NỤ TẦM XUÂN NỞ RA XANH BIẾC
G.S.Phạm Thị Nhung
(cựu giáo sư Gia-long Saigon)
..........................................
Trong kho tàng văn chương bình dân phong phú của dân tộc, những bài ca dao nói về tình yêu lứa đôi là nhiều hơn cả; nhưng không phải cuộc tình nào cũng đi đến hôn nhân tốt đẹp, mà đời sống thực tế, như ca dao chứng tỏ, đã có lắm cuộc tình lỡ vì nhiều lý do khác nhau. Trong số những bài ca dao loại này, bài Nụ Tầm Xuân được xem là nổi tiếng nhất:
-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra.Tương truyền bài ca dao trên gồm hai đoạn đối đáp giữa Chúa Trịnh Tráng và ông Đào Duy Từ.
Nguyên vào thời Nam Bắc phân tranh, hồi đầu thế kỷ thứ 17, chúa Trịnh Tráng đã nhiều phen cử đại binh vào Nam chinh phạt chúa Nguyễn mà vẫn không thành công, chỉ vì nơi đây có nhiều chiến luỹ kiên cố, như lũy Đồng Hới, lũy Trường Dục...
Chúa Trịnh cho dò hỏi , được biết ông Đào Duy Từ, gốc người Thanh Hoá, Đàng Ngoài, hiện là quân sư cho Chúa Nguyễn, đã giúp nhà Chúa đắc lực trong việc chấn chỉnh nội trị cũng như trong việc xây thành, đắp lũy để chống chọi với quân Bắc Hà. Hối tiếc vì đã không trọng dụng họ Đào từ trước, để ông trốn vào Nam phù trợ chúa Nguyễn, Trịnh Tráng bèn sai người ngầm đem phẩm vật ban tặng họ Đào với bốn câu ca dao nhắn gửi:
-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!Biết ý chúa Trịnh muốn chiêu dụ mình, Đào Duy Từ rất khó xử, vì mồ mả tổ tiên còn ở Đàng Ngoài nên không dám cự tuyệt. Nhớ lại tích Trương Tịch đời Đường xưa, sống trong cảnh loạn ly, họ Trương cũng đã rơi vào trường hợp éo le như ông, sau giải quyết được êm thấm là nhờ bài “Tiết Phụ Ngâm” mà giải bày được cảnh ngộ:
- Gái tiết nghĩa không thể lấy hai chồng, khác nào trai trung liệt không thể thờ hai chúa.
Đào Duy Từ bèn bắt chước Trương Tịch, mượn lời một người thiếu phụ tạ tình khác để trả lời chúa Trịnh:
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng , như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra.Tất nhiên bài ca dao trên được truyền tụng sâu rộng trong dân gian (ngày nay giới trẻ cũng biết nhiều qua bản phổ nhạc của Phạm Duy) không phải vì lý do chính trị như vừa kể, mà vì tính chất trữ tình đặc thù của nó.
Bài ca dao chỉ vỏn vẹn có mười câu thơ viết theo thể song thất lục bát biến thức, nhưng đã cực tả được một cuộc tình lỡ đầy thơ mộng và cũng đầy cảm khái.
Trước hết, bốn câu thơ đầu (c.1-4) giới thiệu cho ta biết hoàn cảnh, tình cảm và tâm trạng của chàng trai. Người con trai rời quê hương đi du học phương xa đã mấy năm nay, một ngày nào đó chàng bỗng cảm thấy nhớ nhung tha thiết cô bạn láng giềng nơi quê nhà, và ý thức được rằng chàng đã thực sự yêu ai. Chàng thường lấy làm thích thú mỗi khi ôn lại những kỷ niệm chơi đùa cùng nàng trong thời niên thiếu vừa qua:
-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…Càng ôn lại kỷ niệm xưa, chàng càng thấy mình có hy vọng sẽ chiếm được trái tim của ai, lòng mừng khấp khởi như đã nắm được hạnh phúc trong tay. Và chàng thấy hồi hộp khi tưởng tượng ra giây phút gặp lại người xưa. Cô hàng xóm bé bỏng ngày nào hẳn giờ đây đã dậy thì, đã xinh đẹp lắm. Chàng sẽ nói gì khi gặp lại nàng đây? Tất nhiên chàng sẽ thổ lộ cho nàng nỗi nhớ niềm thương của mình. Nàng sẽ … nàng sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Ngạc nhiên? Không đâu, nàng phải đoán ra những cảm tình đặc biệt của chàng dành cho nàng chứ?… Thật khó mà tượng tượng hết được … Chỉ biết rằng hiện tại tim chàng đang rộn rã yêu đương, và lòng chàng đang chứa chan hy vọng.
Khi vừa thành đạt trở về, chàng nôn nóng ngóng trông sang bên hàng xóm, sao lạ chưa, không hề nghe thấy tiếng nàng nói cười, và “bên hiên vẫn vắng bóng nàng” ( thơ N. Bính). Dò hỏi cha mẹ, chàng mới hay nàng đã bị gia đình ép gả chồng xa, nay thì đã yên bề gia thất.
Hỡi ơi! Cả bầu trời như sụp đổ dưới chân chàng, chàng đau đớn nghe lòng mình như tan vỡ ra hàng trăm ngàn mảnh. Thương cho ai mà lại tiếc cho mình!
Cơn xúc động lắng dần, trách ai bây giờ? Chàng chỉ biết ôn lại những kỷ niệm cũ. Chàng nhớ rất rõ, tất cả mới như ngày hôm qua, chàng sống lại với từng tiếng nói, tiếng cười, từng cử chỉ của ai. Như một cuốn phim, những kỷ niệm thân yêu xưa cứ diễn đi diễn lại trong nỗi nhớ thương, tiếc hận của chàng … Bỗng bên hàng xóm có tiếng người lao xao, nghe vẳng lại như tiếng nói của ai xưa. Chàng chồm dậy, chạy vội ra khu vườn tuổi thơ, " -Trèo lên cây bưởi hái hoa...." Chàng lập lại những động tác như hồi còn thơ ngây một cách vô thức ... Hồi ấy, mỗi khi nhìn thấy nàng xuất hiện ngoài vườn, thì chàng, nếu đang rảnh rỗi, thế nào cũng chạy ra trèo cây, hái hoa, chơi đùa cùng nàng. Hai nhà chỉ cách nhau có một hàng giậu thưa, trồng hoa hồng tầm xuân, chàng và nàng chi cần lách rào là có thể sang được vườn nhà nhau dễ dàng.
Chúng tôi xin nhắc lại, chàng trai trẻ của chúng ta lúc này đang trèo cây, hái hoa một cách vô thức như người mộng du:
-Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà … Chàng vừa giơ tay chực ngắt bông hồng tầm xuân thì mắt chàng chợt nhìn thấy người đẹp -Trời hỡi! Nàng! Chính nàng! Nàng đẹp quá đỗi khiến chàng sửng sốt. Ðúng lúc chàng bừng tỉnh cơn mộng mê thì lại chìm vào một cảm giác choáng ngợp vì xúc động trước nhan sắc lộng lẫy của ai. Rồi ý thức tình cảm tiếc hận trỗi dậy khiến chàng không thể không thốt lời cảm thán :
- Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!Nhưng tại sao nụ tầm xuân lại không nở cánh màu hồng mà lại màu xanh, xanh biếc cơ? Cái khúc mắc là ở chỗ đó. Xin thưa, chúng ta có nhiều cách lý giải:
Đơn giản nhất cho rằng nụ tầm xuân mới nhú nơi đầu cành, còn ở thể trạng một nụ hoa xanh ngắt.
Nếu như vậy câu thơ sẽ mất đi sức sống, hình ảnh sẽ thiếu sinh động, rực rỡ và ý thơ trở nên nghèo nàn. Vả không ai ngắt một nụ hoa còn xanh ngắt để chơi, nhất là để tả nhan sắc người đẹp.
Vậy hoa tầm xuân ở đây thuộc loại hoa có cánh màu xanh? Theo một số các bô lão cho biết thì tầm xuân, một loại hoa hồng dại, thường trồng bên hàng giậu nơi quê nhà, có cánh hoa màu hồng, thảng khi mới có màu trắng hay màu vàng. Trong trường hợp này, theo thiển ý, chúng ta có thể giải thích như sau :
- Khi đôi mắt chàng trai của chúng ta đã “bám chặt” vào cô bạn láng giềng hết sức xinh đẹp và rất mực thương yêu của chàng thì chàng còn nhớ gì đến màu hoa tầm xuân hồng hay xanh nữa. Nhưng không phải chàng nói “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” mà không có lý do.
Khi từ cây bưởi bước xuống, dù vô ý đến đâu, mắt chàng cũng phải nhìn thấy đám hoa cà xanh xanh ở dưới chân mình. Và dù đang trong cơn mê mẩn tâm thần, không để ý hoa cà màu gì, nhưng trong tiềm thức chàng vẫn biết:
- Chơi hoa phải biết mùi hoa
Hoa lê thì trắng, hoa cà thì xanh. (Ca dao)
Vì thế , khi vừa có ý giơ tay ngắt bông hoa tầm xuân, chàng chợt nhìn thấy nàng:
- Nàng đẹp quá! Vâng nàng đẹp quá! Chàng phải khen tặng nàng, nhưng không thể nói một cách sỗ sàng như thế, mà phải khen bóng bẩy, tế nhị kia …, phải rồi, nàng đẹp như một nụ hoa … hoa gì? Hoa tầm xuân! (Ý tưởng định giơ tay ngắt bông tầm xuân vừa có đó). Hoa đẹp vì sắc. Hoa tầm xuân sắc gì? Đang cơn xúc động, chàng không còn đầu óc để nhận định, chàng liền liên kết nó với màu xanh xanh của hoa cà vừa xuất hiện trước đó. Thế là nụ tầm xuân của chàng bỗng nhiên mang màu xanh!
Nhưng màu xanh của hoa cà ngả sang tim tím, nhàn nhạt, tầm thường lắm. Không, nụ tầm xuân của chàng phải nở ra những cánh hoa xanh mơn mởn nguyên trinh, ngát một màu xanh rất tươi, rất thắm..., phải rồi, một màu xanh biếc, một màu xanh tâm tưởng!
-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc!Thế là màu hoa tầm xuân của chàng trai đã rời khỏi màu sắc hiện thực của ngoại giới để trở thành màu" xanh biếc "của tâm giới. Có thế mới đủ diễn tả sắc đẹp kiều diễm của người chàng yêu và lòng ngưỡng mộ của chàng lúc đó.
Chỉ một sát-na của thời gian, bằng ấy sự suy luận, tưởng tượng, so sánh , cân nhắc, liên kết hình ảnh, màu sắc và nỗi xúc động bởi tình yêu đắm đuối cùng trước nhan sắc rực rỡ của người xưa đã diễn ra trong tâm trí của chàng trai, để thoát ra thành một lời khen tặng vừa bóng bẩy, ý nhị, vừa thâm trầm, thắm thiết:
-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc!"Nụ tầm xuân" chẳng những tượng trưng cho nhan sắc của cô bạn láng giềng, sắc đẹp của nàng càng xinh tươi, kiều mỵ bao nhiêu (nở ra xanh biếc), mà đồng thời còn cho tinh yêu của chàng trai, tình chàng càng bồng bột, say đắm, thuần khiết bao nhiêu ( nở ra xanh biếc) thì lòng tiếc hận của chàng càng thống thiết bấy nhiêu:
-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!Chỉ một câu thơ giản dị ấy thôi, chàng đủ thổ lộ hết cùng nàng cái tâm sự yêu đương tha thiết, và nỗi lòng tiếc hận không cùng của mình. Và cả hai câu thơ trên rút lại chỉ một chữ “tiếc” đủ gói ghém trọn ý.
Thật vậy, người ta đã hỏi nàng làm vợ, đã lấy nàng vì những lý do nào chàng không cần biết, nhưng đối với chàng, nàng là viên bảo ngọc vô giá: Nàng là tượng trưng cho tất cả những kỷ niệm hạnh phúc của chuỗi ngày niên thiếu thơ ngây;
Nàng là tất cả nỗi nhớ niềm thương trong thời gian xa cách;
Nàng là tất cả sự khích lệ khiến chàng cố gắng phấn đấu học hành, xây dựng sự nghiệp, để mau chóng thành công trở về;
Nàng là đóa hoa hồng tầm xuân lộng lẫy, là đối tượng của tất cả tấm lòng bồng bột khao khát yêu đương ở tuổi thanh xuân của chàng.
Quả là suốt hai mươi năm nay nàng đã không xa chàng, trong tiếp xúc gần gũi hay trong lòng tưởng nhớ; thế mà giờ đây: " Em đã có chồng!" Đổ vỡ hết rồi, tiếc nuối biết bao nhiêu!
-Em có chồng, anh tiếc lắm thay!Tiếc …! Tiếc lắm thay!
Còn cô láng giềng thì sao?
Sáu câu thơ cuối (c.5-10) đã cho chúng ta biết về cảnh ngộ cùng tâm tình, thái độ của người con gái.
Từ bao tháng rồi đi lấy chồng xa, mãi hôm nay nàng mới có dịp trở lại quê nhà. Vừa ra thăm khu vườn cũ, nào ngờ được gặp lại người bạn trai hàng xóm thuở xưa. Chàng đi xa học hành, lập nghiệp từ năm, sáu năm nay, chàng đã trở về rồi đó ư? Người thanh niên cao lớn đang đứng trước mặt nàng là chàng đó ư? -Ðúng rồi, người xưa đây mà! Nàng vừa xúc động, vừa bối rối thẹn thùng.
Suốt thời niên thiếu thơ ngây, chàng và nàng thường vui chơi thân thiết bên nhau. Từ ngày chàng ra đi, đôi khi nàng có thoáng thấy lòng mình nhớ nhung ai, nhưng mãi đến tuổi dậy thì, bắt đầu biết mơ mộng thì hình ảnh ai kia mới thực sự ngự trị trong trái tim nàng; và từ đó nàng âm thầm mong ngóng ai về. Trong thời gian này, có người đến dạm hỏi nàng làm vợ thì nàng đều tìm hết cớ này, cớ nọ để thoái thác, nàng cố tình chờ đợi chàng... .Năm tháng lặng lẽ trôi qua, chàng đã chẳng có lấy một lời nhắn gửi thăm hỏi, nàng tránh sao khỏi buồn tủi:
- Duyên kia ai đợi mà chờ
Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình! (ca dao)
Nên đã có một ngày, nàng đành gạt nước mắt, nghe lời cha mẹ đi lấy chồng, một người chồng xa xứ mà trước đó nàng không hề quen biết, yêu thương.
Hôm nay bỗng nhiên gặp lại người xưa, nàng xúc động và bối rối quá nên cũng chưa kịp ý thức được chàng đang làm gì … À! "Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà …" Chàng vẫn ưa trèo cây, hái hoa như thời niên thiếu ngày xưa; và chàng đã nói gì với nàng?
-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!Trời hỡi! Thì ra chàng cũng yêu nàng, và đã muốn cùng nàng kết tóc xe tơ! Sung sướng và cảm động làm sao! và nàng đã không khỏi tiếc nuối:
-Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không? Nàng có ý trách chàng sao quá chậm bước, đã không đi dạm hỏi nàng ngay khi nàng còn con gái. Có nghĩa là, nếu chàng hỏi nàng từ thuở ấy thì nàng đã bằng lòng. Qua câu này vô tình nàng đã thổ lộ tình yêu của mình cho chàng hay.
Hơn nữa, không chỉ mình nàng bằng lòng mà cha mẹ nàng cũng đã sẵn sàng đón nhận cuộc hôn phối này nên vẫn có ý nấn ná chờ đợi chàng về, và sẽ dành mọi dễ dàng cho chàng, chỉ cần:
-“Ba đồng một mớ trầu cay“ ( “một mớ trầu cay” là cách nói hoán dụ, lấy một phần để chỉ tổng thể lễ vật dạm hỏi gồm trầu, cau, trà, rượu)
Vâng, chỉ với lễ vật tối thiểu trong nghi thức đi dạm vợ đó thôi là gia đình nàng sẽ chấp nhận cho chàng làm rể, vậy mà chàng đã không sớm lo liệu.
Năm tháng trôi qua, nàng đã đứng tuổi (thời xưa con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng đã bị coi là "ế"), vả lại cha mẹ chàng cũng không có một lời gấm ghé, hẹn hò, thế nên gia đình nàng đành phải ép nàng lấy chồng.
Hôm nay chàng và nàng được gặp lại nhau, hiểu rõ lòng nhau (điều này hẳn là một niềm an ủi lớn cho họ, nhưng cũng vì vậy mà nỗi tiếc hận của nàng và nhất là của chàng càng nhân lên gấp bội), thì than ôi! đã quá muộn; đã lỡ làng hết rồi!
Nay nàng đã là gái có chồng, nàng ý thức rất rõ bổn phận của mình; mặc dầu cuộc sống lứa đôi bị gò bó, không hạnh phúc “như chim vào lồng, như cá cắn câu”, nhưng nàng chấp nhận như một định mệnh đã an bài:
-Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng , như cá cắn câu.Nàng xin chàng hãy hiểu cho cảnh ngộ của nàng, và nàng cũng đã cam phận, mà đừng yêu thương, tơ tưởng, hy vọng gì nữa:
- Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra!Câu trả lời rất thành thực là tuy có buồn cho cảnh ngộ, nhưng cũng rất đúng đắn, dứt khoát của người thiếu phụ trước người bạn trai láng giềng thân thiết thuở xưa đang tỏ tình cùng nàng, đã làm ta phải cảm động và quí mến nàng.
Nàng đã biết chế ngự tình cảm lãng mạn của mình, biết dừng ở lúc phải dừng. Và dù lấy chồng không yêu thương, cuộc sống hiện tại không như ý, nhưng một khi đã làm vợ, nàng biết giữ bổn phận phải thủ tiết với chồng để duy trì sự yên ấm cho gia đình. Nàng không giống như người tiết phụ của Trương Tịch, nhận ngọc của một chàng trai xa lạ, đem giấu trong dải yếm, khi ý thức ra bổn phận phải chung thủy với chồng mới trả ngọc lại cho người, với hai hàng nước mắt tiếc rẻ:
-Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.Ðể hết luận ta có thể nói, bài ca dao NỤ TẦM XUÂN chỉ với mười câu thơ ngắn ngủi để tả một cuộc tình lỡ nhưng đã hội đủ những ưu điểm: nhạc thơ khi êm đềm, thanh thoát (ở những câu lục bát chỉ gieo toàn vần bằng), lúc lại bổng trầm nức nở (ở những câu song thất gieo hai vần bằng, trắc xen nhau); từ ngữ, hình ảnh thì giản dị trong sáng nhưng vô cùng hàm súc, gợi cảm; tình ý vừa thơ mộng thắm thiết lại vừa ngậm ngùi cảm kích … đã khiến nó dễ thấm sâu vào lòng người. Ðây quả là một bài ca dao trữ tình đặc sắc, vừa có giá trị nhân bản, vừa có giá trị nghệ thuật rất cao của dân tộc.
(nguồn tvvn.org)
Phụ Chú:
Tên Việt: tầm xuân
Tên Hoa: 野薔薇(dã tường vi), 多花薔薇(đa hoa tường vi)
Tên Anh: multiflora Rose, rambler Rose
Tên Pháp: rosier
Tên khoa học: Rosa multiflora Thumb.
Họ: Hoa Hường (Rosaceae) 薔 [qiang2] (sắc, tường) 34196 8594 (17n), 蔷 [qiang2] 34103 8537 -- 1 : Cỏ sắc. 2 : Một âm là tường. Tường vi 薔薇 (Rosa pimpinellifolia L.) một thứ cây mọc ven tường, xúm xít từng bụi, hoa cái đỏ, cái trắng, cái vàng. Nguyễn Du 阮攸 : Kế trình tại tam nguyệt, Do cập tường vi hoa 計程在三月,猶及薔薇花 (Hoàng Mai đạo trung 黃梅道中) Tính đường đi, tháng ba về tới, Còn kịp thấy hoa tường vi. 薔 [qiang2] /wild rose † 薔薇 [qiang2 wei2] /rose † 薔薇花蕾 [qiang2 wei2 hua1 lei3] /rosebud/ [Tự Điển Thiều Chửu Online & CEDICT]