Thưa anh em,
Lại một lần nữa, cái ngày đáng sợ ấy sắp tới. Không thể thoát được nó, không thể hoãn được nó, không thể chận nó lại, càng không thể chạy trốn nó. Vậy chúng ta hãy cùng đứng sát vào nhau, hãy nắm chặt tay nhau, mặt cùng nhìn về một hướng (kể cả nhìn xuống đất) và đối diện với nó một cách anh hùng.
Thưa tất cả các anh em!
Có bất công không? Khi trong suốt cuộc đời vất vả, nặng nhọc đầy gian lao nhưng vẻ vang của chúng ta không có một ngày dành cho mình. Đã từ lâu, cái thế giới mỏng manh này có gần ba vạn chín ngàn ngày kỷ niệm như Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Người cao tuổi, ngày Mất điện, thậm chí có cả ngày Gà qué gì đó (phòng chống H5N1) mà vẫn làm ngơ, không dành cho đàn ông một hôm nào cả, thậm chí một giờ, một phút cũng không…
Vì sao thế?
Vì đã từ lâu, thế giới bị phụ nữ thao túng mất rồi. Từ trong nhà ra đường phố, từ công ty tời bệnh viện, phụ nữ đã tràn ngập, đã cai quản, đã ra lệnh. Chúng ta mặc gì, chúng ta ăn gì, chúng ta đi đâu, quan hệ với ai, kiếm ra tiền và cất ở chỗ nào đều bị phụ nữ kiểm soát, bắt bớ, theo dõi và tra khảo.
Vậy phụ nữ là ai?
Về bản chất, phụ nữ cũng là con người như chúng ta. Nghĩa là cũng thích ăn, thích uống, thích vui chơi và tụ tập đàn đúm (khỏan sau cùng này thì hơn hẳn). Ta thuốc lá, chị em có thuốc lá. Ta rượu, chị em có rượu. Ta cờ bạc, chị em cũng bạc cờ, ta... vân vân, chị em cũng... vân vân và nhiều cái vân vân nữa.
Sở dĩ "chúng" hơn chúng ta, làm khổ chúng ta, hại được chúng ta là vì "chúng" có những vũ khí tối tân mà chả bao giờ chúng ta có: đấy là nước da trắng, đấy là làn môi cong, đấy là mắt bồ câu, đấy là mũi dọc dừa, là giọng nói dịu dàng và tiếng cười khanh khách như xé tiền…
Mang những dụng cụ "giết người hàng lọat" như thế, xông vào đám đàn ông ngơ ngác, tội nghiệp, thiếu đoàn kết, phụ nữ đã xây dựng nên một chế độ hà khắc, một hoàn cảnh sống thật tội nghiệp: Bao nhiêu đàn ông bị giam cầm trong các gia dình, bị ăn, ngủ, xem ti vi và cả đi tắm nữa theo điều lệnh. Bao nhiêu trai trẻ (tất cả chúng ta đều đã từng trải qua thời trai trẻ) bị áp tải đi chơi, bị ép phải mua quà, bị dồn vào thế phải tặng hoa, tặng bánh sinh nhật hoặc phải chờ đợi đến mềm nhũn dưới trời mưa như rất nhiều bộ phim tình cảm của Hàn Quốc đã tố cáo. Bằng các thủ đọan quỷ quyệt như nhảy múa tung tăng, chớp chớp mắt (có gắn lông mi) và kêu thét lên mỗi khi thấy chuột, phụ nữ làm đội ngũ đàn ông tan tác, mất hết lý trí, không còn chút sáng suốt, quên mình, quên cả tiền bạc của mình.
Bằng những mảnh vải mỏng, nhẹ, gọi là áo, bằng những miếng cắt xéo, quấn bí hiểm gọi là váy, bằng những sợi dây sặc sỡ như con giun gọi là ruy-băng, phụ nữ làm chúng ta phải đầu hàng, phải sung sướng khi bị bắt làm tù binh, thà chết (và đã chết) chứ không vượt ngục. Hậu quả chính sách hà khắc của nền cai trị chuyên chế đó là trong khi chúng ta còng lưng bên máy tính, đổ mồ hôi trong nhà xưởng thì phụ nữ ngồi chểm chệ trong tiệm gọi đầu, vểnh tay làm móng hoặc ngồi gật gù quanh gánh bún riêu. Trong khi chúng ta kiệt sức vì hội thảo, vì nghe lời la mắng của sếp thì phụ nữ hào hứng lắc vòng, nằm dài trong phòng hơi nước để giảm cân. Trong khi chúng ta mất ngủ vì giá xăng dầu, giá xi măng, phụ nữ cứ vác về mà chả quan tâm tới giá tiền kem dưỡng da, kem tan mỡ và kem trị mụn (theo nguồn tin mật mà chúng tôi có được, sẽ còn hằng hà sa số các loại mỹ phẩm khác đang được nghiên cứu và sẽ sớm xuất hiện trên thị trường).
Nhân tiện đây, chúng ta cũng phải thẳng thắn phê bình và tự phê bình là chúng ta đã không có được những sự đoàn kết cần thiết trong những thời khắc quyết định của lịch sử. Ngay mới cách đây 1 năm thôi, cũng khỏang thời gian này, trong cuộc họp tại quán Lan Chín bàn về việc khởi nghĩa, chúng ta đã hào hứng là thế, đã quyết tâm là thế khi hoạch định phương án, đã say sưa là thế khi nghĩ về tương lai thoát khỏi ách kìm kẹp của phụ nữ.
Ấy vậy mà chỉ vì một cô gái ất ơ ở bàn bên cạnh sang chạm cốc, chúng ta đã phân hoá rõ rệt. Ai cũng cố nói hay về mình, cố tỏ ra mình là nổi bật nhất, thông minh nhất, đẹp trai nhất, DÌM HÀNG thằng bên cạnh để mong có được sự chú ý củ a người đẹp (lúc tỉnh sao thấy nó xấu và vô duyên thế, không bằng vợ/người yêu mình)
Hỡi anh em!
Tưởng như vậy đã tột cùng, phụ nữ vẫn không dừng lại. Chả tham khảo ý kiến, chả cần tìm hiểu sức khỏe và tiền bạc của đàn ông, phụ nữ tung ra ngày 8/3 như một ngày tổng phản công cuối cùng, nhằm quét sạch những ước mong chống đối.
Trong cái ngày dài hơn thế kỷ ấy, hàng triệu thân xác gầy gò, lóng cóng tội nghiệp của anh em chúng ta sẽ phải chúi đầu vào chậu rửa chén, rụt cổ trong giỏ thức ăn mua từ chợ, lê bước trong phòng với chổi lau nhà. Trong cái ngày kinh khiếp đó, anh em sẽ giặt tã đến mười hai giờ, bổ củi đến ba giờ, rửa tủ lạnh, khua mạng nhện, đổ rác đến đêm, những lúc giải lao thì khâu quần áo.
Anh em có sống sót qua một ngày như thế không? Chúng tôi tin là không.
Nhưng nổi loạn à? Đường lối đấu tranh củ a chúng ta đã định hướng ngay từ đầu là không mạnh động, không dùng bạo lực cơ mà!
Chạy trốn à? Chưa từng có ai chạy thoát, mà thoát là thoát đi đâu? Gặp một ách kìm kẹp khác à?
Vậy anh em hãy chứng tỏ sức mạnh của mình bằng cách làm thật tốt những gì phải làm, khiến phụ nữ kinh ngạc, hoảng sợ choáng váng: Nếu rửa bát, anh em hãy rửa sạch đến mức ba tuần sau vẫn không cần rửa lại. Nếu lau nhà, anh em hãy lau bóng tới mức con ruồi đậu xuống không bay nữa vì mãi soi gương. Nếu đi chợ, anh em hãy mặc cả ráo riết, trả giá gắt gao, mua rẻ tới độ sau ngày này, các hàng bán cá, bán gà đều phá sản.
Tóm lại, hãy dùng "gậy bà đập lưng bà". Hãy biến ngày 8/3 là ngày của chúng ta, khi đàn ông cười nói râm ran, í ới gọi nhau trong siêu thị và túm tụm ăn quà ngoài vỉa hè. Hãy làm cho phụ nữ tiếc đứt ruột và không có cơ hội nào trong giây phút ấy được sờ vào dụng cụ gia dình, được tắm mình trong không khí bếp núc hội hè. Hãy khiến các cô gái khắp nơi hiểu rằng chỉ có ý chí, sức mạnh và khả năng sáng tạo của đàn ông mới biến được một ngày thành một đời. Nếu có một lá cờ thêu chữ 8/3, chúng tôi muốn anh em giật lấy nó, cầm nó xông lên và vẫy thật cao như ngọn đuốc rực lửa.
(Sưu Tầm từ thùng rác)
|