Theo phong tục cổ truyền, Việt Nam có ba cái Tết chính: Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu.
Hôm nay đã vào mùa Tết Nguyên Đán, nôm na hơn còn gọi là Tết Năm Mới!
Tết Nguyên Đán nhằm vào ngày mồng một tháng Giêng âm lịch. Đây là cái Tết lớn và quan trọng nhất trong năm, nên dân ta sửa soạn mọi thứ rất kỹ càng: trước Tết, trong ngày Tết và sau Tết.
Ngay từ trước vụ gặt hái tháng Mười, những gia đình khá giả đã bắt đầu tính toán chuẩn bị ngày Tết như nuôi vỗ heo, nuôi gà sẵn. Tới một chạp, họ lo săn sóc cho những chậu hoa, chậu kiểng cho được tươi tốt. Nhiều người còn kiếm mua những củ thủy tiên đem về gọt tỉa cho kịp đơm bông vào ngày Tết.
Tiếp theo dưới đây là những tục lệ căn bản về Tết Nguyên Đán:
1) Lễ đưa Ông Táo (Ông Công)
Hai mươi ba tháng chạp là ngày đưa Ông Táo về trời, nhà nhà đều có cúng. Ngoài cỗ bàn còn có đồ mã: Mũ, hia, áo, vàng... Những thứ nàyđẻ thờ cho đến ngày hóa vàng mới đốt luôn. Nhiều nhà còn cúng một con cá chép thả trong chậu nước để Ông Táo làm phương tiện di chuyển vì tin rằng cá chép đó có thể hóa long và bay được. Cùng ngày,cỗ đầu rau trong bếp được thay mới (ở nhà quê lấy đất sét nặn ba cục hình thang, hơi khum khum, cao độ gang tay để kê nồi khi nấuvì không tiền mua bếp kiềng hay bếp lò)
Theo truyền thuyết: Ông Táo là vị thần bảo hộ gia đình, mỗi năm lên Thiên Đình một lần vào ngày 23 tháng chạp để tâu trình mọi việc ở trần gian nhất là của gia chủ. Tiếng Ông Táo hay Ông Công là tiếng nói nôm na, còn theo thần bài thì viết: "Đông trù Tư mạnh Táo Phủ Thần Quân chi Thần". Tại tư gia, ngài cũng là thần linh, thần tài hay thổ địa, ở sông gọi là hà bá, ở biển là hải thần, ở núi gọi là sơn thần... Ta thường nói: Nhà có Thổ công, sông có Hà bá...
2) Lễ Sắp Ấn
Ngày 25 tháng chạp, các công đường (thuộc Nam triều) bắt đầu đóng cửa nghỉ Tết. Các ấn tín được cho vào hòm và niêm kỹ sau khi làm lễ tất niên. Vào ngày này, các đình chùa và một số tư gia cũng làm lễ và dựng nêu ở giữa sân.
Cây nêu thường là bằng cây tre tươi, lấy hết cành lá, chỉ chừa lại cái ngọn. Muốn đàng hoàn hơn, người ta dùng một cây bương, đầu ngọn được trang trí một túm lông đuôi gà như cái phất trần, quãng dưới có hình con cá hay con chim cùng với vài ba cái cờ mầu xanh đỏ. Đôi khi còn treo một chùm hai ba cái khánh để gây âm thanh leng keng mỗi khi gió làm lay động. Lưng chừng câu nêu cột một cái ròng rọc để kéo đèn mỗi đêm. Cũng vào dịp này, các cụ đồ nho hành nghề viết câu đối, liễn và những bức đại tự trên giấy đỏ để dân cúng mua về trưng ở bàn thờ hay trước cửa nhà.
3) Lễ đón Ông Bà (chiều 30 Tết)
Đây là ngày cuối năm, ngày nhộn nhịp nhất và cũng vất vả cực nhọc nhất đối với dân nghèo. Từ tảng sáng đến gần nửa đem phải đôn đáo chạy ngược chạy xuôi lo lắng đủ thứ: Gạo ăn trong ba ngày Tết, manh quần tấm áo cho con cái hoặc phải lạy lục hỏi vay các nhà giầu với tiền lời cắt cổ hầu trang trải các món, nhất là các công nợ cũ để tránh cảnh con nợ đứng réo đầu ngõ. Trường hợp vay mượn không được, chỉ còn cách đi trốn đến gần sáng mới dám mò về. Dĩ nhiên là không ai đi đòi nợ vào ba ngày Tết!)
Các nhà khá giả đã lo toan sẵn sàng mọi thứ, nào cành đào hay cành mai cắm độc bình hoặc chậu hoa hay cơi thủy tiên. Nhiều nhà đợi đến sáng ba mươi Tết mới gói bánh chưng để bắt đầu lúc chập tối. Đó cũng là cảnh vui thú nhất khi tụ họp canh nồi bánh chưng, người lớn kể chuyện làm ăn, chuyện trên trời dưới bể, còn con nít thì chạy nhẩy nô đùa hay cắn hạt dưa trong đêm trừ tịch.
Ngày Tết là ngày dân quê được ăn no đầy đủ hơn ngày giỗ "Đói ngày giỗ chả no ba ngày Tết"
Đôi cău đối dưới đây đã nói lên hương vị của ngày Tết:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ Trà tầu mứt bí bánh chưng xanh
Trước ngày 30 Tết ta, có lệ đem lễ vật đi tết quan, tết chủ nợ, tết thầy cô, tết ông bà, cha mẹ nếu không ở chung nhà.
Chiều 30 Tết, sau khi cúng nhà (cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ...) nhà nhà đều cột thếp vàng hồ ở đầu ngõ (để cúng ma) và lấy vôi bột vẽ hình cung hình nỏ từ cổng vào đến sân (để thị oai với ma quỷ) Tục truyền rằng: "Đất đai nầy, trước kia hay bị ma quỷ đến quấy phá; sau có Phật can thiệp và hứa cho chúng về thăm đất một lần vào ngày cuối cùng của mỗi năm với điều kiện là không được bén mảng đến nhà nào có trồng cây phướn hay cây nêu vì nơi đó là đất của Phật."
4) Lễ Giao Thừa (lúc bước sang ngày mồng một Tết)
Đêm trừ tịch, lúc sang canh tức là bắt đầu giờ Tý, tại các đình chùa cũng như các tư gia đều làm lễ giao thừa và đốt pháo> Đây là lễ đầu năm cúng trời đất và các vị thiên thần; những vị nầy đổi phiên vào ngày giờ đầu năm nên người ta cũng gọi là lễ tống cựu nghinh tân. Theo tục truyền: "Có 12 vị thiên thần hànhkhiển luân phiên quản trị trần gian trong một giáp (12 năm: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi)
Lễ giao thừa là khởi điểm cho năm mới, ai cũng có cảm tưởng cái gì cũng đổi mới nên có tục lệ kiêng cữ vì nghĩ rằng sự may rủi của ngày đầu năm sẽ có ảnh hưởng suốt năm; do đó nhiều nhà đã chọn lựa một người đàn ông (tuyệt đối không lựa đàn bà) hiền lành, nhanh nhẹn, tử tế... để nhờ họ xông nhà vào ngày mồng một Tết để lấy may.
5) Mồng một Tết
Đây là gày chính và cũng là ngày quan trọng nhất của Tết. Mọi người đều dậy sớm để sửa soạn làm cỗ cúng ông bà; nhiều người đã thức suốt đêm quanh nồi bánh chưng để kịp thời có bánh cúng sáng mồng một Tết. Sau khi làm lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các con cái chúc thọ bố mẹ, mọi người trong nhà cũng làm lễ mừng tuổi và chúc thọ gia trưởng: ngược lại, gia trưởng cũng chúc Tết và lì xì cho mọi người từ lớn tới nhỏ trước khi cùng dự bữa cỗ đầu năm. Kế đó chủ nhà chuẩn bị tiếp đón khách đến xông nhà.
Ai đến nhà trước nhất để chúc Tết tức là xông nhà, được chủ nhà đón tiếp niềm nở với lời chúc mừng kèm theo một phong bao lì xì. Chủ nhà rất hân hoan chào mời khách và tin tưởng mọi sự sẽ tốt đẹp vì cái vía của người xông nhà. Người nầy đã đốt một tràng pháo trước khi bước chân vào nhà.
Đôi khi người trong nhà tự xông nhà bằng cách: Gần nửa đêm họ ra đình hay đi chùa dự lễ giao thừa, sau khi mãn lễ, họ hái lộc (bẻ một cành lá hay bứt một cành hoa trong khuôn viên đình, chùa hoặc lấy một nén hương đang cháy dở tại lễ đài) rồi đi thẳng về xông nhà (cũng chúc Tết và cũng đáp lễ như người lạ vậy) Kể từ lúc có người xông nhà rồi thì kẻ ra người vào tự do, không còn kiêng cữ gì nữa.
Việc cúng nhà và đi mừng tuổi nhau trong xóm làng kéo dài suốt ba ngày Tết; nhiều nhà làm lễ đốt vàng (lễ bế mạc Tết, tức là đem vàng mã ra đốt để tiễn Ông Bà) ngày mồng ba hay ngày mồng bốn Tết. Những người rãnh việc còn chơi xuân lai rai đến ngày rằm hoặc hết tháng giêng luôn.
Tháng giêng ăn Tết ở nhà Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè .........
Suốt ba ngày Tết, khi chào hỏi hoặc chúc Tết một người nào thì người ta thường quen miệng dùng hai tiếng "năm mới" để bắt đầu:
"Năm mới chúc cụ trường thọ... Năm mới chúc cô...."
6) Lễ Khai Hạ
Lễ khai hạ nhằm ngày mồng 7 tháng giêng, cũng được gọi là ngày hạ nêu. Các công đường, công sở được mở cửa, các quan nha thư lại làm lễ khai ấn rồi tiếp tục công việc hằng ngày.
Các cụ đồ nho tập trung các môn sinh làm lễ khai trường khai bút.
Các nơi tôn thờ cũng như các tư gia cũng làm lễ hạ nêu.
Dân quê phần đông thường có lệ nghỉ Tết ba ngày, sau đó lại bắt tay ngay vào công việc đồng áng chợ búa; tuy vậy, một số người tham việc, nhất là dân nghèo, họ chẳng chịu ngồi không trong dịp Tết.
7) Tục lệ về Tết Nguyên Đán
Phong dao ta có câu: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi"
Do đó, các cô thôn nữ thường đi mua vôi vào cuối năm và mua muối vào ngày Tết để mong cho duyên càng thắm, dáng càng nồng.
Vào ngày đầu năm, muốn xuất hành đi đâu hay làm bất cứ việc gì, người ta đều mở lịch xem ngày, chọn giờ và hướng đi (đông, tây, nam, bắc) phù hợp với tuổi của mình để mong gặp nhiều may mắn.
Các bà đi buôn, đi bán cũng lựa ngày lành tháng tốt để đi chợ mở hàng. Các tiệm buôn bán cũng lựa một ngày tốt để mở cửa hàng và không quên chọn một người đàng hoàng để nhờ đến mua mở hàng một vài thứ ngay sau tiệm mở cửa.
Những ngày nguyệt kỵ (các ngày 5, 14, 23 mỗi tháng) là những ngày xấu nhất nên không ai lựa những ngày đó để khai trương bất cứ một việc gì như câu ca dao sau đây:
Mồng năm, mười bốn, hăm ba Đi chơi cũng thiệt, nữa là đi buôn.
Các trẻ em đều được tiền mừng tuổi trong ba ngày Tết. Một số các em bỏ tiền vào ống để dành, một số khác được người lớn dụ ngọt, dẫn đi chợ Tết (chợ làng hay chợ tổng) mua bánh trái một phần, còn lại thì mua gà con (nếu ít) hay mua heo con để nuôi làm vốn. Thếlà các em vừa được ăn quà vừa có gà con hay heo con để nuôi, thật là hí hửng.
Vào dịp Tết, từ trong nhà đến ngoài đường, đâu đâu cũng có đám bạc. Trong nhà thì chơi tam cúc, ngoài đường chổ nầy bàn sóc đĩa, chỗ kia bàn tứ lục (súc sắc) hoặc đánhlú đánh dồi, đàn bà con trẻ tụm năm tụm ba vui chơi thỏa thích cho bõ với ngày thường vất vả khó nhọc.
Ngày Tết là dịp mà tất cả mọi ngành nghề đều tạm ngưng hoạt động để ăn Tết và cũng để vui chơi thỏa thích. Các sổ sách đều kết toán vào ngày ba mươi Tết; ngay cả việc đòi nợ cũng tạm đình cho đến ngày khai hạ vì người ta chẳng những kiêng cho con nợ mà còn phải kiêng cho chính minh đừng giận hờn, đừng to tiếng kẻo giông cả năm, nghĩa là mọi sự bất bình đều tạm thời bỏ qua để ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ với gia đình trong mấy ngày đầu năm.
(Trích từ Vài Nét về Quê Hương Việt Nam của cụ Trần Ngọc Ngãi)
|