Tuổi Già (TT Sưu tầm từ Internet)
Có người nói rằng: Tuổi trẻ là đóa hoa đẹp nhất trong các đóa hoa và tuổi già là trái cây ngon ngọt nhất trong tất cả các loại trái cây. Tôi nghĩ rằng nó có sự thật ở trong câu nói đó.
Khi lớn tuổi thì mình không còn gấp gáp, hối hả nữa, mình có nhiều thì giờ hơn để ngồi với những người khác và lắng nghe họ.
Tuổi già đem đến cho mình rất nhiều tuệ giác.
Tôi nhận thấy rằng những gì chướng ngại, khó khăn nhất của cuộc đời xảy ra cho mình, lại chính là những cái kích thích cho tuệ giác của mình lớn lên mau lắm.
Chúng ta không cần phải sợ hãi những chướng ngại, những khổ đau, những bất như ý của cuộc đời, tại vì chính những cái đó đem lại cho chúng ta rất nhiều tuệ giác.
Có một ông già chín mươi bốn tuổi, lớn hơn tôi tới mười một tuổi, ông là một ca sĩ nổi tiếng, ông không học Phật pháp, không tu tập nhưng ông cũng đạt tới tuệ giác là mình nên có chánh niệm về những hạnh phúc nho nhỏ trong đời sống hàng ngày.
Ông tên là Henri Salvador
Ông nói rằng: "Khi mình lớn tuổi rồi thì có những cái bất ngờ, ví dụ như khi mình đi ngủ thì thấy không có sao, nhưng lúc thức dậy tự nhiên thấy đau nhức quá chừng, nhưng mình chấp nhận, vì sự đau nhức đó là một phần của cuộc đời".
Sự thực tập của ông là để ý tới những niềm vui nho nhỏ trong đời sống hằng ngày. Nếu mình để ý thì sẽ thấy có rất nhiều niềm vui: Thức dậy vươn vai là hạnh phúc rất lớn; đi vào xả nước tắm là hạnh phúc rất lớn; ngồi vào bàn ăn sáng có một tách cà phê thơm nóng, rất là sướng; nghe tiếng mưa rơi làm cho mình thấy hạnh phúc vô cùng…
Tuy rằng Henri Salvador không thực tập chánh niệm theo kiểu của chúng ta, nhưng sống lâu thì cũng đạt được tuệ giác đó. Hiện bây giờ ông đang sống như vậy trong những năm còn lại của đời mình.
Có một người lớn tuổi khác (cũng vào tuổi đó) là một nhà văn, ông nói: "Khi tôi còn trẻ, tôi ham mê công việc hàng ngày, tôi không có thì giờ để suy tư, để quán chiếu, để thấy được những mầu nhiệm của sự sống.
Đến khi già, tôi có cơ hội để nhìn cho kỹ thì tôi thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống ở trong tôi và xung quanh tôi. Bây giờ nhìn người trẻ, tôi thấy người trẻ đang sống như tôi ngày xưa, sống hối hả, sống vội vàng, sống muốn làm cho được cái này, làm cho được cái kia, nhưng không có khả năng thấy được sự sống mầu nhiệm.
Tôi rất thương cho họ! Những người trẻ có sự tươi mát, có năng lượng của tuổi trẻ thật là đẹp, mà chính họ, họ không hưởng được. Nhưng khi sống chung với họ thì tôi lại hưởng được cái đó, tôi hưởng được sự tươi mát và năng lượng của tuổi trẻ, tại vì sự thực tập của tôi bây giờ là tôi thấy tôi trong họ".
Một nhà thơ nói: Đã là hoa xin hãy khoan là trái. Tôi nghĩ rằng tuy có một phần chân lý ở trong, nhưng theo sự thực tập của Làng Mai thì mình có thể vừa là hoa, vừa là trái.
Mình là bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa, nhưng cũng có thể là trái cây ngon nhất trong các loại trái cây. Không cần đợi đến già mới trở thành trái ngọt. Tôi thấy rằng tôi đã từng là người trẻ, tôi đã từng là bông hoa. Tôi biết bây giờ tôi đã lớn tuổi, tôi đã thành trái, nhưng tôi cũng còn thực tập làm hoa tươi mát.
Thành ra câu nói ban đầu tuy có chân lý trong đó, nhưng mình có thể sửa lại một chút, mình có thể vừa là hoa, vừa là trái. Đó là điều tôi muốn chia sẻ cho các vị: mình có thể vừa là bông hoa đẹp nhất trong các bông hoa mà mình cũng có thể vừa là trái cây ngon nhất trong các loại trái cây. Mình có thể đẹp, mình có thể tươi mát, nhưng mình cũng có thể ngọt ngào và ngon lành.
(Một Sư Cô) ----------------------------
Một bài phản hồi:
"Nghệ sĩ Henri Salvador là một nghệ sĩ người Martiniquais , ông luôn luôn có một nụ cười vui vẻ và hạnh phúc với người đối diện
Đối với người già, nên tìm cho mình một cuộc sống theo ý thích, để lúc nào tâm cũng tịnh, thì cuộc đời mới thấy đó là vui thú trước khi lên niết bàn.
Mình thấy người già ở Việt Nam được hạnh phúc bên gia đình, con cháu.
Ở hải ngoại, ai cũng chạy theo $$$ đôi khi đã bỏ quên cha mẹ lúc nào không hay. Có người biết chút ngoại ngữ, thì còn thấy đỡ chán. Có nhiều cha mẹ suốt ngày chỉ chờ có con, cháu về cùng vui, nên cuộc đời đôi khi thấy buồn tẻ. Có người bị con bỏ vào nhà dưỡng lão vì không có thì giờ chăm sóc
Cho nên cha mẹ già như chuối ba hương. Mình không làm tròn bổn phận với cha mẹ, thì làm sao mình có thể đòi hỏi con cháu mình đối đãi tử tế với mình khi mình về già.
Đạo Phật nói là "Bánh xe Luân Hồi" là ở những sự việc nhỏ như vậy đó các bạn há.
Nhỏ nhưng mấy ai làm tròn đâu" ---------------------------
Phản hồi của Thênh Thang:
TT nghĩ, khi con cháu không có điều kiện chăm sóc hay không muốn trực tiếp chăm sóc khi mình về già mà nó chịu gởi mình vô viện Dưỡng Lão là may phước cho mình lắm. Chỉ sợ nó không cho mình đi vì sợ mang tiếng. TT ao ước rằng có những viện Dưỡng Lão kiểu dịch vụ (chứ không phải kiểu từ thiện) nhưng giá mềm mềm chút, chứ giá cao quá thì tiền đâu trả; ao ước rằng chuyện vô viện Dưỡng lão ở sớm trở thành rất bình thường ở VN; ao ước rằng mình có vốn để rủ bạn bè hùn vốn mở Viện Dưỡng Lão làm dịch vụ đó luôn!
|