Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:49
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Thắc Mắc Đầu Xuân «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 5 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2902 | Trả lời: 4)
Tiêu đề bài viết: Thắc Mắc Đầu Xuân
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 1 2009, 02:45
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Mỗi khi Tết đến là bất chợt đâu đó phuchau nghe bài ca dao, thơ, hay nhạc về "Nụ Tầm Xuân" (năm nay do nghe bài nhạc Hỏi nàng Xuân - từ topic của cô Bong Dieu http://tan-chau.com/phpBBVietNam2/viewtopic.php?f=40&t=1313 )

TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

phuchau có một "thắc mắc không biết hỏi ai" là "nụ tầm xuân" có thật ngoài đời hay không?

Nếu dựa vào câu thơ thứ 2 của bài thơ trên "Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân" thì nụ tầm xuân có thể là nụ của hoa cà ??

Xin các bậc tiền bối chỉ dạy thêm. Xin cảm ơn!

phuchau



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Thầy Nguyễn Thành Tài - Re: Thắc Mắc Đầu Xuân
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 1 2009, 10:29
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
Muốn hiểu rõ "Nụ Tầm Xuân", Phú Châu cùng các bạn trên DĐ vào Trang Mạn Đàm của Viện Việt Học.

Đây là cả một giai thoại văn chương - lịch sử giữa Ông Đào Duy Từ (từng là một chàng mục đồng, giữ trâu) với Chúa Trịnh.
Thơ hay, ý nghĩa sâu từng chữ từng câu. Tôi không đủ khả năng nói lên điều này.

Thân mến
NT2


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Nụ tầm xuân?
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2009, 20:35
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328
phuchau ôi!
Thắc mắc của cháu, thấy các bậc tiền bối còn khiêm tốn bảo không đủ khả năng bàn tới thành ra Cô BD cũng hết dám hó hé gì.
Trang web có bàn đến vấn đề này thì thiếu gì, cháu dư sức biết mà? Cô cũng vào đó xem rồi... và cuối cùng thì cô cũng mù tịt luôn!
Nhưng cô cũng tè lẹt đi hỏi thử vài người (chỉ vài thôi nhé).
Người thì nói:
- "Nụ tầm xuân" cũng tương tự như "lá diêu bông" tức là nó không có thật mà chỉ là một thứ trừu tượng.
Người khác lại nói:
- Cây tầm xuân là có thật. Đó là một loại dây leo dại có hoa nhỏ màu xanh. "Nụ tầm xuân xanh biếc" đó gợi cho tác giả nhớ đến người con gái, người mình yêu thầm trộm nhớ - "Anh đã tôn thờ - nâng niu - giữ gìn... đã thầm thương trộm nhớ nhưng vì nhút nhát nên đã để lỡ cơ hội..., em đã về với người khác!... " Đó là trông cảnh mà nhớ đến người như "...Đình bao nhiêu ngói anh thương mình bấy nhiêu". "Nụ tầm xuân" hoang dại nhưng đẹp và tinh khiết như sự trinh trắng của người thiếu nữ ngây thơ mộc mạc...

Nghe được bao nhiêu cô đã nói hết bấy nhiêu cho cháu và những ai théc méc tham khảo.
Cô thì là đại dốt văn đó phuchau ôi!

Chúc cháu luôn vui vẻ.
Khi nào rảnh rỗi chút thì vào đây tiếp các Cô - Bác - Anh - Chị - Em cho xôm tụ nha cháu!

Cô Bong Dieu Ngoc La


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: "Nụ Tầm Xuân" - Thắc Mắc Đầu Xuân
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 1 2009, 22:25
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
NỤ TẦM XUÂN NỞ RA XANH BIẾC

G.S.Phạm Thị Nhung
(cựu giáo sư Gia-long Saigon)
..........................................



Trong kho tàng văn chương bình dân phong phú của dân tộc, những bài ca dao nói về tình yêu lứa đôi là nhiều hơn cả; nhưng không phải cuộc tình nào cũng đi đến hôn nhân tốt đẹp, mà đời sống thực tế, như ca dao chứng tỏ, đã có lắm cuộc tình lỡ vì nhiều lý do khác nhau. Trong số những bài ca dao loại này, bài Nụ Tầm Xuân được xem là nổi tiếng nhất:

-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra.


Tương truyền bài ca dao trên gồm hai đoạn đối đáp giữa Chúa Trịnh Tráng và ông Đào Duy Từ.

Nguyên vào thời Nam Bắc phân tranh, hồi đầu thế kỷ thứ 17, chúa Trịnh Tráng đã nhiều phen cử đại binh vào Nam chinh phạt chúa Nguyễn mà vẫn không thành công, chỉ vì nơi đây có nhiều chiến luỹ kiên cố, như lũy Đồng Hới, lũy Trường Dục...

Chúa Trịnh cho dò hỏi , được biết ông Đào Duy Từ, gốc người Thanh Hoá, Đàng Ngoài, hiện là quân sư cho Chúa Nguyễn, đã giúp nhà Chúa đắc lực trong việc chấn chỉnh nội trị cũng như trong việc xây thành, đắp lũy để chống chọi với quân Bắc Hà. Hối tiếc vì đã không trọng dụng họ Đào từ trước, để ông trốn vào Nam phù trợ chúa Nguyễn, Trịnh Tráng bèn sai người ngầm đem phẩm vật ban tặng họ Đào với bốn câu ca dao nhắn gửi:

-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!


Biết ý chúa Trịnh muốn chiêu dụ mình, Đào Duy Từ rất khó xử, vì mồ mả tổ tiên còn ở Đàng Ngoài nên không dám cự tuyệt. Nhớ lại tích Trương Tịch đời Đường xưa, sống trong cảnh loạn ly, họ Trương cũng đã rơi vào trường hợp éo le như ông, sau giải quyết được êm thấm là nhờ bài “Tiết Phụ Ngâm” mà giải bày được cảnh ngộ:

- Gái tiết nghĩa không thể lấy hai chồng, khác nào trai trung liệt không thể thờ hai chúa.

Đào Duy Từ bèn bắt chước Trương Tịch, mượn lời một người thiếu phụ tạ tình khác để trả lời chúa Trịnh:

- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng , như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra.


Tất nhiên bài ca dao trên được truyền tụng sâu rộng trong dân gian (ngày nay giới trẻ cũng biết nhiều qua bản phổ nhạc của Phạm Duy) không phải vì lý do chính trị như vừa kể, mà vì tính chất trữ tình đặc thù của nó.

Bài ca dao chỉ vỏn vẹn có mười câu thơ viết theo thể song thất lục bát biến thức, nhưng đã cực tả được một cuộc tình lỡ đầy thơ mộng và cũng đầy cảm khái.

Trước hết, bốn câu thơ đầu (c.1-4) giới thiệu cho ta biết hoàn cảnh, tình cảm và tâm trạng của chàng trai. Người con trai rời quê hương đi du học phương xa đã mấy năm nay, một ngày nào đó chàng bỗng cảm thấy nhớ nhung tha thiết cô bạn láng giềng nơi quê nhà, và ý thức được rằng chàng đã thực sự yêu ai. Chàng thường lấy làm thích thú mỗi khi ôn lại những kỷ niệm chơi đùa cùng nàng trong thời niên thiếu vừa qua:

-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…


Càng ôn lại kỷ niệm xưa, chàng càng thấy mình có hy vọng sẽ chiếm được trái tim của ai, lòng mừng khấp khởi như đã nắm được hạnh phúc trong tay. Và chàng thấy hồi hộp khi tưởng tượng ra giây phút gặp lại người xưa. Cô hàng xóm bé bỏng ngày nào hẳn giờ đây đã dậy thì, đã xinh đẹp lắm. Chàng sẽ nói gì khi gặp lại nàng đây? Tất nhiên chàng sẽ thổ lộ cho nàng nỗi nhớ niềm thương của mình. Nàng sẽ … nàng sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Ngạc nhiên? Không đâu, nàng phải đoán ra những cảm tình đặc biệt của chàng dành cho nàng chứ?… Thật khó mà tượng tượng hết được … Chỉ biết rằng hiện tại tim chàng đang rộn rã yêu đương, và lòng chàng đang chứa chan hy vọng.

Khi vừa thành đạt trở về, chàng nôn nóng ngóng trông sang bên hàng xóm, sao lạ chưa, không hề nghe thấy tiếng nàng nói cười, và “bên hiên vẫn vắng bóng nàng” ( thơ N. Bính). Dò hỏi cha mẹ, chàng mới hay nàng đã bị gia đình ép gả chồng xa, nay thì đã yên bề gia thất.

Hỡi ơi! Cả bầu trời như sụp đổ dưới chân chàng, chàng đau đớn nghe lòng mình như tan vỡ ra hàng trăm ngàn mảnh. Thương cho ai mà lại tiếc cho mình!

Cơn xúc động lắng dần, trách ai bây giờ? Chàng chỉ biết ôn lại những kỷ niệm cũ. Chàng nhớ rất rõ, tất cả mới như ngày hôm qua, chàng sống lại với từng tiếng nói, tiếng cười, từng cử chỉ của ai. Như một cuốn phim, những kỷ niệm thân yêu xưa cứ diễn đi diễn lại trong nỗi nhớ thương, tiếc hận của chàng … Bỗng bên hàng xóm có tiếng người lao xao, nghe vẳng lại như tiếng nói của ai xưa. Chàng chồm dậy, chạy vội ra khu vườn tuổi thơ, " -Trèo lên cây bưởi hái hoa...." Chàng lập lại những động tác như hồi còn thơ ngây một cách vô thức ... Hồi ấy, mỗi khi nhìn thấy nàng xuất hiện ngoài vườn, thì chàng, nếu đang rảnh rỗi, thế nào cũng chạy ra trèo cây, hái hoa, chơi đùa cùng nàng. Hai nhà chỉ cách nhau có một hàng giậu thưa, trồng hoa hồng tầm xuân, chàng và nàng chi cần lách rào là có thể sang được vườn nhà nhau dễ dàng.
Chúng tôi xin nhắc lại, chàng trai trẻ của chúng ta lúc này đang trèo cây, hái hoa một cách vô thức như người mộng du:

-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà …


Chàng vừa giơ tay chực ngắt bông hồng tầm xuân thì mắt chàng chợt nhìn thấy người đẹp -Trời hỡi! Nàng! Chính nàng! Nàng đẹp quá đỗi khiến chàng sửng sốt. Ðúng lúc chàng bừng tỉnh cơn mộng mê thì lại chìm vào một cảm giác choáng ngợp vì xúc động trước nhan sắc lộng lẫy của ai. Rồi ý thức tình cảm tiếc hận trỗi dậy khiến chàng không thể không thốt lời cảm thán :

- Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!


Nhưng tại sao nụ tầm xuân lại không nở cánh màu hồng mà lại màu xanh, xanh biếc cơ? Cái khúc mắc là ở chỗ đó. Xin thưa, chúng ta có nhiều cách lý giải:

Đơn giản nhất cho rằng nụ tầm xuân mới nhú nơi đầu cành, còn ở thể trạng một nụ hoa xanh ngắt.

Nếu như vậy câu thơ sẽ mất đi sức sống, hình ảnh sẽ thiếu sinh động, rực rỡ và ý thơ trở nên nghèo nàn. Vả không ai ngắt một nụ hoa còn xanh ngắt để chơi, nhất là để tả nhan sắc người đẹp.

Vậy hoa tầm xuân ở đây thuộc loại hoa có cánh màu xanh? Theo một số các bô lão cho biết thì tầm xuân, một loại hoa hồng dại, thường trồng bên hàng giậu nơi quê nhà, có cánh hoa màu hồng, thảng khi mới có màu trắng hay màu vàng. Trong trường hợp này, theo thiển ý, chúng ta có thể giải thích như sau :

- Khi đôi mắt chàng trai của chúng ta đã “bám chặt” vào cô bạn láng giềng hết sức xinh đẹp và rất mực thương yêu của chàng thì chàng còn nhớ gì đến màu hoa tầm xuân hồng hay xanh nữa. Nhưng không phải chàng nói “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” mà không có lý do.

Khi từ cây bưởi bước xuống, dù vô ý đến đâu, mắt chàng cũng phải nhìn thấy đám hoa cà xanh xanh ở dưới chân mình. Và dù đang trong cơn mê mẩn tâm thần, không để ý hoa cà màu gì, nhưng trong tiềm thức chàng vẫn biết:

- Chơi hoa phải biết mùi hoa
Hoa lê thì trắng, hoa cà thì xanh.
(Ca dao)

Vì thế , khi vừa có ý giơ tay ngắt bông hoa tầm xuân, chàng chợt nhìn thấy nàng:

- Nàng đẹp quá! Vâng nàng đẹp quá! Chàng phải khen tặng nàng, nhưng không thể nói một cách sỗ sàng như thế, mà phải khen bóng bẩy, tế nhị kia …, phải rồi, nàng đẹp như một nụ hoa … hoa gì? Hoa tầm xuân! (Ý tưởng định giơ tay ngắt bông tầm xuân vừa có đó). Hoa đẹp vì sắc. Hoa tầm xuân sắc gì? Đang cơn xúc động, chàng không còn đầu óc để nhận định, chàng liền liên kết nó với màu xanh xanh của hoa cà vừa xuất hiện trước đó. Thế là nụ tầm xuân của chàng bỗng nhiên mang màu xanh!

Nhưng màu xanh của hoa cà ngả sang tim tím, nhàn nhạt, tầm thường lắm. Không, nụ tầm xuân của chàng phải nở ra những cánh hoa xanh mơn mởn nguyên trinh, ngát một màu xanh rất tươi, rất thắm..., phải rồi, một màu xanh biếc, một màu xanh tâm tưởng!

-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc!

Thế là màu hoa tầm xuân của chàng trai đã rời khỏi màu sắc hiện thực của ngoại giới để trở thành màu" xanh biếc "của tâm giới. Có thế mới đủ diễn tả sắc đẹp kiều diễm của người chàng yêu và lòng ngưỡng mộ của chàng lúc đó.

Chỉ một sát-na của thời gian, bằng ấy sự suy luận, tưởng tượng, so sánh , cân nhắc, liên kết hình ảnh, màu sắc và nỗi xúc động bởi tình yêu đắm đuối cùng trước nhan sắc rực rỡ của người xưa đã diễn ra trong tâm trí của chàng trai, để thoát ra thành một lời khen tặng vừa bóng bẩy, ý nhị, vừa thâm trầm, thắm thiết:

-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc!

"Nụ tầm xuân" chẳng những tượng trưng cho nhan sắc của cô bạn láng giềng, sắc đẹp của nàng càng xinh tươi, kiều mỵ bao nhiêu (nở ra xanh biếc), mà đồng thời còn cho tinh yêu của chàng trai, tình chàng càng bồng bột, say đắm, thuần khiết bao nhiêu ( nở ra xanh biếc) thì lòng tiếc hận của chàng càng thống thiết bấy nhiêu:

-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!


Chỉ một câu thơ giản dị ấy thôi, chàng đủ thổ lộ hết cùng nàng cái tâm sự yêu đương tha thiết, và nỗi lòng tiếc hận không cùng của mình. Và cả hai câu thơ trên rút lại chỉ một chữ “tiếc” đủ gói ghém trọn ý.

Thật vậy, người ta đã hỏi nàng làm vợ, đã lấy nàng vì những lý do nào chàng không cần biết, nhưng đối với chàng, nàng là viên bảo ngọc vô giá: Nàng là tượng trưng cho tất cả những kỷ niệm hạnh phúc của chuỗi ngày niên thiếu thơ ngây;

Nàng là tất cả nỗi nhớ niềm thương trong thời gian xa cách;

Nàng là tất cả sự khích lệ khiến chàng cố gắng phấn đấu học hành, xây dựng sự nghiệp, để mau chóng thành công trở về;

Nàng là đóa hoa hồng tầm xuân lộng lẫy, là đối tượng của tất cả tấm lòng bồng bột khao khát yêu đương ở tuổi thanh xuân của chàng.

Quả là suốt hai mươi năm nay nàng đã không xa chàng, trong tiếp xúc gần gũi hay trong lòng tưởng nhớ; thế mà giờ đây: " Em đã có chồng!" Đổ vỡ hết rồi, tiếc nuối biết bao nhiêu!

-Em có chồng, anh tiếc lắm thay!

Tiếc …! Tiếc lắm thay!

Còn cô láng giềng thì sao?

Sáu câu thơ cuối (c.5-10) đã cho chúng ta biết về cảnh ngộ cùng tâm tình, thái độ của người con gái.

Từ bao tháng rồi đi lấy chồng xa, mãi hôm nay nàng mới có dịp trở lại quê nhà. Vừa ra thăm khu vườn cũ, nào ngờ được gặp lại người bạn trai hàng xóm thuở xưa. Chàng đi xa học hành, lập nghiệp từ năm, sáu năm nay, chàng đã trở về rồi đó ư? Người thanh niên cao lớn đang đứng trước mặt nàng là chàng đó ư? -Ðúng rồi, người xưa đây mà! Nàng vừa xúc động, vừa bối rối thẹn thùng.

Suốt thời niên thiếu thơ ngây, chàng và nàng thường vui chơi thân thiết bên nhau. Từ ngày chàng ra đi, đôi khi nàng có thoáng thấy lòng mình nhớ nhung ai, nhưng mãi đến tuổi dậy thì, bắt đầu biết mơ mộng thì hình ảnh ai kia mới thực sự ngự trị trong trái tim nàng; và từ đó nàng âm thầm mong ngóng ai về. Trong thời gian này, có người đến dạm hỏi nàng làm vợ thì nàng đều tìm hết cớ này, cớ nọ để thoái thác, nàng cố tình chờ đợi chàng... .Năm tháng lặng lẽ trôi qua, chàng đã chẳng có lấy một lời nhắn gửi thăm hỏi, nàng tránh sao khỏi buồn tủi:

- Duyên kia ai đợi mà chờ
Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình!
(ca dao)

Nên đã có một ngày, nàng đành gạt nước mắt, nghe lời cha mẹ đi lấy chồng, một người chồng xa xứ mà trước đó nàng không hề quen biết, yêu thương.

Hôm nay bỗng nhiên gặp lại người xưa, nàng xúc động và bối rối quá nên cũng chưa kịp ý thức được chàng đang làm gì … À! "Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà …" Chàng vẫn ưa trèo cây, hái hoa như thời niên thiếu ngày xưa; và chàng đã nói gì với nàng?

-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!


Trời hỡi! Thì ra chàng cũng yêu nàng, và đã muốn cùng nàng kết tóc xe tơ! Sung sướng và cảm động làm sao! và nàng đã không khỏi tiếc nuối:

-Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?


Nàng có ý trách chàng sao quá chậm bước, đã không đi dạm hỏi nàng ngay khi nàng còn con gái. Có nghĩa là, nếu chàng hỏi nàng từ thuở ấy thì nàng đã bằng lòng. Qua câu này vô tình nàng đã thổ lộ tình yêu của mình cho chàng hay.

Hơn nữa, không chỉ mình nàng bằng lòng mà cha mẹ nàng cũng đã sẵn sàng đón nhận cuộc hôn phối này nên vẫn có ý nấn ná chờ đợi chàng về, và sẽ dành mọi dễ dàng cho chàng, chỉ cần:

-“Ba đồng một mớ trầu cay“

( “một mớ trầu cay” là cách nói hoán dụ, lấy một phần để chỉ tổng thể lễ vật dạm hỏi gồm trầu, cau, trà, rượu)

Vâng, chỉ với lễ vật tối thiểu trong nghi thức đi dạm vợ đó thôi là gia đình nàng sẽ chấp nhận cho chàng làm rể, vậy mà chàng đã không sớm lo liệu.

Năm tháng trôi qua, nàng đã đứng tuổi (thời xưa con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng đã bị coi là "ế"), vả lại cha mẹ chàng cũng không có một lời gấm ghé, hẹn hò, thế nên gia đình nàng đành phải ép nàng lấy chồng.

Hôm nay chàng và nàng được gặp lại nhau, hiểu rõ lòng nhau (điều này hẳn là một niềm an ủi lớn cho họ, nhưng cũng vì vậy mà nỗi tiếc hận của nàng và nhất là của chàng càng nhân lên gấp bội), thì than ôi! đã quá muộn; đã lỡ làng hết rồi!

Nay nàng đã là gái có chồng, nàng ý thức rất rõ bổn phận của mình; mặc dầu cuộc sống lứa đôi bị gò bó, không hạnh phúc “như chim vào lồng, như cá cắn câu”, nhưng nàng chấp nhận như một định mệnh đã an bài:

-Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng , như cá cắn câu.


Nàng xin chàng hãy hiểu cho cảnh ngộ của nàng, và nàng cũng đã cam phận, mà đừng yêu thương, tơ tưởng, hy vọng gì nữa:

- Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra!


Câu trả lời rất thành thực là tuy có buồn cho cảnh ngộ, nhưng cũng rất đúng đắn, dứt khoát của người thiếu phụ trước người bạn trai láng giềng thân thiết thuở xưa đang tỏ tình cùng nàng, đã làm ta phải cảm động và quí mến nàng.

Nàng đã biết chế ngự tình cảm lãng mạn của mình, biết dừng ở lúc phải dừng. Và dù lấy chồng không yêu thương, cuộc sống hiện tại không như ý, nhưng một khi đã làm vợ, nàng biết giữ bổn phận phải thủ tiết với chồng để duy trì sự yên ấm cho gia đình. Nàng không giống như người tiết phụ của Trương Tịch, nhận ngọc của một chàng trai xa lạ, đem giấu trong dải yếm, khi ý thức ra bổn phận phải chung thủy với chồng mới trả ngọc lại cho người, với hai hàng nước mắt tiếc rẻ:

-Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.


Ðể hết luận ta có thể nói, bài ca dao NỤ TẦM XUÂN chỉ với mười câu thơ ngắn ngủi để tả một cuộc tình lỡ nhưng đã hội đủ những ưu điểm: nhạc thơ khi êm đềm, thanh thoát (ở những câu lục bát chỉ gieo toàn vần bằng), lúc lại bổng trầm nức nở (ở những câu song thất gieo hai vần bằng, trắc xen nhau); từ ngữ, hình ảnh thì giản dị trong sáng nhưng vô cùng hàm súc, gợi cảm; tình ý vừa thơ mộng thắm thiết lại vừa ngậm ngùi cảm kích … đã khiến nó dễ thấm sâu vào lòng người. Ðây quả là một bài ca dao trữ tình đặc sắc, vừa có giá trị nhân bản, vừa có giá trị nghệ thuật rất cao của dân tộc.

(nguồn tvvn.org)


Phụ Chú:

Tên Việt: tầm xuân
Tên Hoa: 野薔薇(dã tường vi), 多花薔薇(đa hoa tường vi)
Tên Anh: multiflora Rose, rambler Rose
Tên Pháp: rosier
Tên khoa học: Rosa multiflora Thumb.
Họ: Hoa Hường (Rosaceae) 薔 [qiang2] (sắc, tường) 34196 8594 (17n), 蔷 [qiang2] 34103 8537 -- 1 : Cỏ sắc. 2 : Một âm là tường. Tường vi 薔薇 (Rosa pimpinellifolia L.) một thứ cây mọc ven tường, xúm xít từng bụi, hoa cái đỏ, cái trắng, cái vàng. Nguyễn Du 阮攸 : Kế trình tại tam nguyệt, Do cập tường vi hoa 計程在三月,猶及薔薇花 (Hoàng Mai đạo trung 黃梅道中) Tính đường đi, tháng ba về tới, Còn kịp thấy hoa tường vi. 薔 [qiang2] /wild rose † 薔薇 [qiang2 wei2] /rose † 薔薇花蕾 [qiang2 wei2 hua1 lei3] /rosebud/ [Tự Điển Thiều Chửu Online & CEDICT]


Tập tin đính kèm:
nutamxuan wildroses.jpg
nutamxuan wildroses.jpg [ 28.27 KB | Đã xem 3338 lần ]
Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Thầy Nguyễn Thành Tài - Re: Thắc Mắc Đầu Xuân
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 2 2009, 00:42
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
Đầu xuân nói chuyện "Tầm xuân" !

Lúc đầu khi đọc bài thơ với hai điều thắc mắc, định giải đáp, nhưng còn hoài nghi dụng ý của bài thơ và e trả lời sai lệch. Muốn biết thêm ý kiến để xác định rõ, nên đã nói thật lòng rằng không đủ khả năng (hiểu biết về thơ văn)

Tôi rất cảm bài thơ với lời văn bình dị, nhẹ nhàng, thanh thoát, tao nhả, trử tình, lạị không diễn tả tình cảm lãng mạn. Bài thơ mang tính ẩn dụ. Đây là lời biện giải hùng hồn đanh thép hàm ý chê trách, lên án quan điểm sai lầm trong xã hội. Nhiều người cho rằng đây là bài ca dao, tương truyền là của Đào Duy Từ. Bài thơ đã được giảng dạy ở Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3 hiện nay)trước năm 1975.

Tôi chú giải bài thơ và giải đáp bổ sung sau:
Bài thơ có hai chữ Anh, ám chỉ Chúa Trịnh. Hai chữ Em, chỉ Đào Duy Từ.

Bước đường công danh sự nghiệp chốn khoa trường cuả Đào Duy Từ, đầy gai góc (gai gốc), chua chát, đắng cay. Vốn con nhà phường hát, bị xem là hạng "xướng ca vô loại".

"Con vua thì được làm vua
Con sãi ở chùa phải quét lá đa"
(ca dao)
Và : Nào có ra chi lũ hát tuồng (Tú xương ).Con nhà phường hát thì mặt phải bôi vôi đóng tuồng.
Tương lai bế tắc ví như:
Trèo lên cây bưởi hái hoa," (không được)

Quyết chí lập thân, tìm đường vào Đàng trong (vô Nam), nơi mảnh đất lạ đầy hoa trái ấy; Ông tìm hái được nụ xuân cuôc đời, mầm tuơng lai sự nghiệp.
"Buớc xuống vườn cà hái nụ tầm xuân."

Vào Đàng trong, được Chúa Nguyễn (Saỉ Vương)trọng dụng, Ông lập nhiều công trạng. Sự nghiệp đạt thành, hoa tương lai nở đẹp rực rỡ
"Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc".

Về với Chúa Nguyễn, Ông như chim khôn tìm được cây lành để đậu, như ngươì con gái tìm được bến nước trong neo thuyền. Khi ấy ở Đàng ngoài Chúa Trinh, hối tiếc đã để lọt mất một nhân tài.
"Em có chồng anh tiếc lắm thay!".

Chúa Trịnh cho người mang phẩm vật vào chiêu dụ.Hiểu rõ thâm ý chúa Trịnh, Ông từ chối, lời lẽ ôn tồn, lập luận sâu sắc.
Lúc còn phòng không đơn lẻ, anh chẳng để mắt tới. Anh chê em phận hoa hèn cỏ dại.
Đâu cần buồn cau, mâm xôi, hay con lợn béo, vò rượu tâm, hoạc đôi chăn, đôi chiếu, đôi trằm với quan năm tiền cưới, quan tám tiền cheo. Chỉ cần ba đồng(*)thôi mua lấy mớ trầu cay(**) làm sính lễ là em đã thuộc về anh rồi. Nhưng anh laị không.

"Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?"


Ván đã đóng thuyền, em đã có chồng, phải giữ vẹn câu "xuất giá tòng phu"(có chồng phải theo chồng). Dù ngày xưa, em thương yêu anh lắm lắm;nhưng không thể lỗi đạo, bỏ chồng về lại với anh.

"Bây giờ em đã có chồng"

Chúa Trinh lại cho người khuyến dụ lần nữa,cương quyết tỏ rõ lòng son sắt Ông đáp:
"Có lòng xin tạ ơn long,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!"

Không chiêu dụ được,Chúa Trịnh tức giận mỉa mai, phỉ báng, hăm doạ:

"Có ai về với Đàng trong,
Nhắn nhe bố đỏ(***)liệu trông đường về.
Mãi tham lợi bỏ quê quên tổ,
Đất nước người dù có như không!"



"Rồng khoe vượt gió tung mây,
Biết đâu rồng đất có ngày xác tan!"


Vẫn bình dị, tao nhả, nhẹ nhàng, Ông biện giải: Thân em nay như chim trong lồng, như cá mắc câu; không thể bay nhảy vẫy vùng tự ý, xin anh hiểu cho.

"Như chim vào lồng,như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra!"

......

Thâm thuý quá :

"Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng. "


Chú thích:
(*)Ba đồng=ý nói quá rẻ;nhưng là bao nhiêu?
Một Quan=10 tiền
Một Tiền=60 đồng
Vậy Một Quan = 10x60=600 đồng
(**) Mớ trầu cay=Gồm lẫn lộn trầu già,trầu non, trầu vụn, trầu xấu sau khi đã lựa lấy ra trầu tốt
(***) Bố đỏ = bố đào, thằng xướng ca


Giải đáp điều thắc mắc
Phuchau đã viết:
* Nếu dựa vào câu thơ thứ 2 của bài thơ trên "Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân" thì nụ tầm xuân có ... thể là nụ của hoa cà ??
Đáp: Lời thơ ẩn dụ; thông thường, nhiều người cho rằng "nụ tầm xuân" chỉ người thiếu nữ ở tuổi xuân thì. Nhưng theo Tôi "Nụ tầm xuân" ở đây là nụ xuân sự nghiệp, mầm công danh,bước đường tương lai.
-Vậy "nụ tầm xuân" không là nụ của hoa cà!
*Phuchau có ... "thắc mắc không biết hỏi ai" là "nụ tầm xuân" có thật ngoài đời hay không?
Xin các bậc tiền bối chỉ dạy thêm. Xin cảm ơn!
- Đáp : Cây Tầm xuân có thật, với nhiều tên gọi khác nhau, hoa nở cũng nhiểu màu khác nhau .
Như đã chú giải,baì thơ ẩn dụ mượn hình ảnh có thật nầy để nói lên sự việc có thật khác.
Trái lại "Lá Diếu Bông",không có thật.Một hình tượng không có thật, nêu lên nhằm phỉnh gạt kẻ non dạ,yếu lòng,ngây thơ,khờ dại ,mê si, phí công tốn sức đi tìm cái không có;đến lúc cuôc đời sắp tàn phai mới nhận ra:Lá Diếu Bông ôí!Lá Diếu Bông ...Bấy lâu hoang phí tuổi xuân, săn tìm ảo ảnh!

Phuchau ơi! Cháu đã có trong tay "nụ tầm xuân" cũng như Tôi và mọi người đều có; nhưng mỗi người mỗi khác. Tùy điều kiện thuận lợi, môi trường thích hợp "Nụ tầm xuân" kia sẽ nở ra xanh biết, trắng trong, vàng tươi hay hồng thắm.

Thân mến
NT2

Đây những hoa Tầm Xuân Tôi tìm thấy trên vài trang Web:


Hình ảnh Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 5 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]

» Thắc Mắc Đầu Xuân «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 10 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 10 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 10 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 10 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu