BÀI VIẾT CẢM NHẬN VỀ CHA Họ và tên: Trần Thị Minh Phương Lớp: 11 Văn
Đã lâu lắm rồi tôi không được gọi tiếng “cha”. Tiếng “cha” bình thường đó bây giờ đối với tôi sao xa quá! Không biết bao giờ tôi mới có thể đựơc gọi lại tiếng gọi thân thương ấy. Và cũng đã lâu lắm rồi tôi quên rằng tôi từng hạnh phúc biết bao khi có cha bên cạnh, khi đựơc sửơi ấm bằng tình cảm gia đình nồng cháy thiết tha. Quá khứ in đậm trong tôi là những tháng ngày tuyệt vời. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi chào đón ngày mới bằng buổi ăn sáng của mẹ và bản tin trên radio mà sáng nào cha tôi cũng nghe. Nhưng âm thanh phát ra từ cái radio cũ đôi lúc làm tôi bực bội. “Tivi đấy, vừa có hình vừa có tiếng có phải đặc sắc hơn không?”. Như trở thành thói quen, sáng ra là cha lại bật cái máy vừa cũ vừa khó nghe, rồi pha trà, nhâm nhi trà và nghe bản tin tong nước, tin thế giới. Còn bây giờ tôi thức dậy, buổi ăn sáng vẫn ngon đậm đà nhưng đâu rồi tiếng radio “rè rè”, đâu rồi hương trà nóng thoang thoảng? Ngày trứơc, trở về nhà sau một ngày học mệt nhọc, tôi được dịp nói: “Thưa cha, thưa mẹ, con học mới về”. Sau đó tôi lại huyên thuyên về đủ điều trong lớp cho cha nghe. Cha luôn nghe tôi nói, nghe cẩn thận và không quên nhận xét việc làm của tôi là đúng hay sai. Tôi hãy còn nhớ có lần tôi đã khóc với cha khi tôi bị điểm kém. Tôi chờ đợi biết bao lới an ủi của cha. Ngờ đâu cha tôi chỉ bảo: “Có cần phải vậy không con? Điểm số thôi mà”. Hôm ấy tôi ghét cha lắm. Tôi chỉ nghĩ cha không hiểu tôi, không quan tâm tôi. Còn bây giờ tôi mong biết bao câu nói ấy của cha nhưng không thể đựơc nữa! Ngày trứơc, mỗi chiều rảnh rỗi, cha hay kể tôi nghe về tuổi thơ của cha. Tuổi thơ không êm đầm như tôi vì cha sống trong chiến tranh bom nổ, đạn rơi. Chính những câu chuyện của cha đã khơi dậy ở tôi một niềm tự hào với sự anh hùng của dân tộc và lịch sử quê hương, đât nước. Còn bây giờ có ai kể tôi nghe nữa? Hay quyển số “chuyện kể của cha” mà tôi chỉ kịp ghi lại vài trang trong đầu sẽ gấp lại vĩnh viễn? Ngày trước và bây giờ, quá khứ và hiện tại…. Nếu có ai hỏi tôi quý nhất thứ gì. Thì tôi sẽ trả lời ngay: “Đó là kí ức”. trong kí ức của tôi có cha, có gia đình hạnh phúc, có tất cả những gì àm tôi yêu nhất. Cha tôi mãi in trong kí ức của tôi với tất cả lòng yêu thương, tôn kính. Bởi vì… cha tôi đã đi xa lắm rồi. Và những gì cha để lại cho tôi chính là kỉ niệm. Vui vẻ và êm đềm biết bao! Ngày trứơc, trong mỗi bước tôi đi chỉ có lời động viên của tôi. Còn bây giờ, trong mỗi bước đi của tôi chỉ có lời nhắc nhở của cha tư xưa vọng về. Không còn nữa nhưng hôm mưa tầm tã, cha khoác chiếc áo mưa (mà tôi luôn chê là xấu xí) đến trường chờ rứơc tôi về. Qua rồi những lần cha chở tôi và mẹ đi ăn kem trong dịp tám tháng ba. Tất cả đã đi qua hết rồi, qua mất rồi. Tôi từng là một con bé hạnh phúc khi có cha bên cạnh, đựơc cha thương yêu chăm sóc. Cha có thể không chu đáo như mẹ, song tình yêu thương của cha dành cho tôi chẳng hề thua kém mẹ. Tình yêu thương của cha mẹ đã tạo thành một lớp bọc ngoài bảo vệ, che chở tôi, tạo mọi điều kiện cho tôi phát triển. Trớ trêu thay! Hạnh phúc luôn mong manh, lúc tôi cảm nhận thấy mình vô cùng hạnh phúc là lúc cha tôi mãi mãi ra đi. Sự ra đi đó đối với tôi là một vết thương khó lành, hễ chạm nhẹ vào là lại đau buốt lên tận tim. Giờ đây lớp vỏ “yêu thương” đó đã mất đi một nửa. Tôi biết rằng tôi phải cứng cỏi và tự lập hơn vì… cha tôi không còn để dỗ dành tôi nữa. Hiện nay, lối sống phương Tây đang du nhập vào Việt Nam. Người trẻ có xu hướng muốn sống tách biệt với cha mẹ. Song dù thế nào thì đến một lúc nào đó khi thất bại hay đau khổ, khi cả thế giới này đều quay lưng với ta thì ta sẽ thấy rằng có một thứ luôn hướng về ta: vòng tay cha mẹ. Thật sung sướng biết bao khi đựơc sống trong mái ấm tình thương của gia đình. Tôi có một ao ước đối với tất cả mọi ngừơi nó thật nhỏ nhặt. Tôi chỉ mong sao có một ngày nào đó, bứơc ra khỏi cổng trường, tôi thấy cha tôi đang chờ đón tôi về nhà. Một giấc mơ không thể nào thực hiện. Tuy thế tôi vẫn cứ mong vì tôi biết rằng trên những ngôi sao kia, cha tôi luôn dõi theo tôi từng bứơc từng bước trên đoạn đường dài phía trước. “Cha ơi, con muốn đựơc gọi cha, cha ơi!”.
|