Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 07:43
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» SẮP TẾT NHỚ CHUYỆN ĐỜI XƯA «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 16299 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: SẮP TẾT NHỚ CHUYỆN ĐỜI XƯA
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 1 2008, 14:11
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 11 Tháng 12 2007, 10:25
Bài viết: 231
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
SẮP TẾT NHỚ CHUYỆN ĐỜI XƯA

Một ngày lao động năng suất cao! Kết quả: hai chân đau thốn, hai tay khô cứng, thèm một giấc ngủ vô tư, quên hết mọi sự đời. Nhưng quái lạ, lại trằn trọc! Lồm cồm ngồi dậy mở máy tính, vào trang Diễn Đàn xem có gì mới không. Có trang xuân 2008 với các bài viết đã đăng được sắp xếp lại. Số bài còn quá khiêm tốn so với lực lượng hùng hậu của cựu học sinh nhà trường! Ta tự trách mình sao không cố gắng viết ít bài cho chủ đề này, trong khi ta có rất nhiều ý tưởng. Rồi ta lại tự biện minh cho mình là do quá bận rộn. Ừ, bận thật. Chuyện cơ quan đang ở giai đoạn tà tà, nhưng chuyện nhà quá nặng nề, dồn dập. Có lúc ta thầm nghĩ: "Cực như trâu ư? Trâu có gì đâu mà cực vì nó chỉ có việc đem sức ra mà kéo, còn ta thì vừa đem sức cơ bắp vừa phải mệt trí để lo hầm bà lằn đủ thứ. Cực như mọi ư? Mọi nó chỉ việc làm việc theo lệnh chủ, còn ta, ta vừa làm chủ vừa làm mọi..." Ta chỉ còn chút thời gian buổi tối là dành cho mình, cho thế giới ảo thôi. Thôi thế cũng hạnh phúc rồi, còn sức khỏe để cực khổ, còn đầu óc bình thường và những phương tiện để giải trí...Biết vậy, nhưng sao lắm lúc cũng thấy buồn, thấy ngùi ngùi trong lòng...
=============================================

NHỚ BA
Đọc những bài viết về ông đồ, mình thấy nhớ Ba mình quá! Không biết Ba của mình có phải là ông đồ hay không vì mình hiểu vẫn còn mơ hồ về khái niệm này (Mình thắc mắc: khái niệm "Ông đồ" và ông "Thầy đồ" có đồng nhất với nhau không?). Chỉ biết rằng Ba là người thâm nho, thích văn chương, thơ phú. Vào thời mình khoảng 4-6 tuổi, Ba có dạy chữ nho cho một người học trò-anh Lễ. Anh ăn ở hẳn trong nhà mình, mình rất thích vì tự nhiên có ông anh khơi khơi. Những khi anh đi đào dế cơm thì mình đi theo coi và thường giành xách cái ấm cũ đựng dế. Mình nhớ, lúc đó, ai đi học chữ nho là bị những cô gái trẻ chê là "ông già xưa", anh cũng bị gọi như vậy. Đúng là thời "nho học suy tàn".

Những ngày cận tết, dù bán buôn bận rộn, nhưng Ba vẫn vui vẻ viết liễng cho những ai có nhu cầu. Những câu đối trên liễng là do Ba tự nghĩ ra, khi được những câu đối hay, Ba thích chí đọc to lên chia sẻ với con cái. Ba còn vẽ mấy là bùa dựng nêu trên giấy hồng đơn tặng cho bà con xóm giềng. Trong xã và cả những xã lân cận, nhà nào có đám tang cũng đến rước Ba đi để vẽ mấy miếng vải thờ, xem ngày giờ nhập quan, động quan,... Ngoài ra, Ba còn giúp người ta xem mạch và ra toa (bằng chữ nho) để người ta tự đi hốt thuốc,...Tất cả những việc đó Ba chỉ làm giùm bà con chứ không lấy tiền công. Ba thường bảo: "Nghèo chết bỏ chứ Ba không bán chữ. Đời cha bán chữ thì đời con cái học dở và nghèo lắm!". Theo lời Ba kể, hồi nhỏ Ba học chữ nho với ông nội, sau đó học lóm chữ quốc ngữ chỉ được đúng một tháng. Vậy mà, Ba viết chữ rõ ràng, đẹp, rất ít sai chính tả nhờ ba thường để ý khi đọc sách (cuốn Minh Tâm Bửu Giám và các cuốn truyện, thơ, văn, sử,...) và thường hỏi các con khi thắc mắc để phân biệt; biết, nhớ và kể rất hấp dẫn nhiều câu chuyện sử, văn chương đông-tây kim-cổ. Mình tự hào Ba của mình là người quí chữ nghĩa và coi trọng sự học của con cái. Dù nghèo nhưng chưa bao giờ Ba có ý định cho con cái nghỉ học để đi làm thuê làm mướn kiếm tiền. Đời Ba đã quá thấm thía cái câu "Ruộng đất bề bề không bằng một nghề trong tay". Ông Nội có hàng trăm mẫu đất mà có giữ được đâu!

Như cái lệ, cả nhà mình thức đầy đủ đến giờ giao thừa. Sau khi cúng giao thừa, Ba bắt mỗi đứa phải viết cái gì đó để khai bút đầu năm. Sáng mùng một, tất cả phải dậy sớm lạy bàn thờ tổ tiên rồi mừng tuổi Ba Má (Ba mặc áo dài khăn đóng ngồi cùng Má để nghe các con đứng xếp hàng khoanh tay mừng tuổi). Dĩ nhiên là cũng được Ba Má lì xì. Xong thủ tục đó thì mới được tự do đi chơi.

Khi cao tuổi, Ba mình trở thành ông già… hơi bị đặc biệt: lúc nào cũng mặc bộ ba ba trắng, mang đôi guốc vông quai đen bằng…vỏ xe đạp do tự tay đẻo, cắt, đóng (con cái mua guốc ở chợ ông không chịu), tính tình vui vẻ lạc quan, hay tếu,…Thằng con mình hồi học lớp Năm làm tập làm văn kể rất thật về ông ngoại đã được điểm tối đa (vì có lẽ con người của ông ngoại khá thú vị).

Trong số các con, Ba cưng mình nhất dù mình là con gái. Vì nhiều lẽ: giống Ba nhất, ngoan nhất (hihihi) và cũng...lí lắc nhất. Khi các con đã trưởng thành thì Ba thương mình nhất vì mình là đứa con có hoàn cảnh...không bình thường nhất.

Hàng năm, những ngày cận tết là những ngày tất bật lo liệu đủ việc và khi sống xa quê, đó cũng là những ngày nhớ nhà, nhớ Ba Má nhất, đặc biệt là Ba.

Bây giờ Ba Má không còn nữa, rồi do quá mệt mỏi vì công việc dọn dẹp nhà cửa nên mình không còn chút hứng thú về quê!

MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Con nít hồi xưa, thường chỉ được may quần áo mới vào dịp tết. Mới chiều 30 là đã đem ra mặc và rủ nhau đi dài dài ngoài đường để khoe rồi. Nhà mình buôn bán tạp hóa nên ba má và chị hai rất bận: vừa buôn bán, vừa dọn dẹp, gói bánh, gánh nước cho đầy lu hũ và còn tưới đường nữa,…Vậy mà bọn mình vẫn vô tư: tắm rửa, mặc đồ mới,…xức dầu dừa lên tóc (!) cho bóng và thơm (mô-đen hồi đó vậy mà) rồi đi chơi. Có một năm nọ, chắc hồi khoảng 5-7 tuổi, chiều tối 30, sau khi đi chơi, mình về nằm ngủ một lát (để lấy sức thức dậy trước lúc giao thừa) nhưng cảm thấy ngứa ngáy, bứt rứt và khóc. Chị hai thấy vậy đem đèn lại soi thì thấy đầu tóc mình bị kiến bu. Thì ra, mình đã xức lộn dầu ăn thay vì dầu dừa! Thế là chị lôi đầu mình dậy để gội. Ở nhà cứ nhắc và ngạo mình chuyện này mãi (chuyện “xí xọn” đó mà). :rollin:

Đọc bài của Dạ Lý và Chinhlongphu phần nói về chuyện "đi xe lôi vòng lớn vòng nhỏ", lắc bầu cua cá cọp, mình đã bật cười vì... hồi đó mình cũng giống như vậy: ham đi xe, đi đò, đi xuồng,...tết ham đi chơi bài cào, lắc bầu cua cá cọp. Có năm mùng một thua sạch túi, mình về nhà chui xuống sàn kiếm lượm bạc cắc bị chị hai cười quá trời. Đúng là con nít! Bây giờ là người lớn, mình rất ghét những trò đỏ den nhưng...vẫn còn ham đi xe đò, đi ghe-xuồng-tàu, nhưng phải đi cùng những người thân yêu, hợp "gu" để có dịp tâm sự, đùa giỡn, tán dóc vui vẻ với nhau....

====================================================================
Sắp tết, tản mạn vài dòng như tự nói với mình. Lỡ ai có đọc xin hãy tha thứ cho nếu lời lẽ mình có gây phản cảm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Lại nhớ chuyện đời xưa!
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 6 2008, 14:59
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 11 Tháng 12 2007, 10:25
Bài viết: 231
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Thênh Thang {L_WROTE}:
NHỚ BA
.................................
Đọc những bài viết về ông đồ, mình thấy nhớ Ba mình quá! Không biết Ba của mình có phải là ông đồ hay không vì mình hiểu vẫn còn mơ hồ về khái niệm này (Mình thắc mắc: khái niệm "Ông đồ" và ông "Thầy đồ" có đồng nhất với nhau không?). Chỉ biết rằng Ba là người thâm nho, thích văn chương, thơ phú...

(Vài hôm nữa thi AV rồi, bài vở dồn đống! Vậy mà giờ này còn mở D Đ ra để tán dóc! Có lẽ đó là "cái máu nghệ sĩ" của mình? "Máu nghệ sĩ" này chỉ thể hiện ở chỗ "bạt mạng, không kể gì đến thân xác". Giống Ba ghê? Là nghệ sĩ thật, người ta cho ra những tác phẩm; còn mình là "nghệ sĩ dỏm" nên chỉ giỏi làm chuyện tào lao!?)
****
Nghe người lớn kể lại, hồi trẻ Ba là công tử bột, trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai, chỉ ăn học (học chữ Nho) và vui chơi (văn chương, thơ phú). Rồi cả gia đình Nội bỏ xứ, ly tán nhiều nơi. Từ chỗ là "công tử", Ba phải đi làm đủ nghề lao động để kiếm sống và cuối cùng theo nghề buôn bán tạp hóa là chính. Khi cuộc sống gia đình tạm ổn, máu văn nghệ của Ba lại nổi lên, Ba cùng bạn bè lập "Ban văn nghệ" để hát hò, diễn tuồng cải lương phục vụ bà con miễn phí. Có nhiều mẩu chuyện vui vào thời này thường được Ba Má, chị hai và các cô bác kể lại rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo... Do cái tính mê văn nghệ văn gừng hơn mê làm kinh tế của Ba mà Má phải gánh vác nhiều chuyện gia đình - phụ nữ bao giờ cũng chịu đựng giỏi mà! Có khi quá cực khổ mà Má đâm ra ghét cái thói vô tư của Ba...Rồi càng lớn tuổi, Má càng suy nghĩ thiên lệch rằng Ba không biết lo cho gia đình. Chứ thật ra, mình nhớ lúc mình còn nhỏ, Ba cũng có lo chăm sóc cái tiệm tạp hóa: đi chợ Châu Đốc bổ hàng (bằng tàu, và nhiều lần dắt mình theo chơi - đi tàu "đã" thiệt!), lập sổ ghi tiền chịu rất khoa học, đứng bán hàng tiếp Má,... Ba còn tham gia trực ở Nhà thuốc nam từ thiện nữa,...Ba đâu là người chỉ ham chơi!

Có lẽ do Má quá cực khổ rồi có lúc sinh ra bẳn gắt, khó cảm thông với tâm hồn lãng mạn của Ba? Cũng rất dễ thông cảm với Má. Trong gia đình, thường người phụ nữ thường phải lo nhiều chuyện cụ thể, thực tế (về vật chất) và do đó thường có cái nhìn hơi thiển cận; Người đàn ông thì lo chuyện lớn và xa hơn và do đó đôi khi thiếu thực tế chăng? Những người có tâm hồn "văn nghệ văn gừng" như Ba mình thì lại càng thiếu thực tế hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của ông là nghiền ngẫm thơ văn Đông Tây Kim Cổ rồi kể, giải thích cho con cháu nghe.

Nhớ hồi nhỏ, buổi tối chị em mình cùng với mấy đứa bạn trong xóm hay tụ tập lại để nghe Ba kể chuyện cổ tích, chuyện Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Vân Tiên Nguyệt Nga, Phong Thần, Tây Du Ký,... Ba có lối kể chuyện rất hấp dẫn. Mỗi tối ba kể một đoạn và ngừng lại ở chỗ ly kỳ nhất làm cả bọn tiếc hùi hụi rồi náo nức chờ đến tối hôm sau.

Nhớ nhất là có một lần vào ban ngày, mấy cha con đang say sưa bàn luận rất tâm đắc chuyện thơ văn thì Má xen vào nói hay sai bảo gì đó, kéo cha con về thực tại trần trụi, phũ phàng làm tất cả cụt hứng. Lúc đó trông Ba như quả bòng xì hơi, thật là tội! Có lẽ vì có ấn tượng như vậy nên sau này, khi thấy cái tâm hồn "thơ/văn/nhạc" của ai đó bị cụt hứng nửa chừng do những tác động của ngoại cảnh thì mình rất dễ thấu hiểu và cảm thông?

Khi buồn và một mình rảnh rỗi, mình hay hát nghêu ngao. Có lần một mình đi công tác ở huyện và ở lại ban đêm. Phòng mình ở cách phòng nam có một tấm vách ngăn bằng ván. Bên kia là một ông thầy có tiếng là khó chịu, ít nói. Thế mà, tối đến mình buồn và chợt hứng lên rồi hát một mình, hết bài này tới bài khác mà quên đi bên kia phòng có người. Sáng hôm sau nghe ông lục đục châm trà mới nhớ ra: "Thôi chết rồi! Mình đã hết sức vô duyên và bất lịch sự!" Thế là phải xin lỗi rằng đã quá vô ý mà làm phiền ông. Nhưng ông nói: "Có gì đâu! Cô hát hay quá trời, tôi được phục vụ văn nghệ miễn phí mà phiền cái gì. Tôi không dám lên tiếng sợ cô mất hứng đó chớ!" Nghĩ mà cảm ơn ông. Chính cách ứng xử đó của ông đã xóa tan cái ác cảm của mình từ trước về ông.

(Viết tới đây thì...hết ý rồi. 01h00' sáng ngày 24/6/2008 VN)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: SẮP TẾT NHỚ CHUYỆN ĐỜI XƯA
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 6 2008, 20:51
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 40
Sinh nhật: 10-08-1984
Ngày tham gia: 11 Tháng 6 2008, 04:05
Bài viết: 64
Quốc gia: United States (us)
{L_QUOTE}:
Sáng mùng một, tất cả phải dậy sớm lạy bàn thờ tổ tiên rồi mừng tuổi Ba Má (Ba mặc áo dài khăn đóng ngồi cùng Má để nghe các con đứng xếp hàng khoanh tay mừng tuổi). Dĩ nhiên là cũng được Ba Má lì xì. Xong thủ tục đó thì mới được tự do đi chơi.


Đọc bài của cô Thênh Thang kể mà nhớ lại lúc nhỏ ở Việt Nam. Lúc Tết mồng một mấy anh em Thịnh Vượng cũng vui vẻ đứng sắp hàng để mừng tuổi ông bà và ba mẹ. Dĩ nhiên mong được lì xì. Nhưng khi đến lúc chúc Tết cho Ba Mẹ thì Ba chỉ chúc lại với những lời khuyên dạy dỗ làm cả bọn cảm động mà phải rơi lệ chứ không được lì xì tiền như những người khác. Tục lệ này đến nay vẫn không thay đổi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» SẮP TẾT NHỚ CHUYỆN ĐỜI XƯA «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu