GIĂNG CÂU MÙA NƯỚC LÊN Hoài Cổ
Hồi đó ở quê tôi, chuyện câu cá bằng cần câu là của con gái,còn con trai thì đặt lợp,giăng lưới, giăng câu và thẩy câu. -Có thể giăng lưới, giăng câu vừa ở dưới sông,vừa ở trong đồng trong mùa nước lên. -Lợp thì đặt trong đồng -Thẩy câu thì ở dưới sông
Khi cột cho dây câu nằm giăng ngang dưới mặt nước giữa 2 cọc thì gọi là giăng câu.Còn khi cột một đầu dây câu trên bờ và ném đầu kia (đã được buộc một vật nặng) xuống lòng sông thì gọi là thẩy câu.
Riêng tôi thì chỉ có “nghề” giăng câu và thẩy câu. Tôi chưa đặt lợp và giăng lưới bao giờ.
Hồi nhỏ, dù nhà tôi nghèo nhưng tôi là con cưng nên má tôi không cho tôi vô đồng, không cho đi giăng câu, bắt nhái như mấy bạn trong xóm nhưng tôi rất ham nên ra sức năn nỉ mà vẫn không được đi. Tôi dành thẩy câu dưới sông, ngay trước cửa nhà cho đỡ ghiền. Mồi để thẩy câu dưới sông “bén” nhứt là mồi gián, kế đến là dế nhũi,… Tôi rất ghê con gián vì nó hôi đặc biệt nhưng ham quá nên cũng kệ.Tôi phải lục lạo trong kẹt tủ và mấy cái cự củi để tìm gián làm mồi.Có lần gặp một con rắn tổ bố nằm khoanh trong nhà củi sợ hết vía.Có lần làm đổ cực củi của má bị rầy một trận tơi bời và phải sắp lại như cũ. Sợi dây để thẩy thì chỉ buộc một số ít dây câu (có lưỡi câu) ở đoạn chót, tức đoạn nằm ở gần đáy để bắt các loại cá ở đáy sông như cá hú, cá sát, cá dồ đém, cá út,… Đi thẩy câu thì khỏe re. Thẩy xuống rồi thì lên bờ ngồi trên bờ chỗ gốc cây bị cưa tán dóc với mấy thằng bạn hoặc bày trò chơi tán hưng. Lâu lâu kéo lên thăm. Thẩy câu thường chỉ dính 1 con, ít khi 2 con.Dĩ nhiên có khi không có con nào mà chỉ dính có nhánh cây. Có khi lưỡi câu bị mắc gốc, giựt mạnh: đứt dây hoặc đứt lưỡi! Tôi còn nhớ, có khi tôi kéo câu lên thì có người ngồi sau lưng rình và bất thình lình la lên: dính rồi!dính rồi! làm tôi giựt mình và vì mừng hụt nên đâm quạu.
Lớn lớn một chút,tôi mới được má cho đi theo mấy anh lớn hơn trong xóm vô đồng để chơi và coi cho biết. Mấy anh đã từ từ dạy tôi cách “tóm” lưỡi câu, cách buộc dây câu, cách móc mồi,… Đến khoảng lớp bảy, lớp tám gì đó là tôi có thể tự chuẩn bị mọi thứ để vô đồng đi găng câu hoặc thẩy câu một mình dưới sông. Sợi dây để giăng hoặc để thẩy thì bằng dây gân hơi to một chút, trên đó cứ cách năm bảy tấc thì buộc một dây câu bằng dây gân hoặc dây gai nhỏ hơn, dài khoảng ba bốn tấc và đầu có “tóm” một lưỡi câu. Còn mồi để giăng câu trong đồng vào mùa nước ngập đồng thì tùy. Nếu câu cá lóc thì dùng mồi nhái: nhái cơm hoặc nhái bầu.Cực chẳng đã mới xài đến nhái bầu vì cá nó không khoái, câu không trúng. Chịu khó tối đi bắt nhái, lấy nhái lớn làm thịt ăn, nhái nhỏ làm mồi giăng cá lóc. Cá lóc mùa nước ngập đồng và khi nước đang xuống con nào con nấy ú nu, vảy màu đen nhạt, người ta gọi là cá lóc non. Nếu câu cá lăn thì dùng mồi cá heo. Con mồi còn sống như vậy gọi là mồi “chạy” Đi giăng câu thì cũng khá là cực khổ nhưng vì quá ham nên tôi thấy bình thường. Ban chiều móc mồi, tối tối đi thăm và móc mồi bổ sung, sáng sớm thăm nữa. Tôi khoái nhứt là khi đi thăm câu, giở dây giăng lên thấy mấy con cá tòn ten đang vẫy vùng. Cũng có khi dính rắn và dính cả cua. Có khi giở lên thì anh cua ảnh kẹp đứt dây câu và rơi xuống cái “tủm” luôn.. Lưỡi nào không dính cá thì tòn ten con nhái hoặc chỉ trơ cái lưỡi câu không! Khi đi thăm câu là phải xách theo cái thùng thiếc nhỏ và cây vợt. Thấy dính cá thì phải dùng vợt xút cá vào để gỡ cho an toàn (không bị sẩy). Lúc cá nhiều tôi giăng rất trúng, cá ăn không hết, ăn riết rồi ngán luôn. Nên má tôi phải đem bán bớt và không cho tôi đi găng nữa.Má bảo tôi đi riết rồi nước ăn chưn lở lói như cùi, thấy mà ghê! Vì khi đi giăng câu tôi chỉ lội bộ, mấy chỗ giăng mực nước cỡ từ trên đầu gối đến ngang bụng.Về đến nhà mình mẩy ướt mem, tay chưn móp méo hết, có hôm mắc mưa là môi tím lịm, người run cầm cập vì lạnh. Đường đi sát đám mía, có lần gặp 1 con rít rớt xuống từ mấy kẹt bẹ lá mía tưởng đâu là bị “phập” rồi! Cực khổ, khá nguy hiểm vậy mà cũng ham mê hết sức.Đúng là ham cái gì là bất chấp. Tựu trường má may cho bộ đồ đồng phục mới toanh và nói đó là tiền bán cá của tôi. Khoái biết là bao nhiêu!
.
|