

Mùa đông sắp tàn, cũng là lúc mọi người chuẩn bị ăn Tết. Văng vẳng đầu trên xóm dưới tiếng chày quết bánh hòa cùng mùi thơm thoang thoảng của vài bông mai nở sớm, Dớn về. Nghe tin người yêu theo chồng, nó rụng rời. Không vào nhà, ngồi bên gốc me bờ sông, đưa mắt nhìn làn nước biếc. Xa xa một chiếc xuồng câu, đơn độc cắm sào cạnh chiếc cầu tre nơi Lài thường ra giặt áo. Nó nhớ đến bài “Tình anh bán chiếu”, có chiếc “ghe chiếu cắm sào trên kinh Ngã Bảy…”. Rồi liên tưởng đến chiếc máy hát ngày nào, âm thầm lùi vào góc tủ nhường chỗ cho chiếc radio xinh xắn. Ôi! hai hình ảnh một nỗi lòng.
Nó cúi xuống nhặt một hòn sỏi liệng ra xa, rơi xuống mặt sông tạo thành những vòng tròn đồng tâm lan rộng. Mặt nước đong đưa làm cái bóng của nó méo mó như cuộc đời mà nó trải qua…

================================================================
- Ông anh viết truyện ngắn hay ghê! NL cũng đang tìm hiểu cách viết thể loại này để tập tành từ từ...phòng khi thất nghiệp. :D :) :D Có kinh nghiệm gì truyền cho đàn em với, cảm ơn anh trước nhé!
- Nghe đến cụm từ "tương lai quá khứ" mà NL nhớ đến truyện "Đò Dọc" của Bình Nguyên Lộc quá. Năm 1975, có người mượn của NL rồi chôm luôn (Cuốn này NL có được do...chôm của một đứa bạn năm 1974 :D :) :D Đúng là "Của thiên trả địa" nhỉ?)
NGOC LA


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 12 2007, 00:44
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 68
Sinh nhật: 25-04-1956
Ngày tham gia: 18 Tháng 7 2007, 23:22
Bài viết: 125
ÔNG BẠN TCT thân mến

Đọc bài nầy sao tui linh cảm dường như là chuyện của Ông thì phải??? hì hì hì.
Chuyện rất thực tế và mộc mạc như người dân quê cồn Long Khánh, mà Tôi đã có dịp sống nơi đó khỏang gần một năm, cũng người con gái tên “ Lài”,mà tôi quen vào lúc thất nghiệp đi chiếu phim muớn khỏang năm giửa năm 1988 ( thời đó chiếu phim bằng Đầu máy video) rất hiếm chứ không phải như bây giờ nhà nào cũng có. Cũng khung cảnh khu mả hoang. Có lần trong lúc chiếu phim” Ma Hong Kong “ hay qúa nên các em nhỏ coi say sưa đến độ ngủ quên luôn, khi mọi người về hết khỏang 3h sáng cậu ta thức thầy mình nằm ngủ ở Nghỉa địa hỏang quá, khóc ré lên làm mọi người một phen hú vía tưởng là ma.
…………………………………………………………………………………………….

Rất cám ơn Ông bạn đã viết một bài rất là Hay. :rollin: :rollin: :rollin: :clap: :clap: :clap:
Xin tặng Ông bạn :rse: :rse: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 12 2007, 21:21
Thật đặc sắc, ông bạn T.C.T thân mến !

:rose3: :rse: :wtrose:


Đầu trang
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» CHUYỆN TÌNH BÊN XÉP CHÀ VÀ. T.C.T. «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu