Gió Đưa Cành Trúc La Đà Minh Vũ Hồ Văn Châm Đầu năm 1988, tôi trở về thăm Huế sau mười mấy năm trời xa cách. Trước cảnh lâu đài đình tạ cát lấp rêu phong, trước vẻ nghèo khó xác xơ của người dân Huế hàng ngày chật vật với miếng cơm manh áo, lòng tôi luống những ngậm ngùi. Cung cách đài các kiêu sa của chốn đế đô mơ mộng không còn tìm đâu ra vang bóng! Biết nói gì với những bạn đồng hành trước đây chưa một lần đến Huế nhưng lại nghe và đọc rất nhiều về Huế. Tôi chợt nhớ tới bà Tân Du, tiểu thư quan Lễ Bộ Thượng Thư Võ Liêm và là Đệ Tam Giai Phi (Tân nhân) (1) của vua Khải Định. Bà Tân Du lá ngọc cành vàng, là người của lầu son gác tía, một thời nổi danh hương trời sắc nước. Sau năm 1945, theo vận nước nổi trôi, bà Tân Du rời Đại Nội trở về với cuộc sống bình thường. Bắt đầu từ đó, bà từ giã cuộc đời vương giả kiêu sa, ăn sung mặc sướng, bước chân vào một cuộc đời mới, mỗi ngày một khó khăn chật vật vì chén cơm manh áo, nhưng luôn luôn ghi nhớ và ứng dụng câu ngạn ngữ "Giấy rách vẫn giữ lấy lề". Cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà Tân Du vẫn chịu khó giữ cho cái vẻ bên ngoài được tươm tất, dù cho phải mất nhiều công sức để che dấu cái vá chằng vá đụp bên trong. Đấy, Huế ngày nay của chúng tôi là thế đấy, hỡi những người bạn phương xa đến thăm Huế lần đầu. Vậy thì Huế ngày nay có thể được ví von như một bà già nghèo khó, thất thế sa cơ, đang cố công cố sức che đậy vẻ lam lũ bên ngoài, và mặt khác rất mực tự hào về cái phong tư thanh nhã đã được hun đúc qua những thử thách dồn dập của cuộc đời, cái phong tư tự nhiên mà có trong từng tia máu, từng thớ thịt, bởi một lẽ giản đơn : xưa kia vốn là tiểu thư ngàn vàng, là thiếu phụ vương giả. Cho nên, đến thăm Huế, xin đến với tấm lòng chân thật, đôn hậu, tấm lòng trong sáng thanh cao, để hoài niệm về những cái chân, thiện, mỹ của một thời vàng son lộng lẫy, để cảm nhận cái thơ mộng của mây tím hoàng hôn rực rỡ đằng sau màu xanh đen thẩm của dãy núi Kim Phượng, để xao xuyến với vẻ tinh khiết của những giọt sương mai ngưng đọng trong lòng sen Tĩnh Tâm đang bừng rộ nở hoa mỗi độ sang hè. Và sau hết, đến thăm Huế hay ở xa nghĩ về Huế, xin hãy trả lại cho Huế những gì của Huế. Từ thuở ấu thơ, lùi xa về trước năm 1945, cho đến tuổi trung niên, giữa năm 1975, mình trần thân trụi vào sống trong các trại tập trung cải tạo, tôi thường nghe nhắc nhở đến câu ca dao :
"Gió đưa cành trúc la đà, "Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Câu ca dao được nhắc nhở trong những tình huống khác nhau, nhưng tựu trung thì cũng vì mỗi một mục tiêu văn chương nghệ thuật, muốn tô điểm cho tác phẩm thêm phần ướt át, mượt mà. Thảng hoặc, cũng có trường hợp người ta mượn chuyện văn chương để mà châm biếm nhau, như câu chuyện "chicken soup" được gán cho một vị dân biểu khi công du nước ngoài đã có cái nhầm lẫn to lớn dịch câu ca dao trứ danh trên đây ra Anh ngữ với cụm từ Thọ Xương chicken soup! Tôi không dám tự phụ đã đọc hết sách báo Việt ngữ xuất bản trước năm 1975, nhưng tôi có thể khẳng định trước năm 1975 trên diễn đàn văn học Việt Nam, không ai đặt vấn đề câu ca dao trên không phát xuất từ Huế. Cũng có người thắc mắc về điạ danh Thọ Xương là tên một huyện thời trước ở vùng ven Hà Nội, một địa danh không tìm thấy ở vùng ven Huế và đã giải thích rằng sở dĩ Thọ Xương cùng đi chung với Thiên Mụ là vì có lẽ tác giả câu ca dao là một người sinh trưởng ở Hà Nội đã vào lập nghiệp ở Huế, nhân đi chơi trên sông Hương lúc nửa đêm về sáng, nghe tiếng chuông Thiên Mụ ngân nga bỗng cảm khái nặng lòng cố quận mà tưởng tới canh gà Thọ Xương. Sự giải thích như vậy chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho hai chữ Thọ Xương, chứ không hề muốn thay đổi ý tứ và phủ nhận xuất xứ của câu ca dao đã trở thành quá quen thuộc đối với người dân trong cả nước. Lại cũng có người cho rằng không phải Thọ Xương mà là Thọ Khương, tên một làng nằm bên bờ sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ. Sở dĩ Thọ Khương biến thành Thọ Xương là vì có người vui miệng nói trại Thọ Khương thành ra Thọ Xương, rồi vì chữ Thọ Khương khó đọc hơn, khó nói hơn nên đã phải nhường chỗ cho chữ Thọ Xương trong cửa miệng dân gian, chẳng khác gì trường hợp Phu Văn Lâu biến thành Phú Văn Lâu, hay đơn giản hơn, Văn Lâu: Trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm...
Đố ai tìm được người bình dân Huế nào nói đúng ba tiếng Phu Văn Lâu, mà đối với người thông hiểu Hán tự thì Phu Văn mới có nghĩa chứ Phú Văn thì có hay ho gì. Quá trình phát triển của sinh ngữ là như thế đấy và mấy ai thay đổi được cửa miệng dân gian. Vậy thì, cho dù là canh gà Thọ Xương hay canh gà Thọ Khương thì những vế còn lại của câu ca dao không có gì thay đổi. Cành trúc la đà trên bến nước sông Hương, tiếng chuông ngân nga từ chùa Thiên Mụ, toàn thể câu ca dao diễn tả cảnh sắc xứ Huế và tình cảm con người sống tại Huế, bất kể nguyên quán là Trung, là Nam, là Bắc. Thế rồi, sau năm 1988, từ trại cải tạo trở về, trong những ngày sống ở Sài Gòn chờ xuất cảnh, tôi có dịp đọc một số báo Việt ngữ xuất bản ngoài Bắc, sửa câu ca dao nêu trên lại như sau : Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Các bài văn bài báo này đã trích dẫn câu ca dao ấy một cách hết sức tự nhiên, xem như chưa từng có một câu ca dao tương tự đã được lưu truyền trước đó. Cũng không ai nêu lên vấn đề Thiên Mụ hay là Trấn Võ, tại sao phải đổi Thiên Mụ thành Trấn Võ. Mãi đến đầu năm 1990, tạp chí Sông Hương xuất bản ở Huế mới rụt rè đặt lại vấn đề xuất xứ của câu ca dao. Theo tác giả của bài báo, trên bờ nam sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ, có một làng tên là Thọ Khương, và câu ca dao nêu trên là lời ru quen thuộc của cả vùng ven đô đó, bất kỳ người dân nào của Thọ Khuơng, cho dù đi tận chân trời góc biển, vẫn không bao giờ quên lời ru của mẹ, của bà ngày trước văng vẳng bên tai và giờ đây đã thấm sâu vào tim, vào óc. Rồi tạp chí Sông Hương đưa ra một kết luận có vẻ dĩ hòa vi quý, hết sức nhỏ nhẹ rất là Huế, rằng như vậy là có đến hai câu ca dao, một câu là : Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
và một câu là :
Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Khuơng. Chẳng thấy ai có ý kiến gì khác. Rồi tạp chí Sông Hương bị đình bản, và ít lâu sau, trên một bức tranh chụp cảnh Hồ Tây, tôi lại thấy có in mấy câu chú thích như sau :
Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói tỏa ngàn sương, Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.
Toàn bộ mấy câu này nghe thoáng qua có vẻ xuôi tai, nhưng xét kỹ lại thì phần sau ý tứ hời hợt, không ăn khớp với phần trước về phương diện nội dung. Hơn nữa, mặt sông, mặt hồ chỉ phẳng lặng, sáng rỡ như gương khi trời quang mây tạnh, "giang tâm như kính tịnh vô trần", chứ không tài nào sông hồ lại có thể phơi bày mặt gương cho thiên hạ quang chiêm khi khói sương mù mịt. Đáng tiếc lắm thay! Câu ca dao được lưu truyền hàng trăm năm nay, đẹp đẽ và quý báu như chiếc vòng ngọc bích muôn phần hoàn hảo thì nay thêm thắt vào mấy câu đã trở thành chiếc vòng ngọc khảm vàng mười đỏ choé! Có người phụ nữ thanh lịch và cao sang nào lại chịu đeo chiếc vòng khảm vàng mười đỏ choé đó vào cổ tay. Đối với một bà già nghèo khó, thất thế sa cơ, bất cứ ai là kẻ có lòng cũng không nỡ đang tâm tước đoạt một vài vật trang sức còn sót lại trên người bà. Hãy giữ nguyên vẹn những thứ ấy, vì đó là chứng tích của một thời vàng son xa xưa, khi bà còn là thiên kim tiểu thư, khi bà còn là đệ tam giai phi. Giữ nguyên vẹn không phải là giữ nguyên cho bà làm của riêng. Giữ nguyên vẹn là vì nó đẹp quá, nó quý quá, giữ nguyên vẹn để cho mọi người của muôn đời có dịp thưởng thức. Riêng đối với con em làng Thọ Khương, xin các ngài cũng đừng khăng khăng câu nệ. Thọ Khương đã biến thành Thọ Xương, là do vua quan nhà Nguyễn (2), mà cũng là do cửa miệng người đời, mà đã là thành quả của đại khối quần chúng thì xin đừng động chạm đến. Tóm lại, trước sau cũng chỉ có một câu ca dao thôi :
Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương. Ottawa, tháng tám,1995 Minh Vũ Hồ Văn Châm
Chú giải: (1) Cửu giai : - Đệ nhất giai Phi - Đệ nhị giai Phi - Đệ tam giai Tân - Đệ tứ giai Tân - Đệ ngũ giai Tiệp Dư - Đệ lục giai Tiệp Dư - Đệ thất giai Thục Nhân - Đệ bát giai Mỹ Nhân - Đệ cửu giai Tài Nhân
(2) Ở thôn Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, cách sông đối mặt với gò Thiên Mụ là gò Long Thọ, tên cũ thời các chúa Nguyễn là Thọ Khương (Thọ Khang), đầu đời Gia Long đổi tên làm Thọ Xương, niên hiệu Minh Mạng thứ năm (1824) lại đổi làm Long Thọ Cương.
|