CHUYỆN XƯA – CHUYỆN NAY
Mỗi khi nhớ về “Tân-Cnâu”, tôi lại nhớ thật nhiều những kỷ niệm với thầy Đoàn, Lê Hữu Đoàn. Từ nhỏ tôi đã rất thích hội hoạ và văn chương, nhưng có lẽ qua thời gian làm việc với thầy như sơn sửa, trang trí ngôi trường mới, cái yêu thích và khả năng hội hoạ, nhất là vẽ chữ mỗi ngày một tăng. Thầy dạy tôi rất nhiều từng nét chữ ngang, dọc, từng lối canh lề, từng bố cục mà có thể nói rằng đó là những căn bản về thiết kế tôi đã học. Và chính sự khởi đầu đó, sau này tôi đã chọn thi vào Đại Học Kiến Trúc.
Năm lớp mười, thầy dạy chúng tôi môn Văn. Thế là bài thơ “Tình Già” của Phan Khôi với khả năng truyền đạt của thầy đã trở thành bất hủ và mãi mãi trong tâm hồn chúng tôi cho tới ngày nay, tôi vẫn nhớ từng câu, từng chữ. Rồi bài văn xuôi “Gì Cũng Cười” của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi đã đọc đi đọc lại bao lần đến nổi thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy. Những bài thơ, bài văn tưởng chừng đơn giản, nhưng qua cách truyền đạt của thầy, những cô cậu học trò thơ ngây chúng tôi đã thật thấm thía từng cái hàm ý của tác giả. Cho đến bây giờ, tôi vẫn học hỏi, rút tỉa bao nhiêu là triết lý sống qua đó.
Lối dạy của thầy rất hay, thầy không chỉ giảng mà còn lôi cuốn chúng tôi qua các buổi tranh luận trực tiếp mà thầy là trọng tài. Thầy thường chia lớp thành hai nhóm, một nhóm là bảo vệ, và nhóm kia là chống lại những tư tưởng, triết lý và ý nghĩa của các bài văn, bài thơ giáo khoa. Còn nhớ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, chúng tôi đã tranh luận rất sôi nổi và vô cùng gay go trong mấy tuần liền. Tôi nhớ nhiều nhất là lần tranh luận giữa những tư tưởng đạo đức thánh hiền từ Nho học, và những tư tưởng canh tân mới mẻ theo Tây học. Đó là hai dòng tư tưởng, hai chủ nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, bên nào cũng có cái hay, cái dở để rồi chủ đề cứ kéo dài nhiều tuần không kết quả.
Mỗi thời kỳ lịch sử, cái triết lý sống của con người cũng phải thay đổi theo hoàn cảnh và sinh hoạt xã hội. Có phải Phật Giáo đã du nhập vào nước ta rất sớm từ Ấn Độ, nhưng mãi đến nhà Lý, năm 974 và sau đó thì mới phát triển cực thịnh. Bắt nguồn Lý Công Uẩn, từ lúc ba tuổi đã được sư Lý Khánh Văn nuôi dạy và truyền đạt bao nhiêu tư tưởng triết học nhà Phật. Để rồi xã hội nước ta trong các đời vua Lý bấy giờ được xem là một xã hội thuần về Phật Giáo. Chúng ta vẫn có thể thấy Lý Thường Kiệt trong triều đại vua Lý Thái Tông Viết:
“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Qua bài thơ trên, ta có thể cảm nhận cái triết lý về “Thiên Định”, về “Nhân Quả” rất rõ ràng của nhà Phật. Và rồi sau đó bài thơ được truyền tụng trong dân gian và tướng sĩ, tạo được sự tin tưởng và khí thế hùng hồn để đánh bại quân Tống xâm lược.
Sau đó là đời Trần, hầu hết các vua nhà Trần đều xuất gia hoặc am tường Phật học. Trong suốt các triều đại, nhà Trần lấy cơ sở từ bi, trí tuệ và triết lý sống nhà Phật để xây dựng một đường lối cai trị thu phục nhân tâm toàn dân, tạo một nước Việt hưng thịnh, một xứ sở phồn vinh, văn minh thời bấy giờ. Nhà Trần đã tạo được tinh thần đoàn kết dân tộc trong dân gian và triều đình mà điển hình là hai cuộc hội nghị Bình Than và Diên Hồng. Viết nên những trang sử huy hoàng, hai lần đánh bại quân Nguyên Mông, năm 1285 và 1288. Có thể nói đó là nền dân chủ tiên tiến rất sớm trên toàn thế giới thời đó.
Song song với Phật Giáo, Nho Giáo cũng góp phần không nhỏ tạo nên những quân bình trong xã hội nước ta. Phật Giáo và Nho Giáo đều được du nhập vào nước ta từ bên ngoài, nhưng đã biến đổi theo điều kiện lịch sử, địa lý và sinh hoạt nước Việt để tạo nên những đạo đức, kỹ cương, nề nếp sống mà ngày hôm nay chúng ta có được cái gọi là phong tục tập quán riêng biệt nước Nam truyền lại từ bao đời. Nho Giáo du nhập vào nước ta từ phương Bắc, có thể nói đức Khổng Phu Tử là cha đẽ. Nếu Phật giáo lấy từ bi, vị tha, tu tâm, tích đức, tạo kiếp luân hồi để khuyên nhủ con người một lối sống “chân”, “thiện”, “mỹ” thì Nho giáo đặt nền tảng toàn thiện từ mỗi một cá nhân như “Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín”, “Công-Dung-Ngôn-Hạnh”… và xã hội cơ bản bắt đầu từ gia đình, “tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, con người có toàn thiện thì mới có được những quan hệ, ràng buộc trong mối tương quan tốt giữa các phần tử trong gia đình, gia đình lành mạnh sẽ tạo nên một xã hội kỷ cương, trật tự. Tuy triết lý sống giữa Phật giáo và Nho giáo có phần khác biệt, Phật giáo nghiêng về tâm linh, trong khi Nho giáo chú trọng về bản chất con người. Nhưng nhìn chung, cả hai đều góp phần xây dựng một đạo lý sống, một trật tự xã hội công bằng, văn minh và hoà bình.
Nếu Phật giáo có những tín đồ, cao tăng từng giúp nước, phò vua đóng góp công lao rạng rỡ trong việc chiến đấu giành độc lập, giữ vững non sông bờ cõi thì Nho giáo cũng góp phần không nhỏ. Chúng ta vẫn còn nghe người đời nhắc nhở công lao to lớn của cụ Nguyễn Trãi, một Chí Sĩ yêu nước, trong “Bình Ngô Đại Cáo” cụ đã viết:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo Như nước Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Nước non bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau Song hào kiệt thời nào cũng có…”
Với tấm lòng nhiệt quyết, với tâm hồn và triết lý sống mẫu mực của một nhà Nho cao thâm, cụ là người có công lớn cùng Lê Lợi đánh tan quân xâm lược nhà Ngô phương Bắc và xây dựng một nền độc lập tự do nước Nam năm 1428. Chúng ta tưởng nhớ đến cụ Nguyễn Trãi như là một anh hùng dân tộc, một nhà chính trị đại tài, một nhà tư tưởng có một không hai của đất Việt.
Ta còn thấy cái triết lý sống của một nam nhi theo tinh thần Nho học, mong muốn khao khát được góp công, góp sức cho núi sông trong bài “Chí Làm Trai” của Nguyễn Công Trứ:
“Vòng trới đất dọc ngang, ngang dọc Nợ tang bồng vay trả, trả vay Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể…”
Và rạng danh một cụ đồ phương Nam, một nhà thơ yêu nước, một nhà nhân cách lớn trong lịch sử chống Pháp giành độc lập của dân tộc. Suốt đời chỉ biết dạy học, nhưng ngoài cái dạy nhân nghĩa ở đời như một nhà Nho, cụ còn dạy cho nhiều thế hệ tiếp nối cái tinh thần yêu nước mến dân, biết xả thân vì đại cuộc. Ta vẫn nghe âm vang hùng hồn của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu trong bài “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” như sau:
“Tấc đất ngọn rau ơn chúa Tài bồi cho nước nhà ta Bát cơm manh áo ở đời Mắc mớ chi ông cha nó Vì ai khiến quan quân khó nhọc Aên tuyết nằm sương? Vì ai xui hào luỹ tan hoang Xiêu mưa ngà gió? Sống làm chi theo quân tả đạo Quẳng vùa hương, xô bàn độc Nghĩ lại thêm buồn: Sống làm chi ở lính mả tà Chia rượu ngọt, gặm bánh mì Nghe càng thêm hổ. Thà thác mà đặng câu dịch khái Về sau tổ phụ cũng vinh, Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, Ở với man di rất khổ”
Và thật khí phách làm sao:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Sống trong thời kỳ đen tối của lịch sử, bên trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn rối ren, suy tàn, bên ngoài chịu bao áp lực xâm lược của quân Pháp. Bản thân lại bị mù loà, kẽ sĩ yêu nước như cụ đã chịu quá nhiều tủi nhục. Nhưng cụ vẫn không đầu hàng nghịch cảnh để sản sinh một kiệt tác văn học, một tác phẩm văn thơ chữ Nôm cuối cùng trong lịch sử văn hoá nước Việt. Lục Vân Tiên, một mẫu anh hùng trừ gian, diệt bạo, một mẫu người điển hình đề cao cái luân lý, đạo đức sống của con người thời bấy giờ. Cụ đã dùng cái đạo đức “Trung Hiếu” làm trai của Lục Vân Tiên, cái đức hạnh, nết na phận gái của Kiều Nguyệt Nga mà chấn chĩnh cái đạo lý sống đang suy thoái dần trong xã hội, tạo được nhiều ảnh hưởng và gây tiếng vang trong dân gian.
Và cũng trong thời kỳ nhiểu nhương, trong sự bất lực của triều đình thời đó, các nhà Nho đã chủ động, không trốn tránh mà tự đứng ra gánh vác trọng trách với dân tộc, đề xướng nhiều phong trào tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Những nhà Nho như Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, rồi Phan Chu Trinh với Đông Kinh Nghĩa Thục cùng với hàng ngũ Nho học yêu nước trong quần chúng trí thức đã tập hợp được một sức mạnh chính nghĩa trong lịch sử chống Pháp của nước ta.
Đó là chuyện xưa, giờ “tanchau” xin kể chuyện nay. Tôi có đứa cháu trai khoảng 6-7 tuổi, con của cô em út đang sống tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma. Trong giờ chào cờ hàng tuần, những đứa trẻ khác để tay phải lên ngực, riêng cháu để cả hai tay. Thấy lạ, cô giáo đến hỏi tại sao cháu để hai tay thì cháu giải thích rằng một tay cho nước Mỹ và một cho nước Việt Nam. Đi đâu chơi cháu cũng tự hào cho mọi người biết cháu là người Việt Nam, khi nghĩ hè, cháu cũng chỉ muốn về Việt Nam thăm cậu, thăm cô, thăm nội ngoại. Một chuyện nữa, là khi nhà Trần lên thế ngôi nhà Lý nhiều thế kỷ trước, một thái tử nhà Lý đã đi tìm con đường sống, trốn thoát sang tận sứ Cao Ly cùng gia đình. Nay đã là công dân chính cống Hàn Quốc, một thương gia giàu có, sự nghiệp vững vàng, rất có uy tín trong xã hội, cộng đồng người Hàn, đã trở về Việt Nam tìm lại cội nguồn, đồng thời đầu tư góp phần xây dựng nền kinh tế giàu mạnh cho quê hương. Phải chăng chúng ta nên hãnh diện về nòi giống Lạc Việt, tự hào cho những đồng bào ruột thịt của mình?
Thế hệ chúng ta may mắn được sống sau bao năm khói lửa chiến tranh, may mắn được chứng kiến bao đổi thay đất nước qua hai thời kỳ của lịch sử, hai thế kỷ của thời gian. Nhất là thế hệ xa quê, viễn xứ chúng ta phải mang một trọng trách to lớn. Đó là bảo tồn, giữ vững những giá trị văn hoá, kho tàng phong tục tập quán nước Nam cùng bao là tinh thần dân tộc, lòng yêu thương đồng bào quê nhà, để còn có thể nhắc nhở, để còn có thể làm cầu nối cho những thế hệ con cháu chúng ta sau này lớn lên trên một quê hương xa lạ mà biết đâu là cội nguồn, đâu là quê hương cha ông được sản sinh, đâu là màu da, tiếng nói Lạc Hồng. Có lẽ, chúng ta nên làm cái gì đó thực tế hơn cho quê hương, cho đất nước, cho đồng bào mình, bắt đầu từ những việc nhỏ. Lời nói bao giờ cũng chỉ là lời nói, và chúng ta đã có quá nhiều đến nổi dư thừa. Quê hương đang cần những bàn tay, những hành động thiết thực.
Thầy Lê Hữu Đoàn đã mãi mãi ra đi để lại cho chúng ta bao tiếc nhớ, luyến thương. Nhưng với tôi, thầy vẫn giữ mãi một vị trí tôn kính trong vốn hiểu biết Nho học khiêm tốn. Thầy là người bằng xương bằng thịt, thầy là một nhà Nho gần gũi nhất mà tôi được biết. Nhân bài viết này, xin gửi về hương hồn thầy lòng kính trọng sâu xa, lòng biết ơn chân thành của cá nhân tôi, mà cũng có lẽ là của toàn thể học sinh trường Trung Học Công Lập Tân Châu chúng ta.
“Viết qua cảm nhận cá nhân và dựa trên các tài liệu lịch sử được tham khảo, nếu có gì khiếm khuyết, mong các bạn tích cực bổ sung.”
“tanchau”
|