NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ
Kính thầy Lê Mộng Quang, cách đây 40 năm, trong giờ Công Dân Giáo Dục, thầy đã cho em lời dạy “Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư”. Với sự bắt đầu đó, em đã dần biết được tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” mà luôn học hỏi từ mọi người chung quanh. Lời dạy ngày ấy của thầy vẫn còn ở mãi trong cái học thức dù ít ỏi của em, và đã tạo tiêu đề cho bài viết này. Qua bài viết này, em xin đại diện cả lớp ngày hôm đó, gủi đến thầy sự biết ơn sâu xa nhất của chúng em.
Sống là một quá trình tiến hoá, có tiến hoá thì chúng ta mới có được bao nhiêu là thành quả của sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, văn hoá tư tưởng và còn biết bao là những thứ linh tinh khác mà mỗi người trong chúng ta phải luôn không ngừng học hỏi để khỏi bị đẩy lùi về phía sau.
Có những thứ mình phải học do yêu cầu công việc, không học chuyên tu để nâng cấp thì nguy cơ bị đuổi việc càng cao, ở đây mà bị đuổi việc là coi như xong, cho nên có khó, có khổ đến đâu cũng phải học. “tanchau” mình đã qua cái thời kỳ “khủng hoảng” đó, tuy nhiên cảm thấy vẫn còn quá nhiều thứ để học, có những thứ nghĩ là “dễ ợt” nhưng thật ra nó khó gấp trăm, gấp ngàn lần so với những cái chuyên môn.
Nói tới chữ “HỌC” là “tanchau” thấy nhức đầu rồi đây! Số là ngày xưa mình không được siêng năng cần mẫn cho lắm, “tanchau” cũng có thi, cũng có rớt, có đậu, mà rớt là chuyện dĩ nhiên khỏi phải bàn tới, nhưng mấy lần đậu thì chắc là nhờ may mắn và tính tình “mau lẹ” hoạt bát nên anh bạn kế bên cho “cóp” bài thôi! Chả dấu gì các bạn, cho tới bây giờ, thĩnh thoảng vẫn nằm mơ thấy mình đi thi, thấy mình lỡ các tiết học, bị thầy cho thi lại… sợ khiếp vía, giật mình tỉnh giấc mới biết mình đang ở nhà, việc làm ổn định. Học hành mà dang dở thì giờ không biết mình ra sao, làm gì? Thiệt hú hồn! Nói ra thật hổ thẹn với thầy cô, ngày xưa mình cũng hay trốn học lắm, trường gần sân banh mà, có lẽ thầy Phúc chọn địa điểm sai! (xin lỗi thầy, tính em hay nói thẳng) báo hại học trò chúng mình cứ “nhảy cửa sổ” ra đá banh hoài, chỉ tội thầy giám thị cứ làm ngơ cho cái lũ đứng hàng thứ ba sau “quĩ” và “ma” chúng mình “chui rào”.
Trong giờ “Công Dân Giáo Dục” 40 năm trước, thầy Lê Mộng Quang đã dạy: “Muốn sang thì bắt cầu kiều, Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy” “HAY CHỮ” không có nghĩa chỉ là văn hay chữ tốt, trong xã hội ngày xưa, những người hay chữ là đại diện cho một nền lễ giáo bác hoc uyên thâm, phải có một đức độ và phong cách sống mẫu mực để mọi người noi theo, ai mà không muốn mình hay chữ? Ngày đó, trong tâm trí đứa học trò đệ lục, “Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy”quá đơn giản và dễ hiểu, cứ yêu mến thầy đi! Rồi thế nào mình cũng được hay chữ, có hay chữ thì thế nào cũng được thầy yêu bạn mến, sướng làm sao! Cám ơn thầy, nhờ câu này mà có lười đến đâu em cũng cố gắng là đứa học trò ngoan để không bị thầy cô ghét bỏ. Mãi sau này khi có cơ hội được giảng dạy tôi mới hiểu thấm thía ý nghĩa “YÊU MẾN THẦY”. Thầy còn hơn cả cha, SƯ rồi mới PHỤ, trong cái xã hội Nho Giáo truyền thống nước Việt, thầy là người dạy cho ta tất cả cái hay cái đẹp trên đời, còn bao nhiêu la lễ nghĩa thánh hiền, bao nhiêu là học thức sâu rộng, vậy không yêu thầy thì yêu ai nhỉ?
Tôi nhớ lại hầu hết những thầy cô đã bỏ công dạy dỗ tôi từ cái ngày đầu tiên bước vào cổng trường, từ ngày tập cầm viết. Có những người vẫn đang tiếp tục dạy dỗ chúng ta trên bước đường học làm người, có những người ra đi mãi mãi, để lại cho chúng ta vô vàn kiến thức, có những người đang vật vã với bệnh tật, những còn trong nước, những người sống nước ngoài, cũng có những thầy cô tôi không được biết tin đã lâu, đôi khi thấy mình thật thiếu sót, không xứng đáng để làm một người hay chữ tí nào.
Bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống bên đông, bên tây, trải qua bao nhiêu khó khăn tôi lại tâm đắc câu “Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư” này nhất và lấy đó làm cơ bản trong sự học hỏi tiến bộ đời mình. Ngoài những thầy cô chính hiệu có bằng giáo sư tiến sĩ, chúng ta còn bao nhiêu là ngừơi thầy trong cuộc sống mà chúng ta không ngừng học hỏi, không phân biệt tuổi tác, bằng cấp. Cũng nhớ lại xã hội ngày xưa, học gì cũng phải bái sư, học võ, học làm thợ hồ, thợ mộc, đầu bếp… tất tật tành tanh mọi nghề trên đời đều phải học, có những thứ tưởng chừng thấy là làm được nhưng thật ra nó không đơn giản tí nào, có khi mình học cả đời người vẫn chưa xong. Với tôi, thú thật còn phải học nhiều cái đạo lý làm người, cái lễ nghĩa thánh hiền quá sâu rộng. Có lần tôi đã phải “can thiệp” vào cái “xích mích” của hai đứa trẻ lên 5-6 gì đó, gần như “ấu đả”, năm phút sau, tôi lại say mê với cái hoà nhã, nhường nhịn, chia sẻ của hai em từng món đồ chơi, có phải đây là cái vị tha cao thượng, quên đi thù hằn ích kỉ mà chúng ta phải học dù ở đứa trẻ mới lên năm.
Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, theo tinh thần tôn sư trọng đạo, chúng ta phải yêu kính bao nhiêu là thầy trong cuộc sống, phải chăng chúng ta nên tôn trọng tất cả mọi người, yêu mến tất cả mọi người mình đã gặp, vì bất cứ một ai đều có thể dạy ta điều hay mà làm theo, cũng có thể dạy ta điều xấu để mà tránh.
“tanchau”
|